Thề Ước Đỗ Quyên

Chương 4: Chương 4: Ngô Xương Ngập




Sáng hôm sau, ta và Càn Hưng vào cung thỉnh an mẫu hậu, mang theo hai hộ vệ võ nghệ cao cường. Trời trở rét nên thay vì thưởng trà ngoài vườn, ba chúng ta quây quần quanh chậu than ấm. Mẫu hậu đánh đàn, Càn Hưng thổi sáo, ta vẽ tranh. Khung cảnh không thể êm đềm hơn.

Cuối giờ Thìn đầu giờ Tỵ, ta nghe thấy tiếng ồn ào ngoài cửa, tiếng chạy huỳnh huỵch, tiếng gươm kiếm va vào nhau. Ta lập tức gạt giấy bút sang một bên, tay nắm chặt chuôi dao giắt sẵn trong người, đứng chắn phía trước mẫu hậu và Càn Hưng. Hai người kia cũng dừng đàn và sáo lại. Một lúc sau, ba viên tướng mặc võ phục xông vào phủ. Tên đi đầu mặt mũi phàm phu, chưa hành lễ đã lên tiếng:

- Mạt tướng được lệnh của Dương Bình Vương tới hộ giá Trưởng công chúa. Xin thất lễ với người!

Hắn nhìn thấy hai bọn ta cũng chỉ nhướn mày không có ý kiến gì. Ta nghe mẫu hậu hít vào rất nhẹ ở sau lưng rồi nhẹ nhàng nói:

- Làm phiền ba vị tướng quân rồi!

Mẫu hậu bình thản ngồi uống trà, tỏ rõ bản lĩnh của một Vương hậu. Càn Hưng có chút căng thẳng, dù sao đệ ấy vẫn còn ít tuổi. Ta cũng ra vẻ thản nhiên ngồi xuống, nhận lấy chén trà từ mẫu hậu, tay kia vẫn nắm chặt chuôi dao dưới lớp áo.

Bản thân ta tuy không liên quan đến đại cục, nhưng dù sao cũng mượn thân phận của Ngô Nam Hưng, có trách nhiệm bảo vệ mẫu hậu và đệ đệ của hắn là đương nhiên. Ta đã suy tính kỹ càng chuyện này. Dương hậu tuy là chị ruột của Dương Bình Vương nhưng đến bước đường cùng, không thể tránh khỏi việc bị hắn lợi dụng để uy hiếp nhị huynh. Càn đệ tuổi còn nhỏ, lại quá non nớt, chắc chắn cũng bị để ý đến. Ta chỉ có thể kéo hai người về một chỗ cho tiện việc bảo vệ. Hai hộ vệ ta mang theo có võ nghệ cao cường vẫn bị ba tên này đánh gục trong thời gian ngắn, chứng tỏ không phải hạng tầm thường. Ngô Nam Hưng tuy là nam nhân trói gà không chặt, nhưng Tiểu Thiên ta thì không dễ bị bắt nạt.

Sự im lặng đáng sợ bao trùm toàn bộ cung cho đến tầm giữa giờ Ngọ, cửa bị phá tung ra, hai viên tướng khác xông vào, lập tức đánh nhau với hai tên chực sẵn ở đây. Tên cầm đầu còn lại tay phải giương kiếm lao thẳng về phía bọn ta. Y nhác thấy Càn Hưng đứng gần mình nhất nên nhắm đến đệ ấy. Ta rút vội con dao giắt ở lưng quần, nhắm hướng tay phải của y mà phi. Tuy bị bất ngờ nhưng y vẫn né được, chỉ bị sượt một tí qua da, lập tức đổi hướng tấn công về phía ta. Ta nhanh trí chộp lấy ấm trà ném thẳng vào mặt y, bị y chém luôn một nhát vào vai. Vừa lúc đó, Ngô Xương Văn cùng với một đám binh lính kịp xông vào và chế ngự cả ba người của Dương Bình Vương. Nhìn thấy nhị huynh, ta như trút được gánh nặng đang đè nặng trước ngực. Thì ra, khi không được sử dụng tiên pháp, ta lại trở nên vô dụng như vậy.

Sau khi phân phó nhiệm vụ và cho quân lui ra ngoài, Xương Văn quỳ xuống trước mặt mẫu hậu vẫn đang ngồi, ta và Càn Hưng cũng quỳ xuống theo:

- Mẫu hậu, nhi thần bất hiếu tới trễ, đã để mẫu hậu phải kinh sợ.

Dương hậu nhìn khắp lượt ba chúng ta, sau đó thở dài và nói:

- Xương Văn, dù sao cũng nên mở một con đường sống cho Tam Kha.

- Nhi thần tuân chỉ!

Mẫu hậu nhắm mắt lại, một giọt nước khẽ lăn xuống gò má, cũng không biết là vì nhẹ nhõm hay vì đau lòng. Bất chợt Càn Hưng la lên:

- Tam huynh, máu kìa!

Ta giật mình nhìn xuống mới thấy cánh tay áo màu tím than đã sẫm lại, ươn ướt, dính vào cánh tay, từng giọt màu đỏ tươi đang thi nhau rỉ xuống. Tiếng Xương Văn và mẫu hậu hốt hoảng gọi thái y trở nên xa xăm, đầu óc ta quay cuồng.

Mùa đông năm Canh Tuất, Dương Bình Vương sai Ngô Xương Văn cùng hai tướng khác đem quân đi đánh hai thôn Đường và Nguyễn ở Thái Bình. Ngô Xương Văn đi được nửa đường dẫn quân quay lại lật đổ Dương Bình Vương, lên ngôi trị vì, tự xưng là Nam Tấn Vương, đóng đô ở Cổ Loa.

Ngô Xương Văn không giết Dương Tam Kha, giáng xuống làm Chương Dương Công, ban cho đất làm thực ấp.

Mùa xuân năm Tân Hợi, được Dương thái hậu ân chuẩn, Nam Tấn Vương cho người đón Ngô Xương Ngập về cung và cũng lên làm vua, hiệu là Thiên Sách Vương.

Ngày Ngô Xương Ngập trở về và làm đại lễ lên ngôi vua, vết thương ở vai trái của ta cũng đã lành hẳn. Ta cùng Càn Hưng hoan hỉ đứng chờ trước cổng cung để đón đại huynh. Xương Ngập có khuôn mặt nam tính và dáng vẻ điềm tĩnh, chín chắn của một nam nhân trưởng thành. Từ đầu đến cuối buổi tiệc, cặp mắt huynh ấy nhìn mẫu hậu, nhìn Xương Văn, nhìn ta và Càn Hưng, tuyệt nhiên là ánh nhìn hờ hững, lạnh nhạt. Tiền Ngô Vương, sợi dây duy nhất liên kết giữa huynh ấy và chúng ta dù sao cũng không còn nữa.

Ngô Xương Văn có vẻ rất bất ngờ khi ta ngỏ ý muốn sang cung của Thiên Sách Vương. Huynh ấy nói:

- Nam Hưng, ta cũng đã tính sẽ cho một ai đó thân cận sang giúp đỡ Thiên Sách Vương, nhưng ngươi là người ta nghĩ đến cuối cùng.

Ta mỉm cười:

- Đa tạ Tấn Vương đã coi trọng! Thần vốn không có tài cán gì, chỉ mong có thể ở bên cạnh mà giúp đỡ về mặt tinh thần cho Thiên Sách Vương. Bên cạnh Tấn Vương còn có rất nhiều người tài, Càn Hưng cũng ngày một trưởng thành hơn. Thần tin tưởng người sẽ luôn sáng suốt và anh minh như hiện tại.

Xương Văn không nói gì, chỉ thở dài rồi sai người mang giấy bút ra viết mấy dòng. Ta thẳng tiến đến cung của Thiên Sách Vương, dâng lên chiếu chỉ của Nam Tấn Vương đã viết sẵn. Xương Ngập đọc kỹ một lượt chiếu chỉ, dường như không bất ngờ lắm, sai thái giám thu xếp chỗ ở cho ta, không tỏ rõ thái độ gì.

Ngày qua ngày, ta sống như một phi tần bị thất sủng ở cấm cung. Thiên Sách Vương luôn dè chừng ta, tránh ta như tránh tà. Khi ta tìm cớ muốn dâng sớ hay tâu lên điều gì, hắn lập tức bận rộn việc khác mà không có thời gian, hoặc lăn đùng ra ốm. Ta tìm mọi cách để tiếp cận và giành lấy thiện cảm từ hắn, đọc mọi loại sách, nghĩ ra bao nhiêu kế hay về việc cai trị dân, việc thu thuế má, về sản xuất canh tác, về giao thương buôn bán. Những sớ chương dâng lên đều không có hồi đáp.

Ngôi vua chưa được bao lâu, Xương Văn và Xương Ngập lại phải kéo quân đi dẹp loạn ở Hoa Lư. Hai người bọn họ đi cả tháng trời vẫn chưa thấy về. Ta cùng Càn Hưng qua thỉnh an Thái hậu. Người nhìn thấy khuôn mặt nhăn nhó buồn thảm của ta, mỉm cười vẻ hiểu biết:

- Nam Hưng, nói cho mẫu hậu nghe, con có chuyện gì khó nghĩ phải không?

Ta ngẫm nghĩ, hỏi cao kiến của một người từng trải cũng là cách hay, liền nói:

- Thái hậu, tại sao có người con càng tỏ ý muốn tiếp cận thì lại càng tránh xa và đề phòng con? Phải chăng người đó thấy con vẫn chưa có đủ lòng thành?

- Nam Hưng, có những chuyện không phải cứ nóng vội là được, người đó có thể đang cần thời gian để hiểu thấu lòng con. Cũng có khi người đó lại không thích sự vồ vập, vội vàng. Con hờ hững, lạnh nhạt thì người ta mới bắt đầu tò mò và để ý đến con hơn.

Ta gật gù, mẫu hậu nói cũng có phần hợp lý. Người lại nói tiếp:

- Nam Hưng, con có ý với tiểu thư nhà ai? Có cần mẫu hậu đứng ra làm chủ cho không?

Càn Hưng bịt miệng cười, còn ta đỏ bừng mặt:

- Mẫu hậu nói gì vậy? Nhi thần vẫn còn ít tuổi mà!

Thái hậu và Càn Hưng càng cười to còn ta đỏ tới tận mang tai, chẳng lẽ lại phải nghiêm túc nói thẳng ra rằng: “Khởi bẩm mẫu hậu, nhi thần chỉ thích nam nhân mà thôi!”

Hai vị Vương không đánh được Đinh Bộ Lĩnh, rút quân trở về. Các phi tần, cung nữ, thái giám, nô tài trong cung đều kéo nhau ra cửa đón Thiên Sách Vương. Ta không có hứng thú, ngồi uống rượu một mình trong vườn đào. Tửu lượng của ta không tệ, rượu dưới dương gian lại nhẹ hơn rượu tiên giới mấy phần, nên uống bao nhiêu cũng không thấy say.

Uống vào lại nhớ trước đây trên Thiên Đình, ta và hai tên Nam Tào, Bắc Đẩu thỉnh thoảng buồn lại rủ nhau uống rượu ngắm trăng. Uống đến mức cả ba đều nằm gục trên bàn rượu, lúc đó mẹ nuôi bắt được sẽ trách phạt rất nặng. Ta chỉ nhớ là ta không phải thực hiện hình phạt của mình nhưng không tài nào nhớ được vì sao.

Trời về khuya ta uống một mình mãi cũng chán, loạng choạng đứng lên định đi vào phòng thì nhìn thấy vạt áo của ai đó đứng trước mặt. Ngước lên thì thấy Thiên Sách Vương, tưởng là hắn đi đường xa đã nghỉ ngơi từ lâu rồi mới phải, ta không thèm hành lễ, ngạc nhiên hỏi:

- Thiên Sách Vương, người chưa nghỉ ngơi sao?

Xương Ngập không trả lời, cho tên hầu bên cạnh lui đi. Sau đó hắn thản nhiên ngồi xuống đối diện ta. Ta rót rượu vào hai ly, hắn cầm lấy một ly, uống một hơi ngon lành, tuyệt nhiên không nói năng gì. Chúng ta cứ im lặng ngồi uống rượu như vậy đến hết đêm.

Sáng hôm sau ta tỉnh rượu, đầu óc mơ hồ nhớ lại chuyện tối qua, cảm thấy dường như ta và Xương Ngập đã có bước tiến triển. Đến khi chạm mặt nhau, hắn vẫn một mực thờ ơ và lạnh nhạt, ta liền quyết định không quản việc của hắn nữa.

Thấm thoắt một năm nữa trôi qua, Thiên Sách Vương ngày càng chuyên quyền, tự mình quyết định nhiều việc triều chính trọng đại. Nam Tấn Vương hiền lành luôn nhường nhịn cho đại huynh. Dương Thái hậu cả nể người con trưởng nên “mắt nhắm mắt mở” bỏ qua. Ta cũng không thèm để ý can ngăn gì, bởi có nói cũng vô ích. Ngày ngày ta chỉ an phận thủ thường nâng cao tay nghề vẽ tranh, vẽ phong cảnh chán lại quay sang vẽ chân dung các phi tần, mỹ nữ trong hậu cung đại huynh. Thỉnh thoảng đêm đến, ta sẽ cùng Thiên Sách Vương nhâm nhi vài chén rượu ngọt, ăn bánh trôi nước, nói dăm ba câu sáo rỗng.

Một ngày trăng tròn cuối xuân năm Nhâm Tý, ánh sáng dìu dịu xuyên qua những cánh hoa đào cuối mùa đã nở bung và sắp tàn. Thiên Sách Vương hôm nay có tâm trạng tốt, uống hết hai bình rượu vẫn chưa chịu rời đi. Hắn nói:

- Nam Hưng, ngươi cũng đã đủ trưởng thành rồi, ta sẽ phong cho ngươi làm Thân vương và ban cho ngươi một cung riêng.

Trong lòng ta có một chút xáo trộn nhưng vẫn bình thản trả lời:

- Tạ ơn Thiên Sách Vương đã lưu tâm, thần tự thấy bản thân vô dụng, không có tài cán gì nên không dám nhận chức Thân vương ấy. Chỉ mong Thiên Sách Vương vẫn cho phép thần ngụ tại đây bình yên sống qua ngày là đã mãn nguyện lắm rồi.

Ta rót cho Xương Ngập một chén rượu, sau đó múc thêm hai viên bánh trôi vào bát của hắn. Hắn nhìn hai viên bánh trôi chằm chằm rồi lại nói:

- Thái hậu cũng đã có lời, nói ta tìm cho ngươi một nữ nhi con nhà quan lại phù hợp. Ngươi cũng phải có cung riêng để “yên bề gia thất” chứ!

- Thiên Sách Vương trách tội, vi thần quả thật vẫn chưa nghĩ đến chuyện đấy!Xương Ngập ngạc nhiên nhìn ta. Không màng sự nghiệp, cũng không đoái hoài đến nữ nhân, chắc là hắn đang nghĩ ta là loại “nam nhi đại trượng phu” gì vậy. Trước đây ta cũng đoán được hắn coi ta là người của Ngô Xương Văn, được gửi qua để giám sát hắn, tìm mọi cách nịnh bợ lấy lòng để tiếp cận hắn, họa mong có được chút lợi danh. Đến khi ta tỏ ra thờ ơ, hắn nghĩ ta đã bỏ cuộc nên coi thường ta, nhưng cũng bỏ đi chút ít đề phòng đối với ta. Hắn nghĩ, khi ban cho ta chức Thân Vương mục rỗng đó, ta sẽ phải mừng rỡ mà quỳ xuống tạ ơn hắn chăng?

Một cánh hoa đào rơi xuống và xoay tròn trong chén rượu, ta thở dài, mùa hè lại sắp đến rồi, thời gian không còn nhiều nữa.

Một ngày nọ, Thiên Sách Vương có chuyện không vui, hắn đã uống ở đâu say khướt, nửa đêm đến cung ta đập cửa đòi uống rượu tiếp. Từ lúc nào ta trở thành bạn tửu của hắn vậy? Ta phân phó cung nữ đi làm vài món rồi lại sai người hầu mang một bình rượu nếp cẩm ra. Hắn đã say đến vậy, cũng nên uống nồng độ nhẹ thôi. Nhưng Xương Ngập không màng uống rượu, hắn ngồi nói còn ta chống cằm ngồi nghe. Thì ra khi uống đến mức độ nào đó, Ngô Xương Ngập sẽ nói rất nhiều chuyện, những chuyện tưởng như không liên quan, chẳng đâu vào đâu, nhưng nghĩ kỹ sẽ ngẫm ra được vài thứ. Hắn nói:

- Các ngươi nói ta chuyên quyền cũng được, dù sao ta cũng là con trưởng, dù sao ngôi Vương đó vốn là của ta cơ mà…

Ta hiểu hắn đang nói đến chuyện gì, hẳn là hôm nay trên triều lại bị các quan phản đối chính sách nào đó. Chuyện này ta cũng có phần hiểu hắn, Nam Tấn Vương tính tình quá nhu mì, không thích hợp làm việc lớn. Những chuyện phải kiên quyết và ra tay nhẫn tâm một chút, Xương Văn không nỡ làm, Xương Ngập sẽ đứng ra một mình quyết định hết.

Hắn lại nói:

- Tại sao Xương Xí không mau chóng trưởng thành lên?

Hiển nhiên Xương Ngập trông đợi rất nhiều vào đứa con trai này, nhưng Ngô Xương Xí mới chỉ có bảy tuổi, muốn cậu bé gánh vác việc lớn từ bây giờ, có nhẫn tâm quá không?

Hắn hỏi ta:

- Ngô Nam Hưng, ta hỏi ngươi, nếu ngày đó, ngươi là người của ta trước. Nếu rơi vào trường hợp ta và Ngô Xương Văn đối đầu nhau, ngươi cũng sẽ vì ta mà đỡ một nhát kiếm ở vai chứ?

Câu hỏi này làm ta có chút bất ngờ, thì ra Thiên Sách Vương lại luôn cảm thấy cô đơn đến vậy. Hắn không thể tin tưởng ai, cũng không biết bày tỏ nỗi lòng cùng ai.

- Thiên Sách Vương nghĩ nhiều rồi! - Ta nói. - Người và Nam Tấn Vương sẽ cùng nhau giữ vững triều đại nhà Ngô. Làm sao có chuyện đối đầu nhau được.

- Trả lời câu hỏi của ta đi!

- Thần đã thề trung thành với ai ngay từ đầu thì há gì cái mạng bé nhỏ này! - Ta bình thản nói.

Thiên Sách Vương gạt hết chén đĩa trên bàn, sau đó giận dữ bỏ về.

Ta những tưởng sau hôm đấy Xương Ngập sẽ không ngó ngàng gì đến ta nữa, không ngờ một tuần sau lại thấy hắn xuất hiện, tiếp tục ngồi thưởng rượu với ta, dường như không nhớ một chút gì về buổi tối hôm đó. Chúng ta lại tiếp tục uống rượu, thưởng trăng, không nói nhiều chuyện. Cũng chỉ là ta đang tìm cơ hội để chuốc hắn uống thật say và hỏi cho rõ thắc mắc của mình mà thôi.

Một ngày mùa hạ đẹp trời, trăng thanh gió mát, bên cung Nam Tấn Vương vẳng lại tiếng sáo của Càn Hưng. Thiên Sách Vương và ta cùng ngồi uống rượu, yên lặng lắng nghe tiếng sáo dặt dìu, khi trầm bổng, lúc lại thanh toát. Xương Ngập rất có nhã hứng, tay gõ lên mặt bàn, thỉnh thoảng còn ngâm nga theo điệu sáo. Đến nửa đêm, Càn Hưng thôi thổi sáo, không gian trở nên yên tĩnh. Hai chúng ta cũng đã uống khá nhiều rượu, nói đúng hơn là Thiên Sách Vương đã gần say, ta chỉ ngồi chăm chăm châm tửu cho hắn và rung đùi ăn lạc rang. Ta đang thầm tính toán xem đã đến mức độ của hắn chưa để hỏi một số chuyện, không ngờ Xương Ngập lại lên tiếng trước:

- Nam Hưng, ngươi nói xem, cuộc đời nam nhân thì cái gì là quan trọng nhất?

Ta cúi đầu nghĩ xem hắn có ý gì rồi trả lời:

- Thưa Thiên Sách Vương, theo thần thì đó chính là công danh, sự nghiệp và địa vị.

Hắn nói giọng mỉa mai:

- Ngươi mà cũng biết nhắc đến ba từ ấy?

Ta cười nhẹ:

- Thần đang xét về nam nhân trong thiên hạ, hoàn toàn không đứng ở góc độ của bản thân.

Đoạn đưa bình rượu lên rót cho hắn một chén. Hắn cầm lên, một hơi uống sạch. Ta cũng biết, khi người ta đã đạt được tất cả những thứ đó rồi, cũng là lúc cảm thấy cô đơn nhất.

Ta yên lặng châm tửu vào cả hai chén. Hắn vẫn lảm nhảm:

- Ta và Ngô Xương Văn đều có tất cả những thứ đó. Tại sao chúng ta lại không giống nhau!

Xương Văn còn có thêm Thái hậu, có ta, có Càn Hưng, có bá quan văn võ một mực trung thành, làm sao có thể giống hắn được. Ta thở dài, ly rượu vừa nhấp trên môi trở nên đắng ngắt, khẽ hỏi:

- Thiên Sách Vương, thần có câu hỏi này hơi mạo muội, mong ngài đừng trách phạt!

Xương Ngập khẽ gật đầu:

- Cứ nói!

Ta khẽ chạm vào chén rượu của mình, điểm qua một lần nữa câu hỏi rồi mới mở lời:

- Hiện tại, nguyện ước lớn nhất của người là gì?

Xương Ngập nhìn ta, ánh trăng đã bị một chút mây che phủ, ta không thấy rõ đôi mắt, không đoán được hắn đang nghĩ gì. Một lúc lâu sau Xương Ngập mới lên tiếng:

- Con trai trưởng của ta tên là Ngô Xương Tỷ, trước đây vì chạy loạn nên phải gửi gắm nơi cửa Phật, hiện giờ cũng không biết đang lưu lạc ở phương nào. Nếu có thể chỉ muốn gặp mặt một lần nữa để xem nó sống có tốt hay không.

Nói xong liền đứng dậy loạng choạng rời đi, ta nhìn theo bóng lưng đơn độc của hắn, cảm thấy mình chưa thật sự hiểu hết về con người này. Một cơn gió mát lành thổi đến, len lỏi khắp cơ thể, cảm giác thật dễ chịu. Ngô Chân Lưu, không uổng công ngươi nhường lời ước lại cho cha của mình. Giữa lúc đã đạt được mọi thứ quyền lực, ông ấy cũng chưa bao giờ quên ngươi.

Từ bây giờ, ta bắt đầu mường tượng ra được những việc cần làm tiếp theo.

Đầu tiên ta thảo một sớ văn rất dài, nói về mối liên hệ và sự cấp thiết của việc truyền bá đạo Phật đi kèm với công cuộc dựng nước. Sau đó ta dâng sớ lên Nam Tấn Vương lẫn Thiên Sách Vương. Hai vị Vương sau khi đọc xong lập tức triệu ta lên buổi thiết triều để phân tích về việc này. Hầu hết các vị quan đều đồng thuận với cao kiến của ta sau một hồi thảo luận. Tiếp đó ta nêu ra việc chủ chốt trước mắt là phải cử một vị sứ giả đi tìm hiểu về đạo Phật trong dân chúng, đến các ngôi chùa nổi danh thời bấy giờ, tìm gặp các vị cao tăng am hiểu sâu sắc về Phật pháp. Đương nhiên ta cũng đứng ra nhận luôn trách nhiệm làm vị sứ giả quan trọng đó. Thiên Sách Vương ân chuẩn ngay cho ta, Nam Tấn Vương sau một hồi chần chừ cũng đã chấp thuận.

Khó khăn tiếp theo là thuyết phục Thái hậu cho phép ta lên đường. Mẫu hậu quả nhiên phản đối rất gay gắt. Người nêu ra những khó khăn trở ngại ta sẽ gặp phải trên đường, người nói ta vẫn chưa đủ trưởng thành, người sợ ta không có ai chăm sóc. Ta cười giả lả cố gắng trấn an mẫu hậu, sau đó nhấn mạnh vào việc truyền bá đạo Phật quan trọng như thế nào đối với hai vị Vương. Thái hậu cau mày:

- Nhưng tại sao vị sứ giả đó lại phải là con?

- Bởi vì vi thần là người đã nghĩ ra và tấu trình lên việc này, thần sẽ là người thực hiện nó tốt nhất. - Mẫu hậu yên lặng suy nghĩ, ta nói thêm. - Thái hậu, thần thật sự đã trưởng thành rồi! Nam Tấn Vương cũng sẽ cử rất nhiều cao thủ đi theo bảo vệ cho thần!

- Đối với mẫu hậu, chưa yên bề gia thất tức là con vẫn chưa trưởng thành. - Thái hậu nghiêm khắc nói.

Ta cười, chớp lấy cơ hội:

- Mẫu hậu, con hứa với người sau chuyến đi này, khi trở về cung, con sẽ suy nghĩ về việc thành gia lập thất.

Thái hậu mắt sáng rỡ:

- Nam Hưng, con nói thật sao?

- Quân tử nhất ngôn, vi thần đã hứa với mẫu hậu thì đương nhiên sẽ làm.

Nhờ thế Thái hậu mới gật đầu ân chuẩn cho ta. Ta có phần háo hức lập tức trở về cung chuẩn bị lên đường. Mẫu hậu à, thật có lỗi với người, khi con trở về e là thảm kịch đầu độc sẽ xảy ra, lúc đó sợ rằng muốn nghĩ đến chuyện hôn sự cũng hơi khó!

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.