Nhất triều phát tường địa, lưỡng đại đế vương thành. [1]
Thẩm Dương, thành phố nơi đại học D tọa lạc, sau khi đợt lũ lịch sử quét qua, mùa đông đó băng đóng dày lạ lùng, rất lâu vẫn không tan chảy.
Nhà Ôn Bắc Bắc ở đối diện quảng trường, nơi ở của các giáo sư, chuyên phân phối nơi làm việc cho các giáo viên. Bố mẹ cô đều là giáo viên ngành lịch sử. Từ nhỏ, sách cổ đã ngấm vào người Ôn Bắc Bắc, khi những đứa trẻ khác vẫn còn ê a “Sàng tiền minh nguyệt quang” [2], Ôn Bắc Bắc đã đọc “Tam Quốc Chí” trước khi đi ngủ.
Ôn Bắc Bắc tính tình từ tốn chậm rãi, có chút khép kín, không cởi mở với người khác cho lắm. So với những cô gái cùng tuổi khoái cả ngày tụ tập bàn tán về trang sức quần áo, Ôn Bắc Bắc chỉ thích ngày nghỉ đi theo bố mẹ đến các di tích trên cả nước để nghiên cứu khảo chứng. Theo ngôn ngữ thông dụng, Ôn Bắc Bắc quả rất “out”, vô cùng lập dị.
Thế nên tự nhiên, Ôn Bắc Bắc trước khi vào đại học không hề biết đến hai chữ bạn trai. Cô để tóc ngắn, bởi vì còn phải đi đây đi đó nhiều, làn da màu bánh mật khỏe mạnh, mặc dù mặt mũi thanh tú xinh đẹp, nhưng rốt cuộc trong mắt các nam sinh vẫn chẳng phải là cô thiếu nữ mặc quần lụa mỏng, tóc dài bay bay trong gió để kẻ khác ngó theo.
Huống hồ, Ôn Bắc Bắc với bọn họ cũng chẳng tâm đầu ý hợp gì sất, thỉnh thoảng gặp gỡ nói chuyện cũng chỉ được ba câu là cùng.
Mấy tên con trai trung học lúc trò chuyện, ai cũng chỉ là bóng rổ, trò chơi, gái đẹp, thỉnh thoảng quạu tiết vì bài tập nhiều quá, xỉa nhau cho vui tám chuyện tầm phào. Về phần từ xưa đến nay rốt cuộc có mấy triều đại, thích Mạnh Đức [3] hay thiên về Lưu hoàng thúc [4], thì có ai để ý?
Túm lại chỉ có Ôn Bắc Bắc là lập dị khác người, bằng không, các nam sinh làm sao có thể gọi cô Ôn Bắc Bắc cả ngày đắm chìm trong sách sử là “quái thai” như thế, ngay cả Cốc Mễ, bạn tốt của Ôn Bắc Bắc, cũng bảo cô là kẻ cuồng tự kỷ nữa là.
Cốc Mễ và Ôn Bắc Bắc cùng tuổi, ở nhà đối diện, cha mẹ là giáo sư Viện Văn học, nhưng lại khác Ôn Bắc Bắc một trời một vực. Cốc Mễ thiên tính hoạt bát, bình sinh hận nhất chính là Văn Sử Triết vân vân mây mây. Năm thi đại học, tự do chọn ngành, Ôn Bắc Bắc “thuận lý thành chương” [4] lựa chọn đại học D, không chút do dự trao thân cho học viện Lịch sử văn hóa, còn Cốc Mễ đi Thượng Hải học kinh tế.
Ôn Bắc Bắc có đôi phần phân vân khoa lịch sử, nhưng lại trúng tuyển vào khoa khảo cổ. Giấy báo gửi về, Ôn Bắc Bắc cảm thấy không tệ, tuy cô cũng không mê khảo cổ gì lắm, chỉ có bố cô lại tỏ vẻ hơi hơi bất mãn, “Học khảo cổ, gió gào mưa đổ, khổ ơi là khổ”.
Nhưng rốt cuộc cô vẫn vào học. Ôn Bắc Bắc không ở ký túc xá mà ở trọ bên ngoài, cho nên đến tận buổi học đầu tiên cô mới gặp gỡ bạn học. Khoa khảo cổ ít người, năm đầu của Ôn Bắc Bắc chỉ tuyển mười sáu người, trong đó bốn là nữ. Mà đối với khoa khảo cổ năm nhất, mười sáu người cũng đã coi là nhiều rồi.
Buổi học đầu tiên là do thầy giáo Nghiêm dạy, thầy đã ngoài năm mươi, là chuyên gia lĩnh vực tiền sử, cực kỳ nổi tiếng trong giới khảo cổ, mà tính tình cũng hòa ái dễ gần, không có chút nào ngạo mạn. Buổi lên giảng đường đầu tiên, Ôn Bắc Bắc vừa nghe đã biết chuyên nghiệp, không chọn sai.
Thầy Nghiêm còn bảo cho họ biết, làm khảo cổ, nếu cái gì cũng chỉ lướt qua một chút, không những không thể trở nên chuyên nghiệp mà ngược lại còn là tự mua dây buộc mình. Phải nghe cho kỹ, đọc cho sâu. Bị thầy Nghiêm “dạy dỗ” xong, Ôn Bắc Bắc bắt đầu cái gọi là kiếp sống “Thâu đường” (偷堂). Theo cha mẹ tới Viện Văn học nghiên cứu, hễ rảnh được chút nào là đăng ký khóa học rồi vọt tới nghe giảng bài.
Ngay cả chúa tể vang danh – lớp trưởng trong lớp cũng không hăng hái được như Ôn Bắc Bắc, chỉ dự thính mấy tiết đã bắt đầu gục lên gục xuống, cuối cùng đành phải bỏ không nghe nổi nữa. Mới năm nhất, mấy nhân trong khoa đều đã liệt Ôn Bắc Bắc vào hạng “đại thần” khát chữ, các anh chị lớn tuổi hơn còn phải gọi cô là “ôn thần”. Đương nhiên, chỉ là trêu đùa một chút mà thôi. Khảo cổ cũng giống như di sản nghệ thuật truyền thống, những người mới nhập môn tôn trọng là trình độ, đối với các anh chị khóa trên đều hết sức tôn kính. Mặc dù tuân theo lễ nghi, nhưng mọi người cũng vô cùng thân thiết.
Nghỉ hè, Cốc Mễ có về một lần, cô đã có bạn trai, trang điểm ăn mặc đổi khác khá nhiều. Mà Ôn Bắc Bắc vẫn y nguyên như thế, tóc ngắn đen mềm, làn da bánh mật, lúc nghỉ hè đi Nepal du lịch với bố mẹ nên lại đen thêm một mớ nữa. Cốc Mễ cười bảo cô là cục than đen thui, đảm bảo chẳng ma nào thèm. Ôn Bắc Bắc mặc kệ, không cho là đúng.
Năm 2 đại học bắt đầu, Ôn Bắc Bắc lại năn nỉ mẹ lấy về thời khóa biểu của khoa Văn học, tìm xem có môn nào mình có thể đi học hay không, trong đó có một môn “Văn học khái luận” .
Môn đó học vào chiều thứ 3, Ôn Bắc Bắc theo thường lệ vai đeo ba-lô, tay ôm sách đi học. Nhưng vừa bước vào cửa, cô có chút sửng sốt. Trong phòng chỉ lác đác khoảng hơn mười người, đúng là một môn mẫu giáo bé. Nhưng đã vào phòng học rồi, Ôn Bắc Bắc đành làm tới, liều mạng ngồi xuống.
Chuông vào lớp reng, giáo viên lập tức vào lớp, bo-đì 1m8, áo sơmi cotton trắng muốt, dáng vẻ xuất chúng, đẹp trai phong độ. Đến khi anh ta đứng yên, Ôn Bắc Bắc càng cảm thấy ngạc nhiên, giáo viên trẻ tuổi đến không ngờ, nhìn cứ như sinh viên vừa tốt nghiệp. Ôn Bắc Bắc ngồi ở phía sau, nhìn mặt không được rõ, nhưng quả thật có thể sử dụng từ tuấn tú để hình dung. Ôn Bắc Bắc nhìn thời khoá biểu, không sai được, anh ta chính là Tần Duẫn Chi.
Chắc là đã quen thuộc với các học sinh của mình, lúc Tần Duẫn Chi nhìn đến Ôn Bắc Bắc, con ngươi ôn nhuận ngừng lại một chút, Bắc Bắc vội vàng cúi đầu. Buổi học đầu tiên đó cô rất không được tự nhiên, giống như bị người ta phát hiện lấy cắp, mặc kệ Tần Duẫn Chi giảng bài vô cùng chậm rãi rõ ràng, súc tích dễ hiểu, nhưng vào tai phải của cô xong cũng chui ra tai trái bay vi vu theo gió, chép bài càng lung tung lộn xộn.
Mỏi mòn rồi cũng đến giờ giải lao, Ôn Bắc Bắc lê chân chủ động tìm Tần Duẫn Chi.
“Thưa thầy, em là sinh viên năm hai khoa khảo cổ. Em…có thể tới học lớp này được không ạ?”
Tần Duẫn Chi quay đầu lại nhìn cô gái trước mặt, vóc dáng nho nhỏ, có lẽ vì ngày ngày phơi nắng, làn da là màu bánh mật khỏe mạnh, tóc ngắn, so với các cô gái cùng tuổi thì kém một phần nữ tính. Lúc cô nói chuyện có chút rụt rè, nhưng khi ngẩng mặt nhìn hắn, trong ánh mắt lại tràn đầy chờ mong.
“Em học lấy chứng chỉ sao?” Anh hỏi.
Bắc Bắc lắc đầu như trống bỏi, hắn liền hỏi tiếp: “Có thể nghe hiểu được không?”
“Mấy từ chuyên ngành…hơi khó một chút.”
“Tra tài liệu nhiều một chút là ổn. Có gì không biết cứ hỏi tôi.” Tần Duẫn Chi nói xong, dừng một chút, lại hỏi: “Em tên gì?”
“Ôn Bắc Bắc.”
Cô vừa đọc tên, Tần Duẫn Chi lập tức cầm bút ghi lại ở cuối danh sách. Nét bút phóng khoáng lưu loát, lại thanh đậm rõ ràng hữu lực, chữ đẹp vô cùng.
Viết xong, buông bút, Tần Duẫn Chi nhìn về phía Ôn Bắc Bắc, cười khẽ thêm một câu: “Hoan nghênh em tới nghe giảng bài.”
Khi anh cười, bên khóe miệng hiện rõ lúm đồng tiền, cực kỳ hòa nhã, khiến người ta như được tắm gió xuân. Ôn Bắc Bắc phút chốc bỗng dưng đỏ mặt, may mà bởi vì làn da tối quá nên giấu được không ít. Cô lắp bắp nói cảm ơn rồi vội vàng chạy về chỗ ngồi, nhiệt độ trên mặt còn luẩn quẩn cả một lúc lâu sau mới chậm rãi dịu lại.
Lần đầu tiên bọn họ gặp nhau, ở Thẩm Dương đang là cuối hạ, mây cao gió nhẹ, ôn hòa khó cưỡng. Ánh mặt trời chiếu xuyên qua cửa sổ thủy tinh phòng học, mơn man ấm áp trên da thịt Ôn Bắc Bắc. Cô ngước lên nhìn dòng chữ Tần Duẫn Chi vừa viết lên tấm bảng đen, cứng cáp mà thanh nhã, lần đầu tiên cảm thấy Thẩm Dương cũng có khí hậu dễ chịu đến như vậy.
[1]: “Nhất triều phát tường địa, lưỡng đại đế vương thành” (一朝发祥地,两代帝王城)– Câu này nói về thành Thẩm Dương. “Nhất triều phát tường địa” là nơi nhà Thanh cướp chính quyền đầu tiên, “lưỡng đại đế vương thành” vì đây là hoàng cung của hai triều vua: Nỗ Nhĩ Cáp Xích và Hoàng Thái Cực.
Cảm ơn bạn Sao Thiên Lang @ Tangthuvien giúp mình câu này nha :”>
[2]: “Sàng tiền minh nguyệt quang” là một câu thơ trong bài “Tĩnh dạ tứ” của Lý Bạch.
[3]: Mạnh Đức (孟德) – tự của Tào Tháo.
[4]: Lưu Bị.
[5]: Thuận lý thành chương – lời nói mang tính (gần như) đương nhiên (thuận theo lý thuyết)