Tôi đi sau Thạch Bình Nhi, tôi chợt nhớ đến lần đầu gặp cô ta, nhớ đến lần Trương Ái Dân đóng giả Thạch Bình Nhi đang bị thương, rồi tôi đưa “cô ta” đi viện… tôi
bỗng bật cười. Rồi tôi lại nhớ đến nhóm Mông Nhân, lão Phó… chưa rõ họ
sinh tử ra sao, thấy rất lo lắng, tôi bèn rảo bước nhanh hơn, thậm chí
định bước lên trước cả Thạch Bình Nhi. Cô ta vội hãm tôi lại, hỏi tại
sao. Tôi nói mình đang rất lo cho sự an toàn của nhóm Mông Nhân…
Thạch Bình Nhi lau mồ hôi trán, nói: “Anh đừng cuống lên, sẽ không có tác
dụng gì đâu. Hiện giờ chúng ta cứ đi đã rồi tính sau. À này, anh có cảm
thấy càng đi vào thì không khí càng nóng hơn không?”
Nghe Thạch
Bình Nhi nói thế, tôi mới nhận ra toàn thân mình cũng nhớp mồ hôi. Tôi
kéo phéc-mơ-tuya mở bộ quần áo leo núi, sờ vào bộ quần áo bó bên trong
(họ bảo là trị giá 500 ngàn tệ), nói: “Bộ đồ này có thể giữ ổn định thân nhiệt kia mà, sao lại nóng thế này nhỉ?”
Thạch Bình Nhi cũng kéo phéc-mơ-tuya ra, nói: “Tôi không biết nữa, bộ đồ này do cấp trên mua về, tôi cũng lần đầu mặc nó.”
“500 ngàn?” Tôi cười nhạt. “Coi chừng, chỉ là bộ quần áo bơi bình thường. Áo lót giữ ấm của tôi cũng có thể co giãn thoải mái.”
Chúng tôi tiếp tục đi một lúc, thấy đường càng lúc càng rộng, sơn động cũng
càng thênh thang hơn, thạch nhũ cũng bắt đầu thưa dần. Đi thêm một chập
nữa, thì không gian tròn của sơn động dần biến thành một thông đạo hình
vuông. Tôi và Thạch Bình Nhi đứng ở cửa thông đạo, tôi bước lên một
bước, giẫm lên những phiến đá lát mặt đường, rồi bước lùi lại giẫm chân
lên đất mềm bên ngoài đá lát, nói: “Có vẻ như do con người làm nên.”
Thạch Bình Nhi gật đầu, cầm đèn pin soi khắp xung quanh một lượt, rồi
nói: “Anh xem, tất cả đều là công trình nhân tạo, xung quanh còn có cả
trụ đá, trên đỉnh động cũng ốp đá, hình như trên đá lát sàn còn khắc chữ nữa.
“Lại là bùa, cộng với thần chú gì đó, không rõ có tác dụng gì nhỉ?” Thạch Bình Nhi ngồi xuống nhìn kỹ, rồi lại đứng lên nói.
Tôi nhìn xung quanh, rồi sờ vào mặt đá lát, nói: “Ngày trước tôi đã xem rất nhiều phim, đã chơi rất nhiều game… cứ nhìn khung cảnh này thì biết, ở
đây có phong ấn một quái vật gì đó, hoặc đến từ địa ngục hoặc là một con thần thú đến từ thời cổ đại.”
Thạch Bình Nhi lắc đầu: “Không có
vẻ như vậy! Những nơi được xây dựng tinh xảo như thế này đâu phải nơi
dùng để phong ấn thứ gì? Ngày trước em đã từng đến một nơi, có tài liệu
chép rằng đó là nơi chôn cất một ông vua của tộc Khương ở đất Thục.
Nhưng thực ra nơi đó không phải lăng mộ gì cả. Bấy giờ em rất ngạc
nhiên, tại sao nơi mai táng mà lại rất giống như một cái hầm trong lòng
đất, và cũng rất thô sơ xấu xí, chẳng khác gì cái nhà tạm trên phố do
mấy anh thợ xây vụng về xây nên. Bọn em bước vào, thấy một cánh cửa đá
nhưng dùng đủ mọi cách cũng không sao mở nổi cánh cửa dị thường ấy, và
cũng không dám dùng thuốc nổ để phá, vì bọn em không phải hạng người đào trộm mộ. Sau khi lau sạch bụi đất trên cánh cửa, thấy hiện ra những
hàng chữ có nội dung giới thiệu rằng, ông vua Khương này đã vận hết sức
mình dẫn dụ một con quái vật vào trong, rồi lắp cánh cửa dị thường này
và dùng tiết của chim phượng hoàng gắn chặt lại, như vậy mới có thể vĩnh viễn nhốt con quái vật ở trong. Hiểu ra những chuyện này rồi, bọn em
chỉ chụp ảnh, rồi lui ra và từ đó không bao giờ nghĩ đến chuyện mở cánh
cửa đá ấy nữa. Những chuyện tương tự như vậy, thà cứ tin rằng có thật
còn hơn là không tin, vì, lỡ trong đó có quái vật thật thì sao?” Thạch
Bình Nhi nói xong, mỉm cười nhìn tôi. Tôi rùng mình, rồi lại cúi xuống
nhìn các tấm đá lát.
Tôi nhìn hồi lâu và ngẫm nghĩ những lời
Thạch Bình Nhi vừa nãy, tôi nói: “Liệu có phải nơi này cũng là một hầm
ngầm? Tức là… gì nhỉ… là mộ cổ?”
Thạch Bình Nhi lắc đầu: “Tuyệt đối không phải.”
Tôi hỏi: “Tại sao?”
Thạch Bình Nhi: “Mộ cổ, sẽ không xây dựng ở nơi như thế này; nếu xây ở trong
này thật, và, trong cái động phía trước lại có chuyện kỳ quái gì đó xảy
ra, thì hóa ra là không muốn để cho ai vào nữa à? Anh nên phân biệt rõ
giữa lăng và mộ. Có mộ thì phải có lăng; lăng là chỗ để cúng bái, còn mộ là để… em nói cho dễ hiểu, lăng là chỗ để đốt tiền giấy vàng mã, còn mộ là nơi chôn người chết. Hiểu chưa? Nơi này có độ an toàn rất cao, nếu
là mộ cổ, thì người đã chết ít ra là hạng thân vương, thế thì, lẽ nào
người ta không xây lăng để người đời sau cúng tế? Nếu là mộ của bậc đế
vương[1], kể từ thời Thương - Chu cho đến thời Hán, trong lăng mộ đế
vương thường có bốn lối đi. Các triều đại về sau cũng thực hiện theo quy tắc ấy. Giả sử nơi này là lăng mộ, mà lại chỉ có một thông đạo thì e
không hợp logic.”
[1] Đế = vua của các vua (vương); vương = vua chư hầu, hoặc người được Đế phong là vương.
Tôi nghe Thạch Bình Nhi nói bao la bát ngát, chẳng hiểu ra sao, và cũng
không tiện hỏi thêm, kẻo lại bị cô ta chế nhạo là hạng đàn ông nhát gan, vô dụng.
Chúng tôi ngồi ở thông đạo nghỉ một lúc, sau đó lại đi
tiếp. Mới đi được một đoạn thì nhìn thấy phía trước xuất hiện một cái
cửa đồ sộ, hai bên cửa còn có hai cửa ngách. Cửa chính đang mở, hoặc nói cách khác là chỉ có một lối vào, cửa không có cánh cửa. Hình như hai
cửa ngách chủ yếu là để điêu khắc, trang trí cho bề thế. Thạch Bình Nhi
lại chụp ảnh, rồi đi đi lại lại quan sát xung quanh bộ cửa đá, cô lúc
thì lắc đầu lúc thì mím môi nghĩ ngợi gì đó. Tôi thấy cửa này na ná như
cửa ở các điểm di tích đã từng đến thăm, tôi không nhận thấy có điểm gì
lạ. Thạch Bình Nhi ngắm nhìn xong, nói: “Xem ra, động này gần đúng với
bọn em trước đây đã suy đoán, nó không phải kiến trúc do Bạch Liên giáo
thời nhà Thanh xây dựng; niên đại cụ thể thì em chưa thể biết nhưng ít
ra nó cũng được xây từ thời Đường trở về trước. Có một điều này có thể
khẳng định: mỗi triều đại, đều có người đến đây tu sửa định kỳ, và họ
căn cứ vào phong cách của triều đại đương thời để trùng tu. Anh xem các
hoa văn trên cửa, có thể nhận ra một số chỗ đã được điêu khắc lại, rất
khác với phong cách của các chỗ khác; các hoa văn điêu khắc lại không
thể hiện long phượng hoặc kỳ lân… mà toàn là khắc các cảnh trong dân
gian, na ná như trong bức tranh ‘Thanh minh thượng hà đồ’[2] vậy.”
[2]“Thanh minh thượng hà đồ”: một trong những bức tranh cổ nổi tiếng, của danh họa Trương Trạch Đoan, thời Tống.
Tôi nhìn vào phía trong cửa, hình như có ánh sáng, nhưng không có Thạch
Bình Nhi đi cùng thì tôi không dám bước vào nửa bước. Lúc này Thạch Bình Nhi bước vào cửa, nhìn hai bên, cô lấy bật lửa ra châm vào cây đèn gần
như gắn chìm vào vách đá. Tôi rất kinh ngạc. Cô ta vừa nói kiến trúc này ít ra được xây cất từ thời nhà Đường, tại sao đèn vẫn có thể thắp sáng?
Thạch Bình Nhi châm nốt cây đèn phía đối diện, rồi nói: “Trong đó có lẽ là
thạch du, nhà kho của trụ sở công ty em có thứ này. Danh từ ‘thạch du’
ngày nay nghĩa là dầu mỏ, nhưng thạch du thời xưa không phải dầu mỏ
chúng ta vẫn dùng ngày nay. Từ khá lâu đã có ghi chép về thạch du, trong một số tư liệu về Ban quân cơ của triều đình nhà Thanh có chép rằng,
vào cuối thời nhà Minh, quân Minh bị quân Thanh đánh bại ở Ninh Viễn,
hoàng đế Vạn Lịch (nhà Minh) tức giận, ra lệnh cho quân đội tiến đánh
Phòng Sơn ở ngoại ô kinh thành, đặt thuốc nổ và đốt sạch các lăng mộ của mấy đời vua nhà Kim, nói rằng làm thế sẽ phá được long mạch của nhà Mãn Thanh. Thạch du thời ấy chỉ hoàng cung mới được dùng, quân Minh đã đem
ra một lượng lớn thạch du thắp ngàn năm cũng không hết để đốt lăng, sẽ
cháy âm ỷ rất lâu. Nhà Thanh biết chuyện, cảm thấy bị sỉ nhục[3] và phẫn nộ, nhưng đồng thời họ cũng cho rằng thạch du là thứ rất có giá trị,
bèn sai người tìm hiểu xem nó ở đâu ra. Kết quả là: dùng một thứ thiết
thạch ở Tuyết Sơn trộn lẫn xác cá có tên là “tiêu”, để lâu trên một trăm năm, hai thứ ấy kết hợp với nhau, sau đó đặt vào vạc đồng đun lên sẽ
được thạch du, là thứ rất quý. Một vạc thạch du có thể cháy liên tục
hàng năm trời, thạch du có thể cất giữ mãi mãi không biến chất. Thạch du trong kho công ty chúng tôi, nghe nói đã được chế tạo từ hơn trăm năm
trước, vẫn có thể đốt cháy, chỉ hiềm vẫn chưa biết thiết thạch ở Tuyết
Sơn và cá “tiêu” mặt mũi ra sao.”
[3] Triều đình Kim vốn là bộ
tộc ít người ở phía đông bắc Trung Quốc, đã thống trị già nửa Trung Quốc thế kỷ 12 - 13 (thời Bắc Tống). Nhà Thanh (1636 – 1909), vốn là nước
Thanh (thành lập năm 616) ở phía đông bắc Trung Quốc, đánh bại nhà Minh
rồi cai trị Trung Quốc. Nước Kim và nước Thanh vốn cùng một bộ tộc; nói
cách khác, vua Kim là tổ tiên của vua Thanh, dân nước Kim và dân nước
Thanh đều là người Mãn, là “người nhà” của nhau.