Mình sinh ra trong gia đình binh nghiệp nên hai tuổi đã phải ở với ông bà nội trong kỷ luật thép rồi. Hồi đó mẹ bảo nhớ
mình lắm mà chẳng dám cãi ông bà, đành chịu cảnh cách xa con, tuần đón về hai ngày thứ bảy, chủ nhật. Sáng thứ hai mình
lại về với … đơn vị ông bà nội. Đằng sau cánh cửa nhà ông bà
lúc nào cũng có một cái chổi phất trần. Góc nhà có một cái roi được vót cẩn thận. Góc bếp có cái chổi chít với cái
cán vừa to vừa dài, cán chổi phải cao hơn mình 20cm cũng nên.
Ôi, ký ức tuổi thơ của mình mấy cái đó sao mà rõ nét thế!
Chốt lại cũng là để ông bà bảo sao thì mình phải tuân theo như vậy, cãi là chết, bướng là chết, chống đối lại càng … chết.
Bố mẹ làm công nhân, chẳng đủ tiền cho đi mẫu giáo Bình Minh – một trường nổi tiếng ở khắp khu vực Bưởi. Đến bây giờ vẫn
nổi tiếng. Một trường được hát, được múa, được cơ man nào là
đồ chơi. Một trường mà đứa trẻ nào vào học là coi như được
vào thiên đường. Thế là thi thoảng bám gấu áo bà đi bán ngan
vịt trong ngày phiên chợ, đi qua Bình Minh cứ cố ngó vào, cố
nhìn theo, cố níu lấy chút thòm thèm qua cánh cổng sắt to
đùng cao ngất ngưởng. Còn bà thì mắng: “Ai bảo bố mẹ mày
nghèo!”
Cuối tuần, bố mẹ đón mình về. Mình bảo:
- Mẹ ơi, bà bảo tại bố mẹ nghèo nên còn không được đi Bình Minh. Nghèo là gì hả mẹ?
Mẹ xót ruột, chiều thứ bảy đi đón con, mẹ tiện đường đưa mình vào Bình Minh ngồi nhờ cái bập bênh và chơi cái máng hình con voi có thể trợt đặt giữa sân trường. Mình sung sướng cười tít cả mắt. Chỉ tít mắt năm phút thôi, bác bảo vệ đã đuổi hai
mẹ con ra khỏi cổng rồi. Mẹ vội bế mình lếch thếch đi ra
trong tiếng rối rít xin lỗi bác bảo vệ. Ra đến cổng mẹ đặt
mình xuống, xoa đầu mình, nắm lấy hai tay mình, hình như lúc
ấy mẹ cười, nụ cười méo mó. Mẹ bảo:
- Con ở với ông bà cho ngoan, cần gì phải vào Bình Minh. Kệ
bọn trẻ con trong khu tập thể, con ạ. Mình không vào cũng có
sao đâu.
Chẳng hiểu sao mình bắt đầu thấy trong cổ họng có gì khác
lắm. Mình còn quá bé để hiểu trong lòng mẹ xót xa như thế
nào. Mình chỉ biết trong lòng mình thôi. Chỉ vì không được vào trường Bình Minh trượt cái máng bằng sắt gỉ hoe mà mình òa
khóc, ngoạc cái miệng ra cố gào cho mọi người chú ý, đặc
biệt là mẹ. Ở trong cổ họng , cái cảm giác chưa miêu tả được
cứ nhoi dần lên, nhoi dần lên tức từng tực. Cảm giác khó chịu
càng lúc càng to dần, ức ức cứng trong họng, muốn gào, muốn
lăn đùng ra giãy giụa, muốn khóc, muốn xông vào đâu đó đập
phá. Rồi so sánh, cái cảm giác so sánh mà mình được đưa vào
làm nhân vật chính. Rồi những thán từ: giá mà, nếu mà… Rồi
những ganh ghét những người không cần thán từ cũng có những
điều mình muốn. Cuối cùng chốt lại là lặng lẽ, tự mình gặm
nhấm tất cả mớ hỗn độn đã xảy ra. Người ta gọi đó là ghen
tị.
…
Lớn lên rồi, có biết bao lần mình bị ngã vào mớ hỗn độn
đáng sợ ấy. Mớ hỗn độn rối bời khiến mình xấu tính đi. Một
nửa tối om trong những gì tốt đẹp nhất mà mẹ vẫn luôn dạy dỗ, kỷ luật thép của ông bà vẫn dạy dỗ.
Lấy chàng, rồi chợt nhận ra bố mẹ chàng cưng các em hơn
chàng. Thuyền theo lái, chàng chẳng là gì trong nhà nên đương
nhiên phận con dâu mình cũng chỉ là cái bỏng của cái bóng mà
thôi. Buồn, thất vọng và cứ miên man nghĩ. Chàng sôi nổi bốc
đồng ở đâu không biết, cứ về đến nhà là lặng lẽ như còn mèo
mới bị … cắt đuôi. Chàng sợ bố mẹ đến nỗi xuống tầng một
lấy hoa quả ăn, thấy bố mẹ vẫn ngồi xem tivi, chưa đi ngủ là
chàng lại quay lên gác, không dám lấy nữa. Gái có bầu, đang
đói, phải chờ bố mẹ chồng đi ngủ mới được ăn thêm. Mình sôi
máu, bực dọc, tủi thân và … ghen tị với tất cả những bà bầu
khác. Mình cứ có cảm giác ghét chàng đến thế. Có lần mình
ước: “Giá như mình lấy ai đó thì có lẽ mình đã không đến nỗi nghèo như thế này, đã không bị đói dù đã ăn cơm tối no nê, đã không phải lo lắng từng đồng ra đồng vào. Đã được chồng bênh
mỗi khi bị bố mẹ nói nặng lời như thế, đã có cuộc sống sung
túc như trong phim. Mình có đến nông nỗi nào đâu? Có xấu xí
đến mức ế chồng đâu cơ chứ. Sao mình lại đi lấy chồng?”. Thế
là hai vợ chồng dù chưa có lý do gì hết, chàng chỉ hỏi một
câu bâng quơ gì đó trong dòng suy nghĩ đang miên man kia vậy là
có lý do, lý do để mình lại cáu, lại gây gổ và quay mặt vào
tường khóc. Hỡi bức tường, giá như mi biết dỗ bà bầu thì hay
biết mấy. Giờ thì mình tin rồi, các chị em ở công ty bảo: “Bà bầu nào cũng khó tính như ma”. Công nhận khi vác bầu, mọi thay đổi trong cơ thể làm mình như người đi mượn. Bực tất tần tật
mà chẳng cần có lý do. Giá như đàn ông phải vác bầu và đàn
bà lúc ấy sẽ thương xót mà thấu hiểu. Mình lại bắt đầu ghen
tị.
Đi lấy chồng, mẹ chồng bảo với hàng xóm:
- Gái quê ấy mà, vừa luộm thuộn vừa nghèo. Chả chắc đã
nuôi được chúng tôi. Có nhà anh Nghĩa nhiều tiền, không có nó
thì chết. Nên ăn cây nào rào cây ấy thôi. Chả trông mong gì vào
vợ chồng nhà anh Hậu.
Chắc đấy là lý do về sau mẹ lại quý em dâu đến thế.
Công nhận mình quê thật, đôi khi đứng trước tủ băn khoăn chẳng biết mặc gì đi làm. Lúc còn eo co đã phải suy nghĩ, giờ có
bầu còn suy nghĩ hơn. Mặc đẹp thì khó chịu, mặc dễ chịu thì
chẳng ai bịt được miệng cười. Những gã đàn ông cứ hay chê vợ,
nhưng để các gã ấy vác bầu xem có phải đứng trước tủ nát óc suy nghĩ như mình không? Nhất là bầu vào mùa đông, áo khoác
còn chẳng kéo được khóa. Lấy chàng lâu rồi nhưng mình vẫn
ngại mở tủ lạnh nhà chàng lắm. Bầu thì hay đói những đi mua
đồ ăn về giấu giấu giếm giếm mang lên phòng rồi lại cất cất
che che. Chàng biết nhưng chàng kệ, chỉ an ủi mình những lúc
nửa đêm chuột rút nghe tiếng hét là bật dậy đấm đấm gang bàn
chân cho vợ. Tiếng hét êm xuôi thì chàng lại lăn kềnh ra ngủ
tiếp như thể bị dính bùa mê.
Cũng bởi vì mình sinh ra trong gia đình bố mẹ làm công nhân nên
mọi thứ đều phải tiết kiệm. Thế là về làm dâu, mẹ chồng
không khỏi ngỡ ngàng. Nhà mẹ không giàu, cũng chỉ đủ ăn nuôi ba con học hành hết đại học rồi các con tự đi mà kiếm sống.
Xuất phát điểm là nhà lao động kiếm bữa ăn để cho vào đĩa,
nhưng nhà không có tủ chạn vì ăn xong còn thừa bao nhiêu là đem
đổ liền, kể cả còn thừa non nửa đĩa thịt gà. Miết thành
quen, thành truyền thống của gia đình mà mình không hay biết.
Tồ tẹt, nhiều lần mẹ đổ thức ăn đi mình tiếc lắm, lại ngồi
tỉ mẩn lọc bỏ xương rồi đổ vào hộp nhựa bỏ tủ lạnh cất đi.
Mẹ mắng:
- Mày không đổ đi còn bỏ vào đó làm gì cho đầy tủ ra à?
- Con làm sẵn mai nhà mình ăn sáng chỉ việc lấy ra nấu mì hoặc rang cơm ạ.
- Ai ăn? Nhà tôi chẳng ăn những thứ đấy. Cô có ăn thì giữ lại, không thì đổ đi cho tôi nhờ.
- Con có ạ.
Thật thà quá cũng dở. Mình đâu biết rằng đó là mấu chốt
vấn đề mới cho mẹ ra đầu làng nói chuyện. Mẹ bảo với hàng
xóm:
- Con gái quên ấy chỉ ăn thịt thôi. Chỉ ăn thịt là thịt.
Hì … hì… hay thật!
Khổ, nghĩ lại vừa buồn cười vừa trớ trêu. Công nhận nếu có nhà ai mới tậu con dâu về mà nó cứ nhìn rau gắp thịt thì
đáng để cho mọi người buôn chuyện thật. Hình tượng ấy giống
như bức phù điêu của lòng dũng cảm. Mình cũng được hàng xóm
liệt kê trong danh sách ấy. Và thế là mình lại ghen tị với
những cô bạn cũng đi lấy chồng. Nhà chúng nó ít nhất cũng có cái chạn để nếu có tiếc của, để lại đồ ăn cũng không bị
nói ê mặt đến thế này.
…
Thế rồi đôi vợ chồng nghèo cũng vừa sống vừa tích cóp tiền
đi đẻ. Được cho đồ sơ sinh nhưng cũng phải đi mua nhiều. Mình
không có anh chị em mà chàng lại là con cả, mình lại ghen tị.
Giá như mình và chàng đều là con út thì hay.
Một ngày, cái bụng bầu tám tháng khệ nệ bê đống quần áo,
đồ đạc đã tích tích cóp cóp như con kiến tha về nhà mẹ đẻ
giờ mang về nhà chồng. Mẹ ngồi giữa phòng khách nhìn gái quê
của mẹ từ đầu đến chân rồi từ chân lên đầu. Mẹ nói:
- Gớm! Nhà cô lắm tiền nhỉ! May quá cô sắm đủ cho nhà cô
rồi thì chúng tôi cũng chẳng phải mua gì. Cô mang hết lên phòng cô đi. Để ở đây chướng quá.
- Ơ…
Mình chỉ ơ lên một tiếng rồi tắt lịm. Mình chẳng biết phải nói với mẹ như thế nào. Bà bầu vốn đã nóng, nghe mẹ nói
thế lại như có người vứt que đóm vào lòng. Phừng phừng. Nhưng
đốm lửa cô độc không được ai che chắn chỉ phừng phừng lên tiếng ơ rồi lại thôi. Hay thật, mẹ không có bầu mà mẹ cũng ghen tị
với mình. Mình cũng ghen tị, mình tị với những bà chị ở cơ
quan đẻ xong được về nhà mẹ đẻ. Chẳng như mình bị mẹ chồng
cấm không cho về. Thế nên mình mới phải vác các thứ cho em bé
về đây như khoe của thế này chứ.