Nhóm dịch: Thất Liên Hoa
Chén ngọc Cửu Long hay còn gọi là chén công đạo Cửu Long là vật yêu thích của hoàng đế Khang Hy, tương truyền rằng có chín con rồng bị nhốt trong chén ngọc, nếu như đổ đầy rượu ngon vào trong chén, từ đáy chén sẽ hiện ra chín con rồng bay lượn, đây gọi là “Cửu Long náo Hải.”
Trong năm đó, Dương Hương Thức, một tên cướp từ Giang Dương đã ba lần vào cung điện để trộm chiếc chén ngọc Cửu Long, từ đó truyền lại một đoạn giai thoại, chén ngọc Cửu Long vì thế mà càng trở nên thần thánh hơn.
Sau khi Hoàng đế Khang Hy băng hà, chén ngọc Cửu Long theo đó cũng được hạ táng vào cảnh lăng của Khang Hy. Vào thời dân quốc, cảnh lăng có nhiều hỗn loạn. Đầu tiên là thủ lĩnh quân phiệt Tôn Điện Anh, sau đó là băng đảng Háo Tử, mấy lần đều không công mà lui. Cho đến những năm 1940, bọn cướp Điền Lão Thất và Quan Lão Thất ở huyện Kế mất sức chín trâu hai hổ, sau khi chia tách quan tài và nâng xác chết lên, cuối cùng đã đánh cắp được chén ngọc Cửu Long.
Lúc đó ông cố nội nhận được tin tức, dùng diệu kế lấy được chén ngọc Cửu Long từ trong tay Quan Lão Thất. Lúc đó khắp nơi truyền ra tin đồn ồn ào huyên náo, bảo vật thế gian, ai cũng mơ ước. Có người ở cửa hàng đồ cổ thuộc xưởng Lưu Ly tại Bắc Kinh lên tiếng, nói là có nhà triệu phú người Mỹ đã ra giá 2,6 triệu và sẵn sàng mua bảo vật thế gian này.
Nhưng mà ông cố nội biết đây là bảo vật Quốc gia, đương nhiên không đành lòng để cho chén ngọc Cửu Long lưu lạc nước ngoài, càng biết rõ mang ngọc mắc tội*, bản thân dù có gia sản bạc triệu cũng sợ là không giữ nổi chén ngọc Cửu Long này, cho nên chỉ thưởng thức vài ngày rồi đem nộp lên chính phủ dân quốc thời bấy giờ.
*câu này là trong 1 câu truyện được đề cập trong Tam tự kinh, ý là người tài giỏi lập nên công trạng lại bị khép tội.
Không ngờ rằng, sau khi nộp lên trên, còn chưa đợi được giải phóng thì chén ngọc Cửu Long đã không thấy tung tích.
Lúc bấy giờ mọi người bàn tán xôn xao, nhưng ở khắp nơi có người nghe đồn, nói ông cố nội có chiêu thức thần kỳ, dùng cách thức treo đầu dê bán thịt chó, đưa cho chính phủ một món đồ giả, còn cái thật thì ông cụ tự mình giấu đi rồi.
Sự việc này đã mang vô vàn tai họa đến nhà họ Sơ, sau đó một trai một gái con ông cố nội lần lượt mất đi, người ta cho rằng tai họa đều bắt nguồn từ việc này.
Cả đời ông cố nội có hai người con trai một người con gái, con trai trưởng cũng chính là ông nội của Sơ Vãn chết dưới tay quân Nhật, con trai thứ và cô con gái nhỏ lại gặp phải tai hoạ bất ngờ này, ông cố nội hoàn toàn thất vọng, đau khổ tột cùng, gia sản tiêu tán, mang theo đứa cháu duy nhất còn lại của mình đến thôn Vĩnh Lăng này, gần như bị ngăn cách với thế giới.
Vài chục năm sau, thế giới biến đổi khôn lường, nhưng ông cụ chưa từng đi ra ngoài.
Ông cố nội trước giờ chưa từng nói với Sơ Vãn về chén ngọc Cửu Long, thậm chí cũng chưa từng nhắc tới ông chú và bà cô (cô, chú của ba), nhưng Sơ Vãn biết, chính ông cố nội cũng không thể buông bỏ được.
Cho nên năm đó, khi Sơ Vãn nghe được tin chén ngọc Cửu Long đang ở nước ngoài, cô đã rất xúc động.
Cô đi đến trước mộ ông cố nội đốt vàng mã, nhìn tiền giấy kia hóa thành tro tàn, nhìn những mảnh vụn tiêu tán dưới chân núi trống trải, cô càng hiểu rõ, cô phải lấy được nó – Lấy được chén ngọc Cửu Long.