7 giờ 40 phút, xe
dừng lại, rồi cửa sau của xe từ từ mở ra. Ánh mặt trời tràn vào, sáng
lóa cả mắt, tôi vội đeo kính bảo hộ lên, làm theo cách trước đó Thạch
Bình Nhi đã hướng dẫn điều chỉnh kính sao cho đạt độ sáng cho phù hợp;
thấy tạm ổn rồi, tôi xuống xe.
Xuống xe rồi, tôi nhìn xung quanh, chỉ thấy toàn núi là núi, trông lạ hoắc, cảnh vật xung quanh đều chưa
nhìn thấy bao giờ, chỗ xe đỗ, có vẻ như là một thung lũng hẹp. Khi tôi
còn đang lấy làm lạ trước đây mình không biết danh thắng nổi tiếng
Thuyền Sơn lại có một chỗ như thế này, thì Thạch Bình Nhi bỗng gọi mọi
người tập hợp lại, chỉnh đốn lần cuối các trang bị đeo trên người để
chuẩn bị xuất phát.
Ông Chung Sênh hỏi Thạch Bình Nhi, ông không
muốn tham gia nữa vì tuổi tác thế này e không kham nổi, được không?
Nhưng cô ta nói: cả tổ này có thể thiếu bất cứ ai nhưng không thể thiếu
giáo sư Chung Sênh. Không rõ câu này có khiến ông cảm thấy mình rất được trọng dụng không, ông không nói gì, vẫn lặng lẽ kiểm tra các trang bị
theo lời Thạch Bình Nhi dặn dò.
Sau khi tất cả đã ổn, Thạch Bình
Nhi bảo chiếc xe đó quay về, rồi cô dẫn chúng tôi đi vào núi. Tôi vội
rảo bước lên hỏi Thạch Bình Nhi xem còn phải đi bao lâu nữa, cô cầm la
bàn ra xem, rồi nói: “Còn một quãng nữa.” Tôi ngạc nhiên, vì la bàn cô
ta dùng là la bàn gấp kiểu cổ lỗ sĩ. Cô nói mình thích dùng đồ cũ, nó
đáng tin cậy hơn.
Tôi đi cuối cùng toán người, nhìn theo chiếc xe đang từ từ lăn bánh đi trở lại con đường lúc nãy rồi khuất hẳn trong
tầm mắt, tôi cảm thấy có phần bất an, nhưng sự hưng phấn về chuyến đi
này đã xua tan tâm trạng thấp thỏm. Tôi chỉnh đốn các thứ đeo trên
người, nắn vai, rồi bước theo mọi người tiến vào trong núi.
Càng
đi vào sâu càng cảm thấy âm u, cứ như trời sắp tối. Tôi ngẩng nhìn trời, rồi nhìn thấy vô số thực vật mọc trên núi dường như phủ kín trên đầu
mình. Tôi kéo áo ông Chung Sênh đi phía trước, hỏi ông đây là nơi nào mà trông kỳ lạ thế này, xưa nay chưa từng nghe nói xung quanh núi này có
thung lũng.
Ông Chung Sênh lắc đầu, mỉm cười, nói rằng ông không
làm về địa lý, chỉ biết cảnh tượng này là thuộc về địa mạo Karst, vì
xung quanh thành phố J cũng đều thế này cả. Tôi lắc đầu, tiếp tục bước
theo đội ngũ. Cứ thế, chúng tôi đi gần 40 phút trong một vùng tựa như
cái thung lũng hẹp, sau đó đi đến trước một quả núi nhỏ, xung quanh nó
toàn là rừng trúc. Tôi thấy khung cảnh này rất quen, vội trèo lên một
khối đá nhỏ, đứng bên trên lập tức nhìn thấy đập nước ở ngay bên cạnh
núi Thuyền Sơn, và còn nhìn thấy cả nhà dân nữa. Kỳ lạ nhỉ? Thế này là
đi quanh một vòng tròn hay sao? Nếu đi men theo đập nước để đến đây, thì chỉ mất khoảng mươi phút.
Tôi nhảy xuống khỏi mỏm đá rồi hỏi
Thạch Bình Nhi, thì cô ta mỉm cười chỉ vào tuyến đường ấy, nói: “Anh thử quay trở lại mà đi theo lối ấy, xem có đi nổi không? Nếu anh đi được
thì em xin làm vợ anh luôn!”
Tôi liền bước trở lại lối đi ở thung lũng vừa nãy, vừa đi được mấy bước thì cảm thấy không ổn: lối đi vữa
nãy đã biến mất, chỉ toàn thấy rừng trúc và cỏ dại mọc um tùm. Thạch
Bình Nhi vẫy tay gọi tôi: “Bây giờ tranh thủ thời gian nghỉ ngơi đã, để
chờ thời gian đến.” Sau đó cô cầm một thứ ra đặt xuống đất. Thứ đó na ná như chiếc máy laptop nhưng kèm theo một cục gì đó giống như vệ tinh bé
xíu. Cô sắp đặt xong xuôi, rồi lại lấy ra vài thanh kim loại cắm xuống
mặt đất. Đã hoàn tất rồi, cô nhấc thiết bị thông tin đeo trên người
xuống, lấy chiếc máy di động ra đặt áp vào nhau, rồi cô ngồi bên cạnh.
Lúc này Mông Nhân cũng đang nhìn ngó xung quanh, nhưng tâm trí của anh phần nhiều vẫn dành cho Mễ Đâu. Lão Phó thì nằm ngửa mặt lên nhìn trời,
miệng phì phèo thuốc lá. Lưu Siêu đang sờ vào vách núi trước mặt xem xét gì đó không biết. Còn ông Chung Sênh thì ngồi thụp xuống, tay vân vê
các nắm đất, ngắm nghía và đưa lên mũi ngửi. Ông lẩm bẩm: “Nếu cầm theo
cái xẻngLạc Dương[1] thì tốt.”
[1]Có dạng ống thuôn để khoan hoặc lấy mẫu đất
Thạch Bình Nhi đứng bên mỉm cười, nói: “Thứ đó lạc hậu rồi!”
Tôi có nghe nói về xẻng Lạc Dương nhưng chưa bao giờ nhìn thấy, chỉ biết
rằng giới khảo cổ hay dùng, bèn hỏi ông Chung Sênh nó dùng để làm gì.
Ông nói, thứ đó bọn đào trộm mộ ở Lạc Dương dùng trước tiên, cho nên mới có cái tên ấy. Không ai biết người nào đã phát minh ra nó. Dùng xẻng
Lạc Dương để khoét lỗ, từ đó nhận ra các văn vật chôn bên dưới rất chuẩn xác, độ sai lệch rất nhỏ; nhưng nhược điểm của nó là hiệu suất quá
thấp, dễ làm hỏng các văn vật, không thể khoan sâu, khi khoan nếu gặp
đá, nước ngầm hoặc tầng sỏi cát thì bó tay; việc sử dụng nó cũng cần tay nghề rất cao. Nó gồm ba bộ phận cơ bản là que thăm dò, cán sắt và lưỡi
tròn. Công tác khảo cổ trước kia rất thiếu dụng cụ thiết bị dễ sử dụng,
cho nên, ngoài bọn đào trộm mộ hay dùng ra, xẻng Lạc Dương cũng được
dùng trong khảo cổ.
Nghe ông nói vậy, tôi bật cười: “Thế thì dân
khảo cổ có khác gì bọn đào trộm mộ?” Ông Chung Sênh lắc đầu, mỉm cười
không nói gì, và tiếp tục “chơi” với đám đất đá. Tôi cũng lắc đầu. Xem
ra, chuyện đó vẫn chuẩn xác với cái câu lâu nay tôi thích nói: chốn nhân gian, mọi thời đại đều có cao thủ!
Khoảng gần một giờ sau, máy
thông tin của Thạch Bình Nhi bỗng tít tít kêu lên, cô vội chộp tai nghe
lên đeo vào tai. Rồi cô nói với chúng tôi: “Chuẩn bị! Mọi người tập
trung ở chỗ tôi! Mau lên! Thời gian đã đến!” Tất cả chúng tôi liền vây
quanh Thạch Bình Nhi. Đúng lúc này mặt đất bỗng rung lên, ai cũng cảm
thấy đứng không vững nữa, tôi suýt ngã nhoài, và có cảm giác chóng mặt
mất một lúc. Sau khi mặt đất hết rung, quả núi nhỏ trước mặt chúng tôi
bắt đầu nứt, có cảm giác nó bị dâng lên cao, à không, nó tụt xuống… tôi
nói không đúng, tôi bị hoa mắt. Nhìn quả núi tôi cảm thấy chóng mặt, tôi vội nhắm mắt lại, cúi đầu xuống. Chờ khi các chấn động đã hết, tôi mới
ngẩng đầu lên thì trước mặt tôi đã xuất hiện một sơn động!
Cảnh
tượng này khiến cho tất cả mọi người, kể cả Thạch Bình Nhi, phải sững sờ kinh ngạc. Ông Chung Sênh lắp bắp “ơ kìa…” và không thể nói tiếp được
nữa, toàn thân ông run bắn. Hồi lâu sau ông mới nói được: “Ôi! Thật
không sao tưởng tượng nổi! Sao lại có cái chuyện như thế này? Không
thể!”
Tôi đập vào vai ông, nói: “Có gì không thể? Chúng ta đang
nhìn thấy đây còn gì?” Lúc này Thạch Bình Nhi mới “hoàn hồn”, cô vội gọi mọi người đi vào, và nói rằng nếu để muộn quá thì sẽ không vào nổi. Tôi bỗng nghĩ đến một vấn đề nhưng lại thôi không nghĩ tiếp nữa, tôi giúp
Thạch Bình Nhi thu xếp các thứ rồi chạy về phía cửa động. Chạy đến nơi,
tôi bỗng giật mình: bên trong tối om hầu như không nhìn thấy gì cả.
Thạch Bình Nhi nhanh chóng mở túi đeo lấy ra mấy thanh huỳnh quang ném
vào[2] , chúng tôi nhìn thấy một thứ tựa như dốc trượt, bên dưới nó là
đất bằng. Thạch Bình Nhi trượt xuống trước tiên, rồi hô lên với tôi:
“Anh Bạch phải xuống sau cùng.”
[2] Ống nhựa đặc biệt gồm hai
lớp, chứa hóa chất khác nhau; khi đập, vặn nứt, sẽ xảy ra phản ứng hóa
học rồi phát sáng. Làm đồ chơi hoặc làm “đèn soi”.
Mọi người hầu
như không hề do dự như tôi lúc này, tất cả đều trượt ào xuống dốc, tôi
định kéo họ cũng không được, đành nghiến răng, và cũng trượt xuống nốt.
Xuống đến nơi rồi, tôi nhận ra mọi người đều đang nhìn về một hướng, đó là
cửa động, chỉ có Thạch Bình Nhi đang cầm đèn pin lia vào trong động quan sát tỉ mỉ. Vấn đề mà tôi đang nghĩ là: nếu cửa động đóng lại thì chúng
tôi sẽ trở ra như thế nào?
Có vẻ như lúc này mọi người đều nghĩ
như thế. Lão Phó vừa định trèo lên để quay ra thì cửa động đã khép lại
với tốc độ cực nhanh, chỉ trong chớp mắt, không ai trong chúng tôi kịp
phản ứng gì.
Cửa động khép kín, khiến chúng tôi lại cảm thấy sững sờ, Mễ Đâu kêu thét lên một tiếng, mới khiến chúng tôi bừng tỉnh. Mông
Nhân túm chặt Thạch Bình Nhi, hỏi: “Chúng tôi sẽ ra kiểu gì đây”
Thạch Bình Nhi nói: “Tôi cũng đi cùng mọi người mà! Mọi người nghĩ sao?” Mông Nhân buông tay Thạch Bình Nhi ra, anh vỗ vai Mễ Đâu. Lão Phó thì thở
dài, rút thuốc lá ra hút. Vừa định châm thuốc thì bị Thạch Bình Nhi kéo
giật lại: “Trong hang động ở bất kỳ điểm du lịch nào, cũng cấm không
được hút thuốc, đúng không?”
Lão Phó lầu bầu nguyền rủa rồi cất
thuốc lá đi, bật lửa thì bị Thạch Bình Nhi vứt xuống đất. Cô nói: “Tôi
xin nhắc lại lần nữa: không được hút thuốc, không được tự ý tách khỏi
hàng ngũ; muốn đi vệ sinh cũng phải đi cùng mọi người!”