Năm 1916, Christine mười tám tuổi. Giờ đây trong nhà ai cũng nói đến chuyện giá cả đắt đỏ. Mẹ, bố, chị gái, chị dâu suốt ngày từ sáng đến tối lúc nào cũng tính toán, lo nghĩ xem làm cách nào để sống cho qua ngày, tất cả mọi nỗi lo âu, vất vả đều tập trung vào đấy. Giá thịt trở nên quá đắt, giá bơ bỗng nhiên tăng vọt, giá giày dép cũng đang tăng. Christine lo lắng đến nỗi nàng cũng không dám thở mạnh, e rằng như vậy sẽ quá tốn kém. Những vật dụng cần thiết cho cuộc sống hàng ngày như chạy trốn đi đằng nào hết. Chúng nằm chất đống trong kho của bọn đầu cơ tích trữ khốn nạn và mỗi khi cần mua một thứ gì đó là phải chạy ngược chạy xuôi, lùng sục khắp mọi chỗ: Phải năn nỉ hết hơi người ta mới bán cho một mẩu bánh mì, phải mặc cả chán chê với người bán rau vì một mớ rau ôi, phải về tận nông thôn mới mua được trứng, còn muốn có than phải tự tay đi chở lấy mãi tận nhà ga bằng xe kéo. Ngày này qua ngày khác, hàng nghìn người đàn bà lạnh cóng, đói khát cố gắng vật lộn trong cuộc săn lùng thực phẩm và mỗi ngày những của kiếm được càng khan hiếm hơn. Trong khi đó bố lại bị đau dạ dày, cần phải có những thực phẩm đặc biệt, dễ tiêu. Kể từ ngày bố dỡ tấm bảng hiệu BONIFAZIUS HOFLEHNER đi và bán cửa hiệu cho người khác, ông hầu như không nói chuyện với ai nữa, chỉ thỉnh thoảng thấy ông hai tay ôm chặt lấy bụng, và nếu như xung quanh không có ai, ông mới bật lên vài tiếng rên rỉ yếu ớt. Đúng ra thì cần phải gọi bác sĩ đến khám bệnh cho bố, nhưng việc ấy lại “quá đắt” (chính bố đã nói thế) và ông đành thầm lặng tiếp tục chịu đựng cơn đau của mình.
Năm 1917, Christine mười chín tuổi. Vào ngày mùng hai của năm mới mọi người đi đưa tang bố. Số tiền gửi tiết kiệm chỉ vừa đủ để mọi người chuyển từ bộ quần áo vẫn mặc thường ngày sang bộ quần áo đen. Cuộc sống mỗi ngày lại càng trở nên đắt đỏ. Gia đình đã phải lấy hai căn phòng cho những người chạy loạn từ Brody đến thuê, nhưng tiền nong vẫn cứ thiếu, cho dù có làm quần quật từ sáng đến tối không ngơi tay. Cuối cùng người anh chồng của bà Hoflehner đã xoay xở cho bà được một chân thợ giặt ở trạm quân y Korneuburg, còn cô con gái Christine thì làm nhân viên đánh máy trong một văn phòng. Công việc cũng chẳng đến nỗi nào nếu như Christine không phải dậy quá sớm và sáng nào, chiều nào cũng bị lạnh cóng trong toa tàu không được sưởi ấm để đến chỗ làm việc xa lắc xa lơ. Sau đó lại còn phải dọn dẹp, may vá, giặt giũ cho đến lúc mụ mẫm cả người, không còn muốn suy nghĩ, mong ước điều gì để rồi lại thiếp đi trong một giấc ngủ nặng nề mà có lẽ tốt hơn là sau giấc ngủ ấy không nên tỉnh dậy nữa.
Năm 1918, Christine đã hai mươi tuổi. Chiến tranh vẫn kéo dài, vẫn chẳng có dù chỉ một ngày được tự do, thoải mái, vẫn chẳng có thời gian dù chỉ để ngắm mình một lát trong gương hoặc dừng chân nghỉ ngơi một tí nơi ngõ hẻm. Mẹ bắt đầu than phiền về đôi chân bị phù lên vì phải làm việc trong căn phòng ẩm ướt, nhưng Christine chẳng còn sức đâu mà quan tâm đến. Nàng đã chai sạn với mọi nỗi bất hạnh, đã trở nên mụ mẫm kể từ khi hàng ngày phải đánh máy đến bảy tám mươi bản báo cáo về những người bị thương nặng. Thỉnh thoảng có một chàng trung úy từ Banat về, khập khiễng trên đôi nạng vì chân trái đã bị dập nát ghé vào văn phòng của nàng. Đó là một chàng trai bé nhỏ với mái tóc màu vàng ánh kim như lúa mì và khuôn mặt rụt rè trẻ măng như một đứa trẻ nhưng trên đó đã in hằn dấu vết của những nỗi khiếp sợ. Bằng giọng Swabia, anh ta kể cho nàng nghe về nỗi nhớ nhà, về làng quê, về những con chó và con ngựa. Một đứa trẻ tội nghiệp. Có một lần vào buổi chiều họ hôn nhau trên chiếc ghế đá trong công viên. Hai, ba cái hôn uể oải ấy giống như một sự thương hại hơn là một tình yêu. Sau đó người thanh niên ngỏ ý muốn cưới Christine làm vợ khi chiến tranh kết thúc. Nàng bỏ qua những lời tỏ tình ấy với nụ cười mệt mỏi trên môi, nàng không dám nghĩ rằng đến một ngày nào đó chiến tranh sẽ chấm dứt.
Năm 1919, Christine hai mươi mốt tuổi. Đúng là chiến tranh đã chấm dứt. Trước kia nàng đã phải sống thu mình lại trước những mệnh lệnh, chỉ thị tới tấp trút xuống đầu mình, trước những tờ giấy bạc lạm phát mới tinh và những tờ công trái chiến tranh. Giờ đây nàng đã bỏ ra khỏi nơi ấy nhưng với cặp mắt trũng sâu và chiếc miệng há to đói khát, độc địa, nhai ngấu nghiến tất cả những gì còn sót lại sau chiến tranh. Cũng giống như những bông tuyết từ trên trời rơi xuống, dù chúng có bao nhiêu đi nữa, hàng trăm nghìn, hàng triệu, nhưng mỗi một bông tuyết nhỏ ấy sẽ bị tan ngay thành nước khi vừa đậu xuống một bàn tay nóng ẩm. Trong khi anh đang ngủ thì đồng tiền lại mất giá, trong khi anh đang thay đôi giày há mõm bằng đôi guốc gỗ để chạy vội ra cửa hàng thì nắm giấy bạc đã chẳng còn giá trị gì nữa, lúc nào cũng thấy người ta chạy ngược chạy xuôi, nhưng hình như chẳng kịp làm một việc gì. Cuộc sống trở thành một bài toán số học hóc búa, trở thành những phép cộng, phép nhân, thành một vòng tròn điên loạn với những con số và cái vòi rồng khủng khiếp ấy đã nuốt chửng tất cả mọi thứ bằng vàng đang gài nơi ngực mẹ, đến chiếc nhẫn cưới trên ngón tay hay tấm khăn trải bàn Damask. Nhưng dù có ném bao nhiêu vào cái mõm ấy thì cũng không thoát khỏi cảnh tối nào cũng ngồi đan len thuê cho đến tận khuya, phải dành hết phòng để cho thuê còn chính hai mẹ con thì ngủ trong bếp. Chỉ có giấc ngủ là thứ duy nhất con người được toàn quyền sử dụng không phải trả một xu nào. Vào những giờ khuya khoắt này có thể tự do duỗi tấm thân mệt mỏi, gầy guộc và vẫn còn trong trắng của mình trên tấm đệm để có thể quên đi trong sáu, bảy giờ ngày tận thế đang ở ngay trước mắt.
Sau đó là đến những năm 1920 - 1921. Lúc ấy Christine đã hai hai, hai ba tuổi, cái tuổi đẹp nhất của thời con gái như người ta vẫn thường nói. Nhưng chẳng có ai nói với nàng về điều ấy cả mà chính nàng thì cũng không biết. Suốt từ sáng đến tối chỉ có một ý nghĩ duy nhất là làm sao thu vén cho cuộc sống khá hơn trong khi tiền kiếm được thì mỗi ngày một ít. Tuy nhiên cũng có một chuyện làm nhẹ bớt nỗi vất vả của nàng, đó là việc ông bác lại ra tay giúp nàng một lần nữa. Ông đã tự mình đến thăm một người bạn (cùng hội cờ bạc) hiện đang làm trong ban giám đốc bưu điện để xin cho nàng vào làm việc trong trạm bưu điện Klein-Reifling lúc ấy đang thiếu người. Trạm bưu điện nằm ở một làng hẻo lánh chuyên trồng nho. Chỗ ấy cũng chẳng ngon lành gì nhưng dù sao thì cũng có một công việc ổn định, còn sau thời gian tập sự mọi việc có thể sẽ khá hơn. Số tiền lương ít ỏi may ra chỉ đủ cho một người, song ở nhà ông anh rể không còn chỗ vì vậy Christine đành đón mẹ về ở với mình. Vẫn như trước, ngày nào cũng bắt đầu bằng việc cộng sổ xem còn lại bao nhiêu tiền. Mỗi một que diêm, một hạt cà phê, một dúm bột cũng đều phải đắn đo, cân nhắc. Nhưng dù sao đi nữa thì vẫn còn có thể thở được, vẫn còn có thể lần hồi qua bữa.
Rồi đến những năm 1922, 1923, 1924. Khi ấy Christine đã bước sang tuổi hai tư, hai lăm, hai sáu. Nàng vẫn còn trẻ chăng hay đã già rồi? Nơi đuôi mắt đã xuất hiện những vết nhăn nhỏ, thỉnh thoảng lại cảm thấy đôi chân rã rời, mệt mỏi, còn cứ đến mùa xuân không hiểu tại sao đầu lại bị đau nhức. Mặc dù vậy cuộc sống vẫn tiến lên phía trước và mỗi ngày một cảm thấy dễ chịu hơn. Cầm đồng bạc trong tay người ta đã bắt đầu cảm thấy sức nặng của nó. Christine đã được công nhận chính thức là “người trợ lý ngành bưu điện”, còn ông anh rể tháng tháng vẫn gửi cho mẹ ít tiền. Giờ đây chính là lúc để trở lại cái thời con gái mà nàng đã bỏ lỡ, tất nhiên là phải từ từ, không được vội vã. Cuối cùng, bà đã bắt được nàng ghi tên vào một lớp học khiêu vũ ở làng bên cạnh. Nhưng những chuyển động có nhịp điệu ấy đối với Christine chẳng phải là chuyện dễ học. Nàng rất mau mệt, các khớp xương cứ cứng đờ như bị tê cóng mà âm nhạc cũng chẳng thể nào làm chúng ấm lên được. Christine đã cố học thuộc những bước nhảy phức tạp, nhưng chúng hoàn toàn không cuốn hút nàng và lần đầu tiên trong đời nàng mang máng nhận ra rằng tất cả những việc ấy đã quá muộn rồi, chiến tranh đã chà đạp, giày xéo tuổi trẻ của nàng không thương tiếc. Và những người đàn ông - hình như có một điều gì đó đã mách bảo cho họ - cũng cảm thấy điều ấy. Không có người nào theo đuổi nàng một cách chân thành, mặc dù khuôn mặt nàng nhìn nghiêng trông rất có vẻ quý phái và nó nổi bật lên giữa những khuôn mặt đỏ hồng, tròn vành vạnh của các cô gái nông thôn. Song đám thiếu nữ choai choai mới lớn lên sau chiến tranh lại có cách xử sự khác hẳn. Những cô gái mười bảy, mười tám tuổi ấy không còn lặng lẽ, kiên trì chờ người ta đến lựa chọn và tán tỉnh mình nữa. Họ cho rằng họ có quyền tận hưởng mọi lạc thú trên đời. Chẳng những thế họ còn đòi hỏi điều đó với một sự hăng hái khác thường, dường như ngoài hạnh phúc của chính mình họ còn muốn hưởng cả phần của hàng trăm ngàn người trẻ tuổi khác đã chết trong chiến tranh. Với một sự sợ hãi kỳ lạ, người con gái hai mươi sáu tuổi kia ngắm nhìn những kẻ đại diện trẻ tuổi của một thế hệ mới, đầy tự tin và rất khó tính. Những cặp mắt thông minh và ngạo mạn, những cặp mông khêu gợi, những tiếng cười the thé bật ra không chút ngượng ngùng khi đám con trai sỗ sàng chạm vào người họ. Cô nào trước khi về nhà cũng rẽ vào rừng cùng với một người đàn ông. Christine không thể nào chịu được cảnh ấy. Nàng cảm thấy mình như một bà già mệt mỏi, bạc nhược và vô tích sự giữa đám thiếu nữ thô tục, tham lam mới lớn lên ấy. Nàng không muốn và cũng không đủ sức để ganh đua với họ. Nói chung nàng không còn muốn nỗ lực phấn đấu cho bất cứ một chuyện gì nữa. Chỉ cần được sống yên tĩnh, thầm lặng chịu đựng những giọt nước mắt của chính mình, hoàn thành công việc được giao, sáng sáng tưới nước cho những chậu hoa trên cửa sổ, ngoài ra không còn mong muốn ước ao một điều gì khác. Christine chẳng muốn có điều gì xáo động trong cuộc sống của mình, ngay cả quyền được hạnh phúc, niềm hạnh phúc của cô gái hai mươi sáu tuổi đã bị chiến tranh cướp đi suốt mười năm qua, nàng cũng không đủ sức mà đòi hỏi nữa.