Khát Vọng Đổi Đời

Chương 4: Chương 4




Mẹ nói đúng, tại sao mình lại không vui nhỉ? Tại sao lòng mình lại không mảy may xúc động, tại sao điều đó lại không làm cho mình choáng ngợp? Nàng cố lý giải những tình cảm của mình, cố lắng nghe một tiếng nói khác trong lòng, nhưng hoàn toàn không nhận được câu trả lời mong muốn. Vẫn như trước, món tặng vật bỗng dưng từ trên trời rơi xuống chỉ gây cho nàng một sự bối rối và lo ngại không sao hiểu nổi. Thật lạ, nàng nghĩ, tại sao mình lại không vui nhỉ? Đã hàng trăm lần mình lôi từ trong bao thư ra những tấm bưu ảnh phong cảnh để phân loại, mình đã ngắm mãi không chán những bờ vịnh kỳ diệu ở Na Uy, những đại lộ rộng lớn của Paris, các vũng tàu ở Sorrento, những tòa nhà chọc trời bằng đá ở New York, chẳng phải những lần ấy mình vẫn thường thở dài khao khát hay sao? Biết đến bao giờ, đến bao giờ mình mới được nhìn thấy một điều gì đó khả dĩ thú vị. Trong những phút giây rảnh rỗi lúc sáng sớm mình đã từng mong ước cái gì ngoài nỗi khát khao đến một lúc nào đó sẽ thoát ra khỏi cái lồng khốn khổ này để quên hết những công việc vô vị hàng ngày. Đó quả là một cuộc đọ sức tuyệt vọng với thời gian. Mình mong ước giá có lúc nào đó được nghỉ ngơi một chút, được hoàn toàn sử dụng thời gian của mình theo ý muốn chứ không phải chỉ tranh thủ mỗi lúc một tí. Giá đến một lúc nào đó mình không phải nghe cái tiếng chuông đồng hồ báo thức sáng nào cũng réo bên tai. Cái đồng hồ ấy đúng là một con quái vật, luôn luôn rượt theo mình, bắt mình phải bật dậy, vội vã mặc quần áo, nhóm lò, mua sữa, mua bánh mì, hâm lại thức ăn, sau đó lại lôi mình đến chỗ làm việc, còn mình, cứ như một chiếc máy đã lên dây cót, liên tục đóng những con dấu lên phong bì rồi viết, rồi gọi điện thoại sau đó lại quay về nhà, luẩn quẩn bên tấm ván là quần áo, bên cái bếp, rồi lại giặt giũ, nấu nướng, may vá, chăm sóc người bệnh, và cuối cùng sau khi đã mệt rã người, mình lăn ra ngủ như chết. Chính trong chiếc lồng này, sau chiếc bàn này mình đã hàng ngàn lần mong ước đến điều đó và bây giờ thì ước mong ấy đang trở thành hiện thực, mình sẽ được đi du lịch, được tự do, thế mà mình lại không vui mừng. Quả thật, mẹ đã nói đúng. Tại sao lại thế nhỉ? Tại sao mình lại không sẵn sàng đón nhận điều mong ước ấy?

Christine bất lực buông người xuống, đăm đăm nhìn lên bức tường trơ trọi của văn phòng bằng cặp mắt đờ đẫn. Nàng chờ đợi, chờ đợi, không hiểu cái niềm sung sướng muộn màng ấy có đến với nàng không. Bất chợt nàng nín thở, như một người bụng mang dạ chửa cố gắng nghe những biến động trong cơ thể mình.

Nhưng chẳng có một tiếng vọng nào dội lại, tất cả vẫn trống rỗng, tĩnh lặng như một khu rừng vắng tiếng chim. Và Christine - đến nay nàng đã hai mươi tám tuổi rồi - cố nhớ lại xem thế nào là một nỗi vui mừng và nàng bỗng hoảng sợ nhận ra mình không thể nào nhớ nổi cái cảm giác ấy ra sao. Giống như một thứ ngoại ngữ đã học từ lâu nhưng giờ đây đã quên hết chỉ mang máng nhớ rằng mình đã từng biết ngoại ngữ ấy. Lần cuối cùng mình đã thật sự vui mừng vào lúc nào nhỉ? - Christine lại đăm chiêu suy nghĩ, đầu cúi xuống, trên vầng trán hiện rõ những nếp nhăn nhỏ. Dần dần giống như một chiếc gương mờ, từ nơi sâu thẳm của ký ức hiện ra một cô bé tóc xoăn, chân tay gầy guộc, mặc chiếc váy hoa ngắn cũn cỡn, sung sướng huơ huơ chiếc cặp sách trên tay… còn đây là công viên ở ngoại ô thành phố: hàng chục đứa trẻ đang chơi trò đuổi bắt chạy vùn vụt quanh nàng, mỗi lần quả bóng được ném đi, những tiếng cười lại rộ lên cùng với những tiếng la hét, và nàng nhớ rằng, dạo ấy tiếng cười sao mà thoải mái và vô tư đến thế. Dường như những tiếng cười ấy luôn luôn nằm sẵn ở cổ, luôn luôn cựa quậy ở một nơi nào đó dưới lớp da, chạy qua chạy lại va chạm vào nhau trong từng mạch máu. Chỉ cần chạm khẽ vào chúng, thế là tiếng cười không thể nào kìm giữ nổi liền bật ngay ra khỏi miệng. Dạo còn đi học, vào những giờ tiếng Pháp, nhiều lần nàng phải bám chặt vào mép bàn và cắn môi lại để khỏi bật cười mỗi khi nghe thấy một từ ngộ nghĩnh hoặc một câu pha trò ngốc nghếch nào đó. Bất cứ một chuyện vớ vẩn nào - dù đó là vẻ mặt lúng túng của thầy giáo, một nét nhăn nhó trên khuôn mặt mình khi đứng trước gương, một con mèo cong đuôi ngộ nghĩnh, chàng sĩ quan săm soi bộ quân phục của mình trên đường phố - bất cứ một chuyện nhảm nhí nào cũng làm bùng lên tia lửa để phát ra tiếng cười. Sự vô tư tinh nghịch ấy lúc nào cũng làm bạn cùng ta, ngay cả trong giấc ngủ, nụ cười cũng để lại dấu ấn trẻ trung trên những cặp môi thơ trẻ.

Thế mà bỗng nhiên, tất cả trở nên u ám tàn lụi, giống như chiếc ngòi nổ bị dập tắt đột ngột. Chuyện ấy xảy ra vào ngày mồng một tháng tám năm 1914[5]. Trưa hôm ấy nàng còn đi tắm. Như một ánh chớp bỗng lóe lên, nàng nhớ lại thân hình trắng mịn, cân đối của một cơ thể trẻ trung mười sáu tuổi với những đường cong uyển chuyển và một sức sống dồi dào lúc nàng thay quần áo trong phòng. Nàng thích thú đắm mình trong làn nước mát lạnh, vùng vẫy, xoải người bơi lội rồi sau đó chạy giỡn với đám bạn gái trên những tấm ván cầu ọp ẹp. Ngay đến bây giờ nàng vẫn như còn nghe thấy những tiếng cười đùa, la hét của đám bạn gái. Sau đó nàng chạy như bay về nhà, nàng phải giúp mẹ sắp xếp đồ đạc để hai ngày nữa lên đường đến Kamp Valley nghỉ hè. Nhảy qua hai bậc thang một, Christine lao lên gác và mở toang cánh cửa. Nhưng thật lạ… Khi vừa bước chân vào phòng và còn chưa kịp thở lấy hơi, nàng nhận thấy bố mẹ liền ngưng ngay cuộc nói chuyện và làm như không nhận ra sự có mặt của con gái. Người bố, mà trước đó một lát nàng còn nghe thấy giọng nói oang oang kỳ lạ của ông, giờ đang tỏ ra chăm chú vào tờ báo. Còn mẹ, rõ ràng mẹ vừa khóc xong đang xúc động vò vò chiếc khăn mùi soa và bước vội về phía cửa sổ. Có chuyện gì đã xảy ra ở đây? Bố mẹ vừa cãi nhau chăng? Không, sự việc chẳng giống như vậy. Nàng thấy bố bỗng quay về phía mẹ và đặt tay lên bờ vai đang run lên của mẹ. Nhưng mẹ vẫn không quay lại và đôi vai của mẹ càng run hơn khi tay bố vừa chạm vào. Có chuyện gì đã xảy ra? Bố mẹ hầu như quên hẳn sự có mặt của nàng, không người nào nhìn về phía nàng. Giờ đây, dẫu đã mười hai năm trôi qua, Christine vẫn còn nhớ lúc ấy nàng đã hoảng sợ đến thế nào. Có thể bố mẹ tức giận nàng chăng? Biết đâu nàng đã chẳng vi phạm một lỗi lầm nào đó. Quá hoảng sợ - ở cái tuổi ấy, bất cứ một đứa trẻ nào cũng đều có cái cảm giác lo sợ vì phạm lỗi - nàng lặng lẽ bước vào bếp. Tại đây bà giúp việc Božena cho nàng hay rằng, người lính cần vụ Geza ở nhà bên cạnh có nói là nhà nước vừa ra một mệnh lệnh phải bằng mọi giá đánh tan bọn Serb. Như vậy có nghĩa là anh trai Otto, vốn là trung úy dự bị cùng với anh rể sẽ bị gọi vào quân đội. Đó chính là nguyên nhân đã làm bố mẹ nàng xúc động. Sự thật đúng như thế, sáng hôm sau anh Otto bất ngờ xuất hiện trong bộ quân phục màu xanh xám với chiếc khăn quàng cổ của sĩ quan và thanh kiếm đeo trên cái thắt lưng màu vàng. Vốn là một giáo viên thể dục ngoài biên chế, thường ngày anh chỉ mặc chiếc áo khoác màu đen ít được chải là cẩn thận. Với khuôn mặt nhợt nhạt, vóc dáng gầy gò, cao ngồng, mái tóc cắt ngắn kiểu đờmi-carê và lớp lông măng màu hung nhạt hai bên má, trông anh lúc nào cũng ngộ nghĩnh đến tức cười trong bộ y phục màu đen nghiêm chỉnh. Nhưng giờ đây cặp môi mím lại vẻ cương quyết, trong bộ quân phục bó sát lấy người, anh hầu như biến thành một người khác hẳn. Christine nhìn anh với một sự thán phục thơ ngây pha chút giễu cợt, nàng vỗ hai tay vào nhau: “Ôi, lạ thật, trông anh bảnh quá!” Nhưng mẹ nàng từ trước đến nay chưa bao giờ đánh nàng một roi, liền đẩy nàng một cái làm khuỷu tay đập vào cạnh tủ đau điếng. “Mày không thấy xấu hổ à, cái đồ trơ tráo!” Nhưng cơn giận ấy không thể nào làm dịu nỗi đau âm ỉ trong lòng, người mẹ bật lên khóc, ôm chầm lấy đứa con trai với những tiếng rên rỉ đau đớn. Chàng thanh niên cố tỏ ra cứng rắn liền ngoảnh đầu đi và lẩm bẩm một câu gì đó về tổ quốc, về nghĩa vụ. Và cả bố cũng quay mặt đi, ông không thể chịu nổi cảnh ấy. Anh Otto bực mình, hai hàm răng nghiến chặt và hình như phải cố lắm mới thoát ra khỏi vòng tay của mẹ. Sau đó anh vội vã hôn lên má mẹ rồi vừa bước ra vừa bắt tay bố. Khi đi ngang qua Christine anh chỉ nói: “Anh đi nhé!” Và thế là từ cầu thang chỉ còn vọng lại tiếng lách cách của thanh kiếm. Vào lúc xế trưa người anh rể cũng đến chia tay. Anh rể là một quan chức làm việc ở Tòa thị chính, giờ đây sẽ là thượng úy phục vụ trong một quân đoàn đóng ở hậu phương. Biết rằng mình sẽ không gặp nguy hiểm, anh ta thao thao bất tuyệt về chiến tranh như về một chuyện vặt vãnh nào vậy. Sau đó để an ủi bố mẹ vợ, anh ta còn kể mấy câu chuyện vui nữa rồi mới chia tay. Nhưng hai cái bông vẫn còn ở lại: người chị dâu lúc đó đang có mang tháng thứ tư và người chị gái với một đứa con nhỏ. Giờ đây cả hai người đàn bà ấy tối nào cũng tới ăn và hình như ánh đèn mỗi ngày một nhợt nhạt hơn. Mỗi lần Christine vô ý kể một câu chuyện vui vẻ gì đó thế là bao nhiêu cặp mắt nghiêm khắc chiếu thẳng vào nàng, đến nỗi sau đó khi đã nằm trên giường nàng còn tự nguyền rủa mình mãi về tội tại sao mình lại tồi tệ, ngốc nghếch đến thế, y như một đứa con nít. Dần dần, dù không cố ý, nàng trở nên ít nói hẳn. Những tiếng cười trong nhà hầu như đã chết còn giấc ngủ cứ chập chờn, chập chờn. Thảng hoặc, vào lúc nửa đêm, nếu có tình cờ thức giấc, Christine lại nghe thấy những tiếng động nhẹ sau bức vách như tiếng những giọt nước mơ hồ đang rơi tí tách: đó là lúc người mẹ bị mất ngủ, quỳ hàng giờ liền trước bức tranh thánh và cầu nguyện cho con trai.

[5] Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ.

Năm 1915 tới, khi ấy Christine vừa bước sang tuổi mười bảy. Bố mẹ nàng như đã già thêm hàng chục tuổi. Trông bố như đang bị một căn bệnh nào đó hủy hoại từ bên trong. Khuôn mặt nhăn nheo, vàng ệch, tấm lưng còng xuống, ông đi đi lại lại từ phòng này sang phòng kia và mọi người đều hiểu rằng ông đang lo lắng cho công việc của mình. Đã sáu mươi năm kể từ đời ông nội, trong khắp Đế chế không có người nào khéo tay hơn Bonifazius Hoflehner và con trai trong việc gia công sừng sơn dương và làm những con thú nhồi rơm. Ông đã nhồi không biết bao nhiêu con thú theo yêu cầu của các ngài Esterházy, Schwarzenberg và các bị quý tộc khác. Ông làm việc cần mẫn hơn bốn năm người thợ giúp việc, suốt từ sáng sớm cho đến tận đêm khuya. Sản phẩm ông làm ra bao giờ cũng cẩn thận, đẹp đẽ. Còn bây giờ, trong thời kỳ bom đạn này, khi mà người ta chỉ bắn giết lẫn nhau thì chiếc chuông trong cửa hiệu của ông hàng tuần liền vẫn cứ im tiếng. Trong khi đó, người con dâu vẫn nằm liệt giường sau kỳ sinh nở, đứa cháu ốm lên ốm xuống mà tiền thì mỗi ngày một khó kiếm. Người thợ tài hoa trở nên ít nói, tấm lưng còng hẳn xuống cho đến một hôm ông hoàn toàn quỵ hẳn. Ấy là lúc gia đình nhận được một bức thư từ bờ biển Izonso gửi đến - bức thư đầu tiên, nhưng chẳng phải do con trai của ông viết mà lại do người chỉ huy của nó viết. Mọi chuyện thế là rõ: … Con trai ông đã hy sinh anh dũng trên cương vị người chỉ huy đại đội, mọi người vô cùng thương tiếc, vân vân và vân vân. Căn nhà trở nên lạnh lẽo, trống trải, mẹ không còn cầu nguyện như trước nữa, ngọn đèn trước bức tranh thánh đã tắt hẳn, mẹ đã quên không đổ dầu cho nó.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.