Ngược Về Thời Minh

Chương 187: Q.5 - Chương 187: Quân đến Đại Đồng






Dương Đình Hòa hơi ngẩn người, rồi lão lập tức đùng đùng nổi giận, giục ngựa lên trước quát lớn:

- Lớn mật! Có biết trước mặt ngươi là ai không?

Đừng thấy ba người này xuất kinh ban đêm, bộ dạng tả tơi khốn đốn mà tưởng có thể coi nhẹ. Chỉ nhìn trang phục và khí thế của bọn họ, Lưu Đại Bổng Chùy cũng cảm thấy cả ba đều là những vị quan lớn khó dây vào. Nghe đối phương quát xong, tròng mắt gã thoáng xoay chuyển, hỏi lại:

- Các vị là ai?

Dương Đình Hòa thấy đại quân đã tăng tốc tiến đi mà gã lính khốn kiếp trước mặt này lại đưa hai mươi thị vệ dàn hàng chữ nhất chặn kín cả đường đi nên không khỏi lo lắng vô cùng. Lão liền nghiêm giọng bảo:

- Ba người trước mặt ngươi là tam đại học sĩ của Nội Các từ kinh sư tới, có việc cực kỳ quan trọng cần gặp Dương tướng quân. Mau mau tránh đường! Kẻo làm lỡ quân cơ ắt ta sẽ chém cái đầu của ngươi xuống.

Vừa nghe lai lịch của đối phương ghê gớm như vậy, khí thế của Lưu Đại Bổng Chùy cũng không khỏi kém hẳn đi. Nhưng gã lại nghĩ Dương đại soái đã trọng dụng một tên tiểu tốt như mình như vậy, nếu mình cứ để mặc bọn họ đi qua như thế này, một là sẽ phụ lòng tin tưởng của đại soái, hai là sẽ bị các chiến hữu chê cười. Thế là gã bèn lấy hết can đảm trả lời:

- Vâng lệnh đại soái, mời ba vị đại nhân mau mau về kinh! Tiểu nhân có quân lệnh trên người, không dám làm trái!

Không ngờ chỉ một viên hiệu úy cỏn con mà cũng dám cãi lại mình, Dương Đình Hòa giận dữ không kềm được nên chỉa roi ngựa về phía Lưu Đại Bổng Chùy, tức giận quát lớn:

- Ngươi… Ngươi lớn mật lắm! Ngươi nghĩ trên cổ ngươi có mấy cái đầu?

Lúc này Lưu Đại Bổng Chùy cũng đã quyết liều một phen, gã bèn hếch mũi lên trời nghênh ngang đáp:

- Quân lệnh như núi! Dù là ông Trời cũng đừng hòng qua chỗ này được.

Tiêu Phương không ngờ Dương Lăng lại phái một tên lính chẳng hiểu biết gì cản đường bọn họ, dù Dương Đình Hòa đầy bụng kinh văn cũng chẳng thể giải thích được gì với cái gã võ biền không thông lý lẽ này, quan uy thì lại càng chẳng dùng được. Thấy Dương Đình Hòa gặp cảnh như vậy, Tiêu Phương cũng thầm khoái chí trong lòng.

Lý Đông Dương đưa tay ra ngăn Dương Đình Hòa lúc này đang đùng đùng nổi giận nóng nảy vung roi lia lịa, lão vuốt râu cười nói với Lưu Đại Bổng Chùy:

- Vị hiệu úy này! Người không biết không có tội. Ngươi là sỹ tốt trong quân, chắc không biết ba người bọn ta đồng thời xuất kinh là chuyện quan trọng đến cỡ nào.

Ngươi hết lòng với nhiệm vụ, điều ấy hết sức đáng khen. Nhưng chuyện này có liên quan đến giang sơn xã tắc và muôn vạn dân chúng Đại Minh, bản quan khuyên ngươi mau mau tránh đường để bọn ta đi qua, bằng không ít nhất cũng nên chuyển lời của ta cho Dương tướng quân, xin y thay đổi suy nghĩ. Còn nếu như để lỡ việc của bọn ta, một hiệu úy nho nhỏ như ngươi không gánh vác nổi đâu. Ngươi phải biết là dù đương kim thánh thượng ở đây, một khi nghe nói có ba người bọn ta cùng tới ắt cũng biết là có chuyện động trời cần bẩm báo, ngàn vạn lần không thể chậm trễ chút nào.

Lưu Đại Bổng Chùy nghe xong không khỏi cảm thấy tức cười. Thấy vị lão tiên sinh này nói năng văn chương như vậy, bất giác gã nhớ đến một câu thoại trong vở kịch nào đó bèn ngẩng cao đầu, xổ luôn một tràng:

- Tướng ở ngoài biên cương, có lúc không cần theo lệnh vua!

Dương Đình Hòa giận đến bật cười, nói:

- Lý đại nhân! Gã tiểu tốt này thô bỉ dốt nát, không thông thời thế, nói chuyện với gã thực chẳng khác gì đàn gảy tai trâu. Người đâu, xông cả lên cho bản quan! Ta phải xem thử một tên hiệu úy cỏn con như hắn dám làm gì bọn ta nào!

Dương Đình Hòa vừa ra lệnh, lập tức đám thủ hạ tùy tùng giục ngựa xông lên. Còn Tiêu Phương thì lại quay đầu ngựa tránh sang bên cạnh, ngầm nháy mắt ra hiệu cho các thị vệ thủ hạ của mình lùi về phía sau.

Lưu Đại Bổng Chùy nóng ruột, vội giơ Thượng Phương bảo kiếm lên cao, lớn tiếng quát:

- Thượng Phương bảo kiếm ở đây có thể tiền trảm hậu tấu! Xem thử ai dám tiến lên?!

Thấy đám tùy tùng bắt đầu do dự, Dương Đình Hòa bèn nghiêm giọng quát lớn:

- Chuyện này liên quan đến vận mệnh quốc gia! Đừng nói chỉ là một thanh kiếm cỏn con, dù là đương kim thánh thượng ở đây cũng vậy, có gì mà không dám xông lên chứ? Mau xông lên hết cho ta!

Lưu Đại Bổng Chùy thấy đám thị vệ tùy tùng này định thúc ngựa xông tới thật, gã cũng không dám thật sự vung kiếm chém người. May quá, đột nhiên cái khó ló cái khôn, gã bèn cắm bảo kiếm vào ngang hông, cầm cây côn sắt đen thui dài tám thước của mình lên, “vút” một tiếng đánh trúng ngay vào đùi ngựa của gã thị vệ đi đầu. Con ngựa hí lên một tiếng thảm thiết, ngã gục xuống đất. Gã thị vệ đang cưỡi ngựa cũng ngã lăn quay, ngăn cản đường đi của những người ở phía sau.

Lưu Đại Bổng Chùy cười lạnh một tiếng, quát lớn:

- Đánh người phải đánh ngựa trước, đánh gãy hết đùi ngựa của bọn chúng cho ta! Để ta xem thử hai cái chân của bọn chúng có chạy nhanh hơn bốn cái chân được không?!

Hai mươi viên thị vệ nghe vậy bèn vung trường thương chuyên nhằm vào chân ngựa mà phang. Thị vệ của ba vị đại học sỹ đều là những binh lính bình thường, lúc vội vã rời kinh chỉ kịp mang theo thanh đao, quần áo trên người cũng mỏng manh, cả bọn không kịp mặc áo da dùng khi ra ngoài nên chân tay đều lạnh cóng, hành động không linh hoạt. Hơn nữa vốn kỵ thuật của bọn chúng cũng thua kém hai mươi viên thị vệ kia rồi nên làm sao có thể điểu khiển ngựa né tránh được?

Cán thương không so được với côn sắt nên không thể đánh gãy chân ngựa nhưng cũng khiến cho đám ngựa đau đớn vô cùng. Sau khi nhảy loạn một hồi bọn chúng liền không để ý đến sự điều khiển của chủ nhân nữa mà quay đầu chạy như điên về phía sau. Qua khỏi mấy chục trượng các thị vệ mới ghìm cương lại được, nhưng bất luận bọn họ hò hét thúc giục thế nào, bọn ngựa cũng không dám quay về phía trước nữa.

Hai bên đã trở mặt với nhau rồi, thói quen lỗ mãng của Lưu Đại Bổng Chùy cũng lập tức phát tác, thấy Dương Đình Hòa đích thân giục ngựa xông tới gã liền vung côn đuổi ngựa đi. Sau khi náo loạn một hồi, ngựa của ba vị đại học sỹ và mấy chục viên tùy tùng đều bị đánh cho không gãy cũng bị thương, khó thể đi tiếp được. Lưu Đại Bổng Chùy quay đầu lại thấy đại quân đã đi xa vào trong rặng núi, chỉ còn thấy một mảng cờ xí phất phơ, gã không kìm được cười lên ha hả, dẫn theo hai mươi viên thị vệ thúc ngựa bỏ đi.

Dù lòng dạ rộng rãi nhưng Lý Đông Dương cũng bị đám lính thô lỗ này khiến cho tức giận đến run người. Ông đứng trên mặt đất, tay dắt con ngựa chân thấp chân cao đang không ngừng rên rỉ đau đớn của mình, nhìn về hướng đại quân đang dần đi xa, hồi lâu vẫn chẳng thể nói được lời gì.

* * *

Tham tướng trấn thủ ải Cư Dung nhận được tin báo, từ sớm đã đội mũ mặc giáp lên cổng thành, đợi đại quân của Dương Lăng; sau khi xác nhận ấn tín khâm sai xong xuôi liền lập tức mở rộng cửa thành. Dương Lăng cũng không hề khách sáo, lập tức hạ lệnh cho đại quân đi qua.

Dương Lăng sợ Lưu Đại Bổng Chùy không ngăn nổi ba đại học sỹ nên chờ ở phía sau đoàn quân. Đến khi hai mươi mốt chiến mã phi nhanh tới nơi, hỏi rõ đầu đuôi câu chuyện, biết ba đại học sỹ đều không bị thương, y mừng rỡ vô cùng, lập tức dẫn theo những bộ hạ còn lại rời khỏi ải Cư Dung.

Đến khi thấy tham tướng giữ ải lại cho đóng chặt cửa thành, trái tim vốn còn thấp thỏm của Dương Lăng mới coi như yên ổn trở lại. Tham tướng giữ ải không thể nhận biết ba vị đại học sỹ, mà bọn họ ắt cũng không mang theo văn điệp thông quan do quân đội cung cấp. Như vậy cho dù có đuổi kịp đến đây thì ba vị cũng đứng hòng thuyết phục được tướng giữ ải Cư Dung mở cửa cho qua.

Đại quân đi vòng theo hướng tây nam, tiến nhanh hết cỡ, trên đường không rẽ vào tiểu huyện nào, mỗi khi nghỉ ngơi đều cắm trại tại chỗ. Hôm ấy đại quân đang đi trên cổ đạo Linh Khâu. Vùng huyện Linh Khâu này chính là nơi do Triệu Vũ Linh Vương ra lệnh khai hoang mở đất. Sau này, Hán Vũ Đế Lưu Triệt xua quân lên mặt bắc đánh Hung Nô, Tào Tháo thời Tam Quốc đóng quân mở đồn điền, Dương gia tướng thời Tống chống cự quân Liêu, tất cả đều diễn ra tại đây.

Trên đường bắc tiến, bất kể là hành quân hay ngủ nghỉ, Chính Đức đều ở chung một chỗ với sỹ tốt, đường bằng cưỡi ngựa, gặp núi leo trèo, thủy chung không chịu bước vào kiệu xe. Dù chỉ là một vị thiếu gia được nuông chiều từ tấm bé e rằng cũng không chịu được nỗi khổ sở này, huống chi là Chu Hậu Chiếu từ nhỏ đã được bao bọc hết mức.

Không ngờ hắn lại có được nghị lực như vậy, hoàn toàn khác hẳn với vẻ ham chơi biếng làm thường ngày. Không chỉ Dương Lăng, ngay đến Trương Vĩnh cũng hết sức kinh ngạc.

Đại quân đi dọc theo cổ đạo đến một ngọn núi nằm giữa những rặng núi bao quanh, đột nhiên nhìn thấy phía trước có một đội quân, nhìn thoáng qua e phải có tới hơn ba ngàn người.

Tuy nơi này cách huyện Linh Khâu chưa tới mười dặm, nhưng giữa nơi núi non thế này lại đột nhiên xuất hiện một đội quân, mà nhìn lều trại thì dường như họ đã ở đây được một thời gian rồi nên ai cũng nghi hoặc. Dương Lăng không dám sơ xuất, một mặt hạ lệnh cho đại quân dừng lại nghỉ ngơi, tăng cường phòng bị, một mặt sai tùy tùng đi dò hỏi.

Chẳng mấy chốc, viên tùy tùng dẫn theo một vị tướng quân vội vã đi vào trong lều lớn ở trung quân, Chính Đức đóng giả làm thị vệ đứng sau lưng Dương Lăng thầm quan sát. Vị tướng quân nọ chừng hơn bốn mươi tuổi, dáng vẻ cao lớn quắc thước, từ xa nhìn thấy Dương Lăng đã tươi cười cung tay thi lễ:

- Hạ quan là Tả vệ chỉ huy sứ Đại Đồng Điêu Hóa Thần, bộ hạ của Tuần phủ Đại Đồng Hồ Toản đại nhân, bái kiến Dương đại nhân! Dương đại nhân đi đường vất vả rồi.

Dương Lăng thầm ngạc nhiên, hiện giờ chiến sự ở tiền phương đang căng thẳng, Hồ Toản phái ba nghìn quân đóng ở đây là để làm gì chứ?

Hai bên nói chuyện đôi câu, Dương Lăng bèn mời hắn ngồi xuống, hỏi:

- Điêu chỉ huy, đây là nơi nào vậy? Tiền phương đang giao chiến với Thát Đát, là lúc cần dùng người, tại sao lại cho đóng đại quân ở đây? Có việc gì quan trọng hay sao thế?

Việc cơ mật quân sự thì dù là đại thần trong triều cũng không tiện hỏi, nhưng Dương Lăng ngoài việc đến ủy lạo quân đội còn kiêm cả tuần tra, có quyền quản lý toàn bộ cuộc chiến ở tiền phương. Lúc cần y có thể dùng Kim phê lệnh tiễn và Khâm sai kim ấn để điều động đại quân, do đó y hỏi câu này cũng không có gì là quá phận.

Điêu Hóa Thần là thân tín của Hồ Toản, việc kinh sư phái Đề đốc Nội xưởng và Kinh doanh đến tuần tra vùng biên cảnh đã được truyền tới qua đường dịch trạm rồi nên hắn cũng biết nội tình. Tất nhiên hắn không dám nói dối, vội vàng đáp:

- Đại nhân có điều không biết! Từ nơi này đi đến Đại Đồng, giữa vùng núi non có rất nhiều cửa ải, duy có men theo cổ đạo này là không có cửa ải hiểm trở nào.

Thát Đát đã bị Dương tổng chế kìm chân, muốn rút cũng không rút được, nay quân lương cạn hết lại không thu được lợi ích gì. Không biết gian tế Thát Đát làm thế nào mà lần ra được con đường này, bọn chúng phái hơn ngàn người ngựa men theo con đường nhỏ trong núi lách qua các cửa ải để tập kích Linh Khâu, cướp đi một lượng lớn tiền tài lương thảo. Hồ tuần phủ hay tin liền sợ giặc Thát nếm được trái ngọt sẽ còn đến nữa, do đó lệnh cho hạ quan đóng quân tại đây.

Tới lúc này Dương Lăng mới biết nguyên nhân. Lại nghĩ đến tình hình vừa rồi, nơi này là một khe núi giữa vùng núi non, nếu muốn một đội ngũ hơn ngàn người đi xuyên qua rặng núi thì cũng chỉ có khe núi này là không có phòng bị nên có thể dễ dàng vượt qua được. Thật là làm khó cho đám gian tế Thát Đát kia, không biết đã phải hao phí bao nhiêu công sức mới tìm ra được con đường này cho quân đội cướp bóc.

Đừng coi nhẹ tác dụng của một con đường trong chiến tranh. Nếu quân Thát Đát lợi dụng con đường bí mật này không ngừng đi vòng đến phía sau đại quân cướp bóc lương thực, cuộc chiến cứ kéo dài tiếp sẽ khó mà dự liệu được việc thắng bại. Ngăn con đường này lại, nhuệ khí quân địch ắt sẽ giảm mạnh, ngay đến đám tướng lĩnh Thát Đát cũng sẽ mất dũng khí tiếp tục chiến đấu. Chẳng trách lúc tháng chạp giữa mùa đông này mà còn có ba nghìn người ngựa đóng ở đây, vất vả canh phòng trên ngọn núi này.

Dương Lăng gật đầu:

- Thì ra là vậy! Đại quân của ta đêm nay cũng đóng lại đây thôi, ngày mai sẽ khởi hành tiếp tục đến Đại Đồng. Đúng rồi, nơi này gọi là gì nhỉ?

Điêu Hóa Thần đáp:

- Nơi này thời xưa gọi là Bình Hình Trại, đến thời Tống, Nguyên thì gọi là Bình Hình Trấn. Bởi vì trên ngọn núi này có một khoảng đất rộng hơn chín trăm trượng vuông, trời sinh đã bằng phẳng vuông vức, do đó sau khi Đại Minh ta lập quốc, nó được đổi gọi là Bình Hình Lĩnh (Chữ “bình” ở đây nghĩa là bằng phẳng, khác với chữ “bình” trước đó là cái bình, cái lọ - ND).

Hai bên tán gẫu một phen, rồi Dương Lăng đưa Điêu Hóa Thần ra ngoài lều, đứng trên đỉnh ngọn núi đưa mắt nhìn về hướng xa. Lúc này mặt trời vừa lặn xuống sau dãy núi, chỉ còn lại chút ánh tà dương mờ nhạt, lớp tuyết trùng trùng điệp điệp được phủ lên bởi một tầng ánh sáng hồng nhạt.

Chính Đức đi đến bên cạnh Dương Lăng, đưa tay che bớt ánh sáng, nheo mắt nhìn về hướng xa một hồi, rồi nói:

- Ừm, giữa rặng núi này quả nhiên chỉ có hẻm núi này là đại quân có thể đi qua. Nhìn từ trên đỉnh núi xuống, huyện thành Linh Khâu như ở gần ngay trước mắt, nơi đó thành nhỏ tường thấp, không có chỗ nào hiểm yếu để phòng thủ, thực là nguy hiểm.

Chỉ là đóng quân lâu dài tại nơi này thì không khỏi vất vả quá. Trương Vĩnh, ngươi ghi nhớ lấy! Ngay khi về kinh hãy kêu bộ Binh xây một cửa ải trên Bình Hình Lĩnh này để cản đường quân địch, rồi liệt nó vào danh sách các cửa ải trọng yếu chốn biên cương, lấy tên là ải Bình Hình.

Trương Vĩnh vâng dạ liên hồi. Dương Lăng nghe đến đây thì không khỏi lấy làm ngạc nhiên liếc nhìn Chính Đức, nghĩ bụng: ”Bình Hình Lĩnh, ải Bình Hình, vừa rồi sao mình không nghĩ ra nhỉ, thì ra… ải Bình Hình nổi tiếng lại là do chính Chính Đức hạ chỉ cho xây dựng.”

Chính Đức thấy ánh mắt y có điều khác lạ, không kìm được cười hỏi:

- Sao Dương khanh lại nhìn trẫm như thế? Trẫm nói có gì không đúng sao?

Dương Lăng vội vàng cười đáp:

- Hoàng thượng nói đúng lắm! Xây dựng một cửa ải ở chỗ hiểm yếu này quả thực có tác dụng rất lớn trong việc ngăn chặn giặc Thát. Có điều phòng ngự bị động thì không có cửa ải nào mà không bị phá, chúng ta còn cần phải…

Chính Đức cả cười, cướp lời:

- Chúng ta còn cần phải phú quốc cường binh, chủ động xuất kích, tiêu diệt giặc mạnh ở ngay bên ngoài biên ải, phải vậy chăng?

Nói rồi vua tôi đưa mắt nhìn nhau, không kìm được cùng vỗ tay cười lớn.

***

Đại quân cuối cùng cũng đã tới Đại Đồng. Tổng chế Tam biên Dương Nhất Thanh điều quân đóng tại các cửa ải hiểm yếu trên Trường Thành, trước mắt ông ta đang ở Trấn Khương Bảo. Nơi đó vốn có chợ chuyên buôn bán ngựa giao dịch với quan ngoại, được xây dựng ngay sát mặt ngoài của Trường Thành.

Để tiện cho việc chỉ huy vùng lân cận nên Dương Nhất Thanh cho lập quân doanh tại đây, Tuần phủ Đại Đồng Hồ Toản đích thân áp tải lương thảo đến Trấn Khương Bảo, hiện đang cưỡi ngựa vội vã trở về. Hay tin kéo tới nghênh tiếp đón đại quân của Dương Lăng vào thành là quan viên các cấp ở nha môn Tuần phủ. Trên đường hành quân, bọn Dương Lăng thấy tòa thành lớn vốn phồn hoa này đã trở nên tiêu điều hơn không ít, quan binh trên đường còn nhiều hơn dân chúng.

Các quan viên nghênh đón khâm sai đến dịch quán. Dịch quán ở nơi này so với dịch quán Xương Bình nơi Dương Lăng từng ngụ lại tất nhiên là hoàn toàn khác hẳn. Khu nhà hào hoa nằm ở lớp thứ ba của dịch quán dành riêng để nghênh tiếp đại thần, được bố trí cực kỳ xa hoa. Dương Lăng vào ở trong dịch quán, phía ngoài dịch quán thì để cho hai trăm thân binh của bản thân và ba trăm thị vệ đại nội cư trú, các quan binh còn lại thì được sắp xếp đến học cung (trường học thời xưa - ND) hoặc là cho cắm trại ở thao trường.

Bận rộn một hồi mọi việc mới xong xuôi, Dương Lăng liền tiễn các vị đại nhân ra đi. Y trở về dịch trạm, nghênh đón Chính Đức vào trong thu xếp cho hắn ở phòng của mình, rồi cười nói:

- Hoàng thượng! Trên đường ngài cũng đã phải chịu vất vả rồi, nay rốt cuộc cũng có nơi thoải mái hơn một chút. Ngài cứ nên ở lại đây mà nghỉ ngơi dưỡng sức đi, đợi sau khi thần thông báo cho Hoa Đáng, tất cả mọi việc được an bài ổn thỏa rồi ngài sẽ lên núi Bạch Đăng đàm phán với y là xong.

Chính Đức gật gật đầu, rồi lại hỏi:

- Dương Nhất Thanh đang ở Trấn Khương Bảo, lúc nào mới có thể trở về? Trẫm muốn tìm hiểu một chút về tình hình chiến sự cụ thể.

Dương Lăng nhíu mày suy nghĩ một lúc rồi đáp:

- Bá Nhan nóng lòng thoát thân, nhưng lần này hắn trộm gà không thành còn mất nắm gạo, các bộ lạc tổn thất nặng nề. Vốn nội bộ Thát Đát đã không ổn định rồi, bây giờ chưa chiếm được chút lợi lộc nào ắt hẳn hắn chẳng cam tâm rút về. Nay hắn đang cùng Dương Nhất Thanh có công có thủ, chiến sự kịch liệt, thần nghĩ đừng nên thông báo cho Dương Nhất Thanh biết việc Hoàng thượng đến đây thì hơn. Để thần đến Trấn Khương Bảo thăm y là được.

Chính Đức cả mừng:

- Hay lắm! Trẫm đang muốn đến quan ải xem cảnh chém giết ngoài chiến trận, đến lúc đó trẫm sẽ đi với khanh. Đúng rồi, Đại vương là phiên vương ở Đại Đồng, khanh đã đến đây rồi, theo lễ phải đi bái kiến. Khanh chuẩn bị lúc nào thì đi?

Dương Lăng đáp:

- Hôm nay trời đã tối, không tiện đến phủ Đại vương bái kiến, thần định ngày mai sẽ đi. Hoàng thượng cũng muốn đi sao?


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.