Người Giải Mã Tử Thi

Chương 46: Chương 46: Vụ Án Thứ Mười Lăm – Rách Giời Rơi Xác Phần 1




*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

“Đây không phải vụ án xẻ xác.” Tôi nâng cánh tay lên, dụi mũi bằng khuỷu tay.

Ba giờ trước, tôi nhận được lời mời từ Cục công an thành phố Vân Thái, liền lái xe tới đó để giải quyết một vụ án xác phụ nữ không đầu.

Cái xác được phát hiện từ một ngày trước, khi công nhân vệ sinh đang làm sạch đường cống thoát nước. Thi thể phụ nữ ấy đã hoàn toàn bị sáp hóa, việc đó khiến cho công tác pháp y gặp nhiều khó khăn, bởi vậy Cục công an Vân Thái liền mời chúng tôi tham gia phá án.

So với lần đầu biết tới xác bị sáp hóa, lần này tôi đã có nhiều kinh nghiệm hơn. Thi thể mặc quần áo mùa đông, do mặc nhiều lớp áo quần, cộng thêm môi trường trong cống ẩm ướt và thiếu dưỡng khí, nên cái xác đã trải qua khoảng thời gian sáp hóa khá dài, không còn mềm mại nữa, toàn bộ thi thể đã bị khô quắt lại, như cục xà phòng lâu không sử dụng vậy.

Chúng tôi chật vật loại bỏ quần áo trên thi thể. Sau khi bị sáp hóa, cái xác được giữ gìn tương tối hoàn chỉnh, tuy hình thái đặc thù của da đã hoàn toàn biến mất, nhưng có thể thấy trên thi thể không có tổn thương nào quá rõ ràng. Do không thể phân biệt rõ các thành phần cấu tạo cơ thể, nội tạng cũng phân hủy gần hết, nên chúng tôi chỉ có thể tách dần các phần mềm đã bị xà phòng hóa, tiến hành tìm kiếm xương cốt trong nước bùn và các bộ phận đã xà phòng hóa.

“Đây không phải vụ án xẻ xác.” Tôi nói, “Bác xem này, ở đây có đủ bảy đốt sống cổ.”

Tôi vừa nói vừa lấy xương từ trong những phần còn lại của thi thể, sắp xếp thẳng hàng trên bàn giải phẫu.

Chi đội trưởng Hoàng đẩy kính mắt lên, chắp tay sau lưng nói: “Người ta bới bèo ra bọ, chú lại bới xác ra xương[1]”.

“Trong các vụ án xẻ xác mà đầu bị cắt rời, thường sẽ bị tách ở đốt sống cổ thứ ba hoặc thứ tư.” Tôi chỉ các đốt xương cổ. “Đốt sống cổ thứ nhất nối liền với lỗ lớn xương chẩm, vị trí rất sát, không thể cắt ở chỗ đó được.”

“Có lý, có lý.” Chi đội trưởng Hoàng gật đầu. Anh Hoàng là anh khóa trên của tôi, hơn tôi mười khóa, cũng xuất thân từ pháp y. Dù bây giờ làm chi đội trưởng cảnh sát, nhưng vẫn yêu thích nghề pháp y như trước, vậy nên anh thường tham gia công tác khám nghiệm pháp y khi phá án.

“Hơn nữa, xương cổ người này còn nguyên vẹn, không có dấu vết bị cắt.” Tôi nói.

“Nhưng cũng có nhiều vụ án xẻ xác khác, ví dụ hung thủ là bác sĩ ngoại khoa chẳng hạn, hắn sẽ cắt ở những đoạn khớp xương và sụn đệm cột sống.” Chi đội trưởng Hoàng nói, “Mười năm trước tôi từng gặp một vụ kiểu này, còn hơn cả quen tay.”

“Đương nhiên là em còn kết hợp với các yếu tố khác.” Tôi nói, “Vẫn có những hung thủ sau khi giết người liền mặc quần áo lại cho nạn nhân, nhưng chưa thấy hung thủ nào đã cưa xác ra còn mặc quần áo cho mấy mảnh xác. Vậy nên khi người này chết, hẳn là vẫn mặc bộ quần áo này đúng không?

Quần áo trên thi thể rách nát, không phải do nằm dưới cống trong thời gian dài, mà vốn dĩ người này đã mặc một bộ quần áo rách mướp.

“Nếu chết rồi bị cắt rời phần đầu, thì sẽ có một lượng máu lớn chảy ra từ mạch máu trên bề mặt cắt, vậy quần áo chắc chắn sẽ bị thấm máu.” Tôi vừa nói vừa cẩn thận kiểm tra cổ áo của người chết, “nhưng trên áo lại không có máu, nên em cho rằng trên người cô ấy không có vết thương hở.”

Chi đội trưởng Hoàng cũng nhìn đến quần áo của người chết, hỏi tiếp: “Xác định được nguyên nhân tử vong rồi chứ?”

Tôi lắc đầu đáp: “Điều kiện thi thể quá kém, nhưng có thể loại trừ khả năng chết do tổn thương cơ tính hoặc ngạt thở cơ tính. Xương móng của người này vẫn còn nguyên vẹn.”

Đột nhiên, tôi phát hiện ra một thứ trăng trắng, nhòn nhọn nằm lẫn trong đống da thịt trên bàn giải phẫu. Sau khi gạt hết đất bùn dính xung quanh thứ này ra, tôi hào hứng nói: “Xem này, là một chiếc răng.”

Răng xuất hiện trong vụ án có xác không đầu mang một ý nghĩa khác thường, vụ này cũng thế. Tôi dùng cồn cọ rửa cẩn thận, lau cho chiếc răng sáng bóng lên.

“Chân răng có màu hồng, là hiện tượng răng mân côi[2].” Tôi nói.

Răng mân côi là một phương pháp của ngành pháp y, thường dùng làm căn cứ phán đoán chết đuối. Tuy hiện nay có rất nhiều cơ quan pháp y trong nước phủ nhận mối quan hệ qua lại tất yếu giữa chết đuối và răng mân côi, nhưng từ nhiều năm công tác trong ngành pháp y, tôi phát hiện răng mân côi cũng có ý nghĩa tham khảo nhất định đối với việc phán đoán các vụ chết đuối.

“Có thể là chết đuối”. Tôi nói, “Nhìn tình trạng mòn của răng, người chết hẳn là chưa đến 35 tuổi, vì chỉ có một hai điểm ngà răng[3].”

“Nếu không phải xẻ xác, thì đầu của người này đâu?” Chi đội trưởng Hoàng hỏi, “Ý chú là cái đầu tự rơi ra sao?”

“Vâng.” Tôi gật đầu, “Sau khi thi thể bị xà phòng hóa vẫn tiếp tục phân huỷ, dẫn đến việc các phần mềm đã sáp hóa gãy rời ra, không có gì giữ cho phần thân và phần cổ gắn liền với nhau. Vì thân nặng đầu nhẹ nên có thể phần đầu đã bị nước trong cống cuốn trôi, hoặc là bị công nhân vệ sinh dọn đi mà không hay biết.”

“Năm nay ở đây mưa to lũ lớn, nên khả năng cái đầu bị nước cuốn đi là rất cao.” Chi đội trưởng Hoàng nói, “Có lẽ thi thể này bị vùi tương đối sâu, nhưng vì mưa to nước lớn cuốn trôi hết lớp bùn bên trên, nên đến năm nay công nhân vệ sinh mới tìm thấy cái xác. Hiện giờ điều chúng tôi quan tâm là thời điểm tử vong của người này, để có thể tìm được nguồn gốc thi thể”.

Tôi lấy từ cái xác một đoạn xương sườn, nói: “Anh xem này, lớp xương cứng trên xương sườn đã phân hủy gần hết, các xương khác cũng bị bong tróc lớp xương cứng, chứng tỏ người chết đã nằm trong môi trường ẩm ướt như thế hơn ba năm rồi.”

“Ý cậu là khoảng trước mùa đông năm 2006?” Chi đội trưởng Hoàng hỏi: “Trước năm 2006, phạm vi có rộng quá không? Có thể phán đoán là khoảng năm nào chứ?”

Tôi lắc đầu đáp: “Sợ rằng khó mà nói được.”

“Quần áo của người này chất lượng rất tệ, nhưng có thể thấy vài thứ đồ len trên người là tự đan”. Tôi nói: “Tầm tuổi ấy, mặc loại quần áo này, có lẽ không phải người bình thường, rất có thể là nhà nghèo đói. Nhưng người chết hẳn là có gia đình, có gia đình là có thể tìm thấy nguồn gốc thi thể.”

Dứt lời, tôi cầm chiếc quần bò của người đã chết lên. Túi quần túi áo đã được mấy cậu pháp y trẻ tuổi kiểm tra từ trước, họ nói rằng có không có gì cả. Nhưng tôi lại tìm thấy một vật.

Tôi lấy từ trong túi quần đằng trước ra một đồng tiền xu rỉ sét đã bị đất bùn và da thịt phân hủy bám xung quanh. Tôi nói: “Sao các cậu bảo không có gì trong túi?”

Chi đội trưởng Hoàng thấy tôi tìm ra đồ trong túi, liền cau mày dạy bảo cậu pháp y đứng bên cạnh: “Kiểm tra kiểu gì thế hả? Vậy mà cũng không tìm ra à? Có mỗi mấy cái túi thôi chứ bao nhiêu?”

Cậu bác sĩ trẻ măng uất ức nói: “Em cũng xem rồi, nhưng tưởng là cục đất. Với lại tiền xu thì có ích gì đâu ạ? Chứng tỏ cố ấy có năm xu sao?”

Tôi chẳng để ý đến lời giải thích của cậu ta, dùng dao phẫu thuật từ tốn cạo đồng tiền xu, đến khi hoa văn trên đồng tiền lộ ra: “Cậu cảm thấy đồng năm xu này vô dụng ư? Nó là một vật quan trọng! Rất quan trọng!” Tôi không nén nổi cảm giác vui sướng.

Chi đội trưởng Hoàng đeo găng tay, cầm đồng xu lên nhìn, hỏi: “Nó có tác dụng gì?”

Tôi dùng kẹp cầm máu chỉ chữ “2005” trên đồng xu, nói: “Tiền xu đều có năm phát hành, đồng xu này phát hành năm 2005, một đồng xu phát hành năm 2005 nằm trong túi của người chết, chứng tỏ người này chết sau năm 2005, đúng không?”

Chi đội trưởng Hoàng vỗ đầu: “Đúng, nói cách khác, người này chỉ có thể chết vào mùa đông năm 2005 hoặc mùa đông năm 2006. Dễ điều tra hơn nhiều!”

Khoảng thời gian gần đây, do thường xuyên đi hiện trường nên tôi mệt mỏi không chịu nổi, lại cũng muốn biết kết quả của vụ án này, vì vậy quyết định ở lại thành phố Vân Thái thêm một ngày.

Ăn cơm trưa xong, tôi ngủ một giấc đến tận 8 giờ tối, bỗng nhiên bị tiếng chuông di động dồn dập đánh thức. Tôi dụi đôi mắt kèm nhèm, lờ đờ vươn vai rồi mới uể oải cầm lấy điện thoại.

“Tôi chưa dám quấy rầy chú, nghỉ ngơi rồi chứ? Ăn cơm tối chưa?” Là giọng của Chi đội trưởng Hoàng.

“Lâu lắm rồi em mới ngủ đã đời như vậy, coi như được bù năng lượng.” Tôi nói, “Em đói quá, hay là bác mời em đi ăn mì lát xào đi?”

Ở quán mì xào ven đường, tôi và Chi đội trưởng Hoàng ngồi đối diện nhau, tôi ăn mỳ xào đặc sản Vân Thái hùng hục như trâu như hổ, vừa ăn vừa hỏi: “Trông bác thảnh thơi thế, chắc là vụ án điều tra xong rồi nhỉ?”

“Đúng vậy, phân tích của chú chuẩn lắm.” Chi đội trưởng Hoàng nói, “Đã điều tra rõ, người chết là bệnh nhân tâm thần, sống tại một thôn nhỏ. Mùa đông năm 2006, xung quanh nhà cô ấy tiến hành mở rộng đất đai, do thoát nước không tốt nên lúc đó các nắp cống đều phải mở ra để tu sửa. Người này đến bên miệng cống, nói chuyện với lòng cống ở dưới, người nhà đến lôi đi, cuối cùng lại không giữ chặt, khiến cho cô ấy ngã xuống. Dòng nước dưới cống chảy rất xiết, lúc công an địa phương và đội cứu hộ chạy đến thì đã không thấy cô ấy đâu, cho người xuống vớt cũng không vớt được. Chúng tôi đã xem giấy tờ ghi lại vụ việc năm đó, không có vấn đề gì.”

“Ồ. Vậy thì yên tâm rồi, không phải án xẻ xác, các bác cũng bớt vất vả.” Tôi ăn mỳ xào ngon lành, nói: “Đã xác nhận thân phận rồi chứ?”

“Phần mềm trên cơ thể đều phân hủy, giờ đang lấy xương đi xét nghiệm DNA, chắc phải tốn thêm chút thời gian.” Anh Hoàng nói, “Cũng vì phải xác nhận chứng cứ thôi, chứ quần áo đều đã trùng khớp.”

“Vậy là tốt rồi, tốt quá rồi, sáng mai em về đây.” Lại thuận lợi giải quyết một vụ án, trong lòng tôi vô cùng sung sướng. Tiếc rằng người nhà của người chết không chú ý trông nom, dẫn đến phát sinh bi kịch. Tuy rằng cô ấy bị bệnh tâm thần, nhưng cũng là một sinh mệnh. Tôi và Chi đội trưởng Hoàng mỗi người một câu tâm sự chuyện đời.

“Độ này ở Vân Thái rất ổn định.” Chi đội trưởng Hoàng đột nhiên chuyển đề tài, “Đừng nói án xẻ xác, đến cả giết người cũng ít cực kỳ.”

Tôi lắc đầu, nói: “Bác trăm lần ngàn lần đừng nói vậy. Mấy cái án iếc này chẳng đoán trước được đâu, bác nói không có, chưa biết chừng mai là có án ngay đấy.” Anh Hoàng thụi tôi một phát: “Thằng gở mồm này.”

Có một số việc không tin không được, đời bất thường như thế đó, sáng hôm sau tôi vẫn không thể về tỉnh như dự định.

Lời người biên dịch nhà kê: Phần sau mới chính thức vào án. Còn đây là súc miệng trang bị kiến thức pháp y

Chú thích:

[1] Câu gốc là “Bới xương trong trứng gà”, ý chỉ những kẻ thích moi móc cái xấu của người khác, ý nghĩa tương đương với câu “Bới bèo ra bọ” của Việt Nam. Nhưng ở đây sử dụng để chỉ hành động tìm kiếm.

[2] Răng mân côi (tiếng Anh là pink teeth – người dịch chưa tìm được từ chuyên ngành tiếng Việt): Là hiện tượng chân răng đổi thành màu hồng giống màu hoa mân côi. Hiện tượng này được biết đến lần đầu vào năm 1829 và từng được coi là một trong những cách xác định chết đuối. Nguyên nhân do mạch máu trong tủy răng vỡ, gây xuất huyết và tạo màu hồng ở chân răng, khi được ngâm qua cồn thì màu hồng sẽ càng đậm, đặc biệt hiện tượng này thường xuất hiện trong môi trường ẩm ướt. Tuy nhiên, thông qua thử nghiệm cho thấy, không chỉ chết đuối mà nhiều nguyên nhân khác cũng có thể dẫn đến hiện tượng răng mân côi, nên hiện tượng này không được coi là đặc điểm nhận biết nguyên nhân tử vong.

[3] Bác sĩ pháp y có thể căn cứ vào độ mòn của răng để suy ra tuổi của người đã chết. Từ khoảng 13 – 23 tuổi: Bề mặt răng bắt đầu bị mài mòn. Từ khoảng 24-35 tuổi: Bề mặt răng đã bị bào mòn, lộ ra một số điểm ngà răng. Từ khoảng 36 – 55 tuổi: Ngà răng lộ ra mảng lớn. Từ 56 tuổi trở lên, ngà răng mòn hẳn, có thể thấy tủy buồng (nơi chứa tủy răng).

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.