Không Có Ngày Mai

Chương 37: Chương 37




TÔI LIẾC QUANH PHÒNG TRÀ lờ mờ sáng của khách sạn Four Seasons, nhúc nhích trên ghế rồi nói, “Xin lỗi, nhưng tôi không tin cô.”

Lila Hoth nói, “Tôi đang kể cho ông sự thật.”

Tôi lắc đầu. “Tôi đã từng trong quân đội Mỹ. Tôi từng là quân cảnh. Nói chung thì tôi biết những nơi người ta đã tới cũng như không tới. Và không có dấu giày của quân Mỹ trên đất Afghanistan. Hồi ấy thì không. Trong suốt cuộc xung đột ấy thì không. Đó thuần túy là vấn đề nội bộ.”

“Nhưng các ông đã đứng sau đạo diễn.”

“Tất nhiên là thế. Như các cô đã làm hồi chúng tôi có mặt ở Việt Nam. Hồi ấy Hồng quân có mặt ở nước đó không?”

Đó là câu hỏi chỉ để hỏi, để khẳng định lại, nhưng Lila Hoth tiếp nhận một cách nghiêm túc. Cô nhoài người qua bàn nói chuyện với mẹ mình, nhỏ và nhanh, bằng thứ tiếng nước ngoài mà tôi cho là tiếng Ukraine. Hai mắt bà hé ra một chút, rồi bà nghiêng đầu về một bên như thể bà đang nhớ lại một phần nhỏ của chi tiết lịch sử đầy bí hiểm. Bà già nói lại với con gái, nhỏ và nhanh, lâu, rồi Lila ngừng lại chừng một giây để chuẩn bị cho việc dịch lại, đoạn cô nói, “Không, chúng tôi đã không điều quân tới Việt Nam, bởi chúng tôi tin rằng những người anh em xã hội chủ nghĩa sẽ hoàn thành công việc của mình mà không cần trợ giúp. Điều này, mẹ tôi bảo, rõ ràng là họ đã làm được, một cách huy hoàng. Những con người nhỏ bé mặc áo nâu đã đánh thắng cỗ máy lớn màu xanh.”

Svetlana Hoth mỉm cười gật đầu.

Tôi nói, “Cũng như là một đám chăn dê đá đít đội quân của bà ấy.”

“Không thể phủ nhận điều đó. Nhưng với rất nhiều sự giúp đỡ.”

“Không có chuyện đó.”

“Nhưng ông thừa nhận rằng có sự hỗ trợ vật chất, chắc chắn thế. Dành cho lực lượng du kích Hồi giáo. Tiền và vũ khí. Đặc biệt là tên lửa đất đối không, những thứ loại đó.”

“Cũng như ở Việt Nam, chỉ là ngược lại thôi.”

“Và Việt Nam là một điển hình rõ ràng. Bởi vì theo như ông biết, đã bao giờ Mỹ cung cấp viện trợ quân sự cho bất kỳ nơi nào trên thế giới mà không gửi đến cái họ gọi là các cố vấn quân sự chưa?”

Tôi không nói gì.

Cô hỏi, “Chẳng hạn ông đã phục vụ ở bao nhiêu nước?”

Tôi không nói gì.

Cô hỏi, “Ông nhập ngũ năm nào?”

“Năm 1984,” tôi đáp.

“Vậy những sự kiện này của năm 1982 và 1983 đều diễn ra trước thời ông phục vụ.”

“Chỉ vừa mới xong,” tôi nói. “Và có thứ gọi là kiến thức được lưu truyền.”[37]

“Sai,” cô nói. “Các bí mật được giữ lại còn kiến thức lưu truyền được xóa bỏ một cách dễ dàng. Có một lịch sử lâu dài về sự dính líu quân sự phi pháp của Mỹ trên khắp thế giới. Nhất là thời kỳ Ronald Reagan làm tổng thống.”

“Cô học được điều đó ở trường trung học hả?”

“Vâng, đúng thế. Và hãy nhớ rằng, những người cộng sản đã ra đi khá lâu trước khi tôi lên trung học. Một phần là nhờ ông Reagan đấy.”

Tôi nói, “Dù cô có đúng đi nữa, nhưng tại sao lại cho rằng người Mỹ đã dính líu vào cái đêm cụ thể ấy? Cứ cho là mẹ cô đã không chứng kiến việc xảy ra. Tại sao không giả thiết rằng cha và cậu cô bị chính các du kích Hồi giáo bắt?”

“Bởi không bao giờ tìm được khẩu súng của cha tôi. Bởi chưa bao giờ vị trí của mẹ tôi bị một tay bắn tỉa tấn công vào ban đêm. Trong ổ đạn của cha tôi có hai mươi viên, ông ấy còn mang thêm hai mươi viên dự phòng. Giả sử lực lượng du kích Hồi giáo bắt được cha tôi thì họ đã dùng khẩu súng bắn tỉa của ông để chống lại chúng tôi rồi. Thì họ đã, hoặc đã cố tiêu diệt bốn chục người của chúng tôi rồi, và họ sẽ hết đạn mà bỏ khẩu súng đi. Dần dà thì đại đội mẹ tôi cũng sẽ tìm thấy nó. Có nhiều cuộc giao tranh nhỏ giữa hai bên lắm. Phía chúng tôi đã tràn sang vị trí của họ và ngược lại. Nó như một cuộc săn đuổi vòng tròn điên rồ. Cánh du kích Hồi giáo thật thông minh. Họ có thói quen rút về những vị trí mà trước đó chúng tôi đã gạch đi, coi như các vị trí đã bị bỏ. Nhưng sau một thời gian chúng tôi thấy được toàn bộ vị trí của họ. Họ hẳn đã tìm ra khẩu VAL không đạn, gỉ sét, thậm chí có khi được dùng làm cọc hàng rào nữa. Họ kê khai tất cả các loại vũ khí thu được như thế. Nhưng không có khẩu VAL. Kết luận logic nhất là nó đã được đưa thẳng về Mỹ, bởi những người Mỹ.”

Tôi không nói gì.

Lila Hoth nói, “Tôi đang kể cho ông sự thật.”

Tôi bảo, “Có lần tôi đã trông thấy một khẩu súng bắn tỉa không tiếng động VAL.”

“Ông đã nói điều đó với tôi rồi mà.”

“Tôi trông thấy nó năm 1994,” tôi nói. “Người ta nói với chúng tôi rằng nó vừa được thu giữ. Tận mười một năm sau thời điểm cô nói rằng nó bị thu giữ đấy. Hồi ấy người ta kinh hoảng, khi thấy khả năng của loại súng này. Quân đội không phải đợi tới mười một năm mới kinh hoảng đâu.”

“Sẽ phải thế đấy,” Lila nói. “Nếu để lộ ra khẩu súng ngay sau khi thu được nó thì có thể đã gây ra Thế chiến thứ Ba rồi. Làm thế là trực tiếp thừa nhận rằng lính của các ông đã trực tiếp đối mặt với người của chúng tôi mà không hề có tuyên bố thù địch nào. Ít nhất cũng bị coi là trái luật, mà xét về góc độ địa-chính trị thì thật khủng khiếp. Nước Mỹ sẽ mất vị thế thượng phong về đạo đức. Sự ủng hộ trong nội bộ Liên bang Xô viết sẽ được tăng cường. Sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản sẽ bị làm chậm lại, có lẽ nhiều năm.”

Tôi chẳng nói gì.

Lila nói: “Hãy nói cho tôi nghe, chuyện gì đã xảy ra trong quân đội ông năm 1994, sau cơn kinh hoảng ấy?”

Tôi ngừng lại, đúng như Svetlana Hoth đã ngừng. Tôi nhớ lại những chi tiết lịch sử. Thật đáng ngạc nhiên. Tôi kiểm tra đi kiểm tra lại. Rồi tôi nói, “Thực ra không có nhiều chuyện xảy ra.”

“Không có áo giáp chống đạn mới à? Không có loại ngụy trang mới nào à? Không có phản ứng chiến thuật bằng bất kỳ hình thức nào sao?”

“Không.”

“Liệu điều đó có logic, ngay cả đối với một quân đội không?”

“Không thật logic.”

“Trước thời điểm ấy, lần cuối cùng thiết bị được nâng cấp là khi nào?”

Tôi ngừng lại. Tìm kiếm thêm các chi tiết lịch sử. Nhớ lại PASGT, được giới thiệu trong niềm phấn khích phô trương và lắm lời ca ngợi trong những năm đầu tôi mặc áo lính. Personal Armor System, Ground Troops. Hệ thống áo giáp cá nhân dành cho bộ binh. Một loại mũ Kevlar hoàn toàn mới, được đánh giá đủ sức chịu mọi loại đạn của súng cỡ nhỏ. Một loại giáp chống đạn dày kiểu mới mặc trong hoặc ngoài áo dã chiến, được đánh giá đảm bảo an toàn ngay cả trước đạn súng trường. Theo tôi nhớ cụ thể thì nó được đánh giá là đảm bảo an toàn trước các viên đạn cỡ chín milimét. Cộng thêm những họa tiết ngụy trang mới, được thiết kế cẩn thận nhằm nâng cao hiệu quả và có hai loại, dùng cho vùng rừng núi và sa mạc. Lính thủy đánh bộ có lựa chọn thứ ba, màu xanh nước biển và xám, dùng cho địa hình thành phố.

Tôi chẳng nói gì.

Lila Hoth hỏi, “Việc nâng cấp được thực hiện khi nào?”

Tôi đáp, “Cuối những năm 1980.”

“Ngay cả với những cơn kinh hoảng như vậy, mất bao lâu để hoàn thành việc thiết kế và thực hiện đợt nâng cấp như thế?”

Tôi đáp, “Vài năm.”

“Vậy hãy xem lại những gì ta biết. Vào cuối những năm 1980 ông nhận được trang bị nâng cấp, được thiết kế chủ yếu để bảo vệ cá nhân tốt hơn. Ông có nghĩ rằng có thể đó là kết quả của tác động trực tiếp xuất phát từ một nguồn không công bố năm 1983 không?”

Tôi không trả lời.

Tất cả chúng tôi ngồi yên lặng một lúc. Một nhân viên phục vụ im lặng và kín đáo bước tới mời chúng tôi dùng trà. Ông ta nêu một danh sách dài các nhãn mang tên nước ngoài lạ lẫm. Lila gọi một vị tôi chưa bao giờ nghe tới, rồi cô ta dịch cho mẹ, bà ta cũng chọn tương tự. Tôi chọn cà phê đen thông thường. Nhân viên này cúi đầu một chút, tầm nửa xăngtimet, như thể khách sạn Four Seasons sẵn lòng đáp ứng bất kỳ yêu cầu nào, dù yêu cầu ấy có mạt rệp đến đâu. Tôi đợi cho tới khi ông ta đi khỏi lần nữa rồi hỏi: “Các cô đã suy luận ra người mình cần tìm kiếm bằng cách nào?”

Lila nói: “Thế hệ của mẹ tôi trông đợi một cuộc chiến trên bộ với các ông ở châu Âu, và họ hy vọng mình sẽ thắng. Hệ tư tưởng của họ tốt đẹp, của các ông thì không. Sau một chiến thắng chắc chắn và chóng vánh, họ cho rằng sẽ bắt được nhiều người bên các ông làm tù binh, có thể lên đến vài triệu. Trong giai đoạn ấy, một phần nhiệm vụ của chính trị viên là phân loại các binh sĩ của kẻ thù, lựa ra những kẻ không thể cải tạo tư tưởng. Để giúp họ thực hiện nhiệm vụ đó, họ được làm cho quen với cơ cấu quân đội của các ông.”

“Ai làm cho quen?”

“KGB. Đó là chương trình được thực hiện liên tục. Có rất nhiều thông tin sẵn có. Họ biết ai đảm nhiệm cương vị gì. Đối với các đơn vị tinh nhuệ nhất, họ thậm chí biết cả tên. Không chỉ các sĩ quan đâu, cả lính nghĩa vụ nữa. Như một tay hâm mộ bóng đá thực thụ biết rõ về nhân sự và điểm mạnh điểm yếu của tất cả các đội tham gia giải, kể cả cầu thủ dự bị. Đối với các vụ thâm nhập vào thung lũng Korengal, mẹ tôi lập luận rằng chỉ có thể khoanh ở ba lực lượng. Hoặc lực lượng SEAL[38] của hải quân, hoặc Recon Marines từ Corps, hoặc Delta của bộ binh. Thông tin tình báo hồi ấy không ủng hộ cho giả thuyết đấy là lực lượng lính thủy đánh bộ hay SEAL. Không có cả bằng chứng suy diễn về sự liên quan của họ. Không có thông tin cụ thể. KGB có người cài khắp mọi tổ chức của các ông, song họ không báo cáo gì. Nhưng có những tín hiệu vô tuyến quan trọng phát ra từ các căn cứ của Delta ở Thổ Nhĩ Kỳ và các điểm tập hợp ở Oman. Ra đa của chúng tôi phát hiện những chuyến bay không thể cắt nghĩa. Kết luận những chiến dịch trên do Delta thực hiện là hợp logic.”

Nhân viên phục vụ đã trở lại cùng một chiếc khay. Ông ta là một người cao, đen, khá già, có lẽ người nước ngoài. Ông có nét gì đó rất riêng. Có lẽ khách sạn Four Seasons đã đưa ông ra vị trí mặt tiền và trung tâm vì điều đó. Phong thái của ông cho thấy có thể một thời ông đã là chuyên gia về trà ở một nơi tráng lệ nào đó tại Vienna hay Salzburg. Trên thực tế có thể ông đã là kẻ thất nghiệp ở Estonia. Có thể ông đã bị gọi nhập ngũ cùng phần còn lại của thế hệ Svetlana. Có khi ông đã phải chịu đựng những cơn gió mùa đông ở thung lũng Korengal cùng bà ta, tại một nơi vào thời điểm nào đó cùng với nhóm sắc tộc của mình. Ông ta điệu nghệ rót trà và sắp xếp những lát chanh trên đĩa. Cà phê của tôi đựng trong một chiếc tách đẹp. Ông đặt nó xuống trước mắt tôi với vẻ bất bình được che giấu một cách lịch thiệp. Khi người phục vụ đã đi khỏi, Lila Hoth nói, “Mẹ tôi đánh giá rằng vụ đột kích được một viên đại úy chỉ huy. Nếu là trung úy thì quá thấp còn thiếu tá thì lại quá cao so với nhiệm vụ đó. KGB có danh sách nhân sự. Hồi ấy có rất nhiều đại úy được điều vào Delta. Nhưng còn có các bản phân tích sóng vô tuyến. Một người đã nghe được cái tên John. Điều đó giúp khoanh vùng lại.”

Tôi gật đầu. Hình dung ra một chảo ăng ten lớn ở một nơi nào đó, có thể là Armenia hay Azerbaidjan, một gã ở trong lều, đeo tai nghe, hai miếng ốp cao su ép chặt vào hai tai, lướt qua các tần số lăng nghe tiếng rít và loẹt xoẹt của các kênh liên tục đổi tần, vớ được một mẩu đối thoại không dùng mật hiệu, rồi viết từ John lên một mẩu giấy thô màu nâu. Có rất nhiều thứ được túm từ không trung.

Hầu hết vô dụng. Một từ ta có thể hiểu cũng giống như một cục vàng trong chiếc rây, hoặc một viên kim cương trong tảng đá. Và một từ họ hiểu được chẳng khác gì một viên đạn găm vào lưng ta.

Lila nói: “Mẹ tôi hiểu hết về các huy chương của quân đội các ông. Chúng được coi là yếu tố quan trọng, là tiêu chí phân loại tù binh. Huy hiệu vẻ vang, khi bị bắt sẽ ngay lập tức trở thành huy hiệu nhục nhã. Bà biết rằng khẩu VAL xứng đáng giành được một phần thưởng quan trọng. Nhưng phần thưởng nào? Hãy nhớ rằng khi ấy không hề có tuyên bố thù địch. Và hầu hết các phần thưởng quan trọng của các ông đều dành cho lòng can đảm hay anh dũng trong hành động chống lại một quân đội là kẻ thù của Mỹ. Xét về nguyên tắc, dù kẻ nào đoạt được khẩu VAL từ tay cha tôi đi nữa thì cũng không đủ tiêu chuẩn tặng thưởng bất kỳ phần thưởng nào trong đó, bởi về nguyên tắc Liên Xô không phải kẻ thù của nước Mỹ. Xét về mặt quân sự thì không. Xét về mặt chính trị chính thức thì không. Không hề có tuyên bố chiến tranh mà.”

Tôi một lần nữa gật đầu. Chúng tôi chưa bao giờ xảy ra chiến tranh với Liên Xô. Ngược lại, trong suốt bốn năm dài, chúng tôi là đồng minh trong cuộc chiến tuyệt vọng chống một kẻ thù chung. Chúng tôi đã hợp tác, rất chặt chẽ. Chiếc áo khoác dã chiến của Hồng quân thời Thế chiến thứ hai mà Lila Hoth nói là đã che chắn nơi cô được thụ thai chắc chắn đã được sản xuất ở Mỹ, là một phần của chương trình Lend-Lease[39]. Chúng tôi đã chuyển một trăm triệu tấn đồ len và vải bông cho người Nga. Cộng thêm mười lăm triệu đôi giày da, bốn triệu lốp xe bằng cao su, hai ngàn đầu máy xe lửa và mười một ngàn toa xe vận tải, cũng như các món đồ nặng bằng kim loại như mười lăm ngàn máy bay, bảy ngàn xe tăng và 375.000 xe tải quân sự. Tất cả cho không, miễn phí, chẳng đổi lại gì. Winston Churchill gọi đó là chương trình ít vụ lợi nhất trong lịch sử. Đã có những giai thoại sinh ra quanh chương trình này. Người ta bảo rằng người Liên Xô đề nghị cung cấp bao cao su, và để cố gây ấn tượng cũng như sự thân mật, họ nói cụ thể rằng họ bao cao su cần dài bốn lăm phân. Người Mỹ đã chuyển hàng cho họ đúng hẹn, trong các thùng carton đóng dấu: Cỡ: Trung bình.

Chuyện là thế.

Lila hỏi, “Ông vẫn nghe đấy chứ?”

Tôi gật đầu. “Huy chương Thành tích xuất sắc sẽ là lựa chọn thích hợp. Hoặc Huy chương Công trạng, hoặc Huy chương Người lính.”

“Không đủ tầm.”

“Cảm ơn cô. Tôi đã được tặng cả ba loại đó.”

“Thu được khẩu VAL là một cuộc đảo chính thực sự vĩ đại. Một sự kiện chấn động. Đó là thứ vũ khí hoàn toàn chưa được biết tới. Việc lấy được nó cần được tặng thưởng một huy chương thực sự có giá.”

“Nhưng loại nào chứ?”

“Mẹ tôi kết luận rằng đó sẽ là Huy chương Thành tích Đặc biệt. Loại này quý nhưng có nét khác. Tiêu chuẩn xét tặng là đóng góp đặc biệt đáng khen ngợi đối với chính phủ Mỹ khi thi hành một nhiệm vụ có trách nhiệm rất nặng nề. Nó hoàn toàn độc lập với các hoạt động quân sự chính thức được tuyên bố. Thông thường nó được trao tặng cho các nhân vật mềm dẻo về chính trị từ cấp tướng trở lên. Khi ấy mẹ tôi được lệnh trừ khử lập tức tất cả những kẻ từng được trao tặng DSM. Rất hiếm người dưới cấp tướng được tặng thưởng huy chương này. Nhưng chỉ có nó là loại huy chương giá trị mà một đại úy Delta có thể đã được tặng nhờ cái đêm hôm ấy ở thung lũng Korengal.”

Tôi gật đầu. Tôi đồng ý. Tôi thấy rằng Svetlana Hoth là một người phân tích rất tốt. Rõ ràng bà đã được đào tạo tốt và có kiến thức rộng sâu. KGB đã thực hiện được một công việc thật hiệu quả. Tôi nói, “Vậy nên cô đi mà tìm một tay tên John là một đại úy Delta và giành được một DSM, cả hai việc này diễn ra vào tháng Ba năm 1983.”

Lila gật đầu. “Và để chắc chắn, DSM ấy phải được tặng thưởng mà không có tuyên dương.”

“Và các cô đã buộc Susan Mark giúp đỡ.”

“Tôi không buộc cô ấy. Cô ấy vui lòng giúp đỡ.”

“Tại sao?”

“Bởi cô ấy cảm động vì câu chuyện của mẹ tôi.”

Svetlana Hoth mỉm cười gật đầu.

Lila nói, “Và cô ấy cũng xúc động một chút vì câu chuyện của tôi. Tôi là đứa con không cha, cũng như cô ấy.”

Tôi hỏi, “Làm thế nào mà tên của John Sansom xuất hiện thậm chí trước khi Susan thông báo? Tôi không tin rằng nó xuất phát từ một nhóm điều tra thuê của New York chỉ ngồi một nơi đọc báo và tán phét.”

“Đó là sự kết hợp rất hiếm thấy,” Lila nói. “John, Delta, DSM, nhưng chưa hề là viên tướng một sao. Chúng tôi nhận thấy điều đó qua tờ Herald Tribune, khi các tham vọng của ông ta đối với Thượng nghị viện được thông báo. Khi ấy chúng tôi ở London. Ông có thể mua tờ đó trên khắp thế giới. Nó là một phiên bản của tờ New York Times. Có thể John Sansom là kẻ duy nhất trong lịch sử quân đội các ông hoàn toàn khớp với các tiêu chí ấy. Nhưng chúng tôi muốn chắc chắn tuyệt đối. Chúng tôi cần có sự khẳng định cuối cùng.”

“Trước điều gì? Các cô muốn làm gì với tay đó?”

Lila Hoth trông ngạc nhiên.

“Làm à?” Cô hỏi. “Chúng tôi chẳng muốn làm gì cả. Chúng tôi chỉ muốn nói chuyện với ông ta, thế thôi. Chúng tôi muốn hỏi ông ta vì sao? Vì sao ông ta lại làm thế, đối với hai con người?”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.