Ngày... tháng... năm...
Âu Cầm đang ở trong ký túc xá bỗng buông tiếng thở dài, “Nghĩ đến ngày ấy mình là đứa bé trong sáng hiền lành xiết bao!”
Ba người khác trong phòng nghe thấy câu này bèn im thin thít liếc cô. Trương Hiểu Mẫn nằm trên giường nhai khoai tây chiên rôm rốp thay mặt đông đảo đồng bào quần chúng lên tiếng, “Thôi đi diễm ơi! Cậu là sói đột lốt cừu thì có!”
“Tại sao? Tại sao? Tại sao? Tại sao lại nói mình như vậy...” Mắt Ân Cầm ẩn hiện ánh lệ, cô bày ra dáng vẻ mong manh như nữ chính thứ một trăm lẻ một của Quỳnh Dao nhào tới cạnh giường Trương Hiểu Mẫn, “Cậu có biết hay không? Cậu có biết hay không! Cậu đã tổn thương nghiêm trọng đến trái tim non nớt yếu đuối của mình. Lẽ nào chúng ta phải kết thúc tình bạn biết bao năm qua từ đây sao? Ê... khoai tây chiên này ngon! Đúng hiệu mình thích, coi như cậu cũng biết bồi thường tổn thất tinh thần cho mình.”
Đợi đến khi Trương Hiểu Mẫn có phản ứng, bịch khoai tây chiên trên tay cô đã sang đến tay Âu Cầm. Trương Hiểu Mẫn trố mắt nhìn khoai tây chiên mất tăm trong miệng Âu Cầm với tốc độ ánh sáng, cô không kìm được hét lên, “Âu Cầm!”
“Hả? Gì thế? Đừng kêu lớn như vậy, mình nghe thấy mà.” Âu Cầm ngoáy tai, thuận tay ném bịch khoai tây chiên rỗng tuếch theo một đường vòng cung hoàn mỹ vào thùng rác của ký túc xá. Cô đứng dậy đeo ba lô, cười hì hì xách ba bình thủy đi khỏi ký túc xá, “Mình đi học. Mấy cậu uống tạm nước trong bình thủy của mình nhé... Đúng rồi, có cần mình mua cơm về không?”
“…”
Ba người trong ký túc xá nhìn theo Âu Cầm hớn hở hát ngâm nga đi khỏi, cùng nhau thở dài thườn thượt. Lưu Mai đẩy kính, rút ra kết luận, “Nhỏ này cũng coi như tốt bụng.”
“Có điều lúc nào cũng hiền lành và ngây thơ ngoài mức cần thiết!” Trương Hiểu Mẫn gật gù, bổ sung thêm
Đáng tiếc họ đã sai rồi! Khi Âu Cầm năm tuổi, cô đúng là một đứa bé trong sáng, dịu dàng, lương thiện như một con thỏ nhỏ... Nhưng cô đã chính thức “lột xác” tại thời điểm kẻ đó xuất hiện.
Hồi đó, mọi người rất chất phác: mua gạo cần phiếu, xem ti vi cần xách ghế đến cổng tổ dân phố trước sáu giờ chiều giành chỗ, ăn cơm tập thể, mọi người còn chưa hiểu hết ý nghĩa thật sự của “Thất nghiệp”,... Dù sao khi Âu Cầm năm tuổi, thế giới của cô cũng chỉ như thế này: Nghèo khổ nhưng dồi dào tình người.
Năm đó, ông Âu làm tài xế cho đội xe buýt trường học M tròn mười lăm năm, ông được phân cho một căn hộ hai phòng. Đây chính là việc trọng đại của nhà họ Âu. Một đêm nào đó, Âu Cầm mở mắt nhìn thấy ba mẹ dữ dội từ nào đến giờ ôm đầu nhau khóc nức nở. Thật sự thì vui quá nên mới khóc. Cô bé mơ hồ cảm nhận có vài thứ đã thay đổi. Ngày cô bé đón nắng cách xa không gian của khu nhà tập thể từ lúc vừa sinh ra, cô bé ôm gấu bông do bà ngoại may, đi tới chung cư cho công nhân viên ở M. Cô bé có căn phòng nhỏ của riêng mình, hàng xóm cũng đổi từ chú thím nấu nướng bằng than tổ ong trong hành lang thành một đám cô chú đeo kính mát, được gọi là “thầy cô“.
Đối với Ân Cầm mà nói, cuộc sống của cô bé cũng không thay đổi nhiều. Cô bé vẫn hay xấu hổ như mọi khi, ở nhà trẻ luôn trốn trong đám đông; cô bé thích nghe truyện cổ tích, vô cùng thích thú cuộc sống hạnh phúc của công chúa và hoàng tử; cô bé vẫn mặc quần áo cũ mang về từ chỗ chị họ, hy vọng có thể mặc váy ren xinh xắn như công chúa... Tuy rằng những tình huống thế này rất dễ làm bản chất thay đổi nhưng khi ấy Âu Cầm vẫn không hề biết.
Trong nhà trẻ có một cây khế rất lớn, vào mùa hè cành lá xanh mướt che phủ non nửa sân trường, ánh mặt trời rạng rỡ xuyên qua tán lá chiếu lên quả khế buông rủ trên cây. Khi ấy, muốn mua táo cũng phải vất vả nhờ đến quan hệ, vậy nên quả khế này là của hiếm, Âu Cầm chưa từng được ăn. Một cô bé khỏe mạnh năm tuổi, còn ở vào cái tuổi thèm thuồng thức ăn đến lạ thường. Vì vậy mỗi khi Âu Cầm đi bộ trong sân trường, cô bé luôn ngẩng đầu nhìn quả khế trên cây, nghĩ thầm trong bụng rốt cuộc mùi vị của nó ra sao.
Thực ra các cô giáo ở nhà trẻ mỗi lần thấy khế chín đều hái xuống. Các cô giáo có thể ăn hoặc cho trẻ con trong trường mẫu giáo. Đáng tiếc chuyện tốt như vậy không tới phiên Âu Cầm. Cô bé không hoạt bát, vì vậy cô giáo không chú ý cô bé; cô bé không phá phách, vì vậy cô giáo không nhìn tới cô bé; cô bé không khiến cô giáo nhọc lòng nên luôn bị lãng quên; dù bạn bè bắt nạt, cô bé cũng là đứa bé trốn trong góc tường lặng lẽ rơi nước mắt.
Nhưng có một ngày, quả khế cũng vẫy tay với Âu Cầm. Ngày hôm đó, cô giáo trong nhà trẻ cầm một quả khế nói với các bạn nhỏ, “Hôm nay, mọi người hãy kể chuyện cổ tích cho cô nghe. Ai kể hay nhất, cô sẽ cho một quả khế!” Nội tâm của Âu Cầm sục sôi. Kể chuyện cổ tích là được ăn khế ư? Mình có nên tham gia kể một chuyện cổ tích không? Thường ngày mình nghe đài phát thanh kể ra rả chuyện cổ tích, mình sẽ kể! Nhưng có khi nào mọi người cười mình không? Quả khế có mùi gì nhỉ? Sau khi trải qua một cuộc đấu tranh tư tưởng nghiêm trọng, Âu Cầm rụt rè giơ tay lên.
Kết quả lại vô cùng khó quên, Âu Cầm giành được quả khế đó. Cô bé ôm chặt quả khế trong lòng, ngửi tới ngửi lui, sờ tới sờ lui, cuối cùng vẫn không ăn, “Đây là phần thưởng đầu tiên mình nhận được từ cô đấy!” Đến giờ tan học, cô bé đứng ở cửa nhà trẻ, vui vẻ nghĩ, “Một lát nữa mình nói ba mẹ biết, ba mẹ nhất định sẽ khen mình... Ừm, quả khế này sẽ chia làm bốn phần! Một phần cho mẹ, một phần cho ba, một phần cho bà ngoại, phần còn lại của mình.”
“Ê, cái trên tay là gì thế?” Âu Cầm xoay người, nhìn thấy một cậu bé mặc quần yếm sọc carô, khuôn mặt cậu bé tròn tròn, đôi mắt đen to to nhìn chằm chặp quả khế trong tay cô bé.
“... Đây là quả khế.” Âu Cầm nhìn xung quanh, các bạn nhỏ đều tụ tập lại một chỗ cùng chờ ba mẹ, chỉ có cô bé đứng đơn độc ở đây.
“Đồ ngu! Dĩ nhiên tôi biết nó là quả khế!” Cậu bé ngẩng cao đầu, quét mắt nhìn Âu Cầm, “Tại sao cậu lại có quả khế? Mọi người nói chỉ cô giáo mới có được nó!”
“Đây, đây là quà thưởng cô giáo cho tôi!” Âu Cầm ngập ngừng cả buổi mới thốt ra được một câu, có điều cô bé lại âm thầm đắc ý trong lòng. Dù sao đi nữa, quả khế này cũng là phần thưởng khuyến khích đầu tiên trong cuộc đời cô bé.
“Lừa đảo!” Cậu bé la oai oái lên, “Cậu lén hái từ trên cây chứ gì? Tôi đi mách với cô. Cậu không phải con nít ngoan!”
“Cậu... cậu nói bậy!” Vành mắt cô bé thấm thoắt đỏ hoe, cô bé ghét nhất là bị người khác vu oan cho mình, mà còn làm vậy trước mặt nhiều người, “Cái này của cô cho tôi...”
“Lừa đảo! Yêu tinh nói dối!” Cậu bé làm mặt xấu với Âu Cầm, “Mặt xấu! Mặt xấu! Đồ không biết xấu hổ! Tôi phải trả quả khế này cho cô!” Dứt lời, cậu bé chạy lại giật quả khế khỏi tay Âu Cầm, rồi lao vào lớp học trong nhà trẻ.
Âu Cầm vừa vội vàng vừa tức tối, cô bé chạy đuổi theo cậu bé nhưng vấp phải cục đá nằm ven đường, cô bé ngã nhào xuống đất. Đến khi cô bé ngọ ngoạy đứng dậy, cậu bé đó đã biến mất tăm. Hai đầu gối của Âu Cầm trầy xước chảy máu. Nghĩ đến quả khế vô duyên vô cớ bị cướp mất, cô bé lại càng thấy đau. Âu Cầm không nhịn nổi nữa, ngồi dưới đất khóc ầm lên.
Ngày đó, bà Âu đi chợ mua đồ ăn xong đến nhà trẻ đón con, bà nghe thấy tiếng khóc rung trời của cô bé, dù ai dỗ, cô bé cũng không nín. Cô giáo biết chuyện chạy tới, chỉ nghe giọng nói nghẹn ngào của Âu Cầm bật ra hai chữ “Quả khế” đứt quãng, nhưng tất cả mọi người đều không rõ chuyện gì. Cuối cùng cô giáo lấy một quả khế khác đưa cô bé, cô giáo cười tủm tỉm, “Cầm Tử ngoan, không khóc không khóc nữa... Cô cho con một quả khế.”
Đây là quả khế thứ hai Âu Cầm nhận được trong cuộc đời, nhưng cô bé hoàn toàn không ăn. Nội tâm của cô bé có một cảm giác oan uổng và nhục nhã, đó là lòng tự trọng tế nhị của một đứa bé. Có thể quả khế này và quả khế đầu tiên trong mắt người lớn là như nhau, nhưng trong lòng Âu Cầm, quả khế bị cướp đi mới là ngọt nhất, ngon nhất, là thứ cô bé dùng bằng chính khả năng của mình để đổi lấy.