Người Giải Mã Tử Thi

Chương 24: Chương 24: Vụ Án Thứ Chín – Linh Hồn Dạo Chơi Trên Quốc Lộ Phần 2




Không chỉ người cảnh sát mà ngay cả tôi cũng lấy làm ngạc nhiên. Muốn bắt đầu tiến hành điều tra hình sự thì phải phát hiện được dấu hiệu phạm tội. Sau vài giờ giải phẫu, tuy đã thấy vài vết thương, nhưng cũng không thể hoàn toàn khẳng định đây không phải tai nạn giao thông, ít nhất là tôi nghĩ thế.

“Ngài xác định đây là một vụ án mạng sao?” Người cảnh sát rụt rè hỏi.

“Có thể loại trừ khả năng tai nạn giao thông, hẳn là tổn thương do bị tấn công trực tiếp. Vậy nên tôi cho rằng đây là một vụ án mạng.” Thái độ đanh thép của sư phụ lại được thể hiện, “Đi thôi, chúng ta tới phòng họp, tôi muốn giới thiệu vài điều vừa phát hiện được trong quá trình khám nghiệm.”

Trong phòng họp, các thành viên của đội hình sự đều mang vẻ mặt tập trung nghiêm túc. Mỗi khi xảy ra một vụ án mạng, mọi người đều cảm thấy trên vai mình phải gánh trách nhiệm vô cùng nặng nề. Ai đã từng làm cảnh sát hình sự một thời gian dài sẽ không bao giờ muốn bỏ nghề. Dù cảnh sát hình sự là công việc kham khổ nhất, vất vả nhất, nguy hiểm nhất, nhưng một lần làm cảnh sát hình sự thì luôn nguyện lòng làm cảnh sát hình sự cả đời. Bởi vậy lúc đối mặt với một vụ án, người cảnh sát vừa lo lắng vì những khó khăn sẽ phải trải qua, vừa hào hứng trước thử thách sắp tới.

“Tổn thương trên thi thể chủ yếu tập trung vào vùng đầu và tay chân.” Sư phụ chiếu hình ảnh lên, chậm rãi nói, “Tuy rằng các bác sĩ đã tháo một phần xương sọ trước trán trong quá trình cấp cứu cho Lý Giải Phóng, hiện nay mảnh sọ đó vẫn chưa được bệnh viện đưa đến, vì thế không thể nhìn rõ dạng gãy xương ở mảnh sọ trước trán, nhưng chúng tôi nhìn phim chụp CT thì thấy đây là một vết gãy hình nhánh, rạn vỡ, không lõm, không dập nát. Dạng gãy xương như vậy rất ít gặp trong các vụ tai nạn giao thông, thực tế là thường thấy ở các vụ bị tấn công trực tiếp hoặc ngã dẫn đến xương sọ bị biến dạng.”

“Như ngài nói, gãy xương kiểu này là tổn thương do bị tấn công trực tiếp hoặc bị ngã. Vậy tại sao lại loại trừ khả năng người này bị ngã?”

“Chúng tôi biết điều đó. Để phân biệt giữa ngã và trực tiếp tấn công, chúng tôi chủ yếu là dựa vào tổn thương va đập đối xứng. Tổn thương va đập đối xứng là chỉ trường hợp khi có lực tác động lên đầu, thì vỏ não tương xứng phía bên kia sẽ bị bầm tím. Ví dụ như phần sau đầu bị va chạm, vỏ não trước trán sẽ bầm tím, mà da đầu và xương sọ chỗ đó lại không có tổn thương. Hiện tượng đó là do chuyển động trong đầu tiếp nhận một lực mạnh từ bên ngoài, khiến cho chuyển động sẽ đột ngột chững lại. Chuyển động kiểu ấy xuất hiện khi bị ngã hoặc va chạm.” Sư phụ giải thích rất chặt chẽ, từ ngữ còn chuẩn xác hơn sách vở, “Trong vụ án này, phần não trước trán của người chết bầm tím, xung quanh xuất huyết, nhưng trên da đầu, xương sọ cùng não ở phần tương ứng phía sau lại không có tổn thương. Có thể thấy đây không phải tổn thương va đập đối xứng.”

“Chẳng lẽ cứ không có tổn thương va đập đối xứng là khẳng định do tấn công trực tiếp ư?” Đội hình sự vẫn hoài nghi trước đánh giá tính chất vụ án của sư phụ.

“Nhìn bên ngoài phần đầu của thi thể thì không thấy có tổn thương.” Sư phụ chiếu bức ảnh chụp thẳng mặt thi thể lên, “Nhưng khi chúng ta quan sát kỹ sẽ thấy phần da chính giữa trán hơi đổi màu, mà phần da này lại vừa đúng chỗ có vết gãy xương sọ kia. Mặc dù dưới da đầu đã bị chảy máu diện rộng do phẫu thuật cấp cứu, bởi vậy không thể nhìn xem có dấu vết tác động từ bên ngoài hay không, nhưng chúng tôi đã cẩn thận cắt phần da bị đổi màu này ra, sau khi quan sát các tầng da sẽ thấy tầng da giữa có chảy máu. Kiểu chảy máu như vậy đều hình thành do có lực mạnh đè ép lên da.”

“Ừm, ngài nói rất có lý, tôi không phải người trong nghề cũng biết rằng tổn thương kiểu đó hình thành do lực mạnh từ bên ngoài trực tiếp tác động vào.” Đội trưởng đội hình sự nói tiếp, “Nhưng vì sao lại loại bỏ khả năng xe trực tiếp va chạm? Nếu một bộ phận nào đó của xe va trực tiếp vào đầu, chẳng phải cũng sẽ để lại tổn thương như thế sao?”

Sư phụ đáp: “Việc này phải nói trên hai phương diện. Thứ nhất là suy đoán về công cụ gây ra vết thương, lát nữa tôi sẽ nói về mặt này sau. Phương diện còn lại đủ để chứng minh vụ này không phải do xe xô, đó chính là dạng tổn thương trong tai nạn giao thông. Trong các vụ tại nạn giao thông thường sẽ hình thành tổn thương lần thứ hai. Tổn thương lần thứ hai chính là tổn thương do va chạm, té ngã. Nói đơn giản, sau khi bị xe va vào đầu, người ta sẽ ra sao?”

“Ngã văng ra sau.”

“Đúng, nếu ngã ra sau, như vậy thân thể sẽ lại va chạm vào một chỗ khác, đó là tổn thương lần thứ hai.” Sư phụ tràn ngập tự tin nói: “Trong vụ án này, phần trước đầu thi thể có thương tích, nhưng gáy và lưng lại không có tổn thương, việc ấy không phù hợp với đặc điểm của các vụ tai nạn giao thông.”

Toàn bộ những người trong phòng họp đều gật đầu lia lịa, mọi người bắt đầu bị sư phụ thuyết phục, cùng đồng tình với quan điểm của sư phụ.

“Mặt khác, chúng tôi đã kiểm tra khớp xương trên tay chân của thi thể.” Sư phụ tiếp tục chiếu hình ảnh lên, “Chúng ta đều biết, trong các vụ tai nạn giao thông, người bị va phải sẽ bị ngã, lăn…, vì vậy khớp xương ở tay chân cũng dễ dàng bị thương. Nhưng ở vụ án này, tuy khớp xương đầu gối của Lý Giải Phóng đều chảy máu, khớp dưới xương bánh chè cũng chảy máu nghiêm trọng, nhưng khớp xương khuỷu tay lại không thấy chảy máu. Chẳng lẽ người này bị xe đụng văng ra sau, nhưng chỉ dùng để đầu gối chạm đất còn tay thì bay lên không sao? Gã ta đâu phải diễn viên xiếc.”

Sư phụ nói xong rồi cười lạnh lẽo, cả phòng không ai cười, mọi người đều chăm chú suy nghĩ.

“Không chỉ vậy, chúng ta cũng biết, đối với tai nạn giao thông thì nơi va chạm thường là xe và mặt đất, đây đều là những thứ có bề mặt thô ráp.” Sư phụ chỉ nền xi măng, “Con người nếu tiếp xúc với mặt đất trong tình trạng lăn nhanh, lôi kéo, té ngã… đều sẽ bị trầy da. Mà thi thể trong vụ này lại không bị trầy xước gì cả.”

Ngay cả tôi cũng không chú ý tới chi tiết này. Sư phụ nhanh chóng đổi ảnh chụp, xem xét từ mặt ngoài da của thi thể, quả thật không hề có trầy da hoặc bầm tím.

“Nghe ngài nói, chúng tôi cũng cho rằng đây thực sự là một vụ tấn công trực tiếp vào đầu dẫn đến hôn mê sâu, sau đó ném thi thể ra đường.” Đội trưởng đội hình sự tiếp lời, “Nhưng vụ án kiểu này rất khó tìm manh mối, không biết chúng tôi nên bắt đầu từ đâu đây?”

“Bây giờ chúng ta bàn đến công cụ gây ra vết thương. Như vừa nãy đã nói, tôi nhận định đây không phải tai nạn giao thông một phần là do công cụ gây ra vết thương.”

Dường như hỏi một đằng, sư phụ tôi lại trả lời một nẻo, điều đó khiến cho đội trưởng đội hình sự hơi lúng túng.

Lúc này tôi lặng đứng trầm tư suy nghĩ. Sau khi làm toàn bộ các bước kiểm tra, tôi cũng mơ hồ cảm thấy công cụ gây ra vết thương trong vụ án này không thuộc về bất cứ chiếc xe nào. Thế nhưng tôi lại chẳng thể giải thích một cách có căn cứ, kinh nghiệm của tôi cho thấy vật đó là vật mềm, nhưng vật mềm làm gãy xương sọ bằng cách nào?

“Mọi người nhìn đây, chỗ này dù gãy xương sọ nhưng tổn thương trên da lại rất nhẹ.” Sư phụ dùng bút laze chỉ vào ảnh chụp phần trán của thi thể, nói: “Ngoài bề mặt da không có dấu vết, không trầy da, tầng da dưới cũng không chảy nhiều máu. Nhưng tầng da giữa bị đè ép dẫn đến chảy máu, lại gãy xương sọ. Nhưng vậy công cụ gây thương tích là một vật thẳng, dễ cầm nằm, mềm dẻo, bề mặt trơn bóng, có lẽ là các loại côn, gậy.”

Chúng tôi nghe xong đều không hiểu rõ ràng.

“Ngài có thể nói rõ hơn không?” Đội trưởng đội hình sự gãi đầu.

“Thật ra bác sĩ pháp y chỉ có thể miêu tả về dạng công cụ gây thương tích, thực chất chúng tôi không có mặt ở hiện trường gây án, không nhìn thấy thứ mà tội phạm cầm trên tay, cho nên miêu tả như vậy mới thật khách quan. Nếu nói đích danh một công cụ nào đó, thì cũng chỉ là suy đoán.” Sư phụ cười, “Tuy nhiên, công cụ gây thương tích trong vụ án này tương đối đặc biệt. Tôi cho rằng dùi cui cao su của cảnh sát có đủ những nét đặc thù trên.”

Suy đoán táo bạo này không khiến cho mọi người vui mừng, trái lại không khí còn nặng nề hơn. Im lặng khoảng hai phút, đội trưởng đội hình sự nói: “Như ngài nói thì hung thủ là người trong ngành?”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.