Không biết mọi đứa con trên đời có ai giống mình không, chứ mình từ
bé đã thích ngửi mùi mồ hôi của mẹ. Mỗi lần ngủ, gối tay mẹ, hay rúc
nách mẹ, cứ hít hít ngửi ngửi, rồi cười tít mắt.
Đời mẹ vất vả, chưa khi nào, chưa lần nào thấy mẹ được bình yên.
Cô gái quê lớn lên ở cái vùng thuần chất cấy lúa một nắng hai sương.
Năm anh chị em, mẹ không phải là lớn nhất, nhưng lại chăm chỉ nhất. Bế
em chẹo cả xương hông, đi cấy lúa đỉa cắn đầy hai bên bắp, mang cơm cho
bố ngoài đầu làng, cũng phải cầm kéo học nghề cắt tóc. Chẳng có gì là
không làm. Nhưng mẹ vẫn xinh lắm lắm. Dì kể:
-Mẹ mày chắt bóp từ trong máu. Cóp tiền mua được con chó con, nuôi
được cho nó lớn thì bố và anh trai mang ra thịt. Mẹ mày khóc. Cả nhà
bảo: cũng ăn mà, khóc cái gì ? Thế là mẹ nhịn. Bà ngoại mua cho ba chị
em gái ba tấm mía, hai dì ăn hết, mình mẹ mày dành dụm cất đi. Mấy ngày
sau mía mọc mầm, không ăn được nữa, mẹ mày nhịn. Đi bộ đội, đến khi được nghỉ
phép, về đến đầu huyện, đứng khóc vì không biết đường về nhà. Cả đời chỉ quanh quẩn trong cái làng bé con con bên bờ sông nước đục, một năm chỉ
một vài lần được lên xã, nên cổ lỗ sĩ vô cùng.
Rồi mẹ chuyển ngành, đi học trung cấp Thương Nghiệp để ra làm thủ kho cho công ty Bách Hoá Hà Nội. Còn các dì chẳng phải đi bộ đội, chẳng
phải hô hào vì nhân dân quên mình, chẳng phải phấn đấu để được nhiều
bằng khen, nhưng bà nào cũng làm một chân to trong toà án và sư phạm.
Khi các dì mỗi người có hai cái nhà. Mẹ vẫn chui ra chui vào cái nhà lợp giấy dầu. Âu cũng là cái số. Ai bảo vì nhân dân quên mình !
Mẹ gặp bố, đồng ý lấy bố với tình thương nhiều hơn là tình yêu. Vì bố ốm yếu, đi khập khiễng và là đứa con bị kỳ thị trong gia đình. Lúc ấy,
mẹ đã ba mươi hai tuổi. Nhưng nhìn mẹ, ai cũng tưởng mẹ chỉ mới hai
nhăm. Mẹ trẻ và xinh đẹp.
Ngày nhà trai từ Hà Nội về quê xin cưới, các bá quan văn võ thi nhau
thách cưới. Ở quê là thế, nhất là mẹ lại lấy được một …….anh Hà Nội, con ông to.
- Một trăm thúng bánh nướng, một trăm thúng bánh dẻo, mười cân chè ngon…
- Thôi, nhà bác không phải kể ra nữa đâu. Nhà chúng em cũng chỉ là bộ đội, không có nhiều thế đâu. Chỉ có cân chè Thái Nguyên với tút thuốc
Điện Biên thôi, bác nhất trí thì để hôm tới ăn hỏi em cho cháu mang tới.
Nói rồi bà nội đứng dậy xin phép ra về. Lúc ấy, ông nội mình là vụ
trưởng vụ 1 bộ Công Nghiệp Nhẹ. Bà ngoại thì hiền lành, các quân sư nói
sao thì gật đầu vậy. Chồng mất rồi, hai anh con trai lớn thì đi bộ đội.
Gả chồng cho cô con gái đầu tiên chẳng biết đâu mà lần. Nhưng nghe thấy
bà nội mình nói thế cũng biết tự ái. Tự ái giấu trong lòng thôi.
Mẹ cuối tuần về làng, nghe tin thì uất quá, lên ngay Hà Nội để tìm
cho được con người nhu nhược ấy, con người phụ bạc ấy. Nhưng rồi ông bà
nội lại dỗ dành. Và loanh quanh vẫn dẫm phải …bố. Y như mình, loanh
quanh thế nào vẫn dẫm phải người vô tâm như…chàng.
Sinh mình ra trong cơn đẻ khó. Đau ba ngày mà không đẻ được. Đến khi
nhảy ổ, bố biết tin mẹ xong rồi thì chạy tít về nhà báo tin, bỏ mặc mẹ
vừa đau vừa đói, vừa lẻ loi trong bệnh viện. Ông bà nội thấy bảo đẻ con
gái, giống ông nội như đúc mừng lắm, ăn cơm xong bảo nhau mai vào thăm.
Chỉ có mỗi ông cậu của bố ở quê lên chơi, vội vàng đạp xe mấy cây số tìm mua cho mẹ bát phở. Mẹ kể: “mẹ mang ơn cậu ấy suốt đời, chẳng bao giờ
quên.”
…
Hết cấp một, mình kể với mẹ:
- các bạn cùng lớp cứ trêu quần áo con mặc. Con chẳng mặc quần áo mẹ khâu nữa đâu. Mẹ mua cho con bộ quần áo mới đi.
Mẹ cười hiền từ nhìn mình thì thầm:
- Con chịu khó mặc lại quần áo của các cô các chú, mẹ sẽ khâu đẹp
hơn. Bao giờ con lớn, mẹ sẽ cho con ăn diện nhất cái khu tập thể này .
Nói rồi mẹ lại ngồi chăm chú khâu cho mình cái váy đồng phục.
Ngày khai trường, cả trường mặc đồng phục áo trắng váy xanh đẹp ơi là đẹp. Chỉ có riêng mình mặc cái áo trắng cháo lòng và váy xanh màu bộ
đội. Cô giáo nói:
- Em không đóng tiền mua đồng phục à ? Vậy đứng cuối hàng nhé, kẻo lớp mất điểm thi đua.
Về nhà nước mắt ngắn nước mắt dài, chỉ có mẹ là hiểu. Mẹ mua đền bù cho con gái miếng đu đủ. Mẹ bảo:
- Bữa nào thấy có miếng vải nào giống của các bạn, mẹ lại khâu cho
con cái váy khác. Còn áo trắng, các con hay nghịch bẩn, đằng nào chẳng
giống nhau.
…
Năm mình học cuối cấp hai, mẹ về hưu non. Bố về mất sức. Chẳng còn biết
sống kiểu gì. Bố không có ý định đi tìm việc làm. Bỏ mặc thùng gạo bao
giờ vơi bao giờ đầy. Giấu tạm nỗi quyến luyến, mẹ lên Mộc Châu đi làm
giúp việc cho anh trai cả. Ba năm sau mới về. Những năm tháng ấy, mình
sắp thành một cô gái. Không còn chơi trò may quần áo cho búp bê nữa mà
bắt đầu biết soi gương để tết hai bím tóc thật gọn gàng. Những biến đổi
đầu tiên trong đời khiến mình hốt hoảng. Từ một hình chữ nhật trở thành
hình cái lọ hoa, từ một nhúm cau trở thành cỡ bự, từ một …..trở
thành….., từ một…..trở thành…
Học sinh ngày ấy tồ lắm. Mình mất chiếc dép do đi lội Hồ Tây còn đứng khóc cơ mà. Mình chưa nghĩ ra những bữa cơm no bụng hai bố con là tiền
của mẹ. Mình chỉ biết không có mẹ ở bên, mà cũng không có ai đáng tin
tưởng để mà hỏi: “Tại sao con thế này ?”
Mình chỉ biết nhìn trộm bạn gái cùng lớp để bắt chước. Trong lòng tự
dưng lại giận mẹ đến vô cùng. Những bức thư mình viết cho mẹ, ngày càng
giận dỗi. Mình hét lên trong thư: “Mẹ bỏ rơi con, con ghét mẹ”.
Cho đến khi mình cũng có một em bé của riêng mình, bỗng nhớ lại ngày
ấy, chợt giật mình, không biết lúc ấy nước mắt mẹ nhiều đến ngần nào.
Hai năm sau, đúng ngày mùng một tháng mười một, đi học về đã thấy mẹ
nằm ở giường, mình mừng rỡ chạy tới ôm lấy cổ mẹ. Thời gian xa cách quá
nên không còn chỗ cho tự ái mà chỉ còn chỗ cho nhớ nhung.
- Mẹ, mẹ về! Mẹ ơi, mẹ về từ lúc nào thế ? Sao mẹ biết hôm nay mà về. Mẹ ơi, mẹ say xe à? sao lại nằm mệt mỏi thế ?
- Hôm nay á ? – Mẹ lơ đãng hỏi lại – Hôm nay là ngày gì ?
- Hôm nay là sinh nhật nó – Bố gắt -
- Mẹ, thế không phải hôm nay mẹ về vì sinh nhật bước sang tuổi mười tám của con ư ? Mẹ, mẹ nỡ quên sinh nhật của con ?
- Ừ, mẹ quên mất. – mẹ mệt mỏi trả lời rồi nằm quay mặt vào trong tường.
Trời ơi, sự rạng rỡ, ánh mặt trời chói lọi trong cái tiềm thức của
một đứa con thiếu mẹ như bị vụn vỡ. Mình bước thụt lùi lại khỏi cái
giường rồi ngồi thụp xuống đất. Người dừ dẫn không muốn bước. Cái cảm
giác bị ẩn lại phía sau để trước mặt là tấm lưng của mẹ làm mình như rơi xuống một cái hố. Hố sâu đen ngòm toàn những mảnh sắc nhọn biết cứa
đau. Mình thất vọng, cái thất vọng đổ xuống đè nát tất cả. Đè nát cả nỗi nhớ nhung mong ngóng mẹ trở về.
- Mẹ……….thế thì mẹ về làm gì ? Mẹ có nhiều con để mà nhớ đâu. Không
có mẹ con vẫn sống được mà. Không có mẹ, có lẽ đời con cũng khác rồi. Mẹ nghỉ ngơi rồi đi lúc nào cũng được. Mẹ đi đi. Cũng chẳng phải mẹ có nhớ sinh nhật con hay không, con chẳng cần. Nhưng con nghĩ, chẳng có người
mẹ nào lại quên ngày mình đau đẻ. Có con bất hạnh nên con có thôi. Gần
ba năm mẹ đi, con chỉ có gửi thư đi mà chẳng có lấy một dòng nào trở
lại. Con vẫn bền bỉ viết mà mong ngày hôm nay. Quần áo con rách, chẳng
có tiền mua, tự cắt lại đồ của các cô các chú để may đồ cho mình. Đi học mà như con hề ấy. Thế mà…
- Con kia, mày im đi.
Bố gào lên cáu giận. Hình như bố sắp đập vỡ một cái gì. Bố không cần
phải đập, ở đây, trong tim này cũng đã vỡ rồi. Nước mắt mình không còn
ri rỉ trên bờ má gầy gò nữa. Nước mắt trào rộng, nhoè nhoẹt trong tiếng
nấc, mình oà khóc như một đứa chỉ mới 2 tuổi. Mình nhìn bố đầy trách
móc, lao về phòng, đóng cửa đánh rầm. Và không còn muốn ai đến sinh nhật chào đón tuổi mười tám nữa. Mình căm ghét tất cả những thứ thuộc về
mình.
Mẹ lặng im, không nói. Cái khoảng không mẹ dành hết cho những giận dữ của mình. Nước mắt mình rơi, còn mẹ, mẹ quay mặt vào tường như thể ngủ. Nước mắt mẹ lặn trong lòng. Cô bé mới lớn làm sao hiểu nổi.
Ngày ấy, mình không biết rằng sau ba năm mẹ giúp đỡ hết lòng cho hai
bác, đến khi mẹ bị tiểu đường, mọi sức lực mất hết, người chỉ như một
cây rơm, bác dâu đưa cho mẹ mấy trăm nghìn và bảo mẹ về lại Hà Nội. Mẹ
trở về như một….cái vỏ chanh.
…
Học hết lớp 12, bố mẹ ngẩng cao đầu với tất cả vì mình tốt nghiệp còn
thiếu 1 điểm nữa thì được bằng giỏi. Những ngày tháng ôn thi đại học như những con thiêu thân tìm đường đến với cái đèn chụp muỗi. Mệt mỏi, căng thẳng và lo lắng. Lớp ôn thi đại học xô bồ và ngổn ngang đủ mọi tầng
lớp. Học 4h chiều mà phải mang quyển vở đến xí chỗ từ 9h sáng. Đấy là
học ở trung tâm Cửa Bắc. Còn ở trung tâm của trường đại học Sư Phạm thì
ca này nối tiếp ca kia, chen nhau bẹp ruột. Nhưng nào ngờ, niềm tự hào
của bố mẹ bị rơi xuống cái hang không đáy khi nghe tin mình trượt đại
học. Mình cũng ngỡ ngàng không kém. Xót xa, rụng rời. Chẳng hiểu vì sao
mình trượt.
Những năm 89 – 99 là những năm thì tuyển sinh đại học tiêu cực nhất
trần đời, phải đến 3 năm sau, báo đài mới nói nhiều. Nhìn lại mà xót xa
nền giáo dục nước nhà.
Mẹ đi bán hàng ngoài hồ, bố ở nhà đập phá, chửi rủa. Bố bảo mình
trượt đại học là bôi tro chát trấu vào mặt bố. Bố bảo mình là đồ ăn hại, chỉ ăn với chơi là giỏi thôi. Mình lặng lẽ đi quạt lò nấu cơm, nhưng
khổ, lò mãi không bén lửa. Khói tùm lum. Bố điên tiết xông tới cầm cái
chậu nhôm phang vào mặt con gái. Rồi đấm đá cho bõ ghét. Mình sợ hãi,
chạy khỏi căn nhà. Chạy mãi, chạy mãi, ra đến chợ Bưởi, và…ngơ ngác
không biết đi đâu về đâu.
Hai hôm sau, mình gọi về cho mẹ, mình khóc vì cả nhà chẳng thấy ai đi tìm. Mẹ giọng thẳng băng: “Con đi chán thì liệu mà về nhé! Mẹ không
đồng ý con đi như thế đâu” làm mình giận mẹ lắm. Mình đâu biết rằng bố
nói dối mẹ, bố bảo nó bỏ sang nhà cái Lý chơi, giờ này vẫn chưa chịu về. Chắc mẹ cũng giận mình. Gì chứ mẹ nghiêm khắc lắm. Mà cũng may có cô
bạn cho ở nhờ mấy hôm, không thì biết bấu víu vào đâu.
…
Cuối cùng, mình cũng đỗ đại học, có việc làm và đi lấy chồng. Mẹ lặng lẽ làm tất cả mọi thứ cho con đường mình đi được thuận buồm xuôi gió hơn.
Mẹ vẫn ngồi khâu cho mình cái nút áo bị đứt, vẫn dặn mình về nhà chồng
phải ra làm sao cho bố mẹ khỏi bận lòng. Hai tháng bỏ nhà theo chàng làm dâu làng Đông, là hai tháng mẹ sắp cơm vẫn lấy đủ 3 cái bát. Gạo vẫn
đong hai bò rưỡi. Ngày thứ bảy chưa về thăm mẹ, sáng chủ nhật sang đã
thấy mẹ tủi thân rơm rớm nước mắt rồi. Mẹ bảo: “cả ngày hôm qua không
làm gì cả, cứ ngồi ngóng tiếng xe của chúng mày.”
Mẹ ơi, biết đến bao giờ con mới trả hết được ơn sinh thành…