Hạ Tủng căm tức liếc nhìn Thái Tương, nhưng do vẫn còn trong dòng xoáy, không cách gì biện luận, nhịn không được nhìn về phía Phạm Trọng Yêm, chỉ mong Phạm Trọng Yêm có thể vì y nói vài câu tốt đẹp. Phạm Trọng Yêm cũng vô cùng khó xử, mới đứng ra khỏi hàng, Triệu Trinh đã nói:
- Được rồi, việc bổ nhiệm Hạ Tủng làm Xu Mật sứ, sẽ bàn bạc kỹ hơn. Chúng khanh gia còn có việc khác không?
Phạm Trọng Yêm bất đắc dĩ dừng lại, Hạ Tủng thấy, trong lòng thầm hận, đột nhiên nghĩ:
- Phạm Trọng Yêm ơi Phạm Trọng Yêm, ngươi cũng trở nên giảo hoạt như vậy, giả vờ biểu hiện đối tốt với ta, lại để phe đảng chơi ta một vố, nếu ta không làm được Xu Mật sứ, rồi các ngươi xem!
Lúc này có người đứng ra nói:
- Khởi bẩm thánh thượng, thần có hai việc muốn bẩm báo.
Thân người người đó trung bình, tuy tuổi đã cao, nhưng vẫn có thể mơ hồ thấy được phong thái tuấn tú, lỗi lạc trên khuôn mặt.
Người bước ra khỏi hàng lại là trọng thần trong triều, tân nhiệm tể tướng Yến Thù.
Yến Thù là một thần đồng, vào thời Chân Tông, lúc mười bốn tuổi đã đỗ tiến sĩ, danh chấn thiên hạ, con đường làm quan ngày sau không có gì trắc trở, có thể nói là một tể tướng phú quý. Phạm Trọng Yêm là môn sinh của ông ấy, mà Phú Bật lại là con rể của ông ấy, trước mắt ba người Yến Thù, Phạm Trọng Yêm, Phú Bật cùng vào Lưỡng phủ, con đường làm quan của Yến Thù có thể nói là rộng mở, nhưng ông ấy vẫn sắc mặt bình thản, khiêm nhường như cũ.
Triệu Trinh hỏi:
- Yến khanh gia chuyện gì khởi bẩm?
Yến Thù đáp:
- Việc thứ nhất chính là Mã Chí Thư mấy lần cầu kiến Thánh Thượng, xin Thánh Thượng xuất binh tiến đánh Ấp La. Mã Chí Thư lưu lại kinh thành đã lâu, thánh thượng cũng nên có câu trả lời. Nếu không, chỉ sợ khó tránh bất mãn.
Triệu Trinh hơi trầm ngâm một chút, không khỏi hỏi Lã Di Giản:
- Lã tướng…khanh thấy thế nào?
Triệu Trinh tuy đăng cơ nhiều năm, nhưng rất tín nhiệm đối với Lã Di Giản, mỗi lần phải lựa chọn, đa phần đều hỏi Lã Di Giản. Một lời vừa nói ra, mới tỉnh ngộ là Lã Di Giản đã từ chức, thần sắc không khỏi ngượng ngùng.
Lã Di Giản sau khi tự từ chức, vẫn luôn giữ vẻ mặt bình tĩnh, nhàn nhạt xem triều đình tranh chấp, nghe thấy Triệu Trinh hỏi, ho nhẹ hai tiếng nói:
- Thánh thượng, thần đã không còn tại vị, vốn không có chức vị gì, không tham dự triều chính, nhưng Thánh thượng có nghi vấn, thần chỉ nói ra cách nghĩ của mình. Việc phía nam rất khó khống chế, nhớ lúc Thái Tổ còn tại thế từng lấy ‘ngọc phủ vạch Đại Độ Hà’ làm giáo huấn, làm gì có việc ‘đức hoá sở cập, man di tự phục’. Ấp La xa xôi, tuy biên thuỳ đang khai chiến, nhưng nếu Đại Tống ta xuất binh, sẽ có nhiều biến đổi vô cùng nghiêm trọng. Nếu thắng thì khó lòng quản lí, còn nếu thua thì rước thêm sỉ nhục. Nếu đã như vậy, không bằng gửi chút lương thảo, quân giáp cho Mã Chí Thư, để y tự giải quyết việc ở Ấp La, nếu làm như thế, không làm mất hoà khí hai bên, cũng xem như là cách để bình ổn.
Triệu Trinh gật đầu, hỏi Chương Đắc Tượng:
- Chương tướng, ý khanh thế nào?
Y vừa rồi xưng nhầm, giờ đưa Chương Đắc Tượng lên, là mang ý xin lỗi.
Chương Đắc Tượng tuổi đã cao, đứng lâu có chút mệt mỏi, nghe thế run run nói:
- Lời Lã…đại nhân, rất có đạo lí.
Triệu Trinh nói:
- Nếu đã không có dị nghị, vậy Yến tướng, do khanh xử lí việc này theo ý Lã đại nhân đã đưa ra.
Quần thần đều đang nghĩ việc ở kinh thành, làm sao để ý đến Ấp La, nên từ từ bỏ qua việc này. Yến Thù gật đầu đáp:
- Thần tuân chỉ. Thần muốn bẩm báo việc thứ hai, là liên quan đến việc Tây Hạ nghị hoà. Thánh thượng, Nguyên Hạo sớm phái Một Tàng Ngoa Bàng đến trước để nghị hoà, nhưng thánh thượng vẫn chưa gặp qua người ngày, nếu hiện nay đã xúc tiến việc cải cách, việc nghị hoà dường như cũng nên có kết luận rồi.
Triệu Trinh gật đầu nói:
- Nếu đã vậy, tuyên Một Tàng Ngoa Bàng vào điện.
Y tuy có ý nghị hoà, nhưng cứ trì trệ không gặp Một Tàng Ngoa Bàng, chỉ muốn thừa dịp thay đổi chức vụ của triều thần hôm nay xem phản ứng của đám người Yến Thù.
Không bao lâu, có cung nhân xướng lên:
- Sứ giả Tây Hạ Một Tàng Ngoa Bàng diện thánh.
Quần thần xoay đầu lại nhìn, nhìn thấy hai người theo cung nhân tiến lên điện. Người đi đầu dung mạo thô tục, cử chỉ lỗ mãng, để một chòm râu dê, bên miệng còn có nốt ruồi đen, nhìn thấy thật chán ghét.
Sau Một Tàng Ngoa Bàng đi theo một người, xem bộ còn thuận mắt. Người đó trên mặt mang theo nụ cười, cùng với Một Tàng Ngoa Bàng tiến vào điện Văn Đức, bị mọi người nhìn, nét cười vẫn không giảm như cũ.
Một Tàng Ngoa Bàng đến trước điện, hành lễ của sứ giả, đĩnh đạc nói:
- Sứ thần Đại Hạ Một Tàng Ngoa Bàng tham kiến thiên tử Đại Tống. Thiên tử Đại Tống, hôm nay ngài tìm ta đến có phải muốn thương nghị việc nghị hoà?
Mọi người nhìn thấy Một Tàng Ngoa Bàng như vậy, đều khinh thường, thầm nghĩ sứ thần di man, tôm tép nhãi nhép. Có không ít bá quan biết rõ Một Tàng Ngoa Bàng, Một Tàng Ngoa Bàng quả thật cũng được xem như là quốc cựu của Hạ quốc, nhưng cái danh xưng quốc cựu này cũng không có gì đáng nói.
Thì ra Một Tàng Ngoa Bàng vốn là anh của Một Tàng thị-thê tử của Dã Lợi Ngộ Khất. Thiên Đô vương Dã Lợi Ngộ Khất sau khi bị Địch Thanh chặt mất cánh tay, bị Nguyên Hạo phái đến Sa Châu, nhưng không lâu sau, Nguyên Hạo trong một lần săn bắn, tình cờ gặp Một Tàng thị, bị mỹ mạo của Một Tàng thị làm rung động, cấu kết ở cùng với Một Tàng thị.
Dã Lợi Ngộ Khất tại Sa Châu, không thể làm được gì, mà tên Một Tàng Ngoa Bàng này không cảm thấy thẹn vì việc này, ngược lại còn dương dương tự đắc, càng dựa hơi để thăng chức, thậm chí còn được phái đến nghị hoà. Tống thần xưa nay xem thường Nguyên Hạo, tuy mấy lần bị Nguyên Hạo đánh bại, nhưng từ trong xương vẫn luôn ý thức thiên triều Đại Tống, trông thấy Một Tàng Ngoa Bàng như thế, càng thêm khinh miệt.
Quần thần cùng nhìn Một Tàng Ngoa Bàng, chỉ có Địch Thanh là đang quan sát người bên cạnh Một Tàng Ngoa Bàng. Vừa rồi lúc người đó đi qua bên cạnh Địch Thanh, cũng nhìn hắn một cái, Địch Thanh thấy người này điềm đạm cô đọng, tuy nhìn có vẻ văn nhã, nhưng bước chân nhẹ nhàng, linh hoạt mà vững chắc, biết được người này có lẽ là một cao thủ võ thuật, không khỏi âm thầm để ý. Lại nhìn thấy người đó đứng bên cạnh Một Tàng Ngoa Bàng, tuy không cử động, nhưng cử chỉ vô cùng nhẹ nhàng, điềm đạm...
Nét mặt tươi cười, cử chỉ điềm đạm? Trong lòng Địch Thanh hơi chấn động, nghĩ đến một người, chau mày.
Triệu Trinh trên long ỷ nhìn thấy Một Tàng Ngoa Bàng không biết lễ nghĩa, trong lòng không vui, nhưng không muốn mất phong độ trước mặt triều thần, vẫn bình tĩnh nói:
- Một Tàng Ngoa Bàng, Tây Bắc chiến loạn đã lâu, bá tánh cực khổ, trẫm không nhẫn tâm để bá tánh vô tội chịu khổ, vừa hay chủ ngươi cầu hoà, do đó chủ ngươi chỉ cần đáp ứng vài điều kiện, trẫm sẽ không khơi lại chiến sự…
Trong khi nói, nháy mắt với Yến Thù.
Yến Thù hiểu dụng ý của Triệu Trinh, một bên nói:
- Chỉ cần Triệu Nguyên Hạo đảm bảo không dấy binh, lui về phía tây Hoành Sơn, hai nước giao hảo như Triệu Đức Minh, ta sẽ không nhắc lại chuyện cũ, đồng ý việc nghị hòa.
Quần thần nghe vậy đều gật đầu. Đại Tống tuy hai lần thua nước Hạ, nhưng ở Biện Kinh trong mắt quần thần, Nguyên Hạo chẳng qua chỉ là tên gia nô được ban họ Triệu, không có tư cách ngồi ngang hàng với Đại Tống, chỉ cần Nguyên Hạo giống với cha y, Đại Tống cảm thấy có thể chấp nhận tình hình trước mắt. Những điều kiện này quả thật cùng với kết quả thương nghị của Triệu Trinh và Lưỡng phủ chỉ cảm thấy không thể tốt hơn nữa, càng cho rằng Tây Hạ không có lí do gì từ chối.
Không ngờ Một Tàng Ngoa Bàng cười ha ha, trong điện Văn Đức nghiêm trang, lộ rõ dáng vẻ vô cùng ngang ngược.
Yến Thù cau mày nói:
- Một Tàng sứ giả, vì sao ngươi cười?
Một Tàng Ngoa Bàng sau khi cười, ngạo mạn nói:
- Cái loại điều kiện áp bức này, ngươi để nước Hạ bọn ta làm sao chấp nhận?
Văn võ bá quan triều Tống đều chau mày, không kìm được xem lại điều kiện đàm phán, Yến Thù không thể tiếp tục kiên nhẫn hỏi:
- Vậy theo ngươi, muốn điều kiện gì?
Một Tàng Ngoa Bàng đưa ba ngón tay nói với Triệu Trinh:
- Nếu muốn đàm phán, các ngươi phải đáp ứng nước ta ba điều kiện.
Sắc mặt Triệu Trinh trầm xuống, trong lòng không vui. Y thấy Nguyên Hạo chủ động đến cầu hoà trước, cố ý ra vẻ bình thản không gấp, muốn để sứ giả nước Hạ lo lắng. Đợi đến hôm nay mới tìm Một Tàng Ngoa Bàng, vốn muốn thể hiện quốc uy của Đại Tống, biểu thị ân sủng của Đại Tống. Theo Triệu Trinh thấy điều kiện Yến Thù đề ra vô cùng khoan dung, làm gì nghĩ đến đây lại là kẻ vô lại như vậy, còn muốn nêu điều kiện với bọn họ?
Trước mắt rốt cục là ai muốn cầu hòa?
Yến Thù đã thấy Triệu Trinh không vui, còn có thể giữ bình tĩnh, chau mày nói:
- Nghị hoà, nghị hoà, bây giờ lấy việc nghị hoà làm chính. Các ngươi có thỉnh cầu gì, nói ra nghe xem thế nào.
Một Tàng Ngoa Bàng không có thời gian làm văn làm chương với Thù Yến, lập tức nói:
- Yêu cầu thứ nhất, đương nhiên là mở lại các tràng ở biên thuỳ Tây Bắc, hồi phục giao dịch của hai nước trước giờ.
Bá quan văn võ trong triều trong lòng buồn cười, biết được việc Tây Hạ mở rộng, phá huỷ giao dịch của hai nước, mất nhiều hơn được, cuối cùng bây giờ lại vội.
Yến Thù gật đầu:
- Vậy yêu cầu thứ hai?