LÃO MÀ THĂNG QUAN, CHẲNG BIẾT CÓ CÒN LÀ CHỒNG CỦA CON KHÔNG NỮA.
Tháng tám, tiết thu mát mẻ, trời cao ít mây.
Trình lão thái công vẫn chưa tìm được thầy cho chắt gái, vẫn tha thẩn mãi đầu thôn cuối xóm. Lâm lão an nhân không khỏi rầy ông: “Râu cũng bạc cả
chùm rồi, lẽ nào vẫn cho rằng mình còn trẻ? Ngọc Tỷ còn bé, không vội,
cứ từ từ dò la. Văn Lang nhà họ Triệu lớn hơn cả Ngọc Tỷ mà còn đợi sang năm mới cho đi học vỡ lòng kìa.”
Ông Trình nguýt vợ
già một cái: “Khác nhau, khác nhau mà, con trai nhà người ta học vì công danh, có khối người qua tuổi ba mươi mới đậu tú tài rời nhà xã giao,
cũng chẳng tính là trễ. Ngọc Tỷ học cốt để giỏi giang hiểu chuyện, con
gái tới tuổi cập kê đã phải lấy chồng rồi giao thiệp với rất nhiều
người, học càng sớm càng tốt, càng sớm càng tốt.”
Nói hồi lại khiến bà Lâm lo lắng theo.
Ngọc Tỷ không biết trưởng bối trong nhà đang rầu vì mình, hôm nay đẹp trời,
Tú Anh thưa với bề trên, xin được lên núi Tây Nam Giang Châu dâng hương
cầu nguyện ở chùa Từ Độ, đi cùng vợ chủ bộ. Tương truyền chùa Từ Độ thờ
răng Phật, ngày thường không cho người chiêm ngưỡng, hương khói cực
thịnh, hằng năm mỗi tháng đều có người đến viếng, có cả người sự thành
rồi quay lại tạ lễ, người đi như mắc cửi.
Tuy Tú Anh chỉ là một phụ nữ bình thường, nhưng lại không quá tín những thứ này. Vì sao? Chỉ vì trong nhà họ Trình có một Trình Tố Tỷ, từ khi mang
thai Tú Anh đã hết lòng thờ Phật, gõ vô số mõ, tụng rất nhiều kinh, con
trai thì không sinh được, cả chồng cũng bỏ nhà theo gái. Sau đó vẫn dâng hương niệm Phật, mỗi tháng cúng nhang đèn, Tú Anh cứ trưởng thành như
thế, rồi cũng phải kén rể. Từ lúc Tú Anh mang thai, Tố Tỷ vẫn vô cùng
thành kính cầu mong một đứa cháu trai, Tú Anh lại sinh ra Ngọc Tỷ. Sau
đó nữa, Tố Tỷ vẫn niệm Phật như thế, còn rủ rê bà Lâm tụng kinh cùng
mình, đã hơn ba năm, Ngọc Tỷ vẫn là mụn con gái duy nhất trong nhà.
Hôm nay bằng lòng vào chùa thắp hương, một là vì vợ chủ bộ nhắc đến, hai là do Tố Tỷ khuyên: “Con bảo không tín Phật, còn nói mẹ vẽ chuyện, con xem cả cuộc đời này của mẹ, tuy không được như ý nhưng vẫn ngày ngày bình
an, không thiếu ăn kém mặc, cũng có kẻ ăn người ở để sai khiến. Dù con
có hạnh phúc thì hạnh phúc hơn mẹ được bao nhiêu? Hiếu sinh kính lễ Bồ
Tát, có khi Người cho con một đứa con trai thì sao? Không vì mẹ vì con,
cũng phải vì ông bà ngoại chứ.”
Tú Anh trời sinh mạnh mẽ, đương bế Ngọc Tỷ cũng không khỏi do dự —– Chẳng lẽ do mình trước
giờ chưa từng thành tâm lễ Phật? Lại thấy nương tử chủ bộ cũng có ý này, thầm nghĩ chẳng qua cũng chỉ tốn vài đồng gạo, cũng coi như tích đức
cầu phúc cho Ngọc Tỷ vậy. Đã thành tâm, thôi thì mình thành tâm xin con
trai luôn thể.
Lập tức gật đầu. Vợ chủ bộ lấy làm vui vẻ, quyết định đưa con gái Nga Tỷ đi theo. Con trai An Lang Kỷ gia đã
tìm được thầy tốt theo học, bèn không đi cùng. Kỷ chủ bộ đích thân đánh
tiếng nhờ Trình Khiêm trông nom hai nhà.
Hôm nay đẹp
trời, hai nhà mướn hai cỗ kiệu, hai cặp mẹ con chia ra mà ngồi, Trình
Khiêm cưỡi ngựa vừa thuê theo. Tôi tớ hai nhà tùy tùng, có nam có nữ, kẻ thì gánh nhang quả, người thì cầm túi nước.
Đây là
lần đầu Ngọc Tỷ đi xa nhà như vậy, được vú Lý bế ngồi trong kiệu, khe
khẽ xốc một góc rèm lên, bám vào bệ cửa sổ nhìn ra ngoài. Giang Châu trù phú, bấy giờ tuy đã có lá rơi nhưng lại không lộ vẻ tiêu điều, Ngọc Tỷ
ngoái đầu hỏi mợ Lý: “Đấy là gì ạ?”
Mợ Lý đáp: “Đấy là cây.”
Ngọc Tỷ cười giòn, thầm bảo con biết đó là cây rồi, đang hỏi cây gì cơ mà.
Ngọc Tỷ xoay đầu lại nhìn tiếp, mợ Lý nói: “Đã sang thu rồi, trời hơi
lạnh, đừng hóng gió nữa.” Đoạn buông rèm xuống.
Trình Khiêm thúc ngựa đến, Ngọc Tỷ thấy thế bèn bảo: “Cha tới kìa, vén rèm lên, con muốn nói chuyện với cha.”
Mợ Lý ra chiều bất đắc dĩ, đành vén rèm lên lần nữa, lại nghe Ngọc Tỷ hỏi: “Cha, mẹ đâu ạ?”
“Ở đằng trước.”
“Còn bao xa ạ?”
“Không xa nữa đâu.”
“Chùa đẹp không ạ?”
•••••
Cha con hai người tán gẫu đều đều suốt đường, đến tận cửa chùa mới ngừng
lại. Vì hương khói thịnh, tuy tọa lạc ở lưng chừng núi nhưng chùa Từ Độ
đã đắp một con đường bằng đá tảng xanh từ dưới chân núi lên tận nơi. Mọi người xuống kiệu xuống ngựa, sửa sang lại quần áo tóc tai, Hà thị dắt
tay con gái Nga Tỷ, Trình Khiêm bế Ngọc Tỷ đến chỗ Tú Anh.
Tú Anh nói: “Cho nó xuống đi, tự mình đi lên mới đủ thành tâm.” Trình
Khiêm thấy đường núi dài tít mù, hơi do dự một chút. Ngọc Tỷ lại thích
thú nói: “Cha, cho con xuống đi, con tự lên được.” Người lớn trong nhà
cưng bé như ngọc như báu, cứ sợ sơ xuất điều gì, chỉ hắt hơi một cái đã
phải vời thầy lang đến khám, mỗi ngày hoặc quanh quẩn chơi đùa trong
phạm vi một tấc đổ lại, hoặc theo người lớn đến nhà hàng xóm, chẳng gặp
được mấy thứ mới mẻ.
Mấy ngày như hội đèn lồng lễ Tết cũng có cả một đám người đi theo trông chừng, không cho phép bé xuống
đất đi lại. Hôm nay thấy có cơ hội, Ngọc Tỷ vui lắm. Hà thị cũng chiều
theo lời bé: “Đúng đấy, thành tâm một chút thì tốt hơn, ngày sau mũ
phượng quàng vai, phu vinh tử quý.” Ngọc Tỷ không hiểu lời nàng, chỉ gật đầu theo, Nga Tỷ nhìn mà cười trộm.
Tú Anh nói: “Nga Tỷ mới sẽ tốt phúc như thế, không thoát được mệnh làm vợ quan đâu, còn
con bé này thì biết gì?” Lời này cũng chẳng phải nói bừa, cha của Nga Tỷ là quan, còn cha của Ngọc Tỷ lại ở rể nhà người, tuy Tú Anh không chịu
thua kém ai nhưng vẫn phải chấp nhận điều này.
Tú Anh đùn con một cái, để bé tự đi bộ lên. Với bọn Trình Khiêm Tú Anh thì
đường núi không dài, nhưng Ngọc Tỷ đi chưa đến một trăm bậc, đã mồ hôi
mướt trán. Mợ Lý vội vã chạy từ đằng sau lên bế, Ngọc Tỷ phất tay lia
lịa, cả gương mặt bé xinh ửng hồng: “Con tự đi được.”
Đúng là rất cố gắng.
Đi đi dừng dừng, hơi mất thời gian, mọi người thấy Ngọc Tỷ đáng yêu, phồng má trông rất thú vị, bèn cứ để bé tự đi. Tuy Nga Tỷ là khuê nữ, nhà
không có em trai em gái, lần đầu thấy em nhỏ thế mà cũng kiên nhẫn chờ,
trái lại khiến Ngọc Tỷ ngượng đến đỏ mặt. Những ngôi chùa hơi lớn một
chút không chỉ thờ một đức tôn Phật, tiền điện hậu điện, điện chính điện phụ, mỗi điện mỗi chủ.
Tú Anh muốn biếu tiền nhang
đèn trước, ông từ chắp tay nói: “Thí chủ lễ Phật, chúng ta hầu hạ Phật
tổ không vì tiền tài.” Ba phần lo ngại của Tú Anh lập tức biến mất, thầm bảo, đây quả giống một hòa thượng thành tâm chính nghĩa, không như bọn
lừa đảo.
Sau đó nhường lại cho mẹ con Hà thị vào dâng hương.
Ngọc Tỷ đứng đấy, ngửa đầu nhìn rõ mặt của tượng Phật phía trên làn khói
lượn lờ, rồi quay đầu nhón chân chạy ra ngoài nhìn. Vì Hà thị đang quỳ
trên đệm cói, bé khe khẽ đứng sau lưng nàng, lại ngó nghiêng trước sau.
Nghe Hà thị lẩm bẩm vài câu: “Bồ Tát Bồ Tát, xin phù hộ nhà chúng con bình
an.”, “Bồ Tát Bồ Tát, xin phù hộ An Lang nhà con đỗ đạt trạng nguyên,
Nga Tỷ được gả cho người sang quý.”, “Nếu Bồ Tát thành toàn, năm sau con lại biếu thêm tiền nhang đèn.”, “Bồ Tát Bồ Tát, ngàn vạn lần đừng cho
thằng chồng chết tiệt nhà con thăng quan phát tài nữa, lão mà thăng
quan, chẳng biết có còn là chồng của con không nữa. Thà hủy một ngôi
chùa chứ không phá một mối lương duyên, Người đừng cho lão thăng quan
nữa nhé ~”
Dứt lời, thành kính dập đầu ba cái, lại
dài dòng thêm vài câu. Nga Tỷ cũng lễ bái cùng mẹ, nó cũng đã hiểu được
vài việc, vì nghe mẹ bảo Ngọc Tỷ sẽ mũ phượng khăn quàng gì đó, cũng
thầm niệm sau này được như thế, lại không kiềm được mà liếc mắt nhìn
Trình Khiêm rồi đỏ mặt, chỉ nghĩ người này đẹp trai quá.
Đến phiên ba người Trình gia, Tú Anh thầm ước nguyện, Ngọc Tỷ cũng vái dài
theo, Trình Khiêm lại không làm thế mà chỉ chắp tay. Tú Anh chỉ cầu bốn
chữ “Nhân tài lưỡng vượng*”. Làm lễ xong, mới nhớ mình quên dặn Ngọc Tỷ cầu nguyện, bèn nói: “Con lạy thêm một lần, xin Bồ Tát một điều.”
[*Cả người và của cải đều sung túc.]
Ngọc Tỷ hỏi: “Con xin rồi mà?”
Tú Anh nóng lòng: “Con xin cái gì rồi?” Thường nghe miệng trẻ con rất linh, nàng chỉ sợ con gái xin bậy xin bạ khéo trắng tay.
Ngọc Tỷ ngây thơ: “Con muốn ngồi cao, để ngắm xa trông rộng.”
Tú Anh mấy bận muốn té xỉu, con cầu mỗi ngày đều có trái cây ăn còn tốt
hơn! Hà thị giải vây: “Ngồi cao tốt mà, ngồi cao tốt mà. Ngọc Tỷ muốn
ngắm cái gì?”
“Con chưa ngắm được hết,” Ngọc Tỷ trong trẻo đáp, “ngọn núi này, còn cả con sông đằng kia, còn có rất nhiều
người đi lại trên đường, chỉ nghe mỗi thái công* kể qua nhưng chưa bao giờ tận mắt nhìn thấy cả.”
[*Ý chỉ Trình lão thái công.]
Sau cùng, họ lệnh tôi tớ trong nhà đến bái lạy, mình thì đi quyên công đức, xin xăm. Mọi người đều quyên tiền nhang đèn, Ngọc Tỷ thấy thú vị, cũng
bắt chước cởi xuyến vàng đeo tay ra, đưa cho ông từ. Lại có vài nô bộc
quyên dăm ba văn tiền, hoặc miếng bạc vụn, tăng nhân trong chùa cũng
không chê nhiều ít, đều gõ mõ tụng kinh.
Hà thị lắc
xăm được quẻ trung, không tốt không xấu, Nga Tỷ cũng giống mẹ. Trình
Khiêm không bói quẻ, Tú Anh và Tố Tỷ cũng lắc được cùng một quẻ, nhờ
tăng nhân giải giúp, được tám chữ “Việc tốt gian nan, sẽ thành chính
quả”. Tú Anh hơi không hài lòng, Ngọc Tỷ ngẩng đầu hỏi Trình Khiêm:
“Cha, đây có phải cũng như leo núi? Mệt thì mệt, cuối cùng cũng đến
nơi?”
Trình Khiêm cúi người bế bé lên: “Con nói thế nào thì là thế ấy.”
Xuống đến chân núi, mọi người về nhà. Hai nhà gần nhau, đến Kỷ gia trước, mẹ
con Hà thị xuống kiệu, tôi tớ vào nhà cả. Tú Anh vén rèm kiệu tạm biệt,
Hà thị lại cảm ơn Trình Khiêm: “Phiền cậu rồi.” Nga Tỷ thấy Ngọc Tỷ hôm
nay rất thú vị, cũng bảo Ngọc Tỷ rảnh rỗi thì đến chơi.
Sau đó là tới nhà họ Trình, cả kiệu trống của mẹ con Hà thị cũng khiêng đến đây. Đến trước cửa, Tú Anh Ngọc Tỷ xuống kiệu, Trình Khiêm lấy tiền
thanh toán cho bốn cỗ kiệu thuê: “Ta đi trả ngựa, nàng và con vào trước
đi.”
Vừa vào đã gặp Lâm lão an nhân và Tố Tỷ hỏi hôm nay thế nào.
Tú Anh liếc ngang Ngọc Tỷ: “Cái xuyến đắt thế mà nó để lại đấy rồi.”
Tố Tỷ vội nói: “Để lại thì để lại, vậy mới tốt, vậy mới tốt, con bé là con nít tâm tư trong sáng, như thế mới thành duyên.”
Ngọc Tỷ nhăn mũi với Tú Anh, bé xinh xắn, dù có làm mặt xấu cũng ngây thơ
đáng yêu, làm bà Lâm yêu thích đến độ ôm vào lòng xuýt xoa: “Ta cũng đến hưởng một chút may mắn nào.”
Tú Anh mỗi lần đụng phải người nhà liền chẳng còn hơi sức đâu mà cáu, đành hỏi: “Thái công đâu ạ?”
•••••
Trình lão thái công tất nhiên là đang tìm thầy cho Ngọc Tỷ, có lẽ là do Bồ
Tát hiển linh thật, sau vài tháng, rốt cuộc hôm nay đã để ông Trình tìm
được một vị tiên sinh tốt.
Ông Trình ngồi trên lưng
lừa, dụi mắt với vẻ không tin, lại dụi thêm lần nữa, vội vã thúc lừa
tiến tới, dừng ngay trước một sạp bói toán, viết thư, đọc tin.
Những cái sạp kiểu này chỉ có một bàn, một ghế, một người, một cây gậy tre
treo một lá cờ hiệu, trên bàn bày một mớ bút giấy kém chất lượng, đang
chờ mối làm ăn. Trước bàn cũng có một lão giả đang ngồi, tầm hơn năm
mươi, ăn mặc như văn sĩ, cằm nuôi ba chòm râu, cũng có dáng dấp thần
tiên. Thấy có một ông cụ đang đánh giá mình, ông híp mắt, không thèm để
ý.
Trái lại, sau khi đọc một mạch cờ quảng cáo, lại
nhìn vài chữ viết trong lúc nhàn tay trên bàn, Trình lão thái công nở nụ cười hoảng hốt —– Trời không phụ lão, tổ tông phù hộ lão tìm đúng
người, chính là ông ta rồi!