Những Linh Hồn Chết

Chương 2: Chương 2




Từ hơn một tuần rồi, người khách ở trong thành phố, hết tiệc chiều đến tiệc đêm, sống một cách khá thích thú. Sau cùng y quyết định mở rộng phạm vi thăm viếng đến vùng chung quanh và giữ lời hứa với các trang chủ Manilôp và Xôbakiêvits. Có thể là y tuân theo một động cơ nghiêm chỉnh hơn; cũng có thể là y nhằm một việc quan trọng hơn, hợp với lòng y hơn. Bạn đọc sẽ được biết dần dần và đúng lúc nếu chịu khó đọc hết cái truyện khá dài, và càng về cuối càng lắm việc này; như ta vẫn biết, đoạn kết thường hoàn thành toàn bộ tác phẩm một cách tốt đẹp.

Mới sáng tinh mơ, gã xà ích Xêlifan đã được lệnh thắng ngựa vào chiếc britska trứ danh. Pêtruska phải ở nhà trông coi căn buồng và hòm quần áo. Bạn đọc làm quen với hai chú nô bộc của nhân vật chính của chúng ta thì rất có ích đấy. Tất nhiên họ chỉ là nhân vật hạng nhì hay hạng ba nữa cơ; những diễn biến trong bản trường ca này không dựa vào họ; nhưng mà tác giả vốn thích chính xác trong mọi việc và dù có là người Nga, thì về mặt này cũng vẫn muốn tỉ mẩn như một người Đức. Vả lại, việc này cũng chẳng đòi hỏi mấy thì giờ và giấy mực; vì ngoài các chi tiết mà bạn đọc đã được biết rồi thì chỉ cần thêm rằng Pêtruska mặc một cái áo lễ dài, cũ của chủ, màu vỏ quế, hơi rộng và hắn ta có đôi môi và cái mũi dày dặn như đa số những người cùng thân phận như hắn. Vốn lầm lì, hắn có một lòng say sưa cao quý đối với việc học tập, nghĩa là với việc đọc những sách mà hắn chẳng cần quan tâm đến nội dung mấy: truyện phiêu lưu tình ái, sách dạy đánh vần, kinh nhà thờ, hắn đều đọc tất cả và đều đọc chăm chú như nhau; mà giá có ai đưa cho một cuốn sách hóa học thì hắn cũng chẳng từ. Hắn không thích thú những điều nói trong sách, bằng cái việc đọc, cái hành động luôn luôn cho phép ta lấy cái chữ cái chắp lại thành những từ có nghĩa, và nhiều khi rất khó hiểu. Thường hắn giải trí như vậy ở trong căn phòng xép, nằm dài trên ổ rơm và cái ổ này cũng vì sức ép thường xuyên ấy mà bẹp gí như cái bánh đa. Ngoài cái thói đọc sách cuồng nhiệt ấy ra, hắn còn hai thói quen đặc biệt nữa là để nguyên cả quần áo mà ngủ và phát ra khắp nơi cái mùi cố hữu, mùi mồ hôi của vật hấp hơi; hắn chỉ cần dọn chỗ ngủ đến nơi nào, - dù là một cái buồng bỏ không, - mang cái bành tô và quần áo của hắn đến là tức khắc người ta tưởng rằng cái buồng đã có người ở từ mười năm rồi. Khi ngủ dậy, hít không khí, thì dù có là con người tế nhị, Tsitsikôp cũng phải cau mày, lắc đầu và nói “- lắm mồ hôi quá, cậu ạ. Đi tắm đi, quỷ sứ”. Để khỏi trả lời, Pêtruska làm ra vẻ đang chăm chú vào một việc gì cần kíp; cầm lấy cái bàn chải, hắn tiến về phía bộ lễ phục của chủ hay vớ được đồ vật gì là xếp xếp, dọn dọn. Trong lúc ấy thì hắn nghĩ gì? Có lẽ hắn tự nhủ: “- Ông có khỏe thì cứ mà nói cái chuyện ấy mãi đi!...”. Thật tình thì cũng khó mà biết được một đầy tớ nghĩ gì khi bị chủ mắng.

Đấy là tất cả những gì có thể nói về Pêtruska trong lúc này. Còn gã xà ích Xêlifan thì lại là một con người khác hẳn. Nhưng, kinh nghiệm cho biết rằng những tầng lớp thấp kém thường chẳng gợi được thích thú gì, nên tác giả ngần ngại không dám bắt bạn đọc phải lưu ý đến những nhân vật hèn mọn như vậy. Người Nga là như thế: họ khao khát được làm quen với bất cứ ai cao hơn họ, dù chỉ là một cấp và thích những quan hệ qua quít với các bá tước hay công tước hơn là lạc thú của một tình bạn thâm giao. Tác giả cũng lấy làm lo ngại cả cho nhân vật chính của mình, một viên tư vấn bộ bình thường mà thôi. Các tư vấn viên thì có lẽ muốn làm quen với y; nhưng các triều thần, cấp tướng {Tư vấn viên là chức quan văn bậc thứ bảy dưới chức của Tsitsikôp là tư vấn bộ một bậc, còn triều thần cấp tướng là từ chức thiếu tướng bên quan võ và tư vấn quốc gia bên quan văn trở lên nghĩa là những chức quan bậc thứ năm, trên Tsitsikôp một bậc} thì chắc chỉ nhìn y bằng một cái khinh khỉnh như con người ta lúc kiêu ngạo thường đoái nhìn kẻ cấp dưới; hay là, tệ hơn nữa, chẳng thèm để ý đến y chút nào cả và làm cho tác giả thất vọng vô cùng. Dù hai cách có thể xảy ra như vậy đều có khó chịu đến đâu đi nữa, chúng ta cũng phải quay về với nhân vật chính của chúng ta.

Vậy là, hôm trước đã ra lệnh cho hai nô bộc, hôm sau y dậy lúc tinh mơ, rửa mặt, bôi nước hoa từ đầu đến chân, theo thói thường của y trong những ngày lễ - mà hôm ấy cũng đúng là ngày chủ nhật thật; - y cạo râu nhẵn thín để cho đôi má bóng và ánh lên như xa tanh, mặc chiếc áo đuôi én màu tía lốm đốm, và cái áo khoác, cổ lông gấu to tướng; xuống thang gác vừa đi vừa tựa vào người hầu của quán trọ, khi thì ở bên phải, khi bên trái; rồi ngồi vào xe britska. Chiếc xe ầm ầm ra cổng; một ông pôp {Ông Cha đạo Chính thống Nga} đi qua gật đầu chào mấy đứa bé mặc áo vải thô bẩn, ngửa tay kêu:

- Lạy ngài phúc đức, thương kẻ côi cút!

Gã xà ích nhận thấy một đứa thích trèo lên sau xe; liền vụt cho nó một roi. Một lát sau, xe lăn bánh khấp khểnh trên các đường phố: Tsitsikôp không khỏi sung sướng nhìn thấy đằng xa cái ngáng đường màu sặc sỡ, báo hiệu rằng sự hành tội của đá lát đường đã sắp chấm dứt; quả thật, bị thêm mấy cái cộc vào đầu khá khó chịu nữa rồi y đã thấy mình được đưa đi nhanh trên mặt đất mềm. Phố phường vừa mới qua hết thì hai bên đường đã trải ra cái cảnh đơn điệu của thiên nhiên Nga; những túp lều lụp sụp, những khu rừng bách, những khóm thông gày, những bụi thạch thảo, những thân cây cháy đen và nhiều vật trang trí khác cùng loại. Làng xóm thì nhà cửa trông như những khúc gỗ chất chồng lên nhau và xếp thành những hàng thẳng tắp như kẻ chỉ; mái nhà màu ghi, đầu hồi chạm trổ theo hình những khăn tay thêu. Ngồi trên những ghế dài trước cửa, vài người mujik mặc áo tulup ngáp ngắn, ngáp dài theo thường lệ. Những người đàn bà, mặt phì phị, áo dài thắt bó lấy ngực sát dưới vú, nghiêng mình ra ngoài các khung cửa sổ tầng gác; ở các cửa sổ tầng dưới thì hiện ra một con bê hay cái mõm của một con lợn con, phong cảnh quen thuộc mà thôi. Xe đi qua trước cột chỉ verxta thứ mười lăm, Tsitsikôp chợt nhớ ra rằng, theo lời Manilôp thì ấp của chàng gần chứ không xa; nhưng mà các nhà lữ hành của chúng ta đến cột chỉ verxta tiếp theo vẫn chẳng thấy làng mạc nào cả. May mà gặp được hai người dân quê mới khỏi lúng túng. Nghe tiếng hỏi làng Zamanilôpka có còn xa nữa không, hai người mujik bỏ mũ chào; và anh chàng nhanh nhẩu nhất, cái gã có bộ râu cằm nhọn hoắt, trả lời:

- Có lẽ là Manilôpka chứ?

- Đúng, phải rồi, Manilôpka…

- Manilôpka! Vậy thì đi một verxta nữa rồi rẽ sang bên phải.

- Bên phải à? – Anh xà ích hỏi lại.

- Bên phải, vâng, - người mujik nói, - đó là đường thẳng đến Manilôpka, Manilôpka đấy nhé, tên thật của làng như thế; chúng tôi chẳng biết có làng Zamanilôpka nào cả. Đi thẳng trước mặt, trên một quả gò thấy một cái nhà chủ bằng đá, đẹp, một tầng: đó đúng là Manilôpka. Còn Zamanilôpka, thì ở đây không có, xưa nay không hề có.

Các nhà lữ hành của chúng ta liền tìm đến Manilôpka. Đi được hai verxta, họ rẽ vào một con đường làng và đi thêm từ ba đến bốn verxta nữa, mà chẳng thấy cái nhà đá một tầng hiện ra. Khi một người bạn mời anh đến chơi ấp trại của họ, nói rằng ở cách mười lăm verxta, thì phải tính đường xa lên hai lần; nhân dịp này, Tsitsikôp mới nhớ đến chân lý ấy.

Địa thế ấp Manilôpka chẳng hữu tình gì lắm. Ngôi nhà của chủ ấp nằm một mình trên một cái gò, cỏ mọc lưa thưa và bốn bề gió lộng. Trên bãi cỏ theo kiểu Anh ấy, rải rác hai hay ba khóm tử đinh hương và dạ hợp hoa vàng, năm hay sáu cây bạch dương ngọn vàng úa. Dưới bóng hai cây là một cái đình nhỏ, nóc tròn màu lục, có những hàng cột màu xanh và mang dòng chữ: Đền Trầm tư Mặc tưởng; ở chỗ thấp hơn có một cái ao mọc đầy cỏ dại là cái vật làm cảnh cổ điển trong những vườn kiểu Anh của các nhà quý tộc hương thông của chúng ta {Bấy giờ trang trí vườn theo kiểu Anh là mốt thời thượng đang thịnh hành ở Nga}. Dưới chân gò và cả trên sườn gò, rải rác những nhà gỗ màu xám và nhân vật chính của chúng ta, vì những lý do bí ẩn, liền ước lượng tổng số và đếm được hơn hai trăm túp. Giữa cái đống xà gỗ ấy, chẳng có lấy một cây con, một đám lá xanh. Làm cho phong cảnh sinh động chỉ có hai người đàn bà quê: váy xắn cao, lội nước đến đầu gối; họ nắm hai cái cây, kéo một cái lưới rách dưới ao; trong lưới thấy óng ánh một con cá dày và có thể đoán là có hai con tôm; hai người trông như đang cãi nhau, sỉ mạ nhau. Xa xa, cái khối âm u của một khu rừng thông làm thành một vệt xanh ảm đạm. Bầu trời cũng một màu xám tẻ ngắt như màu những bộ binh phục cũ, làm cho chốn này đã buồn lại buồn thêm. Để cho bức tranh phong cảnh được đầy đủ, còn có một con gà trống gáy báo hiệu thời tiết thay đổi; dù đầu nó đã bị mỏ của các tình địch mổ thủng sâu đến óc, nó vẫn gáy oang oang và lại còn vỗ cả đôi cánh tả tơi như chiếu rách nữa. Xe vào sân, Tsitsikôp đã thấy chủ nhân đích thân đứng trên tam cấp chính trước nhà mặc áo lễ dài bằng len thường, màu lục, tay đặt lên trán làm thành cái mái che cho đôi mắt, để nhận ra những khách đang đến. Chiếc britska càng vào gần, đôi mắt chủ nhân càng sáng lên, và nụ cười càng nở to,

- Paven Ivannôvits! {Gọi một người bằng tên thánh của họ và bố của họ, theo lối xưng hô của người Nga, là cách gọi cung kính} - chủ nhân kêu lên khi Tsitsikôp nhảy xuống xe. Bác còn hạ cố đến chúng tôi kia ư!

Hai người bạn ôm chầm lấy nhau, rồi Manilôp kéo khách vào. Dù họ đi qua phòng áo, nhà ngoài, buồng ăn chỉ mất một thời gian ngắn thôi, ta cũng cố lợi dụng lúc này để nói vài lời về chủ nhà. Tác giả phải thú thật rằng đó là một việc khó. Miêu tả những cá tính rộng lớn dễ hơn việc này nhiều; chỉ việc mạnh tay quệt màu lên tấm vải: mắt sáng, mày rậm, trán nhăn, áo choàng đen hay đỏ rực như lửa, thế là xong bức chân dung. Nhưng những con người, thoạt mới nhìn, toàn giống hệt nhau, đến khi quan sát kỹ thì có biết bao đặc điểm khó nhận thấy; những kẻ ấy không phải dễ mà vẽ ra được. Muốn phân biệt được các chi tiết nhỏ nhất, gần như không thể nhận ra thì phải căng thẳng tất cả sức chú ý và lại còn phải luyện cái nhìn đã thành thạo trong nghệ thuật quan sát cho thật sắc bén nữa.

Chỉ có Chúa họa may mới có thể xác định được bản tính của Manilôp. Có những người không thế này, cũng chẳng thế kia, không ra Bôgđan ở thành thị, cũng chẳng ra Xêlifan ở hương thôn {Lối nói Nga đại ý là môn chẳng ra môn, khoai chẳng ra khoai} như người ta thường nói, và có lẽ Manilôp thuộc vào cái tập đoàn này. Con người tóc vàng ấy có đôi mắt xanh, miệng cười mơn trớn và dung mạo tốt tươi. Nét mặt không phải không có duyên, nhưng một cái duyên quá dịu ngọt; cử chỉ và lời nói quá khéo léo. Mới bắt chuyện với chàng, người ta phải tự bảo: “- Con người trung hậu và đáng mến làm sao!”. Nhưng chỉ một lát là người ta chẳng tìm ra gì để nói nữa; rồi sau đấy người ta phải lẩm bẩm: “- có quỷ mới biết được cái thằng cha!” và đi ra chỗ khác cho thật nhanh để khỏi chết vì chán ngấy. Chàng ta không bao giờ buột mồm nói ra một tiếng nặng nề hay gay gắt mà ai cũng không giữ được, khi có người nói đến cái chuyện mà mình thích. Mỗi người có một cái thú riêng: người này, say mê chó săn; người kia cho rằng mình hiểu sâu âm nhạc; người thứ ba thạo việc ăn ngon, người thứ tư tin chắc là đóng được một vai trò cao hơn cái vai mà họ được chỉ định, dù chỉ là một tấc; người thứ năm ước vọng khiêm tốn hơn, chỉ mong được gò cương ngựa song song với một sĩ quan phụ tá để lòe bạn hữu hay khách qua đường; người thứ sáu ngứa tay, thèm thuồng được gặp con xì hay con hai rô, còn tay người thứ bảy thì nóng nảy khát khao được lập lại trật tự, bạt tai người trưởng trạm hay mấy anh phu trạm. Tóm lại, mỗi người có cái mê say của riêng mình, nhưng Manilôp thì chẳng có mê say nào cả.

Ở nhà, chàng chẳng hề nói năng gì, thường trầm mặc suy nghĩ và họa có Chúa mới biết chàng nghĩ những cái gì. Chàng ít quan tâm đến việc làm cho trang ấp phát đạt và chẳng bao giờ nhìn ngó đến ruộng đất. Cứ phó mặc cho công việc đến đâu thì đến. Khi người quản lý nói: “- Nên làm thế này hay thế nọ” thì chàng thường trả lời: “- Cũng được đấy”, vừa nói vừa hít những hơi dài với cái tẩu thuốc lá; đó là cái thói mà chàng đã quen khi tòng ngũ và ở trung đoàn, chàng có tiếng là viên sĩ quan khiêm tốn nhất, tế nhị nhất, học thức nhất. “- Ừ, ừ được đấy!” chàng nhắc lại. Khi một nông nô đến gặp chàng và vừa gãi gáy vừa xin phép nghỉ ít lâu để đi kiếm tiền nộp tô, thì chàng vừa ngậm tẩu vừa nói: “- Được, được” và chàng cũng chẳng hề nghĩ rằng cái anh chàng khốn nạn chỉ muốn chè chén. Thỉnh thoảng, đứng trên tam cấp trước nhà, nhìn sân và ao, chàng nghĩ nên làm một con đường hầm từ nhà xuống làng hay là bắc qua ao một chiếc cầu đá, hai bên cầu có quán hàng bán lẻ những đồ vặt vãnh thông dụng cho dân ấp. Bấy giờ đôi mắt chàng dịu dàng hết sức, vẻ mặt chàng sung sướng, tự tại hết sức.

Tất cả những dự định ấy chỉ là lời nói hão. Trong buồng làm việc, chàng giữ một cuốn sách có cái chắn đánh dấu trang 14 mà chàng vẫn đọc dở từ hai năm nay. Đồ dùng trong nhà, chàng không bao giờ sắm đủ. Trong phòng khách đồ đạc khá đẹp đều phủ một thứ lụa quý, trừ hai cái ghế bành, vẫn phủ một lần chiếu thường vì thiếu lụa; và từ bao nhiêu năm nay, tiếp ai chủ nhà vẫn phải dặn khách: “- Xin đừng ngồi lên cái ghế đó, vì chưa kịp bọc lụa”. Trong nhà có những phòng trống không, dù chàng đã quyết định, từ ngày trăng mật: “quả tim của anh ạ, anh phải nghĩ đến việc trang trí cái phòng này, dù là tạm thời”. Tối đến, người ta đặt lên bàn một cái giá cắm nến bằng đồng đen rất lịch sự, hình Ba nàng Nhã tiên, chao đèn bằng ngọc trai xinh xắn và bên cạnh thì lại là một tượng thương binh bằng đồng đỏ, thọt, người vặn vẹo, đầy những mỡ bò chảy xuống; mà cả thầy lẫn tớ chẳng ai để ý gì đến cả.

Vợ chàng ư?... Không cần phải nói dài; họ thật là xứng đôi vừa lứa. Dù đã lấy nhau sắp được chín năm rồi, họ vẫn đem cho nhau một cái kẹo, một hạt dẻ, một góc quả táo, vừa cho vừa nói một giọng ngọt ngào xứng đáng với tình yêu hoàn hảo: “Há mỏ ra, quả tim của tôi, quả ngon, quả ngọt nhé”. Và cái mỏ liền há ra, đáng yêu nhất trần đời. Sinh nhật của họ, họ dành cho nhau những sự ngạc nhiên bằng cách tặng nhau, chẳng hạn, một ống đựng tăm bằng ngọc trai giả. Và, lắm khi, ngồi sát vào nhau trên ghế dài, người bỏ tẩu thuốc lá ra, kẻ bỏ đồ thêu xuống, để trao cho nhau một cái hôn say đắm lâu đến nỗi người ta có đủ thì giờ hút trọn một điếu thuốc lá trong lúc họ làm cái trò đó.

Tóm lại một chữ, họ là cái mà người ta thường gọi là những người sung sướng. Dĩ nhiên, người ta có thể nhắc họ là trong đời sống vợ chồng còn có nhiều việc khác ngoài những việc làm cho nhau ngạc nhiên và hôn nhau kéo dài, người ta có thể đặt cho họ những câu hỏi này nọ khó chịu. Chẳng hạn, tại sao bếp nước không ra gì? Tại sao tủ thức ăn chẳng có gì? Tại sao chị tớ gái lại ăn cắp? Tại sao bọn tớ trai toàn là những bợm say rượu bẩn thỉu? Tại sao lũ tôi đòi, một nửa thì giờ thì ngủ và một nửa thì lêu lổng? Nhưng mà đó là những điều quan tâm quá ty tiện đối với một người có giáo dục tốt như bà Manilôva. Như người ta biết, nền giáo dục tốt là nền giáo dục của các học hiệu có ký túc xá; và cũng chẳng ai mà không biết rằng trong các học hiệu có ký túc xá; tất cả các đức hạnh đều tóm lại trong ba môn học: môn tiếng Pháp cần thiết cho hạnh phúc vợ chồng; môn dương cầm để làm cho người chồng được vài chốc lát thích thú; sau cùng là môn gia chánh thực sự, nghĩa là môn dạy đan những cái túi và vật khác gây cho người ta sự ngạc nhiên. Đối với các phương pháp giáo dục ấy, cũng có vài sự cải tiến, nhất là trong thời nay; tất cả đều nhờ vào lịch duyệt và khả năng của các bà giáo, chủ nhân các học hiệu có ký túc xá. Ở trường này thì môn dương cầm đứng hàng đầu, rồi đến môn tiếng Pháp và môn gia chánh thì ở sau cùng. Ở trường kia thì môn gia chánh nghĩa là môn đan túi, chiếm hàng đầu, rồi đến môn tiếng Pháp, cuối cùng là môn dương cầm. Người ta cũng thấy đấy, các phương pháp đều có thay đổi cả. Kể ra cũng phải ghi là bà Manilôva… nhưng mà, xin thú thực là tôi rất lúng túng khi nói đến các bà, và tôi vội vàng quay trở lại các nhân vật nam của chúng ta; họ đã dừng lại từ mấy phút rồi trước cửa phòng khách và cứ thi nhau lịch sự, nhường nhau bước trước vào phòng.

- Xin bác, thực tình, mời bác đi trước, Tsitsikôp nói.

- Không dám, Paven Ivannôvits ạ, không dám, bác là quý khách của tôi, Manilôp chỉ cái cửa đáp lại.

- Thực tình, thực tình, xin rước bác đi trước!

- Xin bác bỏ lỗi, tôi rất hiểu bổn phận đối với một vị quý khách như bác.

- Bác nói đùa. Xin rước bác!

- Sao lại thế?

- Vì rằng!… Manilôp nói với một nụ cười đáng yêu.

Cuối cùng đôi bạn cùng bước chênh chếch qua cửa và không khỏi chạm vào nhau.

- Xin phép bác để giới thiệu tiện nội với bác, Manilôp nói. – Đây, quả tim của tiểu đệ; còn đây, Paven Ivannôvits!

Tsitsikôp đứng trước mặt một phu nhân ngồi trên ghế dài, mà vì mải nhường, mời nhau quá lễ phép trước cửa phòng khách, y không trông thấy. Khá xinh, nàng mặc một chiếc áo trong nhà bằng lụa màu nhạt, dệt hoa nổi, rất hợp với người. Bàn tay xinh xắn của nàng vội vàng ném xuống bàn không biết cái vật gì đang cầm, để vo vo một chiếc mùi soa bằng vải gai mịn, thêu ở góc. Nàng đứng dậy, Tsitsikôp là hoan hỷ hôn tay nàng. Nàng nói, giọng chả chớt một tí, rằng Tsitsikôp là một tân khách rất quý hóa, rằng nàng rất vui mừng vì được gặp Paven Ivannôvits mà chồng nàng ngày nào cũng nói chuyện với nàng.

Manilôp cũng xác nhận: - Đúng đấy ạ, nàng vẫn luôn luôn hỏi tôi: “Tại sao mà bạn anh mãi không thấy đến? – Hãy kiên tâm, em ạ, thế nào cũng đến”. Thế là hôm nay bác đem đến cho chúng tôi cái hân hạnh quá bộ đến tệ xá. Bác làm cho chúng tôi vui sướng biết bao! Thật bác làm cho lòng chúng tôi như mở hội!...

Thấy rằng người ta đã đi đến “ngày hội của tấm lòng”, Tsitsikôp, bẽn lẽn, đáp lại một cách khiêm tốn rằng tên tuổi không mấy người biết và địa vị tầm thường của y không xứng đáng với cuộc tiếp đón ân cần đến như thế.

- Đáng chứ, đáng chứ, - Manilôp ngắt lời Tsitsikôp với một nụ cười nữa; - bác có đủ tất cả mọi thứ để làm cho người ta vui sướng và hơn thế nữa!

- Bác nghĩ thế nào về thành phố của chúng tôi? Bà Manilôva hỏi. Bác ở đấy có thấy thú không?

- Thành phố của quý vị đẹp lắm, Tsitsikôp trả lời, ở đấy tôi rất thích thú; nhân dân rất lịch thiệp.

- Thế còn quan tỉnh trưởng của chúng tôi thì thế nào? Nàng hỏi.

- Có phải là con người đáng yêu hơn cả, đáng kính hơn cả, phải không nào? Manilôp nói thêm.

- Rất đúng như thế, Tsitsikôp xác nhận, - con người đáng trọng hơn cả. Và ngài xứng đáng với nhiệm vụ biết bao, ngài có ý thức cao cả về chức trách của mình biết bao! Thật nên cầu mong cho được nhiều vị cầm cân, nẩy mực như ngài.

- Ngài tiếp đón tân khách lịch thiệp biết bao! Cử chỉ của ngài thanh nhã biết bao! Manilôp thêu dệt thêm, vừa nói vừa lim dim đôi mắt, thích thú như con mèo được người ta cù nhè nhẹ vào phía sau tai.

- Một con người rất có duyên, Tsitsikôp nói tiếp, và lại rất khéo tay. Ngài thêu đẹp đến mê li đi được; trông thấy rõ ràng mà tôi cứ tưởng là mình trông lầm. Ngài có đưa tôi xem một cái đồ thêu của ngài, một cái túi; chẳng mấy vị phu nhân thêu được như thế.

- Còn quan phó tỉnh trưởng, cũng là người thật tốt, phải không nào? Manilôp lại nói, vừa nói vừa lim dim đôi mắt.

- Một người rất, rất có phẩm chất, Tsitsikôp trả lời.

- Xin phép bác; còn quan cảnh sát trưởng, theo bác thì thế nào? Thật tình ông ta rất đáng yêu.

- Rất đáng yêu! Và rất tài trí biết bao, học thức biết bao! Quan chánh án, quan chưởng lý và chúng tôi có đánh uyxt với ông ta đến gà gáy! Một con người rất, rất có phẩm chất!

- Còn bà vợ quan cảnh sát trưởng, bà Manilôva hỏi, theo bác thì thế nào? Một người rất dễ thương có phải không?

- Ồ, đó là một trong những vị phụ nữ đáng kính nhất mà tôi được biết, Tsitsikôp trả lời.

Người ta không quên quan chánh án, cũng không quên ông giám đốc bưu vụ và người ta điểm qua gần hết các quan chức mà tất cả, vị nào cũng được xem là những người chính trực nhất thế giới.

- Các bác vẫn ở mãi nông thôn thế này à? Đến lượt Tsitsikôp hỏi.

- Ở phần lớn thời gian, Manilôp trả lời. Chúng tôi vẫn ra phố từng đợt ngắn để giao du với những người lịch sự. Cứ sống mãi giữa bốn bức tường rồi ra thành ngu độn.

- Đúng thế, đúng thế, Tsitsikôp tán thành.

- Tất nhiên, Manilôp nói tiếp, giá mà chúng tôi có những hàng xóm có thể cùng nhau chuyện trò về những cách giao thiệp lịch sự hay cùng nhau chuyên tâm nghiên cứu vấn đề gì, có thể nói là cho phép linh hồn bay bổng…

Chàng sắp tiếp tục nói theo cái giọng ấy; nhưng tự thấy mình lúng túng, nên kết luận với một cử chỉ đẹp mắt:

- … như thế thì có lẽ nông thôn và cảnh cô tịch mới có lý thú được… Nhưng, không có ai để giao du, thì chỉ còn cách là thỉnh thoảng đọc tờ “Con trai của Tổ quốc” {Tạp chí chính trị, lịch sử và văn học xuất bản ở Pêterbua từ 1812 đến 1852, có khuynh hướng phản động}

Tsitsikôp tán thành: sống một cuộc đời ẩn dật, vui với thiên nhiên, đọc cuốn sách này, còn gì thú hơn nữa?

- Tuy vậy, Manilôp chêm vào, không có bằng hữu để thổ lộ nỗi lòng…

- À! Bác nói đúng thật, Tsitsikôp ngắt lời. Nếu thế thì kho tàng, của cải còn cần gì nữa! Một nhà hiền triết đã nói: Chẳng thà có bạn còn hơn nhiều tiền.

- Và, bác có biết không, Paven Ivannôvits ạ, - Manilôp vừa nói vừa làm cho vẻ mặt dịu dàng quá đáng, như một thày thuốc lịch thiệp pha mật vào thuốc quá nhiều, tưởng là làm cho người bệnh dễ uống, - có bạn thì có thể nói rằng người ta cảm thấy một lạc thú tinh thần… Cũng như giờ đây, chẳng hạn, số phận dành cho tôi hạnh phúc duy nhất là đàm đạo với bác và được hưởng thụ câu chuyện lý thú của bác…

- Xin bác, câu chuyện của tôi thì có gì là lý thú?... Tôi quả thật là hèn mọn hết sức, Tsitsikôp phân trần.

- Ồ, Paven Ivannôvits! Bác cho phép tôi thành thực, tôi hết sức sẵn lòng đem một nửa gia sản ra để được đổi lấy một phần những tài năng của bác.

- Về phần tôi thì trái lại, tôi cho là cái lớn lao nhất…

Tôi không hiểu là những nỗi thổ lộ tâm tình qua lại chứa chan như thế sẽ đi đến đâu, nếu một người đày tớ không vào báo là bữa ăn chiều đã dọn xong.

- Xin rước bác! Manilôp nói. Xin bác vui lòng thứ lỗi cho chúng tôi, ở đây không có sự sang trọng của giới thượng lưu, cao lương mỹ vị của các kinh thành. Bữa ăn mà chúng tôi chỉ đạm bạc: món ăn cổ truyền của người Nga thôi, nhưng thế khách với tấm lòng chân thành. Xin mời bác!

Một cuộc tranh chấp mới lại nổi lên: ai sẽ bước vào phòng ăn trước? Hết sức nhường mà không có hiệu quả, Tsitsikôp đành phải bước chênh chếch qua cửa phòng. Trong phòng đã có hai chú bé, con trai của Manilôp đã đến tuổi được ngồi vào bàn ăn với bố mẹ, nhưng phải ngồi trên những chiếc ghế cao. Một gia sư dạy dỗ hai chú; chàng ta mỉm cười lễ độ cúi chào. Bà chủ nhà ngồi ngay trước liễn xúp và mời Tsitsikôp ngồi giữa mình và chồng, trong lúc một người hầu buộc khăn ăn vào cổ hai chú bé.

- A, các chú kháu quá! Tsitsikôp vừa ngắm chúng vừa nói. Các chú bao nhiêu tuổi?

- Cháu lớn sắp lên tám, cháu bé mới được sáu năm hôm qua, bà Manilôva trả lời.

- Thêmixtôklux, Manilôp gọi đứa lớn, đang cố gỡ cái cằm bị vướng trong khăn ăn. Nghe cái tên Hi Lạp này mà không hiểu tại sao Manilôp lại cho thêm cái âm ux ở cuối {Thêmixtôklux ex (525-640) là tên của vị tướng Hi Lạp, trước cuộc xâm lược của quân Ba Tư, chủ trương bảo vệ Tổ quốc bằng hải quân và đánh tan quân địch ở trận thủy chiến nổi tiếng Xalamin (480). Manilôp lấy tên danh nhân lịch sử đặt cho con là một điều lố bịch, lại dốt nên thêm vào tên người ta một âm sai là âm ux, làm biến dạng cả tiếng Hi Lạp}, Tsitsikôp hơi rướn đôi lông mày lên, nhưng lại cố gắng lấy ngay lại vẻ mặt bình thường.

- Thêmixtôklux, kinh đô nước Pháp là gì?

Người gia sư chăm chú nhìn Thêmixtôklux; tựa hồ sẵn sàng nuốt chửng lấy thằng bé, nhưng lại hoàn toàn trấn tĩnh và gật đầu tán thành khi nghe câu trả lời: - Pari.

Lần nữa, vẻ lo ngại lại lộ ra trên mặt người gia sư.

- Pêterbua, Thêmixtôklux đáp.

- Còn thành nào lớn thứ nhì?

- Mạc tư khoa.

- Hoan hô chú bé! Tsitsikôp kêu lên, và nói tiếp với Manilôp, vẻ khâm phục vô cùng, - nhưng này, bác có thấy rằng cháu rất có thiên tư không nào?

- Ồ! Bác chưa biết đấy! Manilôp nói; cháu khôn bằng bốn người. Cháu bé, Ankit {Tục danh của Hêraklex, anh hùng sức khỏe và lao động trong thần thoại Hi Lạp} thì chậm hơn, nhưng hễ thấy một con vật gì, như con cánh cam chẳng hạn là cháu trợn mắt, chạy theo quan sát. Cháu lớn, tôi định cho theo ngành ngoại giao. Thêmixtôklux, con có thích làm đại sứ không?

- Con rất thích, Thêmixtôklux vừa đáp vừa nhai bánh mì, đầu lắc lư khi sang bên phải, khi sang bên trái.

Đúng lúc ấy, người hầu, đứng sau ghế lấy khăn tay lau mũi cho ngài Đại sứ, rất kịp thời, vì ngài sắp để rơi một giọt nước mũi to tướng xuống đĩa ăn.

Trong bữa ăn, câu chuyện lại xoay quanh những lạc thú của cuộc đời ẩn dật, nhưng bỗng bà Manilôva lại tự nhiên nhận định mấy câu về Nhà hát Thành phố với ban hát của nó. Người gia sư chú ý nhìn những người nói chuyện, và cứ thấy họ sắp mỉm cười là mở hoác mồm ra cười một cái cười thực sự. Có lẽ, anh chàng cho như thế là biết ơn sự biệt đãi của Manilôp đối với mình. Tuy vậy, có một lần, chàng ta lấy vẻ mặt dữ tợn và gõ xuống bàn mấy tiếng mạnh và ngắn, mắt nhìn chằm chằm vào các cậu học trò ngồi trước mặt. Thái độ ấy có lý do: Thêmixtôklux cắn Ankit vào tai. Cậu này, mắt nhắm, mồm há, sắp hét lên; nhưng hiểu rằng khóc ré lên thì có thể bị cấm ăn một món, nên vội ngậm miệng và vừa thút thít, vừa gậm lại một cái sườn cừu, đôi má bóng những mỡ.

Chốc chốc, bà chủ nhà lại làm khổ Tsitsikôp:

- Bác chẳng xơi gì cả, bác không lấy món nào cả.

Và mỗi lần, Tsitsikôp lại đáp.

- Xin cám ơn bác, tôi no lắm rồi. Một câu chuyện nhã thú làm cho người ta no hơn món ăn ngon nhất.

Ăn xong, Manilôp, hài lòng đến tột độ, đặt tay lên lưng Tsitsikôp và muốn đưa sang phòng khách, nhưng bỗng Tsitsikôp nói với giọng quan trọng rằng muốn nói chuyện về một việc cần kíp.

- Vậy, xin rước bác vào phòng giấy, Manilôp vừa nói vừa dẫn y vào một phòng nhỏ trông ra rừng thông xanh xanh. Đây là chỗ tôi ưa thích nhất, chàng nói.

- Chỗ này thích thật, Tsitsikôp ngắm nghía xong rồi nói.

Căn phòng thật ra cũng không phải là không xinh xắn. Tường sơn lơ nhạt phơn phớt màu ghi; bốn cái ghế, một ghế bành, một cái bàn trên để cuốn sách có cái thẻ đánh dấu trang mà chúng ta đã nói đến; vài tờ giấy đã dùng rồi và nhất là rất nhiều thuốc lá: thuốc lá trong gói, thuốc lá trong túi, thuốc lá để thành đống trên bàn. Trên cửa sổ, từng đống tàn thuốc, đổ từ các tẩu ra và xếp có nghệ thuật; rõ ràng là chủ nhân thỉnh thoảng lấy cái trò chơi ấy làm thú vị.

- Xin mời bác, ngồi ghế bành này, Manilôp nói. Ngồi đây dễ chịu hơn.

- Bác cho phép tôi ngồi ghế tựa này.

- Xin phép bác là không thể để bác ngồi thế được. Manilôp nói và mỉm cười. Đây là ghế bành riêng dành cho khách quý: dù muốn, dù không, cũng xin bác ngồi đây cho.

Tsitsikôp vâng lời.

- Xin phép bác, cho tôi được tiếp bác một tẩu thuốc.

- Xin bác, tôi không hút thuốc, Tsitsikôp trả lời, giọng có vẻ tiếc.

- Sao thế ạ? Manilôp hỏi, cũng một giọng như thế.

- Tôi tránh cái thói quen ấy: người ta bảo là thuốc lá làm cho ngực khô đi.

- Đó là một thành kiến. Xin phép bác, tôi nói chắc như vậy. Theo tôi nghĩ thì hút còn hơn là hít. Ngày chúng tôi còn ở trung đoàn, có một viên trung úy lúc nào cũng ngậm tẩu, ở bàn ăn, ở cả nơi khác, xin lỗi bác. Bây giờ ông ta đã ngoài bốn mươi rồi mà, ơn Chúa, sức khỏe chẳng ai bì kịp.

Tsitsikôp không phản đối: theo y thì trong thiên nhiên có lắm cái mà những bộ óc lớn nhất cũng không thể cắt nghĩa được.

- Nhưng bác cho phép chúng tôi được hỏi… Tsitsikôp lại nói tiếp, giọng nói có một âm điệu lạ lùng. Y lại vô cớ liếc nhìn ra đằng sau và không hiểu tại sao Manilôp cũng ngoái nhìn lại như vậy.

- Bác nộp tờ khai dân số đã lâu chưa ạ?

- Hình như đã khá lâu rồi; nhưng thật ra tôi cũng chẳng nhớ rõ nữa.

- Và từ đấy, bác có mất nhiều nông dân không ạ?

- Thật tình, tôi chẳng biết tí gì; đó là việc của lão quản lý. Này, đứa nào đấy! Gọi cho ta lão quản lý; hôm nay là ngày hắn phải đến đây.

Viên quản lý vào. Một gã, trạc độ bốn mươi, râu cạo nhẵn, và mặc cả áo dài, đã có một lối sống khá an nhàn; cái mặt bị thịt, phị ra, nước da vàng vàng, đôi mắt ti hí, chứng tỏ hắn đã quá quen với mền nhung mao và đệm hồng thúy. Người ta có thể đoán ngay rằng con đường tiến thân của hắn là con đường của tất cả mọi lão quản lý: trước chỉ là thằng nhỏ để sai vặt, rồi học được mấy chữ cái, lấy một ả giữ kho Agaska nào đấy được bà chủ dùng làm thị tì tín cẩn, thăng chức giữ kho rồi quản lý. Và được thăng lên chức này thì tất nhiên hắn đã hành động như tất cả mọi đồng nghiệp của hắn: chơi thân và ăn cánh với bọn chóp bu trong làng, bắt dân đen gánh vác đủ mọi khổ dịch; sáng chín giờ hắn mới mở mắt, đợi người mang xamôva đến và nhẩn nha uống trà, chẳng cần vội vã gì hết.

- Này, anh cho biết, từ lần điều tra dân số vừa rồi đến nay, ta mất hết bao nhiêu nông dân?

- Bao nhiêu ạ?... Ấy, chết mất đi nhiều đấy ạ! Lão quản lý vừa nói vừa lấy tay che mồm cố nén một tiếng nấc.

- Đúng, ta cũng nghĩ như thế, Manilôp đớp lấy lời và xác nhận luôn: Chết mất đi nhiều đấy. – Vâng, vâng nhiều, quay lại phía Tsitsikôp chàng nói thêm.

- Nhưng mất đi bao nhiêu? Tsitsikôp hỏi.

- Ừ, bao nhiêu? Manilôp nhắc lại.

- Bao nhiêu? Làm thế nào mà biết được? Có ai đếm đâu ạ.

- Chính thế, Manilôp vừa nói vừa quay lại phía Tsitsikôp, - tôi cũng nghĩ như thế, chết nhiều quá, không biết được con số là bao nhiêu.

- Vậy thì, anh bạn này, Tsitsikôp nói với lão quản lý, anh đếm giúp tôi và lập cho tôi một danh sách, tên họ rõ ràng.

- Đúng thế, tên họ rõ ràng, Manilôp nhắc lại. – Xin tuân lệnh!, lão quản lý đáp và rút lui.

- Bác lấy danh sách ấy làm gì? Manilôp hỏi sau khi lão quản lý đã đi rồi.

Câu hỏi hình như làm cho khách lúng túng; y đỏ mặt và tựa hồ cố gắng lựa lời để đáp lại. Quả thật, Manilôp được nghe những điều lạ lùng hết sức, mà chưa bao giờ tai người đã được nghe.

- Bác muốn biết tôi cần để làm gì? Thế này ạ, tôi muốn mua nông dân… mãi Tsitsikôp mới nói ra được rồi im bặt.

- Xin phép bác cho biết là muốn mua nông dân thế nào, có kèm theo đất hay không?

- Không ạ, thật ra không phải là nông dân đâu ạ. Tsitsikôp đáp, tôi muốn xin những người chết…

- Thế nào ạ? Xin lỗi… tôi hơi nặng tai, hình như tôi được nghe một tiếng là lạ.

- Tôi có ý muốn mua những người chết mà trong sổ đinh vẫn kê khai là còn sống {Số nông phu đăng ký trong một đợt điều tra dân số thì có tên ghi trong sổ mãi cho đến đợt điều tra sau, dù có chết giữa chừng cũng không được xóa tên và trang chủ vẫn phải tiếp tục nộp thuế thân cho họ như họ còn sống vậy. Cho nên Tsitsikôp mua người chết mà trước pháp luật thì chẳng khác gì mua người sống}.

Manilôp để rơi cái tẩu Thổ Nhĩ Kỳ, há hốc mồm ra mấy phút liền. Đôi bạn vừa mới biện luận rất hay về những lạc thú của tình bằng hữu, đều im như phỗng, mắt nhìn mắt, như hai bức chân dung mà ngày trước người ta treo đối xứng nhau hai bên tấm gương trên lò sưởi. Sau cùng, Manilôp cúi nhặt cái tẩu và ngước nhìn lên Tsitsikôp, cố tìm thấy một nụ cười mỉm trên môi của khách, và chắc rằng khách muốn nói đùa; nhưng lại rất đỗi ngạc nhiên vì thấy khách nghiêm trang hơn bao giờ hết. Manilôp lại tự hỏi hay là bỗng nhiên khách bị mất trí và nhìn y một cách kinh hãi, nhưng cũng không hề tìm thấy trong đôi mắt trong trẻo ấy cái ánh bồn chồn, quái gở thường phảng phất trong mắt những người điên. Manilôp cố đào óc để xem phải có thái độ như thế nào, nhưng vô hiệu; chàng chỉ còn biết nhả từ cuống họng ra một làn khói thuốc mong mỏng.

- Vậy là, tôi muốn biết bác có thể để lại, bán lại chuyển thành sở hữu của tôi, bằng cách nào mà bác cho là tốt, những kẻ đã chết thật, mặc dù đối với pháp luật họ vẫn còn sống.

Chưng hửng, sửng sốt, Manilôp nhìn khách không nói được một lời.

- Dường như bác bối rối?... Manilôp khẽ hỏi.

- Tôi ấy à?... Không,… không… không phải thế, mãi Manilôp mới ấp úng được mấy tiếng; nhưng mà tôi vẫn không hiểu ra… xin lỗi… dĩ nhiên, tôi không được tiếp thu một nền học vấn như của bác mà, có thể nói rằng, mỗi một cử chỉ đều biểu lộ rõ ràng sự lỗi lạc, tôi không có được cái nghệ thuật nói năng xuất chúng… Có lẽ câu nói của bác bao hàm một ý nghĩa kín đáo?... Có lẽ bác nói vậy để cho lời lẽ văn hoa?

- Không… không, - Tsitsikôp nhấn mạnh, - tôi không nói bóng bẩy gì đâu; tôi nói những nông phu chết thật.

Manilôp hoàn toàn hoảng hốt. Chàng cảm thấy cần phải làm một việc gì, hỏi một câu, nhưng mà câu gì? Chỉ có quỷ sứ mới biết được. Chàng lại thở ra một làn khói nữa, nhưng lần này thì phì ra đằng mũi.

- Vậy nếu bác không thấy gì trở ngại, thì nhờ ơn Chúa, chúng ta có thể lập văn tự bán, Tsitsikôp nói.

- Văn tự bán… nông phu chết à?

- Không phải, Tsitsikôp nhắc lại. Chúng ta ghi rõ là chúng còn sống, như vẫn ghi trong tờ khai dân số. Bao giờ tôi cũng theo đúng pháp luật; điều ấy đã đem đến cho tôi nhiều sự bực mình; nhưng xin bác bỏ lỗi, đối với tôi, bổn phận là thiêng liêng và tôi xin cúi mình trước pháp luật.

Những lời sau này làm cho Manilôp rất thích, nhưng chàng vẫn chưa thể hiểu được thực chất của việc này; để thay cho câu trả lời, chàng lại hít từng hơi khói dữ dội đến nỗi cái tẩu Thổ Nhĩ Kỳ kêu lên như cái ống dịch. Hình như chàng muốn rút từ cái tẩu ra một kiến giải về sự tình quái dị này, nhưng cái tẩu chỉ biết có huýt mà thôi.

- Bác có ý nghi ngờ gì chăng?

- Ồ, không bao giờ! Xin lỗi bác. Chỉ xin phép hỏi bác một câu là việc này, hay đúng là cuộc điều đình này, - vâng, tôi nói là cuộc điều đình này, có gì trái với các thiết chế và ý kiến thẩm tra về sau của nước Nga không?

Đến đây, Manilôp ngước nhẹ đầu lên, nhìn Tsitsikôp với một cái nhìn hùng hồn và làm cho tất cả các nét mặt mình và cho đôi môi mím chặt có một cái vẻ sâu xa đến nỗi chắc chưa ai hề được trông thấy bao giờ ở ngoài khuôn mặt của một vị bộ trưởng tài trí đang vật lộn với một vấn đề gai góc.

Nhưng Tsitsikôp trả lời một cách đơn giản rằng một việc hay một cuộc điều đình như thế không thể trái với cái thiết chế, cũng như với các ý kiến thẩm tra về sau của nước Nga được. Sau một phút, y nói thêm là việc ấy chỉ có lợi cho quốc khố, vì được thu thuế trước bạ.

- Bác tin chắc thế chứ?

- Chắc chứ và như vậy là rất tốt.

- À, vậy là tốt thì tôi chẳng có gì bàn nữa, hoàn toàn yên tâm, Manilôp tuyên bố.

- Vậy thì chỉ còn việc thỏa thuận với nhau về giá cả…

- Giá cả ư? Manilôp kêu lên. Rồi một lát sau nói tiếp: - Vậy ra bác nghĩ rằng tôi lại đòi tiền cả nông phu, trong một chừng mực nào đó, đã hết tồn tại rồi sao? Bởi vì, thất lễ bác, bác đã có cái ý muốn là như thế thì tôi xin nhường không hầu bác và chịu các lệ phí về giấy tờ.

Sử gia chép lại các sự biến này sẽ phải khiển trách nghiêm khắc nếu quên không ghi lại nỗi vui thích mà những lời nói ấy đã đem đến cho nhà lữ hành. Dù là rất đỗi nghiêm trang và thận trọng, y cũng suýt nhảy lộn lên một cái, vì ai cũng biết đó là biểu hiện của lòng phấn khởi nhiệt thành nhất. Ngồi trong ghế bành mà cứ quay qua, quay lại dữ dội, y làm tấm vải len phủ lên lưng ghế rách toạc một miếng tướng. Lòng biết ơn làm cho y không ngớt lời cảm tạ; đến nỗi Manilôp, trước nhìn y với một vẻ e ngại, phải lúng túng đỏ mặt, lắc đầu; và sau cùng giải thích rằng đó chỉ là một món nhỏ mọn, không đáng gì, chẳng qua chàng muốn có thể đem đến cho y một bằng chứng cụ thể về lòng giao cảm của chàng mà thôi; chàng nói đến cái từ khí giữa các linh hồn, đến sức lôi cuốn của con tim; còn những nông phu, mà trong chừng mực nào đó đã quá cố, thì thật ra, có đáng gì đâu.

- Trái lại! Tsitsikôp vừa nói vừa bắt tay chàng. Không cầm được, y bật ra một tiếng thở dài não nuột từ đáy lòng; hình như y đang sẵn sàng kể những chuyện tâm sự, vì một lát sau, y phun ra, giọng tin tưởng: - giá bác biết rõ là đối với một kẻ khổ sở, không cửa, không nhà, một mình ở trong thế gian, bác vừa giúp cho một việc như thế nào. Như con thuyền mong manh, bị sóng điên cuồng xô đẩy, còn có cái gì trong đời mà tôi không phải chịu đựng! Tôi đã nếm đủ mọi mùi đắng cay, mọi sự nhũng nhiễu, hà hiếp; và như thế chỉ vì yêu công lý, làm điều thiện, dang tay giúp người quả phụ, mở cửa đón kẻ cô nhi!...

Đến đây, y rút khăn tay, gạt một giọt lệ.

Manilôp xúc cảm đến cực độ. Đôi bạn ngồi lặng một lúc lâu, tay nắm tay, mắt nhìn mắt; những hạt lệ long lanh trên bốn mí. Manilôp, không buông tay nhân vật của chúng ta nữa, và mãi sau Tsitsikôp mới nhè nhẹ rút tay ra được. Tsitsikôp nói là cái văn tự phải lập ngay, càng sớm càng tốt và vì vậy, mong Manilôp quá bộ lên tỉnh. Nói xong y cầm mũ và xin cáo từ.

- Sao! Bác đi rồi à! Manilôp kêu lên, gần như kinh hoàng, tựa hồ vừa ra khỏi một giấc mộng.

Vừa lúc ấy thì vợ chàng bước vào.

- Liz, em tưởng tượng là Paven Ivannôvits từ biệt chúng ta rồi đấy! Chàng nói với một vẻ kinh hãi.

- Vì ở nhà ta bác ấy buồn, bà Manilôva nói.

- Thưa bà, Tsitsikôp vừa nói vừa để tay lên quả tim, ở đây, vâng chính là ở đây, sẽ khắc sâu mãi kỷ niệm những giây phút êm đềm, sung sướng mà tôi được trải qua trong nhà này. Tôi không thể quan niệm hạnh phúc nào hoàn toàn hơn là được sống với các bác; nếu không được cùng ở một nhà, thì ít ra cũng bên láng giềng gần nhất.

- Thật đấy, Paven Ivannôvits ạ, - Manilôp nói, và chàng liền bị ngay cái ý kiến ấy thu hút, - cùng sống dưới một mái nhà, hay cùng nhau đàm đạo dưới bóng một cây tiễu du, thật sung sướng biết chừng nào!

- Ồ! Đó thật là cảnh thiên đường, Tsitsikôp xác nhận với một tiếng thở dài. Thôi, xin từ biệt phu nhân, - y vừa nói tiếp vừa hôn tay bà chủ nhà, - xin từ biệt tôn huynh. Xin chớ quên lời khẩn cầu của tôi.

- Bác cứ yên tâm! Manilôp trả lời, hai hôm nữa chúng ta gặp lại nhau.

Ba người sang phòng ăn.

- Tạm biệt, các bạn nhỏ! Tsitsikôp nói khi trông thấy Ankit và Thêmixtôklux đang chơi với một người lính khinh kỵ bằng gỗ, đã sứt mũi và gãy tay. Tạm biệt, các cháu… Bác không mang gì đến cho các cháu vì, các cháu thấy đấy, bác không được biết đến cả việc có các cháu nữa cơ. Xin lỗi các cháu; lần sau bác sẽ đền bù. Cháu, cháu sẽ được một thanh kiếm; cháu có thích một thanh kiếm không nào?

- Có, có Thêmixtôklux đáp.

- Còn cháu, một cái trống nhá. Đồng ý không nào, một cái trống nhá? Y cúi về phía Ankit và nói tiếp.

- Tống, Ankit vừa lúng túng vừa cúi đầu.

- Tốt lắm, bác sẽ mang cho cháu một cái trống và trống ra trống! Tra-ta-ra, ran-phan-phan… Thôi tạm biệt, cháu yêu quý, tạm biệt.

Y hôn lên trán thằng bé và cười với vợ chồng Manilôp một tiếng nho nhỏ, tiếng cười chứng tỏ với cha mẹ sự ngây thơ của con họ.

- Bác ở lại thì hơn, Paven Ivannôvits ạ! Manilôp khẩn khoản khi mọi người đã ra đến tam cấp lớn. Bác trông mây kìa!

- Chẳng sao đâu ạ!

- Nhưng, ít nhất, bác có biết đường sang ấp Xôbêkiêvits không đã?

- Tôi sắp nhờ bác chỉ cho.

- Bác cho phép tôi chỉ cho anh xà ích.

Vẫn dễ thương như thường lệ, Manilôp chỉ cho xà ích bỏ hai đường tắt ngang, rồi rẽ vào đường thứ ba – trong khi sốt sắng chỉ bảo, chàng gọi cả xà ích là ông.

- Hiểu rồi, thưa Quan lớn! Xà ích đáp và Tsitsikôp ra đi, trong khi chủ nhà kiễng chân lên, vẫy vẫy khăn tay và chào lấy, chào để.

Manilôp nhìn theo chiếc britska xa dần và khi xe đã khuất, chàng còn đứng lại hút thuốc mãi trên thềm.

Sau cùng chàng mới vào nhà, ngồi xuống ghế và thưởng thức niềm vui sướng đã giúp được khách một việc mọn. Rồi tư tưởng của chàng vô tình chuyển sang những chủ đề khác và sau cùng thì lạc bước không biết đến tận đâu đâu. Trước tiên chàng gợi lên, những lạc thú của tình bạn, hạnh phúc của cuộc đời chung sống trên một bờ sông. Rồi chàng bắc một cái cầu qua con sông ấy, xây trên bờ một cái nhà có vọng lâu cao ngất, từ đấy nhìn suốt đến tận Mạc-tư-khoa, để chiều chiều lên đấy uống trà, đàm đạo. Chàng thấy mình cùng Tsitsikôp, ăn mặc sang trọng, bước vào một xã hội thượng lưu và ở đấy sự lịch thiệp của họ làm cho mọi người say mê. Chàng mơ thấy nhà cầm quyền tối cao trong nước {Gôgôn viết Hoàng đế, nhưng vì người kiểm duyệt sợ nên phải sửa lại}, được biết tình bạn hiếm có của họ, liền phong hai người chức tướng quân. Nhưng bỗng việc hỏi mua lạ lùng của Tsitsikôp đến làm đứt cái mạch suy nghĩ vẩn vơ của chàng. Chàng không tài nào quen được với cái ý kiến ấy; càng quay đi quay lại trong óc, chàng càng thấy nó khó hiểu hơn; và vừa hút cái tẩu, chàng vừa nhai đi, nhai lại cái ý ấy mãi cho đến bữa ăn khuya.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.