Tôi không rõ nơi mình được dẫn vào là điện nào của cung Trùng Hoa nhưng nó cũng khá giống với cái gọi là “thư phòng” trong những bộ phim cổ trang mà tôi từng xem. Xung quanh căn phòng là những giá sách cao tới hơn hai mét, giữa phòng là một chiếc phản lớn có trải chiếu vàng, một người đàn ông trẻ đang ngồi trên đó, một bên tay tựa vào gối. Ông chăm chú đọc sách, dường như không để ý chút nào tới chúng tôi. Có lẽ đây chính là “phòng làm việc” của ông vua trẻ Hiếu Hoàng Trần Khâm.
Nguyễn Tái không hề tỏ ra bối rối, ngược lại rất ung dung quay sang nhìn tôi. Tôi cũng gửi lại y một đôi mắt ngơ ngác đáng yêu. Bất ngờ, Hiếu Hoàng vốn đang chỉ chú ý tới quyển sách trên tay lại ngẩng lên, nhìn thẳng vào mắt tôi. Trong đôi mắt ấy lóe lên tinh quang, chiếu thẳng vào người tôi. Nguyễn Tái bên cạnh còn chưa kịp nói gì, tôi đã quỳ sụp xuống run rẩy.
“Vô dụng!” Tôi thầm mắng mình. Đúng là hâm mộ mấy cô nữ chính trong tiểu thuyết, dám cãi nhau tay đôi với hoàng đế. Hãy nhìn tôi mà xem, bản thân đã hoàn toàn quên đi cái gọi là “dũng cảm đương đầu với cường quyền”, vứt hết mọi thứ mình đã đọc được trong mấy cuốn “ngôn tình” vào sọt rác. Hoàng đế chứ không phải người thường, riêng cái khí thế bức người kia đã khiến một đứa dân đen như tôi không chịu nổi rồi.
Hiếu Hoàng khẽ cười một tiếng, không nói gì. Nguyễn Tái hơi cúi người, ôm quyền bẩm báo: “Khởi bẩm, đây... đây là...”
“Trẫm cũng nhìn ra rồi. Khanh lui ra ngoài đi.” Hiếu Hoàng nói, giọng hiền hòa nhưng mạnh mẽ, vang khắp căn phòng. Tôi không nhịn được liền lén lút ngẩng lên nhìn ngắm dung nhan vị hoàng đế thứ ba của nhà Trần. Hiện giờ Hiếu Hoàng chỉ khoảng ba mươi tuổi, ánh mắt tinh anh, dáng người đạo mạo, tôi nhìn còn tưởng cả người vị hoàng đế này đang phát sáng, phải vội vã dụi mắt xem lại.
Thấy Hiếu Hoàng nhìn mình, tôi lại cúi gằm mặt xuống, thật mang tiếng cho các anh chị em vượt thời gian trở về quá khứ. Hiếu Hoàng hắng giọng, nhẹ nhàng hỏi: “Ngươi mắc tội gì ư?”
Tôi lắp bắp trả lời: “Dạ... không....”
Hiếu Hoàng lại nói: “Vậy tại sao còn quỳ? Đứng dậy đi.”
“Tạ...tạ... ơn hoàng, à quan gia.” Chữ nghĩa trong đầu tôi đã bay sạch sành sanh.
Hiếu Hoàng đã đi đến gần tôi từ lúc nào, khi tôi đứng dậy thì đã đối diện với ông. Thật kỳ lạ, khi nãy ở cạnh Trần Thuyên thì tôi không cảm thấy điều gì nhưng hiện tại khi ở gần Hiếu Hoàng như thế này, khoảng cách hàng trăm năm giữa chúng tôi lại hiển hiện thật rõ rệt dù Hiếu Hoàng còn rất trẻ, cách biệt tuổi tác giữa tôi và ông còn chưa đầy mười tuổi.
Hiếu Hoàng quan sát tôi rất kỹ, đôi mắt sâu thẳm của ông không bỏ qua bất cứ chi tiết nào trên khuôn mặt của tôi. Ông khẽ nói: “Giống, nhưng lại không giống...”
Tôi ngơ ngác hỏi lại: “Giống cái gì ạ?”
Hiếu Hoàng chỉ mỉm cười, không trả lời. Trong tôi như có thứ gì trào dâng, không nhịn được lại cúi đầu.
“Ngươi từ đâu tới?” Hiếu Hoàng đã trở về phản lớn, vừa đọc tấu chương vừa hỏi tôi.
Giống như với Trần Thuyên, tôi đáp một cách rất mông lung: “Bẩm quan gia, cách đây rất xa ạ.”
Hiếu Hoàng rời mắt khỏi tờ tấu chương, nhíu mày nhìn tôi. Sai lầm rồi, tôi đâu thể coi một vị hoàng đế đã tại vị mười một năm giống như cậu nhóc mới lớn tuổi như Trần Thuyên được. Đương nhiên Hiếu Hoàng sẽ không bị hai từ “xa lắm” của tôi đánh lừa.
Thế nhưng ông không nói gì thêm, chỉ thở dài một cái. Trong chốc lát, Hiếu Hoàng như già đi thêm vài tuổi.
Đây là vị hoàng đế đã cùng với quân dân Đại Việt trải qua hai trận kháng chiến chống quân Nguyên- Mông, đã trải qua biết bao khói lửa, đau thương để giữ cho trọn nền độc lập tự chủ của nước nhà.
“Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã,
Sơn hà thiên cổ điện kim âu.”
Có nghĩa:
“Xã tắc hai phen chồn ngựa đá,
Non sông nghìn thuở vững âu vàng.
(Tức Sự - Trần Nhân Tông, dịch thơ bởi Trần Trọng Kim)
Tôi đứng yên lặng phía dưới, lén nhìn theo một thị nữ dâng trà lên. Cô gái này cùng lắm chỉ khoảng đôi mươi, ánh mắt nhìn Hiếu Hoàng vừa như thần tượng, vừa như yêu mến.
Bởi còn giải quyết công vụ, Hiếu Hoàng trò chuyện với tôi rất ít. Ông hỏi một câu, tôi trả lời một câu rồi lại im lặng. Chừng hơn một tiếng sau, chân tôi đã sắp đông thành đá tới nơi thì Hiếu Hoàng đứng dậy, không quên nhắc tôi đi theo sau.
Tôi cùng ông đi vào gian phòng phía trong, nơi mà cung nữ cùng các nội quan đã bày biện xong cả một bàn thức ăn đầy ắp. Tôi lén lút lau nước miếng, hai mắt sáng ngời.
Hiếu Hoàng cười bảo: “Dùng bữa cùng trẫm, trẫm có vài điều thắc mắc muốn hỏi ngươi.”
Đây là mệnh lệnh.
Tôi thấy đầu có chút choáng váng. Hoàng đế bảo tôi ăn cơm cùng?
Ngờ nghệch một tiếng “vâng” thật lớn, tôi không cẩn thận liền đặt mông ngồi xuống ghế trước Hiếu Hoàng. Cả đám thị nữ, nội quan liền trố mắt ra, hẳn là đang rất tò mò về đứa con gái hỗn láo dám khi quân phạm thượng này đây.
Tôi ngại ngùng đứng lên, bắt gặp nụ cười như đang xem tấu hài của Hiếu Hoàng. Ông xua tay, chúng tôi cùng ngồi xuống một lúc.
Phải công nhận rằng đãi ngộ của Hiếu Hoàng dành cho tôi là có một không hai. Ở nơi này, ngoài cái tên Niệm Tâm ra thì tôi không hề có thân phận gì nhưng Hiếu Hoàng cũng không hề kiêng kỵ, lại cho phép tôi được ngồi cùng bàn dùng bữa với ông.
Qua những gì Hiếu Hoàng nói với tôi ban nãy, tôi đồ rằng bản thân mình trông rất giống một người quen cũ của ông, giống đến mức ông đối xử với tôi như người bạn ấy vậy.
Hiếu Hoàng hỏi: “Ngươi nói mình tới từ một nơi rất xa?”
Tôi gật đầu, đó cũng là sự thật: “Một nơi vô cùng xa, tưởng chừng cưỡi ngựa phi nước đại mấy năm cũng không thể tới được.”
“Ra là vậy.” Hiếu Hoàng mỉm cười.
Khi đã được quan sát Hiếu Hoàng ở khoảng cách gần, tôi nhận thấy ông và Trần Thuyên rất giống nhau. Chỉ cần họ nở nụ cười thì đều có thể thu hút toàn bộ sự chú ý của tôi.
Trên đời này có hai kiểu đẹp, một là đẹp nhạt nhẽo, chỉ cần quay đi thì trong đầu sẽ không còn bất cứ ý niệm gì nữa. Kiểu thứ hai là đẹp đặc biệt, không cần tới mức xuất sắc, nhưng đã thấy một lần thì sẽ không bao giờ có thể quên được. Và hai cha con họ chính là kiểu như vậy.
Hiếu Hoàng lại nói: “Ngươi tới đây có mục đích gì?”
Không ngờ tôi đã quên béng mất lý do mình tới đây không phải để ăn mà để tìm lại chiếc máy ảnh.
Tôi luống cuống lên: “Tôi... tôi đang tìm một vật. Nhưng mà...”
Hiếu Hoàng khẽ cười, nụ cười ta-biết-hết-đấy-nhé. Ông cho gọi một tên nội quan tới gần, nói nhỏ vài câu rồi cho gã lui.
Ông nói: “Cách ăn mặc của ngươi rất giống với cậu thanh niên ấy.”
“Cậu thanh niên ạ?”
Hiếu Hoàng gật đầu, khi ấy tên nội quan đã quay lại, trên tay là một bọc đồ không nhỏ. Hiếu Hoàng súc miệng xong liền kể lại câu chuyện của ba ngày trước, khi một tên nhóc xuất hiện ngay cạnh xa giá, trên người phát ra thứ âm thanh ồn ào kỳ lạ. Tôi đổ mồ hôi hột, thật không ngờ tôi vượt thời gian chỉ ngay sau thằng Đạt có ba ngày. Tên nội quan đưa lại tôi bọc đồ, khi mở ra là chiếc máy ảnh hai chục triệu đã vỡ vụn.
Hiếu Hoàng cười nói: “Đã bị rất nhiều lính tráng dẫm vào. Xem chừng hỏng rồi phải không?”
Tôi chỉ biết nuốt ngược nước mắt vào trong, cẩn thận gói lại cái bọc.
“Nếu ngươi không ngại, trẫm sẽ sai người mua lại cái mới. Nhưng không biết phải mua ở nơi nào? Vật này cũng thật kỳ lạ, không ai biết đó là thứ gì...”
Mặc dù tôi rất muốn được ngửa tay xin Hiếu Hoàng mấy cái bát vàng hay vài chiếc trâm ngọc nhưng lương tâm lại không cho phép, đành bấm bụng mà khéo léo từ chối.
Hiếu Hoàng thấy vậy liền không hỏi nữa, lại chuyển sang vấn đề tôi năm nay bao nhiêu tuổi. Tôi không rõ việc hỏi tuổi con gái ở thời này có được coi là bất lịch sự không nhưng cũng nhiệt tình trả lời.
Ông ngạc nhiên: “Gia đình của ngươi thì sao? Ngươi đã thành thân chưa?”
Tôi thấy được sự tò mò của Hiếu Hoàng liền muốn mở ra cho ông một thế giới mới, cho ông biết về cuộc sống của gần tám trăm năm sau. Tôi nói rằng ở nơi tôi ở, nam nữ bình đẳng, mọi người có thể kết hôn khi nào mà họ muốn. Hơn nữa tôi còn có thể một mình đi khắp mọi nơi, không nhất thiết phải có người thân ở cạnh. Hiếu Hoàng lại càng tỏ ra hứng thú, liền hỏi tôi đã đi những đâu. Tôi nói rằng chỉ trừ bên ngoài Trái Đất ra, còn lại nơi nào tôi cũng từng đặt chân đến hết rồi.
Tất nhiên là tôi đang chém gió, nhưng họ lại không tin không được. Hiếu Hoàng lại hỏi, Trái Đất là gì? Tôi tiện mồm giải thích qua loa một hồi, chỉ thấy ông mắt tròn mắt dẹt, có lẽ cũng không tin tưởng lắm.
Sau đó tôi lại kể chuyện trộm mộ bên Trung Quốc, truyện xác ướp ở Ai Cập, truyện trinh thám Sherlock Holmes ở Anh, khiến Hiếu Hoàng chăm chú nghe tới quên hết trời đất.
Hiếu Hoàng là một vị vua anh minh, ông không hoàn toàn tin tưởng những gì tôi câu chuyện tôi kể mà chỉ đơn giản là thưởng thức chúng.
Rất lâu về sau nghĩ lại, tôi chỉ biết tự mắng bản thân mình ngu ngốc, vì muốn thể hiện mà toàn nói những lời không đâu với Hiếu Hoàng. Người ta vượt thời gian, muốn giữ bí mật không được mà tôi còn bô bô cái mồm ra làm gì không biết?
Chúng tôi cùng dạo bước quanh hành cung, tôi hứng chí kể cho Hiếu Hoàng nghe về tên khốn nạn gọi tôi là đa nhân cách, ông chỉ cười và nói hắn bị mù.
Tôi nghe mà cảm thấy sung sướng khó tả, có cơ hội nhất định sẽ cho anh ta biết rằng chính một vị hoàng đế của nước Việt Nam thời xưa đã nói anh ta bị mù!
Sau đó Hiếu Hoàng lại kể cho tôi nghe về tình hình Đại Việt của thời bấy giờ, cùng với chút lo lắng về việc quân Nguyên Mông có còn ý định quay trở lại hay không. Giọng ông đều đều, vừa giống như tâm sự, lại như bày tỏ nỗi niềm.
Lồng ngực tôi dâng lên những cảm xúc phức tạp, vì sao Hiếu Hoàng lại có thể tin tưởng tôi đến mức nói ra những suy nghĩ trong lòng vậy nhỉ?
Tôi đắn đo mãi, cuối cùng cũng cất lời: “Quan gia đừng lo, trong vòng nhiều năm tới quân Nguyên sẽ không quay lại đâu.”
Hiếu Hoàng ngạc nhiên nhìn tôi.
Không thể nói toạc rằng do tôi đến từ tương lai, tôi nghĩ qua loa rồi đáp: “Chúng đã nhận được một, à không ba bài học rồi. Hoàng đế nhà Nguyên rốt cuộc cũng biết được nước ta nhỏ nhưng không kém gì đất nước của họ.”
Hiếu Hoàng nghe vậy liền mỉm cười, mắt ánh lên niềm tự hào.
Tôi cùng Hiếu Hoàng dừng lại ở một chiếc đình nhỏ, cạnh một vườn hoa. Trên chiếc bàn đá trong đình đã bày sẵn một bình rượu với một ít đồ nhắm.
Tôi cười tít mắt, nói: “Trăng thanh gió mát lại có cả rượu, quả là hoàn hảo.”
Hiếu Hoàng ngây người ra nhìn tôi, bất chợt bật cười.
Thực ra tôi rất ít khi uống rượu, nhưng trong trường hợp này chỉ có rượu mới phù hợp. Tôi tỏ ra là một đứa trẻ ngoan ngoãn, rót một ly rượu đầy cho Hiếu Hoàng rồi mới rót cho mình.
Đưa chén lên mũi, một mùi vừa thơm vừa cay xộc lên, một lát chỉ còn thấy hương thơm dịu.
Hiếu Hoàng cất giọng ngâm một câu: “Rượu Vân một chén, cả đời vẫn say.”
Đoạn, ông nâng chén uống cạn, khuôn mặt vẫn bình thản. Tôi học tập ông, ngửa đầu lên đổ thẳng rượu vào miệng. Vị của rượu cay nồng trong miệng, tôi còn cảm giác được nó đang trôi dần xuống bụng mình. Khi mới uống thấy rượu cũng nhẹ, nhưng ngay sau đó đầu óc tôi bắt đầu trở nên không còn tỉnh tảo như trước nữa.
Tôi đánh bạo nói với Hiếu Hoàng một câu: “Quan gia, dù chúng ta mới gặp nhau nhưng tôi thấy ngài rất dễ gần.”
Dứt lời, tôi liền cười hì hì, tự rót cho mình thêm một chén nữa.
Hiếu Hoàng lắc đầu, mỉm cười: “Rất lâu về trước, trẫm đã gặp một cô gái.”
Tôi phối hợp rót rượu cho ông, tỏ vẻ chăm chú lắng nghe.
“Trẫm và nàng hữu duyên nhưng vô phận, chỉ có thể gặp một lần mà không có cơ hội gặp lại. Tới giờ trẫm mới biết, nàng ấy cũng chỉ là một hình bóng ngang qua đời mà thôi.”
Hiếu Hoàng nâng chén trầm ngâm, ánh mắt nhìn lên vầng trăng mờ ảo sau mây mù.
“Niệm Tâm, ngươi không cần buồn vì những điều đã qua. Rồi tới một ngày ngươi sẽ nhận ra thứ gì chỉ là một bóng hình, và thứ gì mình muốn dùng cả tâm sức để giữ lấy.”
Lúc này rượu đã ngấm, chất giọng trầm ấm của Hiếu Hoàng lại trở nên càng mơ hồ. Tôi gật đầu mạnh mấy cái, thấy mắt díp lại, trước mặt là một khoảng không mù mịt. Hiếu Hoàng còn nói rất nhiều về cô gái kia nhưng tôi chỉ nghe câu được câu chăng.
Đến khi sắp ngủ gật thì đầu tôi đập mạnh một phát xuống bàn, cơn đau cảm thấy tỉnh táo hơn bao giờ hết, xấu hổ cúi gằm mặt không dám nhìn Hiếu Hoàng.
Nghe thấy tiếng cười khẽ từ phía ông, tôi bối rối xoa xoa trán, uống liền một hơi ba chén nước. Hiếu Hoàng đứng dậy, chắp tay nhìn lên khoảng trời sâu thẳm.
“Hoan bá kiêu sầu phong vị trường
Đào sinh, trúc đạm ổn long sàng.
Nhất thiên như thủy, nguyệt như trú,
Hoa ảnh mãn song, xuân mộng trường.”
Dịch thơ:
“Rượu tưới sầu tan, vị đậm đà,
Giường rồng, chiếu trúc trải bày ra.
Trời trong như nước, trăng vằng vặc,
Giấc mộng xuân dài, dưới bóng hoa.”
(Bài thơ Nhị nguyệt thập nhất nhật dạ của Hiếu Hoàng Trần Nhân Tông - Bản dịch của Trần Lê Văn)
Hôm ấy là ngày đầu tiên và cũng là ngày cuối cùng tôi được gặp Hiếu Hoàng.
Ông để tâm nơi cửa Phật, sau khi truyền ngôi cho Trần Thuyên - cũng là hoàng đế Anh Hoàng sau này - được vài năm thì lên Yên Tử xuất gia.