Bốn thứ gắn liền với đặc trưng của bốn mùa: Gió, sương, mưa, tuyết đều không có liên quan gì tới đảo quốc này. Ngày cuối cùng của năm 2000, phần lớn
quả địa cầu đang phải đối mặt với cơn đột kích của gió và tuyết, vậy mà
Brunei vẫn trời xanh mây trắng, dễ chịu ôn hòa.
Tiếng chuông báo năm mới vang lên, năm 2001 đã đến. Khi tiếng chuông rền rĩ, Khang Kiều đang cùng Nghê Hải Đường tham gia một party năm mới trên du thuyền. Đây là lần đầu tiên bà đưa cô tới kiểu tiệc tùng này. Mặc
một bộ trang phục được chọn lựa đặc biệt, cô đứng bên cạnh Nghê Hải
Đường, liên tục nghe thấy những câu như: “Công chúa nhỏ trông giống bà
quá”.
“Công chúa nhỏ”, danh xưng này khiến Khang Kiều cười thầm trong bụng.
Nếu đám người này biết cô phải sống cẩn thận nhường nào thì còn gọi cô
là công chúa nhỏ không.
Nhưng, tối nay Nghê Hải Đường quả thực trang điểm cho cô giống hệt công
chúa trong gia đình có tiền, được rất nhiều yêu thương và cưng chiều, ít nhất thì bên ngoài trông giống vậy.
Khi được những người đó khen, Khang Kiều làm như lời Nghê Hải Đường dạy
trước đó, nói những câu nịnh nọt như: “Cảm ơn cô, khuyên tai của cô đẹp
quá”, “Chào cô, cháu thường nghe mẹ nhắc tới cô, cô còn đẹp hơn trong
tưởng tượng của cháu nữa”.
Đêm Giao thừa năm nay, Nghê Hải Đường bừng bừng khí thế. Mỗi ngày khi
Hoắc Tiểu Phàn một khôn lớn và sự nghiệp của Hoắc Chính Khải ngày càng
phát triển, danh tiếng ngày càng nổi trội thì những người muốn lấy lòng
bà cũng ngày càng nhiều. Trong giới của họ, lời nói của Nghê Hải Đường
cũng dần dần có trọng lượng hơn.
Chiếc du thuyền mà họ đang đặt chân lên đây là của Hoắc Chính Khải, khắp thành phố này chưa có chiếc du thuyền nào khác to hơn nó.
Khang Kiều vẫn không hiểu tại sao Nghê Hải Đường lại đưa cô lên buổi
party, cho tới khi bà dẫn cô tới trước mặt một người đàn ông trẻ. Sau
khi họ giới thiệu xong và bà cố tình lấy lý do rời đi, Khang Kiều bỗng
chốc tỉnh ngộ.
Bị động ngồi lên vị trí do Nghê Hải Đường chỉ định, người đàn ông trẻ
hỏi gì cô đáp nấy. Anh ta đặt món gì lên đĩa, Khang Kiều ăn món đó. Cuối cùng, người đàn ông bỏ đi.
Buổi tiệc kết thúc, trên đường trở về, hai người ngồi một trái một phải ở hàng ghế sau. Nghê Hải Đường từ đầu tới cuối giữ nguyên bộ mặt sầm sì,
Khang Kiều thì quay mặt sang ngắm cảnh đêm ngoài cửa sổ.
Chiếc xe đi ngang qua quảng trời nơi có một chiếc màn hình khổng lồ
chiếu thẳng con số 2001 bằng chữ La Tinh. Giây phút đó, Khang Kiều dường như hiểu ra một chút về ý nghĩa của thời gian: Cứ lẳng lặng như vậy,
trong vô hình, ai đó già đi, lại có ai đó trưởng thành.
Mà cô thuộc một trong số những người đang trưởng thành.
Nếu là ăm ngoái, Khang Kiều có lẽ sẽ hỏi Nghê Hải Đường lý do đột ngột
đưa mình tham gia tiệc tùng, nhưng bây giờ cô không cần hỏi đã hiểu vì
sao.
Sự thấu hiểu này có lẽ chính vì cô đã lớn, giống như lúc đó Hoắc Liên
Ngao nói: “Khi bà ta chào bán cô ra ngoài sẽ yên tâm hơn một chút, vừa
có nhà họ Hoắc đứng sau mà cô cũng có chút sắc đẹp”.
Nhưng, Nghê Hải Đường còn sốt sắng hơn cả tưởng tượng của Hoắc Liên Ngao.
Khang Kiều đoán đây chắc chắn không phải là lần cuối cùng.
Vàng anh là loài cây được trồng nhiều nhất sau bức tường bao màu trắng
hồng. Vợ trước của Hoắc Chính Khải rất thích loài cây này. Đó là một
loài cây cao to mà cứ tới mùa hoa nở là hoa sẽ mọc kín đầu cành. Tháng
ba nở hoa, tháng năm hoa tàn, khi hoa nở, mùi hương rất êm dịu vừa lòng
người.
Thế mà thứ Nghê Hải Đường ghét nhất lại chính là mùi hoa vàng anh. Mỗi
lần đi ngang qua cây vàng anh hoa đua nhau nở, bà lại bịt mũi tỏ vẻ chán ghét.
Tháng ba, hoa đến như bao lần hẹn trước. Đây đã là năm thứ tư Khang Kiều tới Brunei. Nếu hỏi Khang Kiều năm nay và những năm trước có gì khác
biệt thì Khang Kiều sẽ nói: “Ừm, tôi đã quen một người đàn ông tên là
Chu Tùng An. Tôi đã có một người có thể ngồi nói chuyện rất lâu. Ở trước mặt người bạn này, tôi phát hiện mình không có thói quen lắp bắp. Ở
trước mặt anh ấy, tôi có thể bàn luận tự nhiên những mơ ước nhỏ nhoi
trong lòng tôi”.
Khang Kiều quen Chu Tùng An vào tháng ba. Từ tháng một đến tháng ba năm
2001, cuối tuần nào Khang Kiều cũng được Nghê Hải Đường dẫn tới các buổi party. Bà sắm sửa quần áo mới cho cô, chưa được cô đồng ý đã đọc số di
động của cô cho đám đàn ông đó. Đối với những hành vi này, Nghê Hải
Đường chỉ thản nhiên nói: “Con học trường nữ sinh, không có cơ hội tìm
hiểu bạn trai”.
Đây chính là mẹ của cô.
Bất mãn ư? Dĩ nhiên là bất mãn, nhưng Khang Kiều đã quen nghe lời Nghê
Hải Đường. Dần dần, những bất mãn đó tích tụ thành một cảm xúc nào đó.
Cảm xúc này cũng dần khiến Khang Kiều trì hoãn giờ trở về nhà.
Mỗi một lớp có lẽ đều sở hữu một kiểu học sinh điển hình: Yên lặng, ít
nói, khiến mọi người không có ấn tượng cụ thể gì, thế nên cô không có
mấy bạn bè. Con đường duy nhất để giết thời gian chính là tư viện gần
trường. Mỗi lần tan học, Khang Kiều đều dành một tiếng ngồi trong thư
viện, sau đó mới lê lết ra bến xe buýt, khi về nhà thì trời đã tối hẳn.
Cứ tới tối là Nghê Hải Đường sẽ bận rộn trang điểm, hai người sẽ bỏ lỡ
cơ hội chạm mặt nhau.
Giữa tháng ba, Khang Kiều tan học và tới thư viện như mọi lần rồi cũng làm thủ tục tại bàn đăng ký.
Ký tên xong, cô nghe thấy có người gọi tên cô.
Tiếng “Khang Kiều” vọng từ sau lưng cô. Khang Kiều vô thức dừng bước,
quay đầu lại. Người thủ thư ban nãy làm thủ tục cho cô nhìn cô cười nửa
đùa nửa thật.
Người đó cao khoảng mét tám, hơn Khang Kiều vài tuổi, da vàng mắt đen,
nói được tiếng Trung lưu loát, từ thời gian làm việc có thể suy luận anh là du học sinh làm thêm ở thư viện, trước đó Khang Kiều cũng từng tiếp
xúc với anh mấy lần.
Vừa thấy Khang Kiều quay lại, người kia càng cười đậm hơn, nụ cười khiến diện mạo tầm trung bỗng trở nên đẹp hơn một chút, ánh mắt sáng ngời,
hàm răng đều tăm tắp.
“Anh từng gặp anh, anh đoán có lẽ là em, giờ thì anh gần như có thể chắc chắn em chính là cô Khang Kiều đó rồi.” Người này nói một câu không ai
hiểu gì.
Câu nói đi cùng một nụ cười tự mãn khiến Khang Kiều cảm thấy khó chịu. Cô chau mày, bất giác cao giọng: “Anh là ai?”.
Người đó yên lặng, làm động tác tay như muốn nói “Em đi xem sách trước đi, lát nữa chúng ta nói lại vấn đề này”.
Vô lý vô cớ, ai lát nữa muốn bàn vấn đề này với anh ta chứ?
Nửa tiếng sau, Khang Kiều được thủ thư thông báo hôm nay thư viện sẽ đóng cửa sớm để bảo trì, sửa chữa.
Đi ra khỏi thư viện, Khang Kiều bỗng nhìn thấy người thủ thư ban nãy gọi tên mình, vẻ như đã đợi ở đó rất lâu rồi.
“Ban nãy chẳng phải muốn biết anh là ai sao? Không tò mò tại sao anh biết tên em à?” Anh đuổi theo.
Chỉ sau vài bước, họ đã đi sóng đôi nhau, thậm chí anh còn đỡ lấy chiếc
cặp đang đeo trên lưng cô mà không nói lý do, chỉ tự lẩm bẩm: “Nghe nói
trong cặp sách của những nữ sinh ở Bandar Seri Begawan hoặc là chỉ có đồ trang điểm, hoặc là sẽ có rất nhiều sách. Cuối cùng những cô gái đứng
đồ trang điểm trong cặp sau này sẽ lấy một người giàu có, còn các cô gái đựng sách trong cặp đều trở thành người nổi tiếng”.
Gần tới hoàng hôn, ánh chiều tà hắt xuống, kéo dài bóng người đứng bên
cạnh cô. Bóng cô thì khá nhỏ. Rẽ vào con đường phía Tây Nam, bóng anh đã trùm hẳn lên bóng cô, có vẻ rất thân mật.
Tới lúc rẽ vào đó, anh cũng đã giới thiệu xong về mình.
Khoảng một năm trước, Khang Kiều từng nghe nói về người này qua quản gia Diêu, có điều lúc đó cô vẫn chưa biết tên anh là Chu Tùng An.
Chu Tùng An hiện tại đang là sinh viên năm hai khoa Triết học của trường Đại học công lập ở Bandar Seri Begawan, có quan hệ thân thích với quản
gia Diêu, còn là mối quan hệ rất tốt đẹp. Anh có tới nhà họ Hoắc tìm
quản gia Diêu vào lần.
Chục ngày trước, Chu Tùng An khi tới nhà có vội vàng lướt ngang qua một
cô gái mặc đồng phục nữ sinh trung học. Anh cảm thấy cô gái đó trông hơi quen, rất giống một cô gái cứ tan học là tới thư viện, thích mím môi
nhìn mọi người.
Nghe tới đây Khang Kiều dừng bước: “Anh nói anh trêu tôi? Tôi không cảm
thấy anh đang trêu tôi. Vì sao muốn trêu tôi? Tôi ghét anh trêu tôi”.
Lúc đó, Khang Kiều cho rằng Chu Tùng An trêu cô là muốn giở trò.
Ai ngờ, cuộc đời của Chu Tùng An có một câu triết lý bất thành văn thế
này: Mọi nụ cười của con gái trên đời này đều là chất làm sạch không
khí, dành thời gian cho điều này thì cả hai đều có lợi.
Một người quen chưa tới nửa tiếng đã gọi cô là “Khang Kiều” rất thuận
miệng, hình dung cô là kiểu người bị bài vở cướp hết niềm vui, sưng mặt
đi vào rồi lại sưng mặt đi ra.
“Khang Kiều, em ít cười lắm hả?” Chu Tùng An hỏi.
Ngữ khí và biểu cảm của anh khi nói chuyện quá mức gần gũi, cảm giác ấm
áp của ngày tàn khiến câu nói đó trong phút chốc chọc vào trái tim cô.
Cô hướng ánh mắt về phía xa: “Vì, không có chuyện gì đáng cười chứ sao”.
Thật sự là không có. Nghê Hải Đường lên kế hoạch trước năm cô hai mươi
tuổi sẽ gả chồng cho cô, vì còn trẻ, vì có nhà họ Hoắc làm chỗ dựa, vì
cô có chút nhan sắc và một học lực không tồi.
Bà say rượu hay lảm nhảm bên tai cô rằng: “Khang Kiều, con nhất định
phải làm vợ ai đó, tuyệt đối không được làm tình nhân của ai đó. Khang
Kiều, con có biết mẹ ghét cánh cửa sau kia đến mức nào không?”.
Chẳng phải mẹ nói mẹ không hối hận ư? Chẳng phải mẹ nói mẹ biết mình cần gì ư?
Cô gái nói xong câu đó thì ánh mắt rơi vào một khoảng xa xôi vô định. Cô gái bé nhỏ, trông chỉ khoảng mười ba, mười bốn tuổi.
Trong cặp sách không có son phấn, cũng chẳng có quá nhiều sách vở, chiếc cặp sách trong tay anh rất nhẹ, cầm lên còn như trống rỗng, trơ trọi
như ánh mắt cô bé.
Năm thứ hai tới Brunei, Chu Tùng An đã quen một cô gái tên Khang Kiều.
Về sau, anh mới biết cô gái đó thật ra đã mười sáu tuổi rồi.
Cứ như vậy, chẳng qua chỉ là khoảng thời đủ cho hoa vàng anh nở rồi tàn, Khang Kiều và Chu Tùng An đã trở nên thân thiết, tới mức ngay cả Khang
Kiều cũng không lý giải nổi.
Một ngày nọ, Khang Kiều gọi điện cho Chu Tùng An, vừa nghe nói anh còn
việc khác, cô đã bày ra ngữ khí: “Em mặc kệ, anh phải tới đón em”.
Lúc đó Khang Kiều bị nhỡ chuyến xe buýt lúc năm giờ. Cô không muốn đợi
thêm một tiếng nữa. Chu Tùng An có một chiếc xe second-hand. Sau khi
ngắt máy, Khang Kiều mới cảm thấy mình và anh hóa ra đã thân tới mức ấy
rồi.
Cô tự cảnh cáo bản thân, không được quá thân thiết với Chu Tùng An, nếu
không Nghê Hải Đường sẽ giận dữ. Rõ ràng, Chu Tùng An là người “không có thân phận, không có địa vị” trong mắt bà.
Khi chiếc xe của Chu Tùng An đỗ trước mặt cô, những lời tự càm ràm đã bị vứt ra ngoài chín tầng mây. Chu Tùng An tới đón cô thật. Nhìn mà xem,
anh ấy rất nghe lời cô, phải chăng anh ấy rất coi trọng cô?
Cuối tháng năm, khi hoa vàng anh chỉ còn chút hương tàn cuối cùng, rất
nhanh, bức tường bao kia lại được thay thế bằng một mùi hoa khác.
Đầu tháng sáu, nhà họ Hoắc lại bắt đầu trở nên bận rộn: “Cậu chủ Liên
Ngao ghét người khác động vào đồ của mình, tất cả phải được giữ nguyên
như lúc cậu ấy đi”. Sau khi nói xong những lời này, quản gia Diêu thích ở đằng sau hét lên: “Nhớ đó!”.
Cậu chủ Liên Ngao của ông ấy rất cố chấp trong một vài thói quen. Sự cố
chấp này được ông ấy tôn vinh là có nguyên tắc. Ông ấy từng kiêu hãnh
nói: “Người có nguyên tắc sẽ đứng trên mọi người”.
Xa có Winston Churchill, Charles de Gaulle, gần có Vladimir Putin đều là những người có nguyên tắc.
Bầu không khí náo nhiệt ấy cũng ảnh hưởng tới Hoắc Tiểu Phàn. Cậu bé đã
tròn bốn tuổi chín tháng hỏi: “Chị ơi, cậu chủ Liên Ngao là ai ạ?”.
Khang Kiều nhớ năm ngoái nó cũng hỏi một câu tương tự.
Xung quanh không có ai, chỉ có đôi mắt hai phần trắng đen rõ ràng của thằng bé đang nhìn cô chăm chú.
Cô nói với nó đúng kiểu ngữ khí bà ngoại từng vỗ về mình khi xưa: “Hoắc
Tiểu Phàn, em họ Hoắc, cậu chủ Liên Ngao mà A Chân nhắc tới cũng họ
Hoắc”.
Đôi mắt kia chớp chớp liên hồi, rõ ràng nó chẳng hiểu cô nói gì.
“Ngốc ạ.” Cô khẽ gõ lên đầu nó: “Cậu chủ Liên Ngao chính là anh trai của Hoắc Tiểu Phàn”.
Vì không có ai nên Khang Kiều mới dám yên tâm nói câu ấy.
“Ồ.” Thằng bé bày ra dáng vẻ như nó đã hiểu.
Xung quanh không có ai, Khang Kiều vùi đầu lên đôi vai nhỏ của Hoắc Tiểu Phàn, khẽ gọi: “Tiểu Phàn!”.
Cũng không biết thằng nhỏ có nghe hay không, giọng cô càng hạ thấp hơn:
“Tiểu Phàn, em có thể bảo mẹ đừng uống rượu nữa không. Chị không muốn
nhìn thấy mẹ biến thành con sâu rượu. Mẹ hoàn toàn không nghe lời khuyên của chị, hơn nữa chị cũng không biết nói mấy câu khuyên nhủ”.
Cùng với sự bận rộn của Hoắc Chính Khải, những tạp chí lá cải bắt đầu
đưa tin ông ta và một cô gái nào đó có những cử chỉ thân mật ở nơi công
cộng, Nghê Hải Đường lại càng chìm đắm trong thế giới của men rượu.
Còn Hoắc Liên Ngao chỉ khoảng mười ngày nữa là trở về.
Mùa hè này không biết lại xảy ra chuyện gì nữa?