Hiên Viên Thắng Tài là tướng lĩnh trẻ tuổi có ý chí cao. Với tư cách là
con cháu đệ nhất vũ huân thế gia, Hiên Viên Thắng Tài không những tinh
thông bắn cung mà trí tuệ cũng được coi là sắc sảo. Nếu chỉ đơn giản cho rằng gã là một mãng phu, thì sai hoàn toàn.
Sở Hoan cảm giác Hiên Viên Thắng Tài nhất định là người có thành tựu đặc biệt. Mặc dù là anh em họ của Hiên Viên Thiệu có nhiều điểm tương đồng, nhưng lại cũng
có những cá tính khác nhau.
Hiên Viên Thiệu quá ư trầm tĩnh,
nên người ngoài rất khó đoán được tâm tư của y. Đương nhiên, làm việc
chung càng khó. Nhưng Hiên Viên Thắng Tài nhiệt tình hơn nhiều. Dù gặp
chuyện cũng luôn tỉnh táo, nhưng trong con người gã có nhiệt huyết quân
nhân sôi trào, xen lẫn sự phóng khoáng hào sảng của chí sĩ trên sa
trường.
Hắn muốn dành lấy Hiên Viên Thắng Tài từ tay Hiên
Viên Thiệu, ngay từ đầu cũng không biết Hiên Viên Thiệu có đồng ý hay
không? Cũng may Hiên Viên Thiệu đã đường đường chính chính hỏi ý kiến
Hiên Viên Thắng Tài, xem gã có nguyện ý đi Tây Bắc hay không? Hiên Viên
Thắng Tài mấy lần đi cùng Sở Hoan đều vượt qua hiểm nguy mà giành thắng
lợi, cảm giác đó đối với gã vô cùng kích thích.
Không cần suy nghĩ nhiều, lập tức đồng ý ngay. Trong mắt gã, Sở Hoan chỉ là tạm thời
bị điều đi Tây Bắc, sớm muộn gì cũng sẽ trở lại kinh thành. Gã đi theo
Sở Hoan đến Tây Bắc vài năm, chịu đựng vất vả, rèn luyện ý chí, Hiên
Viên Thắng Tài hi vọng sau khi trở lại, đã có thể trở thành dũng tướng
chân chính.
Ngoài Hiên Viên Thắng Tài, Sở Hoan chọn thêm một
gã binh sĩ nữa cũng là người quen trong Cận Vệ quân. Đó là Kỳ Hoành. Kỳ
Hoành từng theo Sở Hoan đi sứ Tây Lương, khi giao chiến với trường mi A
Thị Đa, Kỳ Hoành và Bạch Hạt Tử bị thương. Vì thế, Sở Hoan đã truyền thụ cho hai người bí kíp Long Tượng kinh để trị thương. Lần đi sứ Tây
Lương, Kỳ Hoành mới chỉ là một Hiệu úy quân Cận Vệ, sau khi trở về được
phong thưởng lên hai cấp, hiện nay là Võ úy quân Cận Vệ.
Thật lòng mà nói, Sở Hoan cảm thấy Kỳ Hoành là người dũng cảm gan dạ thông
minh nhanh nhẹn, đáng ra phải được thăng chức sớm hơn. Ít nhất ngay cả
cái chức Võ úy cũng xứng đáng có được từ lâu. Chỉ có điều, gia tộc Cao
Nhã đã lập được công lớn trong thời kỳ khai quốc cho nên mới có thể đảm
nhận chức Võ úy trong quân Cận Vệ. Mặc dù Sở Hoan biết Hiên Viên Thiệu
trị quân nghiêm minh, nhưng cũng không có khả năng toàn quân không hề
dính một hạt bụi. Đám khai quốc công thần kia cũng muốn gửi cho cháu
mình vào quân Cận Vệ kiếm chút vinh quang, hơn nữa quân Cận Vệ chế độ ưu đãi rất tốt nên nhiều người mong muốn được đặt chân vào cũng là tất
yếu.
Thương thế Kỳ Hoành coi như đã tạm ổn, cũng như Bạch Hạt Tử, dù chưa thể coi đã luyện thành đạo thứ nhất của Long Tượng Kinh
nhưng nếu mỗi ngày điều tức, thì cũng có tác dụng khôi phục sức khỏe rất lớn.
200 quân Cận Vệ hộ vệ, cộng thêm gia quyến của Sở Hoan cũng chưa đến 300 người.
Sở Hoan rời khỏi kinh thành cũng gây sự chú ý. Riêng xe ngựa cũng mười
mấy cái rồi. Tôn Tử Không tìm vài thương nhân trong kinh thành, bán
những đồ dùng vật dụng trong phủ kiếm thêm chút bạc.
Nhìn
những đồ vật trước kia tốn rất nhiều bạc mới mua được, chỉ sau nửa năm
bán đi chỉ còn thu được đôi chút, Tố Nương thấy tim như bị đao cắt. Thế
nhưng cũng biết phải chấp nhận. Đặc biệt là đại phủ lộng lẫy như thế giờ cũng phải bỏ lại, điều này đúng là thật khó nuốt trôi. Sự tiếc rẻ khiến nàng mất ngủ mấy đêm liền. Nếu như không phải Tôn Tử Không nói ở Tây
Bắc còn có tòa nhà lớn hơn, Tố Nương đã có cảm giác mình chết đi nửa con người rồi.
Nếu bán đồ đạc đi, thì đồ mang theo cũng không
còn nhiều. Ngoài một ít nhu yếu phẩm sinh hoạt cùng y phục trang sức phụ nữ... cũng có thêm đồ ăn thức uống. Người hầu trong nhà đều dùng bạc
mua được, nên lần này cũng đi theo đến Tây Bắc. Cả người lẫn đồ mất năm
sáu xe.
Trên xe còn thừa chỗ nào thì dành cho đám nữ nô bộc
ngồi. Nam làm nhóm đánh xe, hoặc cùng cưỡi ngựa. Đối với gia phó mà nói, bước vào cửa chính của phủ đệ, vinh nhục hưng suy đã gắn với vận mệnh
chủ nhân. Lần này đi Tây Bắc, mọi người đều biết Sở Hoan sẽ là Tổng đốc. Mặc dù biết Tây Bắc khó khăn gian khổ, nhưng thân là gia phó của Tổng
đốc, thì chắc chắn cũng không quá cực nhục.
Tố Nương và Như
Liên ngồi một xe. Hai chị em sinh đôi Tây Vực ngồi một xe. Mặt khác, dựa theo đề nghị của Lâm Đại Nhi, Sở Hoan cũng cho nàng ngồi một cỗ xe ngựa riêng. Lâm Đại Nhi đồng ý đi Tây Bắc với hắn, khiến Sở Hoan hết sức vui mừng. Mặc dù Lâm Đại Nhi vẫn một mực lạnh như băng, nhưng trên thực tế, nữ tử này đã là người của hắn. Trinh tiết quý giá đã bị hắn chiếm đoạt, thậm chí, vì vậy mà cứu sống hắn. Hơn nữa, đối với cô nương đầy hiệp
khí giang hồ như thế, thật lòng mà nói, Sở Hoan rất thích. Hắn tự nhủ sẽ tận tâm lo lắng quan tâm tới nàng.
Đi Tây Bắc đường xa núi
cao, không phải nửa tháng mười ngày là tới. Sở Hoan cũng lo nữ quyến
trên xe bị xóc nảy, cho nên chẳng những là xe Lâm Đại Nhi, mà các xe
ngựa còn lại, Sở Hoan cũng quan tâm cho đóng thật chắc chắn, chí ít đi
đường cũng sẽ ổn định ít lắc lư hơn đôi chút.
Sở Hoan vốn
định dành riêng cho Đỗ Phụ Công một xe riêng. Đỗ Phụ Công xuất thân văn
nhân, Sở Hoan lo sức khỏe của y không đủ để chịu được đường dài như thế. Chỉ là Đỗ Phụ Công còn cứng cỏi hơn hắn nghĩ, chỉ xin một con ngựa, cứ
thế cưỡi ngựa mà đi. Tây Bắc là mảnh đất gian khổ, muốn thích ứng với
gian khổ, thì ngay từ trên đường đi cũng nên tập làm quen với cảm giác
lưng ngựa lắc lư nghiêng ngả. Mặc dù khổ, nhưng đến Tây Bắc thì cũng đã
kịp làm quen ít nhiều. Nếu không, cứ ngồi xe ngựa, có thể lúc này thoải
mái hơn, nhưng đến khi xuống xe, có lẽ, mới biết thế nào là cực khổ.
Sở Hoan thấy Đỗ Phụ Công kiên trì cưỡi ngựa đi theo hắn, hắn vẫn cho
rằng chưa chắc đã là y muốn rèn luyện sớm với gian khổ, mà có lẽ đây là
ngạo khí văn nhân mà thôi. Ngồi xe đều là nữ nhân, Đỗ Phụ Công có lẽ sợ
rằng bị người ta xếp chung hàng với đám đàn bà con gái.
Đội
ngũ rời khỏi kinh thành cũng không có quá nhiều biến động, qua khúc Long Sơn, ra khỏi Xuất Hồng quan, trên đường đi cũng không quá gấp. Lúc này
đang là mùa xuân, cảnh sắc cũng giống như lần trước. Khi tới Thông châu, Bạch Hạt Tử đã sớm đứng đợi ngoài cửa thành. Y dựa theo chỉ thị của Sở
Hoan về đón bà nương và hai hài tử đi cùng.
Từ đoạn đường này, người nhà Sở Hoan
bắt đầu thấm mệt. Đặc biệt là Đỗ Phụ Công cố gắng cưỡi ngựa. Kỹ thuật
cưỡi ngựa cũng không được tính là xuất sắc, đi vài ngày tinh thần vốn
phấn chấn của Đỗ tiên sinh đã giảm sút đáng kể. Sở Hoan biết rõ nếu cứ
tiếp tục cố gắng như thế, chắc chắn y sẽ chết ở trên đường mất. Hắn đành ép y vào xe ngồi. Trong lòng thầm nghĩ, văn nhân cuối cùng vẫn là văn
nhân. Với một bụng tài học, chắc chắn đám Cận Vệ quân kia không được y
coi trọng, nhưng so về thể chất, thì quân Cận Vệ mạnh hơn Đỗ tiên sinh
rất nhiều. Xem ra người trong thiên hạ này đều có sở trường sở đoản
riêng, tránh đoản dụng trường, may ra mới thành chính đạo.
Sở Hoan vốn tưởng rằng ở nơi này sẽ gặp được người anh em Vệ Thiên Thanh.
Tuy nhiên, Vệ Thiên Thanh đã quay về phủ Vân Sơn. Thông châu đã có tân
Tri châu, đón tiếp đoàn Sở Hoan vô cùng nhiệt tình. Bạch Hạt Tử đã vụng
trộm kể lại chuyện gặp Lâm Lang, rằng khi giao mấy hòm châu báu cho nàng Lâm Lang đã vô cùng hoảng sợ.
Cho dù là ai, bất chợt nhìn thấy đống tài của lớn như thế, cũng sẽ kinh ngạc. Sở Hoan vào kinh chưa đến hai năm, mà đã thu được nhiều châu báu
như thế. Tuy nhiên, Lâm Lang vốn coi trọng Sở Hoan, nên cũng không nghi
ngờ nam nhân nhà mình vào kinh đã tận lực tham ô vơ vét tài sản. Mấu
chốt chính là lang quân của nàng làm việc tại Hộ bộ, làm quan hưởng lộc
vua, ở chùa ăn lộc Phật – âu cũng là điều dễ hiểu.
Cũng may Bạch Hạt Tử là người trong cuộc, nên thắc mắc của Lâm Lang y đã giải thích rõ ràng.
Nhóm trân bảo này là lấy được từ Tây Lương. Cũng kể Sở Hoan và Đại
vương tử Tây Lương quốc từng có giao tình, Sở Hoan xém chút nữa đã trở
thành Nam Viện đại vương, chỉ có điều, Sở Hoan một lòng ái quốc, nên đã
cự tuyệt chức quan lớn bổng lộc dày của Tây Lương, đã khiến Nhiếp Chính
vương vô cùng khâm phục, ban cho nhiều trân bảo.
Bạch Hạt Tử
biết Lâm Lang là người bên gối của Sở Hoan biết chuyện gì nên nói chuyện gì không. Ví dụ như chuyện kết hôn cùng Ỷ La Bạch Hạt Tử xấu nhẹm đi. Y tận lực tâng bốc Sở Hoan là một nam tử hán hữu dũng hữu mưu nhất tâm ái quốc, uy vũ không khuất phục tiền bạc không thể cám dỗ.
Lâm
Lang nhìn thấy trong số trân bảo đó có nhiều thứ là đồ dị quốc, nghĩ
tình lang của mình là nam nhân có đạo đức lòng thêm vui mừng.
Trên đường đi, Lâm Đại Nhi trốn trong xe không ló đầu ra ngoài. Ngược
lại, mỗi khi dừng chân nghỉ ngơi, Bố Lan Thiến lại ba phen bốn bận đi
mời vị công tử ngọc thụ lâm phong này đi ra ngoài, chỉ tiếc, hình như
Lâm Đại Nhi chỉ thích ở trong xe. Cũng may Sở Hoan vô cùng quan tâm
nàng, ăn uống đều tự mình đưa qua. Lâm Đại Nhi cứ thế thụ hưởng. Sở Hoan cũng từng thắc mắc, cô nương này không xuống xe thì vệ sinh như thế
nào. Đến khi chú tâm quan sát, phát hiện cứ đến khi trời tối, khi mọi
người đang nghỉ ngơi, nàng mới rời khỏi xe ngựa, im lặng tìm một nơi yên tĩnh.
Hành tung quái dị của nàng khiến Sở Hoan cũng lấy làm lạ, nhưng hắn không tiện hỏi nhiều.
Tri châu tân nhiệm Thông châu là người quen của Sở Hoan, trước kia là
Hình bộ ti Chủ sự phủ Vân Sơn Lam Đình Ngọc. Kiều Minh Đường đã tiến cử y lên Hoàng đế. Lam Đình Ngọc là tâm phúc của Kiều Minh Đường, đương
nhiên không thể tránh khỏi việc được Tổng đốc chú ý tới. Từ sau khi
Triệu Tri châu chết, Thông châu hỗn đoạn một thời gian, cũng may có Từ
Tòng Dương tới tọa trấn, ổn định thế cục. Kiều Minh Đường tiến cử Lam
Đình Ngọc làm Tri châu Thông châu, cuối cùng Hoàng đế đã đồng ý hạ ý
chỉ.
Kiều Minh Đường tiến cử Lam Đình Ngọc, cũng không phải
không có nguyên do. Thông châu dù thường xuyên xảy ra thiên tai, hơn
nữa, kinh tế khó khăn, nhưng từ Quan Tây muốn vào quan nội phải đi qua
nơi này. Cũng là châu duy nhất trên đường vào quan nội tính từ Quan Tây, nên có thể nói Thông châu là nơi hiểm yếu. Dưới thời Triệu Nghiễm
Khánh, xây dựng kinh tế là vấn đề thứ yếu, quan trọng nhất vẫn là duy
trì ổn định Thông châu. Lam Đình Ngọc xuất thân từ Hình bộ ti, lòng quả
cảm cũng có mấy phần, thích hợp dùng trong những thời điểm cục diện hỗn
loạn.
Lam Đình Ngọc và Sở Hoan coi như là bạn cũ. Sở Hoan đi
Tây Bắc nhậm chức, dọc đường đi, Lam Định Ngọc với tư cách là chủ nhân,
không thể tránh khỏi việc nhiệt tình đón tiếp. Đoàn người dừng chân nghỉ ngơi tại Thông châu hai ngày, lại tiếp tục đi Tây Bắc. Lam Đình Ngọc tự mình tiễn ra ngoài thành hơn mười dặm, cứ luôn mồm nói Sở Hoan đi Tây
Bắc phải bảo trọng, nói nhiều lần quá, khiến Sở Hoan có cảm giác tân Tri châu xuất thân Hình bộ ti này hình như còn muốn ám chỉ điều gì với
mình...