[ Đây là sức mạnh của vẽ rồng điểm mắt sao?!!! ]
Cuối tuần, Tiết Trầm dậy sớm. Vì chuẩn bị leo núi, cậu thay một bộ đồ thể thao nhẹ nhàng, tự cảm thấy hành động này rất giống con người bình thường.
Trình Hàm thấy vậy tò mò hỏi: "Cậu đi tập thể dục à?"
Điều này rất kì lạ, trước kia Tiết Trầm không thích vận động, từ khi trở về từ chuyến thực tập ở làng du lịch lại càng thể hiện rõ ràng đặc điểm của một trạch nam (*), nếu không phải đi học thì nửa bước cũng không rời kí túc xá.
(*) Trạch nam: thường được dùng để miêu tả những chàng trai chỉ thích ở trong nhà, lẩn trốn mọi hoạt động bên ngoài (trạch có nghĩa là lẩn trốn).
Cùng lúc, số lần trải nghiệm game của bọn Trình Hàm trực tiếp giảm xuống.
Nếu không có gì thay đổi, khi học kì này kết thúc, phòng ký túc xá của bọn họ có thể được đánh trận đầu tiên của bảng chuyên nghiệp cấp bậc trung bình rồi.
Nghĩ tới thôi đã thấy quá kích thích!
Tiết Trầm vừa mặc áo khoác vừa nói: "Tôi tới chùa Lan Tế một chuyến."
Trình Hàm càng cảm thấy kì lạ: "Cậu còn đi bái Phật sao?"
"Nghĩ gì vậy, trông tôi giống người mê tín lắm à?" Tiết Trầm liếc cậu ta một cái, thuận miệng nói: "Lần trước giúp công ty bắt con cóc thành tinh, hôm nay chùa Lan Tế làm lễ cầu siêu cho nó, tới tham dự."
Trình Hàm:???
Trình Hàm suýt chút nữa phun ra một ngụm máu, người này còn nghĩ mình không mê tín sao?!
Hơn nữa có thể đừng nói chuyện đánh yêu quái một cách bình thản như thế được không, nghe giọng điệu như bị ép phải chơi trò trẻ con nhàm chán vậy!
Thật sự thái quá rồi!
Tiết Trầm không thèm quan tâm Trình Hàm nghĩ gì, thay quần áo xong thì xuống tầng, Giản Lan Tư đã chờ sẵn ở dưới.
Hai người gọi xe tới làng Lan Quang. Chùa Lan Tế nằm trên đỉnh núi, nhưng chiếc xe chỉ chạy đến bãi đỗ ở lưng chừng rồi dừng lại, quãng đường tiếp theo phải tự đi bộ lên.
Giản Lan Tư từ nhỏ đã được rèn luyện để trở thành kỵ sĩ, thể lực tất nhiên không cần bàn, Tiết Trầm lại càng khoan thai, chỉ chốc lát bọn họ đã tới đỉnh núi.
Chùa Lan Tế là địa danh nổi tiếng ở Phù Thành, đến nay đã mấy trăm năm tuổi, là nơi tu hành của biết bao bậc cao tăng qua các triều đại lịch sử, rất có danh tiếng trong nước, nhiều ngôi sao hoặc nhà quyền quý cũng tới đây dâng hương.
Vì là cuối tuần, dọc theo con đường lên núi có không ít du khách hành hương.
Tiết Trầm và Giản Lan Tư bước qua cửa, nhìn thấy một bức tường phù điêu rất lớn.
Phong thủy Trung Quốc rất chú ý đến dẫn khí, khí không thể xông thẳng vào sảnh chính hoặc phòng ngủ, vậy nên khâu quan trọng trong quá trình kiến trúc là đặt một vật ngăn cách ở phía trước, có thể là bức tường phù điêu cũng có thể là bình phong.
Bình thường bức tường ngăn cách không mang tác dụng trang trí, đơn giản chỉ là những viên gạch sắp xếp một cách ngay ngắn chỉnh tề.
Tuy vậy, nhiều người sẽ khắc hình lên khu vực chính giữa và bốn góc xung quanh, chủ yếu là hoa văn cầu an khang thịnh vượng.
Bức tường phù điêu ở chốn chùa chiền lại thường sử dụng họa tiết thiên về Phật giáo, hình "Phật", chữ "Nam mô a di đà Phật", hoặc những hoa văn khác có liên quan.
Chùa Lan Tế rất nổi tiếng trong khu vực, khoảng sân phía trước rộng lớn nguy nga, bức phù điêu cũng đặc biệt oai phong khí thế. Nó gồm 3 phần đế, thân, đỉnh gộp lại cao chừng một trượng(*), bốn góc khắc họa tiết mây báo điềm lành tinh xảo vô cùng.
(*) 1 trường ~ 4,7m
Lúc này, vài du khách tập trung trước bức phù điêu, giống như quan sát chăm chú cái gì đó, còn có người nhỏ giọng thảo luận.
Tiết Trầm và Giản Lan Tư đều không hứng thú xem náo nhiết, vốn định vòng sang bên cạnh rời đi, đúng lúc Tiết Trầm vô tình phát hiện, họa tiết trang trí ở trung tâm kia là một bức "song long hí châu" (*).
(*) Song long hí châu: thể hiện hai con Rồng đang đùa (hoặc tranh đoạt) một viên ngọc lửa (hỏa châu). Trong thần thoại cổ đại Trung Quốc, ngọc Rồng là tinh hoa của Rồng, do Rồng tu luyện mà thành, do đó trong biểu đạt nghệ thuật, hình ảnh hai con Rồng tranh ngọc thể hiện cho nhu cầu vươn tới cuộc sống hoàn mỹ của con người.
Tiết Trầm "Ơ" một tiếng, chân tự động bước về phía đó, bộ dạng bắt bẻ: "Để tôi xem nơi này khắc con rồng như thế nào."
Giản Lan Tư thấy thế bật cười, nghĩ thầm thật đúng là fan hâm mộ của loài rồng, chỉ cần nhìn thấy rồng là nảy sinh hứng thú.
Tới gần hơn, bọn họ nhận ra phù điêu trên bức tường là mới khắc.
Nó được chế tác vô cùng tinh xảo, hai con rồng vươn mình bay vút lên giữa những đám mây báo điềm lành, vuốt rồng oai phong, mũ rồng lộng lẫy, một thân vảy dày hoa lệ không có chút tì vết nào.
Màu sắc của phù điêu lại càng tinh tế hơn, không chỉ có sự phối hợp hài hòa, càng những chi tiết nhỏ càng được vẽ công phu, đặc biệt là vảy rồng dưới ánh nắng mặt trời chiếu rọi dường như trở nên trong suốt sáng bóng, sống động như thật.
Điều tiếc nuối nhất là mắt rồng vẫn trống rỗng, chưa được tô màu.
Làm người không thể không tưởng tưởng, liệu sau khi đôi mắt này được vẽ lên sẽ trông như thế nào nhỉ?
Đến Tiết Trầm là một con rồng chân chính cũng phải ca ngợi: phù điêu này được chế tác không tồi.
Cậu chiêm ngưỡng không ít tác phẩm về loài rồng của người phàm, bọn họ có rất nhiều ảo tưởng, nhưng đại đa số chưa gặp qua con rồng chân chính nào, vậy nên khi vẽ tranh không đủ khả năng biểu hiện ra tất cả vẻ đẹp.
Bức phù điêu này không thể nói là hoàn toàn chân thực, nhưng rất khó để bộc lộ được thần thái của loài rồng chuẩn xác đến thế, hai con rồng rất mạnh mẽ, hung ác tranh chấp cũng không mất đi sự uy nghiêm.
Phía trước phù điêu có một hòa thượng tầm 50 tuổi đang đứng, cầm bút lông trên tay, dưới chân để những công cụ tô màu linh tinh như thuốc màu, cọ vẽ, ống phun...
Hòa thượng vô cùng nhập tâm nhìn chăm chú phần phù điêu khắc hình đầu rồng, đi qua đi lại một lúc lâu nhưng chưa đụng tay vẽ chút nào, tựa như bản thân sắp trở thành một hoa văn điêu khắc phản chiếu trên đó.
Giản Lan Tư thấy thế có điều không hiểu, hỏi Tiết Trầm: "Đây là phương pháp thiền tịnh của Phật giáo sao?"
"Không phải, nhưng có vẻ sắp tới giai đoạn đó rồi." Tiết Trầm nói, cũng có vài phần bất ngờ, "Tâm trạng của lão hòa thượng không tệ đâu."
Xem ra chùa Lan Tế quả thực là địa linh nhân kiệt (*), tuvi của hòa thượng kia rất cao.
(*) địa linh nhân kiệt: đất linh thiêng thì sinh người hào kiệt.
Du khách phần lớn không dừng lại, hoặc vì lí do gì đó mà liếc qua một cái rồi đi luôn, cũng có người thường xuyên hành hương tới đây, thấy thế cười nói: "Đại sư Cẩn Tuệ, ông đã cân nhắc đôi mắt rồng cả một tháng rồi mà vẫn chưa nghĩ ra sao?"
Bên cạnh có người nghe vậy tò mò hỏi: "Thì ra đại sư vẫn luôn buồn rầu vì đôi mắt này ư?"
Người nọ nói: "Cũng không hẳn, bức tranh điêu khắc này đã được tô màu xong từ một tháng trước, nhưng chậm chạp chưa hoàn thành đôi mắt rồng. Đại sư Cẩn Tuệ nói, mắt rồng là mắt thần, phải cân nhắc thật kĩ, nhưng đã một tháng trôi qua vẫn không nghĩ ra... Tôi nói này đại sư, vấn đề đó thực ra không quan trọng lắm đâu mà."
Người này rất hay lảm nhảm, cứ bắt đầu tán gẫu là giống như mở máy phát nhạc liên tục không ngừng, tiện thể giúp người bên cạnh phổ cập kiến thức về bức phù điêu.
Thì ra là bức tường phù điêu cũ ở chùa Lan Tế đã được khắc từ rất lâu đời, đến bây giờ bị phong hóa ăn mòn mạnh mẽ, vài ngày trước có một doanh nhân công tác thuận lợi, lúc tới chùa lễ tạ thần linh đã quyên góp tiền để chế tác một bức phù điêu mới.
Trùng hợp thay, đại sư Cẩn Tuệ, tức là hòa thượng lớn tuổi trước mắt vốn là một thợ thủ công điêu khắc nổi tiếng.
Nghe nói sư Cẩn Tuệ xuất thân nghèo khó, từ nhỏ đã học chế tác phù điêu, lúc ấy chủ yếu điêu khắc cho chốn chùa miếu hoặc những nhà giàu có tin vào đạo Phật. Trong quá trình làm việc, đại sư tiếp xúc gần với Phật pháp, sau đó vừa khéo có duyên có phận quyết định quy y cửa Phật.
Sau khi xuất gia, đại sư Cẩn Tuệ vẫn duy trì niềm đam mê với vẽ khắc phù điêu, hơn nữa có lẽ do tu vi tăng cấp, thành tựu ngày một cao, trong tác phẩm càng nhiều phần thiền ý, vô cùng được ngưỡng mộ trong vòng nghệ thuật và vòng tín ngưỡng Phật giáo.
Vì vậy nên công việc chế tác bức tường phù điêu mới đương nhiên do đại sư Cẩn Tuệ chủ trì.
Bức phù điêu này nằm ngay trong sân lớn đối diện cổng chính, đại sư Cẩn Tuệ cực kỳ coi trọng, chỉn chu từ khâu thiết kế, tuyển chọn người tài giỏi về điêu khắc, một mình đảm nhận việc tô màu.
Hình mẫu song long hí châu cũng là do đại sư Cẩn Tuệ tự lựa chọn. Phật gia có tám Long Vương cao quý và rất nhiều truyền thuyết liên quan, chùa miếu nào cũng chạm khắc hình rồng, điều này không có gì đặc biệt.
Vấn đề ở chỗ, phù điêu tại chùa Lan Tế chế tác đã được một thời gian, công tác tô màu cũng hoàn thành từ tháng trước, lẽ ra bây giờ có thể đưa vào sử dụng, nhưng đôi mắt trống rỗng vẫn chậm chạp chưa được vẽ màu.
Khách hành hương quen biết người trong chùa tò mò hỏi thăm, thì ra đại sư Cẩn Tuệ cho rằng mắt rồng là nơi linh hồn cao quý hội tụ, nếu vẽ không đẹp sẽ trực tiếp ảnh hưởng tới hiệu quả cuối cùng, để thận trọng ông đã tham khảo rất nhiều tranh ảnh tài liệu, nhưng không tìm được phương án hài lòng nên tới nay vẫn chậm chạp không chịu tô màu.
Nghe xong nguyên nhân này, có người tỏ vẻ ngưỡng mộ đại sư, cũng có người không tán thành: "Chỉ là đôi mắt thôi mà? Có thể khó đến mức nào cơ chứ, những nơi khác trong chùa cũng có tranh vẽ rồng, tôi thấy rất đẹp mà."
"Đúng thế, chỉ vì đôi mắt mà lãng phí cả tháng trời quả thực không đáng."
"Bức phù điêu đã được chế tác tinh tế như vậy, đôi mắt làm sao có thể kém được, tôi thấy chỉ cần mang tính tương đối thôi là đã ổn rồi, đại sư còn muốn vẽ cho rồng sống dậy à?"
Có người thấy vậy trêu chọc, "Chẳng lẽ đại sư nghe truyền thuyết cổ vẽ rồng điểm mắt nên bị lừa rồi?"
Vẽ rồng điểm mắt là truyện xưa của họa sĩ Trương Tăng Dao thuộc thời kì Nam Bắc triều. Truyền thuyết kể rằng, Trương Tăng Dao vẽ bốn con rồng trên bức tường của Kim Lăng An Lạc Tự, nhưng không hề vẽ mắt. Có người hỏi, ông ta nói: "Vẽ mắt rồng sẽ bay đi."
Mọi người cho rằng lời nói của ông là hoang đường, vô căn cứ, nên kiên quyết thỉnh mời ông vẽ thêm mắt. Một lúc sau khi vẽ xong, sét đánh đổ tường, hai con rồng được vẽ thêm mắt cưỡi mây bay lên trời. Chỉ còn lại hai con rồng không vẽ mắt vẫn ở trên tường.
Câu chuyện này được lưu truyền rộng rãi ở Hoa Hạ, mọi người đều biết đến kỹ nghệ vẽ tranh điêu luyện tinh vi của Trương Tăng Dao.
Bây giờ nhắc tới câu chuyện này, không khỏi kèm theo vài phần chế nhạo.
Đại sư Cẩn Tuệ đúng là đạt được nhiều thành tựu lớn trong nghệ thuật, nhưng cứ cố chấp với đôi mắt rồng nhỏ bé như thế, người ngoài nhìn vào cảm thấy ông cho rằng bản thân ngang hàng với danh nhân thời xưa.
Đại sư Cẩn Tuệ không hổ là cao tăng, dù đám người kia vây quanh bàn tán, ông vẫn bất động như núi, chìm trong suy nghĩ của chính mình.
"Bọn họ biết cái gì, tôi đồng ý với lão hòa thượng." Tiết Trầm quay đầu nói với Giản Lan Tư, "Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, chưa từng nghe đến à? Đôi mắt của rồng rất quan trọng, dù cho vẽ mắt đẹp cũng không làm rồng sống dậy, nhưng vẽ xấu chắc chắn sẽ chết."
Giản Lan Tư nghi hoặc: "Sẽ chết?"
Tiết Trầm nghiêm túc: "Sẽ bị tôi phun chết."
Giản Lan Tư: "......"
Lúc này, một hòa thượng trẻ tuổi đi tới, dẫn theo một người đàn ông chừng 40 tuổi.
Người đàn ông kia mặc Âu phục rất sang trọng, cầm một chuỗi Phật châu trên tay, trông không giống khách hành hương, trực tiếp tiến về phía đại sư Cẩn Tuệ, sang sảng cười nói: "Đại sư, ông vẫn chưa vẽ xong con rồng này à?"
Bị người kia cản trở, đại sư Cẩn Tuệ cũng cử động thân người, chắp tay trước ngực gọi Phật hiệu của anh ta: "Chu thí chủ, lại gặp mặt rồi."
"Hình như đại sư quá nghiêm trọng hóa vấn đề rồi, trên đời có câu "chỉ cần thành tâm sẽ được thần linh chứng giám", có tấm lòng là được rồi mà." Người đàn ông cười nhạo, liếc phù điêu một cái, lại nói: "Tôi đặt bức phù điêu này cho pháp hội, bây giờ còn vài ngày liệu có kịp hoàn thành không?"
Thì ra người đàn ông này là doanh nhân đã quyên góp tiền để trùng tu lại bức tường phù điêu, tên là Chu Hội Giang. Chu Hội Giang cũng đã đặt trước một bàn lễ cầu phúc tại pháp hội chùa Lan Tế, muốn bức phù điêu có thể hoàn thành sớm một chút.
Trên mặt đại sư lộ ra vẻ khó xử, do dự một lúc, cuối cùng thở dài: "Bần tăng sẽ cố gắng hết sức."
Việc chế tác bức phù điêu này quả thực đã kéo dài rất lâu, hiện giờ Chu Hội Giang tự mình đến thúc giục, Cẩn Tuệ thật sự không thể tiếp tục trì hoãn, chỉ biết trước mắt nhận lời.
Lúc này Chu Hội Giang mới thở phào nhẹ nhõm, lại nói: "Đại sư đứng trước bức tường cả một ngày dễ khiến cho khả năng sáng tạo bị gò bó, hay là chúng ta đến phòng thiền nghỉ ngơi chút, thay đổi tâm trạng."
Cẩn Tuệ gật gật đầu: "Cũng được."
Ông đưa bút lông cho hòa thượng nhỏ tuổi vừa đến, cùng Chu Hội Giang vòng ra phía sau.
Vừa lúc Tiết Trầm và Giản Lan Tư thấy đã đến thời gian tham dự lễ cúng bái của Kim Vọng Nguyệt, cũng tránh đám người kia, vòng ra phía sau bức tường.
Đường bên kia không rộng lắm, hai người Tiết Trầm gặp đại sư Cẩn Tuệ, đại sư cũng rất khách khí nhường một bước: "Mời thí chủ đi trước..."
Nói một nửa, Cẩn Tuệ bỗng dưng sửng sốt, đôi mắt trừng lớn, như nhìn thấy thứ gì không thể tin nổi, kinh ngạc và kích động nói với Tiết Trầm: "Chính là thứ này! Đây chính là thứ tôi tìm kiếm bấy lâu!"
Ông vừa nói vừa vươn tay, theo bản năng muốn kéo Tiết Trầm đi, bị Tiết Trầm nhanh nhạy né tránh.
Giản Lan Tư hơi hơi nhíu mày, tiến lên nửa bước, hỏi: "Xin hỏi đại sư có chuyện gì vậy?"
Lúc này Cẩn Tuệ mới bừng tỉnh hoàn hồn, vội vàng chắp tay trước ngực xin lỗi hai người Tiết Trầm, vội vàng hỏi: "Vị thí chú này, có thể ở lại một lát không?"
Chu Hội Giang đứng một bên cảm thấy kì quái: "Đại sư làm sao vậy?"
Vẻ mặt Cẩn Tuệ kích động: "Bần tăng biết phải vẽ đôi mắt rồng như thế nào rồi!"
Chu Hội Giang càng ngày càng không hiểu, vừa đi một lúc đã có linh cảm rồi?
Anh ta nghi hoặc nhìn theo ánh mắt Cẩn Tuệ, bỗng nhiên ngờ ngợ điều gì đó.
Quả nhiên, Cẩn Tuệ chăm chú nhìn đôi mắt của Tiết Trầm, tiếp tục nói: "Bần tăng cho rằng, đôi mắt của rồng sẽ giống như vị thí chủ này."
Phản ứng đầu tiên của Chu Hội Giang là buồn cười: "Đại sư, như vậy không hợp lý lắm. Thầy đã tham khảo biết bao tư liệu vì đôi mắt của rồng, chẳng lẽ hiện tại lại muốn vẽ mắt người thường, như thế không phải lẫn lộn đầu đuôi à?"
Cẩn Tuệ lắc đầu: "Đôi mắt của rồng là nơi hội tụ toàn bộ linh hồn, quan trọng ở thần thái chứ không phải hình dạng. Rồng là thần của vùng nước, đương nhiên đôi mắt sẽ giống như ánh trăng sáng chiếu rọi trên mặt biển, nhìn thấu mọi hỗn loạn chốn hồng trần. Bần tăng từ trước tới giờ không miêu tả nổi sự tinh tế đó, đúng là chưa thật sự nhìn thấy thì không thể tưởng tượng được. Nhưng thí chủ nhìn đôi mắt của người này..."
Cẩn Tuệ không giấu nổi kích động, khiến Chu Hội Giang phải quay sang quan sát.
Giản Lan Tư đã chiêm ngưỡng đôi mắt của Tiết Trầm rất nhiều lần, lúc này cũng không nhịn được nhìn thêm một lúc.
Anh vẫn luôn cảm thấy đôi mắt của Tiết Trầm rất đẹp, nhưng Cẩn Tuệ hình dung về cậu như thế, anh mới kinh ngạc nhận ra, đôi mắt của Tiết Trầm bây giờ càng thêm động lòng người.
Con ngươi kia đen tuyền mà sáng bóng, dưới ánh sáng chiếu vào càng trong suốt như lưu ly, tựa như nhìn thấu mọi chuyện trên đời. Đôi mắt sâu không thấy đáy, cất chứa trong đó cả một đại dương bao la rộng lớn, thực sự tương xứng với câu "cả ngàn viên ngọc trai cũng không tỏa sáng bằng."
Không biết có phải ảo giác hay không, Giản Lan Tư cảm thấy ở bên cạnh Tiết Trầm một thời gian, khí chất của Tiết Trầm có sự thay đổi, so với lần đầu gặp nhau dường như càng ngày càng có linh khí.
Thật ra đây là do hồn phách của Tiết Trầm đã dần dần thích nghi với thân thể này.
Dáng vẻ của thân chủ khá giống hình người mà Tiết Trầm luyện ra, Tiết Trầm càng khôi phục hồn phách, thân xác này càng gần với hình người của cậu.
Mắt của Tiết Trầm chính là đôi mắt loài rồng thực thụ.
Tiết Trầm cảm thấy hòa thượng lớn tuổi không hổ là cao tăng, quả nhiên rất biết nhìn người, chỉ khẽ cười nói: "Đại sư xem xong chưa? Tôi còn có việc."
"Bần tăng thất lễ rồi." Cẩn Tuệ cúi người thật sâu.
Ngoài miệng nói vậy, vừa bái xong, ông mặc kệ những người xung quanh nghĩ thế nào, lập tức chạy như bay về phía bức tường phù điêu.
Chu Hội Giang: "......?
Chu Hội Giang nhanh chóng đi theo, vừa đến nơi đã thấy Cẩn Tuệ nhặt bút lên chấm vào thuốc màu, bắt đầu vẽ đôi mắt.
Hình ảnh Cẩn Tuệ thẫn thờ đứng trước bức phù điêu khô màu hơn một tháng sớm đã trở thành khung cảnh quen thuộc của chùa Lan Tế trong mắt khách hành hương qua đây, bây giờ sư thầy bắt đầu động bút, mọi người đều vô cùng kinh ngạc, sôi nổi chạy tới xem. Chỉ trong chốc lát, bừng tường phù điêu đã thu hút kín người vây quanh.
Chu Hội Giang không ngờ Cẩn Tuệ thực sự tham khảo đôi mắt người trẻ tuổi kia để vẽ mắt rồng, nhất thời nóng nảy, muốn khuyên can, nhưng nhìn thấy nơi Cẩn Tuệ đặt bút lại vô cùng sửng sốt, thu tất cả những lời muốn nói về.
Cẩn Tuệ có ý tưởng, nét bút đưa nhanh hơn rất nhiều, màu chồng lên màu, một lát sau, đôi mắt kia đã toát lên thần thái.
Trong sáng linh động, như châu như ngọc.
Thật ra hình dạng đôi mắt này không giống người trẻ tuổi kia, nhưng đều trơn bóng và sáng lấp lánh. Chỉ cần ánh mắt trời chiếu xuống sẽ thấy ngay điểm trùng hợp.
Người vây xem cũng rất bất ngờ, vốn quen thuộc với hai con rồng này, cùng đã từng suy nghĩ hình ảnh của chúng sau khi vẽ mắt xong.
Nhưng sự thật vẫn vượt quá sức tưởng tượng của bọn họ.
"Đại sư lợi hại! Đôi mắt này quá giống thật rồi!"
"Thần thái quá đi! Đôi mắt không lớn nhưng đem đến cảm giác thực sự thâm sâu, giống như chứa đựng cả một đại dương bao la vậy!"
"Là ảo giác của tôi sao? Tôi cảm thấy sau khi có đôi mắt, con rồng tựa như đang sống lại!"
"Đừng đùa, nếu sấm sét đánh tới, có khi nào hai con rồng sẽ thật sự bay lên giống như truyện xưa không?"
Vừa dứt lời, trên trời vang lên một tiếng "ẦM" cực lớn, là một đợt sấm sét không biết vì sao mà nổ tung, âm thanh bàn tán đột nhiên im bặt.
Mọi người đều hoảng hốt, cùng nhau ngẩng đầu, nhưng bầu trời vẫn một vẻ xanh trong, không có dấu hiệu mưa rền gió dữ, đợt sấm sét này thực khác với lẽ thường.
"Má nó —— thật sự có sét đánh?!!!" Lập tức có người không quan tâm đến chốn chùa chiền thanh tinh mà nói tục.
"Má! Đây là sức mạnh của vẽ rồng điểm mắt sao?!!!"
"Có phải con rồng kia chuẩn bị bay lên không??"
Mọi người không hẹn mà cùng nhìn bức phù điêu.
Chỉ thấy hai con rồng sống động như thật, bay lượn giữa những áng mây báo điềm lành, đôi mắt tinh xảo như ngọc lưu ly, tựa như ẩn chứa cả một vùng non nước, nhìn thấu hỗn loạn chốn hồng trần.
Nhưng vẫn chỉ nằm im trên bức tường chứ không bay đi.
Tuy vậy, tiếng sấm kia đủ làm lòng người chấn động, không thể lãng quên, chắc chắn sẽ trở thành truyền thuyết mới tại chùa Lan Tế.
Chu Hội Giang cũng không dám tin, thấp giọng lúng tung: "Người trẻ tuổi kia là ai mà có đôi mắt lợi hại như vậy?"
Tiểu hòa thượng nhỏ tuổi lộ vẻ nghi hoặc, nhỏ giọng hỏi dò Cẩn Tuệ: "Thầy vẽ rồng gì vậy? Sao lại có sấm sét vang lên?"
Cẩn Tuệ cũng cảm thấy khó hiểu, tất nhiên không cho rằng việc bản thân vẽ thêm mắt có thể khiến rồng sống dậy, nhưng sấm sét vang lên khiến đầu óc choáng váng, rốt cuộc chỉ nói: "Có lẽ là trùng hợp."
————
Phía bên kia, Tiết Trầm và Giản Lan Tư đã đến nơi cúng bái.
Bước vào điện thờ, đột nhiên Giản Lan Tư nghe được tiếng sấm khác thường, dừng một chút, quay đầu nhìn Tiết Trầm: "Cậu tạo sấm à?"
"Là Phục Ba Quân." Tiết Trầm vung tay, hợp tình hợp lý nói, "Con cóc kia muốn gặp long uy phải không? Tạo sấm sét cho ông ta cảm nhận chút."
Giản Lan Tư: "......"
Đây là đỉnh núi mà.
Giản Lan Tư bất đắc dĩ nhắc nhở: "Sét đánh là được rồi, không cần thêm lửa đâu."
Phục Ba Quân thân là một con rồng, mỗi ngày bảo Tiết Trầm tạo sấm sét là để làm gì vậy?
————————
Tác giả nói ra suy nghĩ của mình:
Các hòa thượng chùa Lan Tế: Rốt cuộc sư thầy vẽ loại rồng nào trên bức tranh vậy?
Cẩn Tuệ:??? Oan uổng! Đây chỉ là con rồng bình thường thôi mà!
Tiết Trầm:...... Cảm ơn vì lời khen, bổn long biết bản thân có rất nhiều tài nghệ.