Hội phụ nữ ế chồng
Có lần tôi thấy áp phích in hình bốn bộ xương ngồi ở bàn. Mỗi bộ xương được trang trí bằng một món đò: chiếc mũ màu hồng, túi trang điểm, đôi giày cao gót, khăn quàng cổ hàng hiệu. Suy ra bốn bộ xương ấy từng thuộc bốn người phụ nữ. Ở dưới ghi dòng chữ: “Chờ người đàn ông hoàn hảo”.
Chờ, chờ nữa, chờ mãi.
Ở Hà Nội, tôi bắt đầu thấy nhiều người phụ nữ khoảng 30 tuổi chưa lấy chồng, chưa có ý định lấy chồng, hoặc đã có ý định nhưng chưa có ứng cử viên phù hợp.
“Lấy chồng sớm làm gì”, là câu cửa miệng của họ. Lấy chồng bình thường làm gì? Cứ phát triển sự nghiệp đi đã – nếu có hoàng tử xứng đáng nào đến gõ cửa thì mở, không thì chờ tiếp.
Vấn đề là phụ nữ Việt Nam giỏi quá, ít hoàng tử xứng đáng. Hôm trước tôi ngồi đọc tạp chí tiếng Anh thấy có bài phỏng vấn một cô Hà Nội 24 tuổi về những sự thay đổi trong văn hóa thành thị. Bạn ấy có nhiều nhận xét thú vị, trong đó:
“People are becoming more beautiful, especially women. I think in some ways girls are developing faster than boys. I see so many beautiful, strong, smart [women] becoming independent, and yet still keeping their cultural values.”
“Người ta càng ngày càng đẹp hơn, đặc biệt là phụ nữ. Tôi thấy các bạn nữ trưởng thành nhanh hơn các bạn nam. Tôi thấy nhiều phụ nữ xinh đẹp, mạnh mẽ, thông minh, tự lập, mà vẫn giữ được bản sắc văn hóa.”
Đúng rồi, tôi tự nói với mình. Tôi thấy một khoảng cách lớn đang mở rộng ở giữa các bạn nam và nữ trẻ. Hầu như mọi lĩnh vực, các bạn nữ cũng đang “chạy” nhanh hơn các bạn nam: ngoại ngữ, tài chính, tiếp thị, xuất bản, quản lý, giải trí… Đó chỉ là cảm giác. Nhưng là cảm giác mạnh.
Riêng ngoại ngữ, tôi được mời tham gia nhiều lớp học tiếng Anh tại các trường đại học lớn. Cứ chín sinh viên nữ mới có một sinh viên nam, lớp nào cũng thế, trường nào cũng vậy (đủ mì chính cánh mời công ty Ajinomoto tài trợ).
Các cuộc thi khiêu vũ và ca hát do khán giả bình chọn gần đây hầu như là sân chơi dành riêng cho phái “yếu”. Phương Vy, Đoan Trang, Thủy Tiêng, Thu Minh, Uyên Linh, Văn Mai Hương… Họ không tình cờ là người nữ. Trong bối cảnh hiện nay, họ phải là người nữ.
Nhiều lĩnh vực khác nữ, nữ có mặt đông hơn, chiến đấu mạnh hơn. Kể cả những hành động nhỏ như cách đứng lên và giới thiệu về bản thân trong các cuộc họp quốc tế thì nữ trẻ tỏ ra tự tin hơn nam trẻ.
Thậm chí nhiều tổ chức nước ngoài đang cố tình tuyển nhân viên nữ (mặc dù không nói ra), dành các vị trí quan trọng nhất cho các chị em Việt Nam.
“Ở Việt Nam nhân viên nữ tốt hơn hẳn,” một anh bạn Tây là sếp của một tổ chức phi chính phủ từng tâm sự với tôi. “Trình độ cao hơn, thái độ tốt hơn, góc nhìn cởi mở hơn, và khác với nhiều nước ở châu Á là khả năng mở rộng quan hệ không kém gì đàn ông.”
Tóm lại: nữ trẻ đang chạy nhanh hơn nam trẻ. Sự thật: người chạy nhanh khó yêu người chạy chậm. Kết quả: nhiều bạn nữ trẻ sắp không còn trẻ nhưng vẫn chưa có gì.
Trong cuộc đua này có một số người đại thắng. Họ là những người đàn ông chạy nhanh. Nhìn chung, các bạn nam đang chạy chậm hơn các bạn nữ. Nhưng quy tắc nào đều có ngoại lệ. Nhìn kĩ tôi thấy một số đại diện của phái mạnh đang chạy nhanh ơi là nhanh.
Tôi xin kể chuyện về chị Phương và anh Minh. Chị Phương 30 tuổi, xinh đẹp, chưa chồng. Chị ấy có công ty nhỏ, nói tiếng Anh như ma (ma Tây), mạnh mẽ, giỏi giang. Nhiều anh chàng xin hát tặng chị ấy bài tình ca. Chị Phương từ chối hết, đôi khi nghe nửa bài mới yêu cầu phải dừng lại. Ca sĩ chưa đủ trình. Chị Phương không muốn lấy người kém hơn mình – chịu làm sao được khi cả đời còn lại phải “dạ dạ” và “vâng vâng” một người không có khả năng làm phụ nữ hiện đại nổi da gà.
Rồi xuất hiện anh Minh. Anh Minh có khả năng làm chị Phương nổi da gà và nhiều thứ hơn nữa. Anh Minh có công ty lớn, nói tiếng Anh như ma (bố ma Tây), lịch lãm, đẹp trai, biết mình, biết người. Anh ấy là người chị Phương chờ đợi hơn mười năm qua. Anh ấy cũng rất Việt Nam, cùng văn hóa yêu mến của chị Phương. Chỉ có anh Minh có thể làm chị Phương hài lòng. Vì chị Phương phải hài lòng mới cưới, suy ra chỉ có anh Minh mới có thể làm bố mẹ chị Phương hài lòng nữa.
Chị Phương và anh Minh đi cà phê nhiều lần, thấy có duyên với nhau.
Nhưng mất cân đối quá! Với anh Minh, chị Phương chỉ là một trong nhiều sự lựa chọn – dù xinh đẹp, dù giỏi giang nhưng vẫn chỉ là một trong những. Bài toán đơn giản. Cứ 10 chị Phương chỉ có 4 anh Minh. Nhưng cứ 10 chị Phương lại có 30 em Giang, Hiền, và Chi – là các em 25 tuổi, xinh xắn, nhanh nhẹn, rất muốn có một người đàn ông thành đạt như anh Minh để cùng bước vào tương lai tươi sáng. Tính ra, cứ 10 người phụ nữ xinh đang theo anh Minh thì chỉ có 1 anh Minh.
Chênh lệch quá. Các “chị Phương” đang rất khó khăn vì tiêu chuẩn. Họ có tầm nhìn rộng nên không thể lấy một người có tầm nhìn hẹp. Chỉ có anh Minh mới đạt. Suy ra chỉ có anh Minh mới sướng.
Mà thực tế anh Minh không sướng đâu. Vì lắm mối nên tối nào anh Minh cũng nằm không (theo cách nằm không của đàn ông thỉnh thoảng nằm có). Thời gian trôi qua, các em Giang Hiền và Chi cướp ngôi chị Phương, hoặc chị ấy tự nhường ngôi sang Tây. Thời gian trôi tiếp, anh Minh bắt đầu để ý đến các em Lý, Thủy và Hảo, là các em gái của Giang, Hiền và Chi. Cuối cùng rồi không ai tìm được hạnh phúc cả.
Nhưng đau tim nhất vẫn là các bạn nam chạy chậm, không được tiền, không được tình, không được điều thú vị nào hết. Thật đáng thương, thật đáng lo. Phân tích nốt, tôi chợt nghĩ các họa sĩ Việt Nam nên vẽ thêm một poster khác: bốn bộ xương thuộc bốn người đàn ông ngồi ở bàn bia hơi, ở dưới ghi dòng chữ “Chờ người phụ nữ bình thường”.