Dịch: Hạnh
Lần thứ ba họ gặp nhau là sau kỳ nghỉ Hè năm nhất dài đằng đẵng của cô.
Diệp Dương liếc mắt thôi là đã nhận ra anh, dường như anh chưa quên cô, nhưng có vẻ cũng chẳng để tâm tới cô lắm. Lúc cô đang cúi đầu lấy tiền thừa, anh hỏi một câu bâng quơ: “Em vẫn ở đây à.” Tiếng anh thốt rất nhẹ, nhẹ tới mức Diệp Dương tưởng mình nghe nhầm nên không đáp lại. Khi trả tiền thừa cho anh cô lại tiếp tục nở một nụ cười thật lễ phép.
Khách khứa trong quán đã thưa bớt, cô cũng có thể được thư giãn một lát, bèn quay sang nhìn anh ngồi một mình bên cửa sổ. Ánh mặt trời ngày Thu phủ một tầng màu vàng nhạt lên anh, khiến cả thân mình anh trở nên rực rỡ tựa đang lấp lánh. Lúc này cô mới đủ thời gian mà hiểu câu hỏi ban nãy của anh, thậm chí còn cảm thấy hơi rung động.
Cảm giác rung động lúc ban đầu chẳng cần tình cảm cũng có thể sinh ra được, chỉ cần có chút khéo léo mà thôi, giống như lý thuyết Schater vậy (*). Cô lại để lộ sự thiếu kinh nghiệm của mình mất rồi. Vậy nên lúc Trương Kiền gọi đồ, mượn điện thoại cô nháy máy, dù cô có do dự nhưng cuối cùng vẫn lấy điện thoại từ túi tạp dề ra đưa cho anh.
(*) Lý thuyết Schachter: Lý thuyết lý giải cảm xúc được sinh ra bởi hai yếu tố: phản ứng sinh lý và suy luận nhận thức. Người ta sinh ra phản ứng sinh lý rồi tìm lý do dẫn đến phản ứng này, từ đó mới nảy sinh ra cảm xúc.
Trương Kiền đi chưa được bao lâu Diệp Dương đã nhận được tin nhắn của anh. Anh giới thiệu về bản thân mình, có tên tuổi, trường và chuyên ngành học. Lúc này Diệp Dương mới biết anh là sinh viên Học viện Điện ảnh Bắc Kinh, học ngành Quản lý Điện ảnh. Cô bừng tỉnh, thảo nào thấy anh có vẻ là lạ, hóa ra là sinh viên Học viện Điện ảnh. Nhưng cô cũng lại thấy khó hiểu, sinh viên Học viện Điện ảnh không theo ngành Diễn xuất đều đẹp trai thế này sao?
Tối đó, Trương Kiền gọi điện tới. Nhưng Diệp Dương không nghe máy. Theo phép lịch sự cô nên nhận máy mới phải, nhưng rồi lại nghĩ mình và anh không quen biết nhau, nếu có việc ắt anh sẽ gọi lại nên không nghe. Về sau, vào một ngày cô không tới quán làm việc, vừa ăn cơm trưa xong đang chuẩn bị nghỉ ngơi lại chợt nhận được tin nhắn của Trương Kiền. Anh bảo anh tới trường cô rồi, đang đứng ở hồ Minh Đức. Nhưng anh không nói mình tới tìm cô, cũng không giục cô tới, chỉ đơn giản báo rằng mình đang ở trường cô thôi. Diệp Dương không dám chắc chắn, tim cứ đập thình thịch hồi lâu, lưỡng lự hồi lâu. Lưỡng lự không phải chỉ vì anh không nói rõ muốn gặp nhau ở hồ Minh Đức, mà còn vì cô có thể đoán được Trương Kiền là con nhà khá giả qua lối ăn mặc và cách ứng xử của anh. Chưa chắc anh là công tử tài phiệt nhưng hẳn cũng phải là dân Bắc Kinh gốc có của ăn của để. Lúc ở quán cà phê, cô mặc bộ đồng phục ngay ngắn chỉnh tề, đeo tạp dề xanh, có không khí lịch sự của tiệm cà phê làm nền nên cô không thấy mình có khoảng cách với anh, nhưng cô không biết liệu khi rời khỏi nơi đây, sự khác biệt này có lộ ra không. Dù khi ấy cô đã ở thành phố này được hơn một năm rồi, học hành chẳng thua kém ai, thậm chí cũng khá xinh đẹp, nhưng khi đối mặt với những người bạn học phong cách thời thượng đến từ khắp các tỉnh thành, đối mặt với những người bạn cùng phòng ký túc giàu có xinh đẹp, cô lại tự cảm thấy mình là một đứa nhà quê. Cô vừa lưỡng lự vừa gội đầu, thay quần áo, trước khi đi cô còn đội thêm cả mũ. Nhưng được nửa đường, cô lại sợ nhìn thấy vẻ thất vọng trên gương mặt anh. Thế là cô quay về. Lúc về cô định nhắn tin cho anh, bảo rằng mình đang không ở trường, nhưng người ta đâu bảo đợi cô, nhắn như vậy thì lại như ảo tưởng, cuối cùng cũng chẳng giải quyết được gì.
Về phần anh cũng bặt tin.
Chừng một tuần sau, Diệp Dương cũng đã gần như quên mất cuộc gặp mặt lãng mạn này, ấy vậy mà anh lại nhắn tin. Anh bảo anh lại tới trường cô rồi, lần này anh nói rõ muốn hẹn gặp cô. Tim Diệp Dương lại đập thình thịch. Cô nghĩ, nếu không tới thì liệu có còn nhận được tin nhắn thứ ba không. Nếu sự kiên nhẫn của anh đã bị bào mòn sạch sẽ, mọi chuyện coi như chấm dứt tại đây, thì liệu về sau cô có hối hận vì hôm nay đã không đi không? Cô nghĩ chắc chắn mình sẽ hối hận, bèn cắn răng lên đường, dù sao cũng chỉ tới gặp anh thôi mà, đâu phải chuyện gì to tát, nếu nói chuyện không hợp ý thì coi như thôi, cô không phải hối hận, cũng chẳng cần nghĩ lung tung nữa.
Dù rằng đã cuối tháng Chín nhưng trời vẫn còn nóng, mặt trời bừng bừng ánh sáng, chói lọi tới mức không thể đưa mắt nhìn thẳng.
Hơn một giờ, lúc này đúng là giờ nghỉ trưa, trong trường thưa sinh viên dạo bộ, tất cả đều đang lười biếng mệt nhoài.
Diệp Dương đội một chiếc mũ đen đi dưới ánh mặt trời chói chang.
Người ta trồng ngập những hàng liễu bên hồ Minh Đức, khi trời sáng nơi đây thường có sinh viên ngồi đọc sách, đến tối sẽ có người tới hẹn hò. Hồ nước tượng trưng cho hai chủ đề đẹp đẽ nhất thời đại học, yêu đương và học hành.
Diệp Dương đi một vòng hồ thì bắt gặp anh dưới hàng dương liễu.
Anh cũng đội mũ, đang khoanh tay trước ngực đứng tựa bên lan can hồ như đã chờ lâu tới độ mất hết đi hào hứng, như thể chỉ một giây sau thôi sẽ cất bước bỏ đi ngay.
Diệp Dương đứng cách đó không xa nhìn anh.
Ánh mắt anh lướt qua cô, sau thấy cô anh lại đổi hướng nhìn. Nhưng anh không bước đến, chỉ đứng im nhìn cô.
Diệp Dương suy nghĩ rồi tiến lại.
Lúc tiến về phía Trương Kiền cô đã bỏ mặc suy nghĩ cân nhắc rồi, chỉ ôm tâm thái muốn trải sự đời mà tiến tới. Vì trong đời cô chưa từng có sự xuất hiện của một người như anh, cô muốn được biết một người như vậy.
Đôi mắt đen dưới vành mũ của Trương Kiền khẽ chớp: “Có phải em cố ý không, lần lữa hết lần này tới lần khác?”
Diệp Dương nhoẻn miệng cười, dịu dàng cất giọng: “Anh đang làm gì vậy?”
Giọng anh ấm áp trở lại, hỏi: “Em ăn cơm chưa?”
Diệp Dương gật đầu.
Anh nói: “Anh vẫn chưa ăn.”
Diệp Dương liếc nhìn xung quanh theo bản năng, thấy không có người quen bên cạnh mới hỏi: “Không phải anh học Học viện Điện ảnh ư, sao cứ tới trường em mãi vậy?”
Anh tỏ vẻ thờ ơ: “Anh có bạn học ở đây nên tới tìm cậu ấy, nhưng bạn anh thấy sắc quên bạn, cho anh leo cây rồi.” Rồi anh lại nhìn cô, “Sao, anh đợi nửa tiếng rồi, em không định mời anh ăn cơm ư?”
Diệp Dương lại nhìn quanh theo bản năng, nói: “Tới căng tin nhé?”
Thấy cô như vậy Trương Kiền có phần không vui: “Sao, người khác không được nhìn thấy anh à, em sợ bị người ta bắt gặp tới vậy ư?”
Diệp Dương ngẩn ra rồi đột nhiên bật cười, đáp không phải. Lạ là cô lại hết cả căng thẳng rồi.
Hai người cứ thế tới căng tin, cả chặng đường đi luôn giữ thái độ không mặn không nhạt. Đồ ăn trong căng tin không mấy phong phú, cô bèn chọn lấy hai bát mì xốt thịt.
Diệp Dương rất ghét mời người khác ăn, cũng ghét được người ta mời ăn, chỉ trừ khi là người thân thiết lắm. Vì bàn ăn là nơi dễ khiến ta để lộ xuất thân của mình nhất. Người ta thường hay chỉ trỏ, bảo ai đó có lối ăn thật khó coi, nhưng thực chất có ý bảo người này không được dạy dỗ cẩn thận. Cô thích quan sát cách người ta dùng cơm trên bàn ăn nhưng lại không muốn người khác nhìn mình. Vì vậy nên thông thường, dù là cô mời người ta ăn, hay người ta mời cô thì cô đều chỉ ăn vài ba miếng cho có rồi thôi. Nhưng Trương Kiền cũng không câu nệ để ý, cứ ăn như thường. Sau này có lẽ do cô nhìn quá lâu mà anh cảm thấy cứ lờ ánh nhìn của người khác đi thì thật thiếu lịch sự, thế là anh dừng đũa, hỏi cô đang dùng ánh mắt gì để nhìn anh.
Diệp Dương không hiểu lắm: “Ánh mắt gì?”
Anh nói: “Ánh mắt người này thật kỳ quặc.”
Diệp Dương gật đầu: “Em thấy anh hơi lạ.”
Anh hỏi: “Lạ ở đâu?”
Diệp Dương nhìn bát mì xốt thịt trước mặt anh, chân thành cất lời: “Em và anh không thân nhau mà anh lại không hề ngại lạ, ăn sạch cả bát mì này?”
Anh kinh ngạc đáp: “Chẳng lẽ người ta mời, mình ăn hết đồ lại là bất lịch sự?”
Diệp Dương lắc đầu: “Em không có ý đó, em chỉ muốn nói anh không ngại người lạ, em nhìn mà anh vẫn ăn được ngon miệng. Đừng nói người lạ mà dù là bạn cùng phòng nhìn em, em cũng không nuốt nổi.”
Anh hiểu ý cô nói, bèn đáp: “Đó không phải vấn đề của anh mà là của em, em lo lắng quá nhiều, chắc là mệt lắm.”
Diệp Dương ngạc nhiên rồi lại mỉm cười, nhìn anh nói: “Em thích sự tự tin và thoải mái của anh.”
Giờ thì anh mới là người phải ngạc nhiên: “Lời khen của em tới quá nhanh, quá thẳng thắn đấy.”
Diệp Dương bổ sung: “Em nói thật.”
Trương Kiền không ngờ cô lại nói vậy, anh thật sự ngạc nhiên, cứ nhìn cô chằm chằm.
Diệp Dương dời ánh nhìn.
Anh gật đầu, nhẹ giọng: “Vậy đây là vinh dự của anh rồi.”
Nghe anh nói câu này mà lòng Diệp Dương rung lên, cô quay lại nhìn anh, tầm mắt hai người giao nhau trong vài giây rồi đột nhiên lại cùng quay đầu nhìn sang nơi khác.
Được một lát anh lại nói: “Em là người phương Nam sao?”
Diệp Dương gật đầu.
Anh hỏi: “Em ở chỗ nào?”
Diệp Dương nói: “Giang Tô.”
Anh nói: “Bảo sao, giọng con gái phương Nam luôn rất hay.”
Diệp Dương nói: “Giọng anh hay hơn, êm ái, tròn vành rõ chữ, như được luyện tập đàng hoàng.”
Anh cười: “Bố anh là diễn viên kịch nói, trong thanh, đài, hình, biểu (*), thanh và đài – giọng nói và lời thoại là quan trọng nhất, dù gì anh cũng lớn lên với chất giọng của bố suốt hai mươi năm, cũng phải bị ảnh hưởng bởi ông ít nhiều.”
(*) Thanh, đài, hình, biểu: Giọng nói (thanh nhạc), lời thoại, hình thể, biểu diễn
Diệp Dương không có kiến thức về kịch nói, cô không hiểu thanh đài hình biểu là gì, nhưng nghe bố anh là diễn viên kịch nói cô lại nghĩ tới những vở như “Lôi Vũ”, “Trà Quán”, “Hamlet”. Chắc chắc bố anh là một người nghệ sĩ nhã nhặn, lịch thiệp. Cô gật đầu: “Bảo sao.”
Hai người im lặng mất một lúc, sau anh mới lên tiếng: “Sắp tới lễ hội Lá đỏ Hương Sơn rồi, trước kia em đã tham gia bao giờ chưa?”
Diệp Dương lắc đầu, cô rũ mắt, nói: “Năm ngoái lúc tới Bắc Kinh em cũng muốn đi, nhưng nghe nói dưới chân núi đâu đâu cũng là xe, trên đỉnh núi lại nườm nượp người, người còn đông hơn cả lá đỏ, đông đúc chật chội, chẳng có gì đáng xem.”
Anh gật đầu: “Giờ lá cây trên Hương Sơn chắc cũng chuyển đỏ rồi, nửa đỏ nửa xanh, cũng rất đáng xem. Thứ Sáu thứ Bảy thì đông nhưng ngày thường rất ít người.”
Diệp Dương gật đầu, nhưng cũng không nói muốn đi xem.
Anh bèn không tiếp tục hỏi nữa.
Ăn xong cơm, hai người cũng không nấn ná thêm mà rời khỏi căng tin ngay. Diệp Dương nói chiều cô có tiết nên phải về, anh thì bảo mình đi tìm bạn. Diệp Dương chầm chậm men theo con đường trở về dưới ánh mặt trời chói chang, cô chỉ cảm giác thời gian như bị kéo dài thật dài, mọi thứ đều chậm lại, khiến cô thấy mình như đang lang thang trong một giấc mộng.
Về sau Diệp Dương thường nghĩ nếu khi ấy cô không đủ dũng cảm, không tới hồ Minh Đức thì liệu cô và Trương Kiền có dừng lại ở đó không, liệu cuộc đời cô có thay đổi hoàn toàn vì cuộc gặp ấy không. Như Đào Kiệt đã viết trong “Cô thiếu nữ giết chết con chim cút” vậy: “Đến khi bạn già rồi, bạn quay đầu nhớ lại cuộc đời mình sẽ phát hiện những khoảnh khắc khi bạn đi du học, khi bạn quyết định bắt đầu công việc đầu tiên, khi bạn chọn người yêu, khi bạn kết hôn, thật ra đều là cú ngoặt lớn trong cuộc đời bạn. Chỉ là khi ấy đứng trước ngã ba đường, trông gió thổi lồng lộng. Trong trang nhật ký, ngày bạn đưa ra sự lựa chọn cũng ngột ngạt và tầm thường lây, khi ấy bạn còn ngỡ đó chỉ là một ngày bình thường.”
Nhậm Gia An gọi món rất nhanh, anh trả thực đơn lại cho nhân viên phục vụ. Sau khi kiểm tra lại đơn gọi, thấy không có sai sót gì, nhân viên phục vụ trở vào bếp. Thấy Diệp Dương còn đang đờ người ra, Nhậm Gia An khẽ gõ lên mặt bàn: “Sao em lại ngớ ra thế kia, tệ đến mức vậy à. Đừng nói với anh anh ta đá em đấy nhé?”
Diệp Dương tỉnh lại khỏi dòng hồi ức, ngơ ngác nhìn anh: “Anh bảo gì cơ?”
Nhậm Gia An bất lực: “Anh hỏi, có phải anh ta đá em không?”
Diệp Dương không hé môi.
Nhậm Gia An ngỡ cô ngầm thừa nhận bèn “a” một tiếng: “Vậy thì hơi ngại đây, sao, em muốn anh giả làm bạn trai diễu võ dương oai trước mặt anh ta không, để tỏ vẻ không có anh ta cuộc sống của em còn hạnh phúc hơn?”
Diệp Dương cười, không quan tâm lắm: “Không có bạn trai em vẫn hạnh phúc, sao phải cần anh đóng giả.”
Nhậm Gia An nói: “Vậy sao em phải để Gia Ngư gọi anh tới?”
Diệp Dương thở dài: “Không có bạn trai không có nghĩa là bất hạnh, nhưng ăn cơm một mình thì thật đáng xấu hổ, em không muốn anh ấy thấy em đáng thương. Nếu là anh anh chịu được không?”
Nhậm Gia An vuốt cằm ngẫm nghĩ: “Không phải mấy cặp chia tay lúc gặp lại đều phải so bì xem ai hạnh phúc hơn sao, nếu là anh anh sẽ kéo ai đó ra hôn kiểu Pháp…”
Diệp Dương: “…”
Trước khi đi, Trương Kiền và bạn gái không quên tới tạm biệt Diệp Dương. Sau khi Trương Kiền và Trình Ninh rời đi, Nhậm Gia An hỏi với vẻ khó tin: “Chị ơi, cậu này là con đại gia à?”
Diệp Dương lắc đầu: “Chỉ là dân Bắc Kinh bình thường thôi.”
Nhậm Gia An rất ngạc nhiên: “Tiêu chuẩn dân Bắc Kinh bình thường ngoài hơn chúng ta cái nhà cái hộ khẩu ra thì chẳng lẽ không còn kiểu người khác sao? Anh ta đeo cái đồng hồ mấy trăm nghìn tệ đấy, đây không phải là tiêu chuẩn của một người bình thường đâu.”
Diệp Dương khựng lại, nói: “Vậy chắc đó là năng lực của tự anh ấy.”
Nghe giọng Diệp Dương hơi suy sụp, Nhậm Gia An không nói nữa mà chỉ an ủi: “Thật đấy, Diệp Dương à, chuyện này chẳng có gì to tát cả, ai mà chẳng có một anh một cô người yêu cũ đặc biệt nào đó, Gia Ngư và người yêu cũ cứ đụng mặt nhau là bắt đầu mắng cha mắng mẹ, hai người bọn em chia tay xong còn chào hỏi được là đã lịch sự hơn nhiều rồi.”
Diệp Dương nhìn bát tương vừng trước mặt, trông nó vẫn còn nguyên vẹn như chưa đụng đũa. Cô nói: “Em biết.”
Trương Kiền và Trình Ninh bỏ đi chưa được bao lâu thì Nhậm Gia An và Diệp Dương cũng rời nhà hàng.
Hiện Diệp Dương đang ở một căn chung cư ngay đối diện bên đường, sau khi tạm biệt Nhậm Gia An, cô băng qua cầu vượt là đã về tới nơi.
Khu chung cư này tọa lạc sau lưng một hàng tháp văn phòng lớn.
Tòa chung cư im lìm tĩnh lặng, khác hẳn với vẻ sầm uất, đèn đuốc sáng rực bên ngoài. Trong khu trồng đủ các loại cây hoa bốn mùa, dù rằng đang là tháng Sáu nhưng tiết trời vẫn khô nóng. Hơn chín giờ tối, có người chạy bộ, có người đi dạo, có người lại dắt tay con cái dạo quanh.
Diệp Dương bước vào thang máy, ấn số tầng rồi dựa lên tay vịn. Cái thế giới bé xíu chật hẹp tới mức không khí còn chẳng lưu thông nổi này, yên tĩnh hệt như đang đối mặt với tận thế. Đột nhiên cô cảm thấy sức lực trong cơ thể mình như bị rút kiệt. Cô mệt mỏi vô cùng.