Không bấm
Theo lời hướng dẫn của Microsoft, trước khi rút ổ USB ra, người sử dụng nêm bấm “Safely remove hardware” (“Rút phần cứng một cách an toàn”), dùng nút ảo ở góc dưới bên phải màn hình. Làm như vậy mới đảm bảo không có lỗi file.
Tôi thuộc loại người không bấm. Đã “rút không” hàng nghìn lần, chưa lần nào bị mất file hay treo máy, nên tôi rất yên tâm. Kể cả máy có bị treo vài lần – đó là cái giá tôi sẵn sàng trả để không bị các nút nhỏ làm phiền.
Tiếng Việt có từ “cái tôi”. Cái tôi của Joe ngày càng lớn. Cái tôi của Hiền luôn đặt trên hết. Tôi xin cung cấp thêm một từ liên quan là “cái thôi”. Nếu “cái tôi” của một người là nhận thức của cá nhân về bản thân mình, thì “cái thôi” là khả năng mặc kệ chi tiết không quan trọng với bản thân mình.
Phải thừa nhận “cái thôi” của tôi rất lớn. Phòng ngủ của tôi bẩn? Thôi, kệ (vẫn ngủ được). Áp sơ mi nhăn? Thôi, kệ (vẫn mặc được). Người yêu đi với người khác? Có lẽ cái thôi của tôi có hạn, nhưng xét cho cùng nó tương đối phát triển.
Một cách khác rất hiệu quả để đo cái thôi của một người là xem họ có bấm “Safely remove hardware” trước khi rút ổ USB hay không. Qua hành động tầm thường này, mình có thể biết nhiều về môi trường sinh tồn của họ: cách ăn, cách ngủ, cách cười và cách hôn.
Tôi hay nói đùa với bạn bè là tôi sẽ thành lập CLB Un-safely remove hardware, rút phần cứng một cách nguy hiểm nhất có thể (CLB Rút liều). Mỗi tuần những người “không bấm” như tôi có thể gặp gỡ nhau một lần, chia sẻ những khó khăn do những người “có bấm” gây ra. Còn nếu có thành viên nào bị phát hiện bấm nút đó, nhiều lần hay ít, say rượu hay tỉnh, thì người ấy sẽ bị đuổi ra khỏi câu lạc bộ và phải sống nốt cuộc đời trong nỗi nhục của một người bấm chui.
Không phải chúng tôi coi thường những người “có bấm” là người thấp kém. Trái lại thế giới rất cần sự cẩn thận của họ. Lấy vợ “có bấm”, ông chồng đỡ mệt mỏi quản lý tiền nhà. Sinh con “có bấm”, cha mẹ đỡ mệt mỏi gọi điện kiểm tra. Và chắc câu lạc bộ dự định của tôi cũng phải cho thuê một người “có bấm” làm kế toán trưởng – cho chắc.