Nhất Thụ Nhân Sinh

Chương 9: Chương 9: 20




.19/Mảnh giấy nhắn.

Doanh trưởng Vương Thụ Dân xuất ngũ.

Từ ngày nhập ngũ tới buổi xuất ngũ, phỏng chừng gần mười năm. Mười năm trước hắn chỉ là một tên nhóc không phân biệt được bốn với sáu, là thằng lông bông chỉ học được nửa năm đầu cấp ba, vừa hời hợt vừa không văn hóa. Đích thị là chẳng có gì nên gạo nên cơm. Mười năm sau, cuộc sống quân đội để lại nhiều vết tích trên người hắn, sẹo to sẹo nhỏ chằng chịt khắp thân, lại thêm hai lỗ tai không thể nghe được âm thanh gì quá lớn. Có lẽ có cả sức bật tuổi trẻ?

Có lẽ không.

Thật ra mà tính, những gì quân đội cho hắn, nhiều hơn những gì hắn cống hiến. Bộ quân trang bận mười năm, dạy cho hắn hiểu được trách nhiệm, cùng lòng can đảm mà một người đàn ông cần có.

Với khả năng của doanh trưởng Vương thì làm cảnh sát hình sự dễ như chơi. Nhưng tiếc là thái hậu Giả Quế Phương cấm tịt cửa. Thái hậu hạ chỉ, sau ngày doanh trưởng Vương bị thương, nghiêm cấm tuyệt đối những việc có liên quan tới bạo lực. Thậm chí trên TV chiếu quyền anh, thái hậu cũng điên tiết thiếu điều là đi tìm Thanh tâm bổ phế hoàn uống.

Vì vậy Vương Đại Xuyên đành tiếc hận xóa hết những kênh thể dục thể thao. Hai cha con có ngứa mắt thì trốn xuống nhà lão Lý dưới lầu mà coi ké, miết rồi con chó mực nhà lão cũng không nhe nanh múa vuốt với hai vị khách không mời này nữa.

Giả thái hậu rút kinh nghiệm xương máu, nghĩ rằng thằng con mình bộp chộp lỗ mãng, không đặt ở trước mắt canh chừng thì không được. Ngày xưa, bà trẻ lòng non dạ nên mới để cho thằng quý tử mà mình vất vả mới nuôi lớn đi lăn lộn bầm dập cùng trời cuối đất.

Bây giờ thời thế thay đổi lòng người thôi đẩy, liền phán không cho Vương Thụ Dân bước chân ra khỏi nhà, ngày ngày ngồi chồm hỗm ngay cửa để bà tiện bề trông coi.

Vương Thụ Dân có bom cũng không dám thả, thành thành thật thật cúi đầu nghe thái hậu nhà hắn quở trách, sau đó thì chuồn đi mua “Tĩnh tâm khẩu phục dịch” (aka thần dược uống vào mát lòng miệng im ngay) cho mama vĩ đại nhà hắn uống. Ồi thôi, phụ nữ tới thời mãn kinh thường hay khó ở, mong bà con thông cảm giùm, cảnh thái hậu càng già càng dẻo dai xách chổi rượt chạy vòng vòng sẽ còn thấy hoài hoài.

Dân chủ chính là phải tận trung. Con trai thì vòi mami dân chủ, còn mami thì muốn con trai tận trung. Giả thái hậu vừa mở lời vàng ngọc thì Vương Đại Xuyên cũng chẳng dám hé miệng nói “không” nữa là. Chính vì vậy mà Vương Thụ Dân bèn gửi sơ yếu lý lịch tới sở điện, học theo ba mẹ hắn, từ rày về sau, sáng sáng chiều chiều, mỗi ngày sống đời công nhân thảnh thơi hạnh phúc.

Ban đầu, Vương Thụ Dân còn có chút không quen. Vương Đại Xuyên công tác trong sở điện nhiều năm, dễ dàng tìm được cho con trai một chức thủ thư cục điện lực. Mỗi ngày ngủ đến lúc hết muốn ngủ, điểm tâm có mama vĩ đại lo liệu, bản thân đánh răng rửa mặt xong thì há mồm ra ăn. Không có tiếng còi báo hiệu phải thức dậy. Không có lời thúc giục buộc đi chạy việt dã. Càng không có những màn tập hợp canh gác. Cứ ăn no lại xách mông ra cửa, đi tướng hai hàng tới cơ quan. Đa số thời gian là ngồi ăn bánh uống trà, lên mạng, hoặc chơi đánh bài. Tới trưa, về nhà ăn cơm xong còn có thể đánh một giấc thật đã. Nếu còn không đã nghiền, có thể tới chỗ làm ngủ tiếp.

Cái gì? Mượn sách hả? Xời, thời buổi này ai còn đọc sách, rảnh thì ghé mấy câu lạc bộ chơi cho vui đi. Chính vì vậy mà Vương Thụ Dân rảnh tới phát chán, buồn tình giở vài cuốn sách đã đóng bụi lớp lớp mấy mươi năm ra xem. Từng trang một ố vàng, những con chữ như nhòe đi theo ngày tháng.

Ấy nhưng, lại có việc khiến Vương Thụ Dân thấy thích thú.

Số là hôm ấy hắn chán gần chết, lật quyển “Sói biển” của Jack London ra, vô tình phát hiện có một mảnh giấy nhỏ được kẹp bên trong, bên trên là những hàng chữ bằng viết máy, từng từ ngay ngắn nắn nót, hẳn là của một cậu bé tính tình cẩn thận tỉ mỉ. Vương Thụ Dân chỉ liếc một cái liền nhận ra đó là nét chữ của ai.

Quyển sách đã cũ, không dày lắm, cô đơn nằm trong một góc, như thể chẳng mấy người thích câu chuyện này. Vương Thụ Dân vì tờ giấy nhắn của Tạ Nhất mà như mắc phải bệnh lạ, một mạch đọc hết cả quyển sách.

Truyện kể về một thanh niên gặp tai nạn trên biển, được con thuyền Ma cứu vớt, bị ép làm khổ sai trên tàu, từ đó trải qua các cuộc phiêu lưu lạ lùng dưới sự thống trị của tên thuyền trưởng có biệt danh Sói biển.

Vương Thụ Dân đọc sách không nhiều, bình thường có rảnh cũng chỉ coi vài ba bài báo lá cải trên mạng, cho tới bây giờ chưa khi nào xem một tác phẩm, à, đặc biệt hay ho tới vậy.

Đứng trước ranh giới giữa cái chết và sự sống, lựa chọn giữa nhân tâm và thú tính. Hắn chưa bao giờ biết, hóa ra lại có người có thể viết một câu chuyện sâu sắc nhường này. Bỗng nhiên, Vương Thụ Dân thấy biết ơn Tạ Nhất, nhớ tới cảnh đứa bé nho nhỏ một mình ngồi trong phòng khách nhà hắn, dùng cả một buổi chiều, tay cầm bút máy, hý hoáy viết những suy nghĩ non nớt của mình về câu chuyện đang đọc.

Trong mảnh giấy cuối cùng, Tạ Nhất viết: “Chúng ta sống trong một thế giới khác với thế giới trên con thuyền ma. Giữa hai bên không có bất kì liêng hệ nào. Chúng ta sống trên đất liền, họ sống giữa bốn bề biển gộng. Nhưng cả hai lại sợ hãi lẫn nhau. Văn minh sợ quyền thế, man rợ coi thường luật lệ.”

Nhìn những dòng chữ còn sót lỗi chính tả, Vương Thụ Dân bất giác nghĩ, với chỉ số thông minh của hắn, tới bây giờ cũng không thể hiểu Tạ Nhất suy nghĩ cái gì.

Rồi thốt nhiên lại bật dậy, lôi di động ra, chẳng cần mở danh bạ cũng có thể thuần thục nhấn ra một dãy số, nghĩ rằng khi người kia nhấc máy lên, hắn sẽ nói ngay, “Hề lố, cậu còn nhớ tôi là ai không nè? Tôi tình cờ đọc được cuốn sách cậu thích nhất hồi bé đó.”

Thế nhưng điện thoại đổ chuông thật lâu, cuối cùng lại là giọng nói lạnh lùng máy móc vang lên: “Xin lỗi, số điện thoại này tạm thời không liên lạc được…”

Vương Thụ Dân buồn bã bỏ điện thoại xuống.

*

Vương Đại Xuyên hết hồn phát hiện dạo này thằng con phá sản nhà mình hình như đã học hỏi được điều gì đó. Chẳng biết có phải là vì làm trong thư viện nên gần đèn thì sáng hay không mà cứ hay mang sách về nhà suốt, trông còn rất là vui vẻ nữa, nhìn giống người có văn hóa lắm. Hai ông bà già nhìn nhau thở dài, phải mà tình cảnh này xảy ra chục năm trước phải hay hơn không, sao tự dưng thằng này có tuổi rồi lại đổi tính nhỉ?

Lúc cần phải chăm chỉ học hành, lo lắng cho tương lai thì lại lo đánh nhau, tụ bè tụ bạn, cặp bồ nhăng nhít. Rồi đến khi phải thành gia lập thất lại suốt ngày kè kè cuốn sách trong tay.

Vương Thụ Dân không phải sách gì cũng đọc. Chẳng biết phát sinh từ đâu mà hắn chỉ đọc những quyển có đính kèm giấy nhắn của Tạ Nhất. Miễn là có vết tích của cậu thì dầu sách buồn chán cỡ nào cũng sẽ nhiệt tình đọc bằng hết.

Không phải ai cũng có thể từ những con chữ khôn khan, đi ngược dòng thời gian, tìm hiểu thấu triệt được triết lý người xưa. Thế nhưng, có đôi khi, lướt qua từng dấu vết ai đó để lại, hiểu thêm về những gì mà đối phương suy nghĩ trong thời điểm đó, là chuyện hết sức dễ dàng.

Dù rằng cách nhau một quãng ký ức dài rộng, một đoạn thời gian mênh mông, cùng một lớp màng chẳng ai dám xé rách, ấy nhưng lại cảm thấy như đang được kề cận tâm hồn của người kia. Từ trong từng dấu chấm phẩy, thấy được vui buồn hờn giận của đối phương.

Vương Thụ Dân không rõ, liệu hắn có là đang nhớ mong không, nếu được thì mong là không. Bởi, hắn là kẻ sống trong đất liền, không phải trên con thuyền ma quỷ nọ. Hắn không cần phải kiến lập nhân sinh quan cho mình. Trên đất liền này, có rất nhiều sợi tơ giăng ngang chằng chịt, cuốn lấy mỗi người. Sợi tơ ấy có tên khuôn phép. Cá chết lưới rách, là một kết cục bi thảm, chẳng ai muốn mình dính vào.

Tạ Nhất không liên lạc, Vương Thụ Dân dần dần hiểu thấu. Cho nên, hắn không còn gọi cho số máy kia nữa.

Thư viện trong sở điện không lớn, sách cũng không nhiều. Sau một thời gian, Vương Thụ Dân cũng lật giở xem qua hết đống sách ấy. Rồi lại không có việc gì làm.

Giả Quế Phương thì lại không chịu nổi khi nhìn con mình thảnh thơi như vậy, bèn nảy sinh ý tưởng, túm tha lôi kéo Vương Thụ Dân đi coi mắt.

Vương Thụ Dân nói, coi mắt, thật ra là một loại bi kịch trá hình…

Như cái cô gặp lần đầu, vừa mở miệng thì khắp xóm cùng làng đều có thể nghe thấy tiếng. Vương Thụ Dân lỗ tai từng bị thương, liền bắt đầu biểu tình kháng nghị. Hắn thầm nghĩ, cô này sinh sai thời đại rồi, phải mà sinh hồi mấy mươi năm trước rất có thể sẽ thành người như Quách Lan Anh. (ca sĩ giọng nữa cao)

Hay như cô gái gặp mặt lần hai, vừa ngồi xuống thì hai cái đùi liền không ngừng hoạt động, rung liên tục, báo hại Vương Thụ Dân cũng bị lây nhiễm, cũng rung lắc theo. Phục vụ tới hỏi muốn ăn gì, thấy hai người như vậy, liền ho nhẹ một tiếng, thì thầm vào tai Vương Thụ Dân, “Anh ơi, toilet phía đằng kia…”

Lại như cái cô gặp mặt lần ba, người rụt rè e thẹn, từ đầu tới đuôi không hé môi nói tiếng nào. Liếc nhìn Vương Thụ Dân một cái, rồi lầm bầm trong miệng như là muỗi kêu. Đã thế, khi gọi món ăn còn chọn món giá hơn trăm đồng, hại Vương Thụ Dân viêm màng túi.

Rồi còn thêm cả cái cô gặp lần tư, nhìn thì cũng ra dáng mỹ nhân, mi mục xinh xẻo mắt môi sắc sảo, ấy nhưng chẳng hiểu vì sao cứ trưng bitch-face ra mãi, một nụ cười mỉa cũng không có, làm Vương Thụ Dân run sợ gì đâu. Sau thì e dè lên tiếng hỏi, “Tôi kể nhiều truyện cười như thế mà cô không thấy mắc cười sao? Nếu thấy khó chịu thì cứ nói thẳng, đừng ngại.” Cô kia giọng thì áy náy thế nhưng mặt vẫn cứ đơ ra, “Xin lỗi, không phải là em không muốn cười, nhưng mặt vừa cắt chỉ xong, vẫn chưa lành hẳn, chẳng dám manh động. Nhớ lần trước cười nhiều quá mà làm lệch cả mũi…” Vương Thụ Dân tức thì chạy bán sống bán chết.

Tháng ngày đau khổ đó, cuối cùng cũng kết thúc trong một buổi chiều mùa đông.



.20/Sét giữa trời quang.

Hôm ấy là thứ sáu, sở điện tan ca sớm hơn một tiếng. Bốn giờ rưỡi chiều, Vương Đại Xuyên vừa huýt sáo vừa đủng đỉnh rời cơ quan về nhà, trên đường còn tạt vào mua gói thuốc lá, sôi nổi bắt chuyện với các đồng nghiệp đi bên cạnh.

Từ sở điện về nhà họ Vương gần tới mức khiến người ta sôi gan, chỉ tầm mười phút, nên dù la cà cỡ nào cũng phải tới được nhà. Thế nhưng bữa nay lộ trình có vẻ gì đó bất an. Vương Đại Xuyên vừa rời nhiệm sở, bước qua cổng tiểu khu, còn cách nhà chừng một dãy phòng, lại đột ngột té xỉu.

May mắn có dì Lâm tan ca đi đón con ngang qua đó, nhanh chóng gọi 120 tới. Bệnh viện thông báo, là xuất huyết não.

Giả Quế Phương tay đang giũ bụi áo lông thì ngừng lại, đánh rơi cái áo xuống đất.

Đối với nhiều người, cuộc sống mỗi ngày đều xoay quanh gạo dầu muối trà dấm, làm lụng bằng đôi tay trắng, kiếm nhiều xài nhiều, kiếm ít xài ít. Đời này chỉ cầu gia đình bình an, sáng sớm mọi người cùng đi làm, chiều tối mọi người cùng về nhà, cùng quây quần ăn một bữa cơm lành. Cuộc sống bình lặng trôi đi như dòng nước hiền hòa, có là tự lừa mình cả đời, cũng thấy vô cùng hạnh phúc.

Thế nhưng, Phật nói, con người sinh trong sáu đạo luân hồi, tuy rằng tích thiện, nhưng không tất sẽ được nhiều phúc trạch. Chúng ta không phải sinh ra để hưởng phước, mà vì chịu khổ mới phải đầu thai. Kinh thánh bảo, từ khi Adam và Eva bị đuổi khỏi vườn địa dàng, bắt đầu không có cái gọi là hạnh phúc. Với những thế nhân sinh sau đẻ muộn, họa chăng chỉ nhằm gánh chịu tội nghiệt tổ tiên đã gây ra.

Bất luận ra sao, đời là phù du, miên man khổ ải, sinh lão bệnh tử, không thoát một chữ nào.

Người ta vẫn thường nói, hạnh phúc vốn là thứ mong manh, như hoa trong kính đục, trăng soi đáy nước, một làn gió qua, tất thảy đều tan biến. Thế nhưng chúng ta luôn không chịu tin, mãi cho rằng, những khổ hạnh này, không thể nào bóp chết được ta, chẳng qua là muốn ta trước khi có được hạnh phúc, phải trải qua tư vị mất mát, để rồi thấu tường triệt để hạnh phúc là gì.

Song, quá trình trải qua ấy, với Giả Quế Phương và Vương Thụ Dân lại hết sức kinh tâm động phách.

Theo như hồ sơ kiểm tra sức khỏe tổng quát hàng năm của sở điện, Vương Đại Xuyên nhìn thì thân thể cao khỏe đó, nhưng bên trong lại rỗng không, lại còn mang trong mình nhiều bệnh ngầm như thuốc nổ có thể nổ tung bất cứ lúc nào.

Vương Đại Xuyên trước giờ vẫn không tin. Ở tuổi ông đã từng trải qua biết bao nhiêu là sóng gió. Hồi bé từng kinh qua ba năm thiên tai liên tiếp, từng chịu đói chịu rét. Rồi tới thời cách mạng văn hóa, tất cả rủ nhau trì trệ. Sau thì đến kì kinh tế mở cửa, nhìn Trung Quốc biến hòa thần kỳ chỉ trong ba mươi năm. Tuổi dần một lớn, theo không kịp bước tiến thời đại, thế nhưng vẫn cứ đinh ninh rằng chẳng cần thuốc thang gì vẫn cứ sống khỏe phây phây.

Những gì đã từng đi qua, hầu như có thể viết thành một quyển hồi kí dày cộm. Những khi thích có thể tùy thời nhắc lại. Biển rộng sông dài, chớp nguồn mưa bể. Có gì từng không chịu qua? Vậy nên, câu nói cửa miệng của Vương Đại Xuyên chính là, “Có chuyện gì mà thân này chưa qua, cứ nghe tui đi cấm sao bao giờ.”

Ông luôn cho rằng mình đúng. Đồ ăn béo ngậy, hút thuốc uống rượu… chẳng việc gì phải ngán. Cao huyết áp là gì? Ai mà lại chẳng có chút bệnh tật trong người, chẳng chết được. Với lại, nếu là nghiệm trọng, tới bác sĩ thì có trị hết được không?

Nếu đã trị không hết thì việc gì phải chịu tội vạ? Nhân sinh đắc ý, cứ sống một hồi cho thỏa đi.

Vì vậy, bây giờ Vương Đại Xuyên phải nằm trong phòng ICU. Vương Thụ Dân nhìn người đàn ông thân cắm đầy dây nhợ kia bỗng dưng muốn khóc. Thốt nhiên nhận ra, cái người cố chấp kia, giờ phút này đã chẳng thể cố chấp được nữa. Ông chỉ nằm yên một chỗ, da dẻ xanh xao, mặt mày tang thương biển đổi.

Cha mẹ bất giác già đi, làm con cái nhất thời có lỗi giác lạ lẫm: Chúng ta ngày một lớn lên, song thân ngày một già đi, hệt như một quá trình hấp thụ sinh mệnh lẫn nhau.

Giả Quế Phương một đêm đầu bạc hơn phân nửa. Ngoại trừ lúc đầu nghe tin thì sững ra, sau thì chỉ yên ắng ngồi trên ghế. Những hành động của bà khiến Vương Thụ Dân sợ hãi không thôi. Bà cứ suốt ngày khiến mình bận rộn, không khóc không la, không nôn nóng, cũng không khiến con trai thấy gánh nặng.

Lúc ở ngoài phòng mổ, còn nắm tay Vương Thụ Dân, như rằng hắn là một đứa trẻ, dịu dàng xoa lưng hắn, nói với hắn, “Không sao đâu con, không phải còn có các bác sĩ và mẹ ở đây sao. Đừng lo. Ba con rất khỏe, bình thường chẳng có bị cảm mạo nữa là. Nhà mình có bảo hiểm, phúc lợi của sở điện cũng tốt, chẳng lo chuyện tiền bạc. Cứ lo làm việc của con đi, có mẹ ở đây là đủ rồi.”

Bà còn bình tĩnh nói với bác sĩ: “Ở phòng ICU thì ở. Bác sĩ cứ dùng thuốc tốt nhất ấy, đừng lo lắng tiền bạc, chỉ cần tốt cho ông nhà tôi là được. Nếu mà có phải mổ gì, cứ nói, tôi ký tên cái roẹt cho.”

Nháy máy bà đã gầy sộp đi, thế nhưng vẫn đứng thẳng lưng, không kêu than không hờn trách, làm an lòng con trai, quan tâm săn sóc cho chồng.

Người ta nói, đàn bà yếu đuối, chỉ có mẹ mới hùng cường. Vương Thụ Dân chưa bao giờ nghĩ, bản thân có được ba mẹ như thế là chuyện may mắn cỡ nào.

Sáng hôm sau, Tạ Nhất xuất hiện.

Là Vương Thụ Dân gọi. Hắn không ngờ, sau bao nhiêu năm, lần đầu gọi điện cho người kia, lại là vì chuyện như thế này.

Trong điện thoại, chẳng có lấy nửa lời dài dòng, chỉ thông báo giản đơn, Tạ Nhất phía bên kia im lặng, sau thì đáp, “Được rồi, tôi về ngay.”

Cái chữ “ngay” ấy quả nhiên là ngay thật. Vương Thụ Dân gọi vào ban sáng, đến trưa Tạ Nhất liền có mặt. Rời sân bây thì đến thẳng bệnh viện. Vương Thụ Dân ra ngoài mua cơm cho Giả Quế Phương, thấy một người tay kéo hành lý đứng đưa lưng về phía hắn, đang nói gì đó với y tá.

Chẳng hiểu sao, vừa lướt qua, liền nhận ra chủ nhân của tấm lưng ấy.

Gầy đến thế, mặc một chiếc áo dài bằng lông dê, nhìn có vẻ cao lên rất nhiều. Từ góc nhìn của Vương Thụ Dân, có thể thấy được cần cổ trắng nõn đó. Phỏng chừng cậu đã sống rất tốt, đáy lòng sóng gió bỗng chốc bình ổn.

Tạ Nhất như cảm thấy điều gì, quay đầu lại, khẽ nhíu mày, như thể mùi thuốc sát trùng ở bệnh viện khiến cậu bất an. Điều này không tránh khỏi tầm mắt Vương Thụ Dân.

Vẫn là gương mặt thân quen ngày nào, nhưng lại xa cách rất nhiều năm. Tạ Nhất có vẻ hơi ngạc nhiên, nhưng vẫn hệt như trong quá khứ, đôi mắt lúc nhìn người khác bao giờ cũng nhu hòa, tĩnh lặng, chất chứa cả một trời xúc cảm. Ban đầu cậu có chút giật mình, sau thì gật đầu chào Vương Thụ Dân, cười một cái. Vương Thụ Dân chợt có ảo giác, cái người này, hình như chưa bao giờ biến mất vậy.

Thời gian mài mòn ký ức, thế nhưng với những điều quan trọng đã khắc cốt ghi xương thì lại được bảo tồn nghiêm mật. Dù có bao tháng ngày trôi đi, vẫn không phai màu mất dấu.

Chẳng biết có phải vì nhìn Tạ Nhất có vẻ đáng tin hơn Vương Thụ Dân hay không, mà người vẫn luôn tỏ vẻ kiên cường là Giả Quế Phương, vừa trông thấy cậu liền lao tới òa khóc trên vai con trai nuôi.

Chưa từng có ai để ý, người đàn bà bao giờ cũng hùng hổ như cỗ xe tăng, lại có thể trở nên nhỏ bé và yếu ớt trên đôi vai gầy của Tạ Nhất. Bà bấu chặt hai bàn tay lên lưng cậu, nắm níu lấy vạt áo cậu, tựa như người đang chìm xuống, cố quẫy đạp, bám lấy cọng rơm cứu mạng.

Bà nói, “Ba con mà có chuyện gì, mẹ làm sao sống nổi… Tiểu Nhất, ba và mẹ cả đời chẳng làm chuyện gì sai trái, sao lại gặp phải tình cảnh này? Mẹ thiệt tình nghĩ không ra, thiệt là nghĩ không ra…”

Tạ Nhất thở dài, ném hành lý cho Vương Thụ Dân, đỡ lấy Giả Quế Phương, dịu dàng vuốt lưng bà, “Không sao đâu mẹ, có bệnh thì trị, trị hết rồi không phải sẽ không có gì nữa sao? Con về đây với mẹ, nếu thiếu tiền mẹ cứ nói với con. Mẹ yên tâm, chúng ta không làm gì sai, trời phật nhất định sẽ phù hộ.”

Vương Thụ Dân tay nắm hành lý của Tạ Nhất đứng một bên, nhận ra, trong lòng Giả Quế Phương, hắn vẫn chỉ là một thằng nhãi mãi không lớn được. Dù hắn có cao lên, thì cũng chỉ là đứa trẻ bé bỏng của bà, chẳng thể cho bà một điểm tựa. Hắn yên lặng nhìn Tạ Nhất. Cảm giác quen thuộc khi gặp lại chợt thay đổi, hóa ra là cậu đã trưởng thành, đã giống một người đàn ông đúng nghĩa. Dù không nói gì, chỉ đứng đó, cũng khiến người ta thấy an tâm.

Giả Quế Phương khóc một hồi, liền lau nước mắt, “Mẹ già nên hồ đồ mất rồi. Chuyện có gì phải khóc. Công chuyện của con sao rồi, có mệt không, ở ngoài cực khổ như thế… Thằng bé này, đã cao lớn thế rồi…”

Vương Thụ Dân bèn ngắt lời, “Mẹ, mẹ nói gì thế, lúc đi cậu ấy đã mười tám tuổi rồi, cao cũng giống như bây giờ thôi.”

Giả Quế Phương ho một tiếng, quay đầu trừng mắt lườm Vương Thụ Dân, “Mày nói nhiều thế làm gì? Mày gọi Tiểu Nhất về làm chi? Không biết nó đã phải cực khổ rất nhiều sao? Đúng là chẳng biết thương anh em gì hết! Gọi người ta về, đã thế cũng không đi đón. Thằng bé nó chưa kịp cất hành lý thì đã vào đây… Tiểu Nhất, con mang hành lý về nhà, nghỉ ngơi một lát đi. Mẹ không sao đâu. Mẹ từng này tuổi, có gì mà không trải qau? Mau về đi con…. Vương Thụ Dân, mày trợn mắt lên với ai? Mau đưa Tiểu Nhất về nhà nghe không hả? Mọi chuyện xong xuôi rồi, tới tối mang cơm vào cho tao.”

Thái hậu nhanh chóng lấy lại tinh thần, hất hàm sai bảo thái giám Vương. Vương Thụ Dân chỉ còn biết nhìn trời thở dài, mỗi lần đứng cùng với Tạ Nhất thì lại ai oán nghĩ mình chẳng phải là con ruột, đoạn lại nắm vai cậu, “Nghe không, về thôi.”

Không biết phải tại hắn mẫn cảm hay không, nhưng khi hắn chạm vào vai Tạ Nhất, cậu liền gồng người lên. Tuy chỉ trong nháy mắt, nhưng Vương Thụ Dân chợt thấy khó chịu. Sau bao năm không gặp, tình cảm cũng thất lạc rồi… Hắn nghĩ thầm, sau đó thì tạm biệt mẹ, tay kéo hành lý, tay khoác vai Tạ Nhất, rời khỏi bệnh viện.

Ngồi trong taxi, Tạ Nhất kín đáo tránh khỏi cánh tay hắn, chừa ra một cự ly nho nhỏ, hắng giọng nói: “Lúc nãy không kịp hỏi, tình hình của ba nuôi thế nào rồi?”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.