Lang Thang Trong Nỗi Nhớ

Chương 5: Chương 5




Chương 5:

Hoàng mới có một chiếc xe đạp. Chiều chiều tôi thấy cậu ta được bố cho tập đi. Bố cậu ấy trông dữ tướng, bên bắp tay còn xăm trổ nên chả đứa nào dám mượn.

Thấy thế Cường cũng đòi anh trai dạy. Anh ấy đã học lớp sáu nên đạp xe thoăn thoắt, chở được cả em. Cậu ta học mất có một buổi là đạp rầm rầm ra đường, còn Hoàng thì chiều nào cũng thấy bố giữ tay lái. Tôi và Đức ngồi chống cằm.

“Bao giờ tớ biết đi xe tớ sẽ đèo Diệp.”

“Thật không?”

Tôi nghe vậy thì cả còn thấy chán nữa, lại dùng nụ cười tít mắt đáp trả.

Một buổi trưa chủ nhật, nhân lúc có cô nào vào chơi nhà, Đức gọi tôi vào sân.

“Diệp ngồi đi, Đức đèo.”

Tôi còn chưa hiểu thì Đức đã leo lên. Tuy cao hơn tôi nhiều nhưng cậu ấy béo chùn béo chụt, loay hoay mãi mới đạp được xe.

À ha, ra vậy, tôi trèo lên yên sau ngồi. Cậu ta hì hục đạp trong khi xe không dịch chuyển tẹo nào.

“Quý khách muốn đi đâu?”

“Hmmmm... Tôi muốn ra chợ.”

Đức đạp hùng hục, tôi ngồi nhún nhảy đằng sau. Trời thì nắng chang chang mà chả che chắn gì. Chơi được một tẹo bắt đầu thấy chán chán, xe để chân chống nên mãi chỉ ở trong sân nhà Đức. Tôi thấy Cường đi qua, cậu ta được mẹ nhờ đi mua hành ngoài chợ, nom cái dáng mới thành thạo làm sao.

“Èo, con Diệp lên đây tao đèo.”

Chắc thấy hai đứa tôi tội quá nên cậu ta mủi lòng. Tôi tụt xuống xe, vội vàng leo lên xe Cường.

“Đừng, ngã đấy. Thăng Cường đèo làm sao được.”

Tôi mặc kệ lười cảnh báo của Đức. Đi dưới lòng đường mới thích, tôi thậm chí còn đẩy người về trước cho Cường đạp dễ hơn. Đạp được hai vòng thì xe loạng choang, tay lái run run. Bánh xe quẹo hẳn một bên, thêm nửa vòng nữa thì cậu ta chống được chân xuống hè, xe bị nghiêng rạp sát đất. Tôi mất thăng bằng ngã chúi người ra, đúng ngay chỗ giao giữa vỉa hè và lề đường.

“AAAAAAAAA! Oa oa oa!”

Tôi gào ầm ĩ lên như trời đã sập.

Mẹ đang nấu cơm chạy ào tới. Tôi thấy máu ở lòng bàn tay chỗ tiếp xúc với mặt đường, chỉ biết khóc toáng lên để ai cũng phải biết tôi đang đau, rất đau.

Đầu gối bắt đầu chảy máu, rơi ra thành giọt, mẹ vội vàng bế tôi lên trạm y tế.

Tôi phải khâu ba mũi, mà đến tận bây giờ vẫn còn sẹo.

Mẹ kể rằng tôi khóc to đến nỗi mẹ còn tưởng tôi bị đập đầu xuống đất.

Tối đó, mẹ Cường và cậu ta có qua thăm với cân cam. Vết thương của tôi được bọc trong gạc, đã đỡ đau nhưng thấy mặt cậu ta tôi bắt đầu sụt sịt, buộc mẹ phải mắng vốn mới chịu nín.

Cứ nhìn thấy bản mặt tên đó là ghét vô cùng.

Chân vẫn nhưng nhức nên tôi chẳng được đi đâu chơi, ở nhà bố mẹ chăm như trứng. Đức thường hay vào chơi, ngồi cạnh và cho tôi dựa vào. Lưng cậu ấy to dựa rất sướng, ngoài ra còn có nhiều bánh kẹo nên tôi cứ chỉ thích cậu ấy ở bên mãi.”Diệp, cho này.”

Nhưng tôi mắc bệnh có mới nới cũ, Hoàng mang theo con gấu bông bé tí tẹo lúc lắc trước mặt tôi.

“Cho tớ á?”

Tôi không thích con gấu ấy lắm, nó to bằng nắm tay thôi. Nhà cậu ấy chả thiếu đồ chơi, con gấu này tặng kèm trong hộp sữa quảng cáo trên tivi. Tuy nhiên vì của Hoàng nên tôi có hơi ưu ái một chút so với mấy cái kẹo của Đức.

Tôi ngồi chơi với Hoàng và gần như quên hẳn sự có mặt của Đức.

*

Cũng kể từ hôm đó, Cường chả dám trêu tôi nữa. Cậu ta có phần dè dặt khi ngồi học cùng nhau. Cho chừa, ai bảo để tôi ngã. Bao giờ chính thức nói xin lỗi, tôi mới chịu chơi lại.

Song, lời xin lỗi với Cường khó nói đến nỗi dù tôi chỉ tíu tít bên hai cậu bạn còn lại thì cậu ta vẫn không mở lời. Học cùng lớp lại gần nhà, mà giờ hai đứa rất ít khi nói chuyện, chỉ thỉnh thoảng mẹ nhờ mang đồ qua nhà tôi thì Cường đem ra, và khi đem trả, tôi chỉ đưa cho anh trai cậu ấy.

Gia đình Hoàng và Đức vốn đã thân thiết, lại học với nhau nên càng thân hơn. Ở nhà thì cả bốn đứa vẫn chơi với nhau, còn trên lớp, tôi phát hiện ra Cường có bạn thân mới. Cậu ta hiếu động, lắm trò nên hòa nhập rất nhanh.

Tôi từ bé đã chỉ thích chơi với các bạn nam, lại không thèm chơi với Cường, cậu ta thì cầm đầu đám con trai trong lớp, nên tôi chả chơi với đứa nào cả. Giờ ra chơi thi thoảng tôi chạy ra lớp Đức nghe cậu ấy kể chuyện, ngồi xem mấy thằng con trai chơi gẩy nịt, hoặc là ngủ.

Có thể nói năm lớp một tôi học rất chăm chỉ, vì thế cô cho làm lớp phó học tập hẳn hoi, dù tôi chả biết làm lớp phó thì khác gì mấy đứa khác.

Chả có gì qua được mắt mẹ, thấy tôi thường không tí tởn ra nhà Cường nữa mẹ hỏi chuyện:

“Diệp học cùng lớp với bạn Cường, Diệp nên chơi thân với bạn ấy. Đức và Hoàng dù sao học lớp khác, có ai bắt nạt thì còn có người bảo vệ con.”

Mẹ chỉ lo xa, tôi thì đứa nào bắt nạt được.

“Ứ, Cường là con trai, Diệp là con gái, không nên chơi thân.”

Có vẻ như tôi đã bắt đầu lớn hơn trước, biết nhận thức hơn về giới tính nên mẹ có vẻ mừng. Mẹ không nói gì nữa. Cậu ta để lại vết sẹo ở chân tôi, không xin lỗi thì còn lâu tôi mới cho chơi cùng.

Đúng ra là, Cường đã sớm quên đi vụ ngã xe đó, cậu ta thích chơi với mấy thằng ngang cơ mình, đánh đấm, đuổi nhau uỳnh uỵch, chứ không thích nói chuyện với con gái. Xưa nay cậu ta chơi với tôi chỉ vì tôi hay đi theo Đức, tôi đã không hề biết điều đó nên cứ mãi ôm viễn cảnh cậu ta phải tỏ ra hối lỗi với mình.

Sau khi kết thúc kỳ I, cô giáo cho đổi chỗ, tôi ngồi bàn hai, còn cậu ta xuống gần bàn cuối. Ngồi cạnh tôi là một thằng con trai khác.

Không khó để bắt chuyện với một thằng con trai nếu tôi muốn, nên chỉ sau vài ngày tôi chơi với nó tự nhiên như với Đức vậy. Giờ ra chơi tôi lại chạy theo nó, nhìn nó chơi trốn tìm với bọn trong lớp.Tôi chỉ đứng ngoài nhìn nên đứa nào nấp ở đâu biết hết. Vì thế mỗi lần Quốc bí quá tôi sẽ chỉ chỗ giúp.

“Thằng Quốc chơi ăn gian, mày nghe con Diệp nói chỗ của bọn tao.”

“Ai bảo thế? Tao tự tìm ra chỗ chúng mày.”

“Đồ ăn gian, lần này mày còn chơi thế nữa thì đừng có trách.”

Tôi nghĩ rằng chơi trốn tìm phải tự mình tìm thấy mới thú vị và ý nghĩa, vì thế bỏ ra chỗ khác ngồi, để bọn con trai tự chơi với nhau. Lớp của Đức đang sinh hoạt lấn giờ ra chơi nên đóng cửa im ỉm.

Quốc tìm một thôi một hồi cũng ra được chỗ nấp của bốn thằng kia, còn mỗi Cường trốn kĩ quá, không tài nào tìm được. Nó lượn qua lượn lại chỗ tôi rồi nháy mắt như thể: “Nói cho tao biết thằng Cường trốn ở đâu?”

Tôi thích chơi với con trai đơn giản vì bọn nó chơi công bằng, không cả nể và không tỏ ra có nhiều bí mật như con gái. Bọn kia đã nói không được ăn gian nữa thì phải theo. Dù biết chỗ Cường nhưng tôi nhất quyết không nói.

“Diệp, nói tao xem chỗ nào? Nãy giờ toàn phải đi tìm chán chết.”

“Diệp, mày mà nói thì làm con chó.” – Giọng thằng khác chen vào.

“Nói đi! Mày không nói tao không chơi với mày nữa!”

“Đứa nào nói là con chó.”

Chúng nó cứ í ới bên tai, tôi bịt tai thật chặt. Cường từ sân sau chạy ra đập tay vào bức tường nơi Quốc vừa úp mặt. Cả đám sung sướng được cứu vỗ tay âm ầm, Quốc lại tiếp tục phải làm kẻ đi tìm.

“Ăn gian, lúc tao không để ý thằng Cường chạy ra. Không tính!”

“Tại mày chứ? Ai bắt không đi tìm tao?”

Bọn nó cãi nhau nhưng Quốc đuối lý, trước khi úp mặt vào tường chơi ván kế tiếp, cậu ta quay ra rủa tôi:

“Con Diệp, mày nhớ đấy, mày không về phe tao. Con ngu, đần độn, chốc nữa tao không cho mày dùng chung giấy màu!”

Tiết sau học thủ công, tôi quên để giấy màu ở nhà. Cô thủ công kinh lắm, đứa nào không chuẩn bị đủ dụng cụ sẽ bị mắng rồi ghi sổ liên lạc. Tôi lại là lớp phó học tập sẽ càng bị nói nhiều, cả cô chủ nhiệm cũng mắng nữa, sợ quá tôi chạy vào lớp khóc một cách ngon lành.

Nhưng không như những cậu bạn hàng xóm của mình, hoặc là chỉ có mấy cậu ấy mới sợ nước mắt của tôi, Quốc chả tỏ ra mủi lòng chút nào. Thậm chí trong giờ học, cô hỏi có bạn nào quên đồ không, nó đã chỉ vào tôi.

Đúng như dự đoán, tôi bị cô mắng, tôi khóc thì còn bị mắng nhiều hơn nữa. Cô nói rằng đó là lỗi của tôi, khóc mới chả lóc.

Trống tan học, tôi bỏ đồ vào cặp xách, lầm lũi bước đi.

“Lêu lêu, cho mày chết. Mai cô chủ nhiệm biết, cô còn trừ điểm thi đua của mày.”

Thằng Quốc đã vậy còn giương mắt nhìn. Tôi để nó đi cho khuất mắt rồi mới ra khỏi lớp. Càng ngày nỗi lo cô giáo chủ nhiệm hạ hạnh kiểm càng lớn.

“Lần sau quên đồ thì bảo tao cho mượn.”

Cường đi vượt lên, cậu ấy luôn nhét giấy màu vào cặp qua ngày này tới ngày khác vì lười soạn sách vở. Nếu hai đứa ngồi cạnh nhau như trước kia, kiểu gì Cường cũng cho tôi mượn giấy dùng chung. Tôi bắt đầu mếu máo, đi ra cổng thì gặp cả Hoàng và Đức.

“Diệp sao lại khóc như thế?”

“Thằng Quốc...”

Tôi vừa nấc vừa trả lời.

“Thằng Quốc lớp tao xấu tính lắm, tẩn nó một trận đi chúng mày.”

“Nó bắt nạt Diệp hả?”

Tôi gật đầu. Thế là ba cậu bạn thân nhất của tôi chạy một mạch đuổi theo Quốc. Không biết nếu là một đứa con gái khác sẽ cư xử thế nào, nhưng với tôi, tôi cũng chạy theo nốt.

“Diệp, cho Diệp búng tai nó.”

Khác với tính cách của Cường, Đức và Hoàng không thích đánh nhau, nên cả ba chỉ giữ Quốc lại, chờ tôi tới xử lí.

Tôi vừa khóc xong đã cười tít mắt, cho tay áp sát tai Quốc:

“Đồ con trai nhỏ mọn!”

Rồi búng một cái.

“Nhẹ quá, để tao!”

Tôi không mạnh tay nên Cường chen vào bợt cho Quốc chỉ một phát mà tai đỏ ửng. Sau đó chúng tôi thả cho nó đi. Tôi cười tươi hơn lúc rồi. Thích quá đi!

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.