Không Có Ngày Mai

Chương 24: Chương 24




CÁC BỮA ĂN TRONG NHÀ HÀNG ở Washington hiếm khi diễn ra ngắn hơn một tiếng hoặc dài hơn hai tiếng đồng hồ. Đó đã là kinh nghiệm của chính tôi. Thế nên tôi hy vọng tìm ra Sansom lúc ông ta đang kết thúc món khai vị hoặc đang gọi đồ tráng miệng. Có thể đã đang uống cà phê và nghĩ tới một điếu xì gà.

Khi tôi quay lại nhà hàng, khoảng một nửa số bàn ngoài sân đã đổi khách. Các khách hàng mới là những thanh niên trẻ mặc com lê và các cô gái mặc váy. Nhiều đôi hơn là các toán ba, bốn người, tình tự nhiều hơn là công việc. Nhiều chuyện tán gẫu tưng bừng để gây ấn tượng với đối phương hơn, ít lướt thiết bị điện tử hơn. Tôi bước qua bục của nhân viên phục vụ, cái cô đứng đó gọi với theo, tôi liền nói, “Tôi đi cùng ngài nghị sĩ.” Tôi đẩy cánh cửa gỗ, bước vào, nhìn lướt qua phòng bên trong. Đó là một không gian thấp hình chữ nhật đầy ánh sáng mờ và đủ thứ mùi gia vị cùng tiếng nói chuyện ồn ào, thi thoảng vài tiếng cười lớn.

Sansom không có trong đó.

Chẳng có dấu hiệu nào của ông ta, không có dấu hiệu nào của vợ ông ta, cũng không có dấu hiệu của tay tự xưng là Browning, không có nhóm nhân viên văn phòng hào hứng hay các tình nguyện viên hỗ trợ tranh cử nào.

Tôi quay trở ra, cái cô ở bục dành cho nhân viên phục vụ nhìn tôi với vẻ dò xét rồi hỏi, “Ông đi cùng với ai?”

Tôi đáp, “John Sansom.”

“Ông ấy không ở đây.”

“Rõ ràng thế rồi.”

Một thằng nhóc ngồi tại bàn ngay cạnh cùi chỏ tôi lên tiếng, “Bắc Carolina thứ mười bốn phải không? Ông ấy rời thành phố rồi. Ngày mai ông ấy có bữa sáng gây quỹ ở Greensboro. Ngành ngân hàng và bảo hiểm, không có ngành thuốc lá. Tôi đã nghe ông ấy nói cho người của tôi tất cả về chuyện ấy.” Câu cuối cùng của cậu ta hướng về phía cô gái ngồi đối diện chứ không phải tôi. Có lẽ trọng tâm cả bài diễn thuyết ấy là, Người của tôi. Rõ ràng thằng nhóc này là một tay hết sức quan trọng, hoặc đang muốn được như thế.

Tôi trở lại vỉa hè, đứng yên một giây, rồi lên đường tới Greensboro, Bắc Carolina.

Tôi đến đó bằng một chuyến xe buýt muộn theo lịch trình sẽ dừng ở chặng đầu tiên là Richmond, Virginia rồi ở Raleigh, rồi ở Durham, rồi ở Burlington. Tôi không chú ý đến lịch trình. Tôi ngủ suốt cả chặng đường. Chúng tôi tới Greensboro lúc gần 4 giờ sáng. Tôi cuốc bộ qua các văn phòng cho đóng tiền bảo lãnh, hiệu cầm đồ cửa sắt cuốn và bỏ qua vài tiệm ăn nhỏ rẻ tiền cho tới khi tìm được hàng ăn tôi muốn. Tôi đang chọn không phải căn cứ vào thức ăn. Với tôi thì mọi đồ ăn trong nhà hàng đều như nhau cả. Tôi đang tìm các danh bạ điện thoại và các giá báo địa phương miễn phí nên phải đi bộ dài dài mới kiếm ra. Nhà hàng tôi chọn vừa mới mở cửa. Một anh chàng mặc áo lót đang rưới mỡ lên vỉ. Cà phê nhỏ giọt xuống một chiếc bình. Tôi vơ lấy cuốn Các trang vàng niên giám, vào một bàn và tìm khách sạn ở trong ấy. Greensboro có đầy khách sạn. Nơi đây có diện tích tương đối. Dân số có lẽ tầm một phần tư triệu người.

Tôi suy luận rằng một bữa sáng gây quỹ sẽ diễn ra ở một địa điểm tương đối sang. Các nhà tài trợ thuộc hạng giàu có, họ sẽ chẳng tới Nhà trọ Red Roof[30] để ăn một món có giá tới năm trăm đô la. Sẽ không thể như thế nếu họ làm trong ngành ngân hàng và bảo hiểm.

Tôi đoán là khách sạn Hyatt hoặc Sheraton. Greensboro có cả hai khách sạn này. Khả năng là năm mươi-năm mươi. Tôi gập cuốn niên giám và bắt đầu lướt qua các trang báo miễn phí, để khẳng định suy đoán của mình. Các báo miễn phí đăng tải tất cả những sự kiện đáng chú ý ở địa phương.

Tôi tìm được một bài viết về bữa sáng này ở tờ báo thứ hai mà tôi mở ra. Nhưng nhận định của tôi về khách sạn đã sai. Không phải Hyatt cũng chẳng phải Sheraton. Thay vào đó, Sansom đã chốt một nơi là khách sạn O. Henry, tôi đoán nó được đặt tên theo nhà văn nổi tiếng của Bắc Carolina. Địa chỉ được cung cấp. Dự kiến sự kiện sẽ bắt đầu lúc bảy giờ sáng. Tôi xé lấy bài báo, gập nhỏ lại đút vào túi. Tay thanh niên sau quầy đã chuẩn bị xong mọi thứ và mang cho tôi một cốc cà phê mà không hề hỏi gì. Tôi nhấp một ngụm. Chẳng gì tốt hơn là thưởng thức khi đồ uống vừa được pha. Rồi tôi gọi một suất combo[31] lớn nhất có trong thực đơn rồi ngả người xem anh chàng chế biến món ấy.

Tôi bắt taxi tới khách sạn O. Henry. Lẽ ra có thể cuốc bộ, mà công tìm taxi còn mất nhiều thời gian hơn thời gian ngồi xe, nhưng tôi muốn đến bằng phương tiện sang một chút. Tôi tới nơi lúc 6 giờ 15 phút. Khách sạn này là bản sao thời hiện đại của một khách sạn cổ kiểu cách. Nó trông như một công trình độc lập, nhưng có lẽ không phải thế. Rất ít khách sạn như vậy. Sảnh trang trí kiểu cọ, mờ ảo, đầy những ghế bành bọc da sang trọng. Tôi bước qua chúng tới quầy tiếp tân với vẻ tự tin và bảnh bao bằng hết khả năng của một gã mặc chiếc sơ mi nhăn nhúm giá mười chín đô la. Có một phụ nữ trẻ trực ở quầy. Cô trông ngập ngừng, như thể vừa mới vào làm và còn chưa quen hẳn. Cô ta nhìn lên tôi, tôi nói, “Tôi đến đây dự bữa sáng của ông Sansom.”

Cô gái trẻ không nói gì. Cô chật vật tìm cách đáp lại, như thể tôi đã cung cấp quá nhiều thông tin khiến cô lúng túng. Tôi nói, “Họ phải để vé của tôi ở đây.”

“Vé của ông à?”

“Giấy mời của tôi ấy.”

“Ai mời?”

“Elspeth,” tôi đáp. “Ý tôi là bà Sansom. Hoặc người của họ.”

“Người nào?”

“Người chỉ đạo an ninh.”

“Ông Springfield phải không?”

Tôi mỉm cười với mình. Springfield là một nhà sản xuất súng trường tự động, cũng như Browning. Tay này thích chơi chữ, quả là vui nhưng dại. Những cái tên giả sẽ hiệu quả hơn nếu chúng hoàn toàn không có mối liên hệ nào với thực tế.

Tôi hỏi, “Sáng nay cô đã gặp họ chưa?” Đây là câu ướm lời tinh tế. Tôi cho rằng Greensboro không nằm trong quận bầu cử nghị sĩ của chính Sansom. Một chiến dịch tranh cử ghế Thượng nghị sĩ cần phô trương và gây quỹ trên quy mô toàn bang. Tôi đoán là khu vực của Sansom đã đảm bảo chắc chắn thắng lợi, và đến lúc này ông ta sẽ quăng lưới ra xa hơn. Vì thế có lẽ ông ta đã ở khách sạn qua đêm, sẵn sàng để khởi sự sớm sủa. Nhưng tôi không thể chắc chắn. Tôi mà hỏi ông ta đã xuống khỏi phòng hay chưa thì tôi sẽ trông như một kẻ đần độn nếu như chỗ ông ta ở cách đây vài phút đi bộ. Hỏi Sansom đã tới hay chưa thì tôi cũng sẽ trông đần độn không kém nếu như ông ta ở cách xa đến hai trăm dặm. Thế nên tôi chọn phương án trung lập.

Cô kia nói, “Theo như tôi biết thì họ vẫn còn trên gác.”

Tôi bảo, “Cảm ơn,” rồi bước lại sảnh, cách xa thang máy để cô ta không có gì phải lo lắng. Tôi chờ cho tới khi điện thoại chỗ cô kia đổ chuông và cô ta bắt đầu gõ bàn phím, tập trung vào màn hình máy tính, đoạn tôi nhanh chân vòng qua sát mé cuối phòng và bấm nút thang lên.

Tôi nghĩ rằng Sansom sẽ ở trong khu phòng lớn, và các khu phòng lớn sẽ nằm ở tầng trên cùng, thế nên tôi bấm nút tầng cao nhất ở thang máy. Một lúc lâu sau tôi bước từ thang máy ra một hành lang yên tĩnh trải thảm, có một cảnh sát mặc sắc phục đứng nhàn nhã bên ngoài một cánh cửa đôi bằng gỗ gụ. Một cảnh sát tuần tra, từ Phòng cảnh sát Greensboro. Không trẻ. Một cảnh sát lâu năm, kiếm những đồng thu nhập thêm đầu tiên bằng thời gian làm ngoài giờ mà chẳng phải cố gắng gì. Hiện diện cho có lệ. Tôi bước về phía ông ta với nụ cười thể hiện sự tiếc nuối, kiểu như Này, ông bạn đang làm việc, tôi đang làm việc, một gã đàn ông phải làm gì? Tôi đoán là chắc chắn ông ta đã phải tiếp vài vị khách rồi. Cà phê uống mang lên phòng, các nhân viên văn phòng có những lý do phù hợp để tới, có lẽ cả nhà báo. Tôi gật đầu với ông ta và nói, “Jack Reacher tới gặp ông Sansom,” rồi rướn người qua ông ta mà gõ cửa. Viên cảnh sát không phản ứng gì. Không phàn nàn gì. Chỉ đứng đó, hệt như một món hàng trưng bày. Dù sau này có làm gì đi nữa thì lúc này Sansom vẫn chỉ là nghị sĩ từ một vùng xa xôi, còn lâu ông ta mới được bảo vệ nghiêm ngặt.

Có một khoảng ngừng ngắn, rồi cửa khu phòng mở ra. Vợ Sansom đứng đó, bàn tay đặt trên tay nắm cửa phía trong.

Cô ta đã ăn mặc chỉnh tề, đã làm chải tóc, trang điểm xong, sẵn sàng cho một ngày mới.

“Xin chào, Elspeth,” tôi nói. “Tôi vào được chứ?”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.