Đa phần người Trung Quốc đều thấy người nước ngoài ai cũng như ai, nếu thả họ vào một đám người nước ngoài thì quả thực họ bó tay không thể phân biệt được. Hai vị giáo sĩ này đến Trung Quốc cũng rơi vào tình trạng như vậy, họ thật sự không nhớ được Dương Lăng là ai, huống hồ Dương Lăng ngày hôm nay từ khí phách đến cử chỉ lời nói cho dù không cố làm ra vẻ thì vẫn toát ra một sự oai nghiêm.
Có điều Dương Lăng vừa nhắc đến vị đại thiện nhân quyên góp ba ngàn lạng bạc tiền hương quả nọ, người tóc vàng thoáng cái đã nhớ lại, thế là không khỏi mừng rỡ reo lên:
- A! Chúng tôi nhớ ra cậu rồi, cậu là cái vị đại công tử lớn tuổi hơn đó. Tôi là Nhã Tư Các (Nicholas), công tử có nhớ tôi không?
Người tóc đỏ cũng như gặp lại người thân, cười híp mắt:
- Tôi là Hoả Giả Á Tam (1), tôi nhớ được công tử, công tử là... Dương công tử.
Đứng trên bậc thềm nhìn thấy vị công tử khí phách bất phàm dẫn theo tám gia nhân đó quen biết với hai tên ăn mày, vẻ kiêu ngạo của ông chủ tiệm lúa gạo lập tức giảm đi rất nhiều.
Dương Lăng tuy nhớ được tướng mạo bọn họ, song không nhớ được tên bọn họ, lúc này nghe bọn họ tự báo tính danh thì vội mỉm cười nói:
- A, giáo sĩ Nhã Tư Các, giáo sĩ Hỏa Giả Á Tam, xin chào hai vị. Ta có chút chuyện muốn hỏi ông chủ nơi này, lát nữa sẽ lại trò chuyện cùng các vị.
Nói đoạn Dương Lăng chắp tay chào bọn họ rồi bước lên bậc thềm cười hỏi:
- Chủ tiệm, nơi đây có bán khoai rợ không?
Khoai lang mùi vị nhạt nhẽo lại không thể thay làm lương thực dài hạn, chỉ có dân chúng ở những khu vực bần cùng mới dùng nó làm thức ăn. Ông chủ tiệm thấy có mối đến nhà, tuy vị công tử với phong thái và trang phục như vậy lại đến nhà mua khoai rợ có phần hơi lạ song ông ta vẫn tươi cười gật đầu đáp:
- Dạ có, mời công tử ngài vào, chỗ chúng tôi có bán khoai rợ ạ.
Tay chủ tiệm lật đật chạy vào trong tiệm lấy ra một bao khoai rợ mở ra cho Dương Lăng xem. Dương Lăng nhìn thấy thì không khỏi thất vọng vô cùng, thứ thực vật thân củ màu vàng lợt đó thoạt trông cũng là loại củ sinh trưởng dưới đất song lại không phải là khoai lang.
Y lắc đầu thở dài nói:
- Không phải là thứ này, hình dạng thì hơi giống thứ này, nhưng vị rất ngọt, có củ thì màu đỏ, có củ thì màu trắng. Ừm... ta nghe có người gọi nó là khoai lang, còn có thể gọi là khoai đỏ, khoai ngọt, ngoài ra còn có loại cây trồng hạt màu vàng óng, đại khái... nhỏ hơn móng tay một chút, từng hạt từng hạt.
Nhã Tư Các và Hoả Giả Á Tam đang đứng một bên, nghe y nói vậy thì không khỏi kinh ngạc nhìn nhau. Hoả Giả Á Tâm nhịn không được bèn chen miệng vào nói:
- Dương công tử, hai thứ mà công tử nói hình như rất giống với thứ mà tôi đã thấy.
Dương Lăng bỗng nhớ ra ngô và khoai lang vốn là sinh sản ở châu Mỹ, hình như là thông qua con đường Châu Âu mà được đưa vào Trung Quốc, không khỏi mừng rỡ vô cùng, liền vội xoay người hỏi:
- Giáo sĩ đã từng thấy thứ này rồi à? Ông đã thấy nó ở đâu?
Hoả Giả Á Tâm nhún vai đáp:
- Ồ, từng thấy nó từ lâu lắm rồi. Theo như công tử mô tả thì hẳn chính là vật ấy. Ừm... là mười hai năm trước, thuyền trưởng Ca Luân Bố (Columbus) xa khơi trở về, mang nó về từ một nơi rất xa xăm. Cách đây sáu năm, khi chúng tôi bắt đầu đi đến phương Đông thì trong nước đã trồng với số lượng lớn rồi. Chúng tôi cũng mang theo rất nhiều hạt giống.
Dương Lăng vừa kéo tay y vừa khẩn thiết nói:
- Quá tốt rồi, trong tay giáo sĩ còn hạt giống nào không? Nó có tác dụng rất quan trọng với ta.
Hoả Giả Á Tam xoè tay nhún vai nói:
- Khi đến phương Đông chúng tôi mang theo rất nhiều thức ăn, nhưng từ lúc chạy trốn khỏi Thiên Trúc thì đã mất gần hết, còn sót lại cũng đã ăn hết sạch lúc chuyển thuyền từ Lữ Tống (*) đi Đại Minh rồi.
(*) đảo LuZon, là một đảo lớn thuộc phía bắc quần đảo Philippin, thủ đô Manila là một trong tám khu hành chính thuộc đảo này.
Dương Lăng nghe thấy vậy thì nản chí vô cùng. Nhưng mà... mình đích xác đã từng ăn nó, hơn nữa còn là ở phương Bắc. Chẳng lẽ có người khác mang thứ đó đến đây sao? Nãy giờ nghe bọn họ nói chuyện, ông chủ tiệm gạo nhịn không được bèn chen miệng vào:
- Công tử, thứ mà công tử nói có thể ở chỗ tiểu nhân có đấy. Công tử có muốn xem một chút không? Quả như công tử muốn mua...
Dương Lăng vội nói:
- Mau lấy ra cho ta xem, nếu quả thật là thứ mà ta muốn thì một cân một lạng bạc, không... một cân mười lạng bạc!
Tay chủ tiệm vừa nghe một cân mười lạng bạc thì lập tức phát hoảng, vội vã nói ngay:
- Xin công tử đợi một chút, tiểu nhân lập tức lấy ngay.
Nói đoạn co cẳng chạy thẳng ra sau tiệm. Dương Lăng còn sốt sắng hơn cả hắn, hận không thể đuổi theo xem kết quả. Y bước vòng vòng trong cửa tiệm như một con ruồi mất đầu khiến cho hai tên người làm đứng khép nép ở góc tiệm nhìn người công tử hào phóng ấy bằng ánh mắt kính sợ.
Một lát sau, ông chủ tiệm vác một bao gạo không lớn lắm hối hả trở vào, vừa thở hồng hộc vừa nói:
- Bẩm công tử, ngài xem thử có phải là thứ này không.
Dương Lăng chạy nhào tới giành lấy cái bao trên vai gã chủ tiệm, đặt nó lên quầy rồi mở ra, tim đập thình thịch. Nhìn một nửa bao hạt ngô vàng óng ánh mà kiếp trước vốn y chẳng thèm đoái hoài đến mà Dương Lăng vui mừng suýt chút nữa khóc òa lên. Y bốc một vốc ngô lên, run rẩy nâng chúng trên tay mà hưng phấn còn hơn cả phát hiện một túi vàng.
Dương Lăng thì thào:
- Chính là nó, chính là nó.
Ông chủ tiệm vừa nghe là thứ mà Dương Lăng cần, nửa bao hạt ngô ấy là hơn trăm lạng bạc vào tay chứ nào phải đùa, thế là hắn lập tức cười đến không khép miệng lại được.
Lúc này một thằng bé cầm một củ khoai luộc chạy từ buồng trong ra, gọi:
- Cha, cha mang bao ngô đi làm gì vậy, mẹ bảo con đi hỏi cha cái gì mà một cân mười lạng vậy?
Gã chủ tiệm nào còn có thời gian trả lời, gã giật lấy củ khoai trong tay thằng bé chìa ra trước mặt Dương Lăng, ánh mắt tham lam nói:
- Công tử gia, đây có phải là khoai lang mà ngài nói không? Nhà tiểu nhân luộc một nồi lớn, nếu công tử thích ăn, tiểu nhân sẽ bán hết cho ngài.
- Cái gì? Luộc hết rồi? - Dương Lăng nhìn củ khoai đỏ đã bị luộc chín trong tay y mà khóc không ra nước mắt. Y đau xót kêu lên:
- Luộc hết rồi hả? Ngươi... ngươi không giữ lại vài củ sao?
Ông chủ cười nịnh nọt:
- Chưa luộc hết... còn giữ lại mấy củ, có điều đã nướng rồi. Công tử là người có thân phận, tiểu nhân thấy thứ đó bị khói hun lửa sém quả thực là khó coi cho nên không dám nói ra.
- Ngươi... - Dương Lăng hận không thể đạp cho hắn một cước, y gằn giọng:
- Nói mau, ngươi mua cái thứ này ở đâu? Chỉ cần chỉ cho ta tìm ra được người bán, ta sẽ cho ngươi một trăm lạng bạc.
Lúc này bỗng chợt có một tràng cười sang sảng cất lên:
- Ta bình sinh là kẻ mê rượu nhưng không ngờ đến kinh sư lại có kẻ mê khoai, là ai mà lại thích gặm khoai thế nhỉ?
Màn cửa được vén lên, một người râu xồm cười tủm tỉm từ buồng trong bước ra ngoài, nhưng Dương Lăng và hắn vừa trông thấy nhau thì đều không khỏi ngớ người, đồng thanh kêu lên:
- Là huynh?
Người nọ vừa ngạc nhiên vừa mừng rỡ, cười nói:
- Hoá ra là Dương công tử, thật đúng là 'hữu duyên thiên lý năng tương ngộ'.
Dương Lăng nhìn thấy người râu xồm đó lại là Chúc Chi Sơn một trong tứ đại tài tử Giang Nam thì cũng không khỏi thất thanh kêu lên:
- Là Chúc công tử? Sao huynh lại ở đây?
Chúc Chi Sơn bước tới gần thì mùi rượu cũng xộc tới, xem ra vị Chúc tài tử này quả nhiên yêu rượu như mạng. Chàng ta cười ha hả nói:
- Dương công tử thật là hào phóng đấy, vì ăn mấy củ khoai mà không tiếc bỏ ra số tiền lớn như vậy. Ha ha ha, chủ tiệm nơi này là em bên ngoại của tại hạ, thứ hạt lúa Tây Thiên và khoai rợ này là trong vườn nhà tại hạ trồng, tại hạ mang một ít đến cho dì và người nhà nếm thử đồ lạ mà thôi. Dương công tử cũng thích ăn sao?
Con tim của Dương Lăng đã bình tĩnh lại, thật không ngờ y tìm được chính chủ của đám khoai và ngô đấy ngay tại đây, vậy thì cũng không cần phải nóng vội nữa mà tóm lại y tuyệt đối sẽ không bỏ qua Chúc Chi Sơn này. Sau khi trò chuyện với nhau vài câu, y vác cái bao hạt ngô mà Chúc Chi Sơn gọi là hạt lúa Tây Thiên như ông thần giữ của rồi nồng nhiệt mời Chúc Chi Sơn và hai nhà truyền giáo Tây Dương đến tửu lầu một chuyến.
Chúc Chi Sơn nghe có rượu để uống thì lập tức vui vẻ theo ngay. Bọn họ đi đến một tửu lầu lớn. Dương Lăng căn dặn thủ hạ trông chừng bao hạt ngô cẩn thận, sau đó cùng Chúc Chi Sơn và hai người Hoả Giả Á Tam lên tửu lầu tìm một gian nhã phòng an vị.
Vừa ngồi vào chỗ, Dương Lăng liền vội vàng hỏi về lai lịch của khoai rợ và hạt ngô đó. Hoá ra Chúc Chi Sơn là con nhà thế gia, cha già từng làm đến chức Bố chánh phó sứ Sơn Tây, về sau cáo lão về quê.
Năm 33 tuổi Chúc Chi Sơn trúng cử nhân nhưng sau đó hơn mười năm không có tiến triển gì thêm. Dẫu rằng nặng lòng theo đuổi công danh song do tuổi tác ngày một trôi đi, y cũng không dám ôm hy vọng nhiều về con đường làm quan của mình, bèn đặt mua nhà cửa điền sản nơi quê nhà là Tô Châu, rồi buôn bán thóc gạo lương thực, trở thành một phú ông.
Một gia đình người Hán từng di cư đến Nam Dương (Đông Nam Á) một trăm năm trước vì đắc tội với quyền quý địa phương mà phải chạy ngược về Đại Minh cách đây hai năm. Bọn họ được Chúc lão gia giữ lại giúp chăm sóc vườn cây ăn quả và vẫn thường trồng trong vườn một ít cây nông nghiệp mang về từ Nam Dương.
Những thứ đó tuy không phải là mỹ vị song hơn ở chỗ là hiếm lạ khó kiếm nên Chúc Chi Sơn thường mang một ít đến các cửa hàng lương thực để bán, do người ở các nơi chưa từng thấy những thứ này cho nên số lượng tiêu thụ không cao chẳng qua những ai chợt thích thưởng thức món tươi ngon sẽ trả giá cao hơn nhiều so với các loại lương thực phổ thông.
Dương Lăng nghe Chúc Chi Sơn nói những thứ cây trồng sản lượng cao này trở thành thực phẩm nuôi sống hiếm lạ mà hoàn toàn không nghĩ đến ý nghĩa trọng đại đối với dân chúng Đại Minh của nó, thì không khỏi trách móc:
- Chúc huynh à, những thứ này mà là trái cây cái khỉ gì, là hoa màu sản lượng cực lớn đó. Nếu phổ biến trồng trọt khắp Đại Minh thì tương lai sẽ cứu sống được biết bao nhiêu dân chúng còn đang bữa nay lo bữa mai. Huynh chỉ nuôi chúng trong một khu vườn cây ăn quả bé xíu thật sự là phí hết của trời.
Chúc Chi Sơn xoa xoa bộ râu xồm, chớp chớp cặp mắt như hai hạt đậu xanh nhìn vẻ đau lòng xót dạ ấy của Dương Lăng mà rất lấy làm khó hiểu.
Kỳ thực, đừng nói Chúc Chi Sơn chỉ là văn nhân nhàn rỗi chẳng bao giờ đi nghĩ đến vấn đề tăng gia sản xuất này nọ mà theo sách sử, qua mấy chục năm sau khi hạt ngô được truyền vào Trung Quốc thì rất nhiều nông dân cũng chỉ trồng hai ba chục gốc phía sân để giữ lại làm đồ ăn lạ miệng cho con cái mà không hề nghĩ đến việc dùng chúng để thay thế cây nông nghiệp hiện hữu chứ đừng nói đến những năm đầu khi mà chính quyền chưa từng chú ý và ghi chép này.
Lúc nhỏ sống ở nhà bà ngoại ở huyện Bình Nguyên tỉnh Sơn Đông, Dương Lăng từng nghe bà y nhắc tới câu ngạn ngữ "một mùa khoai đỏ nửa năm no" (nhất quý hồng thự bán niên lương). Ngô và khoai lang mỗi mẫu cho sản lượng mấy ngàn cân là điều rất bình thường.
Hơn nữa chúng có tính thích nghi rất cao, chịu hạn, sống được trên đất bạc màu, chịu gió mưa, ít bị sâu hại. Đất đồi, đất núi và đất mới khai hoang đều có thể vun trồng, không tranh giành đất đai cùng lúa gạo và lúa mạch, nấu chín hay đem phơi nắng đều có thể giữ được đến mấy năm, cất trữ còn tốt hơn là gạo.
Nghĩ đến ưu điểm này, Dương Lăng không khỏi vui mừng hết cỡ và cũng cảm thấy hơi áy náy với Chúc Chi Sơn: nếu không phải vì giải cấm thông thương, bị Lý Đông Dương đề ra vấn đề về lương thực thì y cũng sẽ xem nhẹ nó huống chi là một Chúc Chi Sơn cơm áo không lo, việc làm không có?
Thấy ngữ khí của mình hơi nặng, Dương Lăng bèn ngượng ngập giải thích:
- Tiểu đệ nhất thời nôn nóng, đã xuất ngôn lỗ mãng, mong Chúc huynh đừng trách.
Chúc Chi Sơn cầm chén nốc cạn hơi như cá voi hút nước, rồi cười đáp:
- Không hề gì, cũng do Dương lão đệ lo nghĩ đến lê dân, chứ thực là lão Chúc ta hổ thẹn mới phải.
Nói đoạn gã nghi hoặc liếc nhìn Dương Lăng một cái rồi hỏi:
- Có điều... thứ cho lão Chúc ta mạo muội. Lão đệ lưu tâm đến quốc kế dân sinh như vậy, chẳng lẽ... là công tử tôn quý của vị đại nhân nào đó trong triều?
Dương Lăng cười khó xử, không biết nói ra thân phận của mình rồi vị tài tử họ Chúc này có giũ áo bỏ đi hay không. Tuy nhiên nay đã muốn dùng người ta thì không thể giấu giếm được nữa. Sau thoáng do dự, y bèn nói:
- Tiểu đệ họ Dương, tên chỉ một chữ Lăng, kẻ hèn làm thân quân thống lĩnh thị vệ của đương kim Hoàng thượng, quản hạt Nội tập sự xưởng.
Chúc Chi Sơn nghe xong kinh hãi thất sắc. Dương công tử mà y ngồi cùng bàn uống rượu, nhún nhường tự xưng tiểu đệ chính là vị Dương đại nhân được đương kim thánh thượng sủng ái nhất đó ư? Y hoảng hốt đứng dậy chắp tay nói:
- Hoá ra là Dương đại nhân ở trước mặt, thất kính thất kính. Học sinh quả thực đã thất lễ rồi.
Dương Lăng cảm thấy bất ngờ bèn đứng dậy nói:
- Xin Chúc huynh hãy ngồi xuống. Tại hạ và huynh vừa gặp như đã quen lâu, hà tất giữ lễ như vậy? Ờ...- Y thoáng liếc nhìn Chúc Chi Sơn, dò hỏi:
- Danh tiếng tiểu đệ trong giới văn nhân thực không tốt lắm, vốn nghĩ rằng Chúc huynh nghe xong thân phận của tại hạ sẽ giũ áo mà đi. Chúc huynh không ngại thanh danh của tại hạ sao?
Chúc Chi Sơn nghe vậy cũng thoáng ngẩn ra, tiếp đó chợt nhớ tới một số lời đồn đãi về Dương Lăng mà mình nghe được, rồi không khỏi ung dung cười nói:
- Đám hủ nho đó nhìn người bằng ánh mắt ‘độc đáo’, học sinh thật không có kiến thức như vậy. Tạm chưa nói thanh danh của đại nhân trong dân gian vô cùng tốt đẹp, chỉ riêng thấy đại nhân chịu khép mình nhũn nhặn với một thị tỳ, chịu hạ mình kết giao với văn nhân như tại hạ đây, lại có thể vì cái ăn của dân chúng mà lo nghĩ như vậy, thì tấm lòng, phẩm hạnh và tính cách ấy sao có thể là xấu được?
Chúc Chi Sơn và Đường Bá Hổ phóng đãng ngang ngạnh, hận đời ghét phận, thuộc dị loại trong giới văn nhân thế nên cũng không được những văn nhân chính thống tiếp nhận. Tự đã trải qua cay đắng, lại từng quen biết với Dương Lăng từ dạo trước, kiến thức được lời nói tác phong của y nên đương nhiên gã không bị lời đồn đãi của giới học sĩ làm cho mê hoặc.
Dương Lăng nghe vậy thì như gặp được tri âm, liền kéo Chúc Chi Sơn ngồi xuống, cầm lấy bầu rượu rót đầy một chén cho gã. Hai người khẽ chạm chén rồi cùng nhấp môi. Đôi bên nhìn nhau mỉm cười cảm thấy rất đỗi thân thiết.
Hai người Hoả Giả Á Tam và Nhã Tư Các tội nghiệp vì tín ngưỡng thượng đế mà bữa đói bữa no nơi đất khách quê người này, nay may mắn lắm mới được một bữa ăn thịnh soạn, nên chỉ cố "cúng lấy cho đầy cái bụng".
Lúc này nghe Dương Lăng nói vậy, Hoả Giả Á Tam mới tá hoả tam tinh mà la lên:
- Ngài chính là Dương đại nhân? Là đại thần tin sủng nhất của hoàng đế Đại Minh? Ôi... thượng đế hiển linh, người đã dẫn dắt con đến gặp được anh ta, mang đến ánh sáng cho con.
Dương Lăng cười ha hả nói:
- Không dám không dám, hai vị giáo sĩ tiên sinh quá khen rồi. Bản quan bộn bề công vụ vẫn chưa có cơ hội dâng lời với Hoàng thượng chuyện đã đáp ứng với hai vị. Có điều hai vị có thể yên tâm, tăng nhân Tây Vực của Hộ Quốc tự lạnh nhạt với các vị vậy phát triển ở nơi đó cũng sẽ khó mà thuận lợi, chi bằng lát nữa hay đến thành tây, trọ tạm trong Nội xưởng trước rồi bản quan sẽ giúp các vị xây dựng nhà cửa vậy.
Một khi giải cấm thông thương thành công, mục đích sẽ không chỉ là làm ăn cùng đám người Đông Dương, Lữ Tống và Lưu Cầu (*), mà mục tiêu xa hơn nữa sẽ là Tây phương. Những quốc gia phương xa sắp sửa trở thành bá chủ biển khơi đó cũng là những quốc gia ngoại bang mà hiện nay Đại Minh đang cự tuyệt lui tới song lại đóng vai trò quan trọng trong lịch sử.
(*) Quần đảo Okinawa thuộc Nhật Bản ngày nay.
Mấy nhà truyền giáo đến từ Phật Lang Cơ (danh xưng người thời Minh gọi chung cho hai nước Tây Ban Nha và Bồ đào Nha) này tinh thông tiếng Trung lẫn tiếng phương Tây, hơn nữa thân phận khá là đặc biệt nên sau này sẽ là nhà môi giới rất tốt. Ở thời đại như vầy, một nhà môi giới đắc lực sẽ có thể phát huy tác dụng rất lớn, đấy gọi là "nhân tận kỳ tài, vật tận kỳ dụng"(1), sao y có thể lãng phí chứ.
Nghe Dương Lăng nói vậy, hai nhà truyền giáo mừng rỡ khôn thôi, liền vội đứng dậy cảm ơn. Đến Trung Quốc lâu như vậy, bọn họ đương nhiên là hiểu cái đạo lý "có qua có lại mới toại lòng nhau" mà người Trung Quốc coi trọng.
Nhã Tư Các liền nhanh nhảu nói:
- Đa tạ Dương đại nhân, nói về bồi dưỡng cây trồng và trồng trọt, tôi... biết một số thứ, biết tại mỗi vùng đồng bằng lẫn đồi núi thì nên trồng thứ gì, nếu như đại nhân muốn mở rộng trồng trọt giống cây này thì tôi tình nguyện cống hiến sức lực cho ngài.
Dương Lăng rất đỗi vui mừng, không ngờ người này còn là một chuyên gia thực vật học. Có cây lương thực và người thạo trồng trọt ở chỗ Chúc Chi Sơn sẵn, lại có thêm vị chuyên gia trồng trọt này chỉ đạo thì mọi thứ sẽ dễ hơn nhiều.
Thời Minh đã có nhà ươm trồng trọt cho mùa đông, chuyên môn trồng rau cải cho hoàng thất. Do ít dùng đất đồng ruộng, cho nên có thể khống chế được sâu bọ gây hại. Dương Lăng hận không thể lập tức mang mấy người này phóng ngựa về thôn trang, bắt tay chuẩn bị ngay.
Dương Lăng cảm ơn Nhã Tư Các, rồi quay sang Chúc Chi Sơn nói:
- Chúc huynh, lần này đến kinh thành, không biết có chuyện quan trọng gì không?
Chúc Chi Sơn tuy phóng túng không câu nệ, tự khoe mình là danh sĩ phong lưu và gần như đã đạt tới cảnh giới xem phú quý tựa mây trôi song nói cho cùng, là đàn ông ai không muốn công thành danh toại, sự nghiệp thăng tiến chứ, đường công danh của gã đã không thể tiến thêm bước nữa nên Chúc Chi Sơn định lấy thân cử nhân tự tiến cử một chức quan để làm.
Lần này y vào kinh tìm một vị trưởng bối bạn của cha làm trong bộ Công, vốn định nhờ ông ta giúp đỡ vận động một chút nhưng nay bố cục thế lực triều đình đại biến, đa phần quan viên đều giữ thân ngoài cuộc, trưng ra bộ mặt lạnh nhạt thờ ơ.
Vị trưởng bối nọ biết Lý đại học sĩ đang gặp phải cảnh ngộ tế nhị mà ông ta lại không muốn đi xin xỏ Lưu Cẩn của nội đình nên việc này vốn đã vô vọng. Giờ người thanh niên mà mình quen biết này lại là Dương Lăng quyền cao chức trọng, lòng y không khỏi lại sống lại.
Khuôn mặt đen đúa của Chúc Chi Sơn thoáng đỏ lên, ngượng ngập:
- Chuyện này... lão Chúc vào kinh, vốn định tìm vị trưởng bối bạn cha tìm công việc để làm. Đã uổng phí nửa đời đọc thi thư thì không thể cứ làm thương nhân cả đời được, nhưng mà...
Dương Lăng sực hiểu ra, liền cười nói:
- Hoá ra là như vậy. Chúc huynh liệt danh trong tứ đại tài tử Giang Nam, trong lòng tự có khê sơn (2). Còn như không rành về bát cổ thì sao giấu được tài học trong lòng?
Y thoáng trầm ngâm rồi chậm rãi nói:
- Tiến cử Chúc huynh giữ chức đứng đầu một huyện, việc ấy huynh đệ có thể làm được; về sau có được thành tích rõ rệt thì việc huynh một bước lên trời đương nhiên sẽ không thành vấn đề. Không biết Chúc huynh có nguyện chịu thiệt?
"Chịu thiệt?" Chúc Chi Sơn đã sớm vui đến ngất ngây. Đừng nói y là cử nhân mà cho dù là tiến sĩ thi Đình thì có thể khởi bước làm một huyện lệnh cũng đã là cơ hội vô cùng hiếm có rồi. Những người khác đa phần hoặc nhậm một chức vụ làm cảnh, hoặc sẽ dưỡng lão trong Hàn Lâm viện, nào có cơ hội này?
Chúc Chi Sơn vội cảm ơn rối rít. Tiếp đó Dương Lăng lại cùng y thương nghi về việc vận chuyển một số lượng ngô và khoai lang từ quê nhà vào kinh, Chúc Chi Sơn hiển nhiên vui vẻ đáp ứng.
Dương Lăng biết trước mắt Chúc gia chỉ có bao nhiêu đây mầm ngô, có điều khoai lang lại rất dễ nuôi trồng trong hầm nên y chuẩn bị nhân giống số lượng lớn rồi qua xuân sẽ trồng đại trà.
Quyền lực của y tuy lớn nhưng hiện tại vẫn chưa có quyền xen vào chính sự địa phương, việc đẩy mạnh phát triển cây lương thực mới có sẽ bị cản trở hay không thì y cũng chưa có toan tính gì trong lòng, nhưng hiện tại chuẩn bị chu đáo thì vẫn tốt hơn.
Mấy người vui vẻ no say, đưa tiễn Chúc Chi Sơn xong Dương Lăng đưa hai người Nhã Tư Các trở về Hộ Quốc tự, gọi mấy nhà truyền giáo còn lại thu thập hành trang rồi cùng đến Cao Lão trang ở tạm. Thấy tiết trời dần trở lạnh, mấy nhà truyền giáo mới vừa truyền giáo và hoá duyên (khất thực) về đang run lập cập trong đại điện vắng vẻ của ngôi chùa nghe được tin tức này liền hết sức phấn khởi chạy ra.
Đám người này nói đi là đi ngay, ngoài mấy bao lương thực và mấy tấm chăn rách rưới thì chẳng còn gì khác. Dương Lăng thuê một chiếc xe ngựa lớn, đưa bọn họ rời khỏi tây thành đến Cao Lão trang rồi đưa bọn họ đến ở tạm trong nội tập sự xưởng sau núi.
Nội xưởng giờ đây đang phát triển với một khí thế bừng bừng, Hoàng Kỳ Dận và Ngô Kiệt người thì bận lo nội chính, người thì bận "mở mang bờ cõi"; an bài và huấn luyện nhân viên, điều phối vật tư, thu thập, chỉnh lý và phân tích tình báo, xây dựng tổ chức, ghi chép và sử dụng số thu nhập đáng kể đem lại từ việc quay vòng hàng hoá thông qua cửa hàng ngựa xe đủ các công việc rắc rối phức tạp mà lại vô cùng trọng yếu, bất cứ thứ gì phát sinh vấn đề đều có thể ảnh hưởng đến sự vận hành của tổ chức non trẻ đang phát triển này.
Hai vị đáng đầu bận rộn xử lý công vụ cả ngày, trái ngược với vị "tổng quản" Dương Lăng thoạt trông có vẻ quá thanh nhàn. Nhưng là người nắm giữ toàn cuộc, Dương Lăng cho rằng y chỉ cần khống chế phương hướng phát triển của Nội xưởng, xử lý tốt các mối quan hệ giữa người với người, cố gắng tạo ra ít chính sách và thời cơ thuận lợi cho bọn họ, cho bọn họ đủ không gian thi thố tài năng là được. Nếu ôm đồm hết mọi việc, chuyện gì cũng can dự vào thì chưa hẳn đã là một nhà lãnh đạo giỏi cho nên công vụ thường ngày y đều buông tay để bọn họ đi làm.
Dương Nhất Thanh đi cùng Vu Vĩnh đến phương nam, Liễu thiên hộ thì đang theo phương pháp Dương Lăng sử dụng huấn huyện trinh sát cấm quân khi còn ở Thần Cơ doanh để huấn luyện đám nha sai mới được chiêu mộ. Những nông dân trẻ khoẻ này dễ huấn luyện hơn đám cựu binh lão đời kia, độ trung thành cũng cao, hiện đám ba trăm lính mới này đã bắt đầu cho thấy thành quả.
Ý của Dương Lăng là biến đám người tam giáo cửu lưu thành đội quân thu thập tình báo khắp mọi nơi, lấy cửa hàng ngựa xe làm con đường liên lạc nhưng phải thiết lập được tổ chức trung chuyển tình báo ở các nơi.
Y rút kinh nghiệm về tệ chậm chạp trong việc phân tích những tin tức tình báo từ hệ thống ngoại vi Cẩm Y Vệ thu lượm được chuyển về trung tâm, những tệ nạn không phân biệt được việc quan trọng hay không, khẩn cấp hay thong thả của tin tức đã thu lượm được. Các tổ chức trung chuyển tình báo do y thành lập sẽ thiết lập nhân viên phân tích chuyên phân loại các tin tình báo rồi dựa theo mức độ quan trọng và cấp bách mà truyền về tổng bộ khiến cho hiệu suất xử lý thông tin tình báo được tăng cao.
Đồng thời y kiên trì cho những nhân viên thu thập tình báo này sử dụng mật thám chiêu mộ "tạm thời" là những bá tánh bình dân là chính. Các tổ chức trung chuyển tình báo sẽ lập ra một lực lượng phản ứng nhanh nho nhỏ khác - một hệ thống bảo vệ và ứng phó với các loại sự kiện phát sinh đột biến. Những nhân viên mà Liễu Bưu huấn luyện thuộc về loại nhân viên này, cũng là thành viên trọng tâm của Nội xưởng.
Thấy Dương Lăng mang mấy người ngoại quốc quần áo lam lũ vào thì Liễu Bưu dẫn mấy người chạy ra nghênh đón. Dương Lăng vừa cười khoát tay ngăn gã làm lễ vừa nhìn những tân binh đã hơi có khí chất quân nhân đang tập bắn súng.
Đa phần những binh đinh này đều đã từng tập võ, có nền tảng sử dụng vũ khí lạnh nhất định cho nên trong xưởng chủ yếu huấn luyện bọn họ sử dụng cung nỏ và súng trường. Chỉ thấy những sĩ tốt nọ đang nâng súng ngắm bắn, một loạt những tiếng "đoàng đoàng đoàng" vang lên, trong khói súng mịt mù những bia bắn hình người cách mấy chục mét phía trước có mấy cái đã bị bắn cho xiêu vẹo.
Dương Lăng khẽ gật đầu tán thưởng. Liễu Bưu thấy vậy cũng không khỏi nở nụ cười dè dặt. Hoả Lão Á Tam thấy lạ, bèn hỏi:
- Đại nhân, hoả khí mà binh sĩ của ngài sử dụng có phải là hơi kém không? Chẳng những phí thời gian và sức lực lắp đạn mà tầm bắn cũng không xa.
Bọn người Liễu Bưu nghe vậy thì rất không phục, gã khinh thường liếc mấy tên ngoại quốc mắt xanh tóc vàng một cái. Nếu không phải vì tạm thời chưa đoán ra được quan hệ giữa kẻ đó và Xưởng đốc thì bọn hắn đã chửi cho một trận rồi.
Dương Lăng nghe xong lại không khỏi máy động trong lòng. Vấn đề về tốc độ và tầm bắn của súng trường luôn là nút thắt hạn chế khiến nó không thể phát huy được tác dụng lớn nhưng Dương Lăng lại không hiểu về súng ống, y từng đề cập tới một ít nguyên lý về súng ống và đạn dược hiện đại cho thợ chế tạo hỏa khí song với trình độ công nghệ và thuốc súng thời đó thì quả thực không cách nào chế tạo ra được.
Vì bó tay nên Dương Lăng mới dồn sức phát triển loại vũ khí bắn ra một đống hoả tiễn như bầy ong vỡ tổ, vậy mà cận chiến trong thành thị quân đội của y cũng đã đủ để lấy một chọi mười, lấy ít thắng nhiều rồi. Lúc này nghe được lời của Hoả Giả Á Tam, y chợt nghĩ có lẽ vị truyền giáo sĩ này biết chế tạo súng trường tiên tiến hơn?
Dương Lăng bèn xoay người mỉm cười hỏi:
- Không biết giáo sĩ tiên sinh có cao kiến gì?
Từ khi biết được thân phận của Dương Lăng thì Hoả Giả Á Tam liền biết mình có thể được triều đình Đại Minh công nhận hay không, có được phép công nhiên truyền giáo ở Đại Minh hay không hoàn toàn được quyết định bởi con người này nên bước lên một bước lập tức ra sức giải thích cho y.
Nhưng trình độ Trung văn của gã có hạn, nói xã giao bình thường thì không sao nhưng khi dính dáng đến thuật ngữ chuyên nghiệp thì nói không được rõ ràng. Hoả Giả Á Tam hết sức sốt ruột, trông thấy bên cạnh có một nha sai đang đeo một khẩu súng trường liền gọi hắn lại rồi cầm súng để giải thích cho Dương Lăng.
Thời đó súng trường mà quân Minh sử dụng còn được gọi là hoả môn thương (*). Kết cấu của hoả môn thương rất đơn giản, khi bắn thường cần tới hai người, một người lắp thuốc súng, hạt thầu dầu rồi nhồi đạn sắt hoặc đạn chì vào sau đó dùng dây làm bằng kim loại hoặc than củi được nung đỏ châm vào thuốc súng bên trong nòng súng, viên đạn sẽ bắn ra.
(*) http://baike.baidu.com/view/914286.htm.
Phương thức bắn "nhàn nhã" này dĩ nhiên không thích hợp để hỗn chiến trên chiến trường thiên quân vạn mã, sau lại sửa thành thao tác một người, chẳng những tốc độ giữa mỗi lần bắn chậm hơn mà binh sĩ một tay cầm súng một tay cầm đồ nhóm lửa hoàn toàn không thể nào nhắm chuẩn.
Phương pháp của Hoả Giả Á Tam là dùng sợi kíp dẫn cháy chậm làm mồi dẫn thuốc súng, chỉ cần trang bị một cần bóp cò đơn giản là được, cải tạo lại không khó.
Như vậy, sĩ tốt sẽ có thể cầm súng bằng hai tay, độ chuẩn xác sẽ tăng lên rất cao, hơn nữa loại nòng súng đặc chế dài hơn sẽ có thể nhồi được nhiều thuốc súng hơn, lực xoáy sinh ra khi viên đạn được bắn sẽ khiến cho tầm bắn và tốc độ bắn cải thiện lên rất nhiều.
Mấy cựu binh huấn luyện sử dụng súng trường đứng cạnh Liễu Bưu phần lớn còn kiêm thêm trách nhiệm chế tạo súng, vừa nghe Hoả Giả Á Tam ấp úng giải thích về phương pháp mới thì vẻ xem thường lập tức mất sạch.
Dương Lăng vẫn chưa hiểu lắm về những thứ mà Hoả Giả Á Tam trình bày nhưng dò thấy vẻ mặt của mấy thợ chế tạo súng liền biết phương pháp mà ông ta nói nhất định có thể thực hiện.
Nghe ông ta nói xong nguyên lý của loại ngòi dẫn lửa này, Dương Lăng bỗng sực nảy ra ý tưởng, nhịn không được bèn nói với Hoả Giả Á Tam:
- Giáo sĩ, nếu như lại cải tiến ngòi dẫn đó một chút bằng cách lắp thêm một viên đá lửa nhỏ để dùng tia lửa do ma sát sinh ra kích nổ thuốc súng, tốc độ hẳn sẽ còn nhanh hơn nhiều phải không? Hơn nữa trời mưa cũng có thể sử dụng, ông cho rằng có thể làm được không?
Có những việc không phải là không làm được, mà sợ nghĩ không ra, lời Dương Lăng vừa thốt ra, chẳng những Hoả Giả Á Tam trợn tròn cặp mắt màu xanh lam mà thậm chí những người thợ chế tạo trong quân vừa mới hiểu ra nguyên lý ngòi dẫn cũng chấn động toàn thân, lập tức nghĩ đến tính khả thi và giá trị khổng lồ của nó.
Hoả Giả Á Tâm miệng mấp máy như một con cá nửa ngày trời, rồi mới kịnh hãi thốt lên:
- Ôi Chúa ơi, thật khiến người ta đố kị vì thượng đế đã ban cho đại nhân trí tuệ vô song. Tôi nghĩ... tôi nghĩ cải tiến những thứ này không hề khó, phương pháp của đại nhân thật sự có thể thực hiện được, ngài sẽ có được một đội quân súng trường vô địch!
Dương Lăng cũng hưng phấn không thôi, y thoáng siết chặc nắm tay, hồi lâu mới hít sâu một hơi rồi dặn dò Liễu Bưu:
- Hãy thu xếp chỗ ở tốt nhất, tiếp đãi chu đáo mấy vị giáo sĩ này, bọn họ là bằng hữu tốt của ta.
Đoạn y xoay người mỉm cười nói với Hoả Gả Á Tam:
- Giáo sĩ, mời các vị yên tâm ở lại nơi này. Dân tộc du mục phương bắc thường xuyên xâm phạm cương thổ Đại Minh nên ta hết sức hy vọng giáo sĩ có thể giúp binh sĩ ta chế tạo vũ khí tốt hơn, bảo vệ quê hương và ruộng đất của chúng ta. Để báo đáp, ta xin hứa sẽ đem hết sức mình giúp đỡ giáo sĩ và các vị bằng hữu, cho phép các vị truyền giáo ở Đại Minh để Phúc Âm của thượng đế truyền đến lãnh thổ đất nước cường đại và văn minh nhất đông phương. Bản thân ta sẽ nguyện lòng quyên góp giúp các vị dựng nên một giáo đường hoa lệ nhất!
Hoả Giả Á Tam nghe mà suýt khóc, mấy nhà truyền giáo nhìn Dương Lăng mà nước mắt rưng rưng, cảm động đến khôn cùng. Ban đầu ôm đầy lòng nhiệt thành và hào tình, mang theo ý chỉ và sự giao phó của Giáo hoàng vất vả lặn lội đến nơi tha hương dị quốc này, mấy năm nay mỗi lúc càng thêm thê thảm. Lòng cuồng nhiệt về tôn giáo cùng thân phận nghèo kiết khiến bọn họ không dám và cũng không còn sức băng sông vượt biển để trở về cố hương. Nay chỉ cần bỏ ra chút ít tiền vốn, chỉ điểm cải tiến súng trường một chút thì sẽ được nhân vật có thực quyền của Đại Minh dốc sức giúp đỡ, vậy còn có gì mà không chịu?
Bọn họ dường như có thể thấy được một toà giáo đường thần thánh và trang nghiêm sừng sững tại phương đông, dường như có thể thấy được Đức Giáo hoàng đích thân khoác lên người bọn họ chiếc áo của Hồng y giáo chủ.
Dương Lăng đưa những "báu vật" này đến nơi ở tốt nhất, lại uống trà chuyện trò một hồi mong sao có thể "đào ra" thêm mấy chuyên gia hàng hải hoặc chế tạo tàu thuyền trong mấy người này. Tiếc rằng ngoài thánh kinh những người khác đa phần chỉ biết về hoá học và triết học. Trước mắt Dương Lăng chưa có ý định để bọn họ viết sách lập thuyết nên chuyển sang tán gẫu về phong thổ nhân tình của Bồ Đào Nha.
Tuy hiểu biết của Dương Lăng về nơi đó có hạn nhưng lại khiến cho những nhà truyền giáo này có cảm giác "đến quê người gặp cố tri". Hai bên đang chuyện trò bỗng có một phiên tử bước vào trong phòng nói nhỏ với Liễu Bưu mấy câu, Liễu Bưu lại gần Dương Lăng, đợi hai bên dứt lời liền bẩm luôn:
- Đại nhân, lão quản gia trong phủ đến tìm đại nhân, hình như có chuyện gấp.
Dương Lăng thoáng kinh ngạc, bèn đứng dậy nói: "Mau bảo ông ta vào."
Trong chốc lát, Cao quản gia đã chạy ù vào, trông thấy y thì mừng rỡ kêu lên:
- Lão gia, quả nhiên là người đang ở đây, trong phủ có khách đến xin lão gia mau về một chuyến.
Suốt từ đầu lão quản gia cho người gác trước cổng chờ lão gia hồi phủ rồi sau đó lại được gia nhân báo tin nói rằng kiệu của lão gia không vào bằng cửa hông mà tiến thẳng đến hậu sơn, ông ta nghe vậy nóng lòng không nhịn được mà đuổi theo. Quả nhiên đã tìm được Dương Lăng ở đây.
Dương Lăng ngạc nhiên hỏi:
- Là vị đại nhân nào?
Cao quản gia định mở miệng, lại nhìn mọi người trong phòng, Dương Lăng hiểu ý bèn cáo lỗi mấy vị giáo sĩ rồi đi ra ngoài, Cao quản gia vừa kéo tay áo y vừa căng thẳng nói:
- Lão gia, Hoàng thượng đến, đã đến phủ được một lát rồi.
Dương Lăng nghe xong giật nảy cả người, vội hỏi ngay:
- Hoàng thượng? Hoàng thượng đến lâu chưa? Còn ở trong phủ không?
Vẻ mặt Cao quản gia trở nên hơi kỳ lạ, nói:
- Hoàng thượng đã đến được gần một canh giờ. Nghe nói lão gia không có ở trong phủ thì người... người đi lòng vòng trong phòng khách một hồi, phu nhân ra hầu chuyện một hồi, Hoàng thượng đợi cảm thấy nhàm chán nên đã xông vào hậu viện, lão nô lại không dám ngăn cản người.
Dương Lăng vừa nghe liền sực hiểu. Thời đó rất coi trọng lễ tiết, hậu viện nhà họ Dương là nơi ở của nữ quyến, cho dù là Cao quản gia thì bình thường cũng quyết không bước vào một bước, khách tới chỉ có thể gặp gỡ ở nhà trước. Trừ phi là bạn hữu chí thân chứ nào có đạo lý đi đến nơi ở của nữ quyến tại nhà sau, khó trách sao lão quản gia lại nóng ruột khó xử như vậy.
Với hiểu biết của Dương Lăng về tiểu hoàng đế này, biết tính cách tuỳ tiện của y, lúc ham chơi lên liền trêu đùa bát nháo, quàng vai bá cổ cùng với mấy người Lưu Cẩn, không ra dáng vẻ Hoàng thượng gì, thì mấy cái phong tục lễ nghi này y có sẽ để ý tới không? Hơn nữa Chính Đức của hiện tại chỉ ham chơi mà thôi, thật không giống hôn quân dâm ô bất trị như trong truyền thuyết, thì y còn có thể có hành vi vô lễ với thê thiếp của mình hay sao?
Tuy nhiên hành động này của lão quản gia cũng cho thấy được lòng trung thành của ông ấy với mình, Dương Lăng bèn an ủi lão:
- Biết rồi, Hoàng thượng còn nhỏ, không thích bị câu thúc nên không để ý đến những lễ tiết này lắm, ta lập tức trở về là được.
Dương Lăng quay trở vào trong phòng, nói Liễu Bưu chiếu cố mấy vị giáo sĩ cho thật tốt rồi không kịp đi gặp Ngô Kiệt và Hoàng Kỳ Dận mà đã rời Nội xường về phủ.
Trong ký ức của Dương Lăng, Chính Đức trong truyền thuyết dân gian là một hoàng đế phong lưu anh tuấn lịch lãm, hoà nhã dễ gần. Những truyện hoàng đế cải trang vi hành mà đời Thanh lưu truyền thì phần lớn lấy từ những câu chuyện dã sử về Chính Đức mà ra, còn hoàng đế Chính Đức trong chính sử của người nhà Thanh lại là một ông vua hôn quân vô đạo, háo sắc vô hạnh, thậm chí còn hơi biến thái.
Chu Hậu Chiếu mà hiện nay bản thân y tiếp xúc trông không khác mấy với đại đa số thiếu niên bình thường thời hiện đại, nhưng trong thời đại Nho học nơi trẻ em mười bảy mười tám tuổi đa phần đều thuộc làu tri thức thánh nhân, xuất khẩu thành thơ, xem trọng lễ giáo này thì tác phong và cử chỉ của vị tiểu hoàng đế được con mắt của dân chúng cả nước nhìn vào này quả thật hơi hoang đường.
Thấy lão quản gia đi theo cạnh, vẻ mặt còn nôn nóng hơn y mấy phần, Dương Lăng chợt cảm thấy buồn cười. Nếu đặt vào thời hiện đại thì hành vi của Chính Đức có còn "kinh hãi thế tục" như vậy không? Chu Hậu Chiếu đã từng tận mắt thấy vẻ xinh đẹp diễm lệ của Ngọc Đường Xuân mà vẫn chưa từng xúc động tâm tư, chẳng lẽ còn sợ hắn có ý với thê thiếp của mình à?
Dương Lăng vừa nghĩ đến đây trong lòng chợt đánh thót, sực nhớ hậu viện sau nhà còn có Đại Lâu Nhi. Người con gái này rất nặng lòng công danh lợi lộc, trời sinh lại lẳng lơ, với thủ đoạn phong lưu của nàng ta nếu muốn quyến rũ một thằng nhóc mười sáu mười bảy tuổi há chẳng phải dễ như trở bàn tay?
Từ tình hình hai người giao du và hiểu về nhau trong khoảng thời gian gần đây mà nói thì nàng ta tâm kế bất phàm, thủ đoạn lại ác độc, hiện nay đang là lúc tiểu hoàng đế thích lựa lời mà nghe, tai ưa lời ngọt, nếu để nàng ta gặp Hoàng đế rồi dựa thế bám trèo, có ý cám dỗ thì...
Nếu Bát Hổ làm ác thì mình còn có thể khống chế, nhưng nếu Thành Khởi Vận chiếm được trái tim của hoàng đế thì với thủ đoạn của người con gái này chỉ e sẽ mê hoặc khiến cho tiểu hoàng đế ngay cả cha mình tên gì cũng chẳng nhớ. Nếu như nàng ta trở thành người đầu gối tay ấp của Chính Đức mà lại có lòng làm ác thì chẳng phải sẽ sinh ra một nữ ma đầu ư?
Dương Lăng nghĩ đến điều này thì trở nên vô cùng lo lắng, không thể an nhàn ngồi kiệu xuống núi nữa mà vội gọi một chưởng ban phiên tử lại:
- Mau, dắt một thớt chiến mã lại cho ta, ta phải lập tức hạ sơn.
Chú thích:
1. Tomé Pires (1465?-1524/1540) là sứ thần Châu Âu đầu tiên ở Trung Quốc.
2. Cụm từ “nhân tẫn kỳ tài, vật tẫn kỳ dụng“ rất thường gặp trong Trung Văn. Trong thuyết “Tam Dân” của Tôn Trung Sơn có câu: "Nhân năng tận kỳ tài, địa năng tận kỳ lợi, vật năng tận kỳ dụng, hoá năng sướng kỳ lưu" nghĩa là có thể phát huy hết tài năng của mọi người, khai thác hết lợi ích của đất đai, sử dụng hết công năng của vạn vật, và để cho mọi hàng hoá đều được lưu thông.
3. Nguyên văn "hung trung tự hữu khâu hác", trích từ câu "hung hữu khâu hác". Khâu hác là khê sơn, hốc núi, nghĩa bóng chỉ trong lòng nắm được ý cảnh thâm sâu, hoặc chỉ cách xử trí và phán đoán thích hợp với từng tình huống.