Nhất Thụ Nhân Sinh

Chương 7: Chương 7: 14.15




.13/Đoạn tuyệt.

Cô giáo chủ nhiệm dù sao cũng là dạy vật lý, thường theo chủ nghĩa duy vật, thỉnh thoảng mới mê tín một phen, duy tâm một bận, và đương nhiên có thể chẳng thiêng.

Ban đêm, Tạ Nhất mang giấy báo trúng tuyển về nhà. Trong đơn có thông báo ngày khai giảng cũng như liệt kệ những mục cần thiết. Tạ Nhất đã nhìn rất nhiều lần, gần như là thuộc từng chữ một. Tiền học phí với ba chữ số 0 theo phía sau lưng khiến mắt Tạ Nhất như mờ đi, thậm chí lúc bước xuống xe đò cũng thấy choáng váng.

Trường loại 1 tính ra tiền còn ít hơn cả trường loại 3, loại 4. Thế nhưng trường của Tạ Nhất lại ở Thượng Hải, là nơi có giá thành sinh hoạt rất cao, học phí năm ngàn, thêm cả tiền ăn uống đi lại, nói vậy chẳng phải một năm tiêu tốn ít nhất mười ngàn ư? Tạ Nhất có chút lo lắng, nếu sớm biết vậy đã chọn một trường ở Tây Nam hay Tây Bắc gì rồi, cách nhà cũng xa, nhưng học phí rẻ. Nhiều tiền như thế, phải ăn nói thế nào với Tạ Thủ Chuyết?

Phản ứng của Tạ Thủ Chuyết ra sao chẳng quan trọng, vấn đề là gã có cho hay không? Nhà họ làm gì có nhiều tiến đến thế?

Lo âu cứ thế dâng đầy, miên man lại ngẫm tới chuyện những năm này, nếu không có bác Vương và dì Giả thì cuộc sống của cậu còn tệ hại đến chừng nào? Có khi còn khốn khổ cay đắng hơn cả những đứa trẻ sinh ở vùng sâu vùng xa, núi non hiểm trở. Nơi ấy người ta dân phong thuần phác, có nương có rẫy, còn cậu thì chẳng có gì trong tay.

Liệu có nên tới nhà họ Vương báo tin mừng? Tương lai sẽ nhận họ làm cha mẹ, cái tên lông bông Vương Thụ Dân đó tận nơi đảo xa không trông cậy vào được, ít ra thì còn có Tạ Nhất đây.

Tạ Nhất một tay bỏ vào túi quần kiếm chìa khóa, một tay gác lên tay đấm cửa, bất chợt cửa nhẹ nhàng mở ra, không hề khóa.

Tạ Nhất giật mình, Tạ Thủ Chuyết bình thường say xỉn, hay quên không khóa cửa. Cậu tay siết tờ thư thông báo, tai nghe tiếng người hi hi ha ha, chân khẽ dừng lại.

Khẽ nhíu mày một cái, lắng tai nghe cho kĩ càng hơn, thanh âm có vẻ là lạ, không phải chỉ của một người, có cả tiếng phụ nữ đang cười, rất nhỏ, nghe không mấy rõ. Ấy nhưng rành rành là tiếng hoan hỉ rền rĩ, khiến người ta khó chịu.

Tạ Nhất nhẹ tay nhẹ chân đặt túi sách ở vách cửa, khẽ khàng bước tới phòng Tạ Thủ Chuyết. Đi một hai bước thì chân vấp phải thứ gì đó, nhìn xuống liền xám mặt. Thứ quấn lấy chân cậu là cái áo ngực màu đỏ đậm, kế bên là áo quần nhăn nhúm, tiếp đến là nội y rơi vãi.

Trong phòng loang loáng tiếng rên rỉ *** đãng, mùi rượu ngột ngạt ám khắp phòng. Tạ Nhất lập tức hiểu ra tình cảnh bên trong bấy giờ là gì. Chỉ thấy máu nóng dồn lên tận đầu, thần kinh bên Thái dương nảy lên kịch liệt, móng tay bấu chặt vào lòng bàn tay. Hai hàm răng vô thức nghiến keng két, gương mặt thanh tú cũng rúm ró khó coi đi.

Tạ Thủ Chuyết, sao ông có thể, sao ông có thể… Đây là nhà của mẹ tôi!

Tạ Nhất tung chân đá văng cửa phòng ngủ, cánh cửa đánh rầm vào tường vang lên tiếng động rất lớn, hiển hiện ra hai bóng người trần trụi đang quấn lấy nhau. Người đàn bà kia la toáng lên, Tạ Thủ Chuyết bực tức trợn mắt quát, “Thằng ôn nào…”

Lời nói ngưng bặt khi thấy rõ người đang đứng trước cửa là ai. Hai cha con có gương mặt y hệt nhau trợn mắt trừng liếc nhau trong cự ly chưa tới hai thước, kèm theo cả tiếng chửi rủa của người đàn bà.

Tạ Nhất cảm giác thấy luồn máu nóng ban nãy còn dồn trên đỉnh đầu đang dần dần chảy lắng xuống, toàn thân như bị dồn đẩy xuống một hầm băng lạnh. Cậu không hiểu nỗi, sao cứ nhất thiết phải là hôm nay?

Vì hôm nay, cuối cùng cậu cũng cảm thấy mình có thể làm được gì đó để an ủi người mẹ trên trời, thế nhưng lại phải bắt gặp một cảnh xấu xí dơ bẩn nhường này. Tên nát rượu bỏ đi Tạ Thủ Chuyết đã làm cái gì? Mang một người đàn bà rẻ rách bẩn thỉu lên trên chiếc giường của mẹ cậu!

Tạ Nhất trừng mắt nhìn Tạ Thủ Chuyết một lúc, lại bất chợt cười dài một tiếng. Gương mặt cậu tái xanh, cái cằm nhọn hoắc phủ bóng xuống cần cổ trắng nhợt, đôi mắt to tròn hàm chứa sắc hoa đào chẳng có lấy một nếp nhăn nơi đuôi mắt, khóe miệng nhếch cao cao, nụ cười quỷ dị tới lạ. Ả đàn bà giật mình rụt người lại, kéo chăn cố bao phủ lấy tấm thân trần.

Bấy giờ Tạ Thủ Chuyết mới hồi thần, nheo mắt nhìn đứa con trai mà chính gã biết rõ là nó đã phải nhẫn nhục chịu đựng, cố nén thù hằn suốt bao năm nay, “Mày muốn chết à? Tính làm gì? Mau…”

Tạ Nhất hít một hơi, cắt ngang lời gã, “Tạ Thủ Chuyết!” Cậu nói, mặc dù đã từ rất lâu không gọi gã đàn ông đó là “ba” thế nhưng cũng chưa bao giờ dùng giọng điệu xa lạ như vậy mà hô thẳng tên của gã như thế.

Tạ Thủ Chuyết sững ra, nhảy từ trên giường xuống, “Mày nói cái gì? Thằng mất dạy!”

Tạ Nhất cười nhạt một tiếng, nhặt áo quần dưới đất lên ném vào người của đôi lăng loàn đó, rồi xoay người, bước ra phòng khách, lấy đơn trúng tuyển cùng sổ hộ khẩu, lại nói, “Tạ Thủ Chuyết, dù ông có là súc sinh nhưng đã sống trên đời lâu như vậy ắt cũng hiểu được tiếng người.”

Ngữ khí của cậu bình tĩnh đến lạ lẫm, đồng thời cũng lạnh lẽo đến dọa người. Đúng là chó cắn là chó không sủa. Tạ Thủ Chuyết bất giác thấy sợ hãi, nhìn đứa con trai trước nay vẫn im lặng yếu nhược của mình, thốt nhiên trong một thoáng lại chỉ trông thấy một người mà bản thân chẳng biết.

Tạ Nhất đẩy cửa phòng ngủ của mình, nhanh nhẹn lấy sổ tiết kiệm, mau mắn thu nhọn sách vở cùng ít áo quần, rồi từng chữ một nói, “Nhìn ông sống rất tốt, tôi thì cũng đã lớn, vậy nên từ hôm nay trở đi, tôi và ông đoạn tuyệt quan hệ, không máu mủ ruột rà gì nữa!”

“Mày nói lại lần nữa xem!?” Tạ Thủ Chuyết mặc chưa xong quần áo liền vội vã chạy đuổi theo, túm lấy cánh tay đang thu gom đồ đạc của Tạ Nhất.

Tạ Nhất nghiêng người, tung ra một quyền đấm vào mặt Tạ Thủ Chuyết, khiến gã xây xẩm mặt mày, đầu óc choáng váng, cơ thể yếu ớt vì rượu lảo đảo lùi về sau mấy bước, phải đứng dựa vào tường, lưng cong như một con tôm chín, máu từ mũi tích tích rớt xuống đất.

Tạ Nhất nhìn người đàn ông không còn cao lớn bệ vệ như trước, thấy lòng sảng khoái thích chí đến lạ. Bao nhiêu năm rồi, bao nhiêu năm rồi cậu đã khao khát có thể giáng ra một đòn như thế, thay bản thân, thay mẹ đã mất, đấm vào mặt của gã đàn ông khốn kiếp đó.

Ả đàn bà thấy sự tình không ổn liền vội vã tròng áo quần vào rồi chạy biến.

Tạ Nhất vẫn siết chặt bàn tay, nghe rõ tiếng răng rắc, như thể tùy lúc tùy thời mà xộc đến giáng thêm vài đấm vào người gã đàn ông đang co ro dưới đất.

Nhưng sau một lúc câm lặng, cậu buông thõng hai tay, quay đi lấy hành lý, nhanh nhẹn bỏ trang phục, sách vở, sổ sách của mình vào trong, kéo khóa, rồi bước ra ngoài. Lúc đi qua cửa thì nhặt luôn cả túi xách lên, không ngoái đầu nhìn lại ngôi nhà này một khắc.

*

Tạ Nhất lần lữa một hồi mới dám gõ cửa nhà họ Vương. Hiện đang là buổi tối, Vương Đại Xuyên đánh bài dưới lầu, Giả Quế Phương xem TV trong phòng, nghe tiếng liền đi ra mở cửa, thấy Tạ Nhất tay xách hành lý đứng ở ngoài thì sững ra, “Tiểu Nhất, sao vậy con, đi đâu à?”

Tạ Nhất cười một cái, Giả Quế Phương thốt nhiên thấy chẳng lành, đứa trẻ này có điểm gì đó là lạ. Đoạn, Tạ Nhất rút giấy báo trúng tuyển ra đưa cho bà, “Dì, không phải, mẹ nuôi, con đậu đại học rồi.”

Giả Quế Phương há miệng, chẳng quan tâm cái gì là lạ nữa, run run cầm lấy tờ giấy báo như thể đang tiếp thánh chỉ, “Ôi, là trường Đại học có tiếng! Mẹ nuôi đó giờ chưa khi nào được trông thấy thư trúng tuyển của Đại học hết! Là trường ở Thượng Hải, ha ha, sinh viên rồi nha, có được mấy nhà có con là sinh viên? Thiệt không phải chuyện dễ… không phải chuyện dễ mà! Nói đi, con muốn ăn cái gì, mẹ nuôi đi làm cho con ăn! Lát nữa mẹ đi kêu ba nuôi con về, nhà mình phải ăn mừng mới được!” Khi trả lại thư thông báo cho Tạ Nhất thì lại nhác thấy tụng hành lý dưới chân, “Con à, còn một tháng nữa mới nhập học, sao đã vội thu dọn hành lý thế nào?”

“Mẹ nuôi…” Tạ Nhất gọi một tiếng, trước nay vẫn quen kêu “dì Giả”, hiếm khi nào xưng hô chân thành thân thiết như thế. Đoạn, cậu đứng thẳng lưng, rồi trịnh trọng gập người vái chào, “Con cảm ơn mẹ!”

Giả Quế Phương lại càng lo lắng, “Tiểu Nhất, con… làm gì vậy?”

“Hôm nay con có quỳ xuống lạy mẹ một lạy cũng vẫn chưa đủ…” Tạ Nhất nói, “Sau này mẹ chính là mẹ của con. Mẹ hãy yên lòng, chỉ cần con còn sống thì nhất định sẽ quay về báo hiếu với mẹ.”

Giả Quế Phương trợn mắt, ngực chợt trỗi lên nỗi bất an, “Con muốn đi đâu?”

Tạ Nhất cúi đầu, trầm mặc một lúc mới đáp, “Hồi đám tang mẹ con có bà con dưới quê lên, mẹ nuôi cũng từng thấy qua. Lúc mẹ con còn sống từng giấu Tạ Thủ Chuyết lén gửi tiền về cho bà ngoại… Con còn một người cậu ở miền Nam…” Rồi khẽ ngừng một chút, “Con sẽ xuống dưới đó, không sao đâu mẹ nuôi, con còn trẻ, khổ cực gì mà không chịu được. Con sẽ tới trường xin tạm nghỉ học một năm, đi tìm cậu con, theo cậu kiếm sống, khi nào đủ học phí rồi lại quay về đi học.”

Giả Quế Phương nóng vội nói, “Con nói gì vậy? Thật ra con tính làm gì?” Bà định nắm tay Tạ Nhất, nhưng cậu đã nhanh nhạy lùi về sau, bước ra ngoài cửa, “Sao con ngốc vậy? Đậu đại học đâu dễ? Con còn có mẹ nuôi mà! Tiểu Dân nó đi bộ đội không phải tốn tiền, mẹ có tiền này, để mẹ nuôi con! Con muốn học lên thạc sĩ tiến sĩ gì cũng được, mẹ sẽ lo cho con tất!”

Tạ Nhất cười một tiếng, không đáp, xách hành lý lên, “Cảm ơn mẹ. Mẹ nhớ chú ý bảo trọng sức khỏe, đợi con về báo hiếu với mẹ. Mẹ nhắn với ba nuôi một tiếng giúp con, con không thể tới chào ba nuôi được.”

Giả Quế Phương tức tốt xỏ dép chạy đuổi theo, nhưng lại không bắt kịp tốc độ của Tạ Nhất, chỉ có thể nhìn bóng lưng gầy gò xiêu vẹo đó khuất mỗi lúc một xa. Giả Quế Phương ứa nước mắt, khản cổ gọi, “Tạ Nhất! Tạ Nhất con!”

Nhưng bóng người thiếu niên càng đi càng xa, mang theo nỗi quyết tuyệt đầy dứt khoát.



.14/Tha hương.

Tưởng niệm là gì?

Tưởng niệm vốn dĩ là chứng bệnh bắt rễ từ xương tủy, lúc mùa đông sẽ hóa thành khí lạnh toát ra khỏi cơ thể, khiến mỗi thốn thịt da máu huyết phải buốt rét đau đớn. Đi trên đường tình cờ nghe thấy một bản nhạc, dầu có là giai điệu rộn ràng vui vẻ cũng biến thành khúc ly ca sầu muộn, chui vào trong tâm can trí óc khiến trái tim co rút đau đớn. Tình tự ngàn muôn vạn mối cũng như trăm sông dồn về một biển, đặt hết lên trên một người duy nhất.

Bởi vì cô đơn nên nhung nhớ, lại vì nhung nhớ mà càng thêm cô đơn.

Bởi vì đeo mang trong lòng tình cảm đó nên lúc nào cũng thấy mệt mỏi, nửa đêm giật mình tỉnh thức tâm trí bần thần không yên.

Tạ Nhất cắn chặt răng, lựa chọn rời xa, rời xa, chỉ có thể là rời xa.

*

Thành phố Thượng Hải nằm ở rìa phía Nam dòng Trường Giang đã hoàn toàn phá vỡ hình tượng Giang Nam sóng biếc hoa mộng mà một thời thi ca đã không tiếc ngợi khen, nào là chốn thủy ngoại đào nguyên, xuân sắc êm đềm một dòng trôi xuôi cả thời không. Kinh đô sầm suất rộng lớn này vận hành một cách chóng mặt, ai ai cũng vội vã bận rộn lướt qua nhau. Tạ Nhất có đôi khi đứng nhìn thành phố người qua kẻ lại như mắc cửi từ trong con hẻm nhỏ hẹp vắng tanh lại sẽ thấy cô đơn và buồn bã đến lạ.

Thế nhưng lại có một cỗ sức mạnh to lớn cứ ngày đêm không ngừng trỗi dậy, nhằm bóp chết đứa bé nhu nhược yếu ớt, để tất cả quá khứ vùi chôn tận cùng mãi mãi hệt như tuyết rơi phủ lấp lối đi đường về vào cái đêm mà thiếu niên quyết tuyệt bỏ ra đi.

Tựa như một đấm đã nện vào mặt Tạ Thủ Chuyết. Triệt để kéo lôi sự bạo ngược vẫn luôn được chôn giấu quá lâu trong đáy tâm hồn. Và cũng chính sự kiên quyết không thuộc về thiếu niên đó đã xé rách thân thể Tạ Nhất, biến cậu thành một người trưởng thành chỉ trong một đêm.

Tạ Nhất đã lừa Giả Quế Phương, hoàn toàn không có người cậu ruột nào, dầu có, cậu cũng sẽ không liên hệ. Đến cả huyết mạch tương liên lâu ngày không ngó ngàng tới còn hóa lạnh máu xương thì nói chi tới thân thích gần xa.

Ngày xưa, Hoàng Thái Hương nhất mực muốn gả cho Tạ Thủ Chuyết, đã cãi nhau với người trong gia đình, bao nhiêu năm rồi, cơ hồ là đã đoạn tuyệt quan hệ. Chỉ có người mẹ lương thiện của cậu là vẫn không dứt tình thân, len lén giấu tiền gửi về cho nhà họ ngoại từng tháng một, mong có được chút ít sự thứ tha của gia đình.

Nhưng, số tiền đó chỉ có thể mua về một phong bì từ tay người đàn ông trung niên mặt mày lạnh tanh xa lạ, chẳng bù cho Tạ Thủ Chuyết đổi rượu uống, trong tang lễ của Hoàng Thái Hương.

Tình cảm lắm lúc như một cuộc đầu tư. Anh bỏ tiền đầu tư vào đó, và đồng thời cũng phải chuẩn bị cho việc mất cả vốn lẫn lãi sau này. Nói ra có hơi bạc bẽo, nhưng chính xác là như thế.

*

Tiền làm công đợt hè vừa đủ cho cậu trang trải lộ phí và tiền căn phòng cậu lần đầu đi thuê. Tạ Nhất sống cho gian phòng ọp ẹp, có thể bị phá bỏ bất cứ lúc nào, khuất sâu trong con hẻm nhỏ. Người thuê chung phòng với cậu là một thanh niên tên Tiểu Ngô, đến từ An Huy, hiện đang đi làm công qua ngày. Phòng ốc nhỏ hẹp chật chọi, tường không cách âm, hàng xóm kế bên cãi nhau gì đều nghe ***g lộng, toilet xài chung do không thường xuyên tẩy rửa quét dọn nên lúc nào cũng nghe cái mùi ngai ngái khó chịu.

Mùa đông lạnh lẽo, thành phố miền Nam tuy không lắp đặt hệ thống sưởi ấm, nhưng so ra vẫn tốt hơn phương Bắc suốt ngày thâu đêm luôn có gió tây bắc rít gào vần vũ. Thế nhưng vì nơi này tình cảnh sinh hoạt quá mức nghèo nàn nên cũng chẳng khá khẩm hơn là mấy. Thật ra cũng tại Tạ Nhất ham rẻ, thuê phòng tồi tàn, chăn đệm cũng là chủ nhà cấp cho, mền mùng luôn có mùi ẩm mốc, chân tường xó góc rêu mọc đầy, như thể một vết sẹo lồi cắt ngang da thịt.

Những ngày đầu mới đến, cậu hoàn toàn nghe không hiểu dân ở đây nói gì, giọng Thượng Hải cứ lơ lớ tiếng phổ thông khiến chóng cả mặt. Thỉnh thoảng cũng nghe ra đôi ba tiếng, nhưng chung quy đều mơ hồ cả.

Càng là như vậy thì nỗi cô độc lại càng lớn dần rồi lan rộng.

Sau vài ngày, Tạ Nhất chịu không nổi nữa, đi mua một xấp giấy viết bản thảo, đem tất cả những lời không thể thốt ra với ai viết lên trên giấy, rồi mang đi đốt trong cái chậu gốm tráng men, nhìn những hàng chữ đen đen từ từ hóa ra bụi tro, tựa như đang tâm tình với người mẹ quá cố, thuận tiện sưởi ấm cho đôi bàn tay.

Về chuyện việc làm, so với tưởng tượng ban đầu thì còn dễ hơn rất nhiều. Từ bé Tạ Nhất đã quen chịu khổ, chẳng bao giờ chê lương ít, mang so với nguồn nhân lực nội địa thì cậu vừa có sức vừa chăm chỉ lại bằng cấp cao, tới nơi nào đều có người hồ hởi đón nhận.

Tạ Nhất làm một lúc bốn việc, cuối tuần cũng chẳng nghỉ ngơi, nhặt sách báo người ta bỏ đi, gom góp mang bán ve chai, đổi vài chục đồng bạc lẻ. Một đồng tiền cũng xẻ ra hai. Thường ngày ngoại trừ nhu cầu sinh hoạt cơ bản và tiền giấy bút thì Tạ Nhất chẳng xài cho cái gì, đến cả một cú điện thoại cũng không gọi. Và đương nhiên, cũng không có ai để cậu cần mà liên hệ.

Làm phụ hồ ở công trường được người ta cấp đồ ăn miễn phí, muốn ăn bao nhiêu thì ăn. Tạ Nhất hầu như là sống dựa vào mớ thực phẩm đó, cầm cự cháo dưa qua ngày, có bao nhiêu thì cố ăn hết bấy nhiêu, ráng mà trôi qua một ngày. Có đôi khi đói quá, trong hộc tủ ở nhà có vài ba vắt mì sợi, rồi ra chợ nhặt rau cải người ta bỏ đi, mang về nấu với nước lã cùng muối đường bột ngọt mà ăn lót dạ.

Một năm, Tạ Nhất liều mạng đi làm. Hạ quyết tâm trong một năm phải kiếm đủ tiền học cùng sinh hoạt phí. Thời gian cho cậu tạm nghỉ học chỉ có một năm.

Cuộc đời trêu cợt cậu mười tám năm, cậu nhẫn nhục chịu đựng, nhu nhược chịu thua, bây giờ nên tới lúc hai bên hòa nhau rồi.

Tạ Nhất cắn răng, cố giữ cho mình tôn nghiêm mà sống.

*

Thời gian cứ thế trôi qua, chớp mắt một cái tới thu, chớp mắt cái nữa gần hết đông. Tới độ cuối năm, có rất nhiều người làm công lục tục về nhà, bạn cùng phòng với Tạ Nhất cũng đã mua vé xe về quê. Bấy giờ là lúc dễ kiếm việc làm nhất, nên Tạ Nhất cũng bận rộn tranh thủ một phen.

Tết là thời gian dành cho người có gia đình. Còn Tạ Nhất, là kiểu người một người ăn no tự lo phận mình, nên phải ráng mà làm lụng.

Những con số trong sổ tiết kiệm là nguồn vui duy nhất với Tạ Nhất. Hàng chữ số trong sổ đã sớm vượt qua hạn mức được đề ra. Tạ Nhất ban đầu vì lo lắng nên chia tiền ra gửi trong các ngân hàng khác nhau, như vậy coi như không đặt tất cả trứng gà vào cùng một rổ. Tiền chẳng là gì cả. Nhưng lúc không tiền tới tới một cọng lông chim cũng đủ làm ngạt thở chết người ta.

Ba mươi Tết, ông chủ cho Tạ Nhất về nhà sớm. Một mình đi trên đường, lo nghĩ mãi hoài cũng dừng lại cái sạp bên vỉa hè, mua thẻ điện thoại, tìm buồng điện thoại công cộng mà gọi cho một số máy quen thuộc.

Điện thoại chỉ reo hai tiếng, đối phương dường như rất nóng vội, Tạ Nhất không kịp “A lô” thì phía bên kia, Giả Quế Phương đã nôn nóng nói, “Phải Tiểu Nhất không con? Là Tiểu Nhất phải không con? Tiểu Nhất à? Tiểu Nhất nói gì với mẹ nuôi đi con!” Nói một tràng, câu cuối đã nghẹn ngào thổn thức.

Bao nhiêu tủi hờn cay đắng một mình chịu đựng suốt hơn nửa năm nay đều cố kìm nén lại trong lòng, thế nhưng ngay trong sát na nghe thấy giọng nói quen thuộc của người mẹ hiền thì viền mắt lại nóng lên, ứa nước. Tạ Nhất ngước đầu, nhìn thành phố bầu trời rặt một màu xám đục dần chuyển sang đen này, cố gắng giữ mình bình tĩnh, lát sau mới nhẹ nhàng lên tiếng, “Mẹ nuôi, là con.”

Giả Quế Phương khóc không thành tiếng.

Tạ Nhất thoáng nghe thấy phía bên kia là giọng ba nuôi đang khuyên bảo gì đấy, nghẹn ngào mãi mới thốt ra lời, “Mẹ nuôi, đừng khóc. Con không sao. Con rất khỏe. Thật đó! Con khỏe lắm!”

Vương Đại Xuyên đẩy Giả Quế Phương cứ mải khóc ra, cầm lấy điện thoại, “Tiểu Nhất hả con, là ba nuôi nè… Con đang ở đâu hả?”

Gió rét lùa qua, thốc vào trong buồng điện thoại, Tạ Nhất cười khổ một tiếng, “Ba nuôi, con đang ở Thượng Hải.”

“Gì chứ, làm sao ba không biết là con đang ở Thượng Hải? Mẹ nuôi con mỗi ngày đều lải nhải, bảo rằng số mã vùng điện thoại ở Thượng Hải là 021, nên chỉ cần điện thoại vừa reo, hiện lên số 02 thôi thì bả cứ như lên đồng ấy. Thế nhưng đợi nửa năm trời cũng chẳng thấy con gọi về, mẹ nuôi con cứ nghi thần nghi quỷ. Hôm trước coi TV… chương trình gì bà? Chiếu một ông lão già rồi, bị mù lại còn lưu lạc ăn xin, làm mẹ nuôi con khóc quá trời. Bả chỉ lo con một thân một mình sống bên ngoài ăn không no mặc không ấm, lại chẳng có nơi ở lẫn tiền bạc…”

Vương Đại Xuyên nói liên miên một hồi, Tạ Nhất chỉ im lặng lắng nghe, khóe mắt ngần ngật nước, kìm nén thế nào cũng không xong. Trong ấn tượng ba nuôi là người thô kệch, chỉ mỗi việc ngáy ngủ thôi mà như có thể làm rung cả quả núi, lúc nào cũng thô lỗ nhưng hào phóng. Bắt đầu từ bao giờ lại đi lo ba chuyện vụn vặt như cơm nước áo quần này?

Tạ Nhất hít sâu một hơi nói, “Ba nuôi, con có chỗ ở, cũng có việc làm, có tiền. Ba nói với mẹ nuôi là đừng lo cho con. Con sắp kiếm đủ tiền đi học rồi. Đợi thêm nửa năm nữa, không chừng còn đủ luôn tiền cho năm thứ hai. Lúc đó về trường nhập học lại cũng được. Có kinh nghiệm làm việc, đối với chuyện học hành cũng rất tốt…” Thốt nhiên lại không nói được gì nữa. Bàn tay cứ nắm siết lấy ống nghe điện thoại, vì lạnh mà từng ngón tay trắng bệch, tưởng chừng như bóp nát điện thoại ra.

“Tốt lắm! Vậy là được rồi!” Vương Đại Xuyên thở dài, Giả Quế Phương đập vào lưng ông một cái, nói, “Tốt gì mà tốt? Tốt cái đầu ông ấy!” Bà nghiến răng lườm chồng rồi nhanh lau nước mắt, đoạt lấy ống nghe, lớn giọng mà nói, “Sao cái thằng gì mà không bao giờ chịu nghe lời mẹ thế này? Mình ênh sống vất vưởng chợ đời, phải chịu bao nhiêu khổ cực rồi hả con?”

“Con…”

Tạ Nhất vừa mở miệng thì liền bị Giả Quế Phương chặn lời, “Con đừng có lừa mẹ nuôi! Mẹ nuôi sống từng này tuổi, có gì chưa thấy đâu? Mẹ từng thấy người ta ban ngày vất vả đi làm, ban đêm chui vào trong cái lều rách mà ngủ… Nghe đâu chỗ của con mùa đông không lắp hệ thống sưởi hơi… Trời lại lạnh như vậy… Mỗi ngày mẹ đều xem dự báo thời tiết, Thượng Hải hổm rầy toàn dưới 0 độ, sao mà sống nổi hả con?”

Tạ Nhất lí nhí, “Con quen rồi…”

“Quen gì mà quen? Bây giờ thì con ỷ y, nhưng tới già bệnh tật tính sao? Cái lạnh ăn vào xương, già rồi đứng còn không nổi! Mẹ nói con…” Giả Quế Phương càm ràm căn dặn một phen. Tạ Nhất nhìn thông báo trên màn hình điện thoại, sắp sửa hết thời gian. Phía bên kia đột nhiên dừng lại, chốc sau Giả Quế Phương lại nói, “Trường của Tiểu Dân được nghỉ, nó muốn nói chuyện với con, con chờ chút.”

Tạ Nhất sững người ra, tưởng chừng là đã ngừng thở, ngực nhói lên đau vô cùng, bàn tay càng siết chặt ống nghe. Rồi sau đó là tiếng “Này” quen thuộc, “Tiểu Tạ! Tạ Nhất! Cậu còn đó không?”

Một trận gió lạnh thốc qua khiến Tạ Nhất giật mình tỉnh táo lại, ho một tiếng, “Tôi, tôi đây.” Cố gắng điều chỉnh để giọng điệu của mình thật tự nhiên, “Nghe nói cậu đậu vào trường quân đội rồi, vẫn chưa chúc mừng gì, tôi…”

Vương Thụ Dân cười lạnh, “Chúc mừng? Cậu tiêu đời rồi! Đồ con rùa khốn kiếp Tạ Nhất, nghe cho rõ đây, ngài đây vừa giựt được một vé tàu của thằng bạn, chín giờ tối mai lên tàu, chừng chín giờ sáng ngày mốt thì tới nơi. Cậu nếu còn có lương tâm thì ra trạm xe đón ngài đây! Còn mà không tới, cha chả, đừng có nhìn mặt anh em gì nữa!”



.15/Ở lậu.

Hai hôm chờ đợi đó trời đặc biệt lạnh. Sáng sớm hôm ấy, Tạ Nhất xin nghỉ, vội vàng ra trạm xe lửa.

Hiện đang là ngày nghỉ, tuyết số 1 đông nghìn nghịt người, ai nấy cũng cố chen lấn và đẩy xô chèn ép người khác dẹp lép cả ra. Dọc đường đi Tạ Nhất lòng bất ổn vô cùng. Tròn ba năm rồi cậu chẳng gặp Vương Thụ Dân.

Từ mười sáu tuổi đến mười chín tuổi, là quá trình đủ để một thiếu niên trở thành một người đàn ông. Tạ Nhất thốt nhiên nhận thấy, té ra đã lâu như vậy, té ra người kia ở ngay trong tim mình. Bản thân đã luôn chôn giấu bấy lâu.

Như thể một cái rương không đáy, tàn trữ chuyện cũ bao năm. Rất lâu sau đó mới mở ra, bất chợt phát hiện, cõi người ta chỉ hữu hạn trăm năm. Nhanh như thoi đoi gió đẩy. Nếu ngày trước không có buồn vui sướng khổ, thì ngày sau há sẽ phai nhạt xóa mờ?

Tạ Nhất không hiểu tư vị đang dậy sóng trong lòng là gì. Một thứ cảm giác chỉ chực trào nhảy bổ ra khỏi cổ họng. Vừa vui mừng vừa lo lắng. Nói chuyện điện thoại so với gặp mặt trực tiếp, vẫn khác nhau cả vạn dặm dài. Thiết nghĩ, Vương Thụ Dân đã lâu không về nhà, tới cả thời gian người thân đến thăm cũng khước từ để dồn sức vào học hành. Đùng một cái ba năm, lần đầu trở lại, phải đi một quãng đường thật xa đến tìm cậu. Phải chăng, tận sâu trong lòng, vẫn đang ôm một tia mong chờ?

Hối hả chạy tới trạm xe lửa, gió lạnh thổi táp vào mặt, khiến Tạ Nhất tỉnh táo ra, bước chầm chầm lại, cười giễu bản thân một phen. Mong chờ? Có gì để mong chờ? Mình là một tên biến thái, lẽ nào cũng biến người khác thành biến thái theo?

Tới giờ xe cặp bến, tuyến xe của Vương Thụ Dân đến, Tạ Nhất đứng bật dậy, dáo dác tìm kiếm trong đám người nhốn nháo.

Những người đứng chờ thân nhân ở trạm xe hẳn là cũng có cảm giác thế này, nhất là giữa lúc đông người, mỏi mắt ngóng tìm hình bóng quen thuộc. Nếu không có di động liên hệ thì cơ bản xác suất nhận ra nhau chẳng đến một phần trăm.

Tạ Nhất chẳng dám chớp mắt, ráng giành đứng ở nơi cao nhất, dựa theo hồi ức mà tìm một người.

Ngay lúc mắt mỏi chân run, kiếm hoài không gặp, thì vai bị ai đó vỗ một cái. Tạ Nhất giật mình, quay đầu lại, chưa kịp trông rõ hình dáng đối phương thì bị cánh tay cứng như sắt thép quặp lấy cổ, vai bị đè xuống, thiếu điều ngã sóng soài dưới đất.

Tạ Nhất ho khan mấy tiếng, cố ngước đầu lên, nhưng Vương Thụ Dân lại cố tình đè lưng cậu lại, “Hứ, cố trừng đôi mắt mù của cậu lên tìm gì hả?” Đoạn Vương ta cõng bao hành lý lên vai, xoa xoa cánh tay Tạ Nhất, bĩu môi chê bai, “Sách, tôi nói cậu Tạ Nhất, tới tre nó còn to hơn cậu. Ba năm rồi còn đâu, sao chẳng to béo cao lớn thêm tí nào. Có đem cậu quẳng vào lò thì cũng chẳng cháy lên nổi.”

Chẳng biết là do cơn ho khan hay trời đang lạnh mà mặt Tạ Nhất khẽ ưng ửng đỏ. Đoạn cậu giãy ra, cẩn thận quan sát thanh niên đứng trước mặt, cảm khái mà rằng, “Vương Thụ Dân, bộ đội các cậu mỗi ngày ăn phân hóa học à?”

Ba năm trước, Tạ Nhất đứng cạnh Vương Thụ Dân chỉ thấy hai người chênh lệch nhau chẳng bao nhiêu. Bây giờ nhìn lại thì cách nhau hơn nửa cái đầu. Cái tên to xác kia chẳng hề biết lạnh, mùa đông mà mặc áo jacket, để phơi làn da rám nắng cùng bả vai nảy nở rộng lớn của mình.

Gương mặt của thanh niên góc cạnh, ngũ quan sâu sắc, chỉ khi nào cười lên thì mới gợi nhớ tới thiếu niên mười sáu tuổi ngày nào, hàm chứa khí chất phóng khoáng, chẳng sợ kham khó gì.

Tạ Nhất mỉm cười, Vương Thụ Dân nhìn dáng tươi cười đó thì thấy có chút lạ lẫm. Cậu thanh niên này cứ im lặng mỉm cười, đôi môi tái nhợt, cằm thuôn nhọn, mi mày cong cong, khóe mắt nhíu lại, chẳng hiểu sao chỉ thấy vừa buồn bã, vừa thờ ơ… Vương Thụ Dân lắc đầu, hỏi đùa, “Chú có nhớ anh không?”

“Nhớ cậu? Nhớ cậu có hóa thành tiền được không? Tôi làm sao có thời gian xa xỉ đó!” Tạ Nhất xách hộ một túi hành lý, “Đi thôi, tôi dẫn cậu đi ăn gì đó.”

Bên trong ga xe lửa rất nóng, lại rất chật, Tạ Nhất chỉ cười nghe Vương Thụ Dân nói liên miên một hồi, kể chuyện cậu bé xuất ngũ về nhà được nhà nước cấp việc làm cho, kể chuyện người anh em một lần có thể ăn hết khẩu phần ăn dành cho năm người, kể chuyện diễn tập từ lớn tới bé, nghiêm cần, khắc kỷ, nhưng lại sục sôi nhiệt huyết.

Người qua người lại chen chúc không ngừng, Vương Thụ Dân nghiêng người, nép cơ thể sát vào Tạ Nhất, ngực dán lên vai cậu. Nhiệt độ cơ thể xuyên qua lần áo sơ mi mỏng, truyền tới người Tạ Nhất, khiến cậu hồi hộp tưởng chừng không thể thở nỗi.

Cảm giác thấy hơi thở của Vương Thụ Dân phả lên trên vai, mặt và cổ Tạ Nhất lần nữa ửng hồng lên. Đây không phải là cự ly an toàn, vành tai tóc mai chạm nhau. Cái ý nghĩ “cách ra xa một chút” ngay từ lúc gặp lại nhau cứ trỗi lên trong đầu, hóa thành vuốt nhọn cào lấy trái tim, quặn lên đau nhói.

Cậu vốn là một người rõ ràng, rạch ròi yêu ghét, khiến người ta cảm giác thấy cậu như thể một con hổ con chẳng thể nhốt được vào lòng. Thở hắt ra một hơi cũng làm người khác ngửi thấy mùi cố chấp. Tạ Nhất nghĩ, nếu cậu là phụ nữ, thì lục phũ ngũ tạng cũng hư thối cả. Khi đối mặt với người kia, vẫn cứ tự tin mặc cảm thôi.

Biển người mênh mông, gần như vậy, xa đến thế.

Tagore từng nói, khoảng cách xa nhất thế gian, chính là tôi đứng trước mặt em, em lại không hay lòng tôi yêu em. Nhà văn xa xôi nơi nước bạn, viết những câu chữ hàn lâm, nhưng lại dễ dàng lay động lòng người, vì bởi từng tiếng từng lời đều thấm đậm tư vị cuộc đời.

*

Nụ cười vui vẻ của Vương Thụ Dân hoàn toàn tắt ngúm khi bước vào căn phòng trọ ọp ẹp của Vương Thụ Dân. Ngoài kia là thành phố xa hoa sáng lóa, người xe như nước, nhà cửa như nêm, nhưng bước qua phía bên này lại là một không gian nhỏ bé, chật chội, lại còn ngai ngái mùi ẩm mốc.

Tạ Nhất cất hành lý, chỉ vào cái ghế duy nhất trong phòng, “Cậu ngồi xe lâu như vậy chắc mệt lắm, lại kia ngồi đi, hoặc không thì lên giường nằm cũng được. Tôi đi nấu nước, cậu rửa tay rửa mặt xong, tôi dẫn ra ngoài ăn cơm.”

Vương Thụ Dân túm ngay lấy tay Tạ Nhất, khiến cậu lảo đảo suýt thì té ngã, bàn tay cứng như gọng kìm làm Tạ Nhất sinh đau. Mãi một lúc đắn đo cắn môi, Vương Thụ Dân mới hỏi, “Cậu… sống ở đây?”

Tạ Nhất ngây ra một chút mới cười một tiếng, “Sao? Đại thiếu gia chưa từng thấy nhân gian khổ hạnh? Thật ra cũng không tệ. Bây giờ có hơi lạnh, nhưng nghe đâu đến hè thì mát lắm.” Đoạn liền rút cánh tay ra khỏi bàn tay Vương Thụ Dân, xoay người đi nấu nước, “Cậu đã đặt vé tàu đi về chưa? Khi nào thì đi, ngày mốt à?”

Vương Thụ Dân thả người xuống giường, khiến cái giường dựng từ vài ba tấm ván kêu keng két, rầu rĩ đáp, “Không về, đợi khi nào cậu khai giảng mới về.”

Tạ Nhất thoáng khựng người, thờ ơ nói, “Cậu muốn trải nghiệm cuộc sống kham khổ à? Mau mau về nhà đi. Tôi chỉ xin nghỉ làm có một ngày thôi, chẳng rỗi đâu đi hầu cậu. Ngày mai còn đi làm nữa.”

Vương Thụ Dân hứ một tiếng, “Tôi cứ ở lại đây đấy làm gì nhau nào, có ngon thì gọi điện thoại về nhà khiếu nại đi!”

Tạ Nhất vặn lửa to lên, bếp lò tí tách kêu, rồi cười khổ nói, “Không giỡn với cậu đâu. Gần đây có chỗ bán vé tàu, buổi chiều tôi với cậu tới đó mua vé. Chỗ của tôi sao mà ở được. Hai bữa nữa Tiểu Ngô về, cậu hay tôi xuống đất nằm nào? Tiền điện nước ở đây tính theo đầu người. Bà chủ nhà lúc nào cũng sợ bọn này dẫn người về rồi quỵt tiền. Có thêm cậu thì tôi phải đóng tiền bằng với hai người đấy.”

“Sao lại thế chứ?”

“Sao trăng gì, cậu cao to như vậy làm sao người ta có thể xem cậu như chị em bạn gái mà tính tiền hử?”

Vương Thụ Dân liền ngậm miệng, đột nhiên không biết nói gì nữa, thế nhưng cứ im lặng thì khó chịu. Đoạn lại nhớ tới bả vai gầy gò như thể cái móc phơi đồ của Tạ Nhất, rồi dáng người nom như cây tre, gió thổi mạnh một cái liền bay, mũi chợt cay cay.

Hai người im lặng một lúc, Tạ Nhất dùng giẻ lau bắc ấm nước sôi xuống, rót vào hai cốc nước, cho Vương Thụ Dân và mình mỗi người một ly, sau đó thì ngồi xuống cái ghế đẩu đã mục kia. Hai tay ôm lấy cốc nước, đầu ngón tay đỏ bừng, gương mặt lại chìm khuất dưới làn hơi nước mờ ảo khiến người đối diện chẳng nhìn ra biểu cảm gì.

“Muốn đi đâu chơi không? Bến Thượng Hải? Đông phương Minh châu? Đi thuyền dạo sông Hoàng Phố?”

Vương Thụ Dân nhìn Tạ Nhất, thu lại vẻ mặt đùa cợt ban đầu, “Chẳng đi đâu hết. Tôi tới không phải để chơi. Tiểu Tạ, cậu nói thật tôi nghe, tại sao cậu không nói gì mà đã bỏ đi hả?”

Tạ Nhất nghịch món tóc mái trước mặt, hời hợt đáp, “Cũng không có gì, tôi đánh Tạ Thủ Chuyết…”

Vương Thụ Dân trợn mắt há hốc mồm, như thể thấy người ngoài hành tinh, “Cậu nói cái gì?”

“Tạ Thủ Chuyết đưa một người đàn bà ở đâu đó về, tôi đấm ông ta một cái, rồi đoạn tuyệt quan hệ cha con.” Tạ Nhất cố nuốt nước bọt, tay chân đông lạnh cũng từ từ ấm áp trở lại, nhẹ nhàng cười một tiếng, “Tạ Thủ Chuyết chắc không mặt mũi gì để kể nhỉ?”

“Cậu… tiểu hành tinh cuối cùng cũng nổ rồi à?” Vương Thụ Dân nghẹn họng nửa ngày mới nói được một câu.

Tạ Nhất chỉ cười.

“Không phải, Tạ Nhất!” Vương Thụ Dân phục hồi tinh thần lại, thở dài, “Đánh thì đánh. Cậu… như thế là đang chứng tỏ cho ai coi hả?” Rồi di chân chà sàn nhà, “Cái phòng này tôi bước chẳng dám bước mạnh, còn cái ghế cậu đang ngồi, chẳng mấy chốc cũng gãy! Cậu đó, học không chịu học, làm như vậy chẳng phải chỉ tổ làm khổ mình hay sao?”

“Ai bảo là tôi không đi học, chỉ là bây giờ tôi xin tạm nghỉ một năm, đi làm kiếm học phí, sang năm lại nhập học…”

Vương Thụ Dân tức mình đặt cốc nước xuống giường cái cạch, nước nóng bắn lên mu bàn tay, nhíu mày hỏi, “Tạ Nhất, mẹ tôi coi cậu như con ruột, còn cậu thì coi gia đình tôi là cái gì?”

Tạ Nhất cúi đầu một lúc, tới khi ngước lên, nhãn thần vốn u ám bỗng chốc sáng rực. Rồi như có một dòng điện chạy ngang, làm Vương Thụ Dân thấy người run lên, tim đập mạnh, câu nói quở trách cứ nghẹn ngào sau đó lại hóa thành một tiếng thở dài bất lực, “Tiểu Tạ, tới bao giờ cậu mới chịu sửa cái tính con lừa đó hả?”

“Cậu mới là lừa ấy!” Tạ Nhất lườm một cái, “Đi thôi. Không phải cậu chướng mắt cái phòng tồi tàn này sao, tôi dẫn cậu đi ăn, lẩu nhé?”

Vương Thụ Dân nhụt chí, ừ hữ một tiếng, đứng dậy đi theo Tạ Nhất ra ngoài, rồi chẳng biết suy nghĩ cái gì lại nói, “Tiểu Tạ, nếu cậu bớt suy nghĩ và lo lắng đi một chút, biết không chừng sẽ sống thoải mái và vui vẻ hơn.”

Tạ Nhất không quay đầu lại, cũng không trả lời, như thể chẳng hề nghe thấy. Gương mặt thanh tú nhưng lãnh đạm, đôi mắt u tối, miệng cười khổ một tiếng.

Đúng vậy, để sống thì phàm là bớt suy tính đi, nhìn đời thoáng một chút, đối người nào đó… cũng đừng để tâm quá mức.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.