Mợ không những đẹp người còn tháo vát nhanh nhẹn, bao nhiêu đám hỏi,
ngay cả cậu Hưng cũng chết mê chết mệt. Cậu biết cậu không xứng với mợ,
đâu phải cậu chưa từng tránh mợ đâu, tại mợ cứ bám cậu trước đó chứ. Rồi thì cái duyên cái số run rủi, thế nào cậu lại cưới được mợ.
Rước mợ về rồi, không lẽ tránh mợ mãi? Không lẽ muỗi nó đốt mợ cậu không đi
mắc màn? Không lẽ mợ đau chân không cõng mợ? Không lẽ không lo cho mợ?
-”Gớm đúng là vô phúc mà, dâu với chả con, loại trơ trẽn.”
Bu Phúc ngồi hóng hớt ngoài đầu đình nguyên một ngày, giờ mới thèm õng ẹo
mò về. Chuyện mợ Trâm mất tích cả thôn biết, dân làng đồn ghê lắm, có
người còn bảo chiều qua tận mắt thấy mợ lén thậm thụt với thằng nào mặt
lạ hoặc ngoài bờ đê cơ, không phải người trong thôn.
Trốn theo
trai lên huyện là cái chắc rồi, khổ thân cậu hai đêm mong ngày ngóng. Bu nom da mặt cậu sạm đen, người cậu thất thểu thiếu sức sống, tội cậu
quá. Bu thương cả cậu Hưng nữa, xót hai cậu bao nhiêu bu hận cái con yêu nghiệt đấy bấy nhiêu. Bu buồn mồm, bu chửi đổng cho nó đã, bu Trâm nghe người ta miệt thị con gái mình, máu sôi sùng sục, chạy vào choảng nhau
với bu Phúc.
-”Chị ngậm cái mõm chó lại giùm tôi với, đừng có oang oang làm tổn hại danh dự con gái tôi.”
-”Chị không biết nhục à mà còn lên mặt dạy đời tôi? Có người nhìn thấy rõ rành rành, có nhân chứng sống đó.”
-”Sao chị ngu hết phần thiên hạ thế? Người ta bịa đặt bơm đểu mà cũng tin hả? Giả như nó có thế thật thì chị phận làm mẹ chị phải đóng cửa dạy con
dâu chứ? Chị đi vạch áo cho người xem lưng vậy mà coi được à? Nói đùa
chớ chị cũng chỉ là cái loại ngồi lê đôi mách, cái ngữ chị không bao giờ có cửa so với bà cả nghe!”
Bu Phúc hừng hực bẻ cành mận quật bu
Trinh, bu Trinh cũng không vừa, tiện tay với cái chổi chĩa thẳng vào mặt bu Phúc. Sự việc ầm ĩ quá, cậu hai đành phải ra can ngăn, bu Trinh thấy cậu liền xả thêm một hồi.
-”Trâm không bỏ đi đâu, tui đẻ nó ra
tui biết. Nó mê cậu sống chết sao bỏ được? Không tin cậu thử chạy vào
buồng mà xem, nếu nó bỏ đi nó nhất định sẽ mang váy áo.”
Đúng là
mọi thứ vẫn còn nguyên, kể cả ba quan tiền với mấy đồng lẻ tẻ mợ tích
được vẫn giấu trong cái túi vải ở cuối giường. Bu Trinh kêu khóc nói
nhất định Trâm gặp nguy rồi, chỉ sợ có kẻ xấu hại. Bu bảo cậu mau mau
sang thôn bên đi, cậu khoẻ người chạy nhanh hơn bu, sang chỗ nhà thằng
Toàn ý, sang đó mượn bà Thanh ông Trần con chó săn về, may ra có cơ hội
tìm được mợ.
Cậu hai khác bà hai, cậu cưng Trâm lắm, cậu ít nói
nhưng bu nhìn ra mà. May mắn thay cậu còn tin lời bà già này, cậu ngay
lập tức lao đi. Con Trang gửi cu Thóc cho mẹ chồng nó bồng rồi đưa anh
rể xuống nhà dưới.
Dẫu sao cũng là ruột thịt trong nhà, mượn có
con chó thì đâu có gì khó khăn đâu. Chỉ là, con chó này với thằng Toàn
thương nhau lắm cơ, Toàn đi đâu về cũng hỏi han chó anh hôm nay ăn được
không, ngoan không? Chó cũng vậy, thấy Toàn là lon ton chạy ra đón, hai
mắt long lanh rơm rớm cứ như vừa mới chia xa cả thế kỷ ấy.
Ngoài
thằng Toàn ra chó chẳng bao giờ theo ai cả, Trang chỉ sợ nó cắn cậu hai
thì toi. Ấy vậy mà đời lắm sự khó ngờ, vừa thấy cậu cái đuôi chó đã cong cớn cả lên, ngoe ngoe nguẩy nguẩy rõ ghét. Bị cậu dắt đi là cứ thế cun
cút đi theo, cậu chạy, nó cũng chạy, đến một câu sủa cũng không hề có.
Trang tròn mắt nhìn anh rể, to cao bệ vệ chuẩn tướng anh hùng, ngưỡng mộ thế
chứ nị. Thằng Toàn đứng sững sờ, tiu nghỉu hết nom theo con chó lại quay sang ngó vợ nó, bất chợt thấy hơi chua chua. Nhưng đó chỉ là chút cảm
giác thoáng qua thôi, chị vợ nó mất tích, nó thanh niên trai tráng đàng
hoàng, phải sang thôn bên giúp bu kiếm Trâm chứ.
Trang cũng tất
tả thay đồ rồi đi cùng. Chó của Toàn đúng là chó khôn, cậu hai cho ngửi
đồ của mợ hai xong chẳng cần quất nó đã tự chạy đi lùng sục khắp chốn.
Trên đường gặp mợ Chi nó sủa inh ỏi, cậu hai mà không lừ mắt chắc nó
nhảy vào đớp cho vài phát rồi.
Chó đi lòng vòng mãi thì dừng lại ở đống rơm sau vườn nằm bẹp dí không nhúc nhích. Mấy người theo sau nó
thấy lạ nên thử bới bới, cậu hai chợt trông thấy bàn tay quen thuộc, mềm nhũn, cổ tay còn đeo chiếc vòng đá đỏ rất nổi bật, cậu rút rơm điên
cuồng, cậu lao vào kéo mợ Trâm ra khỏi.
Thời tiết nóng nực mà
người mợ lạnh toát như lớp băng đóng quanh năm trên đỉnh núi cao. Chân
tay mợ tím ngắt, gương mặt nhợt nhạt không chút khí sắc, trán thậm chí
còn bị thương, hình như bị lâu rồi, vệt máu trên đó đóng lại thành lớp
vẩy đen trông xót xa lắm.
Cậu hai không nói gì cả, cậu chỉ ôm mợ
thôi. Dân làng kéo tới xem ngày một đông, mấy người ban sáng bịa chuyện
nói xấu mợ vừa quê vừa ngượng, chẳng dám nhìn thẳng vào mắt bu mợ. Con
Trang run rẩy lao vụt đi tìm thầy lang. Thầy lang thôn cậu hai chắc
không chữa được ca này đâu, nhưng thầy lang thôn nó thì có hi vọng, lão
giỏi lắm.
Giỏi như lão, mà khám qua cho Trâm xong cũng vuốt râu lắc đầu.
-”Mạch yếu lắm rồi, tôi bất tài gia đình thông cảm.”
Lão nói xong xin cáo từ, bu Trâm với Trang nghe tin ngất xỉu. Cu Trí gào
khóc ầm ĩ, ngay từ lúc trông thấy Trâm, thấy Trâm mềm oặt, mặt trắng
bệch giống thầy nó khi xưa nó đã biết lành ít dữ nhiều rồi, nhưng nó vẫn mong, mong có phép màu xảy ra.
Nó nhớ thầy lắm, bao năm qua vẫn
nhớ, mỗi dịp Tết đến xuân về càng nhớ hơn. Thầy đi thì đã đi rồi, thầy
bắt thêm Trâm làm chi nữa? Nó kêu la, nó oán trách. Cậu cả cũng gào to
chẳng kém, chưa khi nào cậu kích động đến thế, cậu đòi nhai lá độc quyên sinh cùng Trâm, sống chết có nhau.
Bà cả điên lộn cả tiết, bà
sai người làm lôi cậu về phòng giam lỏng. Mợ Chi trùm kín chăn rồi mà
vẫn run cầm cập. Con Trâm ban nãy nom nó như cái xác ý, ghê lắm. Mợ ghét nó kinh khủng, nhưng nó như vậy lòng mợ chẳng yên nổi. Tự dưng mợ sợ nó chết thật, nhỡ nó hiện hồn về nó bóp cổ mợ thì toi.
Ở bên ngoài, cậu hai từ lúc nghe thầy lang phán thế thì gần như bất động, mấy đứa
trai tráng trong làng nhấc mợ Trâm ra khỏi mà cậu cũng không hề hay biết gì cả. Bu Trâm với Trang còn chưa tỉnh, dì Hồng thương tình giúp Trâm
lau rửa, thay bộ váy yếm sạch sẽ rồi chải tóc thật mượt mà, vừa tết viền cho cô cháu gái dì vừa gạt nước mắt.
Cô Hoàng Anh mang sang cho
Trâm lọ phấn. Dì đánh má hồng cho Trâm rồi thoa thêm ít son đỏ làm từ
sáp ong và cánh hoa hồng. Xong xuôi dì đặt Trâm nằm ngay ngắn trên
giường, bảo lũ nhỏ ra gọi cậu hai vào, có gì thì tâm sự nốt với mợ.
Tụi nó lay mãi cậu mới giật mình bật dậy, bu Phúc đợi cậu ở cửa, thấy cậu bu chẹp miệng dúi cho ba quan tiền dặn dò.
-”Cái này để lo cỗ bàn ngày mai, còn huyệt thì thôi khỏi thuê người tốn kém,
cậu tự đào cho mợ, dẫu sao cũng tình nghĩa vợ chồng.”