Chương 28
Tổng hành dinh CIA
Tin về tai họa ở Saint-Barthélemy bay về phòng điều hành đặt tại đại lộ King Saul trong vòng 5 phút sau khi Gabriel quay trở về với chiếc du thuyền Sun Dancer. Amos Sharrett, Tổng giám đốc, đang ngồi trong văn phòng trên lầu vào lúc đó và được báo cáo về tiến trình của vụ việc. Mặc dầu lúc đó đã muộn rồi, nhưng ông vẫn gọi điện cho Thủ tướng và kể cho ngài nghe vụ việc. Năm phút sau đó ông nhận được một cuộc gọi mật từ chiếc du thuyền Sun Dancer. Cuộc gọi không đi vào trung tâm điều hành mà vào đường dây riêng trong văn phòng của Adrian Carter ở tầng bảy. Carter đón nhận tin tức một cách bình thản, y như các việc khác, anh nghịch với cái kẹp giấy trên bàn khi Gabriel đưa ra lời yêu cầu của mình. “Chúng ta có máy bay ở Miami ngay lúc này”, Carter bảo. “Máy bay có thể đáp ở Saint Maarten trước bình minh”.
Carter gác máy và nhìn về phía ti vi ở phía kia góc phòng. Tổng thống Mỹ đã đi châu u vài ngày để gặp tân Thủ tướng Đức. Bên ngoài cảnh sát tiến hành những trận chiến đường phố xuyên suốt thành phố Berlin để dập tắt những đám đông biểu tình chống Mỹ. Hai điểm đến còn lại gồm Pari và Roma cũng thế thôi. Cảnh sát Pháp đang gắng sức kiềm chế việc bạo động của những người theo đạo Hồi. Cảnh sát Ý đang ngăn chặn những cuộc biểu tình trên diện rộng chưa từng thấy trong một thế hệ qua ở Rome. Xem chừng khó mà đạt được sự hòa hợp về ý kiến và quyền lợi xuyên Đại Tây Dương mà nhóm người tạo dựng bộ mặt của Nhà Trắng đã hi vọng.
Carter tắt ti vi và cất tài liệu mật vào ngăn tủ, khóa lại rồi vớ lấy chiếc áo khoác mắc sau cửa và mặc vào. Mấy người thư kí đã về nhà, tiền sảnh im lìm trong bóng tối ngoại trừ một khe sáng từ căn phòng hé cửa ở phía đối diện. Cánh cửa dẫn vào văn phòng của Shepard Cantwell, Phó chánh văn phòng cơ quan tình báo, chức vụ tương đương với Carter trong bộ phận phân tích tình báo. Trong phòng vang lên tiếng lách cách của bàn phím máy vi tính. Cantwell vẫn còn ở đó. Theo như những người có đầu óc dí dỏm bên phân tích tình báo thì Cantwell chưa bao giờ rời khỏi phòng làm việc của mình. Khi đêm xuống, ông ta nhốt mình vào cái tủ tường bằng sắt và tự thả mình ra lúc bình minh để kịp có mặt ở bàn làm việc khi Chánh văn phòng đến.
“Phải anh không Adrian?”. Cantwell hỏi bằng cái giọng lè nhè. Khi Carter đưa đầu vào cái ‘chuồng’, Cantwell ngừng gõ và ngước mắt nhìn lên, trước mặt là một chồng hồ sơ. Trông ông ta nghiêm nghị một mà láu lỉnh thì đến hai. “Lạy Chúa, Adrian, trông anh như xác chết biết đi ấy. Anh buồn phiền vì việc gì vậy?”
Khi Carter lúng túng về sự hỗn độn quanh chuyến công du đầy thiện chí của ngài Tổng thống, Cantwell bắt đầu dài dòng văn tự về những nguy cơ giả tạo của chủ nghĩa chống Mỹ. Cantwell chỉ phân tích, ông ta không giúp gì được.
“Adrian à, cái nhu cầu lố bịch vừa muốn có quyền lực vừa được yêu thương của chúng ta luôn cuốn hút tôi. Ngài Tổng thống Mỹ đi nửa vòng trái đất và lật đổ tên chuyên quyền ở Minipotamia chỉ trong một buổi chiều. Ngay cả Caesar cũng chẳng làm nổi việc ấy. Bây giờ Tổng thống lại muốn được chính những kẻ chống đối ủng hộ mình. Càng sớm thôi lo lắng về chuyện được yêu thích hay không thì chúng ta càng thấy hạnh phúc và thỏa mãn hơn đấy”.
“Anh lại đọc Machiavelli nữa hả Shep?”
“Tôi chưa bao giờ ngừng đọc”. Ông đan các ngón tay lại để sau gáy rồi lại dang khủy tay ra để tránh Carter nhìn thấy nách của mình. “Có một tin đồn ác ý đang lan truyền trong vùng đấy”.
“Thật à?”. Carter liếc nhìn đồng hồ đeo tay, Cantwell có vẻ không để ý đến cử chỉ này lắm.
“Theo như tin đồn thì anh có liên quan đến vài hoạt động đặc biệt nào đó chống lại một anh bạn giàu có người Arập Xêút . Và đối tác của anh trong vụ này là, tôi chỉ nói điều tôi nghe thấy thôi Adrian à, những người Do Thái”.
“Anh không nên nghe những tin đồn đó. Thế nó đồn đi bao xa rồi?”. Carter hỏi.
“Xa hơn Langley”. Cantwell trả lời. Có nghĩa là lời đồn đã đến tai các cơ quan khác và nhanh chóng xâm lấn đến bề mặt của CIA, lần đầu tiên kể từ sự cải tổ đáng sợ của cộng đồng tình báo Mỹ.
“Xa thế nào?”
“Đủ xa để vài người trong thị trấn bắt đầu thấy bất an. Anh biết quy luật của cuộc chơi mà, Adrian. Có một đường ống giữa Riyadh và Washington, và tiền mặt chảy đầy qua đó. Vùng này đang bị cuốn đi bởi con sóng tiền của người Arập Xêút. Nó đổ vào cơ quan lập pháp và các công ty luật. Mẹ kiếp, bọn vận động hành lang đi ăn tối bằng số tiền ấy đấy. Người Arập Xêút thậm chí còn thành công trong việc tạo ra một hệ thống để hối lộ chúng ta trong khi ta vẫn còn tại chức. Mọi người biết rằng nếu không ‘canh chừng’ bọn Arập Xêút ấy khi họ còn làm việc cho Cục Dự trữ Liên bang thì chúng cũng sẽ ‘canh chừng’ họ khi họ làm ăn trong lĩnh vực tư nhân thôi. Có lẽ là ở dạng hợp đồng tư vấn sinh lợi hay việc hợp pháp nào đó. Có lẽ là một cái ghế ở viện nghiên cứu tẻ nhạt nào đó có liên quan đến băng đảng Arập Xêút. Và vì thế khi tin đồn lan truyền rằng ‘một gã cao bồi’ ở Langley đang chạy theo một hội những nhà hảo tâm rộng lượng thuộc hệ thống tội lỗi này, người ta dễ bồn chồn lắm chứ”.
“Anh có nằm trong số đó không Shep?”
“Tôi ấy à?”. Cantwell lắc đầu. “Tôi sẽ trở lại Boston ngay khi tôi được ‘phóng thích’. Nhưng có những người khác trong tòa nhà này đang dự định đi chơi vòng quanh phố xá và tiêu tiền như nước đấy”.
“Nếu những nhà hảo tâm rộng lượng trong hệ thống tội lỗi ấy cũng đang chất xác những tên lái máy bay đâm thẳng vào các tòa cao ốc của chúng ta vào quan tài thì sao? Nếu như những người bạn này của chúng ta chán khủng bố đến tận cổ thì sao? Nếu như chúng sẵn sàng thỏa hiệp với quỷ dữ bằng bất cứ giá nào để bảo đảm sự sống còn của chúng, thậm chí là xác chết của dân Mỹ thì sao?”
“Thì anh bắt tay và mỉm cười chứ sao”. Cantwell trả lời. “Và anh coi chủ nghĩa khủng bố như thể loại thuế phụ thu bất cập cho lần đổ xăng kế tiếp của anh. Anh vẫn lái chiếc Volvo cũ đấy chứ?”
Cantwell biết rõ Carter lái xe gì vì phần chỗ đậu xe của hai người kế bên nhau. “Tôi không đủ khả năng mua xe mới. Làm sao dư tiền khi phải nuôi ba đứa con đang còn đi học cho được?”
“Có lẽ anh nên đăng kí cho kế hoạch về hưu của bọn Arập Xêút. Tôi thấy một hợp đồng tư vấn sinh lợi trong tương lai của anh đấy”.
“Đó không phải kiểu sống của tôi Shep à”.
“Thế còn tin đồn thì sao? Có tin nào là thật không?”
“Không có tin nào thật hết”.
“Rất vui khi nghe anh xác nhận như thế. Tôi sẽ nhắn nhủ lại với mọi người. Chúc ngủ ngon, Adrian”.
“Ngủ ngon, Shep”.
Carter đi xuống lầu. Bãi giữ xe gần như trống. Carter bước lên chiếc Volvo của mình và chạy thẳng đến khu Tây Bắc Washington, theo đúng con đường ông ta và Gabriel đã đi tám tuần trước đó. Khi chạy ngang qua khu bất động sản của Zizi al-Bakari, ông cho xe chạy chậm lại và nhìn qua thanh chắn cổng lên vách núi, nơi điền trang toạ lạc với mặt chính quay ra sông. Đừng có đụng đến cô ấy, Carter cáu kỉnh. Đụng đến một sợi tóc trên đầu cô ấy thôi, tao sẽ tự tay giết mày. Chạy đến cầu Chain, ông nhìn vạch xăng trên bảng điều khiển xe. Vạch đỏ. Thật đúng lúc, ông nghĩ. Bình xăng gần như cạn hẳn.
***
Cùng lúc đó, chiếc du thuyền Sun Dancer lượn quanh Grande Pointe và quay trở về nơi thả neo ở Gustavia. Gabriel ngồi một mình trên thành tàu, cặp kính áp sát mắt, nhìn phía đuôi con tàu Alexandra, nơi nhân viên đang vội vã chuẩn bị buổi ăn tối cho ba mươi người. Gabriel thấy họ như những nhân vật trong một bức tranh. Anh ta bắt đầu đặt tên. Bữa tiệc trên tàu hay Bữa tối cuối cùng nhỉ?
Kia là Zizi, ngồi như một vị vua ở đầu bàn, như thể mọi sự kiện xảy ra trong buổi ăn tối chỉ là trò tiêu khiển mở đầu cho một chuyến du hành, mà nếu không có trò tiêu khiển ấy thì chuyến đi này sẽ đơn điệu nhàm chán làm sao. Bên trái hắn là cô con gái xinh đẹp Nadia. Bên phải hắn là chỉ huy thứ hai Daoud Hamza đang ngồi chọc nĩa vào thức ăn với dáng vẻ không ngon miệng cho lắm. Phía kia bàn là các luật sư, Abdul & Abdul, và Herr Wehrli, người trông coi tài sản của Zizi. Kia là Mansur, người sắp xếp các chuyến du lịch; Hassan, chuyên về truyền thông, bảo mật và những việc khác đại loại như thế. Rồi đến Jean-Michel, người chăm sóc thân thể cân đối của Zizi và cũng là một vệ sĩ bổ sung của ông trùm, kế bên là Monique, cô vợ mặt sưng mày sỉa của hắn. Có Rahimah Hamza và người tình của Hamid - ngôi sao điện ảnh Ai Cập xinh đẹp. Có nhóm tứ tấu gồm bốn gã vệ sĩ mặt bồn chồn lo lắng và vài cô gái quyết rũ với vẻ mặt vô tội. Ngồi ở góc xa đằng kia, rất xa so với tên trùm Zizi, là một người phụ nữ xinh đẹp trong bộ cánh bằng lụa màu vàng nghệ. Cô tạo nên sự cân bằng trong bố cục của bức tranh. Cô vô tội trước tội ác khủng khiếp của Zizi. Gabriel có thể thấy vẻ mặt sợ hãi đến cực độ của cô. Gabriel biết mình đang chứng kiến một buổi trình diễn. Nhưng buổi trình diễn này có lợi cho ai? Hắn ta hay Sarah?
Nửa đêm, các nhân vật trong bức tranh đứng dậy và chúc nhau ngủ ngon. Sarah biến mất qua hành lang và Grabiel mất dấu cô một lần nữa. Zizi, Daoud Hamza, và Wazir bin Talal đi vào phòng Zizi. Gabriel nghĩ ra một bức tranh mới: Cuộc hẹn của ba con quỷ, không biết họa sĩ là ai.
Năm phút sau Hassan chạy vào văn phòng và đưa cho Zizi chiếc điện thoại di động. Ai đang gọi hắn? Có phải là một trong những tên môi giới của Zizi xin hướng dẫn nên chọn vị trí nào cho buổi khai trương thương mại ở Luân Đôn không? Hay là Ahmed in Shafiq, kẻ sát nhân những người vô tội, nói cho Zizi biết nên xử cô gái của Gabriel như thế nào?
Zizi nhận điện thoại và vẫy tay gọi Hassan đi ra ngoài. Wazir bin Talal, tên phụ trách an ninh, đi đến cửa sổ và hạ tất cả màn xuống.
Sarah nhìn qua cửa cái và bật tất cả đèn sáng trong phòng. Cô bật truyền hình vệ tinh lên và chuyển ngay sang kênh CNN. Cảnh sát Đức xô xát với những người phản đối Mỹ trên phố. Thêm chứng cứ về thất bại của Mỹ ở Irắc, theo lời người phóng viên hụt hơi trên đài.
Cô đi ra boong tàu và ngồi xuống. Chiếc thuyền buồm nhẹ cô quan sát kể từ khi rời bến cảng trưa hôm nay đã quay trở lại. Có phải là thuyền của Gabriel không nhỉ? Bin Shafiq còn sống hay chết? Cô chỉ biết rằng có chuyện gì đó tồi tệ đã xảy ra. Những chuyện như thế này thỉnh thoảng cũng xảy ra, Zizi đã từng nói. Đó là lí do tại sao chúng ta phải coi trọng vấn đề an ninh.
Sarah cứ nhìn chiếc thuyền buồm chằm chằm, tìm kiếm bất cứ dấu hiệu nào của sự chuyển động trên boong tàu ấy, nhưng nó ở quá xa đến nỗi cô chẳng thấy gì. Chúng tôi ở ngay đây với cô Sarah à. Tất cả chúng tôi. Gió thốc lên. Cô vòng tay ôm đầu gối vào sát người mình, ngồi co ro.
Tôi hi vọng tất cả các bạn vẫn còn ở đó, cô nghĩ. Và làm ơn, hãy cứu tôi khỏi chiếc tàu này trước khi họ giết tôi.
Một lúc sau, cái lạnh làm cô muốn đi ngủ. Cô thức dậy vào một buổi bình minh xam xám và mưa nhẹ hạt trên nóc boong tàu. Ti vi vẫn bật; ngài Tổng thống đã đến Pari. Place de la Concorde trở thành một biển người biểu tình phản đối. Sarah bốc điện thoại lên và gọi cà phê. Đúng năm phút sau có người đem cà phê tới. Mọi thứ đều nguyên vẹn như cũ, ngoại trừ tấm giấy viết tay nhỏ được gấp làm đôi và đặt kế bên rổ bánh mì ngọt của cô. Tin nhắn từ Zizi. Tôi có công việc cho cô đây Sarah. Dọn đồ đạc và sẵn sàng rời khỏi đây lúc 9 giờ nhé. Chúng ta sẽ nói chuyện trước khi cô rời tàu. Sarah rót một cốc cà phê và đứng uống ngoài ban công. Lúc đó cô mới để ý rằng chiếc Alexandra đã rời Saint Bart và đang lướt trên biển. Cô nhìn tờ giấy của tên trùm một lần nữa. Nó không cho biết cô sẽ đi đâu.
Chương 29
Rời Saint Maarten
Sarah trình diện ở đuôi sau boong tàu đúng lúc 9 giờ. Trời bắt đầu mưa nặng hạt. Mây đen và gió mạnh mặc nhiên đùa giỡn với biển. Zizi mặc áo mưa màu lam nhạt và đeo kính đen dù thời tiết rõ ràng là rất u ám. Bin Talal đứng bên cạnh tên trùm.
“Không trễ một phút nào cả”. Sarah nói chuyện một cách thân thiện. “Đầu tiên là dọa nổ bom, rồi một tờ ghi chú nhỏ bảo dọn đồ đạc kẹp trong bữa ăn sáng của tôi”. Cô nhìn về phía khoảng trống dành cho máy bay lên thẳng và thấy phi công của Zizi đang trèo lên buồng lái chiếc Sikorsky. “Tôi phải đi đâu đây?”
“Tôi sẽ nói cho cô biết trên đường đi”. Zizi trả lời, nắm lấy tay cô.
“Ông sẽ đến đó với tôi chứ?”
“Chỉ đến Saint Maarten thôi”. Hắn kéo cô về phía cầu thang dẫn lên sân bay. “Có một chiếc phản lực dành riêng cho cô ở đấy”.
“Chiếc phản lực ấy chở tôi đi đâu?”
“Đến chỗ bức tranh. Tôi sẽ nói cho cô rõ trên đường đến đó”.
“Bức tranh ở đâu, ông Zizi?”
Hắn dừng lại giữa đường đến bậc thang và nhìn cô, đôi mắt giấu sau cặp kính đen.
“Việc đó có phiền cô lắm không Sarah? Cô có vẻ căng thẳng quá”.
“Tôi chỉ không thích việc lên máy bay mà chẳng biết mình sẽ được đưa tới đâu”.
Tên trùm mỉm cười và bắt đầu nói với cô, nhưng lời hắn nói bị chìm lỉm bởi tiếng động cơ rú rít của chiếc Sikorsky.
Lúc chiếc trực thăng cất cánh, Gabriel đang đứng trên thành tàu Sun Dancer. Anh quan sát nó chốc lát rồi chạy vội đến đài chỉ huy chỗ viên Đại úy hải quân đứng lái.
“Chúng chuyển cô ấy đến Saint Maarten rồi. Chúng ta cách bờ bao xa vậy đại úy?”
“Khoảng năm dặm”.
“Mất bao nhiêu thời gian mới tới được đó?”
“Thời tiết mà cứ như thế này, tôi đoán khoảng 30 phút. Có thể ít hơn”.
“Còn mấy chiếc Zodiac thì sao?”
“Anh sẽ không muốn thử chiếc Zodiac nào đâu, nhất là với tiết trời này”.
“Vậy đưa chúng tôi gần đến đó, càng nhanh càng tốt”.
Người Đại úy hải quân gật đầu và chuyển hướng tàu. Gabriel đi đến trung tâm chỉ huy gọi điện cho Carter.
“Cô ấy đang bị dẫn đến sân bay ở Saint Maarten”.
“Cô ấy đi một mình à?”
“Không, Zizi và tên đội trưởng an ninh đi với cô ấy”.
“Anh mất bao nhiêu thời gian để đến đó?”
“45 phút đến bờ. Thêm 15 phút đến sân bay”.
“Tôi sẽ cho phi hành đoàn sẵn sàng cùng với chiếc máy bay khi anh đến nơi”.
“Hiện thời tôi chỉ cần biết Zizi đưa cô ấy đi đâu”.
“Nhờ bọn al-Qaeda mà giờ đây chúng ta kiểm soát được tất cả các tháp điều khiển giao thông ở nửa bán cầu này. Khi gã phi công của tên Zizi lên kế hoạch bay, chúng ta sẽ biết nơi cô ấy tới”.
“Mất bao lâu?”
“Thường thì chỉ khoảng vài phút”.
“Tôi chắc là mình không cần phải nhắc lại với ông rằng càng nhanh càng tốt”.
“Cứ lên bờ đi. Tôi sẽ lo hết mọi chuyện còn lại”.
“Đó là Manet”.
Zizi nói khi họ khi họ lướt về phía đường bờ biển dưới những đám mây xám. “Tôi đã để ý đến nó nhiều năm rồi. Tên chủ rất miễn cưỡng khi phải xa nó nhưng tối hôm qua hắn gọi điện cho tôi từ Geneva và bảo rằng hắn muốn thỏa thuận”.
“Thế ông muốn tôi làm gì?”
“Xem xét bức tranh cho kĩ và chắc chắn rằng nó vẫn còn ở trong tình trạng chấp nhận được. Rồi kiểm tra lai lịch nguồn gốc của nó thật kỹ càng. Tôi chắc cô cũng biết về hàng ngàn bức tranh theo trường phái Ấn tượng Pháp đã tuồn sang Thụy Sĩ trong thời chiến dưới hình thức nhập lậu. Điều cuối cùng tôi không bao giờ muốn là một gia đình Do Thái nào đó đập cửa nhà tôi đòi lấy lại bức tranh”.
Sarah cảm thấy nỗi sợ đang gõ nhịp trong ngực mình. Cô quay đi và nhìn ra cửa sổ.
“Nếu việc kiểm tra diễn ra thuận lợi?”
“Chọn một cái giá cho phù hợp. Tôi sẽ sẵn sàng cho 30 triệu, nhưng lạy Chúa, đừng ra giá đó nhé”. Hắn đưa cô một cái danh thiếp có viết số bằng tay ở phía sau. “Khi cô đàm phán được giá cuối cùng, gọi cho tôi trước khi cô đồng ý với giá đó”.
“Tôi gặp hắn lúc mấy giờ?”
“Mười giờ sáng mai. Một tên tài xế của tôi sẽ đón cô ở sân bay tối nay và đưa cô đến khách sạn. Cô có thể ngủ một giấc thật ngon trước khi đi xem bức tranh”.
“Tôi có cần phải biết tên người chủ của bức tranh không?”
“Hermann Klarsfeld. Hắn là một trong những người giàu nhất ở Thụy Sĩ, điều đó cũng nói lên được chút gì về hắn đấy. Tôi đã cảnh báo hắn rằng cô rất đẹp và hắn rất trông đợi được gặp mặt cô”.
“Tuyệt”. Sarah vẫn nhìn qua cửa sổ khi sắp tới bờ biển.
“Herr Klarsfeld là một lão già tám mươi. Cô không cần phải lo lắng về bất cứ hành vi sàm sỡ nào đâu”.
Zizi nhìn bin Talal. Tên đội trưởng an ninh vớ tay xuống phía dưới ghế của mình và lôi ra cái giỏ Gucci mới. “Đồ đạc của cô đây, cô Sarah”. Giọng hắn có vẻ hối lỗi. Sarah nhận cái giỏ và mở ra. Trong giỏ là những vật dụng điện tử từ hôm cô đến, gồm chiếc điện thoại di động, PDA, iPod và máy sấy tóc; thậm chí cả đồng hồ báo thức. Không gì còn để lại trên Alexandra cho thấy cô đã từng ở đó.
Chiếc trực thăng bắt đầu hạ cánh. Sarah nhìn ra ngoài của sổ thêm một lần nữa và thấy rằng họ đang đáp xuống sân bay. Ở cuối đường băng là một loạt các máy bay phản lực cá nhân. Một chiếc đang được nạp nhiên liệu chuẩn bị cất cánh. Zizi lại ca tụng sự giàu có của Herr Klarsfeld, nhưng Sarah không để tai bất cứ lời nào. Cô bị ép lên chiếc trực thăng để rồi bị quên lãng. Giờ cô chỉ nghĩ đến chạy trốn. Chẳng có Herr Klasfeld nào hết, cô tự nhủ. Cũng không có Manet nào hết. Cô nhớ Zizi đọc kinh tạ ơn vào buổi trưa cô nhận làm việc cho chúng. Như cô thấy, tôi rất rộng lượng với những người làm việc cho mình, nhưng tôi rất giận những người phản bội mình. Cô đã phản bội hắn. Cô phản bội hắn vì Gabriel. Giờ cô phải trả giá bằng chính mạng sống của mình. Đó là luật của Zizi.
Sarah nhìn xuống sân bay, tự hỏi có khi nào Zizi để một khe hở cho cô trốn thoát không. Chắc rằng sẽ có nhân viên hải quan kiểm tra hộ chiếu của cô. Cũng có thể có một nhân viên sân bay hoặc một hai cảnh sát. Cô ôn lại những điều sẽ nói với họ. Tên tôi là Sarah Bancroft. Tôi là công dân Mỹ. Những người đàn ông này đang cố gắng đưa tôi đến Thụy Sĩ trái với ý nguyện của tôi. Rồi cô nhìn Zizi và tên trưởng an ninh của hắn. Ông đã tính toán đến viễn cảnh ấy chứ gì. Ông đã mua chuộc hết các nhân viên hải quan và hối lộ bọn cảnh sát. Zizi không thích trì hoãn điều gì, đặc biệt là đối với một phụ nữ không theo đạo Hồi.
Bánh xe trực thăng của chiếc Sikorsky cán trên nên đường nhựa lổn nhổn đá. Bin Talal mở cửa buồng trực thăng và trèo xuống, rồi đưa tay đón Sarah. Cô nắm tay hắn và bước xuống cầu thang trong cơn gió xoáy cuộn. Cách trực thăng khoảng 5 mét có một chiếc Falcon 2000 đang đợi, tiếng máy gào thét chuẩn bị cất cánh. Sarah nhìn quanh: không có nhân viên hải quan, không có cảnh sát. Zizi đã chặn ngay con đường duy nhất của cô. Sarah nhìn vào cabin của chiếc Sikorsky và nhìn Zizi lần cuối. Tên trùm vẫy tay thân ái với cô rồi đưa mắt xuống chiếc đồng hồ Rolex bằng vàng như nhà vật lí học đang định thời gian chết.
Bin Talal tóm lấy đống túi xách của Sarah rồi kéo tay cô đến thẳng chiếc Falcon. Khi bước trên bậc thang lên máy bay, cô cố dằn tay ra khỏi hắn nhưng hắn nắm cứng bắp tay cô và kéo cô lên các bậc thang. Sarah la hét kêu cứu nhưng tiếng kêu của cô lọt thỏm trong tiếng động cơ máy bay và tiếng đập phành phạch của cánh quạt.
Sarah cố gắng phản kháng thêm một lần nữa khi đã ở trên bậc thang cuối cùng, bin Talal đẩy vai cô một cách thô bạo vào trong cabin. Cô ngã dúi dụi vào cái cabin sang trọng được trang trí bằng gỗ đánh bóng và da thuộc mềm màu vàng nâu. Nó nhắc cô nhớ đến cỗ quan tài. Ít nhất chuyến đi đến lãng quên này sẽ khá là thoải mái. Cô gom chút sức lực còn lại húc vào người gã Arập Xêút như thể cô sắp nổi khùng lên. Lúc này, không còn thấy khung cảnh phía bên ngoài nữa, không còn phải thận trọng trong phản ứng nữa. Hắn tát cô một cái nảy lửa vào má phải, cô té lăn trên sàn cabin. Bọn Arập Xêút rất biết cách cư xử với phụ nữ nổi loạn.
Sarah nghe thấy tiếng vang vọng trong tai và một khắc sau mắt cô nổ đom đóm. Khi thị lực đã rõ hơn, cô thấy Jean-Michel đang đứng trước mặt mình, chùi tay vào cái khăn linen. Gã người Pháp ngồi trên chân cô và chờ cho đến khi bin Talal trói chặt hay hai cô xuống sàn trước khi chuẩn bị ống tiêm dưới da cho cô. Sarah cảm thấy vết chích đau nhói, kim loại hoá lỏng chảy vào tĩnh mạch cô. Da mặt của Jean-Michel bắt đầu tuột xuống khỏi hộp sọ của hắn, rồi Sarah trượt xuống phía dưới bề mặt của một vùng nước đen và lạnh.