43.
Xác nhận.
Trần Đại Xuyên hẹn Lý Tùng Nhất ra ngoài gặp mặt.
Điểm hẹn là một quán cà phê cao cấp mang tính chất riêng tư, phải có thẻ VIP mới được phép vào cửa.
Trần Đại Xuyên đang chờ cậu ở phòng riêng.
Lý Tùng Nhất vừa theo nhân viên phục vụ vào phòng đã trông thấy Trần Đại Xuyên đang ngồi bên cửa sổ nhấm nháp tách cà phê, anh hướng ánh nhìn xuống quang cảnh đường phố bên ngoài khung cửa.
Ánh nắng trong vắt lặng lẽ bao trùm lấy anh, phác họa đường nét mông lung mà dịu dàng.
Khi Trần Đại Xuyên quay đầu nhìn về phía này, vẻ mặt ôn hòa của anh lại càng rõ ràng hơn.
Lý Tùng Nhất ngồi xuống đối diện anh, nhìn thoáng qua kịch bản “Con tin” trên bàn.
Lý Tùng Nhất có phần thổn thức, hơn một năm trước cậu dùng kịch bản này đổi lấy vai nam chính. Lúc đó cậu chưa bao giờ nghĩ rằng, chỉ trong một năm ngắn ngủi lại trải qua nhiều thăng trầm đến thế.
Cuộc đời còn táo bạo hơn phim ảnh nữa.
“Xem thử đi.” Trần Đại Xuyên bảo nhân viên phục vụ ra ngoài pha tách cà phê cho Lý Tùng Nhất, đoạn nói. “Tôi đã đánh dấu những phần sửa đổi. Ít lắm, xem vài phút là xong.”
Thói quen này lại khá giống với Lý Tùng Nhất.
Lý Tùng Nhất mở kịch bản, những thay đổi về cơ bản đều liên quan đến cốt truyện của Thái tử Tuyên Từ. Trần Đại Xuyên đã thêm đất diễn cho Thái tử và sửa đổi một ít những gì hắn đã làm, ngoài ra còn thay hắn bày tỏ lòng thưởng thức trước tài hoa của Lý Tùng. Tỷ dụ như trong cảnh cuối khi Thái tử ban rượu, thực ra là đầy tớ trung thành kiêm nhất phẩm đới đao thị vệ Cao Chương tự tiện hạ độc y.
Lý Tùng Nhất khẽ gật đầu. Dẫu sao nếu Trần Đại Xuyên muốn trở thành khách mời trong vai Thái tử, thiết lập tính cách hẳn là không nên quá tiêu cực.
“Được rồi. Tôi không có ý kiến, hay lắm.” Lý Tùng Nhất nói. Thậm chí cậu còn cảm thấy cốt truyện sau thay đổi phù hợp với quy luật nhân quả hơn, hệt như Thái tử đã thực sự từng làm những việc đó.
Xét cho cùng Lý Tùng Nhất chỉ viết dưới góc độ nhìn nhận của bản thân, không hề biết thế giới vận hành như thế nào theo góc nhìn của Thái tử, có khả năng một số tình tiết thoáng mơ hồ. Vì thế kịch bản chỉ thể hiện hành vi và kết quả, không có nhiều phân tích tâm lý và động cơ hành vi.
“Thật không?” Trần Đại Xuyên xác nhận lại.
Lý Tùng Nhất gật đầu thật mạnh.
Nhân viên phục vụ bưng cà phê lên. Lý Tùng Nhất nhấp một ngụm, hương vị ngọt đắng vừa phải.
Trần Đại Xuyên nói: “Vậy chọn bản này nhé.”
Lý Tùng Nhất gật đầu, đoạn tò mò: “Anh chuẩn bị quay à?”
“Chưa gấp.” Một nét do dự hiếm thấy thoảng qua đôi mắt Trần Đại Xuyên. Anh gõ ngón trỏ xuống kịch bản, chẳng biết đang trầm ngâm điều gì.
Lý Tùng Nhất quan sát vẻ mặt anh, ướm hỏi: “Anh vẫn chưa hài lòng với kịch bản?”
“Cũng không hẳn.” Trần Đại Xuyên khẽ nhíu mày. Anh nghĩ đến tờ giấy nhăn nhúm mà mình trông thấy ở căn gác gỗ sau khi Lý Tùng chết. Dòng chữ trên tờ giấy rõ là di ngôn lúc lâm chung của Lý Tùng, song lại bị y vò nát rồi vứt đi.
Trần Đại Xuyên không chắc liệu Lý Tùng có muốn lưu lại những lời đó không, và vì thế anh vẫn chưa quyết định có nên thêm dòng tuyệt mệnh của Lý Tùng vào cuối kịch bản. Dẫu sao đó là thứ duy nhất Lý Tùng để lại cho đời, và Trần Đại Xuyên anh đây là người duy nhất từng nhìn thấy nó.
Nếu có thể, anh chẳng muốn để nó biến mất không dấu vết.
Dẫu đã nhiều năm trôi qua, Trần Đại Xuyên không nhớ rõ trên giấy viết gì. Có chăng là vài câu than thở vụn vặt, song ấn tượng sâu sắc nhất vẫn là lời trách móc kia —— “Không có lỗi với người đời, nhưng có hận với trời cao.”
Trần Đại Xuyên nghĩ đến việc hỏi ý kiến Lý Tùng Nhất. Đôi khi với thân phận là tác giả của “Con tin”, Lý Tùng Nhất có cách hiểu khác về Lý Tùng và có thể cho anh một vài ý tưởng.
“Theo cậu, Lý Tùng có nên lưu lại vài lời mang tính nghi thức trong cảnh cuối không? Lý Tùng sống một đời vẻ vang, nhưng khi chết lại âm thầm lặng lẽ. Tôi luôn thấy tiếc nuối cho người.”
Lý Tùng Nhất ngỡ ngàng, những lời nói tưởng chừng như vô tình kia đã chạm vào ký ức sâu thẳm trong linh hồn cậu.
Cậu từng hạ bút mạnh tay đến nỗi thấm ướt trang giấy, rồi vò nát chúng với trái tim nguội lạnh như tro tàn. Cậu từng bất lực với chính cái chết của mình.
Khi viết kịch bản, Lý Tùng Nhất không thêm đoạn đó bởi lẽ nỗi bất lực do tự sa ngã vẫn còn đeo đẵng lấy cậu. Tuy nhiên giờ đây, tâm lý cậu đã phần nào thay đổi. Vì Trần Đại Xuyên đã nói hai chữ, “nghi thức“.
Cậu bỗng nhớ về tang lễ đã thấy trong buổi thử vai cho “Sơn Hải Kinh”, và cũng nhớ về vở kịch “Như khói” mới đây. Chúng là nghi thức rực rỡ dành riêng cho sự ra đi mãi mãi. Bởi cái chết thực sự quá nhẹ nhàng. Nếu ta không gán nó với nghi thức nặng nề hay long trọng đánh dấu cho sự chấm hết, nó sẽ luôn là làn khói lạt lạt phai phai, trống rỗng và lạnh lẽo vô cớ.
Lý Tùng Nhất phải làm một “nghi thức tử vong” cho Lý Tùng.
“Nên.” Lý Tùng Nhất chỉ thốt một chữ, nhưng tuồng như nó đã tước bằng hết sức lực trong cậu.
Trùng hợp thay, trên bàn có cây bút máy nhập khẩu và vài tờ giấy con con.
Lý Tùng Nhất lấy bút, bắt đầu viết vào chỗ trống dưới cảnh cuối kịch bản: Ta sinh trong dòng dõi hoàng tộc, nhưng mang trong mình mệnh hạ tiện. Ta cười nhạo hai mươi năm kiếp sống bèo dạt mây trôi. Không có lỗi với người đời, nhưng có hận với trời cao!
Vài chục từ ít ỏi là thế... Ấy vậy khi Lý Tùng Nhất đặt bút xuống, lòng bàn tay cậu đã rịn mồ hôi.
Cậu đẩy kịch bản lại cho Trần Đại Xuyên, đoạn thở ra một cách nặng nhọc.
Trần Đại Xuyên nhìn lướt qua, trong thâm tâm vẫn đang nghĩ nên làm thế nào chèn vào dòng tuyệt mệnh mà mình hằng nhớ.
Chợt, Trần Đại Xuyên tròn mắt. Chưa bao giờ biểu cảm của anh trông khoa trương thế này, song anh hoàn toàn không thể kiểm soát sự ngạc nhiên của mình vào phút giây đó. Cũng may Lý Tùng Nhất đang chìm đắm trong dòng cảm xúc trĩu nặng, nên chẳng nhận ra sự bất thường của người trước mắt.
Trần Đại Xuyên nhắm tịt mắt, hít sâu từng hơi. Anh cố gắng điều chỉnh nhịp tim nhanh quá đỗi của mình.
Bẵng đi một lúc, Trần Đại Xuyên mở mắt ra. Anh dùng hết sự bình tĩnh mình có mà giọng điệu vẫn run rẩy: “Cậu tự viết cái này?”
Lý Tùng Nhất gật đầu, dáng vẻ chẳng mấy cao hứng.
“Chính chủ?”
Dòng suy nghĩ bị gián đoạn, Lý Tùng Nhất mất vui hẳn: “Đương nhiên là chính chủ. Chả nhẽ tôi đạo văn?”
Trần Đại Xuyên dựa vào lưng ghế, nhìn chằm chằm Lý Tùng Nhất bằng ánh mắt phức tạp. Biết bao cảm xúc trào dâng trong lòng, nom như bầu trời dày đặc mây tích trước giông bão.
“Anh sao vậy?” Trần Đại Xuyên nhìn đến nỗi Lý Tùng Nhất nổi da gà rần rần. Bỗng, cậu nảy ra một suy đoán kinh hãi —— Chẳng lẽ dòng chữ cậu viết đã lưu truyền đến ngày nay? Và Trần Đại Xuyên từng xem tư liệu lịch sử nào đó, rồi bây giờ cậu còn khoe khoang là chính chủ tự viết trước mặt anh?
Toang rồi, nhân phẩm xem như đồ bỏ.
Lý Tùng Nhất đưa mắt nhìn đi chỗ khác, trong lòng hãy còn ngờ ngợ. Rõ ràng cậu đã tra rất nhiều thông tin về Nam Tuyên, lý nào không biết lời mình nói đã lưu truyền tới hiện nay? Chẳng lẽ Trần Đại Xuyên có quyền có tiền, kho tàng lịch sử còn toàn diện hơn cậu?
Xã hội tư bản bất công vô đối, xin phép đả đảo xã hội tư bản!
“Ờm...” Lý Tùng Nhất càng nghĩ càng tá hỏa, bèn thử tìm cách cốt đánh trống lảng.
Trần Đại Xuyên đột nhiên đứng phắt dậy, nói: “Tôi có việc, đi trước.”
Đoạn anh cất kịch bản vào túi, rời đi không thèm ngoảnh lại. Phải nói rằng bước chân anh vội vã như thể chạy giặc.
Lý Tùng Nhất nhìn trân trối, Trần Đại Xuyên ghét đạo văn đến vậy ư?
Cậu nhanh chóng lấy điện thoại ra, kiểm tra mấy câu vừa rồi có phải đã bị sử gia đào lên không.
Nhưng, kết quả tìm kiếm trống không mà...
Cậu chẳng hay rằng, lúc này Trần Đại Xuyên cũng đang cầm điện thoại tra cứu Baidu.
Không có, hiện tại không có báo cáo lịch sử nào về dòng tuyệt mệnh của Lý Tùng mà anh từng thấy.
Trần Đại Xuyên mím môi, đôi tay siết chặt vô lăng. Nhưng anh không đủ sức nổ máy.
Một suy đoán đang khuếch trương điên cuồng trong lòng anh, tựa như ngọn lửa đang thiêu rụi thảo nguyên ngày thu. Trong tích tắc nó đã bùng cháy dữ dội, bầu trời dần ngập trong cơn nóng gay gắt.
Nếu anh có thể tồn tại trong thời không này, vậy... Lý Tùng cũng có thể.
Nửa giờ sau, Trần Đại Xuyên lấy lại bình tĩnh trong bãi đỗ xe u ám dưới lòng đất. Anh vội vàng nổ máy, lái đến một trường đại học nổi tiếng trong thành phố rồi đi thẳng đến tòa nhà khoa Sử học.
Nơi đây có một vị giáo sư lớn tuổi, là chuyên gia lịch sử nghiên cứu về thời Nam Tuyên. Đối với sự hiểu biết về Nam Tuyên, mặc dù Trần Đại Xuyên từng sống ở kỷ nguyên đó nhưng quả thật giáo sư mới là người tường tận mọi chuyện lớn nhỏ.
Trần Đại Xuyên có mối quan hệ thâm giao với giáo sư, bởi cả hai đều rất quan tâm đến thời đại này. Anh thường nghe những câu chuyện quá khứ xa xôi qua lời kể của ông, và ông đã truyền cho anh biết bao cảm xúc mới lạ về một Nam Tuyên rất khác.
Vị giáo sư lớn tuổi vừa trở về sau khi đứng lớp dành cho nghiên cứu sinh. Ông nhìn thấy Trần Đại Xuyên, bèn nở nụ cười hiền lành: “Đã lâu không gặp, dạo này cậu bận lắm à?”
Vẻ mặt Trần Đại Xuyên như thể gặp phải điều gì khó nhằn. Anh không nói lời khách sáo, mà đi thẳng vào lý do hôm nay thình lình ghé thăm: “Giáo sư, tôi muốn cho anh xem cái này. Có tư liệu nào ghi lại lời nói của Lý Tùng không ạ?”
Trần Đại Xuyên mở kịch bản ra, chỉ vào dòng chữ mà Lý Tùng Nhất vừa viết.
“Chữ đẹp. Trong cương có nhu, như rồng bay lượn.” Giáo sư tặng lời khen chân thành. Đoạn ông lắc đầu. “Không có.”
Trần Đại Xuyên hỏi lại lần nữa: “Không có thật ạ?”
Giáo sư cười: “Lý Tùng chỉ có hơn hai mươi năm trong lịch sử Nam Tuyên, suốt đời làm mưu sĩ. Cảm giác tồn tại của Lý Tùng rất thấp, không có nhiều tài liệu ghi chép đâu. Nếu Lý Tùng để lại mấy dòng này, nhất định phải nhắc đi nhắc lại lắm lần.”
Trần Đại Xuyên nín thở, mọi thứ tuồng như trở nên rõ ràng hơn. Anh đang từng bước tiếp cận phỏng đoán của mình, cõi lòng bỗng dấy lên cảm giác hồi hộp khó tả.
Giáo sư nhìn lướt qua kịch bản, thắc mắc: “Đây là kịch bản mới cậu muốn quay hả? Nội dung viết hay lắm, rất gần với lịch sử. Cậu xem nè, đoạn này đề cập đến hoa văn Bàn Li*. Hoa văn Bàn Li có nhiều hình thù khác nhau qua mỗi triều đại. Trong kịch bản viết Bàn Li có bốn chân, đôi mắt mảnh mai – đây vốn là hoa văn xuất hiện một trăm năm sau Nam Tuyên. Nhưng nửa năm trước, đội khảo cổ đã khai quật mộ địa của kỷ nguyên đó. Thành ra hoa văn Bàn Li này mới xem như xuất hiện trong thời đại ấy. Đây chả phải là tin gì lớn, ngay cả giới lịch sử – khảo cổ cũng không biết. Đội biên kịch của cậu làm ăn có tâm thật, chi tiết nhỏ như hạt gạo mà cũng không bỏ qua. Còn có...”
[1] Hoa văn Bàn Li (蟠螭纹): Hoa văn rồng cuộn (đầu và đuôi uốn cong), “Li” là con rồng không sừng trong truyền thuyết, thường dùng để trang trí công trình kiến trúc.
Lý Tùng Nhất viết kịch bản này vào một năm trước.
Tựa như tiếng chuông ban mai trên đỉnh núi, người ngủ say choàng tỉnh giấc sau giấc mộng dài đằng đẵng. Và rồi, ánh sáng vàng rực vọt ra khỏi núi non trùng điệp.
Trần Đại Xuyên ấn tay lên ngực trái. Nơi đó đang phập phồng kịch liệt, nhịp tim nhanh đến mức tưởng như muốn xé toạc lồng ngực.
“Nhìn cậu không ổn lắm.” Giáo sư đang khen kịch bản hết sức chi tiết, đột nhiên trông thấy Trần Đại Xuyên đứng im thin thít, hai mắt hãy còn hoen đỏ. Ông không khỏi lo lắng. “Cậu gặp chuyện gì sao? Công việc gặp khó khăn à?”
Trần Đại Xuyên chậm rãi lắc đầu: “Tôi chỉ... vui thôi.”