Nhóm dịch: Thất Liên Hoa
Sau tiếp xúc, họ cũng sẵn sàng giao lưu trao đổi với Trần Tư Vũ nhiều hơn.
Thực tế không hề tệ như Trần Tư Vũ tưởng tượng.
Trong thành phố không có chuồng bò, cho dù có người có tư tưởng sai lệch, nhiều nhất cũng chỉ phải tham gia lao động nghĩa vụ, Trần Hiên Ngang mới mười hai tuổi, còn đang tuổi đi học, chỉ cần thằng bé muốn thì vẫn có thể đi học được.
Nhưng thằng bé không muốn đi học, chủ động xin việc và chuyển đến làm việc trong phòng lò hơi.
Thằng bé vẫn sống trong khu tập thể của xưởng Mặc Thủy, nhưng không ở chỗ ở cũ mà đã chuyển đến một căn phòng nhỏ hơn.
“Hiên Ngang giống y hệt mẹ nó, chẳng có chút vấn đề gì phải giác ngộ đâu. Lúc mẹ nó bỏ đi cũng chỉ mang theo một bộ quần áo, khi nó vào phòng lò hơi cũng không mang theo bộ quần áo nào. Cánh cửa cứ vậy mở toang, đây gọi là gì? Tâm sáng như gương, muốn moi thứ gì từ nó, nhiều nhất chỉ có thể khoét tường mà thôi.” Một dì nọ lại nói.
Lúc đầu, Trần Tư Vũ không hiểu câu này, nhưng sau khi suy nghĩ cẩn thận, cô mới hiểu.
Trần Hiên Ngang mười hai tuổi đã thành trẻ mồ côi.
Còn mẹ thằng bé là đại tiểu thư của cửa hàng cầm đồ nhà họ Trần từng nổi danh khắp Bắc Thành này.
Có câu nói lạc đà gầy còn lớn hơn ngựa.
Hơn nữa tính cách của nguyên thân quá tệ nên dì nọ cho rằng cô đến đây để dọa dẫm, tống tiền Trần Hiên Ngang.
Điều này nói rõ, Hiên Ngang giờ đây không có gì, nghèo rớt mồng tơi.
Trong nguyên tác, Trần Hiên Ngang là một kẻ bụng dạ nham hiểm, nhưng lại chỉ trung thành với nữ chính, là một nhân vật phản diện cấp cao.
Cậu sống một cuộc đời thê thảm, sống trong ánh mắt khinh bỉ của mọi người, nhưng lúc lâm chung lại tặng hết số tiền khổng lồ mà cậu đã tích cóp được cho nữ chính.
Trong nguyên tác có một đoạn, nói rằng một ngày nọ, nữ chính tham gia một buổi biểu diễn quan trọng, còn hát đơn ca, nhưng cô ấy lại vô tình đánh rơi mất vòng cổ phối với bộ váy áo, lo lắng đến mức bật khóc. Mà lúc đó Trần Hiên Ngang vẫn đang ở chuồng bò lại đưa cho cô ấy một sợi dây chuyền hồng ngọc thật, vừa hay rất hợp với bộ váy áo của cô ấy.
Nhưng bây giờ, cửa nhà mở toang hoác, thậm chí thằng bé còn đến phòng lò hơi, vậy thứ đó thì sao, giấu ở đâu?
Thằng bé mới mười hai tuổi, màn vườn không nhà trống quả là diệu kế, làm tốt lắm.
Đừng thấy thằng bé còn nhỏ, nhưng thằng bé đã là chủ hộ, nếu không được thằng bé thừa nhận, rất khó yên vị trong sổ hộ khẩu của nhà nó.
Thằng bé tội nghiệp, Trần Tư Vũ nhất định phải yên vị vào hộ khẩu nhà nó, chỉ có cách sống với thằng bé thì mới có thể ở lại thành phố.
Mà bắt đầu từ hôm nay, cô và phản diện bé nhỏ trong sách phải đồng cam cộng khổ với nhau rồi!
Xưởng Mặc Thủy ở Bắc Thành chịu trách nhiệm cung cấp mực in cho các cửa hàng khác nhau ở Bắc Thành. Đây là một xưởng nhỏ với quy mô mấy chục nhân viên. Xưởng này nằm trong thư viện của nhà mẹ ruột Trần Hiên Ngang, được chính phủ mượn từ trong tay bà ấy để lập xưởng.
Đúng vậy, thư viện của mẹ Trần có thể thành lập một xưởng lớn, điều này cho thấy gia đình bà ấy giàu có như thế nào.
Ban đầu, bà ấy không chuyển đến đó, vẫn sống trong căn phòng lớn phía tây nơi bà ấy lớn lên, nhưng sau khi bà ấy qua đời, Trần Hiên Ngang đã tự giác chuyển đến phòng ở sát cổng, vì vậy bây giờ nhà mới của Trần Tư Vũ là ở sát cổng.