Đó là một buổi chiều nắng đẹp, không quá chói chang cũng không quá mờ nhạt. Một buổi chiều trời thưởng cho các thi nhân. Nhưng không phải cứ trời đẹp là tất cả mọi thứ bên dưới nó đều đẹp. Trong khu rừng già nọ, cách kinh thành không xa lắm, có mười mấy xác người chết nằm ngổn ngang. Và có lẽ vì sợ mấy cái xác đó làm mất thẩm mỹ quá ảnh hưởng đến cảnh, nên trời cũng cho họ chết một cách rất đẹp: không máu, không vết thương.
Ừ thì tóm lại là cái bọn mặc đồ đen từ đầu đến chân ấy chết ngắc rồi, mặc kệ lý do đi. Chúng ta hãy đi sâu vào thêm chút nữa, nơi có con suối trong vắt trải lụa cho thần nắng bước đi, nơi có những cây cổ thụ cùng gió nâng niu mơn trớn bộ lông óng mượt của những chú chim, nơi có hai con tuấn mã được cột cạnh nhau, đang thì thầm gì đó trống rất vui vẻ. Hãy đến bên bờ suối này để chứng kiến sự bắt đầu của một giấc mơ.
“Cảm ơn lúc nãy huynh đã cứu tôi.”
“Đừng có nói cảm ơn mãi thế, chán lắm, muốn thì cám ơn gương mặt của cậu kìa.”
“Gương mặt tôi?”
“Nếu cậu sứt môi lé mắt, xấu xí thô kệch thì tôi bỏ mặt rồi”
Chàng cười, chắc nghĩ y đang đùa.
“Mà sao bọn đó tấn công cậu?”
“Chắc là vì cái này.” – chàng lấy trong áo ra một xấp ngân phiếu – “Ra ngoài không nên đem nhiều ngân phiếu hả?”
“Còn phải hỏi!?” – y cười. Nếu bảo y tin bọn sát thủ chuyên nghiệp kia hùa nhau tấn công một gã dáng vẻ thư sinh chỉ vì mớ ngân phiếu đó, thì chả khác nào bảo con cá đang bay lượn trên trời, con chim đang bơi tung tăng dưới nước. Có vẻ chàng cũng biết y không tin nhưng không muốn giải thích nhiều. Y phải công nhận gã đứng trước mặt mình giỏi tài ứng biến.
“Tôi đền ơn huynh bằng cách nào đây?”
“Trao thân cho tôi đi?”
“Hả?!”
Chàng trợn tròn hai mắt, bất giác lùi về sau một bước. Y thì ôm bụng cười. Trông mặt chàng lúc này ngố hết sức.
“Đùa thôi mà, làm gì phản ứng ghê vậy?”
“Tôi đang nghiêm túc!” – chàng đỏ mặt.
“Vậy hôn nhé?”
“Huynh…!” – màu đỏ lan tới tận mang tai.
“Thôi thôi, không đùa nữa. Ơn nghĩa gì đâu, như đã nói, tôi cứu cậu chỉ vì gương mặt thôi.”
“Tại sao?”
“Làm đau người đẹp là tội đáng chém đầu. Bọn lúc nãy vi phạm vào nguyên tắc của tôi, thấy bực mình nên mới giết họ thôi!”
“Người đẹp? Tôi là nam nhân mà?”
“Bộ có sách nào nói “người đẹp” chỉ dành cho đàn bà hả?”
“Hình như không…Thôi chết! Tôi phải về.” – chàng ngước nhìn trời – “Ba ngày sau huynh rãnh chứ? Tôi sẽ chờ huynh ở đây, nếu huynh nghĩ ra được thích thứ gì thì cứ nói, chỉ cần trong khả năng tôi nhất định sẽ làm.”
Chàng bước nhanh lại chỗ con bạch mã, phóng đi mất trước khi y kịp mở miệng phản đối.
“Thiệt tình, ít nhất cũng phải để người ta nói là rảnh hay không đã chứ!”
Y cằn nhằn. Bận thì y chẳng bận việc gì rồi, nhưng y sẽ không đến đâu. Y rất mau chán, chưa chắc ba ngày sau đã còn ở kinh đô. Quả thật chàng rất khôi ngô tuấn tú, nhưng trước giờ ‘người đẹp’ cũng như một đoá hoa, chỉ đủ sức khiến y dừng lại ngắm một chút, rồi thôi. Y cũng như cơn gió, không bức tường hay đoá hoa nào cản nổi bước chân.
.
.
.
“Cứ tưởng cậu quên rồi chứ!”
“Sao được? Chính tôi hẹn huynh mà!” – chàng ngồi xuống cạnh y – “Huynh nghĩ ra được mình muốn thứ gì chưa?”
“Trước giờ tôi không đặc biệt thích thứ gì cả”
“Chán thế!”
“Vậy cậu thích gì?” – y buộc miệng hỏi
“Chẳng gì đặc biệt cả” – chàng bình thản đáp
“Vậy cũng giống tôi rồi”
“Ừ” – chàng cười. Y phải khẳng định lần nữa chàng đúng là một mỹ nam tử.
“Trông cậu có vẻ mệt?”
“Tại công việc nhiều quá, may là xong kịp để đến đây”
“Sao cậu không ngủ ở nhà cho khoẻ?”
“Làm người không nên thất hứa” – chàng vươn vai – “Với lại ở đây có núi rừng, chim thú, chẳng phải thoải mái hơn là căn phòng tẻ nhạt với một cái giường à?”
“Cậu thật kỳ lạ!”
“Kỳ lạ?”
“Đúng”
“Sao lại kỳ lạ?”
“Vì cậu kỳ lạ” – y trả lời lan man. Làm sao y biết được chứ? Nếu biết thì y đã giải thích được cái lý do vì sao y vẫn còn ở kinh thành và lê thân đến đây từ sớm để đợi chàng.
“Huynh cũng là một người kỳ lạ”
Chàng nhún vai, ngắm nhìn dòng suối trong vắt luồn qua ngách đá, lắng nghe tiếng chim hót thành những điệu nhạc vu vơ.
“Huynh có vẻ buồn?”
“À, tôi mới bị đá.”
“Đá?”
“Một tiểu mỹ nhân cãi nhau với người yêu, tôi đứng ra giả làm người tình mới để giúp nàng ấy chọc tức gã kia. Giờ họ hoà rồi thì tôi được gọi là “bị đá”, không phải sao?”
“Huynh thích tiểu thư đó?”
“Không.”
“Vậy sao lại buồn?”
“Vì bây giờ chẳng có chuyện gì làm.”
“Tôi lại cứ nghĩ huynh vì nàng ta”
“Ha, không đâu! Trước giờ mỹ nhân tự tìm đến tôi, họ không chán thì tôi cũng tự thấy chán mà bỏ đi. Hơn nữa người đẹp chỉ để nhìn chứ không nên chạm vào, chạm vào là thấy họ hết đẹp ngay”
“Sao vậy?”
“Vì cậu sẽ phát hiện ra muôn ngàn cái xấu của họ”
“Huynh chưa yêu ai à?”
“Có chứ, tôi yêu tất cả mỹ nam mỹ nữ trên đời này”
“Huynh vẫn chưa biết yêu” – chàng khẳng định.
“Thế theo cậu sao mới gọi là biết yêu?”
“Khi trong mắt huynh chỉ một người là quan trọng, khi huynh làm bất cứ gì cũng nghĩ về người ấy, khi huynh thấy tất cả mọi thứ ở người ấy đều đẹp, dù là cái xấu.”
“Xấu cũng thấy đẹp? Hơi bị khó à, với tôi cái đẹp là trên hết.” – y cười đùa.
“Bởi thế mới nói huynh vẫn chưa biết yêu.”
“Cậu biết rồi à?”
“Chưa.”
“Hahaha! Nói chuyện với cậu thú vị thật.”
“Vậy à?”
“Ừ.”
“Tôi phải về. Năm ngày sau huynh rảnh chứ?”
“Có lẽ lúc đó tôi rời kinh rồi.”
“Huynh đi đâu?”
“Chưa biết. Tôi từng nói mình rất dễ chán mà? Ở hoài một chỗ chắc chết sớm.”
“Huynh chán kinh đô rồi?”
“Không biết. Có lẽ mai sẽ chán.”
“Năm ngày sau tôi chờ huynh ở đây.” – chàng cười
“Này, tôi…”
Y chưa nói hết câu chàng đã phóng ngựa đi mất.
“Một tên kỳ lạ”
Y lẩm bẩm. Dù sao cũng chả có việc gì làm, y lấy tiêu ra thổi, suy nghĩ xem mình sẽ đến đâu khi rời kinh thành.
Rồi năm ngày sau, có một gã nào đó phi ngựa đến khu rừng già nọ từ sáng sớm, ngồi bên bờ suối chờ đợi người thanh niên mang dáng vẻ thư sinh.
Gặp gỡ. Những câu chuyện tầm phào. Và thời gian cứ thế trôi đi…
Này bạn của tôi, bạn tin không, trên đời có những cuộc trò chuyện tuy ngắn nhưng vẫn đủ ám ảnh người ta đến suốt đời.
“Cậu đến rồi à?”
“Sao huynh không thổi tiếp đi, đang hay mà?”
“Cậu thấy hay thật hả? Lần đầu tôi thổi bài này”
“Của ai sáng tác vậy?”
“Biết mới nể! Đây là một khúc nhạc dân gian của người miền núi phía Bắc. Khi một người muốn bài tỏ tình yêu, người đó sẽ thổi bài này, nếu người kia chấp nhận sẽ thổi tiếp.”
“Lỡ người kia không biết thổi tiêu thì sao?”