Khang Kiều

Chương 10: Chương 10: Năm 2013 – 2014 (10)




Sự xuất hiện của Hoắc Liên Ngao bắt đầu từ những tiếng “Đó là xe nhà ai vậy, hoành tráng quá”. Khi đó, Chu Tùng An và mười mấy người khác đang được sắp xếp vào cùng một căn phòng. Nghe âm thanh ấy, nhìn theo hướng của họ, Chu Tùng An thấy đến chục chiếc xe đen đang đỗ trước cửa nhà họ Hàn, chiếc đi đầu tiên là xe hành chính có cắm cờ Singapore, rõ ràng nó dùng để mở đường cho những chiếc phía sau.

Kế đó, Chu Tùng An liền nhìn thấy Hoắc Liên Ngao xuất hiện trong chiếc sơ mi trắng, bộ vest đen, đến tư thế cũng giống một vị khách bước lên thảm đỏ cuối cùng.

Anh có vẻ không hề gấp gáp, cho tới khi Hàn Hựu xuất hiện trước cửa lớn mới cài cúc áo vest vào, mỉm cười gật đầu với người xuất hiện, hạ vai hơi cúi xuống, rồi giơ tay trái ra.

Người đứng đầu nhà họ Hàn cũng giơ hai tay ra, cúi người chào một góc bốn lăm độ.

Ai mạnh ai yếu, vừa nhìn đã rõ ràng.

Hàn Hựu đích thân đón anh vào từ cửa.

Giây phút đó, sự xuất hiện của Hoắc Liên Ngao khiến Chu Tùng An cảm thấy an ủi chút nào. Chí ít thì, anh sẽ khiến Khang Kiều không còn thân cô thế cô.

Chu Tùng An biết mấy người nhà họ Hàn đã mời luật sư của họ tới, chỉ cần tang lễ kết thúc sẽ lập tức phân chia di sản. Người có tiền luôn kiêng kị việc đêm dài lắm mộng, họ dĩ nhiên sẽ không để cô gái tên Khang Kiều lấy đi một phần ba di sản. Có thể tưởng tượng được, khi đóng cửa lại, những lời họ nói ra muốn khó nghe cỡ nào cũng có.

Hoắc Liên Ngao xưa nay chưa bao giờ là người dễ chọc vào, điểm này Chu Tùng An đã được lĩnh hội sâu sắc từ lâu.

Singapore là đất nước điển hình cho kiểu khí hậu nhiệt đới, mưa rào nói tới là tới. Khoảng bảy, tám phút sau cơn mưa ào ạt, mặt trời lại sốt sắng ló đầu ra khỏi tầng mây.

Trong vườn nhà họ Hàn, có không ít những cây gỗ nhiệt đới có tuổi đời mười mấy năm trở lên, cao lớn, xanh tốt, rậm rạp. Giữa trưa, ánh nắng xuyên qua những tán lá, hắt xuống hai con người đi dưới.

Trên con đường rợp bóng cọ dẫn thẳng vào biệt thự nhà họ Hàn, Hàn Hựu đi trước, Hoắc Liên Ngao theo sau. Ánh nắng khiến chiếc sơ mi trắng của anh trông càng sáng và trong suốt, giống như một bức chân dung tỏa sáng.

Hấp dẫn tới nỗi rất nhiều người đều vô thức quay qua nhìn anh, nhìn anh men theo con đường râm mát, từng từng bước đi về phía hội trường tang lễ, nhìn anh cúi chào, nhìn anh quay mặt đi sau khi cúi chào.

Khi Hoắc Liên Ngao đứng trước mặt Khang Kiều, chẳng hiểu sao trái tim Chu Tùng An lại nhói lên, giống như có ai vừa đánh vào gáy mình vậy.

Sau đó, từ trong trung khu thần kinh bắt đầu truyền đạt một thứ cảm xúc vô cớ: Bất an.

Buổi trưa hôm đó, Khang Kiều nhận được một cuộc điện thoại, người ở đầu kia gọi tên cô và nói: “Khang Kiều, Hàn Tông chết rồi”.

Nghe xong câu đó, đầu óc cô bắt đầu trở nên vô tri vô giác. Từ ấy, cô giống như một con rối gỗ bị người ta giật dây, không có suy nghĩ, chỉ biết đi theo họ, đi theo những âm thanh ấy, bảo về phía Đông thì về phía Đông, bảo về phía Tây thì về phía Tây.

Rất nhiều người đi đến trước mặt cô và nói: “Đừng qua đau lòng”, thế rồi cô lại đáp lễ lần lượt từng người.

Rồi lại có một người tới trước mặt và dịu dàng khuyên nhủ cô. Đó là một giọng nam giới rất trẻ, nghe còn hơi quen thuộc.

Trong lúc cúi đầu, cô nhìn thấy chiếc quần áo thẳng tắp phủ lên đôi giày da màu xám xanh. Người này nói xong không đi ngay như những người trước đó mà dừng lại trước mặt cô. Vì sao còn chưa đi nhỉ?

Hơi nâng đầu lên một chút, Khang Kiều nhìn thấy đôi chân vừa thẳng vừa dài bên dưới chiếc quần Âu.

Cô chẳng buồn tiếp tục ngẩng lên nhìn người này. Chắc hẳn cũng không có gì khác biệt, nét mặt hoặc là cảm thông, hoặc là điềm nhiên, hoặc là mẫu mực.

Mí mắt cô nặng dần, nó khiến cô nhớ lại mình đã bao lâu rồi không chợp mắt. Gần đây cô thường mất ngủ, cũng chẳng biết nguyên do gì.

Trong lúc cô đang suy nghĩ, cả cơ thể bị đổ về phía trước. Cô tưởng mình sắp ngất xỉu tới nơi, thật ra không phải, là có người đặt tay lên lưng cô, rồi nhẹ nhàng ấn xuống.

Cơ thể tự động ngả về trước, đầu Khang Kiều dựa lên một bả vai, không khác gì cánh cửa kéo sập hai mí mắt xuống.

Dần dần, dần dần, Khang Kiều nhắm mắt lại.

Không hiểu vì sao, bả vai đang đỡ đầu cô lại dễ chịu đến thế, tới mức như lần đầu tiên được chạm vào một chiếc gối lông ngỗng từ rất lâu, rất lâu trước đây.

Một người đã quen ngủ gối gỗ như cô vừa nghe thấy thứ bảo bối tuyệt đẹp, mềm như bông đó được làm từ vô số lông ngỗng thì vui mừng khôn xiết, chỉ muốn trời tối mau mau để cô có thể dựa đầu vào bảo bối của mình.

Sau này, Khang Kiều đổi rất nhiều loại gối, chất lượng tuyệt hảo, giá cả đắt đỏ, nhưng thứ mềm mại nhất trong lòng cô vẫn là chiếc gối lông ngỗng màu tím hồng mà cô thích trước kia.

Hồi nhỏ, bà ngoại suốt ngày càm ràm: “Khang Kiều nhà chúng ta đúng là một người cố chấp giống hệt bà”. Xem ra, bà nói vậy không phải không có lý.

Lúc này đây, cô dường như tìm lại được chiếc gối tím hồng của mình. Cả cơ thể cô như co lại trong cái vỏ của một cô bé hơn mười tuổi. Lúc đó cuộc sống cũng đầy rắc rối nhưng chỉ cần ngủ một giấc là mọi phiền não đều tan biến, giống như cơn gió dài gõ lên cửa sổ mỗi đêm về, biến mất không chút giấu vết.

Chưa biết chừng…

Chưa biết chừng mọi chuyện chỉ là một giấc mộng dài vào một buổi chiều mùa hạ. Suy nghĩ này khiến đầu óc cô hỗn độn, trong lúc đó có tiếng ho khẽ của một người.

Cô mở mắt ra, cả thế giới chỉ còn lại hai màu đen trắng. Cô đứng thẳng người dậy, lùi về sau một bước, gương mặt đó cứ thế rơi vào tầm mắt không chút phòng bị.

Khuôn mặt trước mặt và khuôn mặt ngày xưa chồng lên nhau, ánh mắt đôi mày đẹp tới mức tinh xảo, khiến người ta phải nghi ngờ: Thật sự có một người đẹp như vậy ư?

Cô cứ ngây ngốc đứng nhìn như thế.

Giây phút lịch sử này như được lặp lại, lần đầu tiên Khang Kiều gặp Hoắc Liên Ngao cũng không nỡ dời mắt đi. Cô không ngờ trên thế giới thực sự có một cậu bé đẹp như vậy.

Ham mê cái đẹp là bản tính trời sinh, một giây trôi qua lại muốn nhìn thêm giây nữa.

Sau đó mẹ giơ tay véo má cô một cái, nói những lời tựa như: “Mất hết thể diện vì con rồi”. Thế là cô vội vàng cúi đầu, nhìn cậu bé đi đôi giày ngoại quốc kia lướt ngang qua trước mặt mình.

Đi sau lưng cậu ta còn có một đống người. Họ tay xách hành ly, đồ đạc của cậu ta nhiều thật, phải tới hơn chục hòm.

Người mẹ đeo lắc vàng kéo bàn tay nhỏ xíu của cô bước lên trước, dịu dàng gọi một tiếng “Liên Ngao” giống như một quý phu nhân có giáo dục.

Sau tiếng gọi đó, mẹ lại nói thêm câu gì, khi đó ánh nắng chói lọi.

Một tiếng gọi từ trong ký ức xa xôi vọng đến lập tức xé toạc thế giới đầy nắng đó.

Khung cảnh trước mắt lại sáng bừng, trong thế giới đen trắng đó Hàn Tông đang nhìn cô, đeo mắt kính, vẫn không giống một thương nhân.

Từ năm mười hai tuổi tới nay đã hai mươi chín tuổi, Khang Kiều tổng cộng đã tham gia bốn đám tang, lần lượt là: Bà ngoại, mẹ, em trai và bây giờ là…

Chồng.

Ánh mắt cô chuyển từ bức ảnh của Hàn Tông tới người trước mặt.

Hoắc Liên Ngao!

Khang Kiều đã rất nhiều năm rồi không gặp Hoắc Liên Ngao.

Buông thõng tay xuống trước, cô nói một câu: “Anh tới rồi?”.

“Ừm.” Tiếng đáp lại nhạt nhòa nhưng lại rất hợp với cô, không quá gần gũi cũng không quá xa cách.

Đôi giày da màu xanh xám di chuyển tới chỗ Hàn Hựu. Khang Kiều cúi đầu xuống, không liếc ngang liếc dọc. Vài phút sau, lại có người mới đi vào.

Sau khi thức giấc bởi tiếng mưa ngoài cửa sổ, Khang Kiều không ngủ được nữa. Cô ngồi ngẩn người trước giường nhìn tấm ảnh cưới của mình và Hàn Tông.

Trên ảnh, họ đều mặc lễ phục trắng, cả khuôn mặt của cô đã bị lớp voan che kín, không nhìn rõ biểu cảm. Anh ấy đứng sát cạnh cô, không vui không buồn, nhìn thế nào cũng không giống vợ chồng.

Cả căn phòng ngoài tấm ảnh cưới này ra không còn bức ảnh nào khác. Đây là phòng ngủ của Khang Kiều và Hàn Tông, vì nữ chủ nhân thường xuyên không có mặt nên nơi đây trông giống phòng của một người đàn ông độc thân hơn.

Sự kết hợp giữa Khang Kiều và Hàn Tông không liên quan đến tình yêu. Một người bị phản bội như cô vào một giây phút nào đó cần một bến đỗ bình yên để chữa lành vết thương, một người bao năm chìm trong nỗi đau mất bạn gái đã tới tuổi dựng vợ như an cần một người vợ không yêu mình, cũng chỉ trong vài phút đồng hồ, họ đã quyết định đến với nhau.

Chuẩn bị đám cưới, tuyên bố kết hôn và hoàn thành hôn lễ, tất cả chỉ vỏn vẹn trong ba ngày. Những người khác hình dung cuộc hôn nhân này là “thiên kim nổi tiếng ngành bán lẻ và con thứ một gia đình Logistics kết hôn chớp nhoáng”.

Hàn Tông có một công ty con ở Thượng Hải. Đến năm thứ ba sau khi họ kết hôn, Hàn Tông được phân tới đây. Cô cùng anh ấy rời khỏi Singapore tới Thượng Hải. Khang Kiều cũng tự mở một phòng làm việc của mình tại đó.

Một năm sau, Hàn Tông trở về Singapore làm việc, còn cô vì phòng làm việc nên vẫn ở lại Thượng Hải. Mấy năm đầu cô còn phối hợp tết nhất về Singapore, hai năm gần đây cô còn lười, Hàn Tông cũng không có ý kiến gì.

Khoảng nửa đêm, có một cơn mưa kéo dài tầm mười phút. Sau khi mưa tạnh, bầu không khí xung quanh càng trở nên yên ắng, sự tĩnh mịch không chút sinh khí.

Nhà họ Hàn quê gốc ở Phúc Kiến nên tang lễ cũng được làm theo tập tục quê hương, ngày mai thi thể của Hàn Tông sẽ được đưa về hỏa táng, xử lý sau thì chôn cất, cũng chín là tập tục “nhập thổ vi an*”.

*Người chết phải được chôn cất thì mới ra đi bình yên.

Từ nay, trên đời không còn người này nữa.

Khoác áo lên, Khang Kiều rời khỏi phòng.

Người trông coi linh cữu là người làm lâu năm của nhà họ Hàn. Khi Khang Kiều, họ đều đã ngủ gật. Sau khi họ ra ngoài, cả linh đường chỉ còn lại một mình cô.

Khang Kiều đứng một lúc trước linh cữu Hàn Tông rồi kéo một chiếc ghế, ngồi xuống, ngẩn người nhìn người trong ảnh, rất gần gũi mà cũng rất xa lạ.

Lần cuối cùng Khang Kiều gặp Hàn Tông là ở Thượng Hải, tám giờ tối anh ấy tới, tám giờ sáng hôm sau đã đi. Hôm đó cô làm bữa sáng cho anh ấy, anh ấy ăn rất sạch sẽ.

Anh ấy nói: “Khang Kiều, đưa anh ra sân bay nhé”.

Khang Kiều lái xe đưa Hàn Tông ra sân bay, còn chưa đến giờ lên máy bay, anh lại nói: “Khang Kiều, ngồi với anh một lát”. Trong một lát đó, anh cứ nhìn cô mãi, nhìn chán thì dưa tay xoa mặt cô, giữa “né tránh” và “không né tránh”, cô đã chọn phương án một.

Ngón tay anh từ mái tóc trượt xuống má cô, đầu ngón tay nhẹ nhàng mơn man, chất giọng nghe như đang thở dài, hết thở dài lại nói: “Em còn chẳng buồn mắng anh một trận ư?”.

Hàn Tông làm rất nhiều chuyện không hay, nhưng những chuyện cô giấu anh ấy cũng có tốt đẹp gì cho cam, thế nên, cô cảm thấy mình chẳng có tư cách gì để mắng anh.

Hôm đó, cô chỉ đáp lại anh: “Hàn Tông, chúng ta đều là người đã trưởng thành rồi”.

Ý tứ cô muốn biểu đạt không thể rõ ràng hơn nữa. Nghe xong, anh ấy vẫn chỉ thở dài. Tiếng thở dài ấy nhàn nhã, xa xôi. Dường như lúc này đây, nó đã vượt thời gian và không gian, từng ngón tay cô cũng có thể chạm được vào nó, dịu dàng, ấm áp, nhân từ như một người anh trai.

Một giọt nước mắt cứ thế rớt xuống, đây là lần đầu tiên Khang Kiều rơi nước mắt vì Hàn Tông. Qua tầng ánh sáng, cô nhìn thấy người trong ảnh đang yên lặng nhìn mình, giống như hôm đó ở sân bay vậy.

Người này không còn nữa, cũng giống như ba con người khác, không còn nữa.

Giây phút ấy, nước mắt cô như mưa rào trút xuống.

Khi cô rời đi, đường chân trời đã có những tia sáng yếu ớt ló ra. Chúng cùng với ánh đèn yếu ớt trong vườn cùng trải lên con đường nhỏ lát xi măng trắng.

Khang Kiều bước đi, khi sắp tới ngã rẽ thì có một giọng nói vọng từ bên trái sang: “Cô thật sự đóng rất đạt vai một người phụ nữ đau khổ tới tuyệt vọng khi mất đi một nửa của mình. Người không biết sự thật có khi còn nghĩ thầm trong lòng: Ừm, họ nhất định là một cặp vợ chồng ân ái”.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.