Sau bữa cơm, đại quân nhổ trại tiếp tục lên đường. Tuyết đọng trên đường bị bánh xe lừa, ngựa cày xới khiến cho quan đạo lầy lội không thể tả, tốc độ của đội ngũ vì thế bị chậm lại rất nhiều. Không lâu sau, bọn họ đuổi gặp một đội quan binh áp tải đội xe lừa ngựa dài hun hút, đang gian khổ lặn lội trên đường.
Thám mã hồi báo với Dương Lăng rằng đây là đội xe vận chuyển lương thực và rơm cỏ đến Đại Đồng. Lương thảo và trang bị vận chuyển từ nam lên bắc thường đi trên con đường này, ngựa xe liên miên không dứt khiến con đường đất bằng phẳng được đầm chặt chẻ, dễ đi nay đã bị tàn phá nghiêm trọng. Đã lồi lõm gập ghềnh lại thêm tuyết đọng phủ dày, đường quan đạo nay rất trơn trợt khó đi.
Thấy đại quân giáp trụ chỉnh tề, hành trang gọn ghẽ đi tới, đội quân nhu tự giác tránh sang bên đường. Đại quân của Dương Lăng tu chỉnh lại đội hình, từ từ vượt lên.
Chính Đức kẹp hờ lưng ngựa, cả người hơi nhấp nhô, ánh mắt chậm rãi quét vào dòng người của đội xe. Đội xe chen chúc ở một bên, đám dân phu áo quần lam lũ, có người tu bổ mặt đường, có người vai khiên chân đạp, ra sức nâng đẩy bánh xe đang lọt vào hố tuyết.
Phu dịch đánh xe thì ngồi trên xe điều động, còn những dân đinh trai tráng đang ra sức bắc cầu sửa đường, vai khiên tay gánh này đều là những người dân lưu lạc cùng với tá điền và thôn phu tự nguyện tham gia vận chuyển lương thảo. Những người dân lưu lạc lo kiếm miếng cơm manh áo, những tá điền gia cảnh bần hàn, mùa đông không có gì làm, dựa vào chút sức khoẻ ra khỏi nhà tìm ít công việc, vừa kiếm cơm nhằm giảm gánh nặng cho gia đình, vừa có thể kiếm thêm mấy văn tiền lớn.
Nhìn những người dân nghèo khổ mày mặt xanh xao này, nụ cười ung dung trên khuôn mặt của Chính Đức vụt tắt. Khi đoàn quân vượt lên khỏi đội xe quân nhu tiếp tục tăng tốc tiến về phía trước, Chính Đức vẫn không ngừng ngoái đầu nhìn về phía ”con rồng” dài đang chầm chậm di chuyển đó.
Đại quân dừng ở Xương Bình nghỉ một đêm. Huyện lệnh của Xương Bình không hề biết đương kim Hoàng đế đang ở trong quân, tuy nhiên chỉ nội hai tấm chiêu bài tiếng tăm vang dội là đề đốc Nội xưởng và đề đốc Kinh doanh đã đủ khiến lão ta bận đến túi bụi rồi.
Đại quân của Dương Lăng đồn trú tạm trong Dịch thừa quán của huyện thành nho nhỏ, toàn bộ sai dịch và đầu bếp trong quán Dịch đều bị đuổi ra ngoài, gọi người do Trương Vĩnh dẫn tới. Huyện lệnh của Xương Bình chỉ cho rằng hai vị đề đốc đại nhân quyền thế ngút trời này muốn bày vẽ xa hoa(1) nên cũng không hề nghi ngờ gì, chỉ vội vàng đưa mấy chục con lợn béo đến. Thấy hai vị đại nhân cũng không nhiệt tình bắt chuyện cùng, lão bèn biết điều mà cáo từ rời đi.
Bên trong chiếc lều lớn dựng tạm trong quân doanh, ngay khi Dương Lăng vừa an bài ổn thoả việc trực đêm và hành trình hôm sau xong, hai viên thân quân dẫn theo một thanh niên mặc y phục thường dân bước vào. Người này ăn mặc không có gì bắt mắt nhưng cử chỉ và khí độ lại khá uy nghiêm, Dương Lăng trông thấy gã liền vui vẻ cười gọi:
- Liễu Bưu lại đây, mau ngồi đi! Có tin tức gì không?
Dương Lăng phái Dương Nhất Thanh đi theo Thành Khởi Vận xuống phương nam, thu thập nhược điểm của những quan viên được các thân hào sĩ tộc duyên hải ủng hộ và giúp đỡ mà bọn họ đã phái người điều tra từ trước. Y điều Tam đáng đầu Nội xưởng là Bành Kế Tổ dẫn theo đội năm nghìn tinh binh này; Liễu Bưu phụ trách việc chỉ huy và phối hợp thám mã trong tối lẫn ngoài sáng dọc đường; Ngũ Hán Siêu chạy trước đến Tuyên Phủ và Đại Đồng, chủ động liên lạc và âm thầm phối hợp với Hàn Lâm đang trú đóng ở đó.
Liễu Bưu thực hiện quân lễ, rồi ngồi xuống bên cạnh. Dương Lăng mỉm cười châm cho gã một chén trà, Liễu Bưu khom người cảm ơn, rồi cảnh giác quét mắt một vòng, mấy viên thị vị đứng chung quanh hiểu ý lui ra. Lúc này Liễu Bưu mới thấp giọng bẩm báo:
- Đại nhân! Thám mã trong kinh đã đưa tin đến: hai vị cô nương mà đại nhân muốn chúng ti chức để ý đến tịnh không có hành động gì bất thường. Hai người đã được đưa đến Báo phòng, dường như rất biết yên phận. Ti chức đã cho người tiếp tục giám thị.
Ngoài ra, tin tức từ thám mã tiền phương đưa về, báo rằng đường đến Cư Dung Quan, Tuyên Phủ rất thái bình. Do đội xe chở thương binh về và đưa quân nhu đến Đại Đồng nối nhau không dứt nên quân lính và dân phu hoà lẫn vào nhau. Dưới tình hình đó, nhằm phòng ngừa gian tế của Thát Đát, dọc đường đều thiết lập trạm kiểm soát, không có lệnh dụ và giấy thông hành do quân đội ban hành thì tất cả những nhóm năm người trở lên đều không được phép qua, vì vậy dọc đường tuyệt sẽ không thể xuất hiện nhân mã số lượng lớn. Nếu quả thật có mấy trăm lục lâm muốn gây hấn trước sự bảo vệ của năm nghìn quân chúng ta, bảo đảm bọn chúng sẽ chỉ có đi không về.
Dương Lăng khẽ gật đầu, hơi yên tâm. Y thả bước trong lều, trầm ngâm:
- Ngũ Hán Siêu đi sớm hơn bản quan một ngày, hiện tại vẫn chưa có tin tức đưa về, dọc đường không có hung hiểm gì thì tốt. Đợi vào đến Tuyên Phủ, Đại Đồng, nơi tập hợp trọng binh, sẽ an toàn hơn. Liễu Bưu, tạm thời huynh hãy lui xuống dùng bữa, chuyến đi này nhất định phải tập trung hết tinh thần. Bây giờ đã không như trước đây, chỉ cần Hoàng thượng mất một cọng lông, huynh và ta cũng đều sẽ có thể mất đầu đó!
Liễu Bưu đứng dậy nghiêm trang đáp:
- Ti chức hiểu được, xin đại nhân cứ yên tâm! Ti chức xin phép cáo từ!
Dương Lăng gật đầu, Liễu Bưu xoay người rời đi. Một viên thân binh bước vào bẩm báo:
- Đại nhân, bữa tối cho Hoàng thượng đã chuẩn bị xong rồi ạ!
Dương Lăng đáp:
- Ừ, để coi thử! Bản quan đi thăm Hoàng thượng một chút.
Trong cung Hoàng đế có Ngự thiện phòng chuyên phụ trách ẩm thực. Tuy bên người Trương Vĩnh vẫn có tiểu thái giám hầu hạ nhưng lão không thể mang ngự trù ra khỏi kinh. Dương Lăng đã hao tổn nhiều tâm tư mới tìm được một vị đầu bếp nghỉ hưu của Ngự thiện phòng. Y cũng không nói rõ mọi sự với ông ta, chỉ nói rằng cần chế biến món ăn cho mình dọc đường, rồi kiếm mấy thị vệ trung thành đáng tin cậy cho đi cùng với lão phụ trách bữa ăn cho Hoàng đế.
Cho dù là phụ nữ khéo tay cũng khó mà nấu được bữa trưa ngon dọc đường, hoàng đế Chính Đức cũng ăn vội mâm cơm trà đơn giản, đây cũng là bữa cơm chính thức đầu tiên của hắn. Dương Lăng đến nơi trọ của Chính Đức sau hậu viện, toàn bộ đại nội thị vệ canh gác đều nhận ra vị Dương đại nhân này, một quan thị vệ vội bước lên nghênh đón:
- Dương đại nhân!
Dương Lăng khẽ gật đầu, hỏi:
- Hoàng thượng xuất kinh lần đầu, đi đường tròng trành hẳn là đã mệt? Có phải người đã nghỉ ngơi rồi không?
Viên võ quan cũng đã cải trang thành một hiệu úy bình thường, nghe hỏi bèn cười đáp:
- Đại nhân đoán sai rồi! Hoàng thượng rất cao hứng, vừa mới tắm rửa xong liền đã dẫn Trương đề đốc ra ngoài rồi.
Dương Lăng giật nảy mình, biến sắc, hỏi ngay:
- Lúc này trời đã tối, đêm lạnh gió buốt, Hoàng thượng còn đi đâu?
Viên võ quan vội vàng giải thích:
- Đại nhân không cần phải lo! Hoàng thượng chỉ đi dạo trong doanh, thăm hỏi tướng sĩ thôi, chắc chắn không đi xa.
Lúc này Dương Lăng mới yên tâm, y vội xoay người vừa đi ra ngoài vừa nói vọng lại:
- Bản quan đi xem một chút, ngươi hãy nghỉ ngơi đi.
Dương Lăng đi vội ra khỏi dịch quán. Dịch quán của toà thành nhỏ này nằm ở đầu thành phía đông, ngoại viện vốn là nơi dừng chân và trú đóng của những đội xe quân nhu thường xuyên lui tới, chung quanh xây tường bao bọc, bên trong tường trú đóng gần nghìn tay quan binh, số còn lại trú đóng bên ngoài. Lúc này lửa trại được đốt lên khắp nơi, không khí tràn ngập mùi thịt nướng.
Dương Lăng đưa mắt nhìn quanh, trông thấy mấy đống lửa bên phải có rất đông người lui tới, bèn vội vã đi qua. Quanh đống lửa có một đám sĩ tốt đang ngồi, bên trên bắc một nồi cơm to; đồ tể mổ xong mấy chục con heo mập thì cũng đã bắc nồi, từng miếng thịt lớn chìm nổi trong nồi nước sôi sùng sục. Bọn sĩ tốt vừa rôm rả nói cười vừa nhai bánh bao, gặm xương; ăn rất ngon miệng.
Dương Lăng vẫn đang mặc trang phục tướng quân, khi đám sĩ tốt trông thấy y, tiếng nói cười lập tức dần nhỏ lại rồi lần lượt đứng dậy hành lễ. Dương Lăng mới vừa đi qua hai đống lửa, chợt có bóng người vụt sát tới gần kéo lấy tay y, khẽ giọng hỏi:
- Dương đại nhân! Đi đâu vậy?
Dương Lăng định thần nhìn kỹ, ánh lửa soi rõ ngân quang lấp loé trên mình người đó: một bộ mãng quan bào mới cáu, đai lưng ngọc bích sáng lung linh có vài phần oai phong lẫm liệt, chính là vị đề đốc Trương Vĩnh.
Dương Lăng mừng rỡ, vội nắm lấy tay lão hỏi ngay:
- Người đâu?
Y đang ở bên ngoài, tuy gần đó không có ai khác, nhưng "gió đưa lời người", chỉ sợ bị người khác nghe được nên không dám nói đến hai chữ "Hoàng đế". Trương Vĩnh nháy mắt, kéo y đi mấy bước sang một bên, khẽ hất hàm về phía trước, nói nhỏ:
- Kìa! Đang ở bên đó đó, không cho ta theo. Ta thấy ngài chơi vui vẻ như vậy nên cũng chỉ đành đi tuần chung quanh, không dám đến gần.
Dương Lăng nhìn sang bên ấy, thấy rõ ánh lửa rừng rực soi sáng một khuôn mặt anh tuấn trẻ tuổi. Hoàng đế Chính Đức vận bộ đồ hiệu uý ngồi cùng một đám binh sĩ, vai kề vai, lấy cây gỗ xuyên qua bánh bao rồi hơ trên lửa, một tay cầm một khúc xương to, thi thoảng lại cắn một miếng, chuyện trò rất vui vẻ.
Một tay lính lão làng râu ria xồm xoàm đấm xuống vai Chính Đức một quyền, khiến vai hắn trùng hẳn xuống. Tên đó cười lớn bảo:
- Tiểu tử! Lần này Xưởng đốc đại nhân xuất binh, huynh đệ chúng ta được chọn ra từ hơn mười vạn đại quân trong mười hai đoàn danh, ai nấy đều biết cưỡi ngựa bắn cung, múa đao đi quyền, năm bảy tên lực lưỡng cũng không thể sáp lại. Xem thằng nhóc ngươi này: da thì trắng thịt thì mềm, làm quái được gì? Sao là đối thủ của giặc Thát được?
Nghe vậy Chính Đức cũng không nổi cáu, chỉ cười hề hề đáp:
- Đại ca chớ coi thường tiểu đệ! Tuy đệ chưa từng ra chiến trường, thậm chí trước đây đã từng đánh nhau với một tên lưu manh không biết võ nghệ trong thanh lâu, tiểu đệ còn bị hắn bất ngờ đấm cho một quyền vào mặt, suýt nữa thì trẹo cả mũi. Nhưng đó là lúc đệ còn ngu muội, chưa biết gì. Nếu thực sự luận bàn võ nghệ, nay tiểu đệ đã được mấy vị sư phụ võ công nhất đẳng đích thân chỉ dạy, sợ rằng đại ca chưa chắc đã là đối thủ của tiểu đệ đâu.
- Ồ, ồ, ồ! Tiểu tử ngươi thực biết khoác lác nhỉ! - một binh sĩ khác bộ dạng uể oải song thân thể cứng cáp cười nói, - thì ra ngươi là thân binh của đại soái, còn tưởng ngươi là con cháu phú gia chạy ra ngoài kiếm chút công danh. Nhưng ngươi lại không có vẻ gì là thiếu gia vọng tộc cả. Với bộ dạng này của ngươi, dù biết chút võ vẽ múa may thì có tác dụng gì chứ? Trên chiến trường chính là chém giết bằng đao thật thương thật, mà tiểu ca ngươi trông tuấn tú như vậy, chớ để giặc Thát bắt đi làm “thỏ tướng công”(2) đó.
Chính Đức rút chiếc bánh bao đã bị nướng cháy xém về, xé một miếng cho vào trong miệng, vừa nhai say sưa, vừa tò mò hỏi:
- Thỏ tướng công? Thỏ tướng công là gì?
Đám binh sĩ ngồi bên đống lửa cười phá lên. Tên binh sĩ có bộ râu xồm vỗ vai hắn cười ha hả:
- Ngươi không biết sự đời như vậy, thực không biết làm sao lại lăn đến bên người Dương đại soái được nữa! Đám người bên phía giặc Thát ai nấy đều cao lớn hung tợn, lưng hùm vai gấu, cho dù là đàn bà cũng không dễ nhìn hơn đàn ông bao nhiêu. Những tiểu ca nhi tuấn tú như ngươi bị bọn chúng bắt đi, sẽ không lo phải bị bắt làm nô lệ, mà không chừng sẽ được tù trưởng bọn chúng đưa về ân sủng làm ái thiếp đấy. Ha ha ha!!!...
- Bình tĩnh chớ nóng! Kẻ không biết không có tội. Hoàng thượng còn chưa nổi giận, ông nổi giận làm gì?
Trương Vĩnh bình tĩnh nhìn lại, lão thấy dường như Chính Đức chỉ hơi mắc cỡ. Tay binh sĩ đó nói như vậy thì hắn đương nhiên biết “thỏ tướng công” chính là “ái nhi” rồi. Nhưng Chính Đức không hề nổi giận, lần đầu tiên trong đời có người nói chuyện thô tục như vậy với hắn, ngoài sự mới lạ hắn còn cảm thấy rất... hay.
Chính Đức không đồng ý, phản bác:
- Giặc Thát bắt trẻ em phụ nữ ta, trẫm... trong trấn tiểu đệ cũng thường nghe khách buôn phương bắc nhắc đến. Có điều hình như bọn chúng cướp bóc lương thảo là nhiều, chứ chẳng lẽ cũng cướp nhiều người lắm hay sao?
Binh sĩ chung quanh dần thu lại nụ cười. Lúc lâu sau một Ngũ trưởng tuổi chừng hơn ba mươi, mặt đỏ bầm, thở dài một hơi rồi bảo:
- Đó là lẽ đương nhiên! Nhiều năm qua, giặc Thát tấn công Tuyên Phủ, tấn công Đại Đồng, tấn công Kế Xương không biết đã bắt đi bao nhiêu là bá tánh.
Một quan binh trông có vẻ văn nhã hơn vỗ đùi đánh bộp, căm tức mắng:
- Cái đám chó đẻ đó! Dân đen sợ bị giặc Thát cướp bóc, có chạy cũng chỉ có thể chạy vào Trung Nguyên. Còn những người dân nhiều đời vẫn sống dựa vào mấy mẫu ruộng tổ tiên để lại thì không chốn nương thân, chỉ có thể mặc cho bọn chúng lăng nhục. Hễ là ông già hay tráng niên đều sẽ bị chúng giết chết. Còn thiếu niên và phụ nữ thì bị bắt làm nô bộc và thê thiếp, giúp chúng thả dê, vắt sữa, may vá, nấu rượu, tính toán. Ngươi nói chúng bắt đi có nhiều không?
Hắc hắc! Giặc Thát ít dân, một gia đình chăn thả bò dê thì mấy chục dặm chung quanh sẽ chỉ có gia đình này, không còn nhà nào khác. Bộ lạc Cát Nang ở địa khu Hà Sáo bắt đi nhiều người Hán nhất, một gia đình Mông Cổ không quá năm sáu người song lại có đến sáu bảy nô lệ người Hán.
Ngũ trưởng mặt đỏ nọ cười gằn rồi an ủi:
- Lão Đoạn, lại nhớ đến chuyện đau lòng à? Chẳng phải Dương tổng chế đã thắng một trận lớn đó sao? Người Man ít tráng đinh, vị phó tướng Vương Thủ Nhân nọ đánh một trận hạ độc chết ba nghìn giặc Thát, những gia đình giặc Thát đó chỉ còn lại người già phụ nữ và trẻ em, chẳng bao lâu sẽ phải sa vào cảnh làm nô bộc cho các bộ tộc khác. Đó gọi là báo ứng!
Chính Đức liếc sang tay lính từng trải trông có vẻ nho nhã nọ, hỏi:
- Đoạn... Đoạn đại ca, gia đình của huynh đã từng bị giặc Thát hại sao?
Người lính từng trải nọ im lặng không nói gì. Gã lính râu xồm ngồi bên cạnh kề tai Chính Đức nói nhỏ:
- Lão Đoạn là người dân ở bảo Trợ Mã, Đại Đồng. Huynh đệ tỷ muội toàn tộc của lão có sáu mươi lăm người, bị giặc Thát cướp giết sạch, chỉ còn lại năm người lão ấy bị bắt đến thảo nguyên làm nô lệ, trồng trọt thả dê.
Hai năm sau, bộ lạc đó xảy ra chiến tranh với một bộ lạc khác, mấy thân nhân của lão Đoạn đều bị loạn mã giẫm chết trong chiến trận. Lão ấy giả chết, sau đó chạy từ nghìn dặm xa xôi về quan nội. Vì lão ấy cưỡi ngựa giỏi, cho nên mới gia nhập Thần Cơ doanh, chuyên việc huấn luyện cưỡi ngựa.
Chính Đức nghe kể vậy thì giận lắm, song lúc nghe nói đến trồng trọt lại lấy làm kinh ngạc, hắn bèn hỏi:
- Giặc Thát cũng biết trồng trọt sao? Bọn chúng trồng những gì?
Gã lính râu xồm đáp:
- Năm xưa người Nguyên thống trị Trung Nguyên hơn trăm năm cũng không học trồng trọt cấy cày mà cũng không nghĩ đến việc trồng trọt canh tác. Nhưng đến khi bọn chúng bị đuổi về đại mạc rồi, không còn ai cung cấp lương thực sẵn cho nữa, thì mới lại muốn học cách cày cấy.
Hiện tại người Mông Cổ lấy việc chăn thả làm chủ, song cũng trồng trọt ở một số nơi. Tuy nhiên người Mông Cổ không biết nông canh, những việc này đều do những người Hán bị bắt cóc làm cả. Nhân thủ không đủ dùng, thi thoảng giặc Thát còn chiêu mộ người dân lưu lạc ở biên tái nữa.
Người Mông Cổ cũng bắt đầu học tập người Hán trồng trọt rồi ư? Chính Đức thật sự không biết tin tức ấy. Năm xưa mật thám Cẩm Y Vệ tới lui vùng quan ngoại cũng chỉ chú ý đến tình báo quân sự và chính trị, cho dù có thấy người Mông Cổ khai phá một ít ruộng đồng thì cũng chả ai để ý. Chính Đức nghe xong trong lòng như chợt loé linh cơ, hắn định nắm bắt lấy nó, song lại như một giấc mơ, không thể nhớ được gì nữa.
Gã lính râu xồm rút từ trong dây thắt lưng ra một con dao nhỏ chọc một miếng thịt nhễu nước từ trong nồi ra, cắn một miếng ngon lành, rồi nhoẻn miệng cười nói:
- Đừng ủ rũ nữa! Nào, ăn miếng thịt to đủ gom lấy sức. Đợi đến Đại Đồng rồi, ngộ nhỡ giặc Thát vẫn chưa bị Dương tổng chế đuổi chạy hết, không chừng huynh đệ chúng ta vẫn có thể xuất chiến đó!
Chính Đức cũng bắt chước theo, rút một con dao nhỏ chọc lấy ra một miếng thịt, cười vang:
- Nói phải lắm, gom góp sức lực, sẽ có một ngày chúng ta sẽ đoạt lại hết những gì giặc Thát đã cướp. Chê bọn chúng tay chân thô kệch không thể đun trà ngâm nước, chúng ta sẽ bắt chúng làm những công việc nặng nhọc.
Dương Lăng mỉm cười, hỏi nhỏ Trương Vĩnh:
- Trương công công! Vị đó ra ngoài chưa được một ngày, ông xem thử có phải là người đã thay đổi gì không?
Trương Vĩnh nghe vậy bèn quan sát Chính Đức kỹ lưỡng một lượt, rồi gật đầu bảo:
- Ừm! Thực không phải mà, mặc quần áo vải thô đó, sao cứ thấy chướng mắt thế nào! Còn nữa, còn nữa... xem cái tướng ngồi tướng ăn đó, ôi chao! Bình thường ta chán nhất là cái đám đại nhân già ấy cứ vung tay vung chân bảo Hoàng... bảo người phải thế này, phải thế kia! Thế mà hiện tại ngay cả ta cũng thấy vị đó không vừa mắt đây.
Dương Lăng liếc mắt nhìn quanh, thấy đại nội thị vệ cải trang làm quân sĩ bình thường ra vẻ như đang đi dạo khắp nơi. Bên cạnh Chính Đức sợ không ít hơn bốn mươi tay cao thủ đại nội bảo vệ, chung quanh cũng toàn là binh sĩ đáng tin cậy do chính mình đích thân tuyển chọn, y bèn yên tâm vỗ vai Trương Vĩnh mỉm cười nói:
- Tôi lại cảm thấy hiện tại vị đó đã có khí phách nam tử hơn, và cũng đã hiểu chuyện hơn nhiều.
Trương Vĩnh đưa mắt nhìn theo Dương Lăng đang khoan thai bước đi, đoạn quay lại quan sát Chính Đức kỹ thêm lần nữa, rồi nghi hoặc lẩm bẩm:
- Vẫn vậy mà! Chẳng lẽ lúc đầu ngài không có khí phách nam tử, không hiểu chuyện sao?
* * *
Sáng hôm sau, đại quân lên đường rời Xương Bình tiến đến Cư Dung Quan.
Hôm nay trời âm u, gió bắc kéo tới ùn ùn, thổi tung những hạt tuyết trên mặt đất, hất vào mặt đến lạnh. Dương Lăng khoác áo choàng Cô nhung lớn còn cảm thấy lạnh muốn chịu không thấu, một góc tỏa tử giáp lộ ra dưới tấm chiến bào; khi tháo găng tay da dê ra, bàn tay nóng hổi liền sẽ bị cóng ngay.
Y thấy Chính Đức vẫn ở chung với đám thị vệ, mặc quần áo hiệu úy bình thường, nheo mắt chống chọi với gió rét mà đi, thì liền tới gần khuyên:
- Hoàng thượng! Bất luận thế nào ngài cũng phải vào trong xe... nghỉ ngơi. Mặc dù thân thể Hoàng thượng cường tráng, nhưng dẫu sao vẫn chưa từng chịu qua cái rét lạnh đến bực này, nếu thực sự bị cảm lạnh sẽ lỡ đại sự đó.
Trên đồng hoang bát ngát, gió rít rợn người, phía trước sắp đến một sơn ải, gió lùa từ trong sơn khẩu ra ngoài cuốn cho tuyết bay mù trời, chỉ cần hơi há miệng là tuyết sẽ ùa ngay vào, khiến cho Dương Lăng cứ nói một hai câu lại phải dừng lại.
Chính Đức bướng bỉnh đáp:
- Không đi! Năm nghìn binh lính chịu được cái lạnh buốt xương này, bá tánh phương bắc bao năm phải chịu cái rét cắt thịt này, chẳng lẽ chỉ có mấy ngày mà ta cũng không chịu nổi? - Nói đoạn hắn lấy tay che mặt, rồi quay sang Dương Lăng đùa giỡn: - Hơn nữa gió tuyết thổi vào mặt thế này, vừa tê lại ngứa, ta chưa từng có cảm giác này bao giờ. Khó khăn lắm mới được ra ngoài một chuyến, ta nhất định phải tự mình thể nghiệm một phen.
Dương Lăng nghe hắn nói vậy thì cười khổ không thôi, đang tính mở miệng khuyên thêm thì chợt có một thớt khoái mã từ sau phi nước đại đến. Kỵ mã thúc ngựa chạy đến gần mới ghìm cương dừng lại, thở hổn hển kêu to:
- Khải bẩm đại nhân! Đằng sau... đằng sau có mấy chục thớt khoái mã đuổi theo. Tuân theo quân dụ của tướng quân, chưa có mệnh lệnh, bất cứ ai cũng không được tự ý gia nhập vào trong quân. Những người đó bị ngăn ở bên ngoài, liền ra lệnh cho thuộc hạ lập tức phi báo cho tướng quân hay. Xin tướng quân hãy lập tức đi ra phía sau gặp bọn họ!
Dương Lăng sửng sốt hỏi:
- Ai đuổi theo?
Khuôn mặt binh sĩ đó lộ vẻ hết sức kỳ quái, hắn ngượng ngập đáp:
- Chuyện đó... Vị đại nhân kêu thuộc hạ báo tin nói rằng, phía sau là ba vị đại học sĩ Lý Đông Dương, Tiêu Phương và Dương Đình Hòa. Những người còn lại... hẳn là tùy tùng của ba vị.
Dương Lăng nghe vậy liền đưa mắt nhìn sang Chính Đức, ánh mắt cả hai đều lộ vẻ thất kinh. Như một đứa trẻ trốn học bị thầy giáo bắt quả tang tại trận, khuôn mặt Chính Đức hiện rõ nét sợ hãi. Hắn bối rối nhìn Dương Lăng cầu cứu:
- Làm sao đây? Phải làm sao đây? Ta... ta phải trốn đâu bây giờ?
"Chẳng phải đã dự tính đại quân đến Tuyên Phủ rồi mới công bố mật chỉ Hoàng đế xuất kinh cho Nội các và Lục Bộ Cửu Khanh sao? Sao đã bị phát hiện sớm như vậy, đuổi kịp tới nơi rồi?" Dương Lăng thoáng nhíu mày trầm tư, rồi hạ thấp giọng hỏi Chính Đức:
- Có phải là Hoàng thượng đã sợ?
Chính Đức nghe vậy liền ưỡn ngực, liếc nhìn tay kỵ mã, rồi cũng thấp giọng nói với Dương Lăng:
- Sợ cái gì? Ta sợ chẳng qua là biết mấy vị đó mà mở miệng thì cho dù ta có làm thế nào cũng sẽ không cãi lại bọn họ. Bọn họ đã đuổi đến sát ngay sau mông rồi, ta có thể làm gì đây? Nhưng mà... ta nhất định phải đi Đại Đồng, cho dù bọn họ ngăn cản ta thế nào đi nữa, trẫm nhất định phải đi! …, Khanh hãy giúp trẫm nghĩ cách nhé!
Dương Lăng cười lớn đáp:
- Nếu đã như vậy, việc này xin cứ giao cho thần.
Y quay đầu ngựa, phi ngược về phía hậu quân. Hai mươi thị vệ tùy thân và Trung quân quan đuổi sát theo sau. Ánh mắt Dương Lăng quét nhanh hai bên, đột nhiên y phát hiện trong đội ngũ có một binh sĩ đang cưỡi một thớt ngựa béo màu vàng. Da hắn đen nhẻm, mắt đậu xanh, mũi củ tỏi, râu ria xồm xoàm kéo dài từ dưới cằm theo hai má lên tới tận đầu, trông như một con nhím. Nếu thanh thiết côn đen thui dài tám thước trong tay hắn đổi thành thanh bát xà mâu dài cả trượng, thì hắn sẽ y hệt Trương Phi tái thế.
Trông thấy người này có vẻ quen quen, y lục nhanh lại ký ức liền nhớ ra rằng đây chính là gã lính to con ngồi sóng vai với Chính Đức gặm xương bên đống lửa đêm qua. Mắt Dương Lăng liền sáng rỡ: chính là hắn! Dương Lăng quay đầu ngựa, chiến mã hí vang tràng dài, y dừng lại trước mặt người đó, quát hỏi:
- Ngươi tên là gì?
“Trương Phi” giật nảy mình. Y là binh sĩ do Dương Lăng đích thân chọn lựa, tuy Dương Lăng không nhận ra hắn, nhưng hắn lại biết Dương Lăng. Tuy tính tình thô lỗ nhưng trước mặt Dương Lăng hắn nào dám làm càn, “Trương Phi” vội ghìm cương ngựa, cung cung kính kính đáp:
- Hồi bẩm đại soái! Thuộc hạ là Lưu Đại Bổng Chùy(*), hiệu úy của Thiết Côn doanh!
(*: Đại bổng chùy nghĩa là cây chày lớn)
Dương Lăng đực mặt ra, lấy làm lạ bèn hỏi:
- Đó là cái tên gì vậy? Chẳng lẽ ngươi không có cả một cái tên nghiêm chỉnh sao?
Khuôn mặt đen đúa của “Trương Phi” thoáng đỏ bừng, hắn ngại ngùng bẩm:
- Đại nhân! Chính cha mẹ của tiểu nhân đặt cái tên này, nói rằng tiểu nhân sinh ra vừa đen lại vừa cứng cáp, giống y như một cây chày sắt nên mới gọi là Lưu Bổng Chùy.
Dương Lăng thấy hắn hào sảng, ngây ngô chất phác thì rất vừa lòng. Y cười hắc hắc, bảo:
- Bản quan nhận thánh dụ đi đến Đại Đồng tuần sát chiến sự. Ở hậu phương có mấy vị quan văn trong kinh sư đuổi theo, định sẽ dùng trăm phương nghìn kế khuyên bản quan trở về. Bản quan lệnh cho ngươi cầm cây Thượng Phương Bảo Kiếm, dẫn theo hai mươi thân binh của bản quan đến hậu phương ngăn bọn họ lại, chờ đại quân qua khỏi Cư Dung quan rồi ngươi mới được trở về. Làm xong việc này, ngươi sẽ là thân binh của bản quan, thế nào?
Nghe vậy Lưu Đại Bổng Chùy mừng rơn, lập tức vui sướng chắp tay thưa:
- Thuộc hạ tuân lệnh!
Dương Lăng cởi thanh bảo kiếm được vua ban thưởng ra trao cho hắn, dặn:
- Đám quan lớn đó đều là kẻ đọc sách, nói chuyện ba hoa xích thố, miệng lưỡi trơn tru. Mặc kệ bọn họ nói cái gì, ngươi chỉ cần nói với bọn họ rằng: “Tuân thánh dụ, tuần biên kết thúc xong, tự nhiên rồng về biển lớn, gió êm biển lặng. Xin các vị đại nhân hãy yên tâm mà ở lại kinh xử lý công việc, chớ có nhớ mong!".
Lưu Đại Bổng Chùy cắm bảo kiếm vào dây đai lưng, vắt ngang thanh thiết côn dài tám thước lên trên yên ngựa, ôm quyền bẩm:
- Thuộc hạ tuân lệnh! Mặc kệ bọn họ đánh... nói lời gì, thuộc hạ quyết không để bọn họ tiến được nửa bước!
Lưu Đại Bổng Chùy cầm cây thiết côn đen thủi lên, không nói thêm tiếng nào, lập tức dẫn hai mươi tay thân binh 'đánh' về phía hậu quân.
Dương Lăng cười hắc hắc: "Để cái đám tú tài đó đi mà nói lý lẽ với ông lính này."
Rồi y quay đầu lấy hơi quát lớn:
- Trung quân quan! Hạ lệnh toàn quân tăng tốc tiến về phía trước! Cho nghìn quân thám mã đi đến Cư Dung Quan kêu cửa trước, qua khỏi ải liền thẳng tiến Tuyên Hóa, không được chậm trễ!
- Tuân lệnh!
Trung quân quan hô lớn, cây cờ nhỏ trong tay phất mấy cái, cờ xí trong tay quan hiệu lệnh chung quanh liền không ngừng biến đổi. Năm nghìn thiết kỵ chợt như hồng thủy tràn đê, xe lộc cộc, ngựa rền vang, chạy băng băng về phía Cư Dung Quan như nước lũ chảy xiết.
Thực sự Tiêu Phương đã rất tận tâm và trung thành, lão tận lực muốn giúp hoàng đế Chính Đức và Dương Lăng che giấu chuyện này, và nguyên cả ngày hôm qua lão đã thực sự kiếm cớ che giấu được. Ai ngờ đến tối, khi ba vị đại học sĩ sắp xuất cung, nội cung lại cho thái giám của cung Nhân Thọ đến điện Văn Hoa hỏi thăm rằng vì sao Hoàng thượng vẫn chưa đến hậu cung, rằng Thái Hoàng Thái hậu và Hoàng Thái hậu muốn mời Hoàng thượng đến ngắm đèn lồng, vân vân.
Đến lúc đó thì bị lộ tẩy. Bình thường hai vị Thái hậu rất hiếm khi chủ động tìm hoàng đế Chính Đức, song bởi đang dịp năm mới, hoàng thân quốc thích kéo vào đầy cung thăm viếng. Nhân lúc cao hứng, Thái Hoàng Thái hậu và Hoàng Thái hậu mới nhớ rằng Chính Đức rất ưa náo nhiệt, bèn sai người đi tìm.
Hoảng sợ đến hồn phi phách tán, Lý Đông Dương bèn tìm đến Dương Đình Hòa, hai người cùng tìm đến điện Văn Hoa, đầu tiên là động khẩu, kế đó liền động tay động chân. Thái giám lẫn thị vệ nghe ồn ào kéo đến, trông thấy ba vị đại học sĩ đang tiến hành “thi đấu quyền anh” mừng năm mới, bọn họ không biết phải khuyên can ai thế là đành đứng ngây ra đó cả.
Lý Đông Dương và Dương Đình Hòa không biết rốt cuộc Hoàng đế đã xảy ra chuyện gì, thực sự muốn phát điên lên. Ba đại học sĩ vứt sạch sự nho nhã: Tiêu Phương ăn phải một đấm của Dương Đình Hòa, râu thì bị Lý Đông Dương bứt đi mấy cọng; một cước của lão cũng khiến Lý Đông Dương suýt nữa bỏ mạng.
Thái Hoàng Thái hậu, Hoàng Thái hậu, Thái hậu, và đám công chúa, hoàng phi hay tin lập tức đều chạy lại. Tiêu Phương thấy không giấu giếm được nữa đành phải thưa thật; lại bảo rằng Hoàng đế đã hạ mật chỉ nên lão cũng không thể không tuân chỉ mà hành sự. Tam cung cả kinh, bọn họ cũng biết phái người tầm thường đi thì sẽ hoàn toàn không quản được Chính Đức, thế là bèn xua luôn cả ba đại học sĩ ra khỏi Bắc Kinh, đuổi gấp rút một ngày một đêm mới bắt kịp.
Lưu Đại Bổng Chùy dẫn hai mươi tay thiết vệ oai phong lẫm liệt xông đến phía cuối đoàn quân. Thiết kỵ sắp thành một hàng, hai mươi cây thương bạc chỉa xéo lên trời, Lưu Đại Bổng Chùy hông giắt bảo kiếm, tay cầm thiết côn, mặt mày dữ tợn.
Hắn từng nghe kể về Thượng Phương Bảo Kiếm trong lời kịch, nghe nói có vật ấy thì gặp chức quan nào mình cũng sẽ đều lớn hơn một cấp, thực oách quá đi. Hơn nữa cấp trên của hắn đã được trời định sẵn là võ tướng, hắn lại càng xem thường đám mọt sách này.
Lý Đông Dương thấy một đám thị vệ kéo đến, còn Chính Đức và Dương Lăng thì chẳng một ai lộ diện, không khỏi thầm nổi giận trong lòng.
Hoàng đế bí mật xuất kinh, hiện tại còn chưa khuyên được người trở về, lão cũng không dám tùy ý nói toạc ra, đành phải nén giận hô lớn:
- Dương Lăng, Dương tướng quân đang ở đâu? Bảo hắn ra gặp bản quan, bản quan có đôi lời muốn...
Lão chưa kịp dứt lời, Lưu Đại Bổng Chủy đã vung cây thiết côn lên trời một cách đắc thắng. Hắn rút xoạt thanh bảo kiếm từ trên đai lưng ra, giơ cao lên trời, quát một tiếng như sấm nổ, khiến ba đại học sĩ run cầm cập, thiếu chút nữa thì ngã khỏi ngựa.
Lưu Đại Bổng Chùy cố trợn thật to đôi mắt bé như hai hạt đậu xanh, cao giọng quát:
- Tuân thánh dụ, tuần biên kết thúc xong, tự nhiên rồng về biển lớn, gió êm biển lặng. Xin các vị đại nhân hãy yên tâm mà ở lại trong kinh xử lí công việc, chớ có nhớ mong!
Chú thích:
(1) nguyên văn "Quan phổ nhi" (官谱儿), "phổ nhi" nghĩa là tiêu chuẩn hoặc quy củ, trỏ những nghi lễ rườm rà chốn quan trường, nay thường dùng để châm biếm các buổi họp, lễ rườm rà và tốn kém của quan chức Trung Quốc.
(2) chỉ nam sủng vị thành niên, đối tượng tình dục cho những kẻ thích trẻ em nam (vừa ấu dâm vừa đồng tính luyến ái).