Khi Trời Gặp Đất

Chương 7: Chương 7




Thoáng cái đã đến tháng tám, trời nóng bức, nhiệt độ cao bao trùm toàn thành phố. Gia Ưu xách túi có vài chai nước suối và hai hộp kem đi từ trong cửa hàng 24 giờ bước ra, lóa mắt vì ánh sáng chói chang. Cô mặc áo phông màu trắng, quần bò, chân đi đôi dép lê hiệu Havana, tóc quấn gọn cao bằng chiếc bút chì.

Cô sải bước băng qua đường, đi về phía khu nhà chung cư, chào một cô đang phơi chăn ngoài sân. Sau đó chui vào một căn phòng nhỏ tí ở phía Bắc.

Đóng cửa vào, ánh sáng rực rỡ bên ngoài bị ngăn lại. Cô đặt nước lên trên bàn, lấy một hộp kem cho mình, hộp còn lại đẩy về phía người đàn ông đang quỳ bên ô cửa sổ bé tẹo: “Tôi kiểm tra rồi, xe đã đi cách đây nửa tiếng, bên trong không có động tĩnh gì. Nghỉ chút đi, ăn cái này vào”.

Đàm Áo không làm khách giơ tay ra nhận luôn, căn nhà thuê tạm này không có điều hòa, chiếc quạt con cóc đang chạy ì ạch. Nhìn qua biết ngay là đồ cổ lỗ sĩ, có từ lâu lắm rồi. Thời tiết này cái quạt ấy gần như không có tác dụng, ngồi chưa được tiếng đã thấy nóng nực chẳng khác gì đang ở trong lò nướng. Cả người toát mồ hôi, chảy ròng ròng.

Mở nắp hộp kem ra, xúc từng thìa nhỏ cho tọt vào trong miệng thấy sảng khoái hẳn. Đàm Áo ngoẹo đầu nhìn Gia Ưu đang lên mạng: “Này, chúng ta cứ ngồi theo dõi ở đây liệu có bắt được thỏ không nhỉ?”.

“Được chứ, miễn là phải kiên nhẫn”. Cô nói ít nhưng hiểu nhiều, tập trung đầu óc vào chiếc máy tính xách tay. Một tháng trước họ nhận được thông tin, thời gian gần đây có một quán ăn chuyên kinh doanh động vật quý hiếm như tê tê, thằn lằn, chim ngói rừng. Sau một thời gian bận rộn, họ đã điều tra được địa điểm vụ mua bán động vật quý hiếm gần đây nhất là ở kho hang đối diện.

Thế là cô và Đàm Áo ngồi đây theo dõi, đợi vụ mua bán tiếp theo sẽ bủa lưới.

“Cô đang làm gì đấy?” Ăn xong, vứt vỏ vào trong thùng rác, anh tò mò ló đầu ngó nghiêng.

Gia Ưu không giấu giếm, quay máy tính về phía anh: “Mấy hôm trước, tôi nhờ cậu Tề làm giúp một đoạn phim hoạt hình để tuyên truyền. Cậu ấy vừa gửi đến đây này, anh xem thế nào, cho ý kiến đi”.

“Cô nghĩ chu đáo thật, định bao giờ phát sóng? Đã báo cáo với Trưởng ban chưa?” Đàm Áo nhiệt tình xem đoạn phim.

“Không. Tôi muốn đưa lên mạng, như vậy có nhiều người biết hơn và thông qua số lần xem biết ngay được số lượng”. Đoạn phim khá dài, nên muốn phát sóng phải được sếp phê duyệt. Cô không muốn chờ đợi, cô đã đăng ký rất nhiều trang web trên mạng để post lên.

“Cô làm khá đấy, rất xúc động. Tại sao cô lại nghĩ ra làm phim hoạt hình kiểu này nhỉ?”. Đàm Áo ấn nút xem lại từ đâu.

Cô cười cười: “Là ý kiến của Thiếu Hàng đấy. Anh ấy nói cư dân mạng chủ yếu là thanh niên, đoạn phim nên nhẹ nhàng sẽ nhiều người xem và như vậy sẽ thành công”.

Đàm Áo như nhớ đến việc gì vui vẻ, cười ha hả và nói: “Trước kia cậu ấy rất thích vẽ những loại này. Có lần tôi vô tình làm rơi cuốn tập vẽ cậu ấy định tặng cô xuống hồ nước, suýt nữa bị no đòn đấy”.

Gia Ưu nhướn mày hỏi: “Có chuyện ấy sao?”.

“Lại không nữa! Chắc cô không biết cậu ấy bủn xỉn thế nào đâu nhỉ?” Đàm Áo vui mừng khôn xiết khi nghĩ đến những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường. “Tôi còn nhớ, ngày hôm ấy mấy học sinh nam chúng tôi ra sân đá bóng, có một người bị đau bụng nên chạy biến đi. Vừa hay thấy Thiếu Hàng đi ở cung Thiếu nhi ra nên tóm ngay thế chân. Nhưng cũng chỉ đá được nửa trận thầy giáo lại gọi cậu ấy đi mất, quên cả cầm cặp, nhờ tôi bảo Gia Ưu mang về. Tiếc là hôm ấy Gia Ưu không đi học nên tôi phải cầm cho cậu ấy. Định bụng cầm vào lớp học, nhưng đi ngang qua hồ bị mấy cậu bạn xô rơi cả cặp xuống hồ”.

Nói đến đây lại cười ha hả: “Tôi và mấy cậu bạn phải lội xuống hồ mò mẫm, vác được cặp lên phải mở ra cho các thứ ra phơi khô. Trời ạ, những bài kiểm tra toán, vật lý toàn được điểm 10, làm chúng tôi ghen tị chết đi được. Đứa nào đứa đấy luôn miệng nói Thiếu Hàng không phải là người trần mắt thịt…”.

Gia Ưu cũng cười hùa theo: “Rồi các anh thấy sổ ghi chép của anh ấy đúng không?”.

“Phải đấy… lại lạc đề rồi… cuốn sổ ấy hình như sau này ngại nên cậu ấy không đưa cho cô đúng không? Ngâm nước nát bét rồi còn gì, dày lắm, chẳng biết là vẽ bao lâu rồi”.

Gia Ưu hào hứng hỏi: “Vẽ gì ấy nhỉ?”.

“Tôi không xem kỹ lắm, hình như là một câu chuyện gì gì đó, hình như là thiên sứ và ác quỷ à?. Buồn cười chết đi được. Không ngờ cậu ấy lại nghĩ ra chiêu này để theo đuổi cô”.

“Thiên sứ? Ác quỷ?” Gia Ưu ngẫm nghĩ: “Là gì nhỉ?”.

“Tôi cũng không biết”. Đàm Áo cười đủ rồi, quay sang cầm chai nước mở nắp tu ừng ực.

Tiếng chuông điện thoại đổ dồn không biết ở chỗ nào. Đàm Áo nhìn quanh quẩn, quay đầu thấy Gia Ưu đang ngẩn ngơ, vội nhắc nhở: “Này, hình như chuông điện thoại của cô đấy”.

Gia Ưu trấn tĩnh lại, vội nhấc chiếc túi ở trong góc nhà mở ra: “A lô, Đóa à?”.

“Ưu ơi, làm thế nào bây giờ, chó mèo ở Trung tâm hỗ trợ đang bị đưa đi rồi!”.

“Sao?” cô hỏi theo bản năng.

Đóa lo lắng như sắp bật khóc: “Con trai cô Giám đốc Trung tâm bán hết chó mèo cho chủ buôn rồi. Sáng tớ đi sớm, giờ quay lại không thấy con nào cả. Chúng bị chở đi rồi, tớ đang đuổi theo xe đây này”.

“Ở phố nào hả? Tớ sẽ qua ngay”. Gia Ưu vội đứng dậy lao ra ngoài và ra hiệu cho Đàm Áo đi theo mình.

“Đường Giang Tân, cách trạm xăng mấy kilômét”.

Xe lao trên đường như chớp.

Đàm Áo ngồi ghế bên cạnh hai tay nắm chặt vào tay vịn, tim đập thình thịch. Đầu anh căng lên như dây đàn, nhưng cũng thấy phiêu phiêu. Đã lâu lắm rồi anh không trải qua những giây phút hưng phấn xen lẫn lo sợ như thế này.

Trước kia mỗi khi đi tác nghiệp, anh luôn làm tài xế. Nhưng lần này Gia Ưu chủ động không lấy xe của Đài, mà lái xe riêng của cô. Anh không rõ chuyện gì xảy ra, vội vội vàng vàng ngồi vào ghế bên.

Mới đầu xe còn chạy trong ngõ phố chật hẹp nên không có cảm giác gì, nhưng ra đường cao tốc mắt anh cứ tròn xoe kinh ngạc. Phong cảnh bên đường lướt qua vùn vụt, gió thổi rin rít bên tai nhắc nhở anh: Trời, tốc độ xe!

Trời ạ, phải có can đảm kinh người và tự tin đến mấy mới dám lái xe với tốc độ này chứ.

Bất giác anh quay đầu nhìn người bên cạnh. Ở góc này chỉ nhìn được khuôn mặt nghiêng nghiêng, đôi môi mím chặt… tất cả toát lên sự kiên nghị, chăm chú. Cặp lông mày thanh tú không hề nheo lại, không chút gì lo lắng, đôi tay thon dài nắm chắc lấy vô lăng rất thành thạo.

“Trì Gia Hảo” lúc này hoàn toàn khác với ngày thường.

Đàm Áo ngẩn người ra và thấy sao có gì quen thuộc thế?

Cô ấy rất giống một hình bóng ấy trong ký ức của anh. Tim anh đập thình thịch như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực.

Hơn nửa tiếng sau cô gặp Đóa ở trên đoạn đường Giang Tân. Đóa đang đứng ngay sau chiếc xe tải bên lề đường, mắt trừng lên như đang lớn tiếng tranh cãi gì đó kịch liệt với chủ xe. Chỉ có điều Đóa đẹp quá, người lại thanh mảnh nên cố tỏ ra hung dữ cũng không dọa được ai.

Chỉ có Gia Ưu mới nhận ra Đóa đang rất giận dữ.

Đạp phanh, tắt máy, hai người xuống xe thật nhanh. Đến nơi nghe thấy giọng Đóa đang rất kích động: “Chúng là của Trung tâm bảo trợ của chúng tôi. Tôi là chủ của chúng, chứ không phải chúng vô gia cư nhé. Anh dựa vào đâu mà đưa chúng đến lò mổ hả?”.

“Cô đang nằm mơ à?” Chủ xe là một người đàn ông đẫy đà, thâm thấp, trạc 30 tuổi, mặt bóng toàn mỡ. Khuôn mặt tròn xoe chẳng khác gì quả bóng, lại nở nụ cười thô tục: “Này, tao bỏ tiền ra mua lũ chó trên xe này đấy, giờ ta là chủ của chúng nhé. Tao muốn chúng sống chúng được sống, muốn chúng chết là chúng phải chết. Chẳng hiểu chúng mày chui ở đâu ra cản đường làm ăn của tao, có tin tao cho mày…”.

“Ăn nói giữ mồm giữ miệng đi!” Gia Ưu tức giận quát lên, cô nắm lấy đôi vai của Đóa nhìn chăm chú. Tóc Đóa rối bung lên, quần áo dính bụi, còn lại mọi thứ vẫn bình thường. Lúc này cô mới thở phào nhẹ nhõm: “Cậu không sao chứ?”.

An Tiểu Đóa lắc đầu: “Hắn không chịu trả chúng cho tớ”.

Đàm Áo đứng chắn trước hai cô, nhìn biển số xe rồi ừm một tiếng: “Hóa ra ở tỉnh ngoài đến đây thu mua chó cơ đấy”.

Gã béo cười gằn: “Đừng có chọc mõm vào chuyện của người khác! Lũ chó này tao mua bằng tiền thật đấy, cần gì phải quan tâm tao từ đâu đên chứ”.

Đàm Áo quay đầu nhìn Tiểu Đóa thất ánh mắt cô lóe lên sự tức giận, nhưng không lên tiếng nói lại. Đàm Áo ngạc nhiên hỏi: “Bán cho hắn thật à?”.

Cô mím môi rồi nói: “Con cô Lưu làm đấy, bán cho hắn giá 10.000 tệ, em và cô Lưu cả hai đều không biết việc này”.

“Mấy người đúng là rảnh rỗi quá nên mới quan tâm tới lũ chó mèo này? Đúng là no cơm ấm cật!” Hắn ta đắc ý, khuôn mặt béo ụ đầy thịt rung lên theo nụ cười khoái trá.

Gia Ưu đứng bên cười nhạt nói: “Đàm Áo, đừng có phí lời với hắn. Chụp xe đi, chụp nhiều vào”.

Tuy không hiểu ý của cô, không nói nhiều, anh quay ra chụp ảnh luôn.

Gã béo hỏi có vẻ lo lắng: “Cô định làm gì?”.

Gia Ưu cười nhạt: “Thùng xe của anh cao quá mức, chí ít cũng cao hơn quy định một mét. Anh cũng tham ra trò đấy”.

Sắc mặt gã béo thay đổi hẳn: “Mẹ mày, đừng có nói huyên thuyên…”.

“Lại còn đèn hai pha nữa chứ”. Gia Ưu liếc nhìn nói: “Cẩn thận đấy, đi đêm nhiều sớm muộn cũng gặp ma đấy”.

“Mẹ nó, tao không có thời gian chơi với lũ điên chúng mày nhé!”. Gã béo tức tím mặt, giơ tay ra giật chiếc máy ảnh. Đàm Áo vội ngăn lại, hai người chẳng mấy chốc đánh lộn nhau.

Gia Ưu đẩy Đóa sang một bên, rồi đứng chặn tay phụ xe gầy gầy đang lao từ buồng lái xuống. Cô giơ chân đạp một cái, không ngờ mạnh quá khiến hắn lùi lại vài bước, suýt nữa bệt mông xuống đất.

Tay phụ xe đau quá, mắt vẫn đỏ, không nhịn nữa xông thẳng về phía cô. Cô ung dung quay người, tay trái khóa chặt tay hắn rồi đẩy mạnh, hắn đau quá kêu thất thanh. Cô không để cho hắn có cơ hội nghỉ xả hơi, vội giơ chân lên đạp hắn đưới gót chân mình. Động tác của cô nhanh nhẹn, gẫy gọn và thành thục.

“Đóa à, gọi công an đi!” Gia Ưu lớn tiếng gọi.

Đóa thần người ra nhìn, lúc này mới hoàn hồn móc điện thoại bấm 110. Gã béo thấy tình hình không ổn liền nói: “Khoan đã, đừng gọi công an nữa. Có gì chúng ta thỏa thuận với nhau”.

Gia Ưu ừm một tiếng rồi nói: “Chả có gì thỏa thuận cả”.

Gã béo tím mặt nói: “Lũ chó này tao sẽ trả lại với điều kiện bảo thằng kia trả tao 10.000 là xong”.

“Được thôi, giờ ngươi lái xe về Trung tâm, về đến nơi bọn tao sẽ trả tiền”.

Gã béo đứng yên nhìn chằm chằm vào chiếc máy ảnh trong tay Áo.

Gia Ưu cười cười: “Yên tâm đi, không ai thích rắc rối cả. Bọn tao không phải là cảnh sát giao thông đâu mà lo”.

Hai tên buôn chó lặng lẽ lên buồng lái rồi lái xe về Trung tâm hỗ trợ. Gia Ưu ghé qua một ngân hàng gần đó rút 10.000 đồng để tống cổ chúng đi.

Cô Lưu than thở suốt: “Cũng tại tôi cả, tôi dạy con không nghiêm. Giờ nó cầm tiền bỏ đi rồi, số tiền ấy tôi chưa có ngay được. Làm sao bây giờ?”.

“Không sao đâu cô. Số tiền này coi như tôi quyên góp”. Gia Ưu an ủi và nói thêm: “Nhưng việc này không nên tái diễn lần nữa. Không phải lần nào cũng gặp may như thế này đâu ạ”.

“Ừ, cô biết. Cô nhất định sẽ dạy dỗ cái thằng con trời đánh ấy”.

Đóa tiễn Gia Ưu và Đàm Áo ra khỏi cửa. Đàm Áo im lặng suốt, còn Tiểu Đóa nhìn nhìn Gia Ưu định nói rồi lại thôi.

Gia Ưu móc điện thoại ra bấm số. Hai người chăm chú lắng nghe cô nói chuyện.

“A lô, có phải đội cảnh sát giao thông 3 không? Tôi phát hiện một chiếc xe hàng thay đổi kích cỡ trái với quy định, biển số xe là… các anh ghi lại đi ạ… phải đấy ạ…”.

Nói xong cô gác điện thoại lại, quay ra thấy hai người đang ngẩn ngơ nhìn mình cười cười: “Hắn sửa quá quy định nên nguy hiểm lắm. Tớ làm thế cũng là nghĩ cho sự an toàn tính mạng của mọi người”.

Gia Ưu về đến nhà đã hơn 8 giờ tối.

Đến cửa cô gặp ngay chị giúp việc mới. Đây là một phụ nữ trung niên, thân hình hơi đẫy đà, mặc chiếc áo phông màu xanh, quần bò xanh thẫm, tươi tắn và hiền lành.

Nhìn thấy cô nhanh nhảu chào ngay: “Chào em, chị đang định đi về. Chị nói với chồng em rồi, khoảng 6 giờ chiều mai chị đến. Ở ngoài em xinh hơn trong ảnh nhiều lắm”.

Gia Ưu cảm ơn rồi hàn huyên vài ba câu, nhìn theo bóng chị giúp việc đi đến thang máy mới bước vào nhà.

Thiếu Hàng đang ngồi đọc báo trên ghế sô pha, hai chú cún đang chơi quẩn quanh bên chân anh. Một con hì hụi leo lên chân, một con tìm cách trượt xuống dưới.

Gia Ưu thấy hay hay, tiến đến ghế sô pha nhìn. Mãi đến khi anh gõ gõ vào đầu cô thì cô mới dựa vào lưng anh than vãn: “Hôm nay mệt quá anh ạ, cũng may là được việc!”.

Sau đó cô kể lại chuyện đuổi theo xe bán chó lúc ban ngày.

“Em làm được đấy, đúng là nữ anh hùng!” Quan Thiếu Hàng quay đầu lại nâng khuôn mặt cô lên hôn ngấu nghiến.

Cô giật mình vì nụ hôm say đắm bất ngờ của anh. Cô ỡm ờ đón nhận, mãi sau mới nhiệt tình hưởng ứng. Cô thở phì phò: “Anh không sao chứ? Em bẩn thế này mà anh cũng hôn được à?”.

Thiếu Hàng cười khì: “Miệng đâu có bẩn”.

Cô thè lưỡi ra liếm môi: “Em vừa ăn chè xong, anh thấy còn vị ngọt không?”.

“Chưa thấy gì cả. Anh phải thử lần nữa mới biết”. Nói xong anh sán lại, làm Gia Ưu sợ phát khiếp chạy xa vài mét.

“Ối trời, đúng là anh chẳng biết bẩn là gì! Để em đi tắm đã”.

Nhìn theo anh đi vào phòng ngủ anh không cười nữa mà khuôn mặt lại trầm ngâm suy nghĩ.

“Rầm” một tiếng, chú cún đang cố leo lên trên rơi xuống thảm, đau quá kêu ăng ẳng. Anh khom người bế nó lên nói: “Đồ ngốc, đã thế còn cố làm gì”.

Chú cún chớp chớp đôi mắt vô tội nhìn, không hiểu anh đang nói gì.

Tắm táp xong xuôi, Gia Ưu thấy cơ thể khoan khoái lắm. Cô mặc váy ngủ đi đến bên bàn trang điểm bôi nước hoa hồng. Khi ấy Thiếu Hàng bước vào, tay anh vẫn cầm tờ báo lúc nãy, thờ ơ ngồi trên giường đọc báo.

Gia Ưu vừa thoa kem vừa lén nhìn anh qua gương. Cô thấy tối nay anh có điều gì là lạ.

“Anh có chuyện gì muốn nói với em à?” Cô thăm dò.

Thiếu Hàng ngẩng đầu nhìn cô: “Làm gì có”.

Gia Ưu mím chặt môi rồi hỏi: “Không có thật á?”.

Anh không trả lời, giở báo sột soạt. Mãi đến lúc cô nản lòng rồi mới thấy anh nói: “Anh thấy hình như em khác trước”.

Cô giật mình đánh thót, cười mỉa: “Khác gì hả anh? Vẫn là hai con mắt, một cái mũi và một cái miệng đấy thôi”.

“Đi săn tin có thích không em?” Anh không buồn vặn lại câu trả lời cứng nhắc của cô, ánh mắt vẫn dừng ở tờ báo.

“Vui ạ”. Cô nói thật lòng, “Ngày nào cũng thấy hay hay”.

“Thế thì tốt rồi”. Cuối cùng anh cũng ngước mắt lên nhìn cô.

Cô nhìn anh qua gương, ánh đèn vàng vàng trên tường hắt xuống, đôi mắt của anh sâu thăm thẳm đang ánh lên những điều muốn nói, trông thật mê hoặc lòng người.

“Phải rồi, tháng sau Đài em tổ chức đi du lịch một tuần. Có mấy địa điểm để lựa chọn, được mang người nhà đi cùng”. Cô nhanh chóng chuyển chủ đề.

“Ừ, định cho anh đi cùng à?”.

“Thì cho anh được công khai còn gì nữa. Không phải anh thường ca cẩm bắt anh làm người đàn ông đứng sau còn gì”. Gia Ưu cười lấy lòng: “Anh có đi không?”.

Thiếu Hàng thờ ơ: “Đến lúc ấy tính sau, làm sao biết được có rảnh hay không”.

Cô tức sôi sùng sục, chẳng thèm nói, leo lên giường quỳ gối đè anh xuống giường.

Anh buồn cười quá nói: “Nữ hiệp à, nàng muốn làm gì thế?”.

Gia Ưu nghiến răng nói: “Phạt đúng mười loại cực hình”.

Thiếu Hàng cười cười nằm ngửa ra nói: “Dùng loại nào trước đấy?”.

Cô hết cách, tức giận cúi xuống cắn một cái thật đau vào xương quai xanh của anh. Anh cười hì, vòng tay ôm ghì lấy cô như một đứa trẻ con: “Này này, có phải cún con đang thi hành cực hình không nhỉ?”.

“Anh mới là cún í! Không đi thì thôi nhé… bỏ em ra… định làm em chết ngạt à…”.

Đang đùa nhau bỗng điện thoại ở đầu giường kêu vang, cô gắng với tay ra nhận điện thoại. Là Đàm Áo gọi.

“Đàm Áo à, anh gọi có việc gì thế?” Cô hỏi thẳng luôn.

“… Cô về rồi à?” Người ở đầu dây bên kia lưỡng lự nói, vui hẳn khi nghe được giọng cô, anh định nói gì nhưng lại thôi.

“Ừ tôi về rồi. Giờ mấy giờ rồi mà không về?” Cô liếc nhìn đồng hồ: “Có phải có việc gì à? Anh đợi tôi một chút!” Cô giãy ra khỏi vòng tay của Thiếu Hàng thì nghe đầu dây bên kia kêu ù ù. Đàm Áo đã gác điện thoại.

Cô sững người lẩm bẩm: “Sao thế nhỉ?”.

Chưa kịp định thần thì Thiếu Hàng đã giơ tay cướp mất điện thoại. Anh tắt máy vứt ra xa.

“Em đang định gọi điện…” Nói rồi cô định nhoài người ra nhặt thì bị cánh tay rắn chắc ngăn lại, không để cho cô nói kéo tuột luôn vào trong chăn.

Cả chiếc chăn đổ ập xuống người cô, mắt tối sầm, hay đôi môi mềm mại gắn chặt vào nhau. Toàn thân cô mềm nhũn, chẳng còn quan tâm điện thoại hay việc công gì nữa.

Mặc kệ anh ta! Chuyện vợ chồng mình là hơn hết.

Ngày hôm sau, đang ở văn phòng cô nhận được điện thoại của Đóa. Nghĩ đến mấy bữa trước Đóa kể hôm nay tham gia quay hình ở Đài, cứ nghĩ cô ấy lo lắng nên cổ vũ vài câu.

Đóa cười nói: “Sợ thì tớ không sợ, chuẩn bị tâm lý sẵn sàng rồi mà. Mục đích chính của tớ là quyên góp tiền cho Trung tâm hoạt động”.

Gia Ưu khen cô: “Cậu càng ngày càng giống người nổi tiếng rồi đấy, lần trước quay chương trình đối thoại với Dao Dao cậu cứ nắm chặt tay mình không chịu rời”.

Đóa cười khúc khích: “Thì cái gì cũng phải có quá trình làm quen chứ. Nhưng nói thực cảm ơn cậu đã cho tớ nhiều cơ hội tốt”.

“Tớ với cậu còn khách sáo với nhau làm gì? Mà cậu cảm ơn nhầm người rồi, nếu cảm ơn thì phải cảm ơn Đàm Áo ấy”.

“Hả?”.

Chuyện là thế này, khi Gia Ưu tiến cử Đóa tham gia chương trình của Dao Dao, Dao không phản đối nhưng bên nhà sản xuất không chịu. Thực ra Đóa không gặp may, cô cũng không phải là người nổi tiếng. Dù hồi bé rất xuất sắc nhưng mọi thứ đều đã đi vào quá khứ. Chính lúc này, Gia Ưu rủ Đàm Áo xách mấy túi lương thực cho chó mèo mang đến Trung tâm. Đến nơi nhìn thấy Đóa đang quỳ xuống bón thuốc cho một chú chó bị ốm. Mặt cô để mộc, không đeo trang sức, mái tóc đen dài được cột ra đằng sau gáy nhưng vẫn có vài sợi lòa xòa trước mặt che hết hàng lông mày rậm, mặc áo thun trắng, quần kaki nâu. Dáng cô in trong ánh nắng chiều, trông chẳng khác gì thân hình mảnh khảnh được nạm một lớp vàng óng ánh. Cô ôm chú chó vào trong lòng, chăm sóc cẩn thận, nhìn nó âu yếm, xót xa.

Thời gian như ngừng trôi, thành phố huyên náo bỗng như đọng lại.

Đứng trước cảnh ấy, phòng viên Đàm Áo đã nhanh tay vứt hết mọi thứ đang cầm lôi máy ảnh ra chụp và rồi về đăng trên blog của mình. Trong một thời gian rất ngắn đã dấy lên làn sóng hâm mộ cô, người người vào bình luận, người người truy hỏi cô gái nết na kia là ai.

Thế là Tiểu Đóa trở thành người nổi tiếng, thành khách mời đúng nghĩa chứ không phải là có tiếng mà không có miếng.

Thấy cô nhắc nhở, Tiểu Đóa vội nói: “Ừ, phải đấy. Cũng may là có tấm hình của anh ấy, nếu không đến giờ tớ vẫn bị nhà sản xuất bên cậu chê bai”.

Gia Ưu che miệng cười: “Cậu biết thế là tốt. Quay xong chương trình chiêu đãi tớ nhé”. Nói đến đây, cô liếc nhìn sang bàn làm việc của Đàm Áo, bàn trống không. Cô liền hỏi đồng nghiệp ngồi kế bên: “Này hôm này cậu có thấy anh Áo đi làm không?”.

“Không thấy”.

Gia Ưu “Ừ” một tiếng rồi ngẫm nghĩ không hiểu Đàm Áo đi đâu nhỉ? Mấy giờ rồi mà vẫn chưa thấy mặt mũi đâu? Xin nghỉ? Có nghe thấy anh ấy nói đến đâu nhỉ? Đi săn tin? Càng không thể. Nếu đi săn tin chắc chắn phải gọi mình chứ… Bỗng nhiên cô liên tưởng đến cuộc điện thoại lạ lùng của anh ngày hôm qua, trong đầu bỗng lóe lên linh tính không hay.

“Sao thế?” Đóa nhận thấy có điều gì không ổn.

“Không có gì. Thôi tớ gác máy đây, có việc phải làm rồi. Cậu chuẩn bị nhanh lên nhé. Thể hiện tốt vào đấy. Bọn chó mèo đều dựa hết ở cậu đấy”.

Tiểu Đóa cười cười nói một vài câu rồi vội vàng gác máy.

Lúc này cô chợt nhận ra điện thoại của mình vừa nhận được một mẩu tin nhắn trong lúc đang có điện thoại. Cô mở ra xem, là của Đàm Áo hẹn gặp cô ở quán trà.

Cô ngẫm nghĩ rồi gọi lại, chuông điện thoại đổ vang vài lần rồi bị tắt ngay, lờ mờ cảm thấy giông tố sắp đến.

Quán trà nằm cách cổng chính của Đài khoảng hai trăm mét, được trang trí rất tinh tế, đã từng được chụp lên tạp chí thiết kế nên cũng khá nổi tiếng. Gia Ưu chần chừ mãi mới chịu đi, còn Đàm Áo ngồi đó đợi hơn tiếng rồi. Anh đang ngồi thừ người dựa vào chiếc ghế mây, cốc trà lipton trên bàn vẫn còn nguyên, nguội lạnh bởi điều hòa mát rượi.

Gia Ưu bước đến nhìn anh cười cười: “Gớm, mới sớm ra đã có nhã hứng thế này rồi cơ à?!”.

Đàm Áo ngước đôi mắt vằn đỏ nhìn chằm chằm vào mặt cô.

Cô lúng túng: “Không phải mời tôi uống trà à?”.

Đàm Áo giơ tay gọi nhân viên phục vụ đến yêu cầu mang một bình trà nhài.

“Trì Gia Ưu, anh nhớ là em rất thích uống loại trà này”. Anh nói gằn từng từ từng từ một.

Nụ cười trên khuôn mặt cô bỗng vụt tắt trông chẳng khác gì cái mặt nạ bị vỡ vụn ra từng mảnh. Cô không nhìn anh nữa mà cúi đầu nói khẽ: “Anh biết rồi à?”.

Áo cười nhạt: “Anh quá ngu, nếu không phải hôm qua đi đuổi chó cùng em thì đến giờ vẫn bị em gạt”.

“Em đâu cố tình gạt anh”.

Đàm Áo cố hết sức kiềm chế cơn giận dữ bùng lên, hít thở sâu vài lần mới nói: “Tại sao phải như vậy? Rốt cuộc đã xảy ra việc gì mà em phải mạo nhận làm em gái mình? Em… tại sao em lại lấy Thiếu Hàng?”.

Gia Ưu im lặng trong giây lát rồi ngẩng đầu lên nói: “Vì em yêu anh ấy”.

Câu trả lời chẳng khác gì cái búa tạ nặng ngàn cân đập thẳng vào trái tim đang run rẩy của Đàm Áo. Mặt anh nghiêng nghiêng, đôi mắt vằn đỏ vì mất ngủ cả đêm ánh lên tia giận dữ và đau khổ. Anh không thể nào chấp nhận nổi cái lý lẽ thẳng tưng này của cô.

Bao năm nay anh thầm yêu cô, cô không phải không biết điều đó. Năm ấy cũng ở trong chính quán trà này, biết tin cô đã mất anh đau khổ đến mức muốn chết theo. Giờ cô vẫn còn sống sờ sờ ngay trước mắt, mà sao lạnh lùng bàng quan trước nỗi đau đớn của anh. Đã có biết bao cơ hội mà cô cũng không chịu nói thật với anh, để rồi hôm nay buông thõng một câu có cố ý đâu. Cô đang tìm cách gạt bỏ tất cả. Lại còn nói gì nhỉ? Yêu Thiếu Hàng…!

Sự chịu đựng của anh đã đến đỉnh điểm, cứ đà này không biết có chuyện gì xảy ra không. Anh ra sức vò mặt, tu ực một hơi hết cốc trà, đặt cạch cái cốc không trên mặt bàn rồi đứng dậy sải bước ra khỏi quán.

Gia Ưu trông theo hình bóng dứt khoát của anh, thấy nóng hết cả mắt. Dù đã chuẩn bị tâm lý, nhưng khi đối mặt với sự thật cô vẫn cảm thấy đau lòng. Cô biết tình cảm của Đàm Áo dành cho mình, nhưng đến giờ vẫn nghĩ đó không phải là tình yêu. Nói một cách chuẩn xác đó là tình anh em. Cũng giống như năm nào anh vác đàn ghi ta, đứng ở dưới khu ký túc xá cô ở hát bài: “Cô bạn cùng bàn”. Khi ấy trong lòng cô cái gì cũng có tuốt chỉ trừ không thấy trái tim xao động và ngọt ngào.

Nhưng, ký ức của những năm tháng tuổi trẻ ấy luôn có hình dáng của anh. Tốt có, xấu có, vui có, buồn cũng có. Anh không tách rời khỏi quãng đời tuổi thơ của cô. Thà là mỗi người một nơi không gặp nhau thì thôi, chứ không muốn cảnh trớ trêu này. Đó cũng là lý do vì sao hồi ấy cô né tránh không gặp Đàm Áo.

Cô ngồi đấy với khuôn mặt vô cảm, chuông điện thoại reo vang mà mãi sau cô mới nghe thấy. Cô hồn bay phách lạc giơ tay ra vô tình làm đổ ấm trà trên bàn, nước trà nóng đổ tung tóe, mùi hoa nhài phảng phất trong không khí.

Tiếng động lớn đã khiến mọi người xung quanh ngó nhìn. Nhân viên phục vụ vội đến dọn dẹp và luôn mồm hỏi cô có bị làm sao không. Cô nhìn thấy mu bàn tay của mình đỏ ửng nhưng không thấy đau. Cô thờ ơ nói: “Không sao!”. Vừa nói dứt lời có ai đó lao vào như cơn gió lật tay cô ra xem.

Cô ngước mắt lên nhìn, ánh mắt sáng lên: “Đàm Áo!”.

Đàm Áo quay trở lại, sắc mặt vẫn ủ dột, nhưng vì sự quan tâm bất chợt này cũng làm tiêu tan đi vài phần tức giận. Anh đặt mông xuống ngồi và nói: “Anh muốn nghe em giải thích”.

Cô bật cười: “Rồi, để em nói anh nghe”.

Chỉ cần không làm mất tình bạn thì nhắc lại những chuyện cũ một lần có sao đâu?.

Khi cô nói xong từ đầu chí cuối thì sắc mặt u ám của anh cũng bớt dần: “Hóa ra em cũng chỉ là bất đắc dĩ”.

Cô nhếch khóe môi: “Anh đang tìm cách gỡ tội cho em à?”.

“Anh không hiểu…”, anh ngập ngừng nói rất khó nhọc: “Từ lúc nào em biết mình yêu Thiếu Hàng vậy?”.

“Em cũng không biết nữa, có lẽ sau mấy năm lấy nhau, cũng có thể là…”, cô lắc đầu và không nói nữa.

Anh cầm chặt cốc trà trong tay: “Em phải biết là ở bên anh ta mình mãi mãi là kẻ thay thế. Em bằng lòng sống như vậy suốt đời à?”.

Cô trả lời dửng dưng: “Đã đến nước này, nói nhiều cũng chẳng ích gì”.

“Không, tất cả đều có thể thay đổi được!” Đàm Áo bị kích động bởi thái độ đầu hàng với số phận của cô: “Hãy nói thật mọi việc cho Thiếu Hàng biết thì em sẽ được tự do. Nếu em nói là em yêu anh ta thì em hãy yêu anh ta bằng chính mình, là tình cảm của Trì Gia Ưu đi”.

Trời ạ, không phải cô chưa nghĩ đến điều này, yêu bằng con người thật của mình là Trì Gia Ưu. Thậm chí cô còn nghĩ đến điều này hàng trăm lần rồi, nhưng đó mới chỉ dừng lại ở ý nghĩ mà thôi.

Đàm Áo nhìn thấu được tâm tư của cô, cười chế nhạo: “Em không dám đúng không? Trì Gia Ưu, trước kia em đâu có thế này, trước kia em dám yêu dám ghét, tính tình thẳng thắn. Cái gì đã biến em thành thế này hả?”.

Cô lặng lẽ nhìn anh: “Anh không cần phải dùng chiêu khích tướng. Nếu em làm được thì đã không để đến bây giờ”. Điện thoại để trên bàn lại reo vang, cô chẳng buồn nhìn vội tắt luôn, tiếp tục nói: “Tất nhiên em không muốn mình là kẻ thay thế, nhưng em đã làm rồi, giờ đâu quay đầu lại được. Người ép em đâu phải là Quan Thiếu Hàng, anh ấy cũng là người vô tội. Em đã tận hưởng tình yêu của anh ấy trong năm năm. Năm năm là hơn một nghìn tám trăm ngày đêm. Anh ấy tốt với em thế nào anh có biết không? Em lớn thế này mà ba mẹ cũng không cho em nhiều đến vậy. Giờ anh bảo em đi nói với anh ấy là người anh ấy yêu đã mồ yên mả đẹp từ lâu rồi ư? Anh không cảm thấy như vậy là quá tàn nhẫn hay sao?”.

“Em chỉ biết với anh ấy là tàn nhẫn”. Vẻ mặt anh trông suy sụp, giọng nói chua chát: “Nếu như em vẫn là em thì chúng ta không phải là không có cơ hội phải không?”.

Gia Ưu im lặng.

“Trì Gia Ưu, em trả lời anh một lần đi chứ”. Đàm Áo vẫn quyết hỏi.

Bị ép quá cô cười đau khổ nói: “Trên mức tình bạn, nhưng chưa đủ để gọi là tình yêu”.

“Hóa ra là anh tưởng bở”. Đàm Áo bật cười, anh cười trông còn đáng sợ hơn cả khóc.

Trì Gia Ưu thấy mệt mỏi quá, quay về Đài đi ăn cùng Đóa vừa quay hình xong. Sau đó lái xe về nhà, vùi đầu ngủ một giấc.

Tỉnh dậy, tinh thần u ám cũng đã bớt đi phần nào. Cô ra khỏi phòng ngủ thấy chị giúp việc đang lau chùi phòng khách. Cô ngước nhìn đồng hồ treo tường mới biết đã hơn 6 giờ tối.

“Chào chị, hôm nay chị về sớm nhỉ”. Chị giúp việc chào cô: “Anh Hàng vừa gọi điện thông báo tối nay sẽ về muộn, bảo chị cứ ăn cơm trước đi, không cần đợi đâu”.

“Chị Vương này, chị lại quên rồi, gọi tôi là Hảo được rồi, làm gì phải phân biệt đến thế”. Gia Ưu nhắc nhở. Từ lúc thuê giúp việc đến nay, tối nào hai vợ chồng cũng cố gắng tranh thủ về nhà ăn tối, không như trước một tuần có đến năm bảy ngày đi ăn ngoài.

“Giờ em chưa thấy đói, em sẽ đợi anh ấy về ăn cùng”. Gia Ưu quay người đi vào phòng đọc, không quên dặn với một câu: “Chị Vương này, chị nấu xong cứ về nhé. Muộn muộn bọn em hâm nóng lại ăn cũng được”.

Chị Vương dạ một tiếng rồi vội vàng quay ra làm tiếp.

Cô ôm lấy chiếc máy xách tay của mình ngồi vào bàn làm việc của anh lên mạng mở MSN. Nhìn lướt thấy Dao đang có trên mạng.

Cô bèn chào và hỏi luôn: “Chương trình hôm nay quay thuận lợi chứ?”.

“Cũng ổn lắm, khách mời hợp tác rất tốt”. Dao nhanh chóng trả lời.

Nhắc đến đây, Gia Ưu tiện mồm hỏi: “Khách mời là ai thế?”.

“Họa sĩ Thẩm Gia Thố”.

“À”. Cô đánh mỗi một từ.

“Có quen à?”.

“Không. Không cùng nghề quen sao được…”.

Dao hiểu ý cô nên nói: “Người cũng được lắm, ăn nói nhẹ nhàng, không mắc mấy cái tật vớ vẩn của những nhà nghệ sĩ. Đã mở nhiều đợt triển lãm, có cả bộ sưu tập tranh nữa đấy”.

Cô cũng chỉ “Ừ” một tiếng thờ ơ, mãi sau mới nói tiếp: “Đợi lúc nào phát sóng tớ sẽ xem”.

Dao chuyển chủ đề khác: “Cậu dự định đi du lịch ở đâu?”.

Cô ngẫm nghĩ: “Giang Tô – Chiết Giang”.

Đợt du lịch này do chính Đài đứng lên tổ chức, chia thành nhiều tuyến cho cán bộ nhân viên tự lựa chọn. Gia Ưu không đắn đo, quyết định chọn tuyến Giang Tô – Chiết Giang. Mấy năm trước cô đã từng đến đây du lịch, có ấn tượng với phong cảnh và con người vùng này. Còn lần này cô muốn đi cùng Thiếu Hàng.

Đối với cô đi không chỉ là ngắm phong cảnh hữu tình, quan trọng người bạn đồng hành là ai.

Mấy năm sống bên nhau, cô ít có cơ hội đi du lịch với Thiếu Hàng. Mới đầu là vì cảm giác xa lạ, bây giờ là công việc bận rộn.

Buổi sáng trò chuyện với Thiếu Hàng xong lòng cô cứ thấp thỏm không yên, không hiểu vì sao. Cô tin Đàm Áo không bóc mẽ mình, nhưng trong lòng vẫn canh cánh lo lắng, cảm thấy sắp có việc gì xảy ra.

Và linh tính của cô rất chuẩn xác.

Chị giúp việc về không lâu thì có người bấm chuông cửa. Mở cửa ra cô bất ngờ khi nhìn thấy vị khách đó, dây thần kinh ở huyệt thái dương hai bên cứ rần rật. Ngôi nhà xa trung tâm nên ba mẹ hai bên ít khi tới đây chơi. Lần gần đây nhất cô cũng không nhớ nổi là lúc nào, vì tuần nào hai vợ chồng cũng về thăm ba mẹ hai bên. Nếu có việc đột xuất, ba mẹ sẽ gọi điện đến tìm, vì vậy mẹ cô xuất hiện đúng là khách quý.

Bà Dĩnh lạnh lùng bước vào, nhìn quanh nhà rồi ngồi phịch xuống ghế sô pha.

Thấy sắc mặt mẹ không được thân thiện cho lắm, cô vội hỏi thẳng: “Mẹ, tìm con có việc à?”.

“Sáng nay con đi đâu?” Bà Dĩnh cũng vào thẳng vấn đề luôn.

Gia Ưu nhìn mẹ rồi nói: “Con đi làm ở Đài ạ”.

“Đừng có nói dối! Ta và bà thông gia đều nhìn thấy con. Con hẹn hò với một người đàn ông trong quán trà, có phải anh ta học trung học cùng con đúng không?”.

Gia Ưu thấy nghẹt thở, chán chẳng buồn nói.

Bà Dĩnh hừm một tiếng rồi nhìn con gái với ánh mắt truy hỏi.

Sáng nay đi tập thể dục tình cờ gặp bà thông gia nên trò chuyện khá lâu, nhắc cả chuyện của hai vợ chồng. Mẹ chồng cô không thích cô phải chạy ngược chạy xuôi lấy tin, lại đang muốn có cháu bế nên hai bà đã thống nhất đứng về một phía.

Nói chuyện hào hứng quá, hai người quyết định hẹn nhau hơn chín giờ đến Đài truyền hình gặp cô làm công tác tư tưởng.

Gần đến Đài liền gọi điện cho cô nhưng không thấy nghe máy. Cả hai bà đang rảnh rỗi nên xuống ngay cổng quán trà vào ngồi chờ đợi.

Mới đầu bà Dĩnh không để ý xung quanh, nhưng lúc có tiếng động to liền quay đầu nhìn lại. Trời ạ, sao lại là con gái mình, khuôn mặt thẫn thờ, nước mắt chực tuôn trào, người đàn ông ngồi đối diện đang cầm tay. Tuy không nghe thấy hai người nói chuyện gì, nhưng bà thấy rõ khuôn mặt anh ta. Sao trông anh ta quen quen, nhưng lúc ấy không nhớ ra tên, chỉ biết đó là cậu bạn thân của con gái hồi học trung học, hình như cũng có thời theo đuổi con gái thì phải.

Chuyện này tầy đình rồi, bà hoảng hốt.

Tồi tệ là, bà thông gia ngồi đối diện cũng đã nhìn thấy cảnh ấy. Khuôn mặt vui vẻ bỗng u ám như sắp có mưa rào.

Đợi hai người đi khuất, họ cũng thanh toán ra về. Chẳng ai buồn nhắc đến kế hoạch ban đầu, ai về nhà đấy trong sự bực bội.

Sau đó bà thông gia không nhắc đến việc này, nhưng bà Dĩnh thấy mình chẳng còn mặt mũi nhìn ai nữa. Ông Thu thấy bà khó chịu bèn hỏi nhưng bà quyết không nói nửa câu. Cả buổi chiều ôm cục tức trong lòng bà thấy khó chịu quá, cuối cùng quyết định phải hỏi cho ra nhẽ. Tức thì tức thật nhưng không thể mất hết lý trí được. Trước khi đến đã gọi điện cho con rể, biết được con rể về muộn nên mới yên tâm vào thẳng vấn đề”.

“Con là gái có chồng, nắm nắm cầm cầm tay chân ở chỗ đông người còn ra thể thống gì nữa? Lại gần ngay chỗ làm việc của con, người khác thấy được sẽ nghĩ thế nào hả?”.

Con gái ngồi im không lên tiếng khiến bà nghĩ rằng cô có tật giật mình, càng tức tối: “Hôm nay mẹ chồng nhìn thấy rồi đấy, kiểu gì chẳng mách con trai. Con đã nghĩ đến hậu quả chưa hả?”.

Cô cười khẩy: “Ngoại tình, đã bôi nhọ danh dự của con gái yêu quý của mẹ đấy”.

Bà Dĩnh giận dữ dang tay tát cô con gái một cái.

Mấy giây sau thấy má trái mình đau rát mới biết cái tát không phải là ảo giác. Hồi nhỏ nghịch ngợm cũng hay bị ba mẹ đánh đòn, nhưng lớn lên thì đây là lần đầu tiên.

“Rốt cuộc con không hài lòng việc gì hả? Giờ chẳng phải đang sống rất sung sướng hay sao, gia đình hạnh phúc, công việc như ý. Con nghĩ đến em gái mình mà xem, mới có tí tuổi đã phải từ giã cõi đời này rồi… Đúng là con thay thế em con. Lòng con oán hận vì điều đó, hận ba mẹ thiên vị… nhưng sao không nghĩ xem ba mẹ làm vậy là vì cái gì?” Bà Dĩnh run lẩy bẩy người, chỉ vào mũi cô nói tiếp: “Dù mẹ có thiên vị em gái con thế nào thì con cũng là do mẹ rứt ruột đẻ ra. Chẳng lẽ nào hổ dữ lại ăn thịt con, mẹ lại đẩy con vào chỗ chết ư? Từ nhỏ tới lớn con có làm được việc gì cho ra hồn đâu. Học hành không tới nơi tới chốn. Cho đi học đàn thì học dăm ba buổi bỏ giữa chừng. Cho đi học vẽ thì nghịch đến độ cô giáo phải khóc. Năm thi đại học nhất quyết không nghe theo lời khuyên của ba mẹ, cứ đòi thi đại học Thể dục thể thao. Tốt nghiệp rồi thì làm được công trạng gì? Cùng lắm là suốt đời làm cô giáo dạy thể dục. Ba mẹ thu xếp thế này cũng chỉ là mong cuộc sống sau này của con thuận lợi hơn. Vậy mà con cứ oán hận ba mẹ đến tận giờ, như là ba mẹ nợ con gì đó. Có phải con phải hủy hoại hết tất cả thì mới thấy sung sướng hay sao hả?”.

Gia Ưu gắng mím chặt môi, mở to mắt nhưng nước mắt cứ tuôn trào.

Những lời lên án của mẹ đã khiến cho cô suy sụp hoàn toàn. Giờ nói cũng chỉ là thừa, mà nói gì cơ chứ? Lẽ nào nói ra những lý tưởng chôn giấu bấy lâu trong lòng. Nói rằng mình cũng có hoài bão, có mơ ước như bao người khác.

Không… không, với mẹ những điều ấy chẳng là gì cả. Cô khổ sở vật vã để rồi mẹ cho rằng nực cười, không đúng thời và không biết gì.

Mãi sau cô mới lên tiếng, giọng nói còn lạnh hơn cả băng giá: “Mẹ là mẹ con, mẹ cho con sự sống này, mẹ có thể quyết định sự sống chết của con. Mẹ hoàn toàn có thể lựa chọn việc không có con lúc con vừa oe oe cất tiếng khóc chào đời bằng cách bóp cổ con. Những việc ấy con còn muốn cảm ơn mẹ hơn là so với hiện nay. Mẹ đừng có nói rằng làm như vậy là nghĩ cho con. Mẹ tự ý thay đổi cuộc đời con với cái cớ mỹ miều là tốt cho con, vì con. Thực ra mẹ quá ích kỷ, mẹ không muốn mất Trì Gia Hảo. Nó sống mẹ thấy tự hào, sung sướng, còn con chẳng mang lại cho mẹ bất cứ điều gì. Mẹ hận thần chết sao lại đưa nó đi chứ không phải là con. Mẹ hận con đã gián tiếp lấy đi cơ hội sống của nó. Nếu năm ấy Thiếu Hàng nhảy xuống sông cứu ngay nó thì có lẽ bây giờ người sống là nó chứ không phải là con”.

Những lời nói này đã đánh đúng vào chỗ đau của bà Dĩnh. Mặt bà tái xám: “Con muốn nghĩ thế nào thì nghĩ, mẹ cũng hết cách rồi. Việc đã ra nông nỗi này con cũng không còn đường lui đâu. Con còn nhớ hồi xưa con nhận lời mẹ làm những gì không?”.

“Con không quên”. Trái tim cô nhức nhối chẳng khác gì bị ai đó đâm kim vào. Nhưng cô lấy lại tinh thần rất nhanh, giọng nói đã bình tĩnh lại: “Con biết mẹ đang lo lắng điều gì. Lấy Thiếu Hàng là tâm nguyện cuối cùng của em gái con. Mẹ muốn con thực hiện giúp nó. Hồi ấy con đã nhận lời mẹ. Chỉ cần Thiếu Hàng không biết mọi chuyện, con sẽ không chủ động rời xa anh ấy. Mẹ yên tâm đi, giờ con… vẫn nói câu ấy thôi”.

Bà Dĩnh chăm chú nhìn, lòng nhẹ hẳn khi thấy con gái nói thật.

Cách một bức tường, người đàn ông nắm chặt lấy chùm chìa khóa định mở cửa cho vào trong túi, hít thở thật sâu và quay đầu đi ra xe.

Đêm nay chắc chắn sẽ rất dài.

Quan Thiếu Hàng ngửa đầu dựa vào ghế, trong ánh đèn tranh tối tranh sáng, khuôn mặt anh trông thật phẳng lặng, duy chỉ có đôi mắt là ánh lên cho thấy lòng anh đang dậy sóng.

Điện thoại chỉnh chế độ rung lúc họp buổi chiều, giờ chưa chỉnh lại giờ lại rung bần bật trong túi áo.

Anh lấy điện thoại ra nhìn rồi ấn nút nghe.

Giọng mẹ anh trong điện thoại nghe sắc lạnh: “Con về nhà chưa? Nó nói thế nào hả?”.

Quan Thiếu Hàng thờ ơ đáp: “Không phải như mẹ nghĩ đâu”.

“Tốt nhất là không phải, không thể để ba mẹ mất mặt vì chuyện ấy được!”. Giọng nói đỡ khó chịu hơn: “Mẹ biết nó từ nhỏ mà. Hồi bé nó đã thích con rồi. Mẹ biết hết nên mẹ không tin là nó sẽ làm việc gì sai trái. Nhưng mà lòng người cũng khó lường! Trước đây nó luôn sống chừng mực, sao giờ lại trở nên hồ đồ thế nhỉ? Suốt ngày chạy rông ngoài đường, toàn quen với những kẻ chẳng đâu vào đâu. Chỉ sợ là gần mực thì đen thôi. Con cũng sai, suốt ngày bận rộn, xao nhãng cả chăm sóc vợ. Chỉ có thế nó mới thích chuyển sang làm phóng viên. Giờ thì tốt rồi, cả hai anh chị đều bận rộn, ai chịu nhường ai đây! Hôn nhân, gia đình cũng cần phải có người chăm sóc, con trai ạ”.

Bà Hợp nói một tràng về những gì mình đang canh cánh trong lòng, nhưng lại không nhận được phản ứng như ý. Anh vẫn thờ ơ đáp: “Con biết rồi mà mẹ. Con sẽ nói chuyện với vợ con. Cứ như vậy mẹ nhé. Con mệt rồi”.

“Con đúng là…” Bà Hợp chẳng biết nói gì hơn: “Được rồi… được rồi anh chị cứ suy nghĩ kỹ đi”.

Anh gác máy, mệt mỏi nhắm nghiền mắt lại thì thấy tên Trương Quần hiện trên màn hình. Anh đành phải nhấc máy nghe.

Âm thanh ồn ã, tiếng nhạc xập xình đinh tai nhức óc khiến Trương Quần nói gần như hét lên.

Nghe xong anh nhíu mày nói: “Anh không đến đâu, mọi người cứ vui chơi thỏa thích đi nhé!”.

Trương Quần vẫn chưa chịu buông tha: “Anh đến đi mà, nếu anh chê ồn em sẽ thuê phòng VIP, bạn học khai trương mình phải đến chúc mừng chứ. Mà anh đoán xem em đã gặp ai nào?”.

“Ai vậy?” Anh hỏi qua loa đại khái.

“Đàm Áo. Anh thấy tình cờ không? Anh ấy đi uống rượu một mình đấy. À phải rồi, rủ thêm cả Gia Hảo nữa nhé. Càng đông càng vui, hơn nữa cũng quen nhau cả mà. Thôi để em gọi điện cho cô ấy”. Trương Quần đúng là vui quá hóa rồ, nói xong gác máy luôn.

Thiếu Hàng tay vẫn cầm lấy điện thoại, chưa đầy ba phút sau cô lại gọi đến hào hứng nói: “Gia Hảo nhận lời đến đấy, anh tới nhanh lên, đừng chần chừ nữa!”.

Quan Thiếu Hàng sững người, rồi cười nhạt.

Anh không đợi Gia Ưu mà lái xe đi thẳng đến quán bar. Chủ quán là bạn học hồi trung học, thấy khách vào vồn vã chào hỏi rồi lại bận rộn đón tiếp những vị khách khác. Trương Quần và Đàm Áo đang ngồi bên góc quầy bar chơi oẳn tù tì.

Xem ra hai người đó uống đã khá nhiều rượu, mặt đỏ phừng phừng, ánh mắt dài dại. Nhìn thấy Hàng, Trương Quần vô cùng phấn khích, nhảy tót xuống chạy đến bá chặt lấy cổ anh, nói thế nào nhất quyết không chịu bỏ ra. Đúng là uống quá nhiều rượu rồi.

Còn phản ứng của Đàm Áo lại trái ngược hoàn toàn với Trương Quần. Lúc nãy vừa cười cười nói, thế mà thấy Hàng lập tức quay mặt đi, không nói năng gì.

Chẳng sao cả, Thiếu Hàng kéo tay Trương Quần ra, ấn cô ngồi xuống chiếc ghế, rồi gọi nhân viên phục vụ cho một cốc vốt ca.

Vừa nhấp được ngụm rượu, Trương Quần đã cười khúc khích sán đến: “Cô vợ xinh đẹp của anh đâu rồi? Sao không đến hả? Không sợ em cướp mất anh à?”.

Thiếu Hàng lặng lẽ nhìn cô, không có ý định trả lời kẻ say rượu.

Đúng lúc Gia Ưu đẩy cánh cửa gỗ nặng trịch của quầy bar bước vào trong, đập vào mắt cô là cảnh Trương Quần đang lén hôn Thiếu Hàng.

Cô lúng túng đứng chôn chân tại chỗ, tiến lên không xong, mà quay về không được. Vẫn là Trương Quần nhìn thấy cô, gào toáng lên: “Gia Hảo, bên này này, lại đây đi…”.

Gia Ưu hít thở thật sâu, tươi cười bước đến. Rồi thấy Đàm Áo ngồi đó cô thấy chân mình nặng hẳn đi, gần như lê trên mặt đất.

Trương Quần rủ cô tới đây đâu có nhắc tới Đàm Áo. Nếu biết anh có mặt chắc chắn cô không vội vàng tìm cách thoát khỏi mẹ đẻ để đến đây.

Đến nước này cô đành phải giả vờ như không có gì xảy ra. Tự nhiên ngồi xuống bên cạnh Thiếu Hàng: “Mọi người có chuyện gì vui à, mà tối nay lại có nhã hứng tới đây thế?”.

Trương Quần cười ha hả: “Công ty đang có vụ làm ăn lớn. Khách hàng chỉ đích danh Thiếu Hàng thiết kế. Xong dự án này chắc chắn danh sẽ nổi như cồn, nhưng yên tâm, việc này chẳng liên quan gì đến tớ. Với tớ, chuyện vui chính là đã đánh úp thành công. Tiếc là cậu tới chậm một bước, không chứng kiến được”.

Gia Ưu liếc nhìn khuôn mặt mông lung của kẻ say chẳng buồn so đo làm gì: “Cậu vui là được rồi”.

Cô gọi một cốc Martini cho mình nhưng bị người ngồi bên ngăn lại, không cho giải thích, gọi một cốc nước cam đá.

Gia Ưu khó hiểu, quay đầu nhìn Thiếu Hàng.

Khuôn mặt Thiếu Hàng không để lộ nét buồn vui, hỡ hững chẳng hợp với khung cảnh tẹo nào. Cô thấy anh giải thích: “Kiểu gì anh cũng say nên cần phải có người tỉnh táo đưa về chứ”.

Gia Ưu ngoan ngoãn nghe lời, chứ thực lòng cô muốn mình say một bữa cho quên hết mọi ưu phiền.

Mấy người họ, trừ Trương Quần ra, chẳng ai buồn nói câu nào. Trương Quần bị kẹp ở giữa, hết loay hoay quay sang bên này nói chuyện, rồi lại ngoáy sang bên kia chọc vài câu. Tuy nhiên không khí vẫn có gì đó hòa hợp đến lạ.

Gần giữa chừng ông Thu gọi điện đến, Gia Ưu cầm điện thoại chạy ra ngoài nói chuyện. Ông không nói bốp thẳng vào mặt con gái như vợ mình vì ông yêu con lắm. Sau khi hiểu rõ sự tình, ông rất thông cảm với nỗi ấm ức của con gái và sự giận dữ của vợ mình. Ông chỉ biết an ủi con vài câu.

Cô không chịu nghe, dù không hề ác cảm với ba mẹ. Cô nói nhỏ: “Ba à, giờ đừng nhắc những chuyện này được không ạ? Con đang ở bên ngoài”.

“Ừ, con chú ý an toàn nhé, đừng về muộn quá. Cuối tuần nhớ về nhà ăn cơm”.

“Để tính sau ba ạ”. Nói xong cô thấy cay cay ở sống mũi.

Quay về chỗ, tiếng nhạc xập xình đã ngưng, trên sân khấu bắt đầu có biểu diễn. Trương Quần giục cô: “Hảo à, lên hát một bài đi. Mấy cô kia không hát hay bằng cậu đâu”.

Gia Ưu lắc đầu, cầm cốc nước cam lên uống vài ngụm. Lồng ngực cô như ứ lại chẳng khác gì có một cục đá to chặn lại khó chịu. Trương Quần vẫn cứ lảm nhảm không dứt, ồn ào làm đầu cô nổ tung lên. Cô gái vừa biểu diễn xong, trong lúc nóng mặt cô đứng dậy đi lên sân khấu.

Tiếng huýt sáo vang lên làm cho cả quán bar im lặng như tờ. Gia Ưu trao đổi với ban nhạc, sau đó ngồi vào chiếc ghế xoay, điều chỉnh micro. Cô lướt ánh nhìn xa xăm qua Đàm Áo và Thiếu Hàng. Cô hắng giọng, không nói nhiều, không nhắc đến tên bài hát mà hát luôn.

Khách cứ nghĩ tiết mục của quán bar nên mới đầu không để ý, nhưng đến khi cô cất tiếng hát thì ai ai cũng chăm chú lắng nghe.

Bài hát được nghe nhiều lần nhưng lần này quả thực là hay nhất.

Cô gái đứng trên sân khấu trông thật thoải mái. Cô đang biểu diễn ư? Chính xác là cô đang chìm vào trong thế giới của mình, không buồn để ý đến khán giả. Ánh đèn sân khấu hắt lên khuôn mặt cô trông rất cô đơn, buồn bã.

Cô hát như dành tặng cho riêng mình vậy.

“… .

Gửi gắm tình yêu đến một bờ vai khác

Để sai lầm trước kia xem lại mơ ước của mình

Ai cũng một lần lo lắng

Thì mới cảm nhận được tình yêu nồng nàn

Tình yêu không dừng lại ở suy nghĩ

Mà cần có nhiều dũng cảm…

…”.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.