Gọi hồn ở chương này
có ý nghĩa trái ngược với gọi hồn ở chương trước. Khái niệm về gọi hồn ở chương trước là một kiểu tà pháp của vu thuật (trò phù thuỷ), gọi hồn
của người sống ra khỏi thể xác của họ, còn khái niệm gọi hồn ở chương
này là gọi những linh hồn bị mất, bị lạc đường quay về, ngoài cách gọi
là “gọi hồn” ra, người địa phương còn có những cách gọi khác như hoán
hồn, chiêu hồn, thu hồn, bắt hồn, cướp hồn, khiêu mao sơn[1],… Công dụng của hai loại gọi hồn này tương phản nhau, nhưng về bản chất thì không
có gì khác biệt, cùng dùng vu thuật để thu hồi linh hồn con người.
[1] Chỉ hoạt động nhảy múa của đạo sĩ để trừ ta ma…
Về mặt lịch sử, thuật chiêu hồn đã sớm xuất hiện trong Tang đại ký của Lễ
ký kinh điển của Nho gia, còn cả trong “chiêu hồn” được cho là truyền
thuyết của Tống Ngọc trong Sở Từ mà chúng ta đều rất quen thuộc, nhưng
truy ngược lại thời gian thì có lẽ thuật này còn xuất hiện xa xưa hơn
nữa, không chỉ là một trong những tiết mục trong tang lễ. Cái gọi là
“chiêu hồn, phục hồn” chính là chiêu hồi những linh hồn đã thoát khỏi
thể xác, tương hợp với phách lúc này vẫn còn ở trong cơ thể, mục đích
cuối cùng là giúp con người hồi sinh, đó chính là ý nghĩa chủ yếu khi sử dụng thuật này của tổ tiên. Còn với vu thuật nguyên thuỷ, thực ra cũng
là một trong những loại y thuật nguyên thuỷ, thuật chiêu hồn được dùng
rộng rãi khi có người bị ngất, mê loạn, mắc bệnh hiểm nghèo, chết lâm
sàng,… được coi là ở vào tình trạng mất hồn. Người chết là người không
thể chiêu hồn về được, nhưng những người chiêu được hồn về thì có thể
không chết. Đạo lý này cũng giống như cách tuyên truyền “chỉ có thể chữa bệnh, không thể làm người chết sống lại” trong những bệnh viện hiện đại nhất.
Vì vậy, thuật chiêu hồn và tục chiêu hồn vẫn được lưu
truyền cho tới ngày nay, còn những người chết vì không thể chiêu hồn kia được các nhà Nho biến thành một trong những trình tự trong tang lễ,
nhưng đó không còn là chiêu hồn phục sinh nữa mà là chiêu hồn nhập tang
rồi.
Những gì được ghi chép trong sách Nho được coi là khái niệm
“phục” trong tang lễ, tức là chiêu hồn để hồn quay lại với phách: “Khí
tuyệt tắc khốc, khốc nhi phục, phúc nhi bất tô, khả dĩ vi tử sự.” Về mặt ý nghĩa, ban đầu cũng là chiêu hồn để cứu sinh, người không còn khí nữa thì khóc gọi, khóc gọi mà hồn không quay lại thì dùng thuật chiêu hồn
để gọi hồn về với phách, nếu dùng thuật chiêu hồn mà người vẫn không
sống lại, lúc ấy có thể cử hành tang lễ. Cách chiêu hồn trong tang lễ
này, từ cổ tới kim chưa thấy có một ngoại lệ nào, nhờ đó mà sống dậy,
còn đối với cách chiêu hồn của các thầy phù thuỷ, thì tỷ lệ thành công
tương đối cao. Điều này rất đơn giản, một người là người chết, một người là người bệnh, cũng giống như bây giờ chúng ta đều biết nên đưa người
nào tới bệnh viện còn người nào vào nhà tang lễ vậy. Mặc dù cách mà họ
chiêu hồn không khác nhau nhiều, đều cầm quần áo, vật dụng cũ của người
mất hồn (hoặc mới chết/ chết lâm sàng) trèo lên nóc nhà vái tứ phương,
hô gọi, nhưng trong Nho gia lại coi đó là “lễ”, trở thành “văn hoá cần
có” trong quá trình cử hành tang lễ, không phát triển gì thêm, còn cách
của các thầy phù thuỷ mặc dù bị coi là mê tín dị đoan, nhưng lại có quan hệ “sống còn” với dân chúng, so sánh hai thứ, rõ ràng là có sức sống
lâu hơn, thậm chí còn lôi cả hoà thượng và đạo sĩ vào, sinh ra rất nhiều dạng, kiểu khác nhau. Đương nhiên, trong những điểm mấu chốt, những
thuật này với vu thuật thời xưa không có gì khác.
Cách gọi hồn
thông thường nhất là gọi hồn của trẻ con. Không biết bây giờ thế nào,
tôi chỉ biết vào nửa thế kỷ trước, vẫn thường thấy hiện tượng này ở
thành phố. Trẻ con phát sốt, hôn mê bất tỉnh, cách đơn giản nhất là
người mẹ ôm con, xoa xoa đầu, gọi tên ở nhà: “Con yêu mau quay về” hay
đại loại thế. Nếu thấy không có hiệu quả thì nên dùng những thủ đoạn hơi mang tính vu thuật. Và thuật thu hồn ở các địa phương không giống nhau, có những điểm đặc sắc riêng. Trong quyển hai, Thu hồn của Dực Quynh bại biên, Thanh Dụng người đời Thanh có viết:
Bình thường khi gặp
cảnh con trẻ bị hoảng hốt, giữa đêm ngủ không an giấc, lập tức cho áo
của đứa trẻ đó vào trong cái đấu, sau khi thắp hương cúng khấn trên bàn
thờ xong, một người ôm cái đấu gọi tên của đứa trẻ, một người đáp lại:
“Về đây.”
Đây là cách thu hồn trong dân gian ở Giang Tô, Thường
Châu, còn ở Nam Kinh cách đó không xa, lại có chút khác. Trong quyển hạ
viết về Giang Tô của cuốn Phong tục tập quán đất nước Trung Hoa, Hồ Phan An có viết như sau:
Trẻ con tình cờ bị ốm, mà có thể là đến nơi
nào đó chơi rồi sợ hãi đến phát ốm, mất hồn ở nơi ấy. Sẽ có người cầm
quần áo của đứa trẻ, treo áo lên cán cân, một người cầm đèn lồng đi đến
nơi khác, dọc đường rắc rượu và lá chè, gọi tên đứa trẻ đó (một hô một
ứng) quay về, như thế là gọi hồn.
Những gì nói ở đây tương đối
đúng, tức là chưa cần thầy phù thuỷ đến xác nhận có đúng là người đó đã
mất hồn hay không, chỉ cần trẻ con “tình cờ bị ốm”, người lớn sợ linh
hồn nó chạy mất, điều này cũng xuất phát từ nguyên nhân hơi thở của trẻ
con yếu ớt, linh hồn dễ bị những du thần dã quỷ thuộc nơi khác bắt đi
mất. Quần áo mà đứa trẻ từng mặc chính là đạo cụ cơ bản nhất, có thể có
“giao cảm” đối với linh hồn bị mất của đứa trẻ, giúp cho linh hồn tìm
được đường về với thể xác, nhập lại vào đó. Còn về cái đấu và cân, một
là vì chúng có công năng trừ tà, hai là lúc này có thể dùng để tải hồn
về, còn gạo, lá trà là những vật phát ra chút “âm vật”, có thể dùng để
đổi lấy linh hồn mà bị những du thần dã quỷ bắt đi.
Thực ra, loại vu thuật này khi áp dụng cho người trưởng thành cũng không có thay đổi
gì lớn. Cách chiêu hồn ở thời kỳ Tiên Tần, không thể tách rời khỏi “cố
phục”, “phục trang” trong tang lễ cũng là “một trong những loại quần áo
dùng để chiêu hồn phục phách”. Trong truyện Lý Cập của Quảng dị ký, kể
về việc hồn phách của Lý Cập bị quỷ sứ bắt nhầm, khi thả ra lại không
đưa về tận nhà, kết quả là tự mình tìm về nhà rồi nhưng do người nhà
đứng chắn ở cửa nên không vào được, đành chạy đến nhà bố vợ lánh tạm.
Cũng may vợ ông ta “như có linh cảm”, lúc này mới “cầm theo quần áo và
vật dụng của Lý Cập, đi dọc đường để chiêu hồn của chồng. Lý Cập theo vợ về đến nhà, thấy thi thể mình trên giường, liền nhập vào và sống lại”. A Bảo trong Liêu trai chí dị cũng viết: Tôn Tử Sở yêu đơn phương, linh
hồn chạy đến phòng của tình nhân A Bảo, thể xác ở lại nhà dở sống dở
chết. Người nhà đến nhà A Bảo để chiêu hồn, thầy phù thuỷ cũng phải “cầm theo quần áo cũ, đệm cỏ trước kia”. Truyện Chu Ông trong quyển bảy, Chỉ vẫn lục do Dung Nột cư sĩ viết về phong tục ở huyện Ngân, tỉnh Chiết
Giang như sau: “Nếu có người ốm đau một thời gian dài, họ sẽ cho rằng
hồn người đó không còn ở trong xác nữa, chuẩn bị đồ tế lễ, đến miếu
Thành Hoàng cúng thần, dùng một con gà trống, khoác chiếc áo của người
bị bệnh lên thân con gà, hô hoán gọi tên của người bệnh, hồn theo tên
gọi đi về.” Áo mà người mất hồn từng mặc, đệm cỏ mà họ từng nằm, đồ mà
họ từng dùng đều giống nhau, tác dụng cũng giống nhau, hồn của người đó
sẽ nhận ra mùi của những đồ vật thuộc về mình. Con gà trống cũng giống
như cái cân hay cái đấu, là vật trừ tà kiêm thu hồn.
Linh hồn của con người có mối liên hệ mật thiết khác thường đối với quần áo, nói
theo cách khác thì là bộ quần áo đó có sức hấp dẫn với linh hồn. Những
câu chuyện về hiện tượng này rất nhiều, thậm chí còn ly kỳ, cổ quái,
phần sau, khi kể đến vấn đề ma quỷ mặc quần áo sẽ thuật lại những chuyện này.
Nhưng có quần áo, đồ vật cũ cũng được, không tìm thấy quần
áo, đồ vật cũ cũng không sao, có điều không thể thiếu hành động “gọi”
trong gọi hồn, đó chính là miệng phải không ngừng gọi lớn tên người
chết. Giọng không to, linh hồn không nghe thấy, đương nhiên cũng không
nên gọi to tới mức khiến linh hồn sợ hãi mà chạy mất. Gọi tiếng được,
tiếng mất sẽ khiến linh hồn nghe thấy mà cảm thấy mông lung, không tìm
được đúng phương hướng, vì vậy phải gọi liên tục không đứt đoạn. Ngoài
ra, nếu linh hồn của người bị du thần nào đó giữ chặt không chịu thả thì tiếng gọi cũng có tác dụng kéo linh hồn ra. Việc này giống như bị bạn
kéo đi đánh mạt chược, cả đêm không về, vợ đứng ngoài cửa và không ngừng gọi tên mình, tới mức đám bạn bài bạc thấy chán ngán, không thả cũng
không được.
Trần Thiệu người đời Đường trong Thông u lục ghi lại
chuyện Lô Toản nửa đêm lăn ra chết, cháu trai Lô Trọng Hải thấy tim
người này vẫn còn ấm, liền nghĩ “có cách chiêu hồn để vong về”, “thế là
gọi to tên Lô Toản, liên tục không ngừng nghỉ, phải đến cả vạn lần”,
cuối cùng đã khiến thúc phụ sống lại. Sau khi thúc phụ tỉnh lại, ông ta
nói bị một vị quan mời đi uống rượu, rượu thịt đầy bàn, vui vẻ triền
miên, uống nhiều quá, đến mức quên cả việc phải về nhà. Đột nhiên nghe
thấy tiếng cháu trai réo gọi, vừa gấp gáp vừa bi thương, trong lòng cảm
động, mới cáo từ chủ nhân ra về. “Chủ nhân ra sức níu kéo, ta cáo nhà có việc gấp, chủ nhân mới tạm tha cho về.” Nhưng không lâu sau, linh hồn
của Lô Toản lại bị mời đi, Trọng Hải đành phải gọi tiếp, giọng ai oán,
cấp thiết hơn lần trước, tới tận khi trời sáng mới gọi thúc phụ sống
dậy, sau đó hai chú cháu vội vàng chạy khỏi nơi ma quỷ hiếu khách này.
Tất cả những chuyện kể trên mặc dù đều có thể quy cho thuật phù thuỷ, nhưng đã trở thành “món mỳ ăn liền gia đình” mà dân gian quen gọi, không cần
mời thầy phù thuỷ, tự mình có thể thao tác. Nhưng nếu làm vậy mà vẫn vô
hiệu, gia đình người bệnh lại hoàn toàn không còn tin tưởng vào thầy
thuốc nữa thì đành phải mời thầy phù thuỷ đến dùng phép thuật chuyên
nghiệp. Nhưng phép thuật chuyên nghiệp này cũng có sự khác nhau về độ
nông sâu, khó dễ.
Hồ Phác An ghi chép về phong tục tập quán của
Giang Tô, trong trường hợp người bệnh nóng lạnh lâu không thấy giảm, y
dược vô hiệu, liền cho rằng người này đã bị mất hồn. Thế là mời thầy phù thuỷ về để “bắt hồn”, đại khái là rượu mừng không uống muốn uống rượu
phạt, ngươi không chịu ngoan ngoãn quay về thì phải dùng thủ đoạn cưỡng
chế. Nhưng cũng không phải dùng đến quan binh nơi địa phủ, chỉ cần chạy
ra giữa cánh đồng, gặp bất kỳ con côn trùng nào liền coi nó là linh hồn
của người bệnh, bắt mang về nhà, đặt lên giường của người bệnh, miệng
lẩm bẩm những câu thần chú mà không ai có thể hiểu được, nếu khỏi bệnh
thì coi như thầy phù thuỷ đó có bản lĩnh, nếu không khỏi mà người bệnh
chết luôn thì thầy phù thuỷ cũng không chịu bất cứ trách nhiệm nào. Linh hồn đương nhiên sẽ không hoá thành côn trùng, chỉ tầm gửi trên thân côn trùng thôi, giống như linh hồn của Tôn Tử Sở gửi vào trong con chim
két, con chim bay về Tôn gia, vừa vào cửa là lăn ra chết, còn Tôn Tử Sở
đang nằm hấp hối trên giường thì lại sống dậy. Đặt con côn trùng đó lên
giường người bệnh cũng là có ý muốn cho thể xác và linh hồn được giao
tiếp với nhau. Còn về việc giao tiếp có thành công hay không là việc của người đó, thầy phù thuỷ cũng không can thiệp được nhiều.
Còn một kiểu khác được gọi là “cướp hồn”, trong quyển năm của Hữu đài tiên quán bút ký mà Du Việt ghi chép thì cướp hồn là một trong những phép thuật
được lưu hành ở Nam Xương Phủ, Giang Tô. Nơi đó, thôn xóm nào cũng có
miếu, trong miếu thờ một vị thần gọi là “thái tử”, mặt trắng, khuôn
miệng đang cười, người mặc giáp, đầu đội mũ mâu, một tay cầm cờ, một tay cầm kiếm. Những người mắc bệnh nặng không thể chữa được, liền dùng một
chiếc “kiệu kêu” rước thái tử về nhà người bệnh. Cái gọi là “kiệu kêu”
có nghĩa là khi khiêng chiếc kiệu lên, nó sẽ phát ra những tiếng leng
keng. Đây không phải âm thanh thái tử thích nghe, mà là muốn để chiếc
kiệu này phát ra những tiếng kêu vui tai như thế thì cần phải khiến nó
rung rung lắc lắc, thế là người được khiêng sẽ có cảm giác như đi trên
mây trên gió. Thần về đến nhà người bệnh, đầu tiên là đốt tiền vàng, coi như lễ gặp mặt thái tử, đạo sĩ sẽ theo sau, lại có hơn mười người cầm
đuốc tháp tùng, đến đồng trống mênh mông, lượn ba vòng, đồng thanh hét
gọi, sau đó nhanh chóng quay trở về. Vừa vào đến cửa, liền lớn tiếng gọi tên người bệnh, trong nhà, người nhà phải bố trí người đứng đó đáp lại: “Có”, sau đó mới khiêng thái tử vào trong nhà, bắt đầu cung phúng. Ba,
bốn ngày sau, đạo sĩ là người cung tiễn thái tử về lại miếu, còn việc
người bệnh đó có thuyên giảm bệnh tình hay không, đạo sĩ sẽ không quay
lại hỏi thăm. Từ quá trình trên có thể thấy, thực sự thì khó có thể nhìn được linh hồn kia đang ở nơi nào và cướp nó về bằng cách nào.
Trong quyển sách này còn đề cập đến cách “hoàn hồn” ở Quảng Đông, hay còn gọi là người “khiêu mao sơn”, đấy chính là môn võ nghệ náo nhiệt nhất. Cách này dùng vài đạo sĩ, bố trí trai đàn, treo tượng thần… giống mọi nghi
lễ bình thường khác. Sau khi chuẩn bị xong, sắp xếp đạo cụ trên cầu
thang, mỗi bậc buộc một con dao găm, đầu nhọn phải hướng lên trên, đạo
sĩ dùng chân đá con dao này để nhảy lên từng bậc. Cứ làm như thế mấy lần thì được gọi là “thượng đao sơn”. Sau đó lại dùng một miếng sắt, một
dây xích, ném vào trong lửa cho đỏ rực lên, đạo sĩ miệng ngậm miếng sắt
đỏ hồng, tay quấn xích sắt đỏ rực, một lúc sau mới ngâm vào trong nước
lạnh, nước như được đun sôi đột ngột trào lên, dùng nước này cho người
bệnh rửa mặt. Đạo sĩ lại tự chích tay mình cho chảy máu, bôi vào huyệt
hai bên thái dương và hai lòng bàn tay của người bệnh, để trừ nội tà,
đối hai bó đuốc, đi vào trong phòng người bệnh, cả phòng đầy ánh lửa,
thế gọi là “phát hoả phấn” để trừ ngoại tà. Cuối cùng vẫn dùng một con
gà trống, một thanh trúc, lấy áo trên người người bệnh, đi vào phòng và
gọi tên người đó, gọi là hoán hồn. Khi hoán hồn, nếu đúng lúc ấy có bò,
cừu, hoặc gà, chó đi đến thì sẽ không thể chữa được bệnh cho người ốm.
Nhìn toàn bộ quá trình trên, dường như chỉ có tiết mục cuối cùng là cầm áo
vào phòng, gọi tên người đó mới là tiết mục chính của “hoán hồn”, những
thứ còn lại đều là các kỹ năng biểu diễn kỳ dị. Đã là biểu diễn thì nhất định sẽ thu hút hàng xóm láng giềng tới xem. Người ta bỏ tiền ra mời
người về khám bệnh cho người sắp chết, người khác lại coi đó như một vở
kịch, về tình về lý đều thấy không ổn, thế là xuất hiện lời cảnh cáo:
“Người nào nhìn thấy tất sẽ chết” để những người rỗi việc không đến làm
phiền.
“Thượng đao sơn”, vài năm trước vẫn được trình chiếu trên
ti vi, là buổi biểu diễn của một dân tộc thiểu số ở Vân Nam, thậm chí
còn thêm một tình tiết “quá hoả hải”, tức là phải bước qua một giàn sắt
đang đỏ rực. Chỉ có điều, khi ấy không nói chi tiết này có quan hệ gì
trong việc chữa bệnh, cũng không vào phòng mà hô, chỉ nói đây là một
nghi thức tôn giáo nguyên thuỷ để trừ tà cầu phúc. Nếu những gì Khuất
Nguyên tiên sinh thuật lại không sai thì chiêu thức “hoán hồn” ở Quảng
Đông chắc cũng bắt nguồn từ thuật phù thuỷ biến hoá, đương nhiên cũng có khả năng là trong thuật phù thuỷ chiêu hồn phục phách sử dụng nghi thức tôn giáo của dân tộc thiểu số. Còn thuật phù thuỷ và tạp kỹ có quan hệ
với nhau là do thuật phù thuỷ pha trộn vào tạp kỹ, hay là tạp kỹ được
tách ra từ thuật phù thuỷ, điều này không ai rõ. Nhưng do hai tiết mục
biểu diễn đó có độ khó tương đương, vì vậy tiền thu được cũng khá. Hoán
hồn đối với bán gia mặc dù không phải chuyện nhỏ, nhưng những chuyện như thế này mang tính khoa trương nhiều hơn.
Quyển mười lăm trong
Hữu đài tiên quán bút ký còn ghi lại một loại “thuật gọi hồn”, tức là
gọi hồn người sống đang ở nơi đất khách quê người về. Ở Hồ Bắc có một
gia đình nông dân, thời loạn lạc nên người chồng bị bắt đi lính, mãi
không thấy về. Có người mách với mẹ người đó rằng: “Có thể lấy giày mà
con trai bà đã đi đặt dưới gầm giường, buộc hai chiếc giày quay mặt vào
nhau, sau đó đêm nào cũng gọi tên con trai bà thì con trai bà có thể trở về.” Lại có một chuyện, là do con dâu của Du Việt kể, chị ta từng ở nhà họ Chu để lánh nạn binh đao, đứa con trai độc nhất của nhà hàng xóm bị
giặc bắt đi, có người mách mẹ cậu ta là đi xin dầu và bấc đèn của bốn
mươi chín nhà, cứ đến đêm thì đốt, sau đó gọi tên con bốn mươi chín lần, đêm nào cũng làm như vậy, phải gọi thật tha thiết. Mấy tháng sau, đứa
con đó đúng là đã thoát khỏi sự giam giữ của bọn giặc mà về, theo lời kể của cậu ta, đêm nào cũng nghe thấy tiếng mẹ gọi mình. Mặc dù những linh hồn được hoán về này chưa rời khỏi thể xác, nhưng nó có thể nghe thấy
tiếng hô tiếng hoán, cảm nhận của những linh hồn trong thuật phù thuỷ
chiêu hồn là giống nhau.
Chuyện cuối cùng không thể không nói, đó là từ thời Minh – Thanh có rất nhiều phong tục ở các địa phương, gặp
phải chuyện “mất hồn”, khi chiêu hồn, còn phải đến miếu Thành Hoàng hoặc thổ địa đốt hương cúng bái. Đoán rằng chỉ có thể là một trong hai
nguyên nhân dưới đây.
Một là, sau thời Minh, miếu Thành Hoàng của châu huyện đã trở thành âm phủ được địa phương hoá, trước kia, những
linh hồn bị âm phủ chiêu về, đều phải gặp Diêm Vương, bây giờ chỉ cần
đến gần những kẻ do thần Thành Hoàng cai quản là được. Người đã chết,
linh hồn bị giam trong miếu Thành Hoàng, trong âm gian gặp phải vụ kiện
nào cần đi bắt người sống về làm chứng, có chuyện gì phải kéo sinh hồn
mới có hiệu quả thì lệnh bắt hồn đó cũng là do Thành Hoàng phê chuẩn. Vì vậy, nếu có người bị mất hồn thì khả năng là bị Thành Hoàng tạm thời
bắt đi, lúc này đến miếu thắp hương cầu khấn cũng chính là cách để thăm
dò tình hình thực tế, cầu xin lão gia giơ cao đánh khẽ, nhanh chóng thả
sinh hồn đang bị giam giữ về.
Nguyên nhân thứ hai là, cho dù
Thành Hoàng ở châu huyện hay miếu thổ địa thôn xóm, trong mắt mọi người
đều có trách nhiệm bảo vệ cho các sinh linh của địa phương, vậy thì khi
quỷ tốt đi tuần, gặp phải những sinh hồn lạc lối, về lý thì họ có nghĩa
vụ phải thu nạp những linh hồn ấy. Nếu là sinh hồn của những gia đình
giàu có, Thành Hoàng, thổ địa sẽ nghĩ cách tìm ra gia chủ, cung kính đưa sinh hồn đó trở về phủ, còn bách tính thường dân quá nhiều, không thể
để ý hết được, nên đành để thân nhân của những linh hồn đó vất vả đến
miếu, dâng hương bẩm báo, rồi mang sinh hồn của gia đình mình về. Đạo lý này không cần nói chắc mọi người cũng hiểu, giờ con cái hoặc người thân nhà ai bị mất tích, việc đầu tiên mà thân nhân người đó làm chẳng phải
cũng là chạy đến đồn công an để báo án sao?
Các kiểu thoát khiếu [1]
[1] Khiếu ở đây là lỗ.
Trong các cuốn tiểu thuyết, bút ký, thường gọi việc linh hồn rời khỏi thể xác là “lý khiếu” (trong truyện Thang Công ở quyển ba của Liêu trai chí
dị), linh hồn quay lại thể xác gọi là “nhập khiếu” (trong truyện Sinh
hồn nhập thai, thai phụ sinh nở của Tục tử bất ngữ do Viên Mai viết).
Càng kỳ lạ hơn, hồi còn nhỏ, khi nghe người già kể những câu chuyện kiểu này, họ liền gọi những linh hồn thoát khỏi thể xác trong giấc mơ là
“khiếu”, cách nói nghe có vẻ hơi “trẻ con”. Khi về già nghĩ lại chuyện
này, đột nhiên cảm thấy từ “khiếu” này có thể viết nhầm của từ “xác”,
bởi vì từ “xác” và từ “khiếu” trong tiếng Trung là từ đồng âm khác
nghĩa. Như trong truyện Bào hải la phu ở quyển bảy trong Động linh tục
chí của Quách Tắc Vân viết cũng gọi là “xuất xác”. Nhưng cũng có một khả năng khác, tức là từ “khiếu” này muốn nói đến “khổng khiếu”[2] trên
người. Bởi vì cũng có một cách nói, đó là linh hồn rời khỏi thể xác liền coi lỗ hổng đó là đường thoát. Là từ “xác” hay từ “khiếu”, cho dù có
làm rõ thì về ý nghĩa cũng không khác nhau nhiều, đều là nơi trên cơ thể để linh hồn rời khỏi và quay lại thể xác, nhưng từ đó chúng ta liên
tưởng tới một chuyện rất nhỏ khi linh hồn rời khỏi cơ thể: Linh hồn
thoát khỏi thể xác như thế nào? Điều này lại khiến chúng ta không thể
không nghĩ đến vấn đề về hình dạng của linh hồn là to hay nhỏ.
[2] Khổng khiếu: lỗ hổng.
Theo cách nhìn thông thường trong nhân gian, linh hồn của một người sẽ có
hình dạng giống hệt như thể xác của người đó, về mặt trọng lượng có thể
có khác biệt, nhưng dài ngắn, béo gầy thì giống hệt nhau. Trong câu
chuyện về Liễu Thiếu Du đã nói ở trước, linh hồn và thể xác hoàn toàn
giống nhau, khiến người bên cạnh còn không phân biệt được ai là chủ, ai
là khách. Đây có lẽ là kiến thức thường thấy của chúng ta trong quan
niệm về thế giới u minh, thử đọc một loạt những câu chuyện về linh hồn,
những người tình trong giấc mơ, những sinh hồn do âm sai bắt đi, Diêm
Vương tra khảo, và những linh hồn hiển linh trong nhân gian dường như
đều giống hệt thể xác của người đó. Chỉ cần suy nghĩ một chút là có thể
hiểu ngay, nếu linh hồn và thể xác khác nhau thì chẳng phải thế giới âm
phủ sẽ đại loạn hay sao? Không chỉ đại loạn mà sẽ hoàn toàn sụp đổ!
Tôi có suy nghĩ thế này, nếu quỷ có thể gặp người mà người không thể gặp
quỷ thì mối quan hệ giữa hai thế giới âm dương không được bình đẳng cho
lắm, điều này cũng là một trong những nguyên nhân khiến rất nhiều người
cho rằng ma quỷ có khả năng siêu phàm, có thể biết những thứ mà con
người không biết, làm những việc mà con người không thể làm. Người không thể nhìn thấy quỷ, nếu quỷ muốn người nhìn thấy, muốn người cảm nhận
thấy thì phải trở thành “vật phụ thuộc”, quan niệm này mặc dù không phổ
thông lắm, nhưng đúng là đã tồn tại trong một vài ghi chép của các học
giả. Chẳng hạn như mảnh ván quan tài thì không thể thành tinh, cái phất
trần hỏng thì không thể tác quái, lý do chúng bị con người cho rằng có
thể trở thành tinh quái vẫn là vì có vật tinh quái đính kèm mà thôi. Tuy nhiên, nếu người nào đó có thể nhìn thấy quỷ, giả sử anh ta không phải
là thuật sĩ có thể nhìn thấy quỷ, hoặc đứa trẻ có đôi mắt tinh tường thì nhiều khả năng anh ta có vấn đề về mặt tinh thần, nghiêm trọng hơn thì
có lẽ thành phần quỷ trên người anh ta tương đối nhiều, cũng có thể anh
ta sắp chết. Giống như một câu nói trong bộ phim Constantine[3] của Mỹ:
“Khi bạn nhìn thấy họ thì họ cũng nhìn thấy bạn rồi.” Mặt khác, nhìn từ
góc độ của ma quỷ thì họ vốn không nhìn thấy con người, thứ mà họ nhìn
thấy chỉ là linh hồn của con người, phương thức mà họ và con người có
thể giao lưu với nhau là thông qua giấc mơ, sự ảo giác nhất thời (tức là tạm thời ngao du giữa hai thế giới âm và dương). Những gì mà âm sai có
thể nhìn thấy có lẽ cũng giống như thế, do đó, thứ mà chúng bắt đi cũng
chỉ có thể là hồn mà không phải là “người”, khi chúng cầm dây quấn vào
cổ “người”, thực ra là quấn vào cổ hồn của người đó. Những đối tượng ra
đi một cách bất thường, khi tỉnh lại người đầm đìa mồ hôi, run rẩy đó
không phải là người bệnh nằm trên giường mà là linh hồn của người đó. Ở
đây tôi không muốn bàn luận quá nhiều về vấn đề này, chỉ muốn mượn nó để nói rõ một điều, thường thì, nếu linh hồn của người ta bị nhìn thấy, về lý giống hệt với thể xác của người đó, đến cả sự khác biệt nhỏ xíu giữa hai anh em sinh đôi có lẽ cũng không có.
[3] Người đến từ địa ngục.
Khi một linh hồn như thế phải rời khỏi thể xác, nếu phải thể hiện hình
tượng thì tôi cảm thấy hình ảnh thần xác phân ly trong bộ phim Ghost[4]
của Mỹ là hợp lý nhất: Khi người chết ngã xuống, một hình ảnh có hình
dạng giống hệt người đó cùng lúc tách ra khỏi cái xác, từ từ đứng dậy,
lơ lửng bay đi, hoặc lên thiên đàng, hoặc xuống địa ngục. Nhưng kiểu
phân ly khỏi thể xác như thế rất ít được miêu tả trong những câu chuyện
ma của chúng ta, mà là những người đồng ý với cách nhìn này cho rằng đó
là chuyện hết sức bình thường, không có gì phải bàn cãi. Như truyện Sinh hồn vong tử trong Dực quynh bại biên mà chúng ta đã đề cập ở chương Mất hồn cũng là kiểu linh hồn cố gắng thoát khỏi thể xác. Còn có rất nhiều
những câu chuyện về việc linh hồn nhập lại thể xác, hoặc linh hồn lao
vào trong thể xác, hoặc linh hồn và thể xác gặp nhau rồi nhập lại thành
một… Nếu có ai đó yêu cầu phải miêu tả giống như khi chơi búp bê Nga, từ từ nhấc con bên ngoài ra rồi lại nhấc tiếp con bên trong thì đúng là
làm khó người kể chuyện rồi. Trong Phong thần diễn nghĩa[5], động một tí là lại nói: “Một linh hồn nữa đã chạy về đài phong thần rồi”, ba trăm
sáu mươi lăm linh hồn chết đột tử là tách ra khỏi những cái đầu bị đánh
vỡ toác hay thoát ra từ chỗ cơ thể bị đứt làm đôi, không có chỗ nào nói
rõ. Xem ra Hứa Trọng Lâm cũng khó có thể nói rõ, nên đành ỡm ờ cho qua.
Mà việc này vốn cũng không thể truy cứu tới từng chi tiết, nếu gặp phải
những người thích tranh cãi, họ hỏi: Nếu như hình dạng của quỷ và thể
xác giống hệt nhau, cho dù là người có bị chém thành hai đoạn đi nữa thì linh hồn của anh ta khi bay về đài phong thần cũng phải chia thành hai
đoạn mà bay sao? Nhưng ở đây chúng ta không nói đến quỷ, vì vậy cũng
không cần tranh cãi.
[4] Hồn ma.
[5] ‘Phong thần diễn nghĩa’ của Hứa Trọng Lâm
Nhưng cổ nhân có một vị tiên sinh khi gặp phải cảnh bế tắc, cảm giác như linh hồn thoát xác, phải giống như con tằm thoát khỏi kén, ve sầu thoát xác
vậy, cần có một cái lỗ mới chui ra được. Đương nhiên, theo như điển tích mà Nho học đã nói, linh hồn chỉ là khói, là khí, có thể dễ dàng tưởng
tượng, chỉ cần thoát ra khỏi cơ thể người như toát mồ hôi vào mùa hè,
khí lạnh vào mùa đông, sau đó “phát dương ư thượng, vi chiêu minh, hôn
hao, thê sảng”[6], giống như mây khói bay lên, tản ra, có là “làn khói
hương hồn” của Tiêu Tương tiên tử cùng đám hồn ma cũng không thể làm gì
được nó. Nhưng trong các câu chuyện ma, chỉ có khi linh hồn bị đạo sĩ
bắt vào trong hồ lô, khi thả ra mới biến thành làn khói đen, uốn lượn
bay ra, chứ chưa từng thấy trên thân người thoát ra một làn khói đen bao giờ. Còn chuyện một làn khói đen bay ra từ thân thể con người, sau đó
làn khói này liền tụ lại thành hình người, từ nhỏ tới lớn, chuyện như
thế cũng là thần thoại, tiểu thuyết hóa rồi.
[6] Xem chú giải ở trang 18.
Còn vị tiên sinh gặp phải cảnh bế tắc nên nói chuyện ma quỷ lại nhận định
rằng linh hồn là một thực thể có thể tích, trọng lượng rõ ràng, đương
nhiên cũng sẽ không chấp nhận thuyết linh hồn mong manh như làn khói của Nho học rồi. Bọn họ thà linh hồn biến thành một thứ đồ nào đó, cũng
không cho phép linh hồn tan vào hư không. Linh hồn vừa có thể se thành
sợi mì, nặn thành bánh trôi, hoặc là ruồi nhặng, con dế, như thế mặc dù
dễ dàng trong việc thoát xác, nhưng đa phần là do văn nhân múa bút hoặc
những người già nhàn rỗi buôn chuyện, được coi như những tư tưởng kỳ lạ, nên không cần phải hỏi nhiều. Dễ dàng di chuyển và giản tiện nhất là cứ để linh hồn giữ nguyên tỷ lệ hình dáng và có thể tùy ý biến nhỏ lại,
tới mức có thể chui ra từ một chỗ nào đó trên cơ thể, mà sau khi chui ra rồi không đến nỗi khiến cơ thể xẹp lại thành một đống.
Cách nói
linh hồn nhỏ hơn thể xác mặc dù không quá phổ biến, nhưng thỉnh thoảng
cũng bắt gặp trong những bài tùy bút và tiểu thuyết. Trong truyện Kiếp
trước của Lô Hân Ngộ trong quyển mười một của cuốn Dị kiên chí bổ của
Hồng Mại, kể về Triệu Thị Tứ mười chín tuổi, chăn bò trong núi, trời mưa nên trượt chân xuống vách núi chết. Nhưng linh hồn của anh ta không
biết là mình đã chết ra sức đứng dậy, sau đó mới nhìn thấy bên cạnh có
một thi thể đang nằm, thậm chí cũng không nghĩ ngay ra rằng đó chính là
thi thể của mình, mà là thi thể của người khác. Lúc này, linh hồn của
anh ta cũng có kích cỡ giống như thể xác, nhưng sau đó, khi bố mẹ anh ta tới nhặt xác, trong mắt anh ta, bố mẹ lại “cao lớn bất thường”, dùng tỷ lệ của thể xác để suy đoán thì linh hồn của anh ta chỉ bằng một nửa so
với thể xác thôi. Ngoài ra, tiểu thuyết ở thời Minh - Thanh cũng có
không ít câu chuyện liên quan đến mức độ to nhỏ của linh hồn, cũng có
vài chuyện nói linh hồn chỉ cao hơn một thước. Như truyện Chùy Ngộ Tai
trong quyển thượng của cuốn Minh bảo lục do Lục Kỳ viết thì linh hồn và
thể xác của người đó khi phân tách, phách thì cao lớn như cơ thể người,
nhưng hồn lại chỉ cao hơn một thước.
Nhưng điều này cũng không
được coi là độ co quá lớn, có một vài câu chuyện khác về việc thoát xác, trong những câu chuyện đó, linh hồn trở thành những “người nhỏ” như côn trùng, muỗi bọ vậy, chúng có thể chui ra chui vào cơ thể từ một lỗ hoặc một chỗ nào đấy. Quan niệm coi hồn là người nhỏ có lẽ bắt nguồn từ rất
sớm, thuyết “thân thần” của Đạo giáo có lẽ cũng bị ảnh hưởng từ quan
niệm này. Đạo sách cho rằng lục phủ ngũ tạng, tứ chi ngũ thể, gân cốt,
đầu óc, da và mạch máu của con người giúp cho các lỗ được tuần hoàn, đều có thần linh chi phối, hơn ba vạn sáu nghìn thứ, những thứ nhỏ bé đó có thể to bao nhiêu? Tam thi thần mà các đạo sĩ thường đọc đó, hằng ngày
ra vào cơ thể ba lần, vậy thì cửa tiện lợi nhất chính là lỗ trên và lỗ
dưới rồi. (Trong những câu chuyện rất quen thuộc như Người trong lỗ tai, Đồng nhân ngữ trong Liêu trai chí dị chắc độc giả cũng có thể nhận ra
được sự ảnh hưởng của sách Đạo giáo.) Nhưng quan niệm “thân thần” này
ngược lại cũng ảnh hưởng đến nhận thức về linh hồn của con người, thứ mà người ta dễ coi là thứ nhỏ bé nhất chính là “mộng hồn”.
Trong
truyện Hồn người chu du trong quyển bốn của Canh dĩ biên do Lục Sán
viết, kể về câu chuyện xảy ra ở quê hương ông ở Tô Châu. Tên lý trưởng
vì muốn thu tiền nha dịch, từ sớm đã đem theo một tiểu nô đi từ trước
Phong Môn đến Tề Môn, trên đường đi vì mệt mỏi, liền vào mái hiên của
một nhà nghỉ ngơi. Trong lúc mơ màng sắp ngủ, tên tiểu nô bên cạnh đã
ngủ từ lâu, thế là chủ nhân “trong lúc mơ màng thấy một tên tiểu tử nhảy múa bên cạnh tiểu nô của mình, ngã xuống đất” cũng chính là linh hồn
lìa khỏi thể xác. Đáng tiếc vị chủ nhân đó đã bỏ lỡ giây phút mà linh
hồn của tên tiểu nô thoát xác, nhưng ông ta đã nhìn thấy linh hồn nhập
vào thể xác như thế nào, có điều cũng rất mơ hồ, chỉ nhìn thấy linh hồn
nhảy lên trên cái xác rồi biến mất. Linh hồn rời khỏi thể xác trong mơ
này đã đi quanh vườn rau một lượt, còn tên tiểu nô đó đã mơ thấy mình đi dạo quanh khu rừng, đám rau cỏ trong giấc mơ của anh ta biến thành
những thân cây cao lớn. Câu chuyện này có rất nhiều phiên bản, hồi nhỏ
tôi thường nghe người lớn kể, có điều thêm thắt một vài tình tiết thú vị khác, ví dụ như “cái xác” đó ăn mấy cục phân dê, tỉnh dậy lại nói mình
đã ăn một bàn đầy “bánh ga tô”… Từ đó cũng có thể nhìn ra quan hệ đối
ứng giữa việc hồn đi chu du và các giấc mơ, cùng việc lý giải của con
người đối với những giấc mơ đó.
Ngoài ra còn phải chú ý thêm là,
vị chủ nhân có thể nhìn thấy mộng hồn của tên tiểu nô kia không ở trong
trạng thái tỉnh táo, mà nửa tỉnh nửa mơ, nếu để tôi giải thích thì đó
cũng là do mộng hồn của ông ta nhìn thấy, bởi vì nếu ở trạng thái bình
thường thì không có khả năng nhìn thấy linh hồn. Thế nào gọi là “nửa
tỉnh nửa mơ”? Có những lúc chúng ta tỉnh dậy trong giấc mơ nhưng vẫn
không thể tỉnh táo ngay, hư hư thực thực, phải một lúc sau mới rõ ràng,
đám vàng bạc châu báu vừa rồi xuất hiện trước mắt chẳng qua là đống
xương còn lại trên bàn ăn.
Trong Liêu trai chí dị có câu chuyện
Cống sĩ họ Trương, kể chuyện hồn của Trương cống sĩ thoát ra từ “ngực”,
khi đó ông ta đang ốm, tất cả đều là tự mình nằm trên giường rồi nhìn
thấu:
“Đột nhiên thấy từ trong ngực có một người thoát ra, cao
tầm nửa thước, đội mũ mặc áo nhà Nho, dáng như con hát. Hát côn sơn
khúc, điệu rất dễ nghe, lại tự nói tên họ, quê quán, giống hệt với mình. Những khúc người đó hát, bình sinh Trương mỗ đã từng nghe qua. Hát
xong, ngâm thơ rồi biến mất.”
Người nhỏ bé này rõ ràng là linh
hồn của Trương cống sĩ. “Ngực” là bộ phận không có lỗ, hồn vốn không
phải là thực thể, là một ảo ảnh nên có thể tùy ý thoát ra ở bất cứ chỗ
nào và không có trở ngại gì, nhưng “ngực” gần tim nhất, căn cứ vào kiến
thức phân tích về linh hồn của người xưa, tim là nơi linh hồn trú ngụ.
Cái lỗ cách tim gần nhất chính là rốn, vì vậy trong quyển bốn của truyện Quỷ đống không rõ danh tính và tác giả đời Tống có kể, âm phủ sai một
con khỉ đi bắt hồn của Trần Sinh, viết: “Hồn của Trần Sinh thoát ra từ
rốn.”
Còn về nơi linh hồn gửi thần, đa phần các kiến giải cho
rằng linh hồn trú ngụ ở trên đầu, không rõ vị trí cụ thể, nhưng có lẽ là ở dưới lớp xương sọ. Đầu của con người có bảy lỗ, ngoài hai hốc mắt
không được tiện lợi lắm, những con đường còn lại đều rất khang trang
rộng rãi. Nhưng những linh hồn trong rất nhiều các câu chuyện kể đều
không đi ra từ con đường chính mà xuyên qua đỉnh đầu để ra.
Trong Quảng dị ký của Đới Phu đời Đường có viết, quỷ sứ đuổi bắt Thôi Minh
Đạt, “vẫn là bắt hồn người đó từ đầu ra”, trong truyện Thần du Tây Hồ,
quyển năm của Di kiên chi mậu do Hồng Mại đời Nam Tống viết, nông dân
Trần Ngũ sau khi chết rồi sống lại, kể rằng: “Khi mới chết, cảm thấy hồn phách đi ra từ não”, sau khi ra ngoài rồi, quay lại nhìn, “thấy thể xác nằm trên giường, vợ con kêu khóc, gọi tên mình thảm thiết, nhưng không
có ai trả lời”. Trong truyện Thông u pháp của quyển bảy trong Tục tử bất ngữ do Viên Mai viết kể về linh hồn của một nông phu khi thoát xác:
“Cảm thấy như hồn thoát ra từ đỉnh đầu, đau đớn vô cùng. Khi quay lại
cũng vẫn đi từ đỉnh đầu vào, nhưng toàn thân dễ chịu, như trút được gánh nặng, như mệt mỏi quá mà phải thiếp đi.” Trong truyện Nhị Tác Nhân ở
quyển một của Vấn kiến dị từ[7] do Hứa Thu Xá viết về một người luyện
“xuất thần thuật”: “Khi thành công, thấy một người cao tầm hai tấc thoát ra từ đỉnh đầu, những chuyện bên ngoài không cần hỏi mà tự biết.” Trong truyện Đã chết bảy ngày lại hồi sinh ở quyển bốn trong Dung am bút ký
của Tiết Phúc Thành có viết: “Khi sắp chết, hồn chui ra từ đỉnh đầu,
tách ra khỏi thân xác.” Còn trong một chuyện ở quyển bốn Động linh tục
chí của Quách Tắc Vân viết về một vị quan “học đạo thuật ở tuổi trung
niên, ngày nào cũng phải ngồi thiền. Lâu dần, nguyên khí tích tụ, thấy
có một đứa bé thoát ra từ đỉnh đầu”, lại có Uông Sinh, “chuyên tâm tu
luyện, trong lúc đang ngồi thiền, đột nhiên thấy một đứa trẻ thoát ra từ đỉnh đầu”. Rõ nhất phải kể đến Thuyết Linh. Minh báo lục của Lục Kỳ:
“Khi trút hơi thở cuối cùng, lập tức nhìn thấy hồn từ đan điền dưới bụng dưới, hình dạng trông như một viên bánh trôi, màu xanh ngọc bích, càng
dâng càng cao, đến rốn thì khó thở, đến ngực thì thở gấp, khi dâng đến
giữa cổ họng và đầu thì hai mắt trợn ngược, tắc ở đỉnh đầu, đè nén khá
lâu, rồi vỡ tung như đá, hồn rời khỏi xác, phách tách khỏi hồn, trút hơi thở cuối cùng.” Đây là những cảm giác được kể lại từ một người đã chết
sau đó được hồi sinh, không những có cảm giác mà kỳ lạ nhất là còn có
thể nhìn thấy linh hồn ở trong bụng dưới giống như viên bánh trôi màu
xanh ngọc bích, thật không biết là dùng “thiên nhãn” gì để nhìn nữa.
[7] Có nghĩa là những chuyện lạ tai nghe mắt thấy.
Còn việc linh hồn ra vào từ lỗ nào đó, trong các câu chuyện cũng có ghi
chép. Chuyện hồn thoát ra từ tai, chúng ta có thể xem trong cuốn Thuật
dị ký của Lương nhân Nhậm Phưởng[8], ghi lại chuyện của Mã Đạo Du thời
Nam Tề: “Hai con quỷ đi vào từ tai, đẩy hồn ra, hồn rơi xuống chiếc dép
gỗ.”
[8] Lương nhân Nhậm Phưởng (460-508).
Còn có thuyết
nói về việc hồn ra từ lỗ mũi, mời đọc truyện Nhân hồn chu du ở quyển bốn của Canh dĩ biên do Lục Sán viết. Trong truyện này, khi linh hồn thoát
khỏi thể xác sẽ biến thành một con rắn nhỏ, chui ra từ lỗ mũi, bơi lội
trong hồ nước ngoài vườn một vòng, còn chủ nhân thì lại mơ mình đang
được bơi ngoài biển, linh hồn hóa thành rắn, có lẽ là do người này có
tính cách độc ác như loài rắn rết.
Từ đây có thể thấy, cổ nhân
cho rằng linh hồn của con người nằm ở tim hoặc đầu. Nếu như linh hồn có
một nơi trú ngụ cụ thể trong cơ thể thì có lẽ cũng chỉ có thể tưởng
tượng như thế, không thể để nó trú ngụ ở ngón chân hay gót chân được.
Nhưng cũng có linh hồn ra khỏi cơ thể người từ dưới háng. Trong truyện
Từ tiên sinh, quyển sáu trong Tử bất ngữ có viết thế này: “Tên trộm họ
Từ thân bị tù đày, khi biết mình sắp chết, nói với người quen cũ Thạch
Tán Thần rằng: “Tôi chỉ sống được đến ngày mùng Một tháng Bảy thôi,
huynh hãy đến tiễn tôi.” Đúng ngày, Tán Thần vào nhà lao, gặp tên họ Từ ở phòng tiếp đón, thấy dưới háng người đó xuất hiện một đứa bé, nói với
họ Từ: “Nhìn là giết tôi! Nhìn là giết tôi!” Sau đó ngoẹo đầu, đứa trẻ
biến mất.”
Linh hồn này có lẽ đi ra từ lỗ sau, nơi đó mặc dù
không được nho nhã cho lắm nhưng lúc này tương đối kín đáo, người khác
cũng khó nhìn thấy. Nếu đao phủ và những người đến thăm tù nhân xung
quanh nhìn thấy một người nhỏ chui ra từ đầu hoặc từ một trong bảy lỗ
trên cơ thể phạm nhân, có lẽ sẽ lại trở thành chuyện cười cho họ sau
này. Điều này cho thấy họ Từ kia khác với lão Q, thà đi ra từ cửa bẩn,
chứ quyết không muốn nhìn thấy những khuôn mặt bốc mùi của khách tới
thăm.
Trong những tình huống bình thường, dù là chết, hôn mê, hay mơ ngủ thì linh hồn đều rất tự nhiên, không cần cưỡng bức cũng tách rời khỏi thể xác. Nhưng cũng có những linh hồn cần phải sử dụng thủ đoạn để cưỡng chế, chính là những trường hợp hồn thoát ra từ lỗ rốn hoặc từ tai kể trên. Trong truyện Chử sinh trong Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh, nội dung của truyện phù hợp với giả thuyết cưỡng chế hồn lìa xác nói
trên. Chử Sinh muốn tách linh hồn của Trần Sinh ra khỏi xác, hoặc nói
cách khác là muốn chuyển xác của Trần Sinh ra chỗ khác để mình dễ bề
nhập vào. Đến ngày thi, Chử Sinh đưa một người đến gặp Trần Sinh, nói
rằng là anh họ Lưu Thiên Nhược của mình, bảo Trần Sinh đi cùng anh họ
đến một hoa viên đẹp nào đó dạo chơi vài ngày. Trần Sinh đứng dậy, đang
đi ra ngoài thì Chử Sinh kéo giật anh ta lại từ phía sau, khiến anh ta
suýt nữa ngã dúi xuống đất. Lúc đó, Thiên Nhược vội vàng dùng tay kéo
anh ta lại, rồi đưa anh ta đi. Người mà Chử Sinh kéo là xác của Trần
Sinh, còn người mà Thiên Nhược dắt đi là linh hồn của Trần Sinh, một kéo một dắt nên linh hồn và thể xác tách khỏi nhau.
Từ chuyện này
chúng ta nghĩ, có một vấn đề có lẽ cũng nên quan tâm, đó là vào thời
khắc linh hồn thoát ra từ lỗ tai và rơi xuống bàn chân kia, liệu có phải nó sẽ nghĩ rằng ngã đau sa sẩm mặt này không? Khi len ra từ đỉnh đầu,
liệu có đau tới mức méo miệng không? Những linh hồn này không nói và
cũng không ai biết. Giống như câu chuyện ở trên nói Trần Sinh bị kéo
suýt ngã dúi xuống đất, đấy cũng chỉ là cảm giác, nhưng nhiều hơn cả
dường như bản thân mình biến thành một thứ mong manh như làn khói trong
suốt không màu sắc. Nhân vật chính trong câu chuyện Thang công trong
Liêu trai chí dị kể lại những gì mình đã được trải nghiệm: “Hơi nóng vẫn bốc lên ngùn ngụt, xuyên qua cổ, qua đầu, chui ra, linh hồn thoát khỏi
lỗ và quên luôn thể xác.”
Trong quyển ba của cuốn Duyệt vi thảo
đường bút ký do Kỷ Quân viết về hiện tượng hồn lìa khỏi xác của một
người treo cổ tự tử như sau: “Huyết mạch đau đớn, từng thớ da thớ thịt
trong người như muốn nứt toác, đau đớn như bị cắt. Lục phủ ngũ tạng
trong người nóng như lửa thiêu, không thể chịu được.” Cảm giác này vừa
hay đúng với nhận định của Viên Tử: “Cảm thấy như hồn thoát ra từ đỉnh
đầu, đau đớn vô cùng.” (Thông u pháp của quyển bảy trong Tục tử bất ngữ
do Viên Mai viết). Còn Du Việt lại tôn trọng thuyết của Nho học, cho
rằng việc linh hồn thoát ra từ các lỗ trên cơ thể là “khí đó bay lên
trên”, vì vậy trong Hữu đài tiên quán bút ký có mấy chỗ nói đến cảm giác khi hồn rời khỏi xác, lúc thì “đột nhiên cảm thấy cơ thể nhẹ bẫng như
lông vũ”, lúc thì “cảm thấy cơ thể bay bay như mây trên trời”, lúc thì
“bay bay theo gió, không thể tự chủ.”
Tổng hợp những điều kể
trên, mỗi người mỗi ý, rốt cuộc là hồn thoát khỏi xác từ đâu không có
một quy tắc nhất định, vì vậy, nói đi nói lại cả nửa ngày cũng bằng chưa nói. Cũng may khi độc giả còn chưa quan tâm nhiều đến chuyện này thì đã có bảy, tám quy định gì đó rồi, chẳng qua cũng chỉ là một hình thức,
mọi người phải đến bảy, tám mươi năm sau cũng sẽ tự lý giải theo cách
của mình.