Nữ Hộ

Chương 12: Chương 12: Thầy giáo




QUÂN TỬ KHẢ KHI CHI DĨ PHƯƠNG*

[*Nghĩa là có thể dùng chuyện hợp tình hợp lý để lừa người, nhưng không thể dùng chuyện không đúng lý hợp lẽ đi lừa người.]

Trình lão thái công săm trái soi phải, thấy rất vừa mắt, cuối cùng mới bước tới nói: “Chào tiên sinh.”

Vị tiên sinh chưa biết là văn sĩ hay lừa đảo kia rốt cuộc cũng mở mắt: “Chào cụ.”

Ông Trình thưa chuyện: “Tôi là người thành Giang Châu, thường qua lại đường này, thấy tiên sinh hơi lạ, chẳng hay quê ở đâu? Làm nghề gì? Mấy chữ này là thầy viết đấy ạ?”

Tiên sinh ngạc nhiên đáp: “Cụ thấy ta mở sạp bày bàn, còn không rõ ta làm nghề gì à?” Thầm thấy Trình lão thái công cười có vẻ kỳ lạ, hòa nhã cũng hơi lạ kỳ, lộ ra ý vị vô sự xum xoe, bắt đầu cảnh giác.

Ông Trình vốn rất cơ trí, cộng thêm việc đã trải qua gia biến, ngày đêm suy xét lòng người, mưu cầu cho con cháu, lúc đầu lanh lẹ chỉ năm phần thì nay đã mài giũa tới mức thành tinh, thấy ông thầy bói tỏ thái độ ấy, bèn vội vã: “Lão hủ từng đọc sách, biết được mấy con chữ, thời trẻ cũng đã qua trường lớp rồi đậu tú tài, khá tâm đắc vài nét chữ, thấy chữ mà tiên sinh đây viết rất có khí khái nên già lắm mồm thôi, thầy chớ trách.”

Lão thầy bói thu lại ánh mắt cảnh giác, vuốt vuốt chòm râu đã hoa râm, thận trọng đáp: “Đồng sinh* đã nhiều năm, chỉ huơ được vài nét thế thôi.”

[*Người làm học trò mà không thi thố gì, hoặc thi rớt.]

Ông Trình nói: “Biết viết thì đã đọc qua sách rồi, đều là đồng đạo cả. Chẳng hay tiên sinh viết chữ một ngày, tiền công bao nhiêu?”

Giọng thầy bói đã hơi lạnh: “Tạm qua ngày thôi.”

Ông Trình tiếp: “Tôi thực có chuyện muốn làm phiền thầy đây, già này sống đã bảy mươi năm, sắp tới làm lễ thọ, muốn viết một tấm hoành nhưng mắt mờ cả rồi cầm bút không nổi, định bảo con cháu nó viết hộ, lại sợ xấu chữ, tôi thấy chữ tiên sinh rất đẹp, xin thầy nhấc tay giúp cho, ngày sau mời thầy đến dùng tiệc ạ.”

Lão thầy bói thấy ông nói rất khách sáo, cũng đã già, cân nhắc một hồi: “Cũng được, chẳng hay cụ khi nào lấy? Ta dọn hàng, về viết cho cụ.”

Ông Trình nói: “Gặp nhau là cái duyên, chọn ngày không bằng ngày chọn, tôi cũng chưa dùng cơm tối, tới cái tuổi này thì bạn già cũng chẳng còn mấy ai, cả bạn rượu cũng khó tìm được một người. May mà chữ của tiên sinh có duyên với mắt tôi, thôi thì mặt dày mời thầy đi uống một bữa. Có chữ rồi, tôi xin tặng bút mực.”

Lão thầy bói vô cùng nền nã: “Ta dọn sạp trước đã.”

Ông Trình vội sai Bình An: “Lên hộ tiên sinh đi.” Đoạn xuống lừa giao cho Lai An dắt, mình thì chống gậy đi song song với thầy bói, thuận miệng giới thiệu vài nơi phong cảnh đẹp đẽ ở vùng này. Lão nghe rồi hỏi: “Vài năm trước ta cũng đã từng tới đây, hôm qua mới quay lại, sáng nay vừa thuê bộ bàn ghế, bày cái sạp, mùa này năm xưa đường nở đầy hoa tươi, giờ thì chỉ thừa mỗi cây khô, đây là vì sao?”

Ông Trình đáp: “Chẳng biết phải nói thế nào, cũng chừng mười năm rồi, thời ấy lão Dịch tri phủ không thích hoa, bèn bớt hoa cả thành rồi lệnh người trồng cây, bảo là để người đi đường có chỗ nghỉ chân, cấp trên còn khen cho đấy.”

Thầy bói và ông Trình lời tiếp lời, chẳng bao lâu sau đã đến ngõ Hậu Đức. Lão thấy tấm bia đá trước ngõ, bèn than: “Ôi, cảnh còn người mất.”

Đến nhà họ Trình, Bình An vác đồ vào thông báo trước, Trình Phúc đón nó lại: “Ngươi lấy mấy thứ này ở đâu thế?”

Bình An đáp: “Đừng vội hỏi ạ, đúng là lạ lùng, thái công dẫn một lão thầy bói về dùng bữa viết chữ đấy.”

Trình Phúc ngạc nhiên: “Sao lại thế? Ngươi có nghe nhầm không?”

“Người ta vào ngõ luôn rồi, sao con dám gạt bác chứ?”

Để gọn đồ, Bình An theo Trình Phúc đến gặp lão an nhân, trình bày y như thế. Bà Lâm cũng chẳng biết chồng già mình tại sao lại làm vậy, chỉ nói: “Nghĩ không ra thì thôi khỏi nghĩ, bảo nhà bếp chuẩn bị một mâm trước đã. Ra ngoài tìm cô gia về, xem thái công có cần nó cùng tiếp khách không.” Trình Khiêm vừa hộ tống vợ con đi lễ Phật về đã ra ngoài kiểm tra cửa hàng, vẫn chưa quay lại.

•••••

Trình lão thái công đưa thầy bói vào đến nhà, không bảo vợ con ra chào, cũng chẳng nói gì khác, chỉ mời thầy bói rửa mặt rửa tay trước, ủ chén trà thơm, rồi mời thầy viết chữ.

Chữ phải vào thư phòng mà viết, vào đến nơi, thầy bói quét mắt lên giá một lượt, thấy bên trên có rất nhiều bộ sách, cũng không bám bụi, thầm gật gù. Ông Trình nói: “Ta đọc ít sách, gom số này lại chỉ để khi rỗi rãi dạy con bé chắt gái nhận mặt chữ thôi.” Lại hỏi tiên sinh vài đạo lý nhẩm mãi mà không hiểu, lão cũng tiện mồm giảng giải một phen, Trình lão thái công nghe xong liền thấy sáng tỏ, mừng đến độ vò đầu bứt tai, khiến thầy bói cũng thoải mái hơn rất nhiều.

Ông Trình nói: “Chỉ lo trò chuyện, suýt nữa đã quên việc chính, mời tiên sinh viết chữ trước ạ.”

Loại bút mực mà ông Trình sử dụng tuy không phải tốt nhất nhưng cũng chẳng kém ai, thầy bói thong thả nhấc cổ tay lên, ông Trình tự mình trải giấy.

Chốc lát đã xong, ông Trình than thở: “Đúng là chữ tốt.”

Thầy bói viết mà sướng tay vui lòng, cũng là ý mừng sinh nhật ông Trình, rồi thuận miệng chúc: “Tuổi tùng thọ hạc, con cháu đầy nhà.”

Ông Trình chợt buồn khổ ra mặt, thần sắc rất khó coi, chảy nước mắt đáp: “Nào dám mong đầy nhà, chỉ cần cho tôi một thằng chắt trai là được.”

Thầy bói ngạc nhiên: “Vậy là sao?”

Ông Trình lấy tay áo chấm nước mắt: “Không ngại tiên sinh chê cười, nhà tôi bây giờ tuyệt hậu rồi.”

Thầy bói hỏi: “Sao thế? Ta thấy kẻ ăn người ở nhà ông đi đứng trật tự, sân vườn cũng sạch sẽ, chẳng ra dáng lụn bại tý nào.”

Ông Trình nói ngắn thưa dài: “Đều là chuyện xấu mặt cả, thôi không nhắc nữa. Tránh để tiên sinh nghe mà phiền lòng, chúng ta đi uống rượu nào.”

Vì Trình lão thái công không gọi Trình Khiêm vào nên chỉ có một ông một cụ ngồi đối ẩm, vị rượu Giang Châu thơm ngọt, nước sôi vừa đun ủ ấm rượu, hai người ngồi uống dưới trăng. Rượu qua tam tuần, hai người trò chuyện hợp ý, tuy thầy bói vẫn còn khúc mắc trong lòng, nhưng cũng ngại hỏi chuyện riêng của người ta. Chỉ chọn vài chuyện văn vẻ khoa trường để bàn luận.

Ông Trình rất có thường thức, không khỏi lấn thêm một bước, văn thơ lai láng thì không viết nổi nữa, nhưng cái sự khôn khéo sõi đời thì vẫn còn. Thầy tướng không thích người láu cá, có điều ông Trình khá thức thời lại già cả, bèn vui lòng tiếp chuyện. Hai người nói từ khoa cử tới thư pháp, rồi đến lễ nghĩa, chuyển sang sự bất đồng giữa các thứ tiếng địa phương, càng nói càng hợp. Ông Trình lại hỏi tên họ của thầy tướng, thầy tự Vân họ Tô.

Trình lão thái công nói: “Tôi có một chuyện muốn thỉnh giáo Tô tiên sinh, nước ta có nữ hộ, ấy là lệ làm sao?”

Tô tiên sinh bảo: “Cụ hỏi cái này làm gì?”

Ông Trình che mặt mà khóc: “Chẳng giấu gì tiên sinh, tôi vốn có một thằng con trai, là cử nhân năm Ất Vị, trên đường vào kinh thi tiếp thì bị bệnh, nhà chỉ còn mỗi một đứa con gái, con gái kén rể cũng chỉ sinh ra được mỗi một đứa cháu gái, lại kén rể, nay chắt gái đã ba tuổi hơn, nhưng vẫn không thêm một mống con trai nào. Tôi cũng bảy mươi rồi, mừng thọ gì nữa? Cứ mừng cứ đau lòng, mỗi khi đến ngày sinh lại đến gần quan tài một bước, tụi nó càng khốn khổ hơn.”

Tô tiên sinh không đáp, rất lâu sau mới an ủi bằng giọng gượng gạo: “Với tuổi của cụ, và của cháu gái cụ cũng chưa già, chuyện này, ra hoa rồi mới kết trái, vẫn còn có hy vọng mà.”

Ông Trình lắc đầu nói: “Khó lắm, không biết sau khi tôi đi rồi, bọn nó phải làm sao. Giờ đã thế, bọn nó đi ra đi vào đều bị người ta xem thường. Chồng của cháu gái cũng là tôi cuỗm lấy, mấy năm trước gặp nạn rồi đến Giang Châu, tôi thấy nó giỏi giang bèn giữ lại, nó nhớ ơn mới chịu ở rể nhà tôi, cũng chỉ mười lăm năm à. Mười lăm năm sau, nếu vẫn không có con trai, chắt gái nhà tôi phải làm dâu nhà người, không được như bây giờ nữa.”

“Đã là người có ơn nghĩa, sẽ không bạc đãi vợ con.”

“Chỉ sợ người ta đàm tiếu thôi. Cái khác không bàn, chắt nhà tôi đã gần bốn tuổi, tôi tìm thầy cho nó mà chẳng ai hợp ý cả. Con bé lại không được vào trường, vài thầy lão luyện trong thành đều chỉ dạy con trai cả. Người muốn dạy, tôi lại không hài lòng… Ớ? Chẳng hay, Tô tiên sinh có bằng lòng nhận cho?”

Tô tiên sinh khá là do dự, ông Trình nói: “Con bé thông minh lắm, cũng đã biết được vài trăm chữ, cũng thuộc dăm ba quyển sách vở lòng. Cả ngày hôm nay tôi thấy thầy cũng là bậc đại tài định dừng chân nơi này, ngoài kia gió to mưa lớn, chỗ tôi gió không phả đầu mưa không táp mặt. Cũng chỉ giữ tiên sinh lại vài ngày thôi. Thầy xem con bé nhà tôi trước rồi chúng ta bàn sau, được chứ?”

Tô tiên sinh ngẫm nghĩ: “Cũng được.”

Lập tức gọi Ngọc Tỷ sang. Lễ Phật về nhà, Ngọc Tỷ đã thay áo khoác nhỏ màu rêu, váy đỏ nhạt, đầu hai búi tóc, cổ chỉ đeo một chiếc kiềng vàng, trông rất đáng yêu. Tô tiên sinh vừa thấy, bất giác đã giãn mặt ra, trẻ con xinh xẻo luôn khiến người ta thương yêu. Ngọc Tỷ bước lên bái thái công trước, giọng lanh lảnh, ông Trình bảo: “Chào Tô tiên sinh đi.”

Ngọc Tỷ không biết người này là ai nhưng cũng nghe lời, bắt chước kiểu mẹ gặp Hà thị, vái một cái: “Tô tiên sinh khỏe.”

Ông Trình ngóng đợi Tô tiên sinh, Ngọc Tỷ vẫn chưa biết chuyện gì, chỉ nghĩ ông cố đã nhìn lão thì mình cũng nhìn. Đoạn bắt chước ông Trình, đưa đôi mắt to tròn đen trắng rõ ràng của mình sang trông mong Tô tiên sinh, đến nỗi khiến lão chân tay luống cuống.

Vườn nhà họ Trình trồng cây, dây leo quấn quít, trời đã vào hạ, ánh trăng sáng chói, trong khu vườn an tĩnh, một già một trẻ cứ thế mà nhìn, Tô tiên sinh vừa ăn cỗ nhà người, đầu hơi váng vất, lại thấy mình đang ở khá xa nhà, không thể vào kinh, cũng chẳng muốn phiền người. Làm thầy người ta thì tao nhã hơn viết thư bói toán thật, bèn bắt đầu kiểm tra Ngọc Tỷ.

Sách vở lòng chỉ mấy quyển ấy, dù có ở đâu cũng vài câu na ná nhau, Tô tiên sinh bốc đại ra mà hỏi, Ngọc Tỷ thấy ông Trình gật đầu, bèn đáp từng câu một. Tô tiên sinh thấy bé thông minh, lại càng thích: “Khá đấy.”

Trình lão thái công vui mừng không ngớt: “Khi nãy tiên sinh bảo hôm qua mới đến, chẳng hay đã có chỗ ở chưa? Thực ra nhà tôi hơi tệ một chút, nếu thầy thấy tiện thì xin ở lại đây.”

Tô tiên sinh nghĩ, nhà cụ không có con trai, lại đông con gái, mời thầy ở lại nhà cũng không phải không thể, gật đầu đồng ý. Ông Trình lại nói với Tô tiên sinh: “Mỗi năm biếu thầy bốn lượng bạc, ngày cơm ba bữa, mỗi bữa hai mặn hai chay một canh, tối đến có rượu, lễ Tết thì giống nhà tôi, mỗi năm bốn mùa mỗi mùa hai bộ quần áo, đã ở nhà tôi, tôi mua cho thầy một thằng bé hầu bút mực, được không?”

Tô tiên sinh không tính toán mấy thứ ấy, đồng ý ngay.

Ông Trình vui vẻ nói: “Vậy tôi sai người xem lịch ngay, chọn ngày lành bái sư.” Lại lệnh người dưới mau mắn sắp xếp chăn đệm cho căn viện đã chuẩn bị từ trước, mời Tô tiên sinh đến ở. Thầy Tô không có của nả gì, sạp hàng đã được người mang qua từ sớm, không thể từ chối, cứ thế ở lại.

“Đừng vội, lịch thì ta cũng biết đại khái,” Tô tiên sinh bấm tay tính, mười ngón lưu loát, “Ngày năm là đẹp.”

•••••

Lại nói Trình lão thái công sai Bình An đến hầu hạ Tô tiên sinh, mình thì dắt Ngọc Tỷ đến chỗ vợ già con gái và vợ chồng cháu gái, kể lại một lượt. Lâm lão an nhân nói: “Người đó là ai, ông cứ thế mà mời về nhà ấy hả? Gốc gác thế nào còn chưa xác định, mới biết nhau có nửa ngày mà ông đã…”

Ông Trình lim dim mắt: “Bà sao mà biết được, đấy là bậc đại tạo hóa nhé, ai bảo tôi mới biết thầy ấy nửa ngày? Mấy chục năm trước, tôi đã tận mắt gặp thầy ấy rồi.”

Cả bọn hỏi: “Ấy là chuyện gì?”

“Năm đó tôi đưa Chí lang đi thi, tàn cuộc ra bảng, Chí lang đậu, lại vái chào giám khảo, bà nói xem quan khảo thí là ai? —– Chính là thầy ấy! Thầy ấy đúng là bậc quân tử, đi không đổi tên ngồi không sửa họ, vẫn bảo mình họ Tô. Là một tài tử, hơi bảo thủ chính trực một tý, mấy năm gần đây không lên không xuống, mỗi lần thăng quan hẳn sẽ vì tính cách cương trực mà lại bị giáng chức, lúc Quan gia* còn là thái tử đã được làm thầy hầu sách rồi, dễ gì được thế?! Lần này thầy ra mặt vì Quan gia và Đông cung, chọc giận Hoàng thái hậu, bèn bị biếm quan lệnh rời kinh, chẳng biết vì sao lại lưu lạc tới Giang Châu, đây há chẳng phải duyên to phận lớn?”

[*Ý chỉ Hoàng thượng.]

Bà Lâm vẫn chưa tin: “Chỉ một ánh mắt mấy chục năm trước, ông đã nhận ra rồi?”

“Nét chữ ấy không sai được, tôi nhìn thầy viết rồi, sau khi đậu Chí lang đã thỉnh được chữ về, mấy năm nay, những vật dụng mà Chí lang để lại, tôi ngày nào cũng xem, nhận ra chứ. Tôi cũng bàn vài chuyện văn vẻ thơ thẩn với thầy, còn am hiểu hơn cả tôi. Đích thị là thầy ấy! Há há, Hoàng thái hậu già rồi, Quan gia tuy cũng chẳng còn trẻ trung gì, nhưng mắt vẫn tốt chán, Đông cung càng khỏi phải nói. Chúng ta có duyên, là chuyện tốt!”

Trình Tú Anh nói: “Lần này bái Phật là đúng.”

Ông Trình đáp: “Hôm nay là ông chuốc say thầy ấy, lại kể vài chuyện buồn khiến thầy động lòng trắc ẩn, Ngọc Tỷ thì thông minh đáng yêu mới được miễn cưỡng chấp nhận, nhờ ông mà hôm nay mới bái được thầy cơ. Tô tiên sinh bảo ngày năm tháng sau là ngày tốt, bọn cháu chuẩn bị cho chu toàn đi,” nói đoạn nhìn Trình Khiêm, “cháu rể mấy năm sau cũng lập môn hộ, chi bằng cũng học cùng, nếu được thì khi quy tông đã là chủ hộ thực sự rồi đi thi một bận, có thầy tốt thế này, khỏi cần tương tác, hỏi bài cũng đủ rồi.”

Lúc nghe đến tên Tô tiên sinh thì Trình Khiêm đã hơi nhíu mày, giờ lại nghe ông Trình bảo thế, lòng chợt ấm áp, cung kính cúi đầu.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.