Hai ngàn vàng, là số lượng không nhỏ đấy, từ cổ tới kim, tiền bạc có thể làm loạn lòng người, ôi!
Nghĩ tới đây, Ngọc Tử không khỏi suy ngẫm: Lại có thể ngay cả người cũng chưa thèm gặp, mà đã ra giá hai ngàn vàng. Từ vẻ mặt của Cung xem ra, hai ngàn vàng này chính là một con số kinh người rồi, không phải là có câu nói: “Mang ngọc mắc tội” sao? Phụ thân phải bảo vệ cho mình, chẳng phải là lo lắng hãi hùng hay sao? Đảo mắt, nàng oán hận thầm nghĩ: nói không chừng mình căn bản không đáng giá hai ngàn vàng, con số này, là lão Trì cố ý nói ra để thuyết phục phụ thân thôi.
Ý nghĩ này vừa xuất hiện trong đầu, Ngọc Tử lại lắc đầu liên tục, ý tưởng này chẳng có chút nào đáng tin hết.
Rơi vào suy nghĩ miên man, Ngọc Tử cũng không biết, trong lịch sử mẫu thân Triệu Cơ của Tần Thủy Hoàng cũng là do Lã Bất Vi lấy ba nghìn vàng mua về.
Ngọc Tử giống như một con nhặng không đầu đi lòng vòng qua đám cây cối mấy vòng, sau đó cắn răng, đi nhanh tới hướng trước mặt. Chỉ chốc lát, nàng đã đi tới đằng sau ông lão. Lén lút quan sát Cung, khi Ngọc Tử đang cân nhắc sắp xếp từ ngữ như thế nào, Cung đang đưa lưng về phía nàng thở dài một tiếng, nói: “Ngọc, đừng sợ”
Ngọc Tử kinh ngạc, nàng đột nhiên ngẩng đầu nhìn thẳng vào ông lão: ông ấy biết nàng đã biết.
Ông lão quay đầu, từ ái nhìn nàng, cất giọng khàn khàn nói: “Con à, phụ thân là người học võ, tiếng bước chân rất nhỏ của con, há có thể giấu được phụ thân hay sao?”
Sau khi nói rõ, ông lão thở dài: “Có thể là cơ thiếp của người giàu, có thể sinh con cho quý nhân, đúng là phúc khí của một người phụ nữ. Nhưng, phụ thân biết, con vốn là quý nhân, mới từ cõi chết trở về, tất nhiên là không muốn trở lại nơi đó để chịu khổ. Con à, đừng sợ, phụ thân nhất định sẽ bảo vệ chu toàn cho con.”
Ông ấy nói tới đây, thấy Ngọc Tử kinh ngạc nhìn mình, mắt nàng đã rưng rưng, không khỏi hiền lành cười, vươn bàn tay nhăn nheo run rẩy, lau đi nước mắt lăn xuống trên gương mặt nàng, an ủi: “Con à, đừng sợ, đừng sợ, con là do ông trời ban cho cha, cha nhất định sẽ bảo vệ con, Ninh Tử cũng sẽ bảo vệ con.”
Ngọc Tử gắng chớp chớp mắt, cúi đầu nói: “Phụ thân, con có thể giả trai không?”
“Giả trai?” Ông lão nghi hoặc hỏi một câu, rồi lập tức kịp phản ứng, “Con muốn giả trang thành trượng phu* để hành tẩu sao? Được.”
*Chỗ này Ngọc Tử dùng từ nam tử, còn ông lão dùng từ trượng phu, đều là chỉ nam giới, có lẽ trượng phu là từ cổ, còn nam tử mà Ngọc Tử dùng là từ hiện đại chăng?
Ngọc Tử nhoẻn cười, nói: “Thật sao? Thật tốt quá.”
Lát sau, nàng thở dài một tiếng, thì thào nói: “Nếu khi vào thành, con sẽ giả trai, à, trượng phu, vậy cũng tốt.”
Thói quen dùng từ của Ngọc Tử có điểm bất đồng với người thời đại này, Cung mỉm cười nghe, trong lòng mơ hồ xuất hiện một ý niệm: Con của ta, ngôn ngữ kỳ lạ, động tác vẻ mặt cũng không giống như một phụ nữ bình thường. Hay là, nó có lai lịch gì khác? Vừa nghĩ tới đây, Cung lại khẽ cười. Con bé xuất hiện ở trước mộ phần của con ta, đó là trời xanh ban tặng. Bất luận là con bé có lai lịch như thế nào, chung quy vẫn là con ta.
Nghĩ là nghĩ như vậy, Cung vẫn nói với Ngọc Tử, “Con à, từ nay về sau, cẩn trọng lời nói và hành động mới được.”
Ngọc Tử ngẩn ra, rồi lập tức nàng hiểu ra. Nàng cúi đầu, quay sang phía ông lão cung kính: “Lời phụ thân nói rất phải.”
Đáp lời xong, môi nàng khẽ mấp máy, muốn giải thích một chút về lai lịch của mình, lời nói đã tới bên miệng, nhưng vẫn không nói nên lời. Nàng nên nói như thế nào? Không thể nào là nói với ông lão rằng, mình là một quái vật hoàn hồn vào xác chết.
Ông lão nhìn vẻ mặt không được tự nhiên của Ngọc Tử, khẽ cười, rồi cầm lấy cây chổi tiếp tục quét.
Quyết định rằng khi ra ngoài sẽ giả trai, trước hết là Ngọc Tử trở lại trong phòng, tìm kiếm mấy bộ quần áo bằng sợi đay của đứa con đã chết của ông lão đã để không ở đó mấy năm nay mặc vào. Sau đó, nàng chuẩn bị một ít tro bếp, trộn với nước giếng rồi xoa đều lên mặt và tay chân.
Cứ bận rộn như vậy sau hai ba tiếng đồng hồ, Ngọc Tử rốt cuộc cũng thành công biến chính mình thành một nam tử có làn da ngăm đen, có vẻ gầy gò yếu ớt. Ngọc Tử soi xuống giếng rồi ngắm nghía hồi lâu, thầm nghĩ: được, về sau mình sẽ trông như thế này.
Đương nhiên, chính nàng cũng biết, hóa trang như vậy, chỉ có thể lừa được người bình thường.
Tốn mất nguyên một ngày, hai cha con rốt cục cũng nghĩ ra được một chủ ý. Sang ngày hôm sau, khi người ở bên ngoài hỏi, ông lão bèn tuyên bố rằng, con gái của mình, nửa đêm bị đám cường đạo bắt đi rồi. Sau đó ông ấy ở trước mặt mọi người, như thể hóa điên hóa dại mà cầm lấy tay tên ăn mày do Ngọc Tử đóng giả, liên tục gọi con của ta, rồi lại như điên như dại, vừa lôi vừa kéo mà mang nàng về nhà.
Hai cha con ở lì trong nhà suốt mấy ngày, sau đó khi ra ngoài, Ngọc Tử đã ăn mặc như con trai, mà ông lão, thì đã khôi phục như bình thường, không hề điên điên khùng khùng, đương nhiên, tên ăn mày kia đã được tắm rửa sạch sẽ, diện mạo cũng thanh tú hơn, đương nhiên biến thành con trai của ông lão.
Cả hai cha con cũng đều không phải là người có sở trường diễn kịch, lần này diễn trò thế này, cũng không biết có thể giấu giếm được mọi người hay không, thế nhưng, biện pháp này chính là biện pháp tốt nhất mà bọn họ có thể nghĩ ra.
Ở trong nhà suốt ba ngày, lương thực còn lại trong nhà đã chẳng còn bao nhiêu. Sáng sớm, ông lão đã ra mấy con đường lớn, chờ thương đội đi qua.
Ngọc Tử thì cũng không rảnh rỗi. Vào lúc rảnh rỗi, nàng bắt đầu vắt óc suy nghĩ, xem nên làm việc gì, để cho mình và ông lão có thể được ăn no. Kỳ thật, trong ba ngày này, nàng không có lúc nào là không nghĩ tới chuyện này. Thế nhưng, nàng chỉ là một người xuyên không tới đây, đối với hoàn cảnh tập tục của nơi này hoàn toàn không biết gì cả, thì có thể nghĩ ra được chủ ý gì hay?
Sau khi ở nhà suy nghĩ không có kết quả, Ngọc Tử tỉ mỉ hóa trang cho mình, rồi đi ra khỏi nhà. Đây là lần đầu tiên nàng không có sự bảo vệ của ông lão, đi ra ngoài phố. Thành Tằng rất phồn hoa. Những con đường chính ở trong thành đều được lát bằng đá phiến. Ở hai bên đường, có đầy những bàn đá, ở trên mỗi bàn đá đều có bày hàng hóa.
Ở trên đường phố rất yên lặng, người ở đây cũng không có thói quen rao hàng. Trên một vài lá cờ bay phấp phới, có viết đủ loại chữ đang lưu hành, những chữ đó, Ngọc Tử đều biết.
Ở phía trước nàng, trên lá cờ ở phía Đông viết “Cỏ bì Sở”, trên cái bàn đá ở phía Tây có bày đầy lọ gốm, ở trên mặt viết “Muối Tề”. Từng lá cờ một đều bị gió thổi trúng bay phần phật, Ngọc Tử vừa đi vừa quan sát tỉ mỉ, ở trên những lá cờ này có viết “Đan sa Tần*”, “Đao Ngô”, “Dâu gai** Tề”, “Ngựa Yến”…
*Đan sa: tên gọi dành cho loại khoáng vật cinnabarit của thủy ngân sẵn có trong tự nhiên, có màu đỏ.
**Nguyên văn là tang ma( 桑麻) chỉ cây dâu và cây gai, dâu dùng nuôi tằm dệt vải còn gai để lấy sợi làm quần áo, cũng không biết chuyển ngữ thế có bị sai không nữa. Tề, Sở, Tần, Ngô, Yến là tên các nước.
Hàng hóa rực rỡ muôn màu, bày đầy khắp hai bên đường. Ngọc Tử vừa xem, vừa lặng lẽ ghi nhớ và suy nghĩ. Giữa lúc nàng đang ngắm nhìn rất là chăm chú, đột nhiên trước mặt nàng tối sầm lại, một người chắn ngang đường nàng đi, đồng thời, một giọng nói to như tiếng đập la truyền đến, “Dừng lại! Thằng nhóc kia, cha mày là Cung hả?”
Người này vừa mở miệng, một mùi hôi rình xông vào mũi. Người này chẳng những miệng thối vô cùng, trên người còn có một loại mùi hôi trộn lẫn với mùi mồ hôi. Bị mùi hôi này bủa vây, Ngọc Tử không tự chủ được lui về phía sau từng bước. Nhưng nàng không biết rằng, nàng vừa mới lùi xuống, tên cao lớn chặn đường đó hất đầu, phát ra một trận cười to đinh tai nhức óc. Tiếng cười lớn không chỉ có hắn, xung quanh Ngọc Tử, năm sáu gã đàn ông khác cũng cùng cười vang.
Trong tiếng cười to tới mức chói tai, một gã quát: “Dừng lại! Lão Cung một đời võ dũng, sao lại nhận một thằng con ốm yếu như gà con thế này? Thấy người cản đường, lại còn nhẹ nhàng lui về phía sau?”