Đường lão nhân khi xưa đã viết một cuốn sách bàn về “vạn vật sống trong nước”, cuốn sách nổi
tiếng giới thiệu những loài “tôm, cá, cỏ, cây”. Chủ đề này thực sự đã
gợi mở cho tôi nhiều suy nghĩ, vì thế cho nên tên đề mục mở đầu câu
chuyện không nhất thiết phải nói rõ ràng cái ẩn ý “quỷ sông ma nước” mà
chỉ cần gợi mở ra trong phạm vi rộng lớn của một lớp ngôn từ có tính bao quát, vừa mơ hồ, lại vừa bí ẩn. Hơn nữa, cũng không cần phải nhắc tới
đặc thù hay sự nghiêm trọng của ma quỷ, mà chỉ cần nói tới vạn vật chung chung mà thôi. Nhưng hôm nay, vấn đề này lại được bàn luận một cách chi tiết, tỉ mỉ hơn. Giả dụ câu chuyện mà chúng ta đang bàn tới ở đây được
đặt một típ chuyện giật gân “nói chuyện về những con ma chết đuối” hay
văn nhã hơn là “thuyết nịch quỷ[1]”, thì điều này chắc hẳn rất khó tìm
được một tạp chí thích hợp để đăng tải. Vì thế mượn lối nói của tiền
nhân và đưa thêm vào dấu ngoặc kép, người viết không hề có ẩn ý gì sâu
xa mà chỉ mong sao thoát khỏi được những mông lung, rối rắm trong nhan
đề, để câu chuyện đến được với độc giả và nhận được sự đồng thuận, yêu
mến. Đương nhiên sau khi tháo gỡ được những khó khăn này, vẫn không thể
tránh khỏi nhiều ý kiến trái chiều, điều này cũng giống như khi đang
sung sướng thưởng thức cá biển mà vẫn phải lo ngại về một điều gì đó ẩn
sâu trong dòng nước. Tuy nhiên, đó là những câu chuyện của sau này, còn
thực tại vẫn rất khó để có thể vượt qua nỗi mông lung, hỗn độn này.
[1] Thuyết nịch quỷ cũng có nghĩa là nói chuyện về những con ma chết đuối.
Trong tác phẩm của mình, Đường lão nhân có một đoạn nói rõ dụng ý việc chuyên tâm nói chuyện ma quỷ của mình, trong đó có đoạn viết: “Tôi có ý muốn
lấy ma nước là đề tài tiên phong cho tác phẩm của mình, chính đề tài này sẽ gợi ra nhiều hứng thú cho mọi người trong việc nghiên cứu, thẩm định trên nhiều phương diện.” Trong khoảng bảy mươi năm sau khi có câu nói
này, không biết đã có ai hứng thú làm công việc thẩm định, nghiên cứu về vấn đề này chưa, hoặc là sau những điều tra nghiên cứu cũng chưa thấy
có ý kiến tranh luận gì. Nói tóm lại, tôi vẫn chưa phát hiện thấy có bài viết nào đề cập tới phương diện này. Thành phố tôi ở khi còn nhỏ là một vùng sông nước phương Bắc, có không ít sông, hồ, kênh, rạch chằng chịt, cho nên người dân nơi đây vẫn thường kể cho nhau nghe câu chuyện về
những con ma chết đuối. Những câu chuyện ấy chỉ nhằm nhắc nhở trẻ con
trong vùng không được chơi đùa ở những chỗ gần sông nước. Mặc dù tôi
không còn nhớ rõ những câu chuyện hồi ấy có đặc sắc như những câu chuyện ma vùng sông nước Giang Nam hay không, nhưng đến bây giờ, mặc dù nước
sông vùng Hoa Bắc đã cạn khô, lòng sông rộng lớn của mười mấy năm trước
đây nay đã trở thành công trường đang thi công nạo vét, nhưng “vạn vật
trong nước” ấy chính là những thứ được đào khoét nằm sâu trong lòng đất. Thành phố tôi sống bây giờ lại là nơi chẳng có lấy một dòng sông hay
con suối, và đương nhiên cũng chẳng có những câu chuyện ma như trước
kia. Mấy năm về trước, để cải thiện tình hình, thành phố đã cho đào một
con sông nhân tạo, lòng sông được lát xi măng, hai bên bờ sông là những
bậc thềm ngay ngắn, sườn dốc thoai thoải, nhưng không hiểu vì sao, cứ
sau ba đến năm bậc lại đột ngột hạ xuống mấy thước, kết quả là mấy năm
liền đều có người bị rơi xuống nước chết đuối. Những ghi chép để lại về
những vụ chết đuối ấy có lẽ cũng không nhiều lắm, chủ yếu đều là những
ghi chép trên tinh thần khoa học, không nhuốm màu sắc mê tín dị đoan,
cho nên cũng chỉ có mấy dòng tin tức, cảnh báo đăng rải rác trên các tạp chí, còn lại chẳng có gì được coi là dấu hiệu của những câu chuyện
huyền bí về “người thế tội”. Nói thao thao bất tuyệt một hồi, mục đích
của người nói cũng chỉ nhằm giải thích hai chữ “lại nói” có trong đầu đề chương chuyện. Thực tế thì những chuyện trên đây cũng chẳng liên quan
gì nhiều với những điều mà Đường lão nhân đã viết, chỉ là từ trong những câu chuyện ấy có chứa đựng một vài thông tin thú vị về ma nước mà chúng tôi muốn bàn tới ở đây.
Chết đuối có thể được coi là biểu hiện
phản ánh sự tiến hóa từng bước của con người, vì trong hành trình đi lên của nhân loại luôn luôn có những lối mòn và con người cứ theo cái lối
mòn ấy mà đi. Chết đuối cũng là một trong những lối mòn như thế. Lội
nước trượt chân và lũ quét dữ dội đều là những điều mà tổ tiên chúng ta
không thể lường trước được. Đối với chúng ta, để có được một khái niệm
về hồn ma thì rõ ràng cần phải có nhiều hơn những ghi chép về các vụ
chết đuối, mà những hồn ma và những người chết đuối lại gặp gỡ nhau ở
một quan niệm đã trở thành cố hữu trong tín ngưỡng dân gian là người
chết đuối bao giờ cũng phải kéo theo người khác rơi xuống nước để làm kẻ thế thân cho mình thì mới có tư cách tham gia vào vòng luân hồi của
những kiếp “ma nước”. Từ trước đó, thi thể của người chết đuối có thể bị chôn vùi hay chìm nổi lênh đênh theo dòng nước lũ làm mồi cho cá dữ
nhưng linh hồn của họ thì vẫn vẩn vơ nơi mồ mả hoặc men theo những người hợp duyên qua lại trên đường, những người chết này hầu như không có
trường hợp ngoại lê.
Linh hồn của người chết đuối mà có danh
tính, địa chỉ quê quán rõ ràng, phần lớn đều được gọi với tên là “Phùng
Di”. Cái tên Phùng Di này khẳng định đây là một sự vay mượn tạm thời vì
vốn dĩ đó là tên gọi của Hà bá. Trong Hoài Nam Tử có đoạn viết: “Phùng
Di đặc đạo, dĩ tiềm đại xuyên[2]” Từ thời nhà Hán trở về trước, dòng
sông lớn được nhắc tới ở đây chính là sông Hoàng Hà. Trong những tài
liệu còn ghi chép lại được đã xuất hiện câu chuyện lưu tryền trong dân
gian về Phùng Di. Trong những câu chuyện ấy, Phùng Di hiện lên là một vị thần sông từ thời cổ đại vô cùng gần gũi với người dân vùng sông nước.
Dường như vị thần sông ấy có nguồn gốc xuất thân từ một người bình
thường trong dân gian, chỉ sau khi tu luyện “đắc đạo” mới trở thành thần sông nước: “Phùng Di, người vùng Hoa Dương, đắc đạo trở thành thần
sông.” Nhưng làm thế nào Phùng Di có thể đắc đạo thành tiên? Những ghi
chép giải thích về vấn đề này lại hoàn toàn không giống nhau, trong cuốn bốn truyện sưu tầm về thần thánh của Ca Bảo thời Đông Tấn đã hé lộ một
số thông tin được lưu truyền trong dân gian:
Hoằng Nông Phùng Di
là người vùng Hoa m[3], chết đuối trong một lần qua sông vào ngày Canh
Thìn tháng Tám. Thiên hoàng thương xót phong làm Hà bá cai quản vùng
sông nước. Trong sách Ngũ hành cũng viết: “Hà bá chết vào ngày Canh
Thìn. Không thể chèo thuyền qua sông, đắm thuyền mà chết.”
[2] Có nghĩa là: Phùng Di tu luyện thành công về ở ẩn nơi sông lớn.
[3] Tên địa danh ở tỉnh Thiểm Tây - Trung Quốc.
Thì ra, sự “đắc đạo” của Phùng Di xuất phát từ nguyên nhân chết đuối của
ông ta. Nhưng lúc đó vẫn chưa thịnh hành thuyết “thi giải[4]” thành
tiên, ở đây ám chỉ sự chết đuối của Phùng Di. Trên thực tế, ông ta rơi
vào tình cảnh tai ương như vậy thực sự chẳng có gì may mắn cả, cũng
chẳng phải thoát xác hóa thần hóa thánh gì hết. Vì thế việc chết đuối và “đắc đạo” là hai chuyện không hề liên quan đến nhau. Vậy nhưng, tại sao Thiên hoàng lại phong tước cho ông ta là Hà bá? Để lý giải điều này
người ta chỉ có thể dựa vào phỏng đoán. Đứng từ phương diện cái thiện mà nói thì sau khi Phùng Di qua đời, đảm nhiệm vai trò thần sông, xuất
phát từ chính nỗi bất hạnh mà cuộc đời mình gặp phải, nên ông ra sức cứu giúp, bảo vệ người dân, tránh cho họ gặp phải tai nạn chết đuối. Đó là
một việc làm đầy thiện tâm. Nhưng đứng từ phương diện cái ác mà lý giải, theo thuyết Ngũ hành đã đưa ra lời khuyên cảnh báo tới những người chèo thuyền qua sông vào những ngày nước lớn phải hết sức cảnh giác, vì thời điểm đó chính là lúc Hà bá giận dữ sẵn sàng nhấn chìm bất cứ ai xuống
vực nước sâu thăm thẳm. Tuy nhiện, trong tâm thức của con người, chúng
ta vẫn tin vào tấm lòng thiện tâm của người quân tử, cho nên mỗi người
dân vẫn thường không nghi ngại mà nhận định rằng việc làm quen thuộc,
giản đơn của thần Hà bá chính là bảo vệ, cứu giúp những người qua sông
được an toàn. Có thể đưa ra một ví dụ dễ thấy từ truyện Dinh tân phụ[5]
trích từ cuối năm, Sưu thần ký[6]:
“Trên dòng sông Hoài Nam đã
từng xảy ra cái chết thương tâm của một cô gái trẻ, vốn là một thiếu nữ
xinh đẹp, mười sáu tuổi đã xuất giá. Câu chuyện về nàng thật thương tâm! Sống ở nhà chồng, nàng bị áp bức, đánh đập đến nỗi không thể chịu được. Vào đúng ngày mùng Chín tháng Chín, trong nỗi đau khổ, uất ức đến tột
cùng, nàng tự tìm đến cái chết. Câu chuyện về người con gái bất hạnh ấy
vẫn được người dân kể lại với nỗi thương cảm vô bờ. Trong những ghi chép của mình, Vu Chúc đưa ra lời khuyên: “Những người phụ nữ trong gia đình cần ghi nhớ trong ngày mùng Chín tháng Chín chớ nên làm bất cứ việc
gì.”
[4] Thi giải: có nghĩa là thoát xác.
[5] Người vợ trẻ.
[6] Những ghi chép, sưu tầm chuyện về các vị thần.
Một oan hồn bị mẹ chồng đối xử tàn nhẫn mà chết, linh hồn hóa thành minh
thần để bảo vệ những người phụ nữ bất hạnh, vị minh thần này cùng với
oan hồn chết đuối nói ở trên chẳng phải cũng giống nhau ở hành động nhân nghĩa ấy sao?
Nếu phỏng đoán này là đúng, thi Hà bá chính là oan hồn đầu tiên được phong thần. Sự việc chết đuối mà hóa thành thần sông
như thế, hàng ngàn năm sau, vào thời Nam Tống cũng lưu truyền trong dân
gian câu chuyện nổi tiếng về Lý Hầu khi qua sông bị quỷ ám mà chết. Cũng giống như Phùng Di, ông ta chết đuối và cũng được phong làm thần trị
thủy. Một ví dụ khác trong Hữu đài tiên quán bút ký, cuốn chín, Tiên
giang nữ thần của Du Việt có đoạn kể về một dân nữ họ Lưu sống ở huyện
Hữu Tuyền, tỉnh Tứ Xuyên sau khi chết đuối: “Ở dòng sông Tiên Giang, mỗi khi có người rơi xuống nước thường có một vị thần xuất hiện cứu vớt. Vị thần này mỗi lần hiện lên thường mặc một chiếc áo trắng, dung mạo toát
lên vẻ xinh đẹp của một thiếu nữ còn xuân trẻ. Người ta cho rằng, rất có thể đó là linh hồn của người con gái họ Lưu kia. Đã trải qua bao đời mà linh hồn người đã khuất vẫn lẩn khuất đâu đây, người dân vùng này đã
gom góp tiền bạc xây dựng miếu thờ nàng, trên thành miếu còn ghi tạc
dòng chữ “Tiên Giang thủy thần miếu[7]”, lúc nào cũng nghi ngút khói
hương.” Từ điều này có thể thấy, người dân sống vùng sông nước thường có một niềm tin, hy vọng tuyệt đối vào sức mạnh của những vị minh thần phù hộ cứu giúp mình vượt qua khó khăn, hoạn nạn.
[7] Nghĩa là: Miếu thờ thủy thần trên sông Tiên Giang.
Nhưng cũng có những điều trái ngược với tín ngưỡng này, đó là tư tưởng “giang Trành[8]”, linh hồn sau khi chết thường tìm đến lôi kéo những người
khác vào chỗ chết đuối để làm người thế thân cho mình. Quan niệm “ma đưa lối, quỷ dẫn đường” này được nói tới sớm nhất trong cuốn ba, truyện
truyền kỳ Bắc mộng tỏa ngôn[9] của Tôn Quang Hiến, trong tác phẩm có
đoạn viết:
Lưu vực hai bên bờ những dòng sông lớn thường có nhiều oan hồn chưa siêu thoát vẫn đi đi về về dụ dỗ nhưng người qua lại ngã
xuống nước, đắm thuyền mà chết, oan hồn người chết lại tiếp tục quẩn
quanh dụ dỗ, hãm hại những người qua sông khác, tạo thành cái vòng luẩn
quẩn đầy oan nghiệt.
[8] Nghĩa là: Ma đưa lối quỷ dẫn đường.
[9] Nghĩa là: Những ghi chép tản mạn về giấc mộng phương Bắc.
Cũng vẫn tác phẩm ấy, trong cuốn bốn có đoạn ghi:
Phàm là những người chết do hổ vồ, hay ngã nước thì linh hồn đều rất khó
siêu thoát, họ thường vật vờ quanh quẩn tìm người thế mạng cho mình.
Sau này, hai chữ “giang trành” không còn được người đời sau sử dụng, thay
vào đó học nhắc nhiều đến những chữ “oan hồn chết đuối”. Điều này đại
khái là chỉ những kẻ chết đuối nếu không tìm được người thế mạng thì sẽ
không đầu thai thành người được. Trên thực tế, những oan hồn cần tìm
người thế mạng không chỉ có ở quanh ao, hồ, sông nước mà ngay cả oan hồn chết đuối dưới giếng cũng cần tìm người thế thân. Trong Tiền thị tư chí của Tiền Thế Chiêu thời Nam Tống có đoạn viết:
Vào thời Thiệu
Hưng, Ngô Sơn Hạ có một cái giếng lớn, mỗi năm đều có nhiều người rơi
xuống giếng chết đuối. Thái úy Đống Đức đã cùng nhân dân hào phóng quyên góp tiền của xây cất giếng, có thể dùng thùng lấy nước, giúp hạn chế
nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra, có người trước khi chết còn nghe
thấy từ trong giếng vọng ra tiếng nói: “Các người luôn sợ hãi trước cái
chết, chúng ta có khả năng cướp đi sinh mạng của các người bất cứ lúc
nào.”
Câu nói cuối cùng đó thực chất chỉ là thủ pháp “vẽ rồng
thêm mắt” của người viết, rất có thể là ảnh hưởng từ truyện Tiếu lâm
hoặc trích từ Phật môn. Còn đối với câu chuyện về oan hồn chết đuối,
trong những cuốn tiểu thuyết từ thời Tống đã nhiều lần đề cập đến, tác
dụng giáo dục mà những câu chuyện đó mang lại chính là khuyên mọi người
đặc biệt lưu ý khi qua lại những khu vực ven sông, nơi đã từng có người
bị chết đuối, không những không nên lội nước mà tốt nhất hãy tránh xa
khu vực đó một khoảng cách an toàn. Bài học có ý nghĩa cảnh báo đặc biệt với những ai sống trong khu vực nhiều sông, hồ, kênh, rạch.
Một
khi những hồn ma đã tìm được người thế thân, họ sẽ ra sức tìm cách lôi
kéo, dụ dỗ, hoặc sử dụng những trò lừa gạt, bịp bợm, hoặc dùng chính
nhan sắc để mê hoặc. Người viết cố ý nhấn mạnh và đưa ra lời cảnh báo
tới những gia đình sinh sống ở ven sông, vì trên thực tế, phần lớn những hồn ma chết đuối đều có liên quan tới những vụ án trên sông nước, cho
nên những linh hồn ấy nếu chưa được siêu thoát chẳng khác gì lũ thổ phỉ
chuyên gieo tội ác, hãm hại người vô tội. Trong Di kiên giáp chí, cuốn
bốn Tưởng Bảo vong mẫu của Hồng Mại thời Nam Tống có đoạn kể lại một
cách súc tích, khúc triết và đầy sống động về vấn đề này:
Phác
Tưởng Bảo một mình một ngựa rong ruổi về quê, đang chìm đắm trong cảnh
sắc thôn dã giữa đem khuya tĩnh mịch, bỗng từ phía sau đi tới một giai
nhân khoác trên mình bộ xiêm y trắng toát, cùng song hành đi tới bến
nước trước mặt. Giai nhân mời mọc chàng cùng tắm tiên, nàng cầm vạt áo
nhẹ nhàng cởi ra, rồi từ từ ngâm mình xuống nước. Bất chợt vang một lên
tiếng gọi mơ hồ, ban đầu chỉ là những âm thanh vọng lại từ xa nghe không rõ, sau rõ dần, nghe ai oán như lời khóc mẹ. Trong lời than khóc có hàm ý răn đe: “Đồng hành giả phi hảo nhân, thiết bất khả dữ dục [10” Lời
nói vừa dứt, Phác Tưởng Bảo vội vã lội vào bờ, phi ngựa chạy thẳng đến
nhà dân gần đó. Khi trấn tĩnh ngoái đầu nhìn lại chỉ còn thấy chiếc áo
trắng phất phơ, mập mờ rồi biến mất.
[10] Có nghĩa là: Người đi cùng không phải là người tốt, tuyệt đối không nên tắm chung.
Câu chuyện nhằm đưa ra bài học đề cao cảnh giác, ý nghĩa của bài học này
không chỉ có tác dụng đối với nhân dân sống ở những vùng sông nước, mà
suy rộng ra ở những nơi như tụ điểm cờ bạc, lầu xanh cũng có hiện tượng
“ma đưa lối, quỷ dẫn đường” dưới nhiều dạng thức khác nhau. Như vậy có
thể nói, tác dụng giáo dục của những câu chuyện ma quỷ là thiên biến vạn hóa, có thể áp dụng vào nhiều trường hợp khác nhau trong cuộc sống, tuy chưa thật đầy đủ nhưng cũng có thể bổ sung một cách phong phú và cụ thể hơn cho tư tưởng “thần giáo” theo quan niệm của dân gian.
Trong
Tử bất ngữ của Viên Mai, cuốn ba, Thủy tiên điện có đoạn viết: Một chàng thư sinh, trên đường vào kinh hưởng bổng lộc vua ban, tình cờ gặp một
người áo đen, người này đã dùng hết lời ngon tiếng ngọt dụ dỗ chàng theo nàng ta xuống “Điện Thủy tiên” dạo chơi vãn cảnh. Khi cánh cửa sơn son
thiếp vàng mở ra, từ phía tây hồ nổi lên một cung điện uy nghi lộng lẫy, bên trong xuất hiện vô số các cung nữ với xiêm y lộng lẫy đang say sưa
trong lời ca điệu múa. Người áo đen chỉ tay và nói: “Kia là chốn bồng
lai tiên cảnh, chàng hãy cùng ta ở lại đây ngắm nhìn các mỹ nữ, thưởng
nhạc họa thơ, cuộc sống như vậy chẳng phải vui vẻ lắm sao?” Câu chuyện
này còn ngụ ý một lời khuyên sâu sắc gửi tới các bạn thanh niên trẻ tuổi không nên ham mê quá đà vào những trò ăn chơi nơi vũ trường, quán xá.
Với ý nghĩa đó, câu chuyện đã vượt qua cả giới hạn bó hẹp của phạm vi
“kể chuyện ma quỷ” mà vươn ra tầm xã hội, mang đến những bài học giáo
dục thiết thực nhất. Những câu chuyện ma quỷ được ghi chép lại trong Hữu đài tiên quán bút ký có sử dụng rất nhiều yếu tố huyền ảo nhằm huyễn
hoặc con người, chẳng khác nào dùng tấm màn che nhiều màu sắc che khuất
tầm nhìn của người khác, khiến họ không thể thấy được lối đi mà chỉ còn
cách men theo những thanh vịn lan can chới với để qua cầu.
Từ
những hành vi ma quỷ đó, có thể thấy đây đều là những âm mưu xấu xa nhằm hãm hại người khác để chuộc lợi về mình, vì thế cả “giang trành” và “hổ trành[11]” đều chẳng kém gì lũ lừa gạt, đê hèn, bỉ ổi, xấu xa… chúng
đôi khi còn giống nhau ở ngay thủ đoạn và hành vi hại người. Như trong
Tùng song mộng ngữ của Trương Hãn đã ghi lại trường hợp hai thư sinh bị
chết đuối trên sông. Để mình có thể được đầu thai luân hồi vào kiếp
khác, họ đành phải hóa thành hai kiều nữ chốn “thanh y” hòng dụ dỗ những chàng thư sinh tuấn tú đồng môn của mình. Cho nên, điều bị coi là “ích
kỷ” ở đây thực chất lại là những mong muốn chính đáng, không có sự lựa
chọn nào khác buộc họ phải sử dụng những thủ đoạn tàn ác đẫm máu, đó chỉ là sự lựa chọn bất đắc dĩ của những hồn ma khát khao được luân hồi
chuyển kiếp mà không còn cách nào. Thành thử suốt khoảng thời gian mấy
chục năm về trước, một loạt những quy định nghiêm ngặt về “bạch phân chi ngũ” hóa ra đều là mong tìm được người thế mạng. Tuy nhiên, trong thời
điểm đó cũng xuất hiện những hồn ma cao thượng, chịu chấp nhận số kiếp
lưu đày khổ ải mà không cần thế thân. Câu chuyện của Vương Lục Lang
trong Liêu trai chí dị chắc hẳn đã quá quen thuộc với mọi người, vì
thương tình Vương Lục Lang mà Thiên đế đã ban cái chết cho một cô gái
làm oan hồn thế thân cho chàng ta, nhưng thật không ngờ sau bao ngày
tháng trông mong có một vận may để đầu thai, siêu thoát, vậy mà đến lúc
cần đưa ra quyết định, anh ta lại lựa chọn chấp nhận mãi mãi làm oan hồn lênh đênh chìm nổi trên mặt nước mà nhường lại cơ hội sống sót cho
người con gái vô tội kia. (Câu chuyện này về sau còn được dùng để nói
tới quan điểm về sự báo ứng ở đời, nhưng khi đưa vào “cảm ứng thiên bàng chứng” lại dùng để nói tới những điều tốt đẹp trong cuộc sống). Một ví
dụ khác trong Hữu đài tiên quán bút ký, cuốn sáu, có kể lại câu chuyện
về một người chẳng may sa chân xuống nước mà chết đuối, mặc dù không
giống hành động của Vương Lục Lang, nhưng nhân cách của anh ta cũng được xem là cao thượng, vì bắt đầu từ giây phút anh ta lìa khỏi thế gian và
chìm dưới đáy nước, anh ta cũng không hề có ý định hại người hòng thế
mạng cho mình, cho nên những hồn ma chết đuối ấy tất nhiên cũng được
nhân dân coi thờ như những vị thần tốt bụng luôn bảo vệ cuộc sống của
con người.
Đối với những hồn ma tìm cách hãm hại người vô tội để
thế mạng một cách vô lý, Viên Mai, nhà thơ nổi tiếng đời Thanh cũng đưa
ra nghi ngờ, trong Viết tiếp tử bất ngữ, cuốn ba, Đả phá quỷ lệ có đoạn
viết:
Đêm khuya thanh vắng, chàng thư sinh họ Lý đang say sưa đọc sách bên dòng suối cạnh nhà, bỗng từ xa vẳng lại một giọng nói đầy ma
mị: “Ngày mai sẽ có người qua sông, và thế thân cho ta.” Ngày hôm sau,
quả nhiên có người qua sông, chàng thư sinh họ Lý bèn tìm cách ngăn anh
ta lại.
Đêm về, hồn ma hôm trước đến trách mắng: “Nhà ngươi cớ
sao lại ngăn cản việc ta tìm người thế thân?” Chàng thư sinh họ Lý đáp:
“Vạn vật đều có quy luật luân hồi, tại sao ngươi không chờ đợi đến kiếp
luân hồi mà nhất nhất phải tìm người thế thân cho mình?” Hồn ma đáp lại: “Lệ thường dưới âm phủ trước nay đều như thế, ta cũng không thể làm
khác. Ta đâu có được may mắn như người sống giữa chốn trần gian, đi học
thì được cấp lương, được làm quan, chức quan còn trống tất nhiên sẽ có
người được bổ khuyết, ngươi nghĩ xem như vậy chẳng phải là quá may mắn
hay sao?” Chàng thư sinh họ Lý đáp: “Nói như ngươi thì quả là nhầm lẫn
quá rồi! Học trò đi học được nhà vua cấp lương thảo, quan lại được hưởng bổng lộc vua ban, người dân trong thôn cùng xóm vắng ai nấy đều có
phần, vậy thì chẳng thể nói là lãng phí, tất cả đều có định mức được quy định rõ ràng, không thể là việc làm tùy tiện, bất đắc, bất nhiên được.
Hơn nữa cuộc sống trần gian và địa phủ, giữa âm và dương vốn khác xa vời vợi, tự sinh tự diệt, mình làm mình hưởng, vì thế tạo hóa chỉ có công
quản lý của cải và phân chia công bằng cho tất cả mọi người mà thôi.”
Hồn ma lại nói: “Vậy với kẻ quân vương, hai chữ thịnh suy, thế ngôi thì
giải thích làm sao?” Lý đáp: “Nhà ngươi còn hỏi tới chuyện thế ngôi sao? Các vương triều thay thế nhau là điều tất yếu của lịch sử, việc nhà
ngươi đến để kéo ta làm người thế thân, lại còn hỏi ta về việc luân
vương, thật chẳng khác nào mắng người trước mặt.” Hồn ma cười lớn, nhảy
múa mà đi, từ đó không thấy quay lại nữa.
Viên Từ nói tới ma quỷ
mà không tin ma quỷ, trong những câu chuyện cổ dân gian vẫn thường thấy
có những cách hỏi vặn như vậy, qua đó hàm ẩn rất nhiều những kiến giải
đặc sắc về cuộc sống, con người, về nhân tình thế thái. Ông đưa ra một
ví dụ về chuyện ma quỷ ở thế giới địa phủ, nhưng từ chuyện cõi âm mà
người ta có thể dễ dàng hình dung, liên tưởng tới cõi dương, đây là dụng ý lấy âm chỉ dương của người viết. Mục đích của câu chuyện không phải
là chuyển luân vương mà là chính chúng ta, những con người đang sống
trong thế giới thực tại.
Nhưng tại sao chúng ta lại không có cơ
sở khoa học lý giải điều này mà phải mượn cớ hồn ma đáng thương tự tìm
đến phiền phức trong câu chuyện để gửi gắm suy nghĩ của mình? Quả thực,
ngay cả những gợi dẫn từ trong câu chuyện dân gian, Viên Tử cũng mới chỉ đưa ra những gợi ý cho những nghiên cứu sau này. Khiêm nhường đưa ra
cách lý giải xuất phát từ căn nguyên của câu chuyện này để gửi thông
điệp cảnh báo tới mọi người nên tránh xa những mép nước nguy hiểm. Ngoài ra, thông qua câu chuyện này, người viết còn muốn đưa ra lời cảnh báo
thứ hai, lời cảnh báo dành cho những ai có ý định nhảy sông tự tử, đừng
coi thường mạng sống của mình, nói một cách khác chính là ông lên tiếng
phản đối những suy nghĩ tiêu cực muốn tìm đến cái chết hòng trốn tránh
cuộc đời. Tất nhiên, với những hồn ma tự vẫn như vậy ít có nhiều liên
quan đến nguyên nhân do cuộc đời đưa đẩy.
Quả thực, những tài
liệu nghiên cứu hiện đã có thể phản ánh phần nào một cách chân thực hoàn cảnh lịch sử của thời đại. Những câu chuyện về “nịch quỷ cầu đại[12]”
xuất hiện muộn nhất vào cuối đời Đường. Nếu so sánh với những câu chuyện về “ải quỷ cầu đại[13]” xuất hiện vào thời Nam Tống thì là xuất hiện
sớm hơn mấy trăm năm. Từ những ảnh hưởng khách quan, có thể thấy, so với “ải quỷ”, “nịch quỷ” có tác động xấu, phá hoại và làm ô nhiễm môi
trường sinh thái của chúng ta, vì thế đối với “nịch quỷ”, mọi người
thường có thái độ phản cảm. Nói một cách mang tính chất thăm dò thì mặc
dù trong lịch sử có nhiều người chết vì treo cổ hơn những người chết vì
chết đuối, nhưng có vẻ như càng về sau này số vụ chết đuối ngày càng
tăng. Vấn đề đặt ra là có nên nâng cao trình độ “thuyết phục” một bộ
phận những người có suy nghĩ coi thường mạng sống muốn nhảy sông tự vẫn
sang treo cổ tự vẫn? Về vấn đề này thật khó để đưa ra những con số thống kê chính xác, chúng tôi cũng chỉ xin dừng lại ở một vài suy nghĩ mang
tính chủ quan như vậy.
[12] Hồn ma chết đuối tìm người thế thân.
[13] Hồn ma treo cổ tìm người thế thân.
Nói đi nói lại, dù sao đã dám cả gan đề cập đến những vấn đề này thì cần
phải có thái độ dứt khoát, hoặc là làm hoặc là không. Một khi đã nhắc
đến hồn ma chết đuối thì phải nói thêm về những linh hồn vì treo cổ tự
tử mà chết. Trên đây đã nhắc tới “ải quỷ cầu đại”, thì cũng nên nói rõ
hơn về chủ đề này.
Hồn ma treo cổ
Trong Duyệt vi thảo
đường bút ký của Kỷ Vân đã dẫn một câu chuyện nói về một tên côn đồ, qua đó phân biệt rõ hai loại hồn ma, một loại chết chìm dưới giếng, một
loại khác treo cổ tự vẫn, cả hai hình thức tìm đến cái chết đó đều cần
phải đắn đo vì chẳng ai có thể biết lựa chọn nào là thích hợp.
Trong Đường ngôn có một câu nói: “La bặc bạch thái các hữu sở ái[14]”, một
câu nói khác cũng có ý nghĩa tương tự: “Đầu hà thượng điếu, các hữu sở
hiếu[15]” Tại sao lại có những người dễ dàng tìm đến cái chết mà không
biết trân trọng cuộc sống của mình? Tất nhiên phải tìm đến con đường
không lối thoát như vậy cũng có nhiều nguyên nhân từ hoàn cảnh đến tâm
lý, nhưng nghĩ kỹ lại thì còn có một nguyên nhân khác xuất phát từ chính “sự thoải mái” trong quá trình đơn giản hóa cuộc sống và cái chết, nên
những người tự tử ngày càng một gia tăng đã trở thành điểm nóng của xã
hội.
[14] Ngay cả loài củ cải trắng còn có tình yêu.
[15] Cúi đầu trên mặt sông xót thương người đã chết cũng là biểu hiện của tình thương yêu.
Không biết là bắt đầu từ khi nào, thắt cổ tự vẫn đã trở thành phương thức
thường dùng nhất của những người muốn tự sát. Mặc dù, đó không phải là
cách thể hiện “oanh liệt” nhất, nhưng không thể nghi ngờ đó là hình thức tiện lợi và nhanh chóng nhất. Và đó cũng là hình thức thường dùng của
các vị hoàng đế ngày xưa. Thời Xuân Thu, Sở Linh Vương, Ngô Vương là
những vị hoàng đế cao quý đã lựa chọn đến với cái chết bằng cách treo cổ tự vẫn bên gốc cây trên đỉnh Vạn Tuế sơn. Còn đối với những người dân
thường, thì trong Tự quái đông nam ký có miêu tả, từ những ngôi nhà
tranh ven sông thường vọng đến những âm thanh thảm thiết, đó là tiếng
khóc thương, than vãn của những người dân thường khi họ đi tới bước
đường cùng buộc phải tìm đến cái chết trên xà nhà để giải thoát cho
chính mình.
Ở thời cổ đại, hình thức tự sát rõ ràng không phải là “cái mốt đa dạng” theo kiểu “quang điện hóa khí” như thời hiện đại,
nhưng cũng có một vài hình thức để lựa chọn. Vậy mà cách họ tự sát cũng
oanh liệt chẳng kém gì Sở Bá Vương hay Vưu Tam Thư. Bởi lẽ ở họ có dũng
khí, có sự lợi hại mà người bình thường không thể có, khi thì nhảy lầu,
lúc lại rơi từ trên đài cao xuống… Hình thức tự sát ở thời cổ đại cũng
có những đặc quyền nhất định, trong đó mức thấp nhất chính là hình thức
bêu xấu trên khán đài, rồi ép uống thuốc độc, nhốt vào nhà lạnh hoặc
xông khói độc… Không nói đến những phí tổn do các hình thức tự sát này
gây ra, rõ ràng thời nay chúng ta không thể dễ dàng theo được cha ông ta về sự “tinh tế” và “mức độ sáng tạo” như thế. Nói đi nói lại, lựa chọn
hình thức tự vẫn treo cổ hay nhảy sông vẫn đỡ tốn kém chi phí nhất. Hơn
nữa, hình thức treo cổ lại không câu nệ về mặt thời gian, địa điểm hay
bị người ngoài xoi mói, bắt bẻ nhiều điều. Nói một cách khác thì hình
thức này vốn không bị phụ thuộc vào địa hình, địa thế, chỉ cần chuẩn bị
một sợi dây đủ đỡ trọng lượng cơ thể mình là có thể đạt được mục đích
rồi. Từ những điểm trên có thể thấy treo cổ tự vẫn vẫn là hình thức tiện lợi mà từ những người bình dân đến dòng dõi quý tộc thường lựa chọn mỗi khi muốn tìm đến cái chết.
Một số lượng không nhỏ những người
tìm đến cái chết là những kẻ nghèo đói và những người sống trong thời kỳ chiến tranh loạn lạc. Trong sách cổ thường có một số lượng lớn ghi chép về nỗi tuyệt vọng của những người buộc phải lựa chọn cho mình con đường chết. Đó là những người dân chạy loạn do chiến tranh hoặc những người
dân lầm than cơ cực vì khổ sai lao dịch. Trên con đường đầy bất hạnh ấy, cứ cách mười bước chân lại có người đói khát treo mình trên cành cây.
Thảm cảnh này thực sự là quá sức tưởng tượng. (Đương nhiên, nếu như có
một vương triều không cho người dân cái quyền tự do giải thoát mình khỏi cái đói, cái khổ của cuộc sống bằng cách tự vẫn thì cũng chỉ là hình
thức lấp liếm qua quýt để phô ra cái vẻ tốt đẹp bề ngoài mà thôi.) Nói
đến thời kỳ loạn lạc, có thể dẫn ra đây một đoạn ghi chép từ cuốn bảy,
Quang Châu binh mã trùng trong Di kiên chi chí quý tập:
Quang
Châu (tức Hoàng Xuyên, Hà Nam ngày nay) trải qua thời kỳ chiến loạn bi
thảm, tàn khốc trong lịch sử. Binh đao khói lửa vô tình khiến bao người
dân vô tội chết thảm. Trong hoàn cảnh đó, nhiều anh hùng nhân kiệt như
Thuần Hi Sơ, Trương Nhiễu Trịnh đã tìm mọi cách trấn thủ địa phận quận
huyện mình cai quản. Thậm chí họ còn cho xây dựng hành lang trấn thủ
kiên cố, vững chắc ở phía tây thành. Hỏi sai dịch của quan lại thì nhận
được câu trả lời: “Những kho kiên cố đó đến nay chưa mở cửa một lần.”
Trong suy nghĩ Trịnh Tố Tham ắt có tư tưởng phục quốc. Đạp đổ xiềng
xích, gông cùm, gươm đao… đó đều là những tư tưởng lệch lạc làm tổn thất đến lợi ích quốc gia nên không thể tin dùng. Hệ lụy xảy đến là hàng vạn người treo mình trên xà nhà tự vẫn. Có người ghi lại: “Thời buổi loạn
lạc, người dân chạy loạn kín đường, họ tự tìm cách giải thoát cho mình
bằng sợi vải tơ thắt cổ tự vẫn.”
Hàng vạn người treo cổ tự vẫn
trên xà nhà, con số này quả thực có sức mạnh tố cáo ghê gớm. Điều này đã trở thành một “hiện tượng” vô cùng kỳ lạ. Lần lượt hàng vạn người treo
mình tự tử tạo nên một tình cảnh thảm thương, bi đát, xót xa đến cùng
cực trong lịch sử Trung Hoa thời đó.
Mặc dù phần lớn những người
tự vẫn đều thuộc tầng lớp dân đen con đỏ, những người rơi vào vào cảnh
sống lầm than cơ cực, không lối thoát, nhưng đứng trên phương diện lịch
sử mà nói thì đây quả thực là một giai đoạn lịch sử đen tối của đất
nước. Một bộ phận không nhỏ những người tìm đến cái chết thời kỳ này là
những trung thần hết mình vì đất nước, những liệt nữ kiên trinh tìm đến
cái chết để bảo vệ phẩm giá cao quý của mình. Hành động ấy của họ tiêu
biểu cho những con người trung nghĩa, chính trực trong vương triều, đối
lập với những cái chết đê hèn của kẻ thất phu tiểu nữ chỉ bôi nhọ thêm
cho nền thống trị vốn dĩ là linh thiêng thần thánh theo kiểu “tự kinh ư
câu độc nhi mạc chi tri dã[16]”.
[16] Theo Luận ngữ.
Đặc
biệt thời kỳ Tống, Nguyên sau này, khi cái lý học dần dần thấm nhuần
trong tư tưởng của quần chúng nhân dân thì vấn đề tự sát được biểu hiện
dưới những hình thức, thậm chí là những thủ đoạn đơn giản mà tinh vi hơn rất nhiều nhằm bảo vệ cái gọi là trung nghĩa, tiết liệt của người quân
tử. Và dường như người ta cũng ưa lựa chọn cái “long xà” làm nơi thực
hiện hành động treo thân mình tự sát để bảo vệ danh phẩm của mình. (Tất
nhiên đây là việc làm của những người có thân phận cao quý trong xã
hội.) Họ tìm đến hình thức tự sát này chẳng những để bảo vệ danh giá của gia tộc mà còn vì Tổ quốc. Mặc dù họ đã chết nhưng vẫn còn thế hệ con
cháu sau này cung kính mà tưởng nhớ. Những hành động lập cờ biểu, lập
bàn thờ, lưu danh sử sách đều là những thủ đoạn của những người đương
quyền trong hiện tại hay quá khứ nhằm đề cao, tán dương những thứ được
gọi là đạo đức hoàn thiện theo kiểu “dị dạng” đó. Thành thử hình thức
này đã trở thành hành động “diễn trò” tồn tại trong suốt mấy triều đại
Tống, Nguyên, Minh, Thanh. Khi Sùng Trinh lên ngôi hoàng đế đã đưa ra
lệnh chỉ những người thân cận, gần gũi nhất với mình mới được phép diện
kiến, song hành cùng với nhà vua, còn những kẻ khác không có cơ hội này. Tin tức truyền đến, một số trung thần lũ lượt tìm cách treo mình lên xà nhà quyên sinh nhằm phản đối. Với hành động ấy, lẽ đương nhiên những
người này sẽ được ghi danh trong sử sách. Một trường hợp khác, người mẹ
khi biết con rể chết, người con gái đang còn xuân trẻ của mình buộc phải thủ tiết thờ chồng sẽ vô cùng khốn khổ. Bà đắn đo suy tính, hoặc là
khuyên con nên bỏ đi cái chữ tam tòng, mặc kệ việc đánh mất danh tiết mà đi bước nữa, hoặc là giữ lấy hai chữ tiết trinh mà khuyên con mình treo cổ tự vẫn để trở thành tấm gương liệt nữ và được người đời sau truyền
tụng, ngợi ca, lưu danh sử sách. Trong lịch sử những trường hợp như trên thường thấy rất nhiều.
Cho nên, dù không có số liệu thống kê một cách tuyệt đối nhưng nhìn một cách khái quát có thể quả quyết rằng treo cổ là phương thức tự vẫn được con người lựa chọn nhiều nhất trong lịch
sử từ cổ chí kim. Mặc dù vậy nhưng ở thời cổ đại, một khoảng thời gian
rất dài không có hồn ma treo cổ nào được quan tâm một cách đặc biệt.
Chính vì vậy, có thể thấy loại hồn ma treo cổ xuất hiện tương đối muộn.
Sau này, những người treo cổ tự vẫn đi vào các câu chuyện ma quỷ một
cách rất tự nhiên, như ác ma đội lốt thái tử trong Tả truyện hay người
con gái họ Cung trong câu chuyện Hồng diệp truyền thi trích từ Bắc mộng
tỏa ngôn xuất hiện thời kỳ Ngũ Đại. Nhưng tất cả những linh hồn chết do
thắt cổ tự vẫn này thường đều trở thành những linh hồn kỳ dị. Do những
quy định nghiệt ngã của gia tộc đã chia cắt mối tình trong sáng giữa
người con gái họ Cung xinh đẹp và chàng thư sinh Lý Nhân thông minh,
tuấn tú. Tuyệt vọng, đau khổ vì tình yêu tan vỡ, nàng tìm đến cái chết.
Nhưng:
Sau khi chết, linh hồn người con gái họ Cung vẫn vấn
vương, không rời chàng thư sinh họ Lý. Vài năm sau, Lý Nhân đột nhiên
lâm bệnh nặng. Gia đình thuốc men tìm người chạy chữa khắp nơi vẫn không khỏi. Một hôm, có vị đạo sĩ già đi qua, người nhà bèn mời vào xem bệnh. Đạo sĩ phán “Người này có âm tà đeo bám” nên sắp cho mấy lá bùa hòng
xua đuổi tà ma. Từ khi có những lá bùa yểm bên người Lý Nhân, linh hồn
người con gái họ Cung không còn chỗ đeo bám đành phải cáo từ ra đi.
Xem ra linh hồn treo cổ tự vẫn ấy không những đa tình mà còn vô cùng lương
thiện. Nhưng xét về diện mạo bên ngoài hay tính cách bên trong của người con gái họ Cung kia so với những hồn ma khác cũng không có gì khác
biệt. Ngay cả việc dùng âm khí thâm nhập vào người ở dương thế cũng là
chuyện rất đỗi tự nhiên như những hồn mà khác vẫn thường làm. Tất nhiên, trong những câu chuyện viết về đề tài ma quỷ không thể thiếu những chi
tiết được người viết cường điệu hóa một cách đặc biệt. Đó là những yếu
tố kỳ ảo làm nên nét độc đáo, cuốn hút cho từng câu chuyện. Và truyện về người con gái họ Cung dẫn ra trên đây cũng không phải là trường hợp
ngoại lệ.
Nhưng để hình ảnh hồn ma treo cổ tự vẫn trở thành đề
tài được định danh trong lịch sử các câu chuyện cổ thì ít nhất chúng ta
cũng phải vượt qua được nỗi sợ hãi đơn thuần trước những câu chuyện ma
quỷ đó. Đứng từ phương diện văn hóa mà nhìn nhận thì có lẽ bắt đầu từ
thời Nam Tống, trong Di kiến chí, yếu tố ma quỷ đã chính thức xâm nhập
vào trong các câu chuyện cổ. Tôi cho rằng hiện tượng này ít nhiều có
liên quan đến những hạn chế nhất định trong khả năng trị quốc của triều
đình đương thời, do đó có thể lý giải phần nào nguyên nhân khiến cho số
lượng các vụ treo cổ tự vẫn ngày một gia tăng trong xã hội thời kỳ đó.
Tuy nhiên, điều này chúng ta sẽ từ từ bàn đến sau.
Hình ảnh những hồn ma treo cổ tự vẫn trong Di kiên chí đương nhiên vẫn giữ được vẻ bề
ngoài xinh đẹp có sức cuốn hút, hấp dẫn như những hồn ma thời Đường.
Chắc hẳn nếu không có được dung mạo mê hoặc như thế thì làm sao có thể
dụ dỗ những kẻ si tình say đắm đến điên đảo. Tất nhiên, trong số đó hi
hữu cũng có những hồn ma treo cổ mà không có được vẻ bề ngoài hấp dẫn.
Có những đôi lứa đang yêu nhau nồng thắm, nhưng khi một người bị vạch
trần thân phận thực là một hồn ma treo cổ thì họ thành ra xa lạ, trở mặt thành thù, rồi xuất hiện những tình cảm oán hờn lẫn nhau. Có thể thấy,
từ thời Nam Tống trở đi, mặt “Ác” trong những hồn ma treo cổ đã dần dần
bộc lộ. Trong Di kiên ất chí, quyển hai mươi Đồng ngân tượng, có đoạn
miêu tả lại cảnh đối đầu giữa hồn ma treo cổ và người tình sau khi trở
mặt nhau: “Từ trên xà nơi chính giữa gian nhà, hai hồn ma cùng thè ra
hai cái lưỡi dài hơn hai thước để tiêu diệt lẫn nhau.” Hình ảnh hai cái
lưỡi dài dữ tợn lao vào tương tàn, sát hại lẫn nhau quả thực từ trước
đến nay chưa bao giờ có trong lịch sử văn học.
Với tư cách là
loại hồn ma hung dữ, hình ảnh “lệ quỷ” trở nên rất đáng thương nhưng
cũng vô cùng đáng sợ. Đương nhiên, hình ảnh này có sự liên hệ mật thiết
với dung mạo người chết khi treo cổ tự vẫn: lưỡi thè ra, mắt nhìn trừng
trừng vẻ hung dữ, cổ ngoẹo sang một bên, tóc thả rũ rượi… Từ những hình
ảnh trong thực tế đó, khi bước vào các câu chuyện ma quỷ bao giờ cũng có sự khuếch trương, phóng đại đến mức nào, thì bao giờ người viết cũng
dụng công miêu tả chi tiết cái lưỡi như một điểm nhấn không thể thiếu
khiến hình ảnh người chết hiện lên thêm phần rùng rợn, kinh hãi.
Cũng bắt đầu từ thời Nam Tống, xuất hiện một số câu chuyện về những hồn ma
treo cổ không thể đầu thai chuyển kiếp. Những hồn ma ấy mãi mãi nằm sâu
trong lòng đất, giữa chốn u minh tăm tối, tĩnh mịch, lạnh giá. Di kiên
chi chí canh tập, cuốn sáu với tên gọi Xứ Châu khách điện, Tam chí dân
tập, cuốn chín mang tên Tiêu dân kiến hồ nhất ti, hay trong Tam chí dã
tập, cuốn bốn có tên Phó cửu Lâm tiểu nữ… đều ghi chép lại những chuyện
có liên quan đến vấn đề nêu trên. Linh hồn những người treo cổ tự vẫn
một khi đã không thể đầu thai thì họ chỉ có thể lưu lạc giữa chốn trần
gian mà gây chuyện, quấy phá làm hại dân lành. Những linh hồn ấy phải
đợi đến khi có người trần làm công đức thờ cúng, làm lễ giải hồn thì mới có cơ hội chuyển thế đầu thai kiếp khác. Nhưng điều làm chúng ta băn
khoăn là tại sao có những người nguyện treo cổ tự vẫn để giữ gìn phẩm
giá sáng trong, để giữ vững cái đạo trung, hiếu, tiết nghĩa của người
quân tử, hay cả những kẻ đáng thương vì không may rơi vào hoàn cảnh trớ
trêu, phải đi tới bước đường cùng tự tìm đến cái chết, họ khi còn sống
hoặc là những kẻ đáng thương, hoặc là những người đáng kính, vậy tại sao khi chết, những vong hồn ấy đều khiến người dân sợ hãi, thậm chí là
ghét bỏ đến như vậy?
Không những thế, một thời gian rất lâu sau,
đến triều đại nhà Minh lại xuất hiện hồn ma treo cổ tự vẫn bắt buộc phải có “Cầu đại[17]” mới có thể đầu thai chuyển thể được. Thẩm Đức Phù
trong Vạn lễ dã hoạch biên có đoạn viết: “Theo truyền thuyết, hễ có một
người treo cổ tự vẫn ắt phải tìm một người khác thế mạng cho mình thì
mới có thể đầu thai sang kiếp khác.” (Điều này cũng được nói đến trong
một cuốn sách khác có tên là Liễu phàm tứ huấn) Có lẽ chính nguyên nhân
này đã khiến cho những hồn ma treo cổ càng trở nên đáng sợ hơn với con
người nơi dương thế. Và tất nhiên, để có thể đầu thai chuyển kiếp được,
những hồn ma này đã không tiếc dùng những thủ đoạn lừa gạt, dụ dỗ thậm
chí là cưỡng ép người khác tự tìm đến cái chết trên xà nhà hiu quạnh.
Cho dù khi còn sống những hồn ma này là những người trung nghĩa, lương
thiện, nhưng khi chết tất cả những phẩm chất ấy đã thay đổi hoàn toàn,
họ trở thành con người ích kỷ đến độ vô liêm sỉ. Viên Mai trong Tử bất
ngữ, cuốn mười sáu Liễu như thị vi lệ[18] đã ghi chép lại những điều mờ
ám trong nhân gian: những hồn ma treo cổ không chỉ dụ dỗ con người ta đi đến quyết định tự tìm cái chết trên xà nhà, mà còn xui khiến rất nhiều
người dân treo cổ hàng loạt. Những hồn ma khi còn sống có nhân phẩm,
tướng mạo trong sáng, tuấn tú còn như vậy, huống hồ những bọn chuyên làm hại người khi sống, chuyện khi chết có lẽ cũng chẳng cần bàn luận thêm.
[17] Tức là người dương thế cầu khẩn cúng tế.
[18] Liễu rủ như nhỏ lệ.
Dưới ngòi bút tinh tế, sắc sảo của Viên Mai, những câu chuyện ma quỷ được kể bao giờ cũng ẩn chứa nhiều bài học nhân sinh sâu sắc. Theo nhà văn,
những hồn ma treo cổ tự vẫn mà linh hồn chưa siêu thoát vẫn thường lang
thang khắp chốn dương gian để tìm người thế thân phù hợp với mình, phần
lớn đều là những kẻ thất phu, tiểu nữ, nhân cách rất đỗi bình thường.
Ngay cả cái chết của họ thực chất cũng chẳng khác gì cái chết theo kiểu
“Tự kinh câu hách giả[19]”. Cho nên, nếu như Thượng Đế khai ân cho những kẻ chết đuối, cho họ hưởng đặc ân sau khi chết được luân hồi chuyển thể mà không nhất thiết phải thờ cúng, hương khói, cầu nguyện, thì những
hồn ma treo cổ tự vẫn kia cũng cần được đối đãi như vậy. Thậm chí một số trường hợp đặc biệt cũng được phong là minh thần hoặc thần thổ địa. Như vậy, suy nghĩ của Viên Mai đã hình thành một giấc mộng đẹp về sự bình
đẳng trong việc phân chia những đặc quyền đặc lợi giữa các linh hồn chưa siêu thoát. Tuy nhiên, theo kiến giải của chúng tôi, nhà thơ Viên Mai
nên đưa ra quy định rõ ràng, đối với những dân nữ bình thường cũng phải
hương khói chu toàn mới có thể được siêu thoát, nếu không “giấc mộng
đẹp” kia sẽ rất khó được tán thành.
[19] Chẳng may rơi xuống nước mà chết đuối.
Từ thời Nam Tống đến nay, những hồn ma treo cổ tự vẫn được liệt vào các
loại hồn ma “lách sách”. Vốn khi còn sống họ tìm đến cái chết thê lương, đau đớn là thế, vậy mà khi chết họ lại trở thành hồn ma chuyên đi làm
những việc mờ ám, ác độc, sau này bị phạt không được đầu thai chuyển
kiếp. Tất cả những điều này nên lý giải ra sao?
Người treo cổ tự
vẫn trước đây phần lớn đều vì đói rét cơ hàn mà phải đi đến bước đường
cùng là tự tìm đến cái chết. Nhưng từ thời Nam Tống trở lại đây, đa số
những hồn ma treo cổ lại là các anh hùng, liệt nữ. Có người treo cổ
trong hoàn cảnh binh đao loạn lạc, có người treo cổ vì chồng chết nên
thủ tiết theo chồng, có người tìm đến cái chết để giữ trọn tấm lòng thủy chung son sắt với vị hôn phu chẳng may qua đời, có người vì bị cưỡng
hiếp, uất ức mà treo cổ tự vẫn, có người vì miệng lưỡi thế gian hiểm ác
buộc phải tìm đến cái chết để giải thoát cho chính mình… Muôn hình vạn
trạng những lý do khác nhau đã đưa đẩy con người ta đến với cái xà nhà
lạnh ngắt để tự kết liễu đời mình. Hiện tượng này đã gây ảnh hưởng lớn
đến việc hình thành quan niệm “tiết liệt dị dạng” ngày càng lan tràn
trong đời sống xã hội, khiến cho hình thức treo cổ tự vẫn trở thành
phương thức được lựa chọn nhanh nhất của những người vốn coi rẻ mạng
sống của mình. Đối với triều đình thời đó, treo cổ tự vẫn đã góp phần tô điểm cho cái xã hội giả dối, bất lương. Với những người treo cổ khi còn sống họ bị ghẻ lạnh, coi thường, đến khi chết đi họ lại được triều đình liệt vào hàng trung thần liệt nữ, lập gian thờ thắp hương, thờ cúng
trang trọng. Còn đối với gia đình, người thân và cả xã hội thì đó lại là một tổn hại ghê gớm đánh vào tâm thức của mỗi con người. Tự đáy lòng
mỗi người dân, những con người coi rẻ mạng sống tự tìm đến cái chết vẫn
được họ xem là một tai nạn đáng thương tâm không may xảy đến với mỗi gia đình. Trong Hữu đài tiên quán bút ký, cuốn một có đoạn viết:
Huyện Quảng Đông Hoa có một ngôi làng nhỏ. Người dân ở ngôi làng đó sống vui
vẻ, quây quần bên nhau. Từ ngôi làng đi về phía thành phố khoảng hơn
mười dặm, có một con sông nhỏ, nước chảy xiết, xanh biếc vắt ngang qua.
Nối hai bờ sông là cây cầu sắt. Bên bờ có một tảng đá dáng vẻ rất giống
một ông lão không biết đứng đó tự bao giờ. Mọi người trong thôn đều gọi
đó là “Kiều đầu thổ địa thần[20]”, hương hỏa rất cẩn thận. Sau này,
trong làng có sáu người con gái đều ở vậy không lấy chồng, một hôm, họ
cùng hẹn nhau đứng trên cây cầu mà nhảy sông tự vẫn. Từ đó, người dân
nơi đây truyền tai nhau câu chuyện bi thương về sáu người con gái đang
độ xuân thì ấy. Mặc dù có thần thổ công đứng bên cầu mà vẫn không thể
bảo vệ họ thoát khỏi cái chết chìm bi đát. Thấy vậy, người dân nơi đây
dần dần phá bỏ tục lệ thờ cúng tảng đá bên sông.
[20] Thần thổ công đứng ở đầu cầu.
Cả sáu người con gái cùng “thủ chí” đồng lòng tìm đến cái chết khi còn
xuân trẻ, xét từ phương diện đạo đức thì điều đó tất yếu gây nên một
tiếng vang lớn, một dư âm khó quên trong tâm thức người dân làng. Từ đó, nhân dân ngày đêm hương khói, cầu nguyện cho linh hồn họ sớm siêu thoát đầu thai kiếp khác, và mãi truyền tai nhau câu chuyện thương tâm này.
Nhưng cũng phải thấy một điều trong trường hợp này, cho dù là thần thổ
công cũng không có cách nào ngăn cản hành động tự sát bất ngờ và có chủ ý của họ, nên việc không còn tin tưởng và thờ cúng thần thổ công như
trước của dân làng cũng cần phải xem xét. Mọi người đối với việc tự sát
cũng tương tự như vậy, ngay cả trường hợp là những người trung nghĩa,
liệt nữ, ngoại trừ trường hợp đặc biệt, còn lại là những người thân
thiết của họ cũng không thể ngồi im mà nhìn con cháu mình tìm đến cái
chết mà không ngăn cản hay ít ra là cầu nguyện cho họ, huống chi là một
vị thần. Trong Hữu đài thần quán bút ký, cuốn tám có một đoạn tán dương
câu chuyện ca ngợi thần thổ công cứu người tự sát. Để cứu những quả phụ
mất lòng tin vào cuộc sống mà tìm đến xà nhà treo cổ tự vẫn, thần thổ
công đã dùng cánh tay của mình đỡ lấy chân họ cho đến khi có người kịp
đến cứu mới buông ra.
Từ rất sớm, vào khoảng cuối triều Minh, đã
có người phản đối hành động treo cổ tự vẫn của những “người con gái chưa chồng”. Người con gái họ Tào buồn rầu, đau khổ vì vị hôn phu qua đời,
nàng than khóc, giam mình trong khuê phòng tuyệt thực rồi treo cổ lên xà nhà mà chết. Có lẽ chính cái chết thảm thương của người con gái họ Tào
đã cảm động đến Triệu Thời Xuân. Để biểu thị quan điểm phản đối của
mình, ông đã viết Trinh nữ tiết phụ giải và cho rằng dân nữ họ Tào kia
không nên vì vị hôn phu đã chết mà cũng tìm đến cái chết thảm thương như thế.
Sự phản đối của Triệu Thời Xuân trước hành động treo cổ tự
vẫn của người con gái đang còn xuân thì đã tạo nên một hiệu ứng thông
tin mạnh mẽ. Những người phản đối (trong đó có tác giả của Quốc xác) và
ngay cả chúng ta cũng không có cách nào ngoài việc chỉ có thể dùng những câu chuyện ma quỷ để phản ánh hậu quả nghiêm trọng của việc treo cổ tự
vẫn. Và tất nhiên, trong những câu chuyện ma quỷ đó sẽ không tránh khỏi
việc miêu tả những tình tiết thê lương, bi thảm, thậm chí gây cảm giác
sợ hãi cho người đọc. Chính những yếu tố này đã có tác dụng cảnh báo sâu sắc tới những người đang có ý định treo cổ tự vẫn. Họ, với tư cách là
những người đang nhận được hương hoa mà nhân gian thờ cúng, thật khó
tránh khỏi kiếp trầm luân trong cõi u minh tăm tối, và sự sa đọa trong
đạo đức, thật đáng giận, đáng ghét! Chúng ta hãy hy vọng qua các câu
chuyện ma quái có thể loại trừ một phần nào đó quan điểm về sự tiết liệt ác ý đầy tính dị dạng này.
Những câu chuyện được ghi lại trên
đây tất nhiên sẽ có sự lĩnh hội nhất định. Ông đã viết tất cả hai câu
chuyện ma, trong đó đưa ra nhiều dẫn chứng, phân tích, kiến giải một
cách sâu sắc. Thứ nhất, qua các câu chuyện, ông muốn mượn lời ma quỷ để
phản đối, răn đe những con người coi thường mạng sống của mình:
Thượng Đế nhân từ biết bao! Người không bao giờ mong muốn con người tự ý ruồng bỏ sinh mạng quý giá của mình. Những trung thần tận trung với nước,
những người phụ nữ tiết hạnh cao quý, họ đều chết một cách bất ngờ và
đầy uẩn khúc. Còn những người không may mắn sống một cuộc sống nghèo
túng, bế tắc, không tìm được con đường mưu sinh thích hợp, họ buộc phải
đưa số phận của mình đến bước đường cùng trong đớn đau tuyệt vọng, treo
thân mình lên xà nhà lạnh ngắt… Tất cả đều là những câu chuyện vô cùng
thương tâm, cũng là những vòng quay luân hồi vô định của bánh xe cuộc
đời. Có lẽ, chẳng thể định trước được số phận của mình, duy chỉ có điều
“Ở hiền gặp lành, ác giả ác báo” là quy luật tất yếu của cuộc đời. Nếu
như chỉ vì một chút giận dỗi, một ít thất vọng, một vài đau khổ, khó
khăn, cùng cực, giận mình, trách người mà khinh xuất treo mình trên cái
dây thòng lọng thì quả thực đã phụ lòng yêu thương, hy vọng của biết bao người thân thương, của biết bao sinh linh vạn vật trong cuộc đời. Chính vì vậy, những linh hồn ấy sau khi chết sẽ bị đầy xuống địa phủ, giam
cầm trong cõi tối tăm, lạnh lẽo, trăm năm không được siêu thoát.
Ông cũng đưa ra những lời bình luận thêm:
Chắc hẳn ở chốn u minh tăm tối ấy, những linh hồn lạnh lẽo kia cũng sẽ tìm
cách để được cứu thế, cầu siêu. Nhưng không biết với những luật lệ
nghiệt ngã chốn âm ti, liệu có chấp nhận cho những người xấu số kia được đầu thai chuyển kiếp hay không? Tất nhiên, những người vốn coi thường
mạng sống của mình cũng bị trừng phạt chẳng khác chi những kẻ hiểm ác,
chắc chắn sẽ không dễ dàng, nhanh chóng được đầu thai. Từ những điều
này, người viết muốn nhắn gửi một thông điệp tới những người đang sống
trên trần gian: trong mọi hoàn cảnh, mọi tình huống, dù cho khó khăn,
khắc nghiệt đến mức nào cũng phải biết giữ gìn và quý trọng mạng sống
của chính mình!
Hai là, tác giả đã xuất phát từ chính những nỗi thống khổ của người treo cổ tự sát mà đưa ra lời khuyên:
Phàm là những người tiết tháo, kiên trung khi treo cổ tự vẫn, linh hồn thăng thiên từ trên đỉnh, cho nên cái chết thường đến với họ nhanh hơn, nhẹ
nhàng hơn. Còn những người chết vì phẫn uất, đố kỵ, ghen ghét, linh hồn
thường từ trong tim giáng xuống, cho nên cái chết thường đến một cách
dai dẳng, đau đớn. Trong khoảnh khắc đoạn tuyệt với cuộc đời, hàng trăm
tĩnh mạch bỗng nhiên ngừng đập, da thịt bỗng chốc tan vỡ, tê tái như có
hàng trăm nhát dao cắt rời từng khúc, từng khúc môt, ruột gan cũng cồn
cào, quặn thắt tựa như xuất hiện ngọn lửa đang bốc cháy mãnh liệt trong
lồng ngực, ra sức thiêu đốt đến bỏng rát, tái tê, không thể chịu đựng
được… Và trong khoảnh khắc ngắn ngủi ấy, hình ảnh sự sống ngày càng mờ
xa.
Như vậy, một cách tinh tế và sâu sắc, Thảo Đường đã đưa ra
những kiến giải độc đáo phân biệt rõ ràng hai loại người treo cổ tự vẫn: một loại treo cổ để giữ trọn tấm lòng trung nghĩa, loại khác treo cổ
chỉ vì những ganh ghét, đố kỵ nhỏ nhoi. Rõ ràng những kiến giải này khác hoàn toàn với những lý giải mà Tùy Viên đã nêu ra trước đó. Từ những
nghiên cứu tưởng chừng vô căn cứ ấy, Thảo Đường đã khéo léo mượn những
câu chuyện ma quỷ để phản đối, cảnh tỉnh những ai đang có ý định treo cổ tự vẫn hãy biết trân trọng mạng sống quý giá của mình. Lời cảnh tỉnh ấy đến sau này vẫn còn giá trị sâu sắc.