Diệp Thực đứng dậy đi ra ngoài, thấy Đường Du đứng đó, có vẻ bất ngờ:
- Cô tìm tôi có việc gì không?
- Sao anh nhìn thấy em như quái vật thấy “người điện quang” Ultraman vậy, em không thể tìm anh sao?
Đường Du chế giễu.
Trong đầu Diệp Thực chỉ nghĩ đến tiền, không có tâm trạng đôi co với Đường Du. Anh hỏi một cách lạnh nhạt:
- Có chuyện gì không?
- Em có hai tấm vé xem kịch nói, muốn rủ anh đi cùng.
Chần chờ một chút, Diệp Thực trả lời:
- Tôi có chuyện không đi được, hay là cô bảo Húc Đông đi cùng. Cậu ấy rảnh, chắc chắn sẽ đồng ý.
Đường Du xụ mặt xuống:
- Anh không muốn đi thì thôi, không cần phải đùn đẩy.
Lúc Đường Du quay người rời đi, Diệp Thực như bị ma xui quỷ khiến, kêu lên một tiếng:
- Này!
Nói xong, anh hận mình không thể cắn đứt lưỡi đi. Anh gọi cô làm gì chứ? Đường đường một thằng đàn ông sao có thể không biết xấu hổ mà mở miệng vay tiền một cô gái?
- Anh đồng ý đi cùng em rồi sao?
- Tôi… thôi... không có gì, cô về đi.
Diệp Thực đang định quay về phòng thì gặp ngay Thôi Húc Đông đang sầm mặt đi ra. Gã nhét xấp tiền lẻ vừa rồi vào tay anh, giọng điệu lãnh đạm:
- Suốt ngày hỏi mượn tiền tớ, có phải chơi gái đánh bạc nên mới tiêu xài hoang phí như vậy không?
Diệp Thực giận dữ quát:
- Cậu nói vớ vẩn gì vậy?
- Thẹn quá hóa giận rồi à? Tớ chỉ đùa chút thôi, cậu đừng tưởng thật.
Thôi Húc Đông liếc nhìn Diệp Thực, lại cười cười nhìn Đường Du, vẻ mặt rất đắc ý.
Diệp Thực đột nhiên hiểu ra, Thôi Húc Đông cố tình làm anh mất mặt trước mặt Đường Du. Anh cũng không thèm giải thích, quay người bỏ đi.
- Diệp Thực, anh đợi một lát.
Đường Du gọi Diệp Thực rồi kéo anh sang một bên hỏi:
- Anh vay tiền làm gì vậy?
- Không liên quan tới cô.
- Sao lúc nào anh cũng xù lên như con nhím với em vậy? Em quan tâm anh không được sao? Anh nói cho em biết anh vay tiền làm gì, có lẽ em sẽ giúp được anh đấy.
Diệp Thực thấy Đường Du có vẻ nhiệt tình, đành nói sự thật cho cô biết.
Đường Du thở phào nhẹ nhõm, cười nói:
- Chuyện này cũng không có gì to tát. Thẻ ngân hàng của em còn mấy chục nghìn, em rút về cho anh là được rồi. Anh đừng lo lắng quá, cái bộ mặt như đưa đám này thật khó coi.
- Cô... thật sự sẽ cho tôi vay tiền sao?
- Nhưng em có một yêu cầu, anh phải đồng ý với em.
- Yêu cầu gì?
- Đưa em đi xem kịch. Yêu cầu này không quá đáng chứ?
- Được.
Diệp Thực hẹn thời gian đón Đường Du rồi quay trở về phòng thay quần áo.
Thôi Húc Đông châm ngòi không thành, ngược lại, còn đẩy hai người vào cuộc hẹn hò, hận đến mức ngứa ngáy hai hàm:
- Ô, Diệp Thực, may mắn quá nhỉ. Có khó khăn lập tức gặp được Quan Âm Bồ Tát đại từ đại bi cứu khổ cứu nạn.
- Thèm à?
- Nực cười! Tớ thấy cậu không có chí khí gì cả. Nam nhi bảy thước lại dùng tiền của con gái người ta, nói ra cũng thật mất mặt. Tớ thấy xấu hổ thay cho cậu.
Diệp Thực tím mặt, anh oán hận nói:
- Đã phiền “ngài bao đồng” phải xấu hổ thay tớ rồi!
Thôi Húc Đông vốn định làm nhục Diệp Thực, không ngờ lại bị anh chơi lại cho một câu. Hai người cùng ở một phòng trong ký túc xá, kẻ giường trên người giường dưới, thường ngày trêu chọc ầm ĩ, quan hệ cũng không tồi. Thôi Húc Đông cho rằng Diệp Thực nhã nhặn dễ bắt nạt, không ngờ anh cũng là đồ miệng lưỡi có gai.
Lần đầu tức nhau đến đỏ mặt tía tai, hai người đều khó chịu trong lòng, nhưng không tiện cãi nhau, chỉ đành nuốt cơn giận xuống.
Diệp Thực vội vàng thay quần áo rồi ra khỏi ký túc xá.
Sau một trận mưa lớn, thời tiết nóng nực tháng sáu có phần mát mẻ hơn.
Đường Du mặc một chiếc váy lụa mỏng màu trắng, đứng đợi Diệp Thực ở cổng trường.
Lần đầu tiên hẹn hò với một người con gái, Diệp Thực hơi căng thẳng. Sau khi chào hỏi Đường Du, đột nhiên anh lúng ta lúng túng, không biết phải nói gì cho phải.
Đường Du hỏi Diệp Thực:
- Chúng ta ngồi xe bus đến Nhà hát kịch được không? Lái xe đi thì nhanh quá, không được lãng mạn cho lắm.
- Tùy cô.
Đường Du hờn dỗi:
- Em không thích nghe hai tiếng này, sau này đừng nói với em hai tiếng “tùy cô” nữa. Hai tiếng này cho thấy anh không đếm xỉa tới cảm giác của em, không tôn trọng người khác.
Diệp Thực nghĩ thầm, quả nhiên là tính khí tiểu thư, kén cá chọn canh, bới lông tìm vết. Nhưng anh không phản bác. Dù sao cũng chỉ cùng nhau đi xem kịch, không phải cùng nhau chung sống, không cần thiết phải tranh cãi.
Hai người ngồi xe bus đi đến Nhà hát kịch.
Đêm mờ sương. Đèn đường sáng rực. Lòng Diệp Thực trĩu nặng.
Họ vào nhà hát rồi tìm vị trí ngồi theo đúng số vé. Tấm màn nhung mở ra, là vở kịch nổi tiếng “Giấc mộng đêm hè” (Midsummer Night”s Dream) của Shakespeare.
Đường Du chăm chú theo dõi. Diệp Thực thì nói thật không hào hứng cho lắm.
Nhà hát bật điều hòa, Diệp Thực cảm thấy toàn thân mát lạnh từng cơn.
Khán giả thỉnh thoảng lại cười rộ lên. Với tâm trạng lúc này của Diệp Thực, những tiếng cười đó ẩn chứa sự thờ ơ xen lẫn hả hê khi người gặp nạn.
---------------------
Truyện đã được GocTruyen.com mua bản quyền dịch và xuất bản. Mọi hành vi copy, phát tán trên mạng Internet đều vi phạm pháp luật.