Tào Tặc

Chương 362: Chương 362: Vụ ám sát bên bờ sông




Tào Bằng không biết gì về con người Lưu Quang.

Điều mà hắn có thể chắc chắn là, trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, tuyệt đối không có vị Lâm Nghi Hầu này tồn tại trong dòng họ Hán thất.

Lịch sử đã vùi lấp bao nhiêu sự thực?

Sự tồn tại của một con chó nhà Hán khiến Tào Bằng bắt đầu có sự dao động.

Người này có thể tồn tại sau vô vàn khó khăn rồi đứng vững trước Hán Đế từ trước tới giờ, tuyệt không phải là người tốt. Chí ít, rất nhiều người tuy biết cái tên Lưu Quang này, nhưng đa số đều cho rằng hắn là một diễn viên xiếc nhờ vào đấu chó mà được Hán Đế thích thú. Cho dù có là dòng dõi Hán thất, cũng không có mấy người để ý thực sự đến Lưu Quang.

Nhớ lúc đầu, sở dĩ Tào Bằng quen biết Lưu Quang cũng là qua một lần đấu chó.

Chớp mắt tám năm đã qua đi, một con chó nhà Hán trước đây giờ đã gần bước lên bàn cờ, sớm muộn tất sẽ trở thành mối họa.

Lưu Quang đã nảy sinh ý giết Tào Bằng.

Tương tự, Tào Bằng cũng đã có ý trừ khử Lưu Quang.

Khi Điền Dự thông báo cho Tào Bằng rằng Lưu Quang chính thức nắm giữ sứ đoàn, Tào Bằng liền ý thức được rằng cuộc giao phong giữa hai người sắp bắt đầu.

Tối đó, Tào Bằng với chức vụ là Chinh Khương Hiệu úy tiếp quản hộ quân.

May mà trong hộ quân, không ít người biết đến đại danh của Tào Bằng. Nhất là những người đã từng tham gia trận chiến Quan Độ càng rõ hơn về Tào Bằng, đó chính là viên quan trước đây đã có công chém đầu Nhan Lương ở Bạch Mã, sau đó lại giết Văn Sú, bắt sống Trương Hợp (Trương Cáp) và Cao Lãm. Ngay cả Thiên tướng quân Cam Ninh là Phó đô đốc đội quân Hổ Báo Kỵ hiện giờ cũng từng là người dưới trướng của Tào Bằng, tài năng cũng không phải tầm thường.

Bởi vậy, việc Tào Bằng nắm giữ binh quyền không có ai đứng ra phản đối.

Ngày hôm sau, Tào Bằng thay bộ áo giáp, ngồi lên mình ngựa.

Khi Lưu Quang và Chu Lương từ trong doanh trại đi ra, Chu Lương không khỏi kinh ngạc khi nhìn thấy Tào Bằng đứng trước hàng quân.

- Điền Phó sứ, hắn là kẻ nào?

- Đó là Chinh Khương Hiệu úy Tào Bằng, cũng là chủ tướng hộ quân đi quan ải lần này.

- A, sao ta không biết nhỉ?

Điền Dự cười nhạt một tiếng nói:

- Ta cũng không biết Lâm Nghi Hầu giá đáo.

Lưu Quang bề ngoài xưng là bản thân phụng thánh mệnh, từ Hứa Đô ngày đêm chạy tới đây. Kỳ thực mọi người đều ngầm hiểu, Điền Dự cũng không thể nói thẳng ra được. Lâm Nghi Hầu ngươi đã có thể từ Hứa Đô đuổi đến thì cớ gì Tào Bằng thô lỗ kia lại không thể chứ?

Mọi người đều không phải kẻ ngốc, có những chuyện trong lòng biết là được rồi.

Khuôn mặt béo phị của Chu Lương run rẩy ngước lên nhìn về phía Tào Bằng, lộ ra nét cười chua cay.

Phen này chắc không thể thoải mái được rồi, cùng lúc đó Lưu Quang cũng đang nhìn về Tào Bằng. Hai người nhìn nhau một lát chợt thấy Lưu Quang thúc ngựa chạy tới, đến gần Tào Bằng.

- Hữu Học, chúng ta lại gặp nhau rồi!

- Đúng vậy, không ngờ Lâm Nghi Hầu cũng đi sứ lần này.

- Khó khăn còn nhiều lắm, Hữu Học còn phải lao tâm khổ tứ nhiều.

- Đó là bổn phận của mạt tướng, xin Lâm Nghi Hầu chớ lo nghĩ.

Lưu Quang cười lớn:

- Hữu Học, ngươi hiểu nhầm rồi, ta không định nói là ta cần bảo vệ, mà là mong ngươi hãy bảo trọng.

Tào Bằng nghe vậy thì trong mắt ánh lên một tia sáng lạnh lùng.

Nhưng ngoài mặt vẫn mỉm cười, hắn chắp tay nói:

- Vừa rồi ý tại hạ là, mong Lâm Nghi Hầu đừng có vì ta mà hao tâm. Mạc Bắc gió lạnh, không phải là nơi của người xuất thân hoàng thất như Lâm Nghi Hầu, ngài cần phải cẩn thận, chớ để gặp gió lạnh mới được.

Lưu Quang cười, quất ngựa chạy đi.

- A Phúc, cái tên Lưu Quang này hôm nay xem ra không giống với ngày thường.

-Đúng vậy, hôm trước ta từng kích động y một chút, xem ra người này rất nham hiểm, giờ nhìn y càng có vẻ trầm tĩnh hơn hôm trước. Ta đoán y đã nảy sát ý với ta rồi. Sĩ Nguyên, ngươi nên cẩn thận, đừng coi thường người này.

Bàng Thống gật đầu nhận lời, liếc nhìn bóng Lưu Quang đã đi xa.

Tào Bằng cho gọi Vương Song tới, nói nhỏ vào tai Vương Song mấy câu rồi Vương Song lập tức lui đi.

Trước đây, Lưu Quang đưa Vương Song đến chỗ Tào Bằng.

Có thể thấy, trong lòng Lưu Quang, Vương Song chẳng qua chỉ là một nô tài dạy chó bình thường, căn bản không đáng nhắc tới. Thế nên dù đã mấy lần gặp mặt, Lưu Quang đều không nhận ra Vương Song.

Tào Bằng nói với Vương Song lệnh gã đi theo bên cạnh Bàng Thống để bảo vệ y.

Còn về Điền Dự...

Đoán chừng Lưu Quang không thể động thủ với hắn!

Nhưng không biết vì sao, trong lòng Tào Bằng luôn cảm thấy bản thân hình như đã bỏ quên chuyện gì đó.

Chỉ là khi nhìn theo bóng Lưu Quang, hắn lại nghĩ không ra nguyên do. Hắn thở dài, thầm nhủ: Giặc đến tướng đánh, nước đến đất ngăn, cứ từ từ để ta xem một Lâm Nghi Hầu chưa từng có thành tựu gì trong lịch sử như ngươi có bản lĩnh gì.

Trời sáng, sứ đoàn lại tiếp tục lên đường.

Tào Bằng lệnh cho Hàn Đức đi trước mở đường, lệnh cho Bàng Thống ở phía sau áp trận.

Hắn đích thân dẫn một đội nhân mã trấn thủ ở giữa đội hình, cùng với đội cấm quân phía sau chia thành hai đội trước sau bảo vệ xa trượng của sứ đoàn. Hơn trăm chiếc xe ngựa chầm chậm rời khỏi núi Phùng Nghĩa, dưới cái nắng đầu hạ chói chang, hướng về Mạc Bắc.

Hai ngày liên tiếp đều bình an vô sự.

Trở lại hai năm trước đây, khắp núi Phùng Nghĩa là bọn người Khương Hồ hung hăng, hoành hành ngang ngược.

Trong đó, đặc biệt là các bộ tộc trong khối liên minh Tiên Linh là hùng mạnh nhất, họ câu kết với cường hào trong vùng, tàn sát khắp Lương Châu. Cho đến khi Đoàn Giáp, đồng hương của mưu sĩ danh tiếng Giả Hủ, người Cô Tang ở Uy Vũ làm Hộ Khương Tướng quân, dẫn ba vạn người cùng với các bộ tộc Tiên Linh quyết chiến ở dưới núi Phùng Nghĩa, đánh cho các bộ tộc Tiên Linh máu chảy sông, từ đó danh chấn thiên hạ, được phong là Đô Hương Hầu. Chỉ là sau này, do loạn đảng phái, Đoàn Giáp đầu quân cho viên quan có quyền thế đương thời là Vương Phủ, bởi vậy bị nhân sĩ khinh bỉ. Đây cũng là nỗi bi ai chung của nhân sĩ đương thời. Hoặc là phải đầu quân cho bọn quyền thế, hoặc là bị bức hại... Năm Quang Hòa thứ hai, Vương Phủ bị giết, Đoàn Giáp vì vậy mà bị bỏ tù.

Tuy có các đại thần trong triều như Trung Lang Tướng Hoàng Phủ Tung, Lô Thực cầu xin cho, nhưng cuối cùng y vẫn bị xử cho uống rượu độc tự tận.

Nhưng, cái tên Đoàn lão tử ở Tây Lương vẫn rất nổi tiếng.

Cho đến bây giờ, khu vực An Định tuy thỉnh thoảng có nạn cướp Hồ nhưng cũng không còn hung hăng như trước nữa.

Sứ đoàn cứ thế Bắc tiến, đến ngày hai mươi mốt tháng tư thì đến được Phú Bình.

Trời đã sẩm tối, theo kế hoạch trước đây, bọn họ sẽ đi đò qua sông ở Phú Bình, sau đó Bắc tiến đến núi Thạch Chủy.

Đi qua núi Thạch Chủy, coi như đã vào khu người Hồ. Còn từ sau khi vượt sông ở Phú Bình thì coi như quyền kiểm soát của Hán thất đã hoàn toàn không còn.

- Quốc Nhượng, trời tối rồi, vượt sông lúc này không hợp lý lắm.

- Nếu không vượt sông vào lúc này, ngày mai sẽ chậm mất một ngày. Theo kế hoạch, chúng ta phải ra khỏi núi Thạch Chủy trước ngày hai mươi lăm, lúc đó Hô Trù Tuyền sẽ phái binh mã đến tiếp ứng ở ngoài núi Thạch Chủy, đi muộn e là không hay.

- Vậy hả?

Tào Bằng gãi gãi đầu, nhìn đội quân xếp dài trên đò, hơi nhíu mày.

Hắn không muốn vượt sông vào lúc này, xem bộ dạng này, tất cả vượt sông chí ít phải quá nửa đêm mới hết. Chủ yếu là xa trượng quá nhiều, gây khá nhiều khó khăn. Mà trên sông lớn lại chẳng có cây cầu nào, chỉ còn cách vượt sông mới có thể đi qua.

Nhưng Điền Dự nói cũng có lý.

Chậm trễ ngày nào là phiền toái ngày đó.

Tào Bằng toan tính một hồi, trầm giọng nói:

- Nếu đã vậy, Quốc Nhượng, ngươi dẫn một đội nhân mã vượt sông trước, ta ở bên này cảnh giới, đợi sau khi tất cả xa trượng đều đã vượt sông, ta sẽ qua, như vậy chí ít cũng thêm phần an toàn hơn.

Điền Dự nghĩ ngợi, gật đầu đồng ý.

Như thế, Điền Dự dẫn người vượt sông trước. Sau khi xuống thuyền ở bên kia bờ sông thì dựng trại, đốt lửa ra dấu an toàn. Sau đó, xa trượng cũng được đưa vượt sông, Tào Bằng lệnh cho Hàn Đức dẫn một đội quân làm nhiệm vụ cảnh giới, chú ý an toàn xung quanh bến đò. Tiếp theo, hắn và Bàng Thống đi một vòng trên thân đê, quan sát nước sông chảy cuồn cuộn. Đây là thượng lưu sông Hoàng Hà cong cong hình chữ u, cũng là khu vực dân gian vẫn gọi là Hà Sáo.

Ngạn ngữ dân gian có câu "Hoàng Hà trăm hại, duy chỉ Hà Sáo" chính là để chỉ nơi này. Hà Sáo chia làm hai phần Đông Sáo và Tây Sáo. Lấy núi Thạch Chủy làm ranh giới phân chia, Tây Sáo kéo dài về phía Tây đến bình nguyên eo vực Thanh Đồng; Đông Sáo ở phía Đông, chủ yếu nằm trên quận Sóc Phương. Chỗ đám người Tào Bằng đang đứng chân chính là khu vực Tây Sáo. Nam Hung Nô mà bọn họ muốn đi sứ đến thì nằm ở quận Sóc Phương thuộc Đông Sáo. Về nghĩa hẹp, Hà Sáo đôi khi được dùng chỉ để nói đến Đông Sáo, quận Sóc Phương.

- Tiếc thay giang sơn đẹp thế này nay lại thuộc về Hung Nô.

Tào Bằng nói một mình rồi đột nhiên quay qua nói với Bàng Thống:

- Sớm muộn cũng có ngày ta nhất định ta sẽ cưỡi ngựa đạp Sóc Phương, đuổi cùng giết tận đám người Hung Nô, người Tiên Bi.

Bàng Thống ngạc nhiên nhìn Tào Bằng, không hiểu tại sao Tào Bằng lại hận đến xương tủy người Hồ như vậy.

Nhưng, điều gã suy nghĩ là chuyện khác. Sau khi đã quan sát hồi lâu, gã khẽ nói:

- A Phúc, nếu Tào Công lấy lại Hải Tây ngươi sẽ làm gì?

- Chuyện này ta vẫn chưa nghĩ được.

- Nếu ngươi muốn ngựa đạp quan ải thì phải có căn cơ mà dựa. Mất Hải Tây rồi, ngươi cũng cần phải có một chỗ đứng chân. Năm xưa, Mạnh Thường Quân cũng từng nói thỏ khôn phải biết đào ba hang, sao ngươi không học theo? Ta thấy nơi đây thật tuyệt, nếu sau này ngươi có thể có được nơi này thì tốt rồi. Hà Sáo đất đai màu mỡ, lại có đồng cỏ tươi tốt. Năm xưa Hán Vũ Đế đã từng xây dựng trại chăn ngựa ở đây, nhờ vậy mới có được thành tựu để đời là chinh phạt được Hung Nô. Có điều sau đó vùng đất này lại bị bỏ hoang, tuy vậy căn cơ vẫn còn tốt. Hữu Học sao không xây đồn điền ở đây, đến lúc đó dù là Tào Công cũng quyết không cự tuyệt.

Tào Bằng nghe vậy không khỏi động tâm, có những lời nói chỉ cần nói như vậy là đủ, không cần nói quá rõ.

Sau khi nhắc nhở Tào Bằng xong, Bàng Thống không nói thêm gì nữa. Sau chừng hai canh giờ, số xa trượng cơ bản đã được đưa qua sông. Trên bến sông, Lưu Quang và Chu Lương cũng đã trèo lên thuyền, từ từ đi về phía bờ bên kia. Bàng Thống nhìn xung quanh một lượt, trầm giọng nói:

- A Phúc, ngươi đưa theo một số người vượt sông trước đi. Ta và Hàn Đức, Vương Song ở đây cảnh giới, sẽ vượt sông sau cùng.

Tào Bằng nhìn một lượt, phát hiện thấy trên bến sông chỉ còn lại vài người cung nhân và cấm quân. Hắn nghĩ ngợi, gật đầu nhận lời, sau khi dặn dò Bàng Thống mấy câu liền đem theo một đội nhân mã đi đến bến sông.

Đám cung nhân và cấm quân đã lần lượt lên thuyền.

Nhưng có một chiếc thuyền, còn trống một nửa, Tào Bằng bèn xuống ngựa dẫn người lên chiếc thuyền đó.

Trên thuyền, phần lớn là đám cung nhân thấp hèn mặc áo bào màu xám, tụ tập ở đuôi thuyền. Sau khi đám người Tào Bằng đã lên thuyền, hai tên Phi Mạo cũng vội theo sau Tào Bằng đi lên trên boong thuyền rồi ra dấu cho phu thuyền nhổ neo vượt sông...

Chiếc thuyền chầm chậm rời khỏi bến sông, hướng bờ đối diện mà tới.

Mặt sông tại khu vực Hà Sáo ước chừng rộng hai trăm mét, dòng nước chảy xiết. Thuyền đò không dám chèo quá nhanh, chỉ có thể từ từ mà đi.

Tào Bằng đứng trên boong tàu, nhìn dòng sông dưới màn đêm.

Đột nhiên, hắn nghe thấy phía cuối thuyền có tiếng hỗn loạn, liền đó nghe thấy có người hét lớn:

- Ngươi là ai?

- Nô tài có việc quan trọng muốn cầu kiến Tào Giáo úy.

Một giọng nói the thé truyền đến tai Tào Bằng.

Không hiểu tại sao tự dưng Tào Bằng có cảm giác lông tóc dựng đứng. Giọng nói ấy, nghe ngờ ngợ quen quen, như đã từng biết...

Hắn xoay người lại thì thấy một tên tạp dịch mặc áo xám đang từ từ lại gần!


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.