Phủ đệ của Dương Lăng không tích trữ nhiều quần áo cũ và lương thực cho nên y phải cho người vào nội thành mua thêm hai xe ngũ cốc đưa ra ngoài cửa thành tây. Tại đây, y cho dựng lều phát cháo hai lần một ngày. Ở đấy có tổng cộng bốn gia đình dựng lều thí cháo; ngoại trừ lều cháo của vị thiếu phụ áo đỏ nọ thì còn có lều của một vị phú thương Giang Nam đến kinh thành buôn bán và của một vị đại tài chủ bản địa.
Bốn nhà dựng lều thành một hàng, treo cờ trước quán để phân biệt; lần lượt là "Dương, "Dương", "Trâu", "Lý". Những người nông dân áo quần rách rưới, gầy trơ xương chạy nạn trú đông trong những chiếc lều dựng sơ sài của bộ Hộ dường như đã thích ứng với mùa đông giá rét cho nên có rất ít người ngã bệnh.
Sau khi đi đến vài gia đình kê toa biếu thuốc cho những vị lão nhân kém sức ngã bệnh, Cao Văn Tâm trở về lều nhìn xung quanh rồi nói với Dương Lăng:
- Đại nhân! Nhà bên trái cũng họ Dương đó, không ngờ vị thiện nhân này lại là người cùng họ với đại nhân.
Lúc nãy khi Thành Khởi Vận và Cao quản gia dặn dò gia nhân đang tham gia phát cháo tại đây, Dương Lăng đã đi xem xét chung quanh. Y biết Trâu gia ở lều bên phải hình như là cự phú ở thành Vô Tích thuộc Giang Nam, ông chủ họ Trâu tên Vọng. Chỉ riêng ruộng tốt ông ta đã có tới ba mươi vạn mẫu, nô bộc ba nghìn, dinh thự hơn trăm tòa, có thể nói là giàu nứt đố đổ vách.
Lần này Trâu Vọng vào kinh làm ăn, thấy nạn dân chạy đến kinh sư thế là đại phát thiện tâm, phái gia nhân phát cháo cứu tế ở đây, nhà ông ta giàu có nên có thể phát cháo ba lần một ngày. Lúc này là lượt phát cháo vào giữa trưa, tất cả nạn dân đang xếp một hàng dài trước lều của nhà họ Trâu chờ được thí cháo.
Cũng may những nạn dân đứng đó ngăn trở tầm mắt nên Cao Văn Tâm không thấy được nhà họ Lý ở tận cùng bên tay phải chính là nhà của Lý Kế Mạnh từng có hôn ước với nàng, do đó cũng tránh được nhiều điều khó xử.
Dương Lăng lo lắng chốc nữa nạn dân tản đi, Cao Văn Tâm chạm mặt với người nhà họ Lý sẽ sinh chuyện, bèn đáp:
- Ừm! Nhà đó cũng là người ở địa phương khác đi qua kinh sư, họ bỏ tiền cứu trợ bá tánh như vậy thực sự là gia đình tích thiện.
Rồi y nhìn Thành Khởi Vận đang sưởi ấm trước nồi cháo đang dần tắt lửa, mỉm cười nói tiếp:
- Tôi vốn vẫn hơi lo, giờ thấy những nạn dân này tuy ăn không đủ no nhưng ai nấy đều tuân thủ pháp luật, không ai dám đánh cướp lương thực. Chốc nữa cô và Thành cô nương hãy về phủ trước đi, nơi này giao cho Cao quản gia lo liệu là được rồi.
Thành Khởi Vận lạnh đến mũi ửng đỏ, hai má tê rần, nàng sụt sịt nói:
- Nơi này lạnh thật. Ti chức đã có lửa sưởi ấm mà còn lạnh không chịu nổi, thực không tưởng tượng được những người dân đó làm sao sống cho qua được mùa đông. Đại nhân nên phát động thêm nhiều gia đình giàu có ra tay phát chẩn. Những gia đình đó đều có của cải hàng vạn, một nhà giúp đỡ mấy chục nhân khẩu qua mùa đông thực dễ như trở bàn tay.
Ngoài ra, những người chạy loạn này tuy bần cùng đáng thương nhưng phần lớn vẫn còn sức lực, hơn nữa trong đó không thiếu hạng ăn no lười biếng; mấy tháng tới không thể cứ dựa dẫm vào người khác nuôi ăn, bọn họ vẫn có thể làm phu khuân vác hay nô bộc được. Không bằng đại nhân tổ chức tập hợp một số thanh niên khoẻ mạnh lại, cho bọn họ vào thành làm việc. Một là để họ có thể kiếm được chút ít tiền công, hai là cũng để tránh bọn họ không có việc gì làm, ở không lâu ngày lại sinh ra những chuyện bắt gà trộm chó lôi thôi.
Dương Lăng bật cười lớn bảo:
- Nói đúng lắm, ý tưởng này không tệ. Chốc về ta sẽ ghé thăm Thành Quốc công và Thọ Ninh hầu. Hai người này một là huân khanh một là quốc thích, nếu thuyết phục được hai vị ra mặt cứu tế, tiếp đó lại để triều đình và dân chúng ca tụng công đức một hồi thì những hào môn cự phú khác nhất định sẽ hưởng ứng thôi. Ta sẽ lại thương nghị cùng Lý đại học sĩ, bảo Ngũ thành binh mã ti đăng ký những nạn dân này vào sổ, sau đó chọn những thanh niên khoẻ mạnh, gia thế thanh bạch để phát giấy cho phép vào thành làm việc.
Nói xong, thấy Thành Khởi Vận đang nép sát người bên bếp lửa như một chú chim cun cút, y bật cười bảo:
- Có lạnh đến vậy không? Hay là cô hãy vào trong kiệu một lát đi, lấy áo khoác của ta trùm cho ấm người.
Y đang nói chợt thấy một thợt ngựa bờm vàng từ trong cổng thành phóng nhanh lại. Người kỵ sĩ rẽ qua góc thấy lá cờ lớn chữ ”Dương” treo trên lều, khom người nhìn vào trong lều mấy lượt rồi lại quất ngựa phi về phía lá cờ chữ “Dương” còn lại.
Gã phóng ngựa có phần vội vã, một thanh niên ngoài hai mươi mới vừa lấy cháo về, vì vội tránh ngựa nên phải nhảy sang một bên bị trượt chân, bát cháo lập tức bị đổ mất một nửa. Người thanh niên đỏ bừng mặt giận dữ, cất tiếng mắng người kỵ sĩ.
Gã kỵ sĩ trên ngựa vung tay vất lại một xâu tiền đồng xuống tuyết, cất giọng trong tiếng cười vang:
- Đắc tội đắc tội! Ngươi hãy tự đi mua chút gì ăn đi, ta đang có việc gấp.
Gã trạc trên ba mươi tuổi, râu quai nón rậm rì trông rất thô kệch. Hành động tuy vô lễ song xem ra vẫn biết thương mến quý trọng những người dân cùng khổ này.
Nhưng người thanh niên nọ vận bộ áo dài màu xanh cũ nát, mặt trắng mày dài, nho nhã lịch sự, xem ra có vẻ cũng là kẻ từng đọc sách, làm sao lại chịu cúi đầu nhặt lấy từng đồng tiền trên mặt tuyết như ăn xin chứ. Hắn hừ một tiếng, thấy trong bát cháo vơi còn non nửa, bèn vội cẩn thận bưng đến một lều cháo.
Thành Khởi Vận thấy vậy thì cười khinh miệt nói:
- Xin cháo không phải là xin à? Nếu thực sự không ăn đồ bố thí thì cứ chết đói cho xong!
Cao Văn Tâm lại nhìn theo thư sinh áo xanh nọ với vẻ đồng tình:
- Vậy cũng không hẳn! Phát cháo là thiện tâm, người gặp nạn tiếp nhận chút hỗ trợ cũng đâu có gì là mất mặt! Nhưng gặp phải chuyện sỉ nhục, là người hơi có khí phách thì sao lại chịu tiếp nhận?
Thành Khởi Vận cười châm chọc:
- Người kỵ sĩ vừa rồi tuy có cử chỉ thô tục, nhưng đụng đổ cháo của hắn xong đã trả lại tiền đồng chẳng phải là nhận lỗi đó sao? Trong lòng hắn cảm thấy khó chấp nhận chuyện cúi mình khom lưng chẳng qua là vì chỉ có một mình hắn cúi mình khom lưng thì sẽ mất mặt mà thôi. Nếu như bên cạnh cũng có một đoàn người che chắn cho hắn giống như lúc hắn bưng bát đi xin cháo thì hắn sẽ không còn thanh cao như vậy đâu.
Cao Văn Tâm vừa định biện bác thêm thì Dương Lăng đã cười bảo:
- Thôi đi! Quan điểm về giá trị của hai cô hoàn toàn bất đồng, có tranh luận thêm cũng sẽ không ra kết quả gì đâu.
Thành Khởi Vận chớp mắt, ngạc nhiên hỏi:
- Quan điểm về giá trị?
Dương Lăng sực nhớ mình đã lỡ lời, đang ấp úng không biết nên giải thích thế nào thì thớt ngựa bờm vàng nọ lại phi trở về, bên cạnh có kèm thêm một con tuấn mã màu trắng lực lưỡng, trên ngựa là một phụ nữ xinh đẹp áo đỏ như lửa. Nàng vừa phóng ngựa vừa hỏi vội:
- Thật là vô dụng, làm sao mà Hổ ca của ngươi lại bị thương vậy? Đã đưa đến đâu rồi?
- Tiểu đệ vào thành tìm chị dâu trước, Hổ ca cũng sắp vào thành rồi.
Ngựa lướt ngang qua, người phụ nữ áo đỏ mắt tinh như điện trông thấy Dương Lăng đang đứng trước lều, hiển nhiên nàng vẫn nhận ra hình dạng của y nên tỏ vẻ hơi ngạc nhiên. Nhìn thấy trên lều treo lá cờ to chữ “Dương”, nàng không khỏi mỉm cười duyên dáng khẽ gật đầu chào y rồi lướt ngựa qua như một cơn gió.
Thành Khởi Vận chống tay dưới cằm, đảo mắt hỏi:
- Thuật cưỡi ngựa của vị nương tử áo đỏ ấy thật cao. Đại nhân quen biết cô ta à?
Dương Lăng lắc đầu đáp:
- Cô ta chính là bà chủ của lều nhà họ Dương phát cháo bên cạnh. Hôm qua có mấy tên vô lại trêu ghẹo cô ta, ta đã được chứng kiến cô ta ra tay, thật là võ công hết sức cao cường. Liễu Bưu từng nói rằng bản thân gã không thể tiếp được hơn hai mươi chiêu của cô ta.
Thành Khởi Vận chợt ngồi thẳng người dậy, lẩm bẩm:
- Nương tử áo đỏ, võ nghệ cao cường. Đại nhân nói... cô ta họ Dương? Vừa nãy bọn họ nói gì ấy nhỉ, ti chức hình như nghe thấy nói Hổ ca gì đó?
Dương Lăng cười nói:
- Có lẽ là cô ta họ Dương, cũng có lẽ nhà chồng họ Dương. Không biết Hổ ca trong miệng bọn họ là anh trai hay là chồng của cô ta.
Thành Khởi Vận chợt nhíu mày lại, nghi ngờ nghĩ bụng: "Sẽ không trùng hợp đến vậy chứ? Đạo tặc Dương Khóa Hổ(1) dám vào kinh thành?"
Hai thớt ngựa một vàng một trắng chạy ra đón chưa xa, đằng trước đã có mấy thớt ngựa và một chiếc xe ngựa chạy tới. Song phương dừng lại trò chuyện một chốc rồi liền cùng quay trở lại. Dương Lăng đứng dưới lều quan sát đội nhân mã đó. Thành Khởi Vận cũng đứng dậy, bó ống tay áo tiến đến, cùng với Cao Văn Tâm đứng hai bên y.
Đội nhân mã càng lúc càng đến gần, Dương Lăng thong thả bước ra mấy bước, đứng ở ven đường. Đội xe ngựa đến gần, người phụ nữ áo đỏ chợt kêu lớn:
- Hà Cương! Đi gọi Thúy Nhi dọn lều cháo đi, ta đưa Hổ ca của ngươi về thành trước.
Lều phát cháo của Dương Lăng dựng bên rìa quan đạo cạnh thành. Chiếc xe ngựa trờ tới gần, rèm xe được vén lên, một người trạc bốn mươi thò đầu ngó ra ngoài, nhìn thấy cổng thành nguy nga đồ sộ thì mừng rỡ kêu lên:
- Dương huynh đệ, nơi này chính là kinh thành ư?
Gã vừa đảo mắt liền trông thấy Dương Lăng. Thoạt tiên gã thoáng ngẩn người, sau đó mừng rỡ kêu lên:
- Lăng đệ? Ngươi là Lăng đệ?
Dương Lăng hơi ngơ ngẩn, thấy người trên xe nọ xấp xỉ bốn mươi, tướng mạo không quá khó coi nhưng vẻ mặt hơi tà dâm. Hắn đang nhìn y với khuôn mặt đầy vẻ mừng rỡ, nụ cười ra vẻ muốn lấy lòng. Dương Lăng cảm thấy người này hơi quen, bèn chắp tay đáp:
- Tại hạ chính là Dương Lăng, các hạ là... A! Dương... Dương... Ngươi là tam... ca?
Dương Lăng cảm thấy hết sức thất vọng. Gã này không phải là cái tên tam ca đã nhiều lần muốn trêu ghẹo Ấu Nương, muốn chiếm đoạt tài sản cả nhà của y đây sao? Sao gã cũng mò đến kinh sư vậy?
Dương Tuyền nghe y xác nhận thân phận thì mừng lắm, liền vội vỗ càng xe gọi to:
- Dừng xe! Mau dừng xe! Đây chính là huynh đệ Dương Lăng của ta, là huynh đệ trong tộc của ta, là tổng đốc đại nhân của Nội xưởng Đại Minh! Ha ha ha...
Từ trong xe lại có một thanh niên mặt mũi thanh tú trạc hơn hai mươi tuổi chui ra. Trông thấy Dương Lăng hắn cũng mừng rỡ kêu lên:
- Lăng thúc? Đúng thật là Lăng thúc thúc!
Người này còn lớn hơn Dương Lăng hai tuổi. Dương Lăng biết vai vế của mình khá cao, khi từ cõi chết trở về đã có không ít người lớn tuổi hơn y cũng gọi y là “thúc thúc”. Lúc này nhất thời y cũng không nhớ nổi hắn là ai, có điều chắc hẳn là người họ Dương rồi.
Cưỡi ngựa bên cạnh là một người đàn ông tráng kiện tuổi hơn ba mươi, mặc chiếc áo khoác màu vàng bằng vải thô. Hắn ghì cương, co chân nhảy xuống ngựa, cười hào sảng:
- Các hạ là Dương đại nhân? Thảo dân Dương Phúc, ra mắt đại nhân.
Người phụ nữ áo đỏ cũng nhảy xuống ngựa đi đến bên cạnh hắn, đôi mày thanh tú khẽ nhíu lại, giọng không vui:
- Hổ ca, huynh...
Kẻ tên Dương Phúc quay lại khẽ gật đầu ra hiệu, nàng lập tức hiểu ý ngậm miệng lại.
Thành Khởi Vận thu hết vẻ mặt bọn họ vào trong mắt, khoé miệng thoáng lộ một nụ cười nhàn nhạt.
Dương Tuyền thấy xe ngựa dừng lại, liền cùng người cháu xuống xe, bước tới chào hỏi:
- Lăng đệ! Vị huynh đệ họ Dương này trên đường đã cứu chúng ta, suốt chặng đường còn hộ tống đến kinh thành, là đại ân nhân của chúng ta đó.
Tuy Dương Lăng rất ghét Dương Tuyền và cũng không có cảm tình gì với nhà họ Dương nhưng hiện tại y là người có danh vọng cao nhất nhà họ Dương nên đành phải quay sang gã đại hán thô kệch có sắc mặt vàng vọt, mày rậm đen như mực mỉm cười thi lễ:
- Đa tạ Dương huynh đã cứu giúp anh và cháu của tại hạ.
Khi đại hán nọ nhảy xuống ngựa, tay trái đong đưa mấy cái, xụi lơ, mềm oặt như không còn sức lực. Lúc này hắn vội đưa tay phải ngăn Dương Lăng lại, đáp:
- Đại nhân chớ nên khách khí! Thảo dân là người giang hồ thồ ngựa bán buôn, thực nhận không nổi đại lễ của đại nhân. Trên đường gặp gỡ tương trợ lẫn nhau cũng là duyên phận thôi.
Dương Lăng nhìn thấy cánh tay của hắn rũ xuống bất động, liền hỏi:
- Tay của Dương huynh...?
Dương Tuyền liền chen vào:
- Lăng đệ! Dọc đường chúng ta gặp phải một đạo sĩ có khinh công rất là lợi hại, không biết sao lại đánh nhau với một thanh niên. Người thanh niên nọ bị trúng một chưởng giờ vẫn còn đang hôn mê bất tỉnh, không ngừng thổ huyết, hiện đang nằm trên xe đó. Vị Dương huynh đệ này bị đạo sĩ nọ đánh một chưởng trúng tay, tay liền mềm oặt không còn sức lực gì.
Dương Lăng thấy người đi đường bắt đầu kéo lại xem náo nhiệt bèn bảo:
- Chốn này cũng không phải là nơi trò chuyện, chúng ta cùng đi đến chỗ ở của huynh. Bên tại hạ có một vị thần y, hãy mời nàng ta chẩn đoán trị liệu cho huynh. Đến đó chúng ta hãy nói tiếp.
Dương Lăng dẫn Thành Khởi Vận đang cải nam trang và Cao Văn Tâm đi cùng bọn họ vào thành. Dọc đường hỏi thăm y mới biết thành Kê Minh cũng đã thất thủ. Lần này giặc Thát ồ ạt tiến công biên thùy, đốt nhà giết người cướp bóc hung bạo hơn xa năm ngoái, rõ ràng là mang lòng báo thù cho đứa con yêu quý bị giết của Bá Nhan Mãnh Khả (Khả Hãn).
Dương Gia Bình nằm nơi hẻo lánh, trước đó đã nhận được tin nên dân chúng liền chạy ngay lên núi. Nhưng Dương lão thái gia tuổi tác đã cao, trong núi chịu rét chịu đói, kết quả mắc bệnh nặng, không gượng nổi nên đã mất.
Lúc trước, khi Dương Tuyền nghe nói Dương Lăng làm quan lớn, gã đã có ý vào kinh dựa dẫm. Nhưng ông già Dương lão thái gia lại hết sức cố chấp, ông rất ghét việc con cháu trong nhà trông cậy vào quan hệ để leo cao cho nên khăng khăng không cho. Nay lão chết rồi, không còn ai ước thúc được Dương Tuyền nữa, gã liền xúi giục một người cháu trong họ cùng vào kinh nhờ vả Dương Lăng.
Hai người trèo non lội suối, chỉ chọn đường nhỏ để đi, vất vả lắm mới vòng qua được chiến trường giữa giặc Thát và quân Minh, lại gặp một trận đại chiến giữa một thư sinh trẻ tuổi và một đạo sĩ áo xám dưới núi, liền đó có một đoàn ngựa xe đi qua. Hai bên đánh nhau kịch liệt, thư sinh nọ bị đạo sĩ đánh trọng thương, một nam tử mặc áo vải thô tên Dương Phúc trong đội xe ngựa nhịn không được bèn xông lên trợ chiến. Tuy dựa đông người đuổi được đạo sĩ đi, song bản thân hắn cũng bị đánh trúng một chưởng.
Ở phía bên kia, Dương Phúc đang dắt ngựa sóng vai đi cùng người phụ nữ áo đỏ. Cô ta liếc Dương Lăng rồi thấp giọng hỏi:
- Huynh bị trúng phải chưởng lực nội gia thâm độc, cho dù là muội cũng phải tốn chút công sức mới có thể khử hết độc tính cho huynh. Đã gặp phải kẻ nào vậy?
Gã đàn ông vóc dài vai rộng, gân nổi đầy trên cặp tay to khỏe, nếu Liễu Bưu nhìn thấy thì biết ngay đấy là do ngoại môn công phu đã luyện đến cảnh giới cao nhất. Hắn quét mắt sang Dương Tuyền đang thì thầm với Dương Lăng, khẽ đáp:
- Huynh không tin, chẳng lẽ cánh tay này phải phế đi ư? Kẻ đó là Lý Phúc Đạt, giáo chủ Di Lặc giáo. Thư sinh trong xe võ nghệ rất cao, đã khiến cho lão ta bị thương. Huynh vốn định thừa cơ trừ khử lão, tiếc là... vẫn để lão ta chạy thoát.
Người phụ nữ áo đỏ trừng mắt mắng:
- Lão yêu đạo đó võ nghệ rất cao cường, chỉ dựa vào huynh mà cũng đả thương được lão à? Hơn nữa, lão ta cũng đang tập hợp dân chúng tạo phản, rất có lợi cho chúng ta. Huynh thực là không có đầu óc!
Tuy Dương Phúc là chồng của nàng nhưng hiển nhiên bị nàng ấy rầy mắng đã quen. Một đại hán khôi ngô như gã mà nay bị mắng như thế chẳng những không giận mà còn lấy làm e sợ. Hắn ngượng ngập giải thích:
- Lý Phúc Đạt tuyên truyền “Phật Thích Ca suy tàn, Phật Di Lặc giữ vững”, tự xưng là Di Lặc chuyển thế, rất giỏi mê hoặc lòng người. Huynh cũng được người ta gọi là chân long thiên tử. Nếu như huynh cùng hợp tác với lão ta, liệu còn có thể tập hợp đông đảo nhân mã một lòng theo huynh tranh giành giang sơn không? Nếu có cơ hội, đương nhiên là nên trừ khử lão ta rồi."
Người phụ nữ áo đỏ cười nhạt một tiếng, lạnh lùng:
- Chân long thiên tử cái rắm. Thiên hạ còn chưa giành được mà đã bắt đầu tự sướng rồi. Ta hỏi huynh, huynh lại nổi lòng tốt gì vậy? Việc huynh chịu khuất ép lòng kết giao với cái tên Dương Lăng đó! Y là tổng đốc Nội xưởng, còn chúng ta là một quân một cướp. Huynh cũng dám đùa với lửa sao?
Dương Phúc dày mặt đáp:
- Vốn huynh không định mang theo hai tên tiểu tử đó, nhưng nghe bọn họ tự xưng là họ hàng thân thuộc của Dương Lăng của Nội xưởng. Ta nghĩ kết giao với y sẽ rất có ích cho hoạt động của chúng ta trong vùng này. Đúng rồi, nương tử, nàng đến Sơn Đông một chuyến sao rồi? Đám cướp ở Thái Hành Sơn có đồng ý hưởng ứng khởi sự không?
Nàng lắc đầu đáp:
- Khó! Tên nào tên nấy đều là thứ ếch ngồi đáy giếng. Mới làm đại vương của một núi mà đã tự cho là giỏi lắm rồi, không ai chịu phục ai, đừng nói là có hùng tâm tráng chí gì!
Đoàn người vào đến lạc viện do nàng thuê trọ. Hai bên chào hỏi nhau lần nữa, mới biết người đàn ông tự xưng Dương Phúc này là thủ lĩnh một đoàn ngựa thồ, và người con gái áo đỏ là phu nhân họ Thôi của hắn.
Trên mặt Thành Khởi Vận mang một nụ cười như có như không, lạnh nhạt thờ ơ. Cao Văn Tâm đi tới giúp Dương Hổ kéo tay áo lên, chỉ thấy trên cánh tay thô chắc rậm lông in dấu năm ngón tay đen sì, bắp thịt của cả cánh tay trái hơi sưng lên. Tuy không biết võ nhưng Cao Văn Tâm vẫn nhận thấy được nội phủ hắn đã bị chấn động, kinh mạch trên cánh tay bị tổn thương, hơn nữa phát chưởng lại có độc tính bại huyết.
Dương Lăng rất có hảo cảm với cặp vợ chồng này, thấy vậy bèn vội hỏi:
- Văn Tâm! Thương thế huynh ấy thế nào?
Thôi thị muốn dùng nội công khử độc nhưng nếu không quá nửa tháng thì cũng không thể có biến chuyển gì tốt, cho nên cặp mắt xinh đẹp cũng tập trung trên người Cao Văn Tâm, lộ vẻ hết sức quan tâm.
Lúc nãy Cao Văn Tâm đã xem qua thương thế của thư sinh sắc mặt xám như tro tàn nên lúc này xem xong thương thế của Dương Phúc thì lại thở ra một hơi thật dài, đáp:
- Đại nhân! Vết thương của vị tráng sĩ này lại không nguy cấp. Thân thể của tráng sĩ vốn đã cường tráng nên chỉ cần trích hết máu bầm, trong uống ngoài thoa thêm chút thuốc, điều trị năm sáu ngày thì sẽ khỏi. Nhưng còn vị thư sinh ngực bị trúng thương kia, việc chẩn đoán chữa trị phải tốn chút sức lực, ngoại trừ thuốc men còn cần phải châm cứu trị liệu.
Nói đoạn nàng rút cây bút và nghiên mực mang theo bên người ra, như rồng bay phượng múa viết một đơn thuốc, đưa cho Thôi thị bảo:
- Trước hết tôi sẽ dùng dao bạc giúp quí phu quân rút hết máu bầm. Phu nhân hãy dựa theo hai loại thuốc này tìm mỗi thứ mười thang về.
Thấy người phụ nữ họ Thôi xinh đẹp nọ cầm ngược đơn thuốc, Dương Lăng suýt chút nữa thì bật cười, liền vội ho khan vài tiếng để nén cười.
Thôi thị dĩ nhiên chính là Hồng nương tử, còn được giới lục lâm gọi là Dương Khóa Hổ. Cha mẹ nàng ta đều là hảo hán trong chốn lục lâm. Thôi Oanh Nhi từ thuở nhỏ đã múa thương đánh côn, theo hảo hán lục lâm phá nhà cướp của, khí phách hơn cả đàn ông.
Năm đó nàng tỉ võ chọn chồng, trong số hảo hán của tam sơn ngũ nhạc cũng chỉ có võ nghệ và tướng mạo của Dương Hổ là tạm chấp nhận được nên nàng ta mới cố tình giả thua, gả làm vợ hắn. Tuy dáng vẻ nàng ta thướt tha, dung nhan xinh đẹp, nhưng một chữ bẻ đôi cũng không biết.
Tiếng ho khan quái dị của Dương Lăng khiến nàng cảm thấy như y cười mỉa mình không biết chữ, mặt không khỏi đỏ lên. Nàng liền gọi Thuý Nhi lại, đưa cho đơn thuốc bảo:
- Mau đi tìm tiệm thuốc, dựa theo đơn thuốc mua về cho ta.
Nói xong nàng ngẩng đầu trừng mắt ngó Dương Lăng, càng lúc càng thấy cái tên mặt trắng đó thật không vừa mắt.
Vốn Dương Hổ tính tình hào sảng, lại có ơn cứu giúp thân quyến nhà họ Dương nên hắn hoàn toàn không để ý đến thương thế mà ngồi cùng Dương Lăng bên bàn trò chuyện một hồi, hai bên rất là hợp ý. Chỉ một chốc sau, Thuý Nhi cầm theo hai bao thuốc lớn trở về, một bao là thuốc để thoa ngoài da, một bao là dược liệu sắc uống.
Cao Văn Tâm lấy một con dao bạc rạch ngay trên vết dấu tay đen sì trên cánh tay của Dương Phúc ra. Đến khi máu đen tanh rình chảy hết, trở thành màu đỏ tươi nàng mới cẩn thận rịt đắp thuốc bột lên miệng vết thương, rồi lại dùng vải trắng đã được đun sôi buộc chặt lại. Dương Phúc cảm thấy cánh tay trái vốn mất cảm giác nay đã hơi đau, liền mừng rỡ khen:
- Quả nhiên hữu hiệu.
Cao Văn Tâm khẽ mỉm cười, bảo Oanh Nhi:
- Phu nhân hãy mang thuốc này đi sắc. Mỗi ngày thay thuốc một lần, uống thuốc một lần, khoảng chừng năm sáu ngày sẽ có thể khỏi hẳn.
Cô nàng mừng rỡ ra mặt, liền vội cung tay uyển chuyển nhún người vái tạ.
Dương Lăng cười nói:
- Dương huynh còn đang bị thương, bôn ba đường dài nhất định cũng mệt rồi, chúng tôi không quấy rấy thêm nữa. Còn vị thư sinh đang hôn mê bất tỉnh nọ thì thương thế quá nặng, tại hạ thấy hay là để tại hạ đưa về phủ chăm sóc đi. Dương huynh thấy thế nào?
Dương Hổ đứng dậy cười nói:
- Được! Thương thế thảo dân không nghiêm trọng, đại nhân công vụ bộn bề, vậy xin hãy trở về.
Rồi không để ý đến Thôi thị đang ngầm đưa mắt ra hiệu, hắn cười lớn nói tiếp:
- Được quen biết với đại nhân là may mắn của thảo dân. Ngày khác Dương mỗ nhất định sẽ lại đến nhà cảm tạ ơn cứu mạng của đại nhân.
××××××××××××××××××××××××
Dương Lăng đưa chú cháu Dương Tuyền về trong phủ, bố trí cho bọn họ trọ ở sương phòng, sau đó dọn một căn phòng khác, kêu người khiêng thư sinh đang hôn mê bất tỉnh kia vào. Với sự giúp đỡ của gia nhân, Cao Văn Tâm lại giúp thư sinh sắc mặt xám ngoét, sốt cao không hạ đó chích máu rịt thuốc. Sau khi nàng bận rộn xử lý xong, tuy vẫn chưa tỉnh dậy song chàng thư sinh đã dần dần bớt sốt.
Dương Lăng cúi người quan sát vị thư sinh trẻ tuổi đó một hồi. Bị thương thế hành hạ mấy ngày, khuôn mặt chính trực và sáng sủa của hắn đã lún phún râu ria; chiếc áo dài xanh tuy nhăn nhíu nhưng có thể nhìn được chất liệu khá tốt. Dương Lăng bảo Cao Văn Tâm:
- Văn Tâm, để gia nhân chiếu cố y được rồi. Cô hãy ra nhà sau nghỉ ngơi đi.
Cao Văn Tâm nhẹ nhàng ngồi xuống chiếc ghế dựa, khẽ liếc y rồi thấp giọng đáp:
- Còn cần phải quan sát thêm một hồi nữa. Nếu đại nhân bận rộn công việc thì xin hãy về trước đi.
Dương Lăng cười nói:
- Ta cũng không có việc gì, ở đây đợi thêm một lát vậy.
Cao Văn Tâm ngồi im một lúc, len lén quan sát Dương Lăng một hồi rồi khẽ thở dài:
- Quả thực rất nhớ...
- Hửm? Cô nhớ gì?
Dương Lăng ngạc nhiên ngẩng đầu hỏi.
Cố lấy hết dũng khí, Cao Văn Tâm đáp:
- Nhớ những ngày cùng đại nhân xuống Giang Nam. Tuy lúc đó mang phận nô tỳ, nhưng thiếp lại có thể thường xuyên ở bên cạnh đại nhân. Từ lúc trở về kinh, từ cái đêm hôm đó... đại nhân nghe em họ thiếp nói... Nay càng lúc càng xa lánh thiếp, mỗi lần đến Dương phủ, thiếp đều cảm thấy thân phận mình thực rất bất tiện, không biết nên cư xử thế nào...
Dương Lăng lập tức cảm thấy áy náy. Hai tay bó gối, im lặng một hồi lâu y mới cười khổ sở:
- Văn Tâm! Nàng là tiểu thư khuê các, tài năng và dung mạo đều hơn người, còn lo không có phu quân vừa ý sao? Chính vì ta yêu nàng, kính trọng nàng, mới không muốn nàng phải làm thiếp.
Ấu Nương thuần phác lương thiện, ta cũng đối đãi Ngọc Nhi và Tuyết Nhi như nhau. Mặc dù như thế nhưng bọn họ vẫn giữ lòng kính sợ với Ấu Nương, để tâm lấy lòng. Giữa vợ chồng không phải chỉ có chàng chàng thiếp thiếp mà thôi. Nàng tâm cao khí ngạo, mấy đời thư hương, nếu chỉ vì muốn trả ơn mà gả vào nhà họ Dương thì sớm muộn gì cũng sẽ hối hận.
Cao Văn Tâm xúc động đứng dậy, ánh nến phản chiếu ánh mắt nàng sáng ngời. Nàng lắc đầu, khẽ đáp:
- Đại nhân, thiếp sẽ không hối hận. Thiếp biết, nếu... với thân phận hiện tại của thiếp có lẽ có thể gả làm chính thê người khác, sinh trai đẻ gái, bạc đầu giai lão. Nhưng mà... thân phận còn quan trọng gì khi mình không thể được ở chung với người mình thích?
Ánh mắt nàng trở nên mê mang, nàng mơ màng nói tiếp:
- Khoảng thời gian ở Giang Nam cùng với đại nhân là khoảng thời gian mà thiếp vui vẻ nhất. Đại nhân ra ngoài làm việc, thù tạc, thiếp ở trong phòng đợi đại nhân về; cùng đại nhân lột cua nghe sóng vỗ, cùng chèo xuồng hái ấu, nghe đại nhân thì thầm dai dẳng dưới gốc liễu. Khoảng thời gian đó thực vui vẻ. Ấu Nương muội muội cùng Ngọc Nhi, Tuyết Nhi, bốn người chúng thiếp kết nghĩa kim lan, đã từng đồng sinh cộng tử. Ở chung với bọn họ, thiếp cũng rất vui vẻ.
Ánh mắt nàng dần trở nên ảm đạm, giọng ai oán:
- Nhưng mà hiện tại... thiếp cảm thấy mình và bọn họ cũng đã càng ngày càng cách xa.
Dương Lăng không biết nói gì cho phải, một hồi lâu sau mới cười tự giễu:
- Hiện tại ta cảm thấy mình giống như miếng thịt Đường Tăng vậy. Việc chung thân đại sự của nàng, thật sự chỉ có một sự lựa chọn này thôi sao?
Cao Văn Tâm ngờ vực hỏi lại:
- Thịt Đường Tăng?
Dương Lăng lập tức sực nhớ mình lại lỡ lời, bèn cười gượng gạo sửa lại:
- À! Ta nói nhầm đó, là thịt Đông Pha...
Nói đến đây y chợt nhớ lại lúc hai người cùng chèo xuồng ở Thái Hồ, uống rượu trong biển sen, nhớ lại lúc nàng bị trật chân, y giúp nàng rửa đôi chân xinh xắn, nhớ tới nụ hôn nhẹ của hai người. Lòng y cũng hơi xao động, y liền vội đứng dậy bước ra cửa, nói:
- Nàng vẫn chưa quên lời ta đã nói với nàng chứ? Không biết chừng ngày này năm sau ta đã chôn xương dưới mồ rồi đó.
Cao Văn Tâm thấy rõ y đã động tâm song lại “rút chân về”, nàng cả giận hét lớn:
- Chưa quên! Tiểu tì vẫn nhớ rõ những gì lão gia đã nói. Nếu ngày này năm sau lão gia bỏ mạng dưới suối vàng, tiểu tì sẽ kết bái huynh muội với lão gia trước linh vị của người, nhược bằng lão gia có thể may mắn không chết thì sẽ phải đội khăn gả cho tiểu tì!
Lúc này nàng lại dùng kiểu nói khi còn là nô tì trong Dương phủ trước kia. Dương Lăng nghe vậy thì cười khan mấy tiếng rồi đáp:
- Được, vậy chúng ta hãy chờ xem! Ngày này năm sau nói tiếp.
Sau khi nghe Thành Khởi Vận khuyên bảo vào hôm qua, hôm nay Cao văn Tâm đã nén ngượng thổ lộ hết tâm sự với Dương Lăng, không ngờ y lại vẫn khước từ. Thế là tính khí đại tiểu thư lại nổi lên, cô nàng bèn giậm chân gắt gỏng:
- Chờ thì chờ! Đại nhân nhớ kỹ lấy ước hẹn của mình đó!
Chú thích:
1) Ngoại hiệu của Hồng nương tử là "Khóa Hổ", nghĩa là "cưỡi hổ". Chồng của bà ta là Dương Hổ sợ bà ta một phép.