Có một chàng trai như vậy đã từng tồn tại ở một nơi nào đó trong cuộc đời, trên cơ thể anh có mùi của nắng, khô mà lạnh.
Khúc Thành! Khúc Thành! Khúc Thành! Tôi đã từng thích gọi cái tên này hơn bất cứ thứ gì trên đời, nhưng giờ đây, hai chữ ấy đã trở thành một cái gì đó rát linh thiêng. Tôi như một con yêu tinh không thể đối diện với ánh sáng mà chỉ biết vội vàng lẩn tránh, cơ thể tôi trở nên đau đớn mỗi khi vô thức chạm phải thứ ánh sáng đó rồi trở nên trống trải như một chiếc hang rỗng.
Khúc Thành là một chàng trai có vẻ ngoài yếu ớt. Cơ thể gầy gò, da trắng hơn da con gái, môi có màu đỏ tự nhiên, mái tóc hiện màu nâu nhạt dưới ánh nắng nhẹ nhàng ôm lấy vầng trán. Mùa hè thích mặc áo sơ mi hoặc áo phông cotton màu trắng, có thể nhìn thấy xương đòn vừa mảnh vừa đẹp dưới cổ anh, mùa đông mặc áo gió màu đen hoặc áo lông vũ tối màu. Năm lớp Bảy anh chuyển đến lớp tôi, đó cũng là lúc anh bước vào thế giới cua tôi.
Lúc đầu tôi không để ý đến anh lắm, nói chính xác tôi không để ý đến bất kỳ ai. Là học sinh lớp Bảy của trường trung học trọng điểm, học tập dường như đã trở thành điều phải làm duy nhất trong cuộc sống. Vì muốn đảm nhiệm tỉ lệ lên lớp nên nhà trường đã phân lớp giỏi, lớp yếu. Ai cũng biết rằng bị phân vào lớp yếu là đồng nghĩa với bị lãng quên. Vì vậy để được phân vào lớp giỏi, đám học sinh đã suốt ngày cắm mặt vào mớ đề thi như thể chỉ cần mở to mắt ra nhìn là nhà lầu xe hơi lập tức hiện lên trước mắt. Họ vui mừng và buồn bã cùng với sự lên xuống của điểm số, biểu cảm phong phú tới mức hệt như một vở kịch nhưng lời thoại lại luôn giống nhau, Thậm chí có lần đi vệ sinh, tôi đã nghe thấy tiếng khóc thút thít rất nhỏ phát ra từ phòng bên cạnh, ngó đầu sang thì thấy một bạn nữ trong lớp đang nước mắt lưng tròng hậm hực vò nát bài kiểm tra. Thế mà ngay trong tiết học vừa rồi tôi mới thấy cô ấy nói với ngườ bạn thân nhất: “Cậu nhất định giỏi hơn mình, sau này thi được vào trường tốt thì đừng có quên mình.” Tôi nhìn vở kịch giữa họ mà thấy thú vị, tuy nhiên không muôna tham gia đóng vai. Tôi là học sinh cá biệt, vì vậy tôi mới có phúc làm kẻ bàng quan. Cái gì mà tình bạn với tình yêu, tất cả đều không địch lại được hai con số đơn giản được viết bằng bút đỏ, ban ngày ca tụng và ban đêm khóc thầm dường như không liên quan tới nhau. Có lúc tôi nghĩ mới chỉ là lớp Bảy, lớp Tám, thế cấp ba thì sao, cái tương lai vẫn thường trực ở cửa miệng họ liệu có chứa một quả bom, “bùm” một tiếng tất cả liền hoá thành tro bụi?
So với môi trường hỗn loạn này, Khúc Thành đặc biệt im ắng, im ắng tới mức khiến người khác quên đi sự tồn tại của anh. Từ khi chuyển vào lớp anh đều như vậy, hằng ngày đều đặn lên lớp, tuyệt đại đa số thời gian là ngồi im ở chỗ của mình. Tôi không nhìn ra sự chăm chỉ từ anh, cũng không nhìn ra sự được mất, thậm chí còn không nhìn sự luân chuyển của thời gian ở anh. Anh ngồi chỗ cạnh cửa, tôi ngồi chỗ cạnh tường, chúng tôi ngồi cùng hàng, có lần đi học tôi ngủ gật, tỉnh dậy đang là giữa giờ. Lúc mở mắt, xuyên qua mấy chỗ ngồi trống, tôi nhìn thấy ánh mặt trời tập trung ở chỗ anh, tia nắng khúc xạ qua mái tóc anh chiếu thẳng vào mắt tôi, chói lóa tới mức dường như có thể tan biến đi bất cứ lúc nào.
Con người này không nên tồn tại ở không gian này, lúc đó trong đầu tôi tự nhiên lóe lên suy nghĩ kỳ quái đó.
Có điều suy nghĩ của chúng ta về người khác đa phần chỉ là một đoạn phim ngắn ngủi chạy roẹt qua trong đầu, luôn luôn không có căn cứ thực tế hoặc là chúng ta ngại đi tìm hiểu. Bởi vì nói cho cùng, đó là người khác, giống như chúng ta quen với việc đánh giá bạn thù dựa vào cảm nhận đầu tiên, cho dù sau này phát hiện ra đã sai cũng không vì vậy mà ảnh hưởng tới cuộc sống của chúng ta. Nhưng cùng là đồng loại, những việc đã trải qua luôn luôn có một phần nào đó giống nhau. Chúng ta thường có thể nhìn người khác mà liên tưởng tới bản thân, sau đó từ chỗ so sánh đi tới hồi tưởng. Quá trình này rõ ràng rất dài, thậm chí nhiều khi chúng ta sẽ tự thấy uất hận hoặc vô thức làm lớn chuyện, điều này cũng là bình thường. Ai cũng rõ con người là động vật ích kỷ cực độ nhưng vẫn thường trực ở cửa miệng câu nói: “Ghét nhất là loại người ích kỷ“. Đây vốn là thế giới mâu thuẫn, trong đó mọi người đều nhất thiết phải lấy mình làm trung tâm.
Nếu nói Khúc Thành không phù hợp tồn tại trong không gian này, vậy thì yooi không biết phải đặt mình vào nơi như thế nào. Ở ngôi trường cấp hai trọng điểm thành phố này, sự tồn tại của tôi giống như một con mọt đang gặm nhấm bộ kỳ bào vô cùng hoa lệ, cho dù có nhỏ tới đâu đi nữa, cho dù lỗ rách có không ảnh hưởng gì tới mỹ quan đi nữa, trong mắt người mặc vẫn là một thứ không nên tồn tại. Cứ cho rằng không nhìn thấy đi chăng nữa nhưng trong lòng họ lúc nào cũng tự nhắc nhở bản thân: “Đây là bộ kỳ bào rách”, sau đó bắt đầu ngữa ngáy khó chịu, đứng ngồi không yên. Tôi chính là sự tồn tại nhịc nhã đó. Người tích cực giúp tôi nhận ra điều ấy nhất chính là giáo viên chủ nhiệm. Cô giáo tự cho rằng mình có phương pháp giảng dạy tốt nhất kia đã hận tôi – kẻ tội đồ hại cô vĩnh viễn không dành được danh hiệu lớp tiên tiến, đến mức nghiến răng nghiến lợi. Mỗi lần gặp nhau ở hành lang đều nhìn tôi bằng ánh mắt khinh bỉ, sau đó cao ngạo nện gót giày “cộp cộp cộp” xuống sàn và đi qua tôi. Ngoài cô ra, còn có trưởng khối, trưởng ban kỷ luật, thậm chí cả hiệu trưởng cũng chú ý đến tôi, cái người chỉ lộ diện khi họp lãnh đạo hoặc trong đại hội thể thao đã tự dưng dùng tiếng phổ thông khi đọc quyết định kỷ luật tôi, khiến tôi bỗng nghi ngờ người không phân biệt được “s” với “x” này có phải ông ấy không.
Tôi chính thức trở thành nhân vật cả trường biết đến vào ngày khai giảng đầu năm lớp Bảy. Khi tôi đầu tóc gọn gàng bước qua cổng trường, tất cả mọi người đều dùng ánh nhìn như vũ bão hướng về phía tôi. Cả biển người ở sân vận động đều ngoái lại, người kéo cờ đang kéo được một nửa cũng dừng lại. Cho đến tận lúc tôi ngoan ngoãn đứng vào cuối gàng thì nghi lễ kéo cờ mới lại tiếp tục, nhưng ng ánh mắt đó dường như vẫn găm trên người tôi, đặc biệt là những ánh nhìn phấn khích từ đám con trai. Ở vào hoàn cảnh như vậy, những mũi tên nhọn hoắt như muốn đục lỗ trên người tôi căn bản không còn ý nghĩa nữa. Mượn một câu nói ghi trên bức thư tình mà ai đó đã gửi cho tôi: “Em giống như một chấm đỏ mê người trên nền tuyết trắng”, tuy lúc đó tôi ghê tởm đến buồn nôn nhưng trong lòng lại thầm chấp nhận sự so sánh thô thiển ấy. Trần Mộng khi đó trong mắt họ giống như một con bướm bắt mắt, nhìn từ xa cũng thấy nó đẹp thế nào, hoa văn kỳ lạ, màu sắc hiếm gặp. Nhưng khi tiến lại gần họ sẽ thấy thực ra con bướm vẫn có những sợi tơ và góc cạnh xấu xí, trên cánh có vết lở loét giống hệt con thiêu thân.
Hoặc giả đó là con thiêu thân có trình độ hóa trang dở tệ.
Nhà trường quy định khi ở trường phải mặc đồng phục, mùa đông là bộ quần áo thể thao kẻ ngang trắng xanh dày cộp, mùa hè là áo sơ mi ngắn tay và quần âu đen. Đây là những năm tháng yêu cái đẹp nhất, nên có những nữ sinh tình nguyện mặc quần áo mùa đông trong mùa hè chỉ vì muốn mặc những bộ đồ ren hoặc đồ hoa bên trong, đợi có thời cơ là phô ra cho mọi người ngắm.
Có những nam sinh to gan tự nhuộm tóc tại nhà, đa số đều là vàng hoặc đỏ, dưới ánh nắng hiện lên chỗ đậm chỗ nhạt, giáo viên phát hiện ra liền ra lệnh phải nhuộm trở lại nếu không sẽ không cho lên lớp. Để có hiệu quả giống như người mẫu nên tôi đã nhuộm màu trắng làm nền, sau đó thêm vào màu tím, mặc áo sơ mi đen hoặc áo sát nách, quần soóc bò, bấm liền ba lỗ tai ở một bên tai, tai còn lại bấm ở vành tai, đeo hoa tai to bản mà thời đó vẫn chưa thịnh hành, chỉ cần quay đầu mạnh là có thể rơi ra. Có thể thấy cái con người là tôi đây ăn mặc như vậy ngồi dưới lớp sẽ chói mắt đến thế nào. Bọn con trai mỗi lần đi ngang qua chỗ tôi, trong lòng họ đều tràn đầy hy vọng mà khẽ chậm bước chân rồi chờ đợi tôi phản ứng. Đến khi tôi đi qua mà coi họ như không khí, không để ý dù chỉ một chút thì phía sau lưng tôi vang lên tiếng “hứ” không to không nhỏ, rất có thể còn bổ sung thêm một câu: “Ra vẻ cái gì?” Tôi không thèm để ý nhưng cũng tự thấy khinh thường chính mình.
Hoặc giả có người cứ cảm thấy kỳ quái, rằng tại sao tôi vẫn chưa bị đuổi, ngay khi năm học mới bắt đầu chưa được bao lâu tôi đã gọi đến phòng Giáo dưỡng vì đánh nhau. Lúc đó tôi đã đấm thẳng vào mặt một cậu bạn cùng lớp, nhẫn ở ngón tay và chiếc vòng kim loại ở cổ tay đồng loại cứa rách đuôi mắt cậu ta. Cậu ta lấy tay ôm mặt trợn trừng mắt nhìn tôi như nhìn một con quỷ. Tôi nghĩ cậu ta nhất định không thể nghĩ được rằng một đứa con gái gầy gò bằng nửa cậu ta cũng có thể ra tay đánh người, tôi cười giơ tay cho cậu ta xem. “Xin lỗi, tay tao là nắm đấm sắt, đánh người sẽ đau đấy!” Cuối cùng cánh tay giơ lên của cậu ta cũng hạ xuống, đấy có lẽ không liên quan gì tới lý luận “quân tử không động thủ với nư nhi” mà chỉ bởi cậu ta đã bị tôi dọa cho chết khiếp. Khi biết cậu ta mang chuyện này mách với cô giáo, tôi đã cười. Cậu bạn đấy ngồi ở góc phòng Giáo dưỡng không dám nhìn vào mắt tôi lấy một lần. Khi bị hỏi tại sao lại đánh nhau, tôi nhìn cậu ta một cái, cậu ta quay đầu nhìn ra cửa sổ.
“Chẳng tại sao cả!” Tôi nhún vai.
“Chẳng tại sao?” Cô chủ nhiệm quả thật vô cùng bất ngờ trước câu trả lời này.
Nhưng tôi không nhắc lại, cúi đầu phát hiện không biết tại sao không nhìn thấy bóng dáng của chính mình.
Nếu nhất định muốn truy cứu thì nguyên nhân của sự việc có thể chỉ là một câu, một hành động, thậm chí chỉ một ánh mắt, nhưng nếu nói ra được nguyên nhân thì sự việc đã không nghiêm trọng tới mức không thể thay đổi được cục diện. Chỉ đến lúc bát nước hắt đu không thu lại được, có lẽ người ta mới hy vọng có thể quên đi nguyên nhân. Ví dụ như cái chết của mẹ, ai có thể nói cho tôi biết nguyên nhân là do đâu, lẽ nào do tôi? Lần đánh nhau này thực ra rất ngẫu nhiên. Tôi chỉ là giữa giờ đi vệ sinh lúc ra khỏi nhà vệ sanh đi ngang qua nhà vệ sinh nam vô tình nghe được đoạn hội thoại bên trong. Cậu bạn đó nói với bạn cậu ta: “Nó có thể vào được trường này còn không phải là do bố nó là giáo viên ở đây sao?” Thế là tôi đứng dựa tường chờ cậu ta đi ra.
Điều thú vị nhất trong toàn bộ quá trình là, cậu bạn vừa nãy còn nói chuyện hăng say với cậu ta, vừa nhìn thấy tôi đã bỏ bạn lại chạy mất dép, thậm chí còn không kịp nhìn thấy nắm đấm của tôi vung ra.
Tôi thật sự đã vào trường trọng điểm này bằng điểm số của mình, tuy cũng biết hiện tại tôi căn bản không có lấy một bằng chứng khiến người ta phục. Nhưng trong sáu năm tiểu học, học chính là điều quan trọng nhất trong cuộc đời của tôi, Trần Niên là người hiểu nhất. Nhưng khi tôi nói cho ông biết ý nguyện muốn ghi tên vào trường này, ông đã nhẹ nhàng phản đối. Đương nhiên, tôi không nghe. Kết quả, chưa lâu sau tôi đã nhìn rõ sự lo lắng của Trần Niên.
Một người không hề sắc sảo góc cạnh, hiền từ như nước như ông hoàn toàn không biết cách phản bác khi đối diện với những lời bàn ra tán vào, cho đến năm tôi học lớp Bảy, ông từ chức đến dạy ở trường khác. Hoàn toàn không cách nào lý giải được tại sao từ năm đầu tiên bước chân vài ngôi trường này, tôi đột nhiên mất hết sự hứng thú với việc học. Ở cái tuổi đó tôi vẫn chưa có cách nào nhìn rõ rất nhiều việc, chỉ cảm thấy trái tim sau khi phải chịu đựng quá nhiều đã quá tải đến mức không thể chịu đựng thêm. Còn cái khiến tôi phải “chịu đựng” kia rốt cuộc là gì thì tôi không biết, giống như loài cỏ dại mang hình dạng mục nát nhưng không có cách nào nhổ tận gốc.
Một thời gian rất lâu sau, lâu đến mức tôi không thể quay đầu hồi tưởng lại nữa, mới phát hiện ra nguyên nhân của tất cả là do một đặc tính trời sinh nào đó có trong tính cách của tôi. Bởi vì sợ hãi nên không muốn gắng sức, hờ hững nhưng lại rất thích dựa dẫm, thậm chí có thể nói đó làm ham muốn chiếm hữu tàn khốc. Một khi đã quyết định điều gì, thì cho dù có sai đi nữa cũng không quay đầu lại, cứ để mọi thứ thuận theo dòng nước. Nhìn từ phương diện nào đó thì yếu đuối đến mức dễ thành vật cản, nhưng khăng khăng không muốn nhận sự giúp đỡ từ bất cứ ai, thay vào đó là không ngại làm tổn thương người khác để bảo vệ sự khiếm khuyết của con người mình. Tất cả những điều đó đã được thể hiện triệt để vào những năm tháng sau này, hết lần này tới lần khác đẩy tôi vào đường rãnh nhỏ hẹp của cuộc sống, nhưng đồng thời cũng lại chống đỡ để giúp tôi tiếp tục tồn tại một cách tạm bợ trên cõi đời.
Tôi nhớ rất rõ, lần đầu tiên chính thức nói chuyện của tôi và Khúc Thành là lúc sắp kết thúc năm học lớp Bảy. Hôm đó cũng giống như những lần trước, giáo viên chủ nhiệm gọi điện cho Trần Niên lúc ấy đang lên lớp, vì thế sau khi thu xếp công việc, ông liền vội vàng, chạy sang bên này. Ông đứng trong phòng làm việc trước kia của mình, đối diện với người từng là đồng nghiệp để thảo luận một vấn đề cũ rích là tôi có nên chuyển hướng để đi học nghề hay không.
Lúc tôi nhận được tin chạy đến văn phòng thì Trần Niên đã ở đó, cửa phòng khép hờ, tôi đứng bên ngoài nghe cô giáo vốn chưa bao giờ nhìn tôi bằng ánh mắt thiện cảm dùng một giọng phổ thông khách khí tới mức không tự nhiên nói: “Thầy Trần, với thầy tôi thật không dễ dàng không mở miệng, những điều thầy vừa nói tôi đều rõ, có cha mẹ nào không muốn tốt cho con mình. Nhưng Trần Mộng cho dù có tiếp tục ở đây hao công tốn sức đi chăng nữa cũng không thể thi đỗ cấp ba. Đối với em ấy, đi học những thứ liên quan đến tay nghề cũng là một lối thoát.”
Lại là là những lời này, nghe đến mức thuộc làu. Tôi mở cửa, cô giáo nhìn thấy tôi lập tức im bặt, muốn thay đổi vẻ mặt nhưng ngại Trần Niên còn ở đó nên chỉ còn cách kiên quyết không thèm đưa mắt sang nhìn tôi.
Bàn tay Trần Niên xua tôi ra ngoài. “Mộng Mộng, con lên lớp đi.”
“Không phải là chuyện chuyển hướng sao, từ lâu con đã không muốn đi học rồi.”
“Con đi trước đi, bố và cô giáo vẫn còn chuyện phải nói, mau lên lớp đi.” Thấy tôi vẫn đứng im bất động, ông nâng cao giọng: “Mau đi ra!”
Tôi bĩu môi, quay ra, tiện thể hậm hực đóng cửa lại. Lúc ngẩng đầu lên suýt nữa đâm phải một người, theo phản xạ tự nhiên, tôi đưa tay ra chắn, người kia cũng lùi lại phía sau.
“Xin lỗi…” Tôi nhìn khuôn mặt trắng bệch điển hình của cậu ta, lắc đầu nói: “Không sao!”, rồi quay người đi về phía lớp học.
“Này!” Không nghĩ được là Khúc Thành lại gợi tôi, “Tốt nhất là cậu để hết giờ hãy vào, vừa rồi cậu đi khỏi lớp mà không xin phép, thầy giáo nói…”
“Sẽ không cho tôi vào lớp nữa đúng không?” Trong lòng tôi cười thầm, cái này thì có gì mà phải giấu giấu giếm giếm. “Thế cậu ra ngoài làm gì?”
“Tôi có chút việc nên đi xin phép nghỉ học.”
“Thế thì tôi đợi bên ngoài, cậu đi vào trong giúp tôi nghe lén xem họ nói những gì.” Nhìn vẻ mặt ngơ ngác không hiểu sự tình của cậu ta, tôi liền bĩu môi. “Bố tôi đang trong đó.”
Nói thật lòng lúc đấy thật tình là tôi chỉ đùa. Nhưng Khúc Thành lại tin là thật, nên đã dùng hết khả năng quanh co vụng về của mình để ở trong đó rất lâu, có điều lúc cậu ta đi ra thì tôi đã sớm rời khỏi trường rồi.
Cậu ta nào biết được tôi không hề có một chút hy vọng nào với nội dung nghe lén kia. Đếm sơ cũng đã quá năm lần cô giáo nói đến rách mép nhưng Trần Niên vẫn không đồng ý cho tôi chuyển hướng. Hy vọng là thứ quá xa xỉ, nó chứng thực đòi hỏi trong lòng, là chỉ số quan trọng của mọi cường độ trong cuộc sống, nó không hợp với tôi.
Tôi lang thang bên ngoài đến tối mới về, bất luận tôi trốn học đi đâu chăng nữa nhưng cũng không bao giờ trốn nhà qua đêm, có lẽ chính vì vậy nên Trần Niên mới tin tưởng có thể cứu vãn được tôi. Mở cửa liền nhìn thấy ông đang ngồi trên sòa, tivi không bật, chiếc đèn tròn tỏa thứ ánh sáng lạnh lẽo. Tiếng “bố” sắp được bật ra khỏi miệng đột nhiên dừng lại, tôi buông thõng hai tay đứng bất động ở cửa, chiếc nhẫn thép ở ngón giữa bàn tay trái không hiểu tại sao bỗng dưng cọ vào ngón bên cạnh đau rát.
“Mộng Mộng, rốt cuộc con nghĩ thế nào…” Trần Niên cuối cùng cũng mở lời hỏi tôi, nhưng tai tôi lại nghe ra đó là một tiếng thở dài bất tận.
Tôi cúi đầu bước về phòng, mở cửa xong không thèm ngoái lại, nói: “Sáng mai không phải gọi con, tự con biết phải làm thế nào.” Cửa đóng lại như khiến không gian ngăn tách ra thành hai thế giới riêng biệt. Tôi đứng trong căn phòng tối om, nhắm mắt trong hai phút, sau đó thả người xuống giường như thả một túi bột.
Thế giới này rốt cuộc có ý nghĩa gì để tôi có thể tiếp tục tồn tại, hay nói cách khác tôi tồn tại ở thế giới này có ý nghĩa gì? Đây là câu hỏi cả khi mơ tôi cũng nghĩ đến, tiếc rằng đến giờ vẫn chưa có đáp án.
Hôm sau tôi tỉnh dậy lúc năm giờ kém mười, bầu trời bên ngoài vẫn còn tối, nhưng Trần Niên đã dậy, tôi nhìn thấy bóng ông đi đi lại lại qua khe cửa dưới. Nghiêng người nhắm mắt lại, tuy không còn buồn ngue nhưng tôi cũng không muốn dậy, một giọt nước mắt bỗng dưng lăn ra từ khóe mắt.
Nằm đến tận bảy giờ, sau khi nghe tiếng Trần Niên đi ra ngoài tôi mới ngồi dậy. Thực ra tôi biết trước lúc đi làm ông đã nấn ná trước cửa phòng tôi, nhưng đúng lúc tôi không chịu được định ra mở cửa thì ông lại đi mất. Thay quần áo, làm vệ sinh cá nhân xong mới bảy rưỡi, ngồi bên bàn ăn nhìn bát cháo yến mạch vẫn còn vương vấn hơi nóng, cùng với bánh mì và trứng ốp, tôi chậm chạp cầm lên cắn một miếng, nước mắt bỗng dưng trào ra như nước vỡ bờ, những thứ trong miệng rơi hết xuống mặt bàn, nhìn vô cùng kinh tởm.
Trần Mộng, rốt cuộc mày muốn thế nào? Tôi cũng không biết phải làm sao.
Buổi chiều tôi vẫn đến trường vì cặp sách còn để ở lớp học từ hôm trước. Khi vào sân vận động thì thấy cả lớp đang học thể dục, nữ chạy tám trăm mét, nam chạy một nghìn mét, chưa kịp chào hỏi thầy giáo tôi đã lập tức chạy. Cậu con trai chạy nhanh nhất lớp lần nào cũng dành được điểm tuyệt đối, nhưng tôi nghĩ có lẽ nguyên do nằm ở chiều cao một mét tám lăm của cậu ta, chân dài là lợi thế trời cho. Tôi cứ chạy sau cậu ta, cũng không biết cậu ta đã chạy bao nhiêu vòng. Đến vòng thứ ba thì cậu ta phát hiện tôi đang theo sau, cảm nhận được từng luồng gió vút qua bên tai khiến tôi không nghe rõ bất cứ âm thanh gì. Tuy dần dần bị đuối sức, chạy đến đích không chịu được liền khụy gối xuống đất, nhưng tôi đã mang danh nghĩa của kẻ bám đuôi để trở thành học sinh nữ chạy nhanh nhất.
“Này!” Trong lúc tôi vẫn đang ngồi thở dốc dưới đất thì đột nhiên có bàn tay cầm chai nước giơ ra, một bóng người theo đó chặn luôn ánh mặt trời, ngẩng lên, tôi kinh ngạc phát hiện ra là Khúc Thành. “Vừa chạy xong không được uống nước, đây là nước tăng lực.”
“Tôi không sao, tôi không cần.”
“Cậu chạy nhanh thật đấy, vừa rồi thầy giáo còn khen cậu.” Cậu ta chẳng hề để ý đến sự hờ hững của tôi, quỳ xuống phía trước nói.
“Khen tôi?” Cuối cùng cũng có người lãng phí lời khen cho tôi. “Tôi nói này, cậu chạy hết một nghìn mét mà mặt không biến sắc sao?”
“Tôi không chạy. À, xin nghỉ!”
Lại xin nghỉ. Tôi nghĩ trong lòng nhưng không nói ra. “Thế chai nước đó của cậu…”
“Tôi mua ở cửa hàng tạp hóa lúc cậu chạy gần cong, cậu uống chút đi.” Nói rồi cậu ta ấn chai nước vào tay tôi, tôi cúi đầu quay mặt đi chỗ khác.
“Đúng rồi, hôm qua…” Cậu ta dứt khoát ngồi xuống cạnh tôi. “Hôm qua thế nào mà cậu lại đi?”
Nhất thời tôi không hiểu rõ cậu ta muốn nói gì, não ngưng trệ một lúc mới bắt đầu vận hành lại. “Cảm thấy không đợi được.”
“Thực ra tôi cũng không nghe thấy gì, có tôi ở đó nên họ nói chuyện cũng chừng mực, đặc biệt là cô giáo. Tuy nhiên, lúc tôi vừa vào có nghe rõ một câu…”
“Câu gì? Nói đi, tôi không trách cậu đâu.” Tôi cười, bàn tay bất giác nắm chặt cái chai nhựa.
“Cô giáo nói: “Thật không thể hiểu được thầy đã dạy dỗ con cái như thế nào?”.”
Tôi trầm mặc mở nắp chai nước tăng lực, ngẩng đầu uống liền hai hơi nhưng không cảm thấy cơ thể khỏe khoắn lên chút nào. Đặt chai sang một bên, tôi chống tay đứng dậy, ánh nắng mặt trời thật là nhức mắt, khiến tôi đột nhiên choáng váng.
“Này, cậu không sao chứ?” Chắc là do Khúc Thành thấy tôi nhắm mắt lại nên vội vã chạy đến.
“Không sao, hạ đường huyết.” Tôi vẫn nhắm mắt không muốn mở. “Cậu biết không? Tôi ghét cái vẻ nhỏ nhẹ nhu nhược của ông ra, tôi ghét cái vẻ đó!”
“Nhưng… Đó chẳng phải vì cậu hay sao?”
Các bạn có cảm giác này không? Trong một giây cả thế giới bỗng dưng im lặng như không hề tồn tại bất kỳ sự vật nào, nói như thế có lẽ không đúng, phải là toàn bộ bầu không khí xung quanh bận bỗng dưng biến thành chân không. Nhiệt độ, âm thanh, tất cả mọi vật trung gian đều tuyệt nhiên không tồn tại, những thứ đang diễn ra ở trước mắt như biến thành những hình ảnh nhảy múa được phát ra từ máy chiếu, hoàn toàn không liên quan gì tới bản thân. Tôi trợn mắt nhìn Khúc Thành, tôi nghĩ tôi phải tát cho cậu ta một cái, nhưng cơ thể không nghe theo ý muốn của tôi, tay chân tôi nặng nề như thể đang bị nhúng trong bê tông.
“Xin lỗi…” Cậu ta nói lí nhí.
“Chẳng có gì sai cả… Cậu nói đúng.” Tôi một lần nữa đưa tay lên che mắt. “Cậu nói đúng.”
Buổi tối khi tôi về nhà, Trần Niên vẫn chưa về, ông đang dạy lớp Mười, có lúc phải giám sát lớp tự học buổi tối. Tôi nằm trên sofa lặng người nhìn bức tường bong tróc, cuộc trò chuyện buổi sáng cuồn cuộn dội lên trong đầu.
Nếu như không có tôi, Trần Niên có lẽ sẽ tái hôn, ông sẽ có một gia đình hạnh phúc, có những đứa con vừa ngoan ngoãn vừa giỏi giang.
Nếu như không có tôi, Trần Niên vĩnh viễn không cần phải cúi đầu trước đồng nghiệp, không bị người đồng nghiệp tuổi nghề còn non nớt kia lên giọng chỉ trích.
Nếu như không có tôi... Mẹ có thể sẽ còn tồn tại trên thế giới này, họ nhất định vẫn sống cùng nhau hạnh phúc.
“Cạch cạch!” Tiếng ổ khóa chuyển động kéo ý thức của tôi trở lại, tôi đứng dạy mở cửa. Trần Niên nhìn thấy tôi đã sững sờ trong giây lát. “Không phải đã nói nếu con ở nhà thì phải khóa trái cửa sao?”
“Con quên.”
“Con vẫn chưa ăn cơm đúng không, để bố đi nấu.” Ông đặt cặp lên bàn rồi quay người đi xuống bếp. “Nếu con đói rồi thì ăn tạm bánh đi, nhưng đừng ăn nhiều quá.”
“Được rồi, con đi nấu bát mì là được.” Tôi cản ông. “À, đúng rồi, nếu không thấy phiền thì bố tìm giáo viên phụ đạo cho con, có điều có lẽ con phải bổ túc lại từ đầu, nhưng có tác dụng không thì con cũng không dám chắc.” Nói xong tôi quay đầu về phía bếp gas, quay lưng ra ngoài.
Khúc Thành nói: “Sao cậu không thử lại? Dù gì cũng không thể tồi tệ hơn bây giờ.”
Cậu ta hỏi tại sao không thử. Tại sao lại không đây?
Trong mơ là ánh mặt trời gay gắt đang chiếu rọi mọi vật trên mặt đất rõ ràng tới mức không thiếu một sợi lông tơ. Ở sân bóng rổ, mồ hôi trên người các học sinh nam tuôn ra như tắm, con chim khách vỗ cánh bay khỏi cành cây, những mẩu thủy tinh vỡ vương vãi khắp nền nhà phản chiếu lên tường thứ ánh sáng bảy màu. Nhưng tôi không nhìn thấy mình trong giấc mơ, chỉ thấy một bàn tay giơ lên trong không trung như muốn nắm lấy mặt trời, ánh sáng xuyên qua kẽ tay, biến thành những cái động không đấy đen ngòm. Ở giữa dộng dần dần xuất hiện khuôn mặt Khúc Thành, đầu tóc và đồng tử của cậu ta tất cả gần như trắng tới mức trong suốt.
“Này...” Tôi muốn gọi cậu ta nhưng không thể cất lời, chỉ có tiếng ve kêu từ xa vọng lại rồi những âm thanh đó nối lại với nhau càng lúc càng cao, càng lúc càng đậm đặc. Đến tận khi tôi lại không nhịn được nữa muốn gọi, âm thanh đó đột nhiên nối thành một sợi dây vừa sắc vừa lạnh, giống hệt như tiếng tuyên cáo khi mạng sống kết thúc.
“A...” Hoảng hốt tỉnh dậy thấy mình đang nắm chặt vạt áo ngủ, sau gáy là một lớp mồ hôi nhễ nhại. Rèm cửa vẫn lặng lẽ buông thõng, vài tia sáng yếu ớt đong đưa trên tường. Tất cả khiến những gì tôi vừa thấy giống như ảo giác, chỉ có tiếng thở của tôi trong màn đêm yên tĩnh là chân thực đến kinh ngạc.
Thế giới này tại sao lại có người như cậu ta, dung hòa tất cả mọi thứ ánh sáng và hy vọng nhưng lại tỉnh táo và sắc bén một cách tự nhiên? Tôi muốn hỏi Khúc Thành nhưng cho đến tận cuối cùng tôi cũng không mở lời được.
Tồn tại ở mảnh đất cỗi, hồi sinh ở mảnh đất chết. Đây là câu nói tôi dán lên tường năm lớp Mười.
Trong tất cả các môn học, tôi ghét nhất là tiếng Anh và Vật lý, tự tin nhất là Ngữ văn. Tôi nghĩ lý do tôi không thấy chán ghét mấy môn như Ngữ văn từ trong xương tủy chính là bởi di truyền. Trong căn nhà mà mọi thứ đều biến thành màu vàng già nua, thoang thoảng mùi cũ kỹ của tôi, chỉ có duy nhất vài chiếc tủ sách chiếm gọn của diện tích bức tường kia của Trần Niên là luôn luôn sạch sẽ, như thể Alice thật sự vào thế giới khác từ đó. Trần Niên yêu sách như mạng sống, tính cách đó coi như trời sinh, tất cả sở thích sau này của ông đều không bì được. Hằng ngày ngoài việc soạn giáo án, lên lớp, chấm bài thi thì hầu như không lúc nào rời khỏi sách các tác phẩm văn học Trung Quốc và nước ngoài, sách hoặc tạp chí khái quát về công nghệ kỹ thuật, thậm chí ông còn lùng mua cả mấy quyển tiểu thuyết rẻ tiền mà đám học sinh mê mẩn. mỗi quyển sách sau khi đọc xong đều được ông bọc bìa bằng giấy A4 rồi dùng bút đen nắn nót ghi tên sách và tác giả ở gáy, cuối cùng xếp vào từng ngăn trên giá theo thể loại. Trong cuộc sống sau này, mỗi lần nhìn thấy những cửa hàng sách lậu ở ngoài đường hoặc những quyển sách mới bị người đọc lật đến rách giấy rồi bỏ lung tung trên giá trong siêu thị, tôi đều bất giác nhớ lại bệnh cẩn thận quá mức với sách của Trần Niên.
Chính bởi Trần Niên nên trong khi bạn cùng trang lứa vẫn còn xem Tây du ký như xem phim hoạt hình thì tôi đã đọc xong tứ đại danh tác, những chỗ văn cổ đọc không hiểu, Trần Niên đều cặn kẽ giảng giải cho tôi. Bài kiểm tra Ngữ văn đầu tiên trong lớp Sáu của tôi đã đạt điểm cao nhất lớp, nhưng giờ đây ngoài quyển sổ điểm được giấu kỹ dưới đáy ngăn bàn ra, chắc không còn ai nhớ đến điều đó.
Hôm đó, tôi mừng rỡ cầm bài kiểm tra chín mươi hai điểm định đưa cho giáo viên Ngữ văn xem. Lúc đứng ở cửa văn phòng, tôi nghe thấy giáo viên dùng giọng điệu kỳ quái tán gẫu với nhau. Tóm lại bọn họ nói rằng có phải Trần Niên đã viết hộ tôi bài văn đó hay không, rồi lại nói đến chuyện tôi được vào trường học thì có quan hệ gì với Trần Niên không. Đây là lần đầu tiên tôi nghe được loại chuyện đó ở trường học. Cho dù thực sự bị hiểu lầm, bị phủ nhận, nhưng bản thân vẫn không được chán nản mà phải dũng cảm chứng minh. Tiếc là tôi không như vậy. Tôi chỉ biết nhanh chóng khoác lên một chiếc vỏ bọc cứng ngắc, nặng nề.
Từ đó về sau, tôi không bao giờ nộp bài tập nữa.
“Cậu muốn có cuộc sống như thế nào? Ừm… Hay là, làm thế nào mới khiến cậu vui được?” Khúc Thành đã hỏi tôi câu đó khi chính thức giúp tôi học thêm tiếng Anh. Tôi nghĩ một lúc nhưng không sao nghĩ ra được đáp án, chỉ biết hỏi lại: “Cậu thì sao?”
“Thực ra con người sống rất dễ dàng, nếu cứ nghĩ như vậy thì mỗi gày đều không có lý do khiến mình buồn bực.”
“Này, cậu bi quan thế!” Tôi nghe xong không nhịn được mà bật cười. “Không thể đoán bản chất thông qua vẻ bề ngoài đâu.”
“Này, lẽ nào cậu lại không nghĩ như vậy?” Không ngờ cậu ấy lại lập tức trở nên nghiêm túc với tôi. “Chúng ta cứ sống như thế này thì lúc nào cũng cảm thấy hết hôm nay sẽ còn ngày mai, nên cho dù có lãng phí thời gian hôm nay cũng không sao cả. Nhưng thực chất, chúng ta đều không thể biết trước được một giây sau sẽ xảy ra chuyện gì, có thể một hôm nào đó đi qua đường bị xe đâm phải, hoặc hôm nào đó đột nhiên phát hiện ra mình mắc bệnh nan y. Những người chết vì họa vô đơn chí đều cho rằng mệnh của họ dài như người bình thường.”
Những lời như vậy được thốt ra từ miệng một thanh niên có ngoại hình rạng ngời như ánh mặt trời khiến tôi bất giác ngây người. Nói thật, ngay cả Trần Niên cũng chưa từng nói với tôi như vậy. Nếu như chỉ để nhắc nhở phải coi trọng thời gian, coi trùng sinh mệnh thì những lời vừa rồi thật nặng nề và u ám quá mức. “Nếu nói như cậu thì cũng có thể có một suy nghĩ khác.” Đắn đo một lúc, tôi vẫn quyết đinh nói ra những gì mình nghĩ. “Cứ coi như chúng ta có thể chết bất cứ lúc nào, vậy thì không bằng bây giờ hãy tích cực hưởng thụ, hoặc không làm bất cứ việc gì. Nếu mỗi người đều nghĩ như vậy, chẳng phải thế giới sẽ đại loạn sao?”
“Tại sao lại nghĩ như thế?” Lần này đến lượt cậu ấy không hiểu.
“Có thể lắm chứ, nếu như… mình…” Tôi cười, nhưng lại cúi đầu xuống. Khúc Thành không nói thêm gì nữa.
Trần Niên tìm cho tôi một thầy giáo già đã nghỉ hưu. Ông giúp tôi phụ đạo Toán, Vật lý, Hóa học, nhưng không hề sắp xếp để tôi học tiếng Anh. Tôi biết Trần Niên còn phải nghĩ đến nhiều việc khác. Ông rất rõ tôi vốn không có cảm tình với tiếng Anh nên căn bản là không hứng thú học thêm. Nếu nhờ vả người quen thì sẽ rất dễ gặp phải những vấn đề khó xử, nhưng ông cũng không yên tâm tìm giáo viên phụ đạo bên ngoài cho tôi.
Sau sự việc hôm đó, tôi mới chính thức mời Khúc Thành đến phụ đạo cho tôi. Cho đến tận trước lúc ấy, tôi thậm chí còn không hề biết Khúc Thành luôn đứng đầu lớp môn tiếng Anh. Quan hệ giữa người với người thật kỳ diệu, có những người cả đời sống sát vách nhưng chỉ đơn thuần biết đối phương là hàng xóm, cho đến khi ngẫu nhiên cao hứng nói chuyện một vài câu thì mới lại bỗng dưng xuất hiện sợi dây kết nối trong quan hệ của hai bên, sau đó sẽ phát triển đến mức độ không thể kiểm soát được. Cũng giống như tôi và Khúc Thành, từ sau lần đầu tiên nói chuyện, cậu ấy đã để lại một dấu ấn trong con đường đời của tôi, hơn nữa còn có thể xuất hiện bất cứ lúc nào.