Từ Đài Bắc về. Hôm nay đến lượt tôi vào viện chăm mẹ.
Thời gian này, việc kinh doanh của tiệm thuốc rất kém. Mẹ không ở nhà, mất rất nhiều khách thích tỉ tê tán gẫu, doanh thu ảm đạm. Có lúc tôi ngồi viết truyện ở quầy thuốc, cả buổi chiều chẳng có lấy một khách hàng. Cầm đơn đến lấy thuốc cũng chỉ có mấy cô gái bao.
Thật ra anh em tôi vẫn đang nghĩ về việc có nên thừa lúc kinh doanh ảm đạm, khuyên ba mẹ suy nghĩ nghiêm túc về việc nghỉ hưu, đừng vất vả thế này nữa. Ngày nào cũng chín giờ sáng mở cửa, mười giờ đêm đóng cửa. Khách đông thì vất vả, khách ít lại khó khăn. Bất kể từ góc độ xã hội học, tâm lý học hay kinh tế học thì việc này đều không hợp lý. Khoản nợ còn lại của gia đình, chỉ cần không phát sinh việc ngoài ý muốn, thì năm triệu chia cho ba cũng không có gì quá nặng nề.
Hôm qua từ Đài Bắc về đến Chương Hóa rất khuya. Vì sao đi Đài Bắc, là vì kiếm Xù đi xem phim. Rất lâu rồi không xem phim với Chó Xù, lựa một bộ phim loại giả tưởng, không có gì mới lạ nhưng khá hay: Panic room. Xem xong, ngồi ăn trong quán Starbucks ngoài trời, trên lầu của quảng trường Vi Phong. Nói chuyện về ước mơ đoạt giải thưởng lớn về phim giả tưởng của tôi.
Rất rất lâu rồi không giãi bày tâm sự với Xù cảm hứng sáng tác của tôi. Thử một chút, vẫn rất ăn ý. Xù khuyên tôi mau chóng xây dựng ý tưởng thành tiểu thuyết hoàn chỉnh được bảo hộ bản quyền, và còn dự đoán tôi sẽ giật giải lớn quốc tế về phim giả tưởng. Ôi, thuận lợi may mắn thế thì còn gì bằng, chẳng qua vẫn là động viên thôi.
Thế là tôi không nhịn được bật máy tính xách tay lên, cho Xù xem truyện ngắn Sát thủ, Giác trong hệ liệt Sát thủ tôi mới hoàn thành. Sau đó bẽn lẽn ngắm nhìn biểu cảm của Xù. Thấy Xù đọc mà rơi nước mắt, tôi nghĩ có lẽ... có lẽ truyện rất tuyệt vời, kha kha.
Hiện tại là 2 giờ 20 phút sáng. Mẹ đang nằm trên giường. Mẹ tỉnh giấc từ một giờ trước, mãi vẫn chưa ngủ lại được. Ngày thứ mười hai rồi. Hôm nay có kết quả xét nghiệm máu. Lượng bạch cầu khả dụng là 500 bạch cầu/mm3 máu, tiểu cầu 70000, hồng cầu 8,4. Mẹ không bị sốt, mọi thứ đều thuận lợi.
Rất muốn viết một chút về mẹ, thế nên nghĩ đến một cảnh tượng.
Để giúp chúng tôi làm bài tập ở trường, mẹ có thể làm một người mẹ “thủ kho”. Ở mức thông thường, mẹ cất giữ các sách tham khảo, sách giáo khoa và cả vở bài tập của anh cả hết sức đầy đủ. Đợi lúc tôi lớn bằng tuổi đó của anh, ngoài sử dụng sách tham khảo của mình, tôi còn phải xem hết đống sách của anh cả để lại.
Nếu buổi tối tôi phải làm bài tập toán, mẹ sẽ lấy bài tập của anh hồi xưa làm đáp án. Tôi làm xong, mẹ đem so hai bản mới và cũ, chấm bài tôi trước cả giáo viên. Nếu tôi làm sai, lập tức phải biết tại sao, không được đợi đến hôm sau. Còn làm sao để tôi biết tại sao, thì hỏi anh cả à? Dĩ nhiên không, vẫn phải phiền đến mẹ dạy cho. Nhưng mà, để mẹ đỡ phải ngủ muộn, đứa con hiếu thảo đã chớp thời cơ mẹ không chú ý, lén chép một mạch bài tập của anh cả, và cũng hoàn thành sự nghiệp tiểu học với phương thức hiệu quả nhất.
Ngoài vở tập và sách tham khảo, mẹ còn lưu giữ tất cả bài kiểm tra của anh cả, chép cẩn thận đáp án vào mặt sau bài kiểm tra hoặc ra một tờ giấy trắng khác, sau đó tẩy hết đáp án viết bằng bút chì trên bài làm, bắt tôi làm lại một lượt, sau đó thảo luận về đáp án chuẩn, sửa sai và rút kinh nghiệm. Đêm trước ngày kiểm tra định kỳ, thi cuối tháng v.v... đều phải làm như vậy, coi như tập trận.
Nói thẳng là chán gần chết. Giờ nghĩ lại, điểm chắc không cao cũng chẳng đến nỗi chết, nhưng tôi thiếu lập trường để phàn nàn về chế độ giáo dục nặng nề, không phải là vì mẹ thu thập tài liệu hết sức vất vả, mà vì tôi còn có thằng em – cái thằng sẽ phải làm hết các bài kiểm tra của anh cả và tôi đã làm.
Đối với việc học của chúng tôi, mẹ có một chuyện đến giờ vẫn khiến tôi cảm động.
Trung học cơ sở năm đầu tiên, tôi học rất tệ, cực kỳ dở tệ, dở đến mức nào có thể thấy từ số liệu. Cả trường có hơn 520 học sinh năm đầu trung học cơ sở, kỳ kiểm tra tháng đầu tiên, tôi tả xung hữu đột chiếm được vị trí thứ 486. Nếu xếp lại lớp theo điểm kiểm tra, chắc là tôi sẽ đúng thứ nhất trong lớp cuối cùng. Năm đó cả hai học kỳ tổng cộng sáu lần thi cuối tháng, môn toán tôi chưa bao giờ đạt trung bình, lần cao nhất chính là kỳ thi đầu tên, 48 điểm, tột cùng giới hạn rồi. Từ đó, có thể thấy về môn toán tôi là nhân tài xuât chúng xếp từ dưới lên.
Nhưng hồi đó tôi vào lớp mỹ thuật, điểm chác kém không làm tôi bận tâm cho lắm. Dù sao tôi cũng chỉ muốn trở thành họa sĩ truyện tranh cự phách, cự phách tới mức tại quê hương truyện tranh là Nhật Bản tôi vẫn thuộc hạng cự phách. Để có thể đẩy công lực truyện tranh tới mức cự phách đó, tôi không coi thành tích học tập ra gì, trong giờ ngoài giờ đều vẽ truyện tranh, còn vẽ theo kiểu nhiều tập nữa, cho các bạn chuyền tay nhau đọc dưới hộc bàn. Nếu say mê vẽ truyện tranh như vậy mà môn toán của tôi vẫn có thể đạt loại xuất sắc thì chắc chắn tôi phải là một em bé thiên tài.
Chứ còn gì nữa. Tôi đâu phải thiên tài, cách hai chữ này rất xa.
Nhưng mẹ lại không nghĩ vậy. Sau khi mất công cho tôi đi học thêm vẫn không cải thiện nổi điểm chác của tôi, mẹ đích thân ra tay, thử dạy tôi môn toán trung học cơ sở.
Hồi đó tôi thực sự ngu dốt. Chỉ bốn chữ “âm âm là dương” đã đủ phá nát logic trong não tôi. Nói thật, đến bây giờ tôi vẫn không thể chấp nhận quan điểm “âm dương là âm”, “dương âm là âm” cũng không thể hiểu nổi. Vô lý cả cục! bởi vậy dù tôi nhẩm thuộc lòng được thì vẫn không áp dụng nổi vào các phép tính, để giải ra đáp án chính xác.
Thực ra mẹ cũng không thực sự hiểu cái logic quái gở “âm âm là dương”, nhưng vẫn quyết tâm học, để rồi dạy tôi. Trước tiên mẹ giải ra một phép toán, xem xét chắc chắn không phải làm mò, sau đó yêu cầu tôi bình tĩnh phân tích phép toán, tỉ mẩn tìm ra những bước nào tôi làm sai. Mẹ ngồi cạnh xem tôi luyện tập nhiều lần, đến lúc nào mẹ chắc chắn tôi không làm mò ra kết quả mới chịu đi ngủ.
Trời ơi, đó là cả một sự đàn áp tinh thần khủng khiếp.
Mẹ làm tôi cảm thấy mình thật ngu dốt, một thằng oắt suốt ngày hợm hĩnh mà năng lực lý giải toán học lại kém một bà suốt ngày cơm nước giặt giũ bán hàng. Bị sốc nặng, nhưng cũng không thể không thừa nhận mình dốt.
Nhưng mà nghĩ lại, mẹ thực sự vô cùng đáng yêu.