Cuối cùng thì cũng có thể lên đường, Thiên Sách Vương cử năm người tinh
thông võ nghệ, một người hầu cận đi theo bảo hộ cho ta. Ta liếc đội quân phía trước và phía sau, len lén thở dài sau đó thúc ngựa phóng đi.
Cảm giác phi ngựa qua những con đường thành quách mấp mô, cánh đồng thảo
nguyên bao la, những rừng cây cao vút, đồi núi quanh co, thật không ngờ
lại thú vị đến vậy. Giờ ta đã hiểu vì sao các bậc anh hùng lại thích
hành tẩu giang hồ, đại huynh tại sao lại suốt ngày bôn ba khắp nơi. Thì
ra cảm giác phiêu diêu tự tại chính là đây.
Hiện tại đang là mùa
thu năm Nhâm Tý, ta cũng không có gì phải vội, vui vẻ kết hợp giữa công
việc sứ giả được giao cùng với tận hưởng những tháng ngày rong chơi dưới dương gian. Chỉ có điều mang theo tận sáu người hộ tống hình như hơi
phiền, ta cũng không thể thoải mái cưỡi ngựa thưởng ngoạn cảnh đẹp hay
nếm thử tất cả các món ăn ngon ở những vùng ta đặt chân đến.
Nơi đầu tiên ta muốn đến đương nhiên là Khai Quốc Tự, nơi Ngô Chân Lưu từng thọ giới cụ túc với thiền sư Vân Phong.
Một hộ vệ mặt mũi khá sáng sủa, nghe ta nói muốn đến chùa Khai Quốc trước tiên vội lên tiếng ngăn cản:
- Chủ tử, tiểu nhân trộm nghĩ, hiện giờ nơi tập trung đông đảo chùa chiền nhất chính là thành Luy Lâu vùng Vũ Ninh. Tại sao chúng ta không đến đó trước rồi lại vòng về Đại La sau?
Ta nhìn hắn một lát rồi nhẹ nhàng hỏi:
- Ngươi tên gì?
Hắn hơi ngỡ ngàng sau đó dõng dạc trả lời:
- Tiểu nhân tên Phùng Tứ, là đội trưởng đội hộ vệ số năm.
Ta gật gù, cân nhắc về việc giữ hắn lại bên cạnh, phân tích cho hắn hiểu:
- Chính vì thành Luy Lâu là nơi tập trung các ngôi chùa, sẽ cần rất nhiều thời gian ở đó nên ta chọn Vũ Ninh là vùng cuối cùng chúng ta đặt chân
đến.
Phùng Tứ hiểu ý ta, thôi không thắc mắc, ra lệnh cho đội hộ
vệ lên đường theo chỉ đạo. Bọn ta cưỡi ngựa đến chùa Khai Quốc khi trời
đã nhá nhem tối, ta một mình vào chùa mang theo bức thư của Thiên Sách
Vương, diện kiến thiền sư Vân Phong. Sau đó ta sai người tìm một khách
điếm phía ngoài để nghỉ ngơi, tránh ảnh hưởng đến sự thanh tịnh của
chùa. Sáng hôm sau, ta dậy sớm để vào chùa, chỉ mang theo hai người hộ
vệ. Ta tự xưng mình là Tam Hưng, đơn thuần là sứ giả của triều đình để
tránh tai mắt không đáng có. Ta dành cả buổi sáng đàm đạo với thiền sư
Vân Phong về Phật pháp, hỏi người một số vấn đề liên quan đến việc
thuyết giáo, việc truyền bá đạo Phật trong dân chúng. Ba chúng ta được
mời bữa cơm chay đạm bạc nhưng rất ngon miệng. Buổi chiều, ta mang theo
một người hộ vệ có vẻ ít nói và kín tiếng nhất trong đám tên là Hải
Bình, đi dạo trong thành Đại La. Sau khi nếm đủ mọi món ngon mà ta nhìn
thấy trên đường, đi đến mọi hang cùng ngõ hẻm thành Đại La, mặt trời đã
dần khuất sau núi, ta quay sang hỏi tên hộ vệ vẫn yên lặng từ đầu buổi
đến giờ:
- Hải Bình, theo ngươi, buổi chiều hôm nay chúng ta rút ra được kết luận gì?
Tên hộ vệ gãi đầu gãi tai, thật thà nói:
- Chủ tử, tiểu nhân nói thật mong ngài đừng giận. Suốt buổi chiều nay,
tiểu nhân chỉ biết được là mấy món ăn ven đường dù rẻ tiền nhưng rất
ngon, các món thịt và cá ở quán ăn đông khách nhất thành đều hơi mặn.
Các con phố, ngõ hẻm toàn là mùi của ngũ tạng động vật, lông gà lông vịt rải khắp nơi…
Ta gật gù hài lòng, không uổng công tin tưởng mang hắn đi theo, những người ít lời thường có mắt quan sát rất tốt.
Hôm sau, ta dành cả ngày để nghiên cứu về kiến trúc và cách bố trí sắp xếp
của ngôi chùa. Thiền sư Vân Phong bận giảng đạo cả ngày nên ta cũng
không muốn làm phiền. Ta có ghé qua pháp đường một lát, thấy thiền sư
đang rất tập trung vào bài giảng, phía dưới chủ yếu là các vị tăng ni và chú tiểu chăm chú lắng nghe, có rất ít Phật tử là dân thường. Buổi tối, ta thảo ngay một bức thư báo lại tình hình để gửi về Cổ Loa. Đại khái
trong thư kể lại sự xuống cấp cần phải tu bổ của một số nơi trong chùa
Khai Quốc. Tiếp đó ta nói về phương pháp giảng dạy và truyền bá kinh
pháp của nhà chùa. Sau cùng ta nói về việc người dân vẫn chưa thực sự
chú ý lắm đến đạo Phật, vẫn giữ thói quen ăn mặn và giết mổ động vật
tràn lan.
Hôm sau ta xin phép thiền sư Vân Phong được nghiên cứu
các loại sách về Phật giáo đang được lưu trữ tại chùa. Thiền sư lập tức
sai một vị tăng ni dẫn ta đến nhà kho lưu sách. Ta xem xét mấy cuốn sách quý, cảm thấy nếu có thể chép lại chúng để lưu truyền cho muôn đời sau
thì thật tốt. Một lúc ta vô tình hỏi thăm về nhà sư Ngô Chân Lưu, vị
tăng ni kia liền trả lời:
- Thưa thí chủ, nhà sư Ngô Chân Lưu
trước đây đúng là có thọ giới cụ túc tại chùa này. Sau đó, thiền sư Vân
Phong đã cho phép thầy đi tham vấn Thiền học ở khắp nơi. Hiện thầy đang
ngụ tại nơi nào thì không ai biết được.
Ta khẽ thở dài, xem ra đúng là phải tự mình đi tìm thật.
Quá trưa, ta sai một người hộ vệ mang bức thư ta soạn lúc tối về thành Cổ
Loa, còn lại sáu người chúng ta từ biệt thiền sư Vân Phong cùng các tăng ni chùa Khai Quốc, tiếp tục lên đường.
Chúng ta tiến về phía
Nam, bắt gặp bất cứ chùa chiền hay miếu hoang, am tự nào cũng dừng lại
quan sát. Ta tập hợp rồi viết thư tay, sai một người hộ vệ mang về kinh
thành. Chẳng mấy chốc đội quân sáu người ban đầu chỉ còn lại hai, tên
hầu cận vướng víu chân tay cũng đã bị ta sai mang thư về, chỉ giữ lại
Phùng Tứ nhanh nhẹn, hiểu biết và Hải Bình trầm lặng, hay quan sát. Trên đường đi gặp khá nhiều gian truân, bị cướp chặn trong hẻm núi, bị kẻ
gian trộm mất túi tiền. Cũng may mấy người hộ vệ đều có võ nghệ cao
cường, còn ta nhanh ý chia nhỏ số tiền mang theo, phát cho mỗi người một túi dắt ở lưng quần, mất túi này còn có túi khác mà dùng.
Khi ta khăng khăng tiến về phía Hoa Lư, Phùng Tứ ngăn cản mãi không được đành
phải nghe theo. Ta biết đây là địa phận của người họ Đinh mà Thiên Sách
Vương và Nam Tấn Vương đã từng đích thân đi dẹp loạn nhưng thất bại. Chỗ này địa hình núi non hiểm trở, rất thích hợp cho bọn sơn tặc làm địa
bàn lâu dài. Nhưng biết đâu được Ngô Chân Lưu đang lưu lạc tại chốn này, có ai lại đi cướp tiền và gây khó dễ cho một nhà sư nghèo khổ đang đi
khất thực bao giờ. Chúng ta đến đền Đông Hội và ở lại một ngày, vẫn
không thấy tung tích của Ngô Chân Lưu. Trên đường đi và về may mắn không gặp phải thổ phỉ, xem ra người họ Đinh đó cai quản vùng đất này không
tệ. Không cần Phùng Tứ và Hải Bình ngăn cản, ta cũng không có ý định đi
sâu vào các vùng loạn lạc Ái Châu và Hoan Châu làm gì. Ba người chúng ta thúc ngựa quay lại, thẳng tiến đến thành Luy Lâu ở vùng Vũ Ninh. Lúc
này thời tiết đã sang đông, gió rét căm căm, cưỡi ngựa chạy liên tục
trên đường đúng là cơn ác mộng. Cuộc hành trình nhiều lúc phải dừng lại
do thời tiết quá khắc nghiệt, thành ra khi đến được thành Luy Lâu, cũng
đã là cuối năm, sắp sửa bước sang năm mới, năm Quý Sửu.
Đến thành Luy Lâu thì đã nhá nhem tối, trời đang mưa rả rích, lạnh đến thấu
xương. Bọn ta dừng lại trước một quán ăn có vẻ đông khách. Ta run lẩy
bẩy đưa nón, áo tơi và ngựa cho Phùng Tứ, sai Hải Bình đi kiếm một khách điếm để thuê phòng trọ. Bước vào quán ăn, cảm giác ấm áp lùa vào mọi
ngóc ngách cơ thể, ta mang đôi giày ướt sũng lê bước đến một bàn trống
phía góc trong cùng, Phùng Tứ vừa vào liền vội vàng đi gọi món. Chợt một tên thiếu niên to béo ở dãy bàn giữa đứng bật dậy, va vào người làm ta
suýt ngã. Gã liếc ta một cái rồi lật đật đi mất. Ta có cảm giác chuyện
gì đó không đúng vừa xảy ra, định quay lại gọi Phùng Tứ thì nhìn thấy
một vị công tử đang đạp cho gã béo một cước ngã lăn ra đất. Vị công tử
đó nói:
- Tiểu tử, ngươi quên gì kìa?
Sau đó lấy từ trong người hắn ra một bọc tiền quen thuộc, ném về phía ta:
- Ngươi quên trả lại tiền cho công tử đây rồi!
Ta tóm lấy bọc tiền, đầu óc mịt mờ âm u. Đây là bọc tiền duy nhất còn lại
của ba người chúng ta, nếu để mất không biết sẽ phải sống thế nào trong
những ngày sắp tới. Phùng Tứ đã quay lại, kịp hiểu sự việc, túm lấy gã
thiếu niên đó và sắp sửa cho hắn một trận. Ta lên tiếng ngăn cản:
- Phùng Tứ, chỉ là một gã thiếu niên mới lớn chưa biết suy nghĩ, tha cho nó.
Phùng Tứ nghe lời ta, đá cho gã đó một cú lăn cù ra cửa, quát lên:
- Cút! Đừng có để chủ tử ta nhìn thấy mặt một lần nữa.
Chủ quán và bọn tiểu nhị chạy đến, rối rít xin lỗi. Ta xua xua tay, không
có ý làm to chuyện, bọn họ liền lập tức lui về quầy. Lúc này mới có dịp
nhìn đến vị ân nhân của ta, mắt phượng mày ngài, dáng thanh cao mặc một
bộ đồ màu xanh lam nhạt làm tôn lên nước da trắng trẻo, tóc được búi lại gọn gàng ở trên đầu, trong đáy mắt thấp thoáng một tia vui vẻ, khí chất không tệ. Ta lên tiếng:
- Đa tạ vị công tử đã ra tay nghĩa hiệp. Xin được mạn phép hỏi quý danh cùng chỗ ở, sau này có dịp nhất định sẽ trả ơn.
Hắn cười:
- Vị huynh đệ này không cần khách sáo. Ta chỉ thấy chuyện bất bình giữa đường không thể làm ngơ, không dám nhận là ơn huệ.
Ta liếc thấy hắn đang ngồi một mình, vui vẻ nói:
- Nếu công tử không chê, xin mời dùng bữa cùng thầy trò chúng tôi, chỉ là vài món ăn đạm bạc, thêm người thêm ngon miệng.
- Công tử đã có lòng, ta sẽ không khách sáo.
Sau đó tự nhiên như đã thân quen từ lâu, chúng ta tiến lại bàn và ngồi
xuống đối diện nhau. Hải Bình cũng vừa về, đồ ăn và rượu nhanh chóng
được dọn ra. Ta vốn là người không câu nệ lễ nghĩa, Phùng Tứ cùng Hải
Bình đi theo ta lâu cũng hiểu được. Hai người bọn họ cắm cúi ăn uống, ta và vị công tử kia thong thả vừa ăn vừa trò chuyện. Người đó tên là Đại
Thiên, vốn là người ở thành Đại La, đang đi chu du khắp thiên hạ. Ta
cũng chỉ nói qua là chủ tớ bọn ta đang đi công chuyện cho người nhà.
Sau bữa ăn, chúng ta cáo biệt nhau ở trước cửa quán, hẹn ngày tái ngộ. Ta
nhìn những hạt mưa bay bay rơi xuống chiếc ô màu tím của hắn, nhìn những bước chân tiêu sái như không hề nhiễm bụi trần, trong lòng bỗng quặn
lên một cái. Ta lên tiếng gọi:
- Hải Bình.
Hải Bình hiểu ý, đội nón, che áo tơi cho ta sau đó thấp giọng nói:
- Chủ tử, người này lai lịch không rõ ràng, khí chất lại phi phàm, chắc
hẳn có xuất thân không tầm thường. Nếu có gặp lại, chủ tử nên cẩn trọng.
Ta gật đầu, rất giống ý ta. Sau đó Phùng Tứ mang ngựa đến, ba người chúng ta cưỡi ngựa trong mưa, trở về khách điếm.
Tối hôm đó, ta có một giấc mơ. Ta mơ thấy lúc ta còn nhỏ khoảng năm ngàn
tuổi, đang ở tại cung của mẹ nuôi trên Thiên Đình. Một ngày ta gặp một
cậu bé trạc tuổi, tóc đen hơn tóc mẹ Mai Ly, mắt phượng sắc sảo, da
trắng hơn da ta, miệng cười sáng hơn cả ánh dương phía sau cậu ấy. Trước đến giờ ta đã tưởng anh hai Huy Ly là người con trai đẹp nhất trên thế
gian, không ngờ còn có người đẹp hơn anh ấy rất rất nhiều. Cậu bé đó
cười rạng rỡ nắm lấy tay ta:
- Tiểu Thiên, ta có thể chơi cùng muội không?
Ta cứ cười một cách ngây ngốc để yên cho cậu ấy nắm tay lôi đi.
Sáng mai tỉnh dậy, nụ cười ngây ngốc vẫn đang đọng lại trên môi, ta đang
thẫn thờ ngồi nhớ lại giấc mơ thì có tiếng Phùng Tứ khẽ gọi bên ngoài.
Ta vội chuẩn bị mọi thứ để tiếp tục lên đường. Trời còn giá lạnh nhưng
không mưa nữa, ta nhìn bầu trời vẫn còn xám xịt nhưng khô ráo, tâm trạng thật tốt, có cảm giác hôm nay sẽ gặp được chuyện vui.
Quả nhiên, khi ba người chúng ta dừng ngựa trước cửa chùa Pháp Vân, gặp được một lúc hai người quen.