Lúc nhận được điện thoại của cảnh sát, tôi đang hâm sữa.
Gần đây thời tiết chuyển lạnh, mỗi sáng tôi đều là người đầu tiên xuống giường trong nhà, hâm sữa, chuẩn bị bữa sáng xong xuôi rồi mới đi gọi cha mẹ.
Cha mẹ qua đây ở với tôi được một quãng thời gian ngắn, nhưng vẫn không thể thích ứng với sinh hoạt bên này, con người ta càng lớn tuổi thì năng lực thích ứng càng kém đi nhiều, luôn hoài niệm cuộc sống trước đây, mỗi khi cha tôi kể về những chiến hữu tốt của ông, tôi lại khá hổ thẹn, đón bọn họ sang đây là vì thấy tôi với em trai quanh năm đều không ở bên họ, qua đây rồi tôi có thể hầu hạ chăm sóc cho họ hơn, hoàn cảnh bên đây cũng tốt hơn, mà không nghĩ đến, thật ra làm thế là triệt để quấy rầy đến sinh hoạt ban đầu của họ, người càng lớn tuổi càng cần có bạn, cũng càng cần bạn tâm giao, ở chỗ này trừ tôi ra họ không biết ai cả, ra khỏi cửa còn sợ đi lạc đường gây thêm phiền phức cho tôi, cả ngày chỉ quanh quẩn sợ chuyện này chuyện kia cũng không vui nổi, đây là do tôi không suy tính chu đáo.
Khoảng thời gian này tôi vẫn luôn lên kế hoạch ăn một bữa lẩu tại nhà, mấy ngày trước cha còn nói nhớ nồi lẩu đồng của quê hương.
Lúc điện thoại reo tôi đến bắt máy ngay, sợ nó đánh thức cha mẹ giấc ngủ không sâu.
Tôi mừng vì thời điểm đối phương gọi đến cha mẹ không ngồi cạnh điện thoại, cũng mừng vì nhận xong không cần phải lập tức đối mặt với họ, bằng không, giờ khắc này chắc chắn không chỉ mỗi tôi ngồi ở Cục cảnh sát, mà còn có tiếng khóc tan vỡ không tin nổi sự thật của cha mẹ.
Nói đến không tin nổi sự thật, tôi cũng vậy.
Bọn họ báo tin em trai tôi chết rồi, tôi còn tưởng là ai đùa dai hoặc thủ đoạn lừa đảo thịnh hành ở quốc nội, ờ ờ ừ ừ trả lời đối phương xong, cúp điện thoại còn chửi thề một tiếng.
Tôi không thích có người lấy sức khỏe và sinh mạng của người nhà mình ra đùa giỡn, không phải không thích, là căm ghét.
Tôi dọn bữa sáng ra như mọi ngày, rồi đi gọi cha mẹ.
Lúc ăn tôi không nói họ biết về cuộc điện thoại đó, chuyện cười vừa nhạt vừa ác ý ấy không cho họ biết thì tốt hơn.
Rời nhà đến công ty, trên đường đi khi chờ đèn đỏ tôi bỗng thấy hơi hoảng hốt, cầm điện thoại lên gửi tin WeChat cho Bách Lâm.
Hôm qua nó còn nói muốn đi thăm chúng tôi, vì sau khi tôi di cư nó chưa qua lần nào, nó chỉ thấy căn nhà chúng tôi mới chuyển đến sống qua hình ảnh.
Vì lệch múi giờ, tôi hỏi nó có phải đang bận gì không, nhưng mãi đến khi tôi đến công ty họp rồi mà nó vẫn chưa trả lời.
Đây là chuyện rất hiếm thấy, trừ khi nó thật sự bận đến mức không có thời gian xem điện thoại.
Quay lại văn phòng, tôi nhớ đến cuộc điện thoại hồi sáng, lòng hơi cuống.
Tôi biết mình không nên như vậy, không nên đoán em mình có xảy ra chuyện thật không, nó lớn vậy rồi, chắc chắn sẽ chăm sóc bản thân rất tốt.
Từ nhỏ đến lớn, Bách Lâm chưa từng làm người nhà phải lo lắng.
Cho đến giữa trưa, tôi xem giờ, theo lý mà nói nó đã sớm nghỉ làm rồi, tôi gọi điện, tăng ca là chuyện cực kỳ phổ biến, nhưng vì cuộc điện thoại ban sáng mà tâm trạng không yên.
Người bắt máy không phải Bách Lâm, cậu ta nói cậu ta tên Lý Giang Lạc.
Tôi không biết mình làm thế nào để gạt cha mẹ, gắng giữ bình tĩnh ngồi lên máy bay.
Cách trời cách biển, từ bên kia bầu trời bọn họ báo với tôi một sự thật: Em trai tôi chết rồi.
Cái tên Lý Giang Lạc tôi đã nghe qua rất nhiều lần, mỗi một lần đều là từ miệng em trai nói ra.
Lần này thì chính cậu ta nói ra tên mình, kèm theo đó là lời thông báo tử vong.
Tôi vẫn chưa tin, đồng thời cho rằng đây là trò đùa dai, nhưng tôi biết mình phải đi bắt tại trận trò đùa đáng xấu hổ này, tôi không thể nói cho cha mẹ, tôi phải về nước ngay lập tức.
Ngồi mười mấy tiếng trên máy bay, đầu óc tôi đình chỉ suy nghĩ, nó không thể tập trung tinh thần suy xét sự tình dù chỉ một phút giây.
Tôi không thể suy nghĩ, không thể suy xét, chỉ có thể bần thần.
Đây là lần đầu tiên tôi về nước, nhưng không có sự vui mừng nào trong lòng.
Suốt đường đi tôi cực kỳ bộp chộp, đây không phải tác phong nhất quán của tôi.
Tôi tự tin mình là một người có giáo dưỡng, bất luận gặp phải chuyện gì bất luận gặp phải người nào cũng đều có thể duy trì phong độ, nhưng hôm nay tôi không làm được.
Tôi oán trách đứa nhỏ khóc nhè bên cạnh, oán trách máy bay hạ cánh trễ, oán trách quá đông người đi lấy hành lý, oán trách cái này oán trách cái kia.
Tôi không thể bình tĩnh, thầm nhủ đến khi gặp thằng oắt Hình Bách Lâm phải trừng trị nó một trận ra trò mới được.
Nhưng hành vi tự lừa mình đã bị phá vỡ triệt để khi nhìn thấy tin tức ở sân bay, tôi tạm dừng chân chỉ trong một phút, nhưng mỗi một từ người phát thanh viên nói ra đều biến thành viên đạn lạnh lẽo cứng ngắc xuyên thủng trái tim tôi.
Nó đập mãnh liệt liên hồi vài lần rồi hoàn toàn đóng băng, giống như ngọn nến, trước khi cháy hết thì cố sức giãy giụa, song cuối cùng vẫn không thoát khỏi số mệnh lụi tàn.
Không thể lừa gạt mình nữa, tay kéo vali hành lý run lẩy bẩy.
Thằng nhóc ấy còn bảo lễ Giáng Sinh sẽ đến thăm chúng tôi, bảo tôi chuẩn bị một cái cây thật lớn cho Giáng Sinh.
Còn chưa đến hai tháng nữa, đã giao hẹn xong xuôi hết rồi mà nó lại lỡ hẹn như thế.
Tôi không thể tha thứ cho nó.
Cắn răng đi ra ngoài, tôi phải biết chân tướng, phải biết cho bằng được em trai mình bị gì.
Có người đang chờ tôi ở bên ngoài, không có gì bất ngờ xảy ra thì sẽ là Lý Giang Lạc.
Tôi chưa xem hình của cậu ta, Bách Lâm nói muốn giữ cảm giác thần bí, sau này đến lúc gặp mặt mới tạo ra bất ngờ lớn hơn.
Nó thổi phồng Lý Giang Lạc đến mức cứ như là thần tiên trên trời rớt xuống, cái gì cũng tốt, còn rất yêu nó.
Nó từng nói không chỉ một lần rằng muốn sống với người đó đến hết đời, tôi cũng ủng hộ, mặc dù chưa từng nhìn thấy Lý Giang Lạc nhưng chỉ cần em trai sống tốt, chỉ cần nó yêu, thì có gì là không thể chứ.
Tôi kéo hành lý đi ra, từ xa xa nhìn thấy một người đàn ông cúi đầu mặc áo gió màu đen, dáng vẻ hồn bay phách lạc.
Gầy quá, phản ứng đầu tiên của tôi đó là chừng như cậu ta sẽ bị cơn gió của mùa thu thổi bay.
Đây không phải Lý Giang Lạc trong tưởng tượng của tôi.
Thông qua những mô tả bằng lời nói của Bách Lâm, Lý Giang Lạc phải là một chàng trai rạng rỡ mặc áo thun trắng khoác ba lô trên vai cười lên sẽ lộ ra hai chiếc răng nanh nhỏ đáng yêu, Bách Lâm từng kể: “Có lần em tăng ca, Giang Lạc ngồi ở tiệm cà phê đối diện công ty chờ em, hơn nửa đêm em đi về, liếc mắt thì thấy em ấy ngồi bên cửa sổ, mặc chiếc áo len màu xanh đậm, cúi đầu đọc sách, anh, anh biết cái gì gọi là ‘năm tháng yên bình’ không?”
Người như thế chắc hẳn rất ấm áp, như mặt trời nhỏ trong những ngày đông.
Nhưng người trước mắt rõ ràng không phải, Lý Giang Lạc người thật sắc mặt trắng bệch, cằm lún phún râu, tiều tụy như một kẻ nghiện.
Tôi biết mình không nên miêu tả cậu ta như vậy, dù sao đây cũng là người yêu của em trai tôi.
Nhưng chịu thôi, tôi đang nghi ngờ cậu ta mà.
Tôi nghi ngờ cái chết của em mình có liên quan đến cậu ta.
Vị cảnh sát rất kỳ lạ. [kuroneko3026]
Lý Giang Lạc dẫn tôi đến cảnh cục, thời điểm nhìn thấy những tấm hình đó tôi lại lần nữa đau đớn khắp người như bị đạn bắn.
Vẫn chưa có báo cáo khám nghiệm thi thể, tôi muốn lên án kịch liệt hiệu suất làm việc của bọn họ nhưng đành nhịn xuống.
Tôi sốt ruột, nôn nóng muốn biết tất cả mọi chuyện liên quan đến em trai, nguyên nhân cái chết của nó tuyệt đối không đơn giản.
Tôi không dám nhìn kỹ những tấm hình đó, hiện trường tử vong ghi lại tư thế cuối cùng của em trai tôi trước khi rời khỏi thế giới này.
Không đẹp trai gì cả, không phải là dáng vẻ mà nó nên có.
Nếu giờ khắc này nó đứng trước mặt tôi, nhất định tôi sẽ mắng nó, rồi nói nó biết nó làm tôi đau đớn thế nào.
Chúng tôi là anh em sinh đôi, khi còn nhỏ giống nhau như đúc, trên mí mắt trái của nó có một nốt ruồi, còn của tôi thì nằm ở giữa chân mày phải, trong nhiều năm, các vị trưởng bối trong gia đình và bạn bè thầy cô giáo đều nhận biết hai anh em bằng đặc điểm đó.
Nhưng sau này, theo năm tháng và quỹ tích sinh hoạt biến đổi, hai chúng tôi bắt đầu không còn quá giống nhau nữa, từ tính cách sở thích đến phong cách ăn mặc quần áo đều khác biệt rất lớn, mẹ thường nói tôi quá chín chắn, hai chúng tôi đứng chung cứ như tôi lớn hơn Bách Lâm ba, năm tuổi.
Từ trước đây chúng tôi đã thích đọ chiều cao, vẫn giữ thói quen này đến hiện tại, hàng năm khi tụ họp, chuyện đầu tiên làm chính là đứng quay lưng lại với nhau, sau đó nhìn xem em trai có cao thêm chút nào không.
Tôi cao hơn nó 3cm, nhiều năm đều là vậy.
Bước ra khỏi cảnh cục, tôi bị gió thổi đến mức đau đầu, nghĩ từ nay về sau trên đời này sẽ không còn một người giống mình mà cũng khác mình đến vậy, cũng không còn một người kì kèo tôi gọi “Anh” rồi cười hì hì đọ chiều cao.
Em trai yêu quý nhất của tôi, dòng máu của nó khô cạn trên tấm thảm sẫm màu, tôi hận không thể lấy dao cắt động mạch lấy máu của mình sưởi ấm cho nó, nhưng vô dụng, tôi đến chậm rồi.
Người đi phía trước vẫn im lặng kiệm lời, tấm lưng ấy làm tôi cực căm hận, em trai từng nói Lý Giang Lạc là người thân duy nhất của nó tại chốn này, mà hiện tại, nó chết ngay trước mắt cái kẻ người thân này.
Tấm lưng ấy rất mong manh, trông rất đáng thương, nhưng nếu trong tay tôi có con dao chắc chắn sẽ không do dự đâm thẳng về trước.
Tôi muốn hỏi vì sao cậu ta không chăm sóc cho em trai tôi cho tốt, vì sao lại để nó xảy ra chuyện như thế.
Tôi muốn nói chuyện với Lý Giang Lạc, về những chuyện giữa cậu ta và Bách Lâm mà tôi không biết.
Vị cảnh sát hỏi tôi em trai có khả năng tự sát hay không, câu hỏi đó thật buồn cười, tôi quá hiểu Bách Lâm, nó yêu cuộc sống, cũng yêu quý những người có mặt trong cuộc sống của nó, sao có khả năng sẽ tự sát được chứ.
Lúc vị cảnh sát nhìn tôi, ánh mắt toát ra vẻ gì đó tôi không thể hiểu, tôi hỏi hắn mức độ tình nghi của Lý Giang Lạc, hắn không lên tiếng, đứng dậy đưa tôi ra cửa.
Thật ra không cần hắn nói, xảy ra chuyện như vậy, người đầu tiên phải nghi ngờ dĩ nhiên là Lý Giang Lạc.
“Lát nữa tiện tâm sự không?”
“Ừ.”
Tôi đi theo Lý Giang Lạc đến khách sạn, bây giờ cậu ta cũng đang ở chỗ này, vì nhà bị phong tỏa không thể ở được.
Cậu ta giải quyết xong hết thủ tục đăng ký cho tôi, cả hai cùng đi vào phòng của tôi.
Trong nháy mắt cậu ta đóng cửa, cơn thịnh nộ kìm nén đã lâu rốt cục bạo phát, tôi quẳng rương hành lý đang cầm trong tay xuống, bước lên đẩy cậu ta lên vách cửa.
Tôi tóm siết cổ áo, cắn răng nhìn cậu ta.
Cậu ta như bị hoảng sợ, đỏ mắt nhìn tôi.
Chỉ chốc sau đã rơi nước mắt.
Khóc gì chứ, em trai chết tôi còn không khóc, cậu ta có gì mà khóc.
Chúng tôi cứ đứng song song với nhau, cậu ta rơi nước mắt không ngừng, còn cắn môi, đến khi tự cắn rách môi bật máu, tôi mới buông ra.
Cậu ta không bỏ chạy, mà thụp người xuống theo vách cửa, ngồi bệt dưới mặt sàn, hai tay bó gối.
Tôi nghe thấy tiếng cậu ta khóc nghẹn ngào, đứng sang bên cạnh, ngẩng đầu lên nhưng nước mắt vẫn cứ chảy xuống.