Phán Quan

Chương 19: Chương 19




“Hai người có thể hợp thành một mà, có phải lúc vào anh ta tính thiếu một người không?” Một giọng vịt đực cạp cạp đột nhiên chõ mõm vào.

Văn Thời nhìn sang, đó là đứa con to gan kia của Trương Bích Linh, danh sách khách phúng viếng Thẩm Kiều có tên nó: Chu Húc.

Tên nghe hay đó, nhưng người thì hơi thiếu ăn đập.

“Hỏi con hay gì mà con lại xen mồm vào?” Trương Bích Linh đẩy nó một cái, vội làm hòa với Văn Thời: “Người bám lên ma nơ canh thường dễ xảy ra tình huống này lắm, chuyện thường thôi, thấy hoài nên không gì bất ngờ cả.”

Chu Húc khịt mũi coi thường: “Ai nói? Dì nhỏ của con đâu có như vậy.”

Trương Bích Linh trừng mắt với nó: “Dì nhỏ của con, dì nhỏ của con, ngày nào con cũng nhớ khoe khoang về dì nhỏ của con hết. Trương Lam chỉ mới vài tuổi đã bắt đầu xông vào lồng rồi, giống được chắc?”

Văn Thời rất ít để ý tới nhà khác, cũng không quen được bao nhiêu người sống trên bức danh phả. Anh lặng lẽ nghe xong một lát mới hỏi người trên lưng: “Trương Lam là ai?”

Tạ Vấn còn chưa nói lời nào, Chu Húc đã kinh ngạc trước, lỗ tai của nó lại rất thính: “Anh không biết hả?”

Văn Thời: “Tôi phải biết ư?”

Chu Húc: “Người xếp hạng cao nhất trên bức danh phả đó! Anh làm nghề này mà lại không biết dì ấy hả?”

Ông biết tổ tông nhà dì nhỏ của mi.

Không phải mắng người đâu, anh có quen thật.

Văn Thời thầm nói trong lòng.

“Thôi con nói đủ rồi đấy!” Trương Bích Linh thấy cực kỳ xấu hổ vì đứa con, kéo nó ra sau lưng và nói với Văn Thời: “Hồi nhỏ, nó được Trương Lam… là dì nhỏ của nó, dắt về nhà ở suốt mấy năm. Nó thân với dì nó dữ lắm, nên há mồm ngậm miệng gì cũng toàn là cô ấy thôi. Con đừng chấp nhặt với nó nhé.”

Văn Thời: “Ừm.”

Trương Bích Linh lại nói: “Dì nghe Tiểu Hạ nói, đây là lần thứ hai mấy con vào lồng nhỉ? Mới lần thứ hai đã làm được như vậy cũng khá lắm đấy. Từ từ rồi Thẩm lão gia cũng sẽ có người nối nghiệp thôi.”

Văn Thời liếc Hạ Tiều một cái.

Xem ra thằng ngốc này còn biết che giấu, không khai hết nội tình ra ngoài.

Có vẻ Trương Bích Linh đã xem anh là một đồ đệ khác mà Thẩm Kiều nhận vào, khá hơn tên Hạ Tiều chẳng biết mô tê gì chút đỉnh, nhưng cũng không khá hơn bao nhiêu.

Dù sao trên bức danh phả, dòng của Thẩm Kiều cũng không có tên họ vị đồ đệ mới này là anh, chắc cũng chỉ là một con gà mờ không ra hồn thôi.

Nhưng tính cách của Trương Bích Linh lại rất tốt, vẫn khách khí với gà mờ, không hề kiêu căng.

“À phải rồi anh ơi.” Hạ Tiều lại oan ức mở miệng.

Văn Thời: “Nói.”

Hạ Tiều: “Em còn phải bám lên cái chân này bao lâu nữa, tại sao bên dì Trương lại không cần bám lên thứ gì hết vậy?”

Văn Thời cân nhắc vài giây.

Trương Bích Linh lại mở miệng: “À! Hồi nãy vội quá nên quên nói. Chúng ta tìm vật để bám lên mới vào tâm lồng vì sợ hơi thở người lạ đột ngột xông tới sẽ quấy rầy chủ lồng, còn chưa biết rõ gì mà đã bị đuổi đánh, lợi chẳng bù hại.”

“Nhưng cái lồng này thì khác. Trong này có nhiều người sống lắm rồi, quấy rầy gì cũng đã quấy rầy xong xuôi. Bám hay không bám cũng chẳng khác nhau mấy đâu.” Trương Bích Linh chỉ vào đám người trong góc, “Dì vào trước mấy con một bước, bám lên gương, dọa họ sợ quá trời. Dì sợ dọa họ gặp phải nguy hiểm gì nên thoát khỏi gương luôn cho rồi.”

Hạ Tiều đã sống lại: “Vậy tụi con cũng có thể đi ra hả?”

Trương Bích Linh: “Có thể. Nhưng nếu mấy con cảm thấy có vật để bám vào an toàn hơn thì ở tiếp trong đó cũng không thành vấn đề đâu.”

Hạ Tiều: “Không được không được.”

Lời giải thích của cô rất cặn kẽ, sợ mấy người trẻ tuổi này không hiểu.

Thực ra, Văn Thời hiểu hơn bất kỳ ai.

Anh vừa vào đã biết mình có thể thoát khỏi vật bám, nhưng anh không làm vậy, anh muốn Tạ Vấn bực bội trong ma nơ canh nửa người một lát. Dù sao, lần trước anh đã ngột ngạt suốt vài ngày trong con búp bê mà.

Bây giờ Trương Bích Linh nói như vậy, anh đành phải khởi lòng từ bi với Tạ Vấn.

“Thẩm lão gia chưa từng nói với mấy con à?” Trương Bích Linh hỏi.

Văn Thời gạt người với một nét mặt vô cảm: “Chưa từng, tôi mới biết đấy.”

Anh bước ra khỏi con ma nơ canh, vừa xoay người đã thấy Tạ Vấn vừa thoát khỏi vật bám, đang gãi mày như vừa nghe thấy một chuyện quỷ quái gì đó.

Văn Thời nghi ngờ nhìn hắn.

Tạ Vấn nói khách khí: “Không có gì, tôi cũng mới biết thôi.”

Họ có dạng người, sắc mặt của mấy người núp trong góc tường ổn hơn rất nhiều, không còn hoảng sợ như trước nữa.

“Các cậu vào đây từ khi nào?” Văn Thời hỏi họ.

Nam sinh mặc áo sơ mi ca-rô nói: “Đã lâu lắm rồi.”

Những người khác cũng gật đầu theo: “Một thời gian rất dài.”

“Không nhớ rõ nữa, tôi sắp điên lên rồi.”



Ngoài Chu Húc, con trai Trương Bích Linh, có thể nói ra con số cụ thể, mấy người khác đều đã đần độn, coi bộ đã bị dọa đến nỗi mù tịt.

“Chắc là họ đi vào không cách tui bao lâu đâu.” Chu Húc nói, “Lúc tui vào tới, họ còn chưa mê mang như thế.”

Hạ Tiều hỏi: “Em vào bằng cách nào?”

“Đang đi đường thì vào thôi!” Chu Húc bày ra vẻ mặt anh đang nói nhảm gì thế.

Trương Bích Linh nói thay nó: “Dì hỏi rồi, nó cũng ngồi chiếc xe kia và có cầm lấy cây dù, không khác lời đồn cho mấy.”

“Dì từng nghe nói về lời đồn đó?” Văn Thời hỏi.

Trương Bích Linh gật đầu, nói với Tạ Vấn: “Từng nghe Đại Triệu và Tiểu Triệu trong tiệm cậu kể.”

“Hai cái cô đó thích đi khắp nơi, nghe được chuyện gì cũng lấy ra để hù người khác.” Tạ Vấn nói, “Gần đây, người xung quanh đều bị hai cổ dọa đến nỗi chẳng dám gọi xe vào ngày mưa nữa.”

Văn Thời: “Lời đồn chưa tiết lộ tài xế là ai, đã có chuyện gì xảy ra à?”

Tạ Vấn suy nghĩ: “Nghe nói là đã qua đời vì tai nạn xe cộ.”

“Còn gì nữa không?”

“Không.”

“Nguồn tin tức này hơi ít.” Trương Bích Linh vỗ lên người con trai mình, bảo: “Húc Húc, con từng gặp phải chuyện gì trong này?”

Mặt của Chu Húc hơi xanh lên, tránh khỏi tay bà, nói năng thô lỗ: “Đừng gọi cái tên đó, mẹ không thấy ớn hả? Con đã bao lớn rồi chứ.”

Trương Bích Linh: “Hỏi con đấy.”

Chu Húc: “Còn có thể gặp phải chuyện gì nữa? Chẳng phải là người phụ nữ đó à? Lúc con vào tới, đúng dịp người phụ nữ kia muốn lên lầu, bên cạnh còn có một bà già đang gặm chân gà hay gì đó trong tiệm nữa. Tự dưng bả bỏ thức ăn xuống rồi nói với con gì mà tới bắt người, tới bắt người. Thế là con chạy liền, chạy tới lầu ba lại vừa lúc nhìn thấy họ nên chui vào luôn, sau đó ở đàng hoàng trong này. Ngoài đi WC và tìm gì đó để ăn ra, con chưa từng bước ra ngoài.”

Đây chỉ là những lời nói vô dụng.

Trương Bích Linh khá đau đầu, cảm thấy đúng là không thể trông cậy vào con trai mình, thở dài rồi nói: “Vậy chúng ta đi kiểm tra trước xem.”

Nhưng Văn Thời lại bắt được một điểm: “Bà già trong tiệm nói chuyện với nhóc ư?”

Chu Húc: “Đúng rồi.”

“Nhóc có chắc là đang nói với nhóc không?”

“Không thì còn ai vào đây nữa!”

Văn Thời hơi buồn bực.

Thông thường, người trong lồng không đời nào lại đi nói chuyện bình thường với người lạ. Họ hiện diện để kéo dài ý thức của chủ lồng, nhìn thấy người sống, phản ứng đầu tiên đa số là công kích.

Cái lồng này lại rất kỳ quái.

Lúc Văn Thời đang suy nghĩ, trong tiệm cũng không ai nói gì, bầu không khí bỗng yên lại. Tiếng đập cửa bên ngoài vẫn còn vang vọng, hình như cách đó không xa.

Tiếng cửa cuốn ào ào run giật quanh quẩn trong khu mua sắm, tự dưng trở nên chói tai.

Một lúc lâu sau, tiếng thang cuốn vù vù mới vang lên.

“Đi rồi hả?” Có người khẽ hỏi.

“Chắc là đi rồi.”

Người núp trong góc đều thở phào nhẹ nhõm, sau đó lại bắt đầu ngu người.

Nam sinh mặc áo sơ mi ca-rô đó nhìn chằm chằm vào bọn Văn Thời, chợt nói: “Mấy người có thể dẫn chúng tôi ra ngoài không?”

Trương Bích Linh là một người đáng tin và hay che chở, cô nói: “Cô sẽ cố gắng hết sức.”

Nhưng trong hoàn cảnh này, mấy chữ ‘cố gắng hết sức’ này lại không thể mang lại hiệu quả làm yên lòng người khác. Vì thế, nam sinh đó “à” một tiếng, cũng lặng lẽ ngẩn người ra, tựa một du hồn lo sợ hão huyền.

Sắc mặt của từng người họ đều rất kém, dưới mắt là quầng thâm, cũng không biết từ lúc vào tới đây đã từng chợp mắt lần nào chưa.

Bạn gái của anh chàng mặc áo sơ mi ca-rô bỗng nhỏ giọng nói: “Em muốn đi vệ sinh.”

Trong tiệm lập tức rơi vào tĩnh lặng.

Như một phản xạ có điều kiện, chỉ cần có ai nói ra câu này, mọi người sẽ thấy căng thẳng.

“Đi, để cô dẫn con.” Trương Bích Linh nói.

Bà vừa mở miệng, ba người khác cũng nói theo: “Con nữa, đi chung đi.”

Họ đẩy cửa cuốn lên một nửa, theo sát nhau chui ra ngoài.

“Trước tiên, mấy con ở trong này một lát đi, đừng chạy loạn.” Trương Bích Linh nói với chút giọng điệu của trưởng bối.

Bà nói câu này để dặn Văn Thời, Hạ Tiều, thậm chí là Tạ Vấn, là phải luôn chụm lại thành một tụ. Dù sao bà cũng biết, trong ba người này, hai đứa không họ tên, một kẻ đã bị xóa tên, thực ra là không được trọng dụng cho lắm.

Ai dè bà vừa rời đi, Văn Thời đã chui ra khỏi cửa cuốn.

“Anh làm gì thế?” Chu Húc gọi anh lại.

Văn Thời không phải kiểu người nhã nhặn, càng chả khoái đứa nhỏ to gan này, nên không hề trả lời.

“Ê!” Chu Húc lại gọi anh một tiếng.

Văn Thời vẫn hệt như bị điếc.

Mãi đến khi Tạ Vấn chui ra theo, anh mới nhíu mày hỏi: “Anh ra đây làm gì?”

“Chỉ mình cậu mới có thể chui ra khỏi cánh cửa này à? Ngang ngược thế.” Tạ Vấn chỉ về phía hành lang uốn khúc mờ tối: “Tôi tới mấy cửa tiệm kia xem thử.”

Nói xong, hắn cũng không đợi ai, đi thẳng sang đó.

Văn Thời: “?”

Anh vừa định nhấc chân, Chu Húc đã la lên bằng cái giọng vịt đực cạp cạp kia: “Không phải đã nói mấy anh đừng chạy loạn hả?!”

Văn Thời đỡ mép dưới cửa cuốn, khom lưng nhìn về phía nó: “Ai nói?”

Anh lúc nào cũng lạnh lùng, cúi đầu nhìn sang như vậy cũng mang lại cảm giác bị chèn ép nặng nề. Chu Húc hơi nghẹn lời, sau đó lại la lên: “Mẹ tui chứ ai!”

“Cũng chả phải mẹ tôi.” Văn Thời nói xong rồi đi mất.

Chu Húc bị tên khốn mặt lạnh đó đóng băng, vừa mất mặt lại hơi khó thở. Nó ‘đệt’ một tiếng rồi chui sát ra theo. Dáng vẻ hung hăng đó giống như một con ngỗng bị người đuổi bắt.

“Ê, em đi theo anh của anh làm gì thế?” Hạ Tiều biết mình nhát gan, đúng ra định trốn đàng hoàng trong này, không ra ngoài tạo thêm phiền phức.

Nhưng cậu vừa thấy thằng trẻ trâu theo đuôi anh Văn của mình thì lập tức gọi một tiếng và ra theo.

Vì thế khi Trương nữ sĩ dẫn người từ nhà vệ sinh quay về, phát hiện chỉ còn hai người đàn ông trung niên đang ôm nhau sưởi ấm trong cửa tiệm, đám còn lại đã chạy đâu mất tiêu.

Trương Bích Linh lập tức cảm thấy cái lồng này sắp toang rồi.

Khu mua sắm lớn như vậy, nhưng chỉ lẻ tẻ vài cửa tiệm được bật đèn trắng xanh.

Văn Thời đi dọc theo hành lang uốn khúc, cách gần nhất cửa tiệm đang mở đó.

Lúc vừa vào tâm lồng và vội liếc nhẹ xung quanh, anh đã khá có ấn tượng với cửa tiệm này, vì dường như tất cả mọi thứ trong tiệm đều là khung ảnh, chủ tiệm lại rất béo, coi bộ cũng hơn một trăm ký, khi khom lưng đóng cửa cuốn cũng khổ sở lắm.

Nhưng hiện giờ, chủ tiệm to con đó lại mất bóng.

Trước cửa có một đống vết tích không biết từ đâu ra, như là trước đó đã có người đứng ở chỗ này, nhỏ nước từng giọt ướt mèm.

Văn Thời đẩy cửa cuốn lên và chui vào trong tiệm.

Lúc này, anh mới phát hiện, khung ảnh nào được treo trong tiệm cửa hàng treo cũng màu đen, kích cỡ khác nhau nhưng lại cùng là ảnh chụp của một người.

Hoặc không thể gọi là bức ảnh, mà là tranh vẽ ——

Chân mày đậm nét, đôi mắt đầy quầng thâm và hình môi ngang.

Đúng là khuôn mặt của người phụ nữ đã đuổi theo họ khắp nơi.

Nhưng khung ảnh lại không có màu sắc, đâu đâu cũng là trắng đên, tựa như di ảnh treo đầy trên tường.

Những tấm di ảnh này cứ nhìn chằm chằm vào Văn Thời đang đứng giữa tiệm như vậy.

Bỗng nhiên! Cửa cuốn phát ra tiếng két két.

Văn Thời quay đầu nhìn lại, đã thấy một bà cụ âm trầm đứng ngoài cửa, hai tay nắm lấy cửa cuốn và dùng sức kéo nó xuống.

Cụ vừa gầy vừa già, nhưng sức lực lại cực mạnh, chỉ nghe ‘soạt’ một tiếng!



Không kéo được.

Văn Thời đứng trong tiệm, nắm lấy sợi bông trắng trên những ngón tay đang rủ xuống, một đầu dây khác đã bị buộc lên ổ khóa bên ngoài, căng chặt cọng dây dài đỡ cửa cuốn, cứ thế làm người khác không thể kéo xuống được tí nào.

Bà cụ lôi hai cánh tay: “…”

Văn Thời lạnh mặt hỏi: “Bà làm gì đấy?”

Tròng mắt trắng bệch của bà cụ dõi theo anh, nói nhỏ: “Tiệm này không mở.”

Văn Thời: “Tại sao?”

Bà cụ mím môi.

Văn Thời: “Chủ tiệm đâu rồi?”

Bà cụ vẫn như cũ không hé răng.



Chút tiếng động vọng tới từ chỗ nào đó xa xa, bà cụ ngoảnh đầu nhìn thoáng qua hướng tiệm đối diện rồi quay đầu lại.

Bà chép miệng, giọng nói già nua nhỏ nhẹ: “Không mở, không mở, tôi phải ăn cơm, phải ăn cơm.”

Dứt lời, bà lại ráng kéo cửa xuống.

Văn Thời đang nghĩ về logic giữa hai câu ‘chủ tiệm mập mạp không ở đây’ và ‘muốn ăn cơm’, chỉ thấy một dáng người cao ráo đi tới.

Hắn dừng bước sau lưng bà cụ, ngón tay gầy trắng và thon dài túm lấy hai cây đang nắm cửa của đối phương, giật tay bà cụ ra như đang quăng đồ.

Bà cụ thầm so tài, mặt cũng nghẹn tái mất tiêu, nhưng tay vẫn bị người nọ kéo khỏi.

“Tôi thấy bà từ phía xa rồi, vóc dáng cao đến thế mà, kéo cửa có mệt không, thả ra một lát nhé.” Cửa cuốn đó bị một bàn tay đẩy lên trên một đoạn, lộ ra khuôn mặt của Tạ Vấn.

Chắc là do ánh đèn trong tiệm quá lạnh, khi chiếu lên mặt hắn, hơi thở bệnh tật lại càng nặng hơn.

Hắn nhìn Văn Thời trong tiệm, lại liếc qua mấy cọng dây dài căng cứng đó, nói khẽ khàng: “Ai dạy cậu chui vào phòng không người trong lồng một mình đấy?”

HẾT CHƯƠNG 19 („• ֊ •„)

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.