Những Linh Hồn Chết

Chương 1: Chương 1




Cỗ xe ngựa tiến vào cổng một khách sạn ở tỉnh lỵ N.N. đó là một chiếc xe Britska {Xe ngựa nhẹ để đi đường trường} nhỏ, khá đẹp, có díp, kiểu xe mà những kẻ độc thân thường dùng, - những hạng thiếu tá và đại úy tham mưu đã về hưu, những hạng trang chủ có chừng trăm nông nô, - tóm lại tất cả những kẻ thường được xem là quý tộc bậc trung. Ngồi trong xe là một người đàn ông, chẳng đẹp cũng chẳng xấu, không béo mà cũng không gầy, tuổi thì chưa có thể nói là già, nhưng cũng chẳng còn trẻ trung gì nữa. Y đến thành phố này, chẳng ai xôn xao, bàn tán gì, chẳng đem lại một việc gì đặc biệt; chỉ có hai người mujik Nga đứng ở cửa một tiệm rượu đối diện khách sạn, trao đổi với nhau vài lời, nhưng lại nói về cỗ xe, chứ không phải về người trong xe. Một người nói:

- Này, nhìn cái bánh xe kia xem liệu khi cần có đi được tới Mạc-tư-khoa không nào?

- Tới được chứ, - người kia đáp.

- Còn đi Kazan thì xem chừng chẳng đến được đâu nhỉ?

Câu chuyện chỉ đến đấy là hết. Khi đã vào sát khách sạn, cỗ xe đi qua mặt một người trẻ tuổi mặc quần Kanifax {Vải dệt pha, chỉ một nửa bằng bông để mặc mùa mát} trắng, ống ngắn, bó sát vào chân và áo Frac {Áo dài chẽn bó lấy người} đúng thời trang, cổ xẻ rộng để lộ một vạt sơ mi trắng, ghim một chiếc kim găm bằng đồng đen Tula {Thành phố đúc đồng có tiếng ở Nga chuyên sản xuất ấm lò, vũ khí và đồ trang sức}, hình khẩu súng tay. Người trẻ tuổi ngoái lại, nhìn cỗ xe, đưa tay lên giữ chiếc mũ lưỡi trai đang chực bay mất, rồi đi thẳng.

Xe vào đến sân; ra đón khách là một người hầu, hay một người pôlêvôi như người ta vẫn thường gọi trong các quán trọ Nga. Anh chàng này linh hoạt, lăng xăng đến nỗi khó mà trông thấy rõ được nét mặt của hắn. Hắn chạy ra, tay vắt một chiếc khăn ăn, mình dài thườn thượt, mặc chiếc áo vạt dài bằng vải dêmicôtôn {Vải dệt một nửa bông, theo tiếng Pháp} cổ áo cao che khuất cả gáy, lắc lắc mái tóc bờm xờm, rồi nhanh nhẹn đưa khách qua cái cầu thang gỗ có lợp mái đi lên tầng trên và chỉ cho khách căn phòng mà Thượng đế đã an bài cho. Căn phòng ấy chẳng có gì là đặc biệt cả; nghĩa là giống hệt mọi khách sạn ở các tỉnh lỵ; nơi mà khách lữ hành ghé lại, bỏ hai rúp một ngày, thì thuê được một căn phòng yên tĩnh. Những con gián, béo tròn như những quả mận, từ khắp các ngóc ngách nhô ra; một cái cửa thông sang buồng bên, lúc nào cũng có một cái tủ ngăn chắn ngang; bên ấy là một người khách láng giềng trầm tĩnh, ít nói, nhưng lại hết sức tò mò, muốn biết cặn kẽ tất cả những gì xảy ra bên này. Mặt trước của khách sạn cũng cùng một điệu với bên trong tòa nhà: hai tầng dài lê thê; tầng trên quét màu vàng, theo tục lệ thông thường, bất di bất dịch; tầng dưới vách không trát vữa, phô trần những viên gạch đỏ thẫm, vốn đã khá bẩn, lại còn bị thời tiết thay đổi thất thường làm cho đậm màu thêm. Ở đấy có những hàng bán đai ngựa, bán dây thừng và bán bánh mì. Gian buồng ở góc nhà cạnh cửa sổ là cửa hàng của người bán rượu xbiten {Thứ rượu gây bằng mật ong với nước và ngấm nhiều hương liệu, rất thông dụng trong dân gian} ngồi cạnh cái xamôva {Ấm lò của người Nga thường bằng đồng} bằng đồng đỏ; mặt ông ta cũng đỏ như chiếc ấm lò, đến nỗi từ xa nhìn vào, người ta có thể ngỡ là có những hai ấm lò đứng trên cửa sổ, nếu một trong hai cái không có bộ râu đen như bồ hóng.

Trong khi khách xem xét căn phòng thì người ta mang hành lý vào: trước hết là một chiếc hòm da trắng đã hơi sờn tỏ ra nó đi du lịch lần này không phải là lần đầu. Hai người khiêng hòm áo vào là gã xà ích Xêlifan, người thấp bé, mặc áo tulup {Áo bằng lông cừu may lộn vào trong để mặc rét} ngắn và gã hành bộc {Người hầu theo chủ những khi đi ra ngoài} Pêtruska, trạc ba mươi, diện chiếc áo đuôi én rộng thùng thình thừa hưởng của chủ; vẻ mặt hơi khắc khổ, mũi to, môi dày. Tiếp theo hòm áo là một cái tráp gỗ hồng tâm giát gỗ bách dương xứ karêlia {Ở miền Bắc nước Nga, giáp Phần Lan, có nhiều gỗ quí}; một đôi cốt ủng {Vật bằng gỗ để nút vào ủng giữ cho ủng được thẳng} và cuối cùng là một con gà quay gói giấy xanh. Khi đồ đạc đã mang vào đủ, gã xà ích Xêlifan ra tàu ngựa lăng xăng quanh mấy con vật, còn gã hành bộc Pêtruska thì dọn dẹp căn phòng xép bên ngoài, chật hẹp và tối tăm như cái chuồng chó. Hắn đã có đủ thì giờ mang vào đấy cái áo khoác cùng với cái mùi cố hữu của hắn; bây giờ lại mang thêm vào cái túi đựng các thứ quần áo hành bộc và cái mùi đó lại truyền sang tất cả cái túi. Hắn kê sát tường một cái giường hẹp chỉ có ba chân, trải lên giường một thứ ổ rơm nhỏ, mỏng dính như chiếc bánh kẹp {Bánh làm bằng bột, trứng, đường và tráng mỏng trên khuôn thoa mỡ như bánh trứng rồi gấp lại như chiếc bánh quế, nhưng rất mềm} và có lẽ cũng lắm mỡ như chiếc bánh ấy, mà hắn phải van nài mãi mới mượn được của nhà chủ.

Trong khi hai gã đầy tớ lăng xăng dọn dẹp, thì ông chủ đi xuống phòng khách chung. Những phòng khách chung ấy như thế nào là khách lữ hành chẳng ai còn lạ gì: cũng là những bức tường quang dầu, phần trên thì ám khói lò sưởi, phần dưới thì đóng ghét vì lưng của khách trọ và nhất là của các ông lái sở tại, những ngày phiên chợ, thường kéo năm, kéo bảy, đến đấy uống trà; cũng vẫn cái trần nhà ám khói, cũng vẫn bộ đèn treo với vô số những chuỗi thủy tinh lòng thòng, cứ nhảy lên và kêu lanh canh mỗi lần người hầu chạy đi, chạy lại trên tấm vải sơn mòn nhẵn; tay hoa cái khay đựng đầy những tách, chen chúc nhau như một đàn chim trên bờ biển; cũng vẫn những bức tranh sơn dầu treo kín cả tường; tóm lại là tất cả những thứ mà người ta vẫn thấy bất kỳ đâu. Chỉ khác một điều là trên một bức tranh có vẽ một mỹ nhân với bộ ngực thỗn thện mà bạn đọc chắc chưa thấy bao giờ. Và những cái kỳ quan của thiên nhiên này cũng thấy có trên một số bức tranh lịch sử, nhập vào nước Nga chẳng biết từ đời nào và do ai mang đến; đôi khi là do các vương công sính nghệ thuật của chúng ta; họ đã mua ở Ý theo lời khuyên của những kẻ chỉ dẫn cho họ.

Người khách bỏ mũ lưỡi trai, tháo cái khăn quàng cổ bằng len ngũ sắc, kiểu khăn quàng mà các bà vợ thường tự tay đan lấy để tặng chồng với những lời dặn dò cẩn thận về cách quàng khăn; còn đối với những kẻ độc thân thì tôi không thể nói ai là người lo sắm cái của ấy cho họ, có họa trời biết; riêng tôi thì chưa quàng cái kiểu khăn đó bao giờ. Sau khi đã bỏ khăn quàng ra, khách gọi ăn. Người ta dọn lên những món ăn thường lệ của các khách sạn: xúp bắp cải kèm theo một miếng Patê xếp thành lá dành cho khách lữ hành đã để từ mấy tuần rồi, óc xào đậu pơtipoa, xúc xích với dưa bắp cải thái nhỏ, một con gà mái to quay, một quả dưa chuột muối và bánh gatô xếp lá muôn thuở, bất cứ trường hợp nào cũng dùng được. Trong khi người hầu bày các thức ăn, món thì nguội, món thì hâm lại, khách hỏi anh ta đủ các chuyện vặt vãnh. Khách sạn lời lãi bao nhiêu? Trước kia là của ai? Lão chủ hiện thời có phải ngày trước là một tên trùm bịp bợm không? Đáp lại câu hỏi sau cùng, người hầu trả lời như thường lệ.

- Ồ, thưa ngài, đúng đấy ạ, một tên chúa xỏ lá!

Nước Nga bây giờ đang văn minh lên, chẳng kém gì các nước Âu châu: ở đây cũng nhan nhản những ông khách đáng trọng, trong khi ở khách sạn, không thể không gạ chuyện và đôi khi bông đùa nhả nhớt với người hầu nữa. Vả lại, khách không phải chỉ hỏi những câu nhảm nhí, vô ích. Khách hỏi cặn kẽ tên họ của các quan tỉnh trưởng, chánh án, chưởng lý, tóm lại là của tất cả các quan lại cao cấp. Khách lại hỏi đến các trang chủ khá giả quanh vùng, rất kỹ càng, nếu không phải là thiết tha: họ có bao nhiêu nông phu {Nông nô đàn ông mà trang chủ phải đóng thuế thân cho nhà nước và có tên trong sổ đinh, còn nông nô đàn bà thì không phải đóng thuế và không ghi tên trong sổ}, họ ở cách tỉnh bao xa, có hay lên tỉnh không, tính tình họ thế nào? Khách hỏi kỹ lưỡng về tình hình trong vùng: ở đây có xảy ra dịch tễ gì không? sốt ác tính, đậu mùa hay bệnh nào tương tự không? Tất cả những điều ấy được hỏi đi hỏi lại tỏ ra khách không phải chỉ tò mò suông mà thôi. Trong phòng khách, khách có vẻ một vẻ ung dung, đĩnh đạc và xỉ mũi rất kêu: tôi không biết y làm thế nào mà xỉ mũi được như vậy, chỉ biết là cái mũi kêu vang lên như cái kèn đồng. Nguyên một đặc điểm thường thường ấy cũng đủ làm cho gã người hầu rất kính nể và cứ mỗi lúc nghe tiếng xỉ mũi kia là hắn lại lắc lắc mái tóc bờm xờm, lấy dáng điệu cung kính hơn nữa và cúi đầu hỏi:

- Ngài dùng gì ạ?

Ăn xong, khách nhấp một tách cà phê, rồi ngả xuống chiếc ghế dài, lưng tựa vào một cái gối dựa mà, trong các quán trọ Nga, người ta thường độn một chất gì tựa hồ gạch hay đá lát đường, thay cho bông. Rồi khách ngáp dài, bảo người dẫn về buồng ngủ hai giờ liền. Khi trở dậy, đã khỏe khoắn, khách ghi vào một mảnh giấy con: tên, họ, chức, hàm, theo yêu cầu của gã người hầu để trình nhà chức trách. Vừa xuống thang gác, hắn vừa đánh vần: “Paven Ivannôvitis Tsitsikôp, tư vấn bộ {Chức quan văn bậc thứ sáu trong quan giai của đế chế Nga, quy định từ triều Piotr I, đầu thế kỷ XVIII, tương đương với chức đại tá bên hàng quan võ, người có chức này đã được thuộc hàng quý tộc, nhưng chưa được thế tập} trang chủ, đi có việc riêng”.

Gã người hầu chưa đọc xong mảnh giấy thì Paven Ivannôvits Tsitsikôp đã thân hành đi thăm thành phố và thành phố này hình như cũng làm cho khách thích thú, vì y không thấy thua kém các tỉnh lỵ khác tí nào cả. Màu vàng chói chang của các nhà đá nổi bật bên màu xám khiêm tốn của các nhà gỗ. Các nhà đều chỉ một tầng, có khi hai tầng hay chỉ có gác thấp, cái gác cố hữu, mà theo các kiến trúc sư tỉnh nhỏ là rất đẹp. Có chỗ, những ngôi nhà này tựa hồ lạc lõng giữa một đường phố rộng thênh thang như một cánh đồng và một dãy hàng rào vô tận; có chỗ lại chen chúc nhau từng cụm và ở đấy phố xá có vẻ nhộn nhịp, trù phú hơn. Lác đã thấy những tấm biển, bị nước mưa xóa gần sạch, vẽ những chiếc bánh khô giòn, những đôi ủng; có nơi thì biển vẽ một chiếc quần xanh với tên hiệu của một anh Thợ may ở Arsava {Tức Varsava, thủ đô Ba Lan} nào đó, nơi khác lại vẽ mấy cái mũ lưỡi trai vải, lưỡi trai da với nhãn hiệu “Vaxili Fiôđôrốp, Ngoại kiều” {Vaxili Fiôđôrốp chính là một cái tên Nga thuần túy mà lại đề “Ngoại kiều” vì khách hàng vốn có thị hiếu theo thời thượng là chuộng thợ ngoại kiều hơn thợ Nga}. Xa một tí là một bàn bi-a, có hai người đang đánh, diện áo Frac theo kiểu những “khách” bước lên sân khấu vào màn cuối của các vở kịch; hai người đang ngắm đích, tay đưa nhẹ nhàng ra đằng sau, còn chân thì dạng ra như vừa nhảy xong bước Antrasat {Một điệu nhảy nhẹ, lấy hai chân đập vào nhau nhiều lần trước khi đặt xuống đất} trong không khí. Tấm biển mang dòng chữ: “Đây là trụ sở”. Có nơi thì bàn kê la liệt ngay giữa đường phố, bày hạt hồ đào, xà phòng, những chiếc bánh ngọt thơm nom như những bánh xà phòng con; nơi thì một cái dĩa xọc vào lưng một con cá to tướng làm biển hiệu cho một quán ăn mạt hạng. Khắp nơi nhan nhản những con đại bàng hai đầu đen sì, những vật tiêu biểu của quốc gia, ngày nay đã được thay bằng mấy chữ vắn tắt: “Ty rượu”. Đá lát đường nơi nào cũng hỏng. Khách liếc nhìn vào khu công viên của thành phố, trông mấy chòm cây gày xác, chống đỡ bằng những cái nạng hình tam giác sơn màu lục. Những cây ấy chẳng cao gì hơn cây sậy; nhưng các báo thì đã tường thuật buổi lễ khánh thành công viên như sau:

“- Lòng chiếu cố ân cần của quan thị trưởng của chúng ta vừa đem đến cho thành phố một công viên phong phú những cây cối sum sê, um tùm, mà bóng mát sẽ rất quý giá trong tiết đại thử. Nhìn thấy quả tim của đồng bào chúng ta rung lên vì biết ơn và những đôi mắt tuôn hàng suối lệ để biểu lộ lòng cảm tạ đối với ngài gradonatsannik {Thị trưởng, chuyên coi việc cảnh sát trong nội thành và ngoại ô tức là cảnh sát trưởng} thì quý vị không thể nào cầm lòng cho đặng”.

Sau khi hỏi một người lính tuần cảnh con đường gần nhất đi đến nhà thờ, công sở {Ở các tỉnh lỵ Nga, tất cả các cơ quan hành chính, tư pháp đều ở chung một tòa nhà lớn gọi chung là “công sở”, prixuxtvennia miexta} và dinh tỉnh trưởng, khách đi ra ngắm dòng sông chảy qua chính giữa thành phố. Dọc đường, y bóc một tờ áp phích đóng đinh ở một cái cột để mang về phòng mà đọc cho thoải mái và nhìn chòng chọc vào một người đàn bà khá đẹp đi trên hè phố lát gỗ, có một chú tiểu đồng mặc áo dấu kiểu nhà binh tay ôm một cái gói đi theo. Liếc nhìn khắp phố phường một lần cuối như để nhớ kỹ các nơi, khách đi thẳng về khách sạn, tựa khẽ vào anh hầu mà leo lên thang gác. Uống trà xong, khách ngồi vào bàn, bảo đem đến một ngọn nến, rút tờ áp phích trong túi ra, đưa sát vào ngọn nến và bắt đầu đọc; vừa đọc vừa nheo con mắt phải. Tờ giấy ấy không có gì đáng chú ý lắm: người ta quảng cáo buổi diễn một vở kịch của ông Kôtxêbuê do ông Pôpliôvin thủ vai Kôla và Cô Ziablôva vai Kôra {Đó là vở Cái chết của Rôla của nhà soạn kịch Đức ở Nga lâu năm là Aoguxt Kôtxêbuê (1761-1819), rất được hoan nghênh trong mấy chục năm đầu thế kỷ XIX nhất là ở các tỉnh nhỏ; rồi sau đấy chẳng còn ai nhớ tới nữa}; những diễn viên khác thì lại càng ít ai biết tên tuổi hơn nữa. Tuy vậy khách vẫn đọc hết tên họ, đọc đến giá tiền chỗ ngồi, khách còn nhận thấy rằng tờ áp phích in ở nhà in của chính phủ ở tỉnh lỵ, rồi lật ra phía sau xem còn có gì nữa không; đến khi không thấy gì khách mới dụi mắt, gấp tờ giấy lại, đút vào tráp con là nơi y vẫn cất tất cả mọi thứ nhặt được. Kết thúc ngày hôm ấy, hình như khách ăn một mẩu thịt bò non nguội, điểm một chai kvax {Rượu cất bằng bánh mì đen và mạch nha, có khi pha nước trái cây ép để lấy hương} sùi bọt rồi ngủ, “cửa đóng, then cài cẩn thận”, như người ta thường nói ở một số miền trong đế quốc Nga rộng lớn.

Ngày hôm sau hoàn toàn để dành cho những cuộc thăm viếng. Khách đến trình diện tất cả các nhà chức trách; trước tiên là đến hầu tỉnh trưởng. Cũng như Tsitsikôp, ngài không gầy, nhưng cũng không béo, cổ đeo chiếc huân chương Thánh Anna và theo lời đồn đại thì ngài còn được đề cử để thưởng lên huân chương Thánh Anna hạng nhất nữa; nhưng vốn ngài là một người hiền từ, đôi khi lại còn thích tự tay thêu thùa lên vải tuyn nữa kia. Ở dinh tỉnh trưởng ra, Tsitsikôp đến quan phó tỉnh trưởng, chưởng lý, chánh án, cảnh sát trưởng, vị trưng thuế rượu, vị quản đốc các công xưởng nhà nước v.v… Thật tiếc là khó lòng mà nhớ hết được tất cả những kẻ quyền quý trên đời này, - nhưng cũng chỉ cần nói rằng Tsitsikôp không bỏ ai hết, đến chào cả viên thanh tra y tế, cũng như viên kiến trúc sư tỉnh lỵ. Sau đó, ngồi trong xe, y còn nghĩ mãi hồi lâu xem còn ai có thể đến thăm nữa không, nhưng trong thành phố chẳng còn kiếm ra viên quan lại nào nữa. Tiếp chuyện những nhà cầm quyền, y khéo tâng bốc từng người. Với tỉnh trưởng thì y nói rằng bước vào địa phương của ngài trong trấn, y tưởng chừng như lạc vào cõi thiên đường, đường sá đều êm dịu tựa nhung và các bậc đại thần đã bổ nhiệm được những vị trưởng quan quân tử như ngài thật quả là đáng ca tụng công đức. Với cảnh sát trưởng, y nói mấy lời tán dương trật tự tề chỉnh của lính tuần cảnh thành phố. Tiếp chuyện phó tỉnh trưởng và chánh tòa án, y cố ý lầm lẫn, gọi các ngài hai lần là “đại nhân” và hai viên tư vấn quốc gia {Tư vấn quốc gia là chức quan văn ở bậc thứ năm, tương đương với thiếu tướng bên quan võ; theo quan chế Nga thì chưa được gọi là “đại nhân” vì quan văn thì phải từ chức quan bậc thứ tư trở lên mới được gọi như vậy} ấy rất lấy làm thích thú. Bởi vậy, tỉnh trưởng mời y đến dự một buổi tiếp tân thân mật trong gia đình ngay tối hôm ấy; các quan lại khác thì kẻ mời ăn bữa chiều, kẻ rủ đánh bôxtơn, kẻ đón về uống trà.

Hình như khách cố tránh không muốn nói đến mình nhiều, mà có nói chăng cũng dùng toàn những lời khách sáo và nói với một giọng rất sách vở: - “Thân phận giun dế tầm thường như kẻ tiểu nhân này, đâu đáng được quý vị hạ cố đến. Bình sinh nó đã phải chịu biết bao là thử thách; ra làm việc quan thì tính cương trực làm cho lắm kẻ hiềm thù; có kẻ đã ám hại cả đến tính mạng nữa. Giờ đây thì nó đi tìm một chỗ ẩn dật yên tĩnh; và nhân đi qua, tự thấy có bổn phận đến hầu thăm các nhà chức trách thượng cấp”.

Tất cả những điều mà người ta được biết về con người mới đến ấy chỉ có thế; nhưng y thì không bỏ lỡ dịp được đến dự buổi dạ hội ở dinh tỉnh trưởng. Y sửa soạn hơn hai tiếng đồng hồ và chú trọng đến trang phục một cách khác thường. Sau một giấc ngủ trưa, y dậy, bảo lấy nước, rửa ráy, kỳ cọ đôi má rất lâu, đệm cái lưỡi cho má căng phồng lên để sát xà phòng vào cho kỹ. Xong y giật lấy cái khăn vắt ở vai người hầu, mồm phì vào chính giữa mặt anh ta hai lần, lau cẩn thận bộ mặt phúng phính từ hai tai trở đi; rồi ngắm mình trong gương, sửa lại vạt trước áo sơ mi cho chỉnh, nhổ hai cái lông thò ra khỏi mũi và mặc vào một chiếc áo dài chẽn màu tía lốm đốm.

Xe đưa y đi lăn bánh trên những con đường rộng thênh thang, vô tận, từng quãng xa mới có tí ánh sáng yếu ớt, từ mấy khung cửa hắt ra. Trái lại, dinh tỉnh trưởng thì sáng trưng; xe cộ đều lên đèn, hai viên sen đầm gác trước cửa, tiếng bọn xà ích gọi xa xa; tóm lại chẳng còn thiếu gì cho một buổi vũ hội nữa. Bước vào phòng lớn, Tsitsikôp phải nheo mắt lại một lúc vì ánh đèn, ánh nến và những bộ trang phục rực rỡ làm cho y chói mắt. Khắp gian phòng tràn ngập ánh sáng; những bộ áo đen thấp thoáng qua lại nơi này, nơi kia như những con ruồi trên một bánh đường trắng tinh, trong một ngày tháng bảy nóng nực, khi bà quản thiện già đứng cạnh chiếc cửa sổ mở rộng, chặt thành từng miếng lóng lánh. Bầy trẻ xúm xít chung quanh, tò mò theo dõi mỗi cử động của cánh tay khẳng kheo giơ con dao lên; trong khi một đàn ruồi bay luôn trong không khí nhẹ nhàng, mạnh dạn như những chủ nhân, sà xuống những miếng đường ngon lành, lợi dụng cái ánh nắng chói chang làm cho đôi mắt bà lão vốn đã kém, lại càng chẳng thấy gì nữa. No nê vì bao nhiêu thức ăn ngon lành mà mùa hè phong phú đã đem cho chúng; đàn ruồi bay lượn không phải để kiếm ăn, mà chính là để phô mình; chúng bay lượn trên đống đường, xoa đôi chân trước hay đôi chân sau vào nhau, lấy chân vuốt vuốt dưới cánh, duỗi đôi chân trước ra mà vuốt quàng lên đầu, rồi bay đi, nhưng lại tức khắc trở về, kéo theo những đội ngũ ruồi khác đông đúc hơn.

Tsitsikôp chưa kịp định thần thì tỉnh trưởng đã khoác tay y dẫn đến giới thiệu với phu nhân. Một lần nữa, Tsitsikôp lại tỏ ra là người lịch thiệp: y nói một câu chúc tụng rất thích hợp ở cửa miệng một kẻ quá niên và quan chức không cao lắm, mà cũng không thấp lắm. Khi các đôi bạn nhảy đã dàn ra, và mọi người đã đứng thành hàng dọc theo tường để nhường chỗ cho họ; thì Tsitsikôp, tay chắp sau lưng, chăm chú nhìn trong khoảng hai phút những đôi lứa lượn qua trước mặt. Khách phụ nữ nhiều người phục sức rất lịch sự và hợp thời trang; cũng có người ăn mặc theo kiểu tỉnh nhỏ. Cũng như ở mọi nơi khác, đàn ông chia làm hai hạng. Hạng gày thì suốt buổi theo tán tỉnh phái đẹp. Vài người trong bọn họ thật khó mà phân biệt được với các công tử ở Pêterbua; cũng như bọn ấy, họ chải bộ râu má rất diêm dúa, hay phô ra những bộ mặt trái xoan cạo nhẵn thín cũng như bọn ấy, đối với phụ nữ họ có những điệu bộ tự nhiên, tựa hồ lơ đãng và nói những câu chuyện bông đùa nhẹ nhàng bằng tiếng Pháp. Hạng thứ hai là những người béo hay không béo, không gày như kiểu Tsitsikôp {Người hầu trong nhà}, thì chẳng để ý đến các bà, các cô cho lắm và lúc nào cũng chăm chú chờ người nội bộc mang bàn đánh bài uyxt ra. Mặc họ phì nộn, tròn trĩnh; người thì có hạt cơm, kẻ thì rỗ hoa lỗ chỗ; tóc họ không tỏa thành chùm, cũng không xoáy thành ốc, cũng không bờm xờm theo cái kiểu quỷ sứ bắt ta đi, như người Pháp thường nói, mà cắt ngắn hay chải dính sát vào thái dương, làm cho vẻ mặt càng thêm phương phi và đường bệ. Họ là những quan lại cao cấp nhất trong tỉnh. Than ôi! Trên cõi đời này, hạng béo lại khéo thu xếp công việc của họ hơn hạng gày. Hạng này thường chỉ là những viên chức được sai phái những việc nhất thời; họ nhảy nhót nơi này, nơi kia; đời sống của họ bấp bênh, chẳng có gì chắc chắn cả. Hạng béo trái lại không bao giờ giữ chức gì thuộc lại cả, họ chễm chệ ở những chức vụ chính yếu; đã ngồi vào đâu là họ ngồi thật vững, thật chắc; đến nỗi chẳng bao lâu chỗ ngồi oằn xuống, kêu răng rắc dưới sức nặng của họ; nhưng họ thì chẳng bao giờ chịu thả ra đâu. Họ không thích vẻ hào nhoáng vỏ ngoài: áo họ tuy không khéo cắt bằng áo bọn gày, nhưng hòm bạc của họ đầy hơn. Chỉ độ ba năm là anh gày không còn lấy một nông phu mà cầm cố nữa; trong lúc ấy thì anh béo, nhẹ nhàng, êm ái, lấy tên vợ, tậu một cái nhà ở đầu tỉnh, rồi cái nữa ở cuối tỉnh, rồi một thôn xóm ở ngoại thành, rồi cả một xã lớn với tất cả đất đai phụ thuộc. Cuối cùng, anh béo, sau khi đã phụng sự đắc lực Thượng đế và Nga Hoàng để được mọi người kính nể, lui về trí sĩ trên điền trang, chè chén linh đình, sống cuộc đời sung túc của ông chúa nông thôn; nhưng rồi chẳng bao lâu, những kẻ gày, kế thừa họ, sẽ tiêu tán sạch sành sanh cái gia tài của họ, theo đúng kiểu người Nga.

Phải thú thật rằng những điều ấy đại khái là những lập luận của Tsitsikôp, trong khi đứng ngắm đám tân khách dự hội; cho nên cuối cùng y đến với bọn người béo. Trong bọn họ, y gặp ngay những bộ mặt đã quen: quan chưởng lý với đôi lông mày rậm và con mắt trái hơn hấp háy, tựa hồ muốn bảo nhỏ: “này, ta sang phòng bên đi, tôi có điều này muốn nói với anh”; nhưng lại là một người rất mực nghiêm trang và ít nói; ông giám đốc bưu vụ, một lão lùn dí dỏm và hay triết lý; quan chánh án; người thận trọng và nhã nhặn. Mọi người đón chào Tsitsikôp như một người bạn cố tri; đáp lại các lời chúc mừng, y cúi chào, hơi nghiêng mình chênh chếch sang một bên, khá duyên dáng. Bây giờ, người ta giới thiệu y với hai tay quý tộc hương thôn là Manilôp, một người rất lễ độ, nhã nhặn {Đối với tác giả, tên các nhân vật đều có ý nghĩa, phần nhiều tượng trưng cho tính tình của nhân vật, Manilôp có ý chỉ tính tình dịu dàng, nhưng hơi lạt lẽo} và Xôbakiêvits nặng nề thô lỗ {Xôbakiêvits có từ căn Xôbaka nghĩa là “chó” chỉ rõ tính tình thô lỗ, tục tằn của lão trang chủ này} thoạt mới gặp đã xéo ngay lên chân y và mồm nói: “xin lỗi”.

Người ta đưa cho Tsitsikôp một quân bài, mời y đánh Uyxt, y cầm lấy và lễ phép cúi chào như lúc nãy. Họ ngồi quanh cái bàn trải dạ màu lục và không đứng dậy nữa, mãi cho đến bữa ăn khuya. Tất cả mọi câu chuyện đều chấm dứt hẳn, đúng như người ta bắt tay vào một công việc quan trọng. Tuy tính rất ba hoa, ông giám đốc bưu vụ, khi đã cầm bài trên tay, liền lên ngay một vẻ mặt đăm chiêu, đôi môi mím chặt và giữ bài, ông ta đấm bàn và kêu – “tiến lên, mẹ già!” - nếu đó là một con đầm hay – “cố thủ đi, lão mujik ở Tambôp”, nếu đó là một con K, và ông chánh án đáp lời ngay: “còn tôi thì tôi vặt râu nó đi, vặt râu nó đi”. Có lúc, nóng nảy, các tay chơi quật bài xuống và kêu lên: “Ra sao thì ra, không có gì khác thì tấn công bằng quân rô vậy!” hoặc chỉ quát lên: “pits… pitkentxia… pitkentrax… pitsuruc… pitsura… hay pitsuc…”, theo những biệt danh mà họ đặt cho các loại hoa bài.

Canh bạc tàn thì như thường lệ, nổi lên một cuộc cãi nhau khá ồn ào. Tsitsikôp cũng dự vào, nhưng với một vẻ lịch sự, thiệp thế ai cũng thấy rõ. Y có cãi ai cũng là cãi một cách nhã nhặn, đáng mến. Y không nói: “- Ngài đã đi quân nọ, quân kia.” Mà nói “- Ngài đã chiếu cố đi cho…” “- Chúng tôi đã được hân hạnh dập con hai của ngài”, vân vân… Muốn cho lời nói của mình được các đối thủ tán đồng hơn nữa, cứ nói mỗi câu là y lại chìa về phía mọi người một hộp thuốc lá bằng bạc tráng men, có ướp một đôi hoa tím để lấy hương, y chú ý nhất đến hai trang chủ Manilôp và Xôbakiêvits mà chúng ta đã có dịp giới thiệu trên kia. Y mời quan chánh án và ông giám đốc bưu vụ ra một nơi, rồi lập tức hỏi dò về hai tay trang chủ này. Sau khi hỏi kỹ về số nông dân và tình hình đất đai của họ; Y mới chú ý tới tên họ của hai lão chúa nông thôn ấy; trình tự cuộc điều tra lý lịch như vậy tỏ rằng y không những có óc hiếu kỳ, mà còn có trí phán đoán chắc nịch nữa. Chỉ một lát sau, y đã chinh phục được cả hai trang chủ. Manilôp, người còn trẻ, đôi mắt hiền hậu ngọt như đường mỗi khi cười là lại nheo nheo, thì say mê Tsitsikôp như điếu đổ. Chàng ta xiết chặt tay y rất lâu, khẩn khoản mời y quá độ đến thăm ấp mà theo lời chàng thì chỉ cách tỉnh độ mười lăm verxta {Đơn vị đo lường dài cũ của Nga bằng 1,067 mét}. Tsitsikôp cúi đầu lễ độ, nhiệt thành siết tay Manilôp và đáp rằng không những y rất vui mừng nhận lời, mà còn xem đó là một bổn phận thiêng liêng nhất của mình nữa. Đến lượt Xôbakiêvits thì hắn bảo y với một giọng hơi cộc lốc: “- Cũng xin mời đến chơi tôi nữa!”, vừa nói vừa giậm gót ủng xuống sàn; đôi ủng to tướng mà có lẽ ngoài hắn ra, không ai có thể xỏ chân vừa được; nhất là thời buổi này, mà trên đất nước Nga đã bắt đầu mất dần cái nòi Bôgatưa {Bôgatưa, là nhân vật to lớn khỏe mạnh trong văn học Nga} rồi.

Hôm sau, Tsitsikôp đến ăn chiều và chơi buổi tối tại nhà cảnh sát trưởng; ở đây người ta đánh uyxt liên miên từ khi ăn xong lúc ba giờ chiều, cho đến hai giờ sáng. Ở đây, y gặp một trang chủ khác tên là Nôzđriôp {Tên Nôzđiôp có từ căn nozđria nghĩa là “lỗ mũi”, chỉ vẻ mặt phúng phính và tính hưởng lạc thô lỗ của anh chàng này} một kẻ vui đời, tuổi trạc ba mươi, sau đôi ba câu là đã cậu cậu, tớ tớ ngay. Nôzđriôp cũng cậu cậu, tớ tớ với ông chưởng lý và ông cảnh sát trưởng mà hắn xem như là cánh hẩu; nhưng khi bắt đầu đánh ăn to thì các ngài đều theo dõi rất cẩn thận, mỗi khi hắn rút bài của hắn đi. Ngày hôm sau nữa, Tsitsikôp đến chơi buổi tối ở nhà ông chánh án; ngài mặc bộ áo ngủ không lấy gì làm sạch ra tiếp các tân khách, mà trong số đó có cả hai vị phu nhân. Rồi Tsitsikôp dự một dạ hội ở dinh phó tỉnh trưởng, một bữa tiệc lớn ở nhà người trưng thuế rượu, một bữa ăn xoàng – nhưng chẳng kém gì một bữa tiệc lớn, - ở nhà ông chưởng lý, một bữa điểm tâm nhẹ sau buổi lễ nhà thờ, - nhưng cũng chẳng kém gì bữa ăn chiều, - ở nhà ông cảnh sát trưởng.

Tóm lại, Tsitsikôp chẳng còn rỗi rãi lấy được một giờ nữa; y có thể trở về khách sạn cũng chỉ để ngủ mà thôi. Vả lại, y thật là một người lịch thiệp vẹn toàn trong giới xã giao. Dù có luận đàm vấn đề gì, y cũng biết làm cho câu chuyện hào hứng. Nói chuyện trại nuôi ngựa chăng, thì y nói về trại nuôi ngựa; nói về chó săn ư, y cũng lại nhẹ nhàng đưa ra vài nhận xét đúng đắn; bàn về một cuộc điều tra của Viện kiểm soát kế toán chăng, y tỏ ra rất am hiểu về những lỗi lầm của ngành tư pháp; tranh luận về bi-a, về rượu pơns {Thức uống pha một thứ rượu mạnh với nước chanh quả, đường, nước trà, nguyên của người Anh} chăng, y lại là một tay thạo bi-a và rượu pơns; nói đến đức hạnh thì y rơm rớm nước mắt; đến thuế quan, thì y tựa hồ một tay thu thuế lão luyện. Điều đặc biệt là không bao giờ y mất vẻ điềm đạm, trang nghiêm và bao giờ lời ăn tiếng nói cũng rất đúng mực. Y nói không to quá, cũng không nhỏ quá, chỉ vừa đủ nghe. Tóm lại, ở đâu y cũng vẫn được xem là con người mẫu mực. Y đến đâu là tất cả các quan lại đều vui mừng. Nói đến y, tỉnh trưởng gọi y là một người đầy thiện ý, chưởng lý gọi là một người tài ba, đại tá cảnh binh – là một người uyên bác, chánh án – là một người học thức và đáng trọng; cảnh sát trưởng – là một người đáng quý, đáng mến; bà cảnh sát trưởng – là con người lịch sự nhất, dễ ưa nhất. Cả đến Xôbakiêvits, thường chẳng mấy khi nói tốt cho ai, sau khi ở tỉnh về, đêm đã khuya, đặt mình nằm cạnh mụ vợ gày đét, cũng nói: - Mình có biết không, tôi ăn chiều ở nhà cảnh sát trưởng, dự dạ hội ở dinh tỉnh trưởng và quen được lão Paven Ivannôvits Tsitsikôp, tư vấn bộ; cái tay mới tuyệt làm sao!

Mụ vợ đáp: - Hừm! Và lấy chân hích vào người lão ta.

Dư luận tốt đẹp ấy tồn tại cho đến ngày mà một hành động lạ lùng của người khách, một việc phiêu lưu mà bạn đọc sắp được biết, làm cho hầu hết mọi người trong thành phố đều sửng sốt.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.